YÊU THƯƠNG TRÂN QUÝ BẢO VỆ
N |
ếu có dịp hành hương Assisi quê hương của thánh Phanxicô,
chúng ta có thể kính viếng hài cốt của thánh nhân dưới hầm Vương Cung Thánh Đường
bên dưới, cũng như nhà thờ thánh Damiano, là nơi có thánh giá Chúa Giêsu đã nói
chuyện với thánh nhân năm 1205, mời gọi ngài tu sửa nhà thờ bị hư hại này –
nhưng cũng ám chỉ ơn gọi của thánh nhân là canh tân Giáo Hội đang rất sa sút thời
bấy giờ. Năm sau đó 1206 Phanxicô bỏ gia đình đi theo tiếng Chúa gọi, và bắt đầu
tu sửa nhà thờ thánh Damiano. Năm 1212 sau khi nhận bạn gái là chị Clara muốn sống
đời tận hiến theo tinh thần của mình, thánh Phanxicô cho chị Clara và các nữ tu
đầu tiên tới sống trong tu viện sát cạnh nhà thờ thánh Damiano. Năm 1225 thánh
Phanxicô bị đau mắt hầu như bị mù nên đến tu viện này để cho các nữ tu săn sóc.
Và chính tại đây ngài đã sáng tác bài ca Tạo Vật “Laudato si” được Đức Thánh
Cha Phanxicô lấy làm tựa để cho Thông Điệp thứ hai công bố ngày 24-5-2015.
Từ thập niên 1980 đến nay tàn phá thiên nhiên và ô nhiễm
môi sinh là thực tại ngày càng trầm trọng đe dọa chính sự sống còn của con người,
vì chúng kéo theo các hậu quả tai hại khiến cho khí hậu thay đổi và gây ra rất
nhiều tai ương thiên nhiên như hạn hán, mất mùa, mưa lũ, lụt lội, cháy rừng, sạt
lở vv. Các vụ cháy rừng trong mấy tháng liên tiếp năm 2019 bên Úc đã tàn phá 16
triệu 800 ngàn mẫu rừng, khiến cho hàng trăm người chết, hàng ngàn gia cư ra
tro và 3 tỷ thú vật bị thiêu sống. Tại Trunq Quốc các trận mưa lũ, bão quét
liên tục kéo dài từ tháng 6 cho tới cuối năm 2020 đã gây ra cảnh lụt lội, vỡ
đê, núi sạt lở, khiến cho hàng ngàn người thiệt mạng hay mất tích, hàng trăm
làng mạc và thành thị bị chìm ngập, biết bao nhà cửa, xe cộ và dinh thự bị nước cuốn trôi hay làm hư hại nặng,
và hàng chục triệu người phải lâm cảnh màn trời chiếu đất. Thế rồi lại còn có cảnh
núi lửa, động đất, vòi rồng... Hiện tượng trái đất bị hâm nóng khiến cho thời
tiết thay đổi ảnh hưởng trên thiên nhiên, mùa màng cũng như các sinh hoạt và sức
khỏe của hàng trăm triệu người đó đây trên thế giới.
Trước các tai ương thiên nhiên liên tục xảy đến và một phần
lớn là do chính con người gây ra đó, Thông Điệp Laudato si của Đức Thánh Cha thời
sự hơn bao giờ hết. Laudato sí nêu lên vấn nạn nghiêm trọng sau đây: “Chúng ta
muốn để lại cho các thể hệ tương lại một thế giới như thế nào? Phải làm gì để
săn sóc căn nhà chung của chúng ta?”. Nhưng câu hỏi này không chỉ liên quan tới
môi sinh, mà còn hệ lụy tới ý nghĩa cuộc sống, những giá trị căn bản, cung cách
tổ chức đời sống xã hội thế nào để duy trì bảo vệ môi sinh và cuộc sống nhân loại
nữa.
Trái đất không chỉ là căn nhà chung, mà còn là mẹ, là chị
tiếp nhận chúng ta, và cung cấp các chất liệu cấu tạo nên bản thể con người. Nhưng giờ đây trái đất bị
ngược đãi, cướp phá khai thác tàn tệ không thương tiếc và đang kêu than rên siết.
Sự sống còn của trái đất cũng là sự sống còn của toàn gia đình nhân loại, vì thế
mọi người đều phải hoán cải trở về với môi sinh, và có bổn phận tôn trọng, trân
quý, bảo vệ môi sinh và cùng với tất cả mọi người tìm ra các phương thế cứu vãn
môi sinh.
Lộ trình nội dung Thông Điệp Laudato si gồm 6 chương.
1. Lắng
nghe tình trạng, dựa trên những thủ đắc khoa học tốt nhất ngày nay (ch. 1).
2. Đối chiếu
với Kinh Thánh và truyền thống Do thái - Kitô (ch. 2).
3. Nêu nêu
rõ căn cội của các vấn đề trong thời đại kỹ thuật làm chủ và trong thái độ co cụm
thái quá tự tham chiếu của con người (ch. 3).
4. Chủ
trương của Thông điệp là một 'nền môi sinh học toàn diện, bao gồm rõ rệt các
chiều kích nhân bản và xã hội” (137), gắn chặt với vấn đề môi trường (ch. 4).
5. Trong
viễn tượng ấy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề nghị khởi sự một cuộc đối thoại chân
thành trên mọi bình diện của đời sống xã hội, kinh tế và chính trị, cuộc đối
thoại này cơ cấu hóa các tiến trình quyết định minh bạch (ch. 5).
6. Và
ngài nhắc nhở rằng không dự phóng nào có thể hữu hiệu, nếu không được linh hoạt
nhờ một lương tâm được huấn luyện và có tinh thần trách nhiệm. Đức Giáo Hoàng đề
nghị những điểm để tăng trưởng trong chiều hướng này trên bình diện giáo dục,
tu đức, Giáo Hội, chính trị và thần học (ch. 6).
Thông điệp kết thúc với 2 kinh nguyện:
-
một
được trình bày để chia sẻ với tất cả những người tin nơi ”Một Thiên Chúa Sáng Tạo
và là Cha” (246),
-
một
được đề ra cho những người tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô, theo nhịp
điệp khúc ”Laudato sí” khởi đầu và kết thúc Thông Điệp.
Thông Điệp được một số chủ đề hướng dẫn và được cứu xét
dưới những viễn tượng khác nhau, mang lại cho nó một sự nhất thống vững mạnh:
-
Quan
hệ thâm sâu giữa những người nghèo và sự mong manh của trái đất;
-
Xác
tín rằng mọi sự trên trái đất có liên hệ mật thiết với nhau;
-
Việc
phê bình mô hình mới và những hình thức quyền lực xuất phát từ kỹ thuật;
-
Lời
mời gọi tìm kiếm những cách thức khác để hiểu kinh tế và tiến bộ; giá trị riêng
của mỗi thụ tạo;
-
Ý
nghĩa nhân bản của môi sinh học;
-
Sự cần
thiết phải có những cuộc thảo luận chân thành và ngay thẳng;
-
Trách
nhiệm hệ trọng của chính trị quốc tế và địa phương;
-
Nền
văn hóa gạt bỏ và đề nghị một lối sống mới”.
Chương
I: Những gì đang xảy ra cho nhà chúng ta
Chương này tóm lược những thủ đắc khoa học mới nhất về
môi trường như một cách thức để lắng nghe tiếng kêu của thiên nhiên, ”biến những
gì xảy ra cho thế giới thành đau khổ đang xảy ra cho bản thân mình, và như thế
nhìn nhận đâu là sự đóng góp mà mỗi người có thể mang lại” (19).
Thông Điệp đề cập đến các khía cạnh khác nhau của cuộc khủng
hoảng môi trường hiện nay (15).
- Những thay đổi khí hậu như là một vấn đề hoàn cầu với
những hệ lụy trầm trọng về môi trường, xã hội, kinh tế, phân phối và chính trị,
và chúng là một trong những thách đố chính hiện nay đối với nhân loại (25). Nếu
khí hậu là một thiện ích chung của tất cả và cho tất cả mọi người (23), thì ảnh
hưởng nặng nề nhất của sự thay đổi khí hậu đè nặng trên những người nghèo nhất,
nhưng nhiều người có nhiều tài nguyên và quyền lực kinh tế hoặc chính trị hơn,
dường như chỉ chú tâm tới việc che đậy vấn đề hoặc dấu nhẹm những triệu chứng của
sự thay đổi khí hậu (26). Việc thiếu phản ứng đứng trước những thảm trạng ấy của
anh chị em chúng ta là một dấu hiệu cho thấy có sự mất ý thức trách nhiệm đối với
những người đồng loại của chúng ta, trách nhiệm này vốn là nền tảng của mọi xã
hội dân sự (25).
- Vấn đề nước uống: Đức Giáo Hoàng khẳng định rõ ràng rằng
”có được nước uống an toàn là một nhân quyền thiết yếu, cơ bản và của tất cả mọi
người, vì nó ảnh hưởng tới sự sống còn của con người và vì thế, đây là điều kiện
để thực thi các nhân quyền khác”. Tước bỏ quyền của người nghèo được nước uống
có nghĩa là ”phủ nhận quyền sống vốn bắt nguồn từ chính phẩm giá bất khả nhượng
của họ” (30).
- Bảo vệ sự đa dạng sinh vật (biodiversità): ”Mỗi năm có
hàng ngàn loại thực vật và động vật biến mất mà chúng ta không có thể biết
chúng nữa, các con cháu chúng ta không thể thấy chúng nữa, chúng biến mất vĩnh
viễn” (33). Không những chúng là những ”tài nguyên” có thể khai thác được,
nhưng còn có giá trị tự mình. Trong viễn tượng đó ”thật là đáng ca ngợi và ngưỡng
mộ những cố gắng của các nhà khoa học và kỹ thuật tìm cách giải quyết các vấn đề
do con người gây ra”, nhưng sự can thiệp của con người, khi nó nhắm phục vụ cho
tài chánh và sự tiêu thụ, thì ”làm cho trái đất nơi chúng ta sinh sống bớt
phung phú và tươi đẹp hơn, ngày càng giới hạn và u ám hơn” (34).
- Món nợ môi sinh: trong khuôn khổ một nền luân lý đạo đức
về các quan hệ quốc tế, Thông điệp của Đức Giáo Hoàng cho thấy có ”một món nợ về
môi sinh” (51), nhất là món nợ của các nước giầu đối với những nước nghèo trên
thế giới. Đứng trước những thay đổi khí hậu, có ”những trách nhiệm khác nhau”
(52), nhưng các nước phát triền có trách nhiệm lớn hơn.
- Ý thức về những khác biệt sâu xa về các vấn đề này, Đức
Giáo Hoàng Phanxicô tỏ ra rất ngạc nhiên vì ”chỉ có những phản ứng yếu ớt” trước
những thảm trạng của bao nhiêu con người và dân tộc. Mặc dù không thiếu những
ví dụ tích cực (58), nhưng Thông Điệp tố giác ”một thái độ thiếu nhạy cảm và một
thứ vô trách nhiệm thiếu suy xét” (59). Thiếu một nền văn hóa thích hợp (53) và
sự sẵn sàng thay đổi lối sống, sản xuất và tiêu thụ (59), trong khi đó cần cấp
thiết ”kiến tạo một hệ thống qui phạm (..) bảo đảm cho hệ thống môi sinh” (53).
Chương
II - Tin Mừng về sự sáng tạo
Để đương đầu với những vấn đề được trình bày trong chương
thứ I, Đức Giáo Hoàng Phanxico đọc lại các trình thuật Kinh Thánh, và trình bày
một cái nhìn toàn diện đến từ truyền thống Do thái - Kitô và nêu rõ ”trách nhiệm
lớn lao” (90) của con người đối với thiên nhiên, mối liên hệ thâm sâu giữa tất
cả các loài thụ tạo và sự kiện ”môi sinh là một thiện ích chung, là gia sản của
toàn thể nhân loại và là trách nhiệm của mọi người” (95).
Trong Kinh thánh, ”Thiên Chúa giải thoát và cứu vớt cũng
là Đấng đã tạo dựng vũ trụ.. [...] nơi Ngài, lòng quí mến và sức mạnh liên kết
với nhau” (73). Ở vị thế trung tâm là trình thuật về sự sáng tạo giúp suy tư về
tương quan giữa con người và các loài thụ tạo khác, và cho thấy tội lỗi phá vỡ
sự quân bình của toàn thể thiên nhiên nói chung: ”Các trình thuật này gợi ý về
”Cuộc sống con người dựa trên 3 tương quan căn bản có liên hệ mật thiết với
nhau: tương quan với Thiên Chúa, tương quan với tha nhân và tương quan với trái
đất”.
Theo Thánh Kinh, 3 tương quan sinh tử này bị cắt đứt,
không những bên ngoài, nhưng cả bên trong chúng ta nữa. Sự tan vỡ ấy chính là tội
lỗi” (66). Vì thế, cho dù ”đôi khi các tín hữu Kitô đã giải thích Kinh Thánh
không đúng, nhưng ngày nay chúng ta phải mạnh mẽ phủ nhận rằng từ sự kiện được
dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và từ mệnh lệnh thống trị trái đất, người ta
có thể biện minh cho một sự thống trị tuyệt đối trên các loài thụ tạo” (67).
Loài người có trách nhiệm ”vun trồng và gìn giữ” ngôi vườn
thế giới (Xc St 2,15), vì biết rằng ”mục đích chung kết của các loài thụ tạo
khác không phải là chúng ta. Trái lại tất cả tiến bước, cùng với chúng ta và
qua chúng ta, hướng về một mục tiêu chung, là Thiên Chúa” (83). Sự kiện con người
không phải là chủ tể của vũ trụ, ”không có nghĩa là mọi sinh vật đều giống như
nhau và tước bỏ giá trị đặc thù của chúng”; và ”cũng không bao hàm sự thần
thánh hóa trái đất, làm cho chúng ta không còn ơn gọi cộng tác và bảo vệ sự
mong manh của trái đất” (90), nhưng ”một tâm tình kết hiệp thâm sâu với các hữu
thể khác trong thiên nhiên, không thể là một tâm tình chân chính, nếu đồng thời
trong tâm hồn không có sự dịu dàng, cảm thông và quan tâm đến con người” (91).
Cần ý thức về một sự hiệp thông đại đồng: ”Được cùng một
Cha dựng nên, tất cả hữu thể của vũ trụ chúng ta được liên kết với nhau bằng những
mối dây vô hình và chúng ta họp thành một thứ gia đình đại đồng, [...] thúc đẩy
chúng ta có thái độ tôn trọng thánh thiêng, yêu thương và khiêm tốn” (89).
Chương này kết thúc điều nòng cốt của mạc khải Kitô giáo: ”Chúa Giêsu trần thế”,
với ”tương quan rất cụ thể và thương yêu của Ngài với thế giới”, đã ”sống lại
vinh hiển, hiện diện trong mọi thụ tạo với quyền chủ tể đại đồng của ngài”
(100)
Chương
III: căn cội sự khủng hoảng môi sinh do con người gây ra
Chương này trình bày một phân tích tình hình hiện nay, ”để
có thể nhận thấy, không những các triệu chứng, nhưng cả những nguyên do sâu xa”
(15), trong một cuộc đối thoại với triết học và các khoa học nhân văn.
Điểm nòng cốt trước tiên của chương III là những suy tư về
kỹ thuật: với lòng biết ơn, nhìn nhận những đóng góp của kỹ thuật giúp cải tiến
các điều kiện sống (102-103), tuy nhiên kỹ thuật ”mang lại một sự thống trị lớn
lao trên toàn thể nhân loại và thế giới cho những người nắm giữ kiến thức kỹ
thuật và nhất là quyền lực kinh tế để khai thác nó” (104).
Chính chủ trương thống trị bằng kỹ thuật đưa tới sự phá hủy
thiên nhiên và khai thác bóc lột con người và các dân tộc yếu thế hơn. ”Mô hình
kỹ thuật trị có xu hướng thực thi việc thống trên cả kinh tế và chính trị”
(109), ngăn cản không cho nhìn nhận rằng ”nguyên thị trường [...] không bảo đảm
sự phát triển toàn diện con người và không làm cho mọi người được hội nhập xã hội”
(109).
Nơi căn cội người ta nhận thấy trong thời đại tân tiến
ngày nay một chủ trương quy hướng vào con người thái quá (116): con người không
còn nhìn nhận vị thế đúng đắn của mình so với thế giới và tự tham chiếu nữa, mà
chỉ qui hướng mọi sự về mình và quyền lực của mình. Từ đó nảy sinh chủ trương
”sử dụng rồi vứt bỏ” biện minh cho mọi thứ gạt bỏ, dù là môi trường hay con người,
đối xử với tha nhân và thiên nhiên như những đồ vật, và dẫn tới vô số những
hình thức thống trị.
Đó là thứ chủ trương dẫn tới sự khai thác trẻ em, bỏ rơi
người già, biến những người khác thành nô lệ, đánh giá quá cao khả năng của thị
trường tự điều khiển, thực hành việc buôn người, buôn bán da thú vật đang trên
đường bị triệt tiêu và ”những kim cương đẫm máu”.
Đó cũng chính là chủ trương của nhiều tổ chức bất lương
mafia, buôn bán cơ phận con người, những kẻ buôn bán ma túy và gạt bỏ các thai
nhi vì chúng không đáp ứng các dự phóng của cha mẹ (123).
Dưới ánh sáng ấy, Thông Điệp cứu xét hai vấn đề nghiêm trọng
đối với thế giới ngày nay. Trước tiên là lao công: ”Trong bất kỳ sự áp dụng nền
môi sinh học toàn diện nào, không loại trừ con người, điều tối cần thiết là phải
nhìn nhận giá trị lao công' (124), và nhìn nhận rằng ”từ khước không đầu tư vào
con người, để được lợi nhuận ngay tức khắc, đó thực là một lối kinh doanh tệ hại
nhất cho xã hội” (128).
Vấn đề thứ hai liên quan đến những giới hạn của tiến bộ
khoa học, cụ thể là những thực phẩm biến thái hệ di truyền, gọi tắt là OGM
(132-136), đây là ”một vấn đề phức tạp” (135). Mặc dù ”tại một số vùng, việc sử
dụng loại thực phẩm này đã làm tăng trưởng kinh tế, góp phần giải quyết một số
vấn đề, nhưng người ta gặp những khó khăn lớn không thể coi thường” (134), bắt
đầu từ sự ”tập trung đất đai canh tác vào tay một thiểu số người” (134).
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đặc biệt nghĩ đến các nhà sản xuất
nhỏ và các công nhân ở miền quê, sự đa sạng sinh học, các hệ thống môi sinh
(ecosistemi). Vì thế cần ”có một cuộc thảo luận khoa học và xã hội theo tinh thần
trách nhiệm và có tính chất rộng rãi, có thể cứu xét tất cả thông tin hiện có
và gọi đích danh sự vật” từ ”những đường hướng nghiên cứu độc lập và liên
ngành” (135)
Chương
IV: Môi sinh học toàn diện
Trọng tâm đề nghị của Thông Điệp là một nền môi sinh học
toàn diện như một mô hình công lý: một nền môi sinh học ”hội nhập chỗ đứng đặc
biệt của con người trong thế giới này và tương quan của con người với thực tại
xung quanh” (15). Thực vậy, chúng ta không thể coi thiên nhiên như cái gì tách
biệt khỏi chúng ta hay như một cái khung cho đời sống chúng ta” (139). Điều này
có giá trị vì chúng ta sống trong các lãnh vực kinh tế và chính trị khác nhau,
trong các nền văn hóa khác nhau, đặc biệt trong những nền văn hóa bị đe dọa nhất,
và thậm chí trong mọi lúc đời sống thường nhật của chúng ta. Viễn tượng toàn diện
cũng đòi một nền môi sinh học về các cơ chế: ”Nếu mọi sự đều có liên hệ với
nhau, thì tình trạng sức khỏe của các cơ chế trong một xã hội cũng có những ảnh
hưởng đối với môi trường và tới phẩm chất cuộc sống con người: ”Những gì làm
thương tổn tình liên đới và tình thân hữu của dân chúng cũng đều gây hại cho
môi trường” (142).
Với nhiều thí dụ cụ thể, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lập lại
tư tưởng của ngài, đó là có một liên hệ giữa các vấn đề môi sinh và các vấn đề
xã hội và con người mà không bao giờ người ta có thể phá vỡ. Vì thế, ”việc phân
tích các vấn đề môi trường không thể tách rời khỏi việc phân tích các bối cảnh
nhân bản, gia đình, lao động, thành thị, và tách khỏi tương quan của mỗi người
với chính mình' (141), xét vì ”không có hai cuộc khủng hoảng riêng rẽ, một cuộc
khủng hoảng môi trường và một cuộc khủng hoảng xã hội, nhưng chỉ có một cuộc khủng
hoảng duy nhất và phức tạp về xã hội và môi trường” (139).
Nền môi sinh học toàn diện này ”không thể tách rời khỏi ý
niệm công ích” (156), nhưng phải hiểu một cách cụ thể: trong bối cảnh ngày nay,
trong đó ”có bao nhiêu bất công và ngày càng có nhiều những người bị gạt bỏ,
thiếu các nhân quyền căn bản”, sự dấn thân cho công ích có nghĩa là thực hiện
những chọn lựa liên đới trên căn bản ”sự chọn lựa ưu tiên dành cho những người
nghèo nhất” (158). Đó cũng là cách thức tốt nhất giúp để lại một thế giới lâu bền
cho các thế hệ mai sau, không phải qua những lời tuyên bố, nhưng qua sự dấn
thân săn sóc người nghèo ngày nay, như Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 đã nhấn mạnh:
”ngoài sự liên đới chân thành giữa các thế hệ, còn cần tái khẳng định nhu cầu cấp
thiết về luân lý cần có sự liên đới được canh tân giữa các thế hệ” (162).
Nền môi sinh học toàn diện cũng ảnh hưởng tới đời sống
thường nhật, điều mà Thông Điệp đặc biệt chú ý trong môi trường thành thị. Con
người có khả năng lớn trong việc thích ứng và ”thật là điều đáng ngưỡng mộ óc
sáng tạo và lòng quảng đại của các cá nhân và các nhóm có khả năng gỡ bỏ các giới
hạn của môi trường [...], học cách định hướng cuộc sống của họ giữa sự xáo trộn
và bấp bênh” (148). Tuy nhiên, một sự phát triển chân chính đòi buộc phải cải
tiến toàn diện phẩm chất cuộc sống con người: không gian công cộng, nhà ở,
phương tiện di chuyển, v.v. (150-154). Cả thân xác chúng ta cũng đặt chúng ta
trong tương quan trực tiếp với môi trường và với các sinh vật khác. Sự đón nhận
thân thể mình như hồng ân của Thiên Chúa là điều cần thiết để đón tiếp và chấp
nhận toàn thế giới như món quà của Chúa Cha và như căn nhà chung; trái lại một
chủ trương thống trị trên thân xác mình đang biến thành một thứ thống trị nhiều
khi rất tinh vi” (155).
Chương
V: Một vài đường hướng và hoạt động
Chương này đưa ra câu hỏi thiết thực: chúng ta có thể và
phải làm gì? Nếu chỉ phân tích mà thôi thì không đủ: còn cần phải có những đề
nghị ”đối thoại và hành động đòi buộc có sự can dự của mỗi người, cũng như của
nền chính trị quốc tế” (15) và ”giúp chúng ta ra khỏi cái vòng lẩn quẩn tự hủy
diệt mà chúng ta đang phải đương đầu' (163). Đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, một
điều không thể loại bỏ, đó là làm sao để việc xây dựng những hành trình cụ thể
không được cứu xét như một ý thức hệ, hời hợt hoặc thu hẹp. Vì thế có một điều
không thể thiếu, đó là đối thoại, một từ luôn được nhắc đến trong mỗi phần của
chương này: ”Có những cuộc thảo luận về những vấn đề liên quan đến môi trường,
trong đó thật là khó đạt tới một sự đồng thuận. [....], Giáo Hội không chủ
trương giải quyết các vấn đề khoa học, cũng không thay thế chính trị, nhưng mời
gọi thảo luận chân thành và minh bạch, để những nhu cầu đặc thù hoặc các ý thức
hệ không làm thương tổn công ích” (188).
Trên căn bản đó, Đức Giáo Hoàng Phanxico không sợ đưa ra
một phán đoán nghiêm khắc về những hoạt động quốc tế gần đây: ”Các hội nghị thượng
đỉnh thế giới về môi sinh trong những năm gần đây không đáp ứng được các mong đợi,
vì thiếu quyết định chính trị, chúng không đạt tới các hiệp định môi trường
hoàn cầu thực sự có ý nghĩa và hữu hiệu” (166). Và ngài tự hỏi: ”tại sao ngày
nay người ta muốn duy trì một quyền bính sẽ được nhắc đến trong tương lai là
không có khả năng can thiệp khi cấp thiết và cần phải hành động?” (57).
Trái lại - như các vị Giáo Hoàng đã nhiều lần lập lại kể
từ Thông điệp ”Hòa bình dưới thế”, cần có những hình thức và dụng cụ hữu hiệu để
quản trị thế giới” (175): ”Chúng ta cần một hiệp định về các chế độ quản trị
cho toàn thể những gì gọi là công ích của thế giới” (174), xét vì ”sự bảo vệ
môi trường không thể được bảo đảm dựa trên tính toán tài chánh về phí tổn và lợi
lộc mà thôi. Môi trường là một trong những thiện ích mà các cơ cấu thị trường
không có khả năng bảo vệ hoặc thăng tiến một cách thích hợp” (190) (Sách Toát yếu
đạo lý xã hội của Hội Thánh). Cũng trong chương này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn
mạnh việc phát triển những tiến trình quyết định lương thiện và minh bạch, để
có thể ”phân định” đâu là những chính sách và sáng kiến xí nghiệp có thể đưa tới
một ”sự phát triển toàn diện” (185).
Đặc biệt, việc nghiên cứu ảnh hưởng của một dự án mới về
môi sinh ”đòi buộc phải có những tiến trình chính trị minh bạch và có sự đối
thoại, trong khi nạn tham ô che đậy ảnh hưởng thực sự về môi sinh của một dự án
để đổi lấy những ân huệ. Nó thường đưa tới những hợp đồng mơ hồ, trốn tránh
nghĩa vụ thông tin và một cuộc thảo luận sâu rộng” (182). Đặc biệt quan trọng
là lời kêu gọi các giới hữu trách chính
trị, để họ ”tránh tiêu chuẩn hành động duy hiệu năng và nhất thời” (181) đang
thịnh hành ngày nay; ”Nếu họ có can đảm làm, thì họ sẽ có thể tái nhìn nhận phẩm
giá mà Thiên Chúa đã ban cho họ như một người và họ sẽ để lại một chứng tá về
trách nhiệm quảng đại, sau khi họ đi vào lịch sử” (181)
Chương
VI: Giáo dục và linh đạo môi sinh
Chương cuối cùng đi thẳng vào trọng tâm sự hoán cải môi
sinh mà Thông Điệp mời gọi. Những căn cội cuộc khủng hoảng văn hóa tác động sâu
xa và không dễ điều chỉnh lại những tập quán và cách cư xử của con người. Vì thế
giáo dục và huấn luyện vẫn là những thách đố chủ yếu: ”Mọi thay đổi cần có những
động lực và một hành trình giáo dục” (15); cần có sự can dự của tất cả các lãnh
vực giáo dục, trước tiên là ”trường học, gia đình, các phương tiện truyền
thông, việc huấn giáo” (213).
Điểm đầu tiên là ”nhắm đến một lối sống mới” (203-208),
có thể tạo ra cơ hội ”gây một áp lực lành mạnh trên những người nắm giữ quyền
bính chính trị, kinh tế và xã hội” (206). Và điều này xảy ra khi những chọn lựa
của những ngừơi tiêu thụ ”thay đổi được cách hành xử của các xí nghiệp, bó buộc
họ cứu xét ảnh hưởng về môi sinh và những kiểu mẫu sản xuất” (206). Ta không thể
coi nhẹ tầm quan trọng của hành trình giáo dục về môi sinh có khả năng ảnh hưởng
tới những cử chỉ và thói quen thường nhật, từ sự giảm bớt tiêu thụ nước, cho đến
việc thu lượm rác theo các loại khác nhau, 'tắt những đèn điện vô ích' (211):
Một môi sinh học toàn diện được thực hiện kể cả bằng những
cử chỉ đơn sơ thường nhật, trong đó chúng ta phá vỡ lý lẽ bạo lực, khai thác
bóc lột, ích kỷ” (230). Tất cả điều ấy sẽ đơn giản hơn nhờ cái nhìn chiêm niệm
đến từ đức tin: ”Đối với tín hữu, thế giới không được chiêm ngắm từ bên ngoài
nhưng từ bên trong, nhìn nhận những lối liên hệ qua đó Chúa Cha liên kết chúng
ta với mọi sinh vật. Ngoài ra, khi làm tăng trưởng khả năng đặc thù mà Thiên
Chúa ban cho mỗi tín hữu, sự hoán cải môi sinh dẫn đưa họ đến chỗ phát huy khả
năng sáng tạo và sự hăng hái' (220).
Trở lại đường hướng được đề nghị trong Tông Huấn ”Niềm
vui Phúc Âm”: ”Sự điều độ, được sống một cách tự do và ý thức, có tác động giải
thoát” (223), cũng vậy ”hạnh phúc đòi phải biết giới hạn một số nhu cầu làm cho
chúng ta choáng váng, và nhờ đó tỏ ra sẵn sàng đối với nhiều cơ may do cuộc sống
mang lại” (223). Theo cách thức đó, chúng ta có thể tái cảm thấy cần lẫn nhau,
có một trách nhiệm đối với nhau và đối với thế giới, và sống tốt lành lương thiện
là điều thật bõ công” (229)
Các thánh tháp tùng chúng ta trong hành trình này. Thánh
Phanxicô nhiều lần được trưng dẫn, là ”mẫu gương tuyệt hảo về sự chăm sóc những
gì là yếu đuổi và một nền môi sinh toàn diện, được sống trong vui mừng” (10), mẫu
gương về sự ”không thể tách biệt nhau giữa mối quan tâm đối với thiên nhiên,
công bằng đối với người nghèo, dấn thân trong xã hội và hòa bình nội tâm (10).
Nhưng Thông điệp cũng nhắc đến thánh Biển Đức, thánh Têrêsa thành Lisieux, chân
phước Charles de Foucauld. Sau thông điệp Laudato sí này, việc xét mình, -
phương thế mà Giáo Hội luôn cổ võ để định hướng cuộc sống của mình dưới ánh
sáng tương quan với Chúa, - phải bao gồm một chiều kích mới: không những cứu
xét xem ta đã sống tình hiệp thông với Thiên Chúa, với tha nhân và với bản thân
như thế nào, nhưng còn với toàn thể các loài thụ tạo và thiên nhiên nữa.
Lm Giuseppe Hoàng Minh Thắng
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang