Vũ Huyên Thuyên
Vui Tết Thiếu Nhi Thánh Thể
C |
ả đêm thằng Cu rọ rạy ngủ không yên. Trong cái chập chờn, loay hoay xoay trở, miệng nó không ngớt lẩm bẩm như thần chú câu nói của vai nó sẽ diễn trong vở thoại kịch ngày mai. Rốt cuộc mẹ phải bế nó sang giường ôm gọn vào lòng vỗ về. Đến khuya lắc khuya lơ thì nghe tiếng bố về, khe khẽ. Thấy thằng Cu chễm chệ trong lòng mẹ, bố ngạc nhiên:
– Sao thằng Cu qua đây? Nó sốt à?
– Suỵt…! –mẹ khua tay– Chắc nó mong ngày mai nên ngủ không yên. Mấy giờ rồi, anh?
– Gần 2 giờ sáng rồi, bố thì thầm, chưa xong nhưng biết mình ở xa nên mọi người kêu anh về trước đi. Mấy anh kia còn rán làm tiếp. Được phần nào hay phần nấy, sáng mai có một nhóm đến sớm làm cho xong.
Buổi sáng mong mãi rồi cũng đến.
Buổi điểm tâm của thằng Cu gồm trứng và bánh mì, cộng với bát sữa to. Thức dậy muộn, vẻ mặt bố bơ phờ nhưng đã quần áo chỉnh tề để chở mấy mẹ con đi. Trước đó, thằng Cu đã dậy sớm lắm và cùng mẹ chuẩn bị các thứ cần thiết. Nó mặc đồng phục Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể gồm áo trắng quần đen và khăn quàng màu xanh lá mạ, màu khăn của ngành Ấu. Mẹ cũng trưng diện đẹp hơn mọi hôm. Thằng Cu thấy mẹ nó đẹp lắm!
Ra đến cửa thằng Cu còn ngoái lại căn dặn:
– Mẹ đừng quên áo dài của con nhé.
– Chuyện quan trọng thế, sao mẹ quên được! Mẹ mỉm cười âu yếm.
– Hôm nay đông người chắc khó mà có chỗ đậu xe. Mình đến sớm thì còn có chút hi vọng… – Đây vẫn là nỗi lo canh cánh bên lòng của bố mỗi trưa thứ bảy đưa thằng Cu đến giáo xứ học.
– Chịu khó nhé, mai mốt có cơ sở mới sẽ có nhiều chỗ đậu xe hơn, mẹ ân cần, vài năm thì đâu có lâu.
Mẹ tiếp với giọng thoáng bâng khuâng:
– Mau quá, mới đó mà Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể thành lập được 30 năm rồi! Anh nhớ hồi đó không? Lúc anh gia nhập Đoàn thì vô thẳng ngành Thiếu, còn em ở ngành Ấu lên. Hồi đó chị Thảo là đội trưởng của em, bây giờ chị ấy dạy giáo lí.
– Ừ, chị Thảo lấy anh Mẫn cũng có đến cả chục đứa con rồi –bố không nhớ bao nhiêu nên phóng đại chứ không nhiều đến thế– bố cười thật ấm tiếp, bây giờ cũng không thể nói là mình rời Đoàn, chỉ không mang khăn quàng nữa thôi.
Thằng Cu có nghe kể bố mẹ quen nhau trong Đoàn, thành bạn rồi nhiều năm sau thì cưới nhau. Có nhiều đôi vợ chồng như thế, quen nhau khi sinh hoạt Đoàn rồi cưới, như anh Khôi con bác Khiêm và chị Phi Lan cháu Cha sách chẳng hạn. Chỉ khác là sau đó họ sang Gia Nã Đại định cư, thỉnh thoảng cũng có về thăm.
Chiếc xe lăn phom phom trên đường thẳng tắp từ nhà đến giáo xứ. Hôm nay Chúa nhật và còn sớm nên tương đối vắng xe. Nắng lên ửng góc trời. Bóng chiếc xe bị gió xô nằm nghiêng như còn đang ngủ.
Trong khi bố chạy quanh tìm chỗ đậu xe, mẹ đưa thằng Cu vào trước. Sân giáo xứ đã đông người lắm rồi. Thằng Cu bắt gặp thằng Minh, thằng Dũng trong đám nhóc chạy rông cút bắt bèn gọi nhau ơi ới. Cánh cửa kính lớn mở toang và bên trong sừng sững cái cổng màu vàng với hình ảnh trang trí nào là rồng quấn cột, nào là câu đối tết, bốn vệt màu tượng trưng các màu khăn từ Ấu Nhi lên đến Huynh Trưởng, băng qua Thiếu Nhi và Nghĩa Sĩ; có cả hình con khỉ đeo tòong teng trên cành cây nữa. Trông thấy chú Trúc đang lúi húi cột chặt cái cổng giả nầy vào thành vịn cầu thang đi xuống tầng dưới, mẹ vồn vã:
– Chào anh Trúc. Chưa xong à?
– Xong cả rồi, còn cái cổng nầy nữa thôi.
Vừa lúc đó thì bác Hùng khệ nệ khuân tấm bảng lớn rất đẹp đặt cạnh cái cổng giả. Trên bảng ghi lại những sự kiện quan trọng từ ngày thành lập Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể (1986) đến nay.
– Chiều thứ sáu, tan sở là tui phóng ngay tới nhà Trúc Tiên lấy các bảng in mang đến giáo xứ cùng mọi người cắt dán, dàn dựng, vậy mà giờ mới xong đó. Bác Hùng nói.
Quả là kì nầy giáo xứ trang trí từ cổng lớn cổng nhỏ đến cầu thang, hành lang đều tưng bừng màu sắc, đẹp lắm. Thằng Cu nghĩ chắc hẳn sân khấu cũng phải đẹp. Trong khi đợi mẹ đang chuyện trò nó thấy nhiều gia đình như cô Ngân chú Khoa với chị Thanh Phương –con chú Khoa học trên nó 3 lớp– đến đứng cạnh cái cổng để chụp ảnh (chị Thanh Phương không mang kính cận nữa và chỉ cười mỉm vì đang kiềng răng, sợ xấu. Mẹ thường tấm tắc rằng chị Thanh Phương may mắn giống cô Ngân nên đẹp), nhiều người đến chụp ảnh vì chắc ai cũng thương con khỉ nhiều màu đeo toòng teng trên cổng. Nó nghe lòng rộn rã.
Cùng lúc ấy thì bác Triển và cô Lan khệ nệ bê vào nào là lọ hoa, chậu kiểng, cành trúc và nhiều thứ lỉnh kỉnh khác nữa. Một số các bác các chú chạy vội ra giúp một tay. Mọi người hể hả, ai cũng cười toét cả miệng, khoe đủ răng, nhất là bác Triển.
Mẹ nắm tay thằng Cu dắt xuống phòng lễ thì thấy nhiều người ơi là nhiều, chộn rộn quá chừng. Mẹ giục:
– Mau lên con. Mình còn mười phút để tìm đội của con –nhác thấy chị Thuỷ, Huynh Trưởng, mẹ kéo nó tất tả đến– Thuỷ ơi, cho chị hỏi, đội thằng Cu ở đâu?
Chị Thuỷ cúi xuống hỏi nó:
– Đội em tên gì?
– Em quên rồi. Nó ấp úng.
Háo hức lẫn lo lắng khiến nó quên mất tên đội. Chị Thuỷ vẫn kiên nhẫn:
– Hôm nay em có diễn không?
– Dạ có. Em đóng kịch "Cậu Bé Thông Minh".
– À…, kịch của Ấu Nhi (thằng Cu mang khăn quàng màu lá mạ mà). Đi theo chị!
Trông vói theo dáng thằng Cu chạy lấp xấp bên cạnh chị Thuỷ, Mẹ nhớ ngày xưa mỗi khi văn nghệ tết cũng ngần ấy những xôn xao háo hức. Các anh chị Huynh Trưởng ngày xưa giờ đã có người lên chức ông, chức bà; một số vẫn còn quyến luyến với Đoàn nên thường gặp luôn.
Mẹ bước ra phòng ngoài, là phòng ẩm thực, thì trông thấy bố đang đứng nơi gian hàng cà phê của anh Đệ.
– Chào anh Đệ –day sang bố, Mẹ hỏi– Được chỗ đậu xe gần không ?
– Có chỗ là may rồi, còn đòi hỏi!
Rải dài theo các bức tường là những gian hàng chè xôi, bánh mì…, đủ loại, ê hề. Có quầy đổi tiền lấy thẻ ẩm thực được mọi người vây kín…
Bắt đầu giờ hành lễ. Mẹ thấy Cha Sách –Cha Tuyên Uý Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể– cũng hiện diện. Mấy hôm trước nghe tin Cha không khoẻ vì tuổi đã cao nên phải vào nhà nghỉ. Thế mà Cha vẫn cố gắng góp mặt. Cha không thể sống thiếu Đoàn. Và Đoàn cũng rất buồn khi vắng Cha. Trông sắc mặt Cha nhợt nhạt, cả buổi không nói một lời, chỉ lẩm nhẩm đọc kinh cùng các Cha đồng tế. Hôm nay Đức Ông Vinh khoác áo vàng lãnh chức chủ tế thay. Bên cạnh còn có Cha Dũng, Cha Hội, Thầy Sơn, Thầy Chung…
Bọn thằng Cu ngồi phía trên, gần cái sân khấu vĩ đại cũng là nơi diễn lễ. Phòng nguyện (cộng với phòng khánh tiết) tràn ngập người, dễ cũng có đến bảy, tám trăm người. Thằng Cu thường nghe bố bảo: lễ thứ bảy của Đoàn đông gấp mấy lần lễ Chúa nhật vì nội chúng nó thôi (Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể) đã có đến khoảng 350 đứa, cộng thêm phụ huynh vào nữa; và những lễ hội của Đoàn khi nào cũng tấp nập, nhộn nhịp. Như hôm nay, tuy nhằm ngày đầu của 2 tuần nghỉ học thường niên nên nhiều đứa đã theo bố mẹ tụi nó đi chơi xa, chỉ có những đứa trình diễn văn nghệ thôi mà cũng đã lên đến hơn trăm.
Hôm trước thằng Cu nghe bố thì thầm với mẹ:
– Tụi nhỏ bây giờ, đâu có như mình hồi xưa, được học chơi thể thao, chơi đàn… Các Huynh Trưởng bày kịch, ra công dạy múa là để nhiều đứa được tham dự; chứ nếu cho độc tấu hay hợp tấu các loại đàn thì dám đến 3 ngày mới xong các tiết mục, như Anh Toàn thổi kèn, thằng Lĩnh con anh Cảnh đánh tây ban cầm, thằng Quân con chị Kim Anh, Phi Lam con chị Trúc Tiên chơi dương cầm… –bố thêm– hình như em thằng Phi Lam, con bé An Vi biết kéo trung hồ cầm nữa. Hầu như đứa nào cũng học bộ môn gì đó. Xem, Ca Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể dàn hàng ngang một lúc 5 cây vĩ cầm, chưa tính các loại nhạc cụ khác.
– Vậy mà thứ bảy nào cha mẹ tụi nó cũng chở chồng chở đống lên giáo xứ học –mẹ tiếp lời bố, giọng đầy thán phục lẫn hãnh diện– công nhận phụ huynh bây giờ siêng thật! Mà đâu phải ai cũng ở gần đâu, nầy nhé: gia đình anh Đức hay gia đình anh Dũng - chị Tuyết ở cách xa cả trăm cây số. 3 đứa con gái của anh Đức thì lớn hết rồi, anh Dũng - chị Tuyết ngoài 2 đứa nhỏ, đứa Ấu đứa Thiếu, còn thằng Phúc An nhỏ xíu (2 tuổi) chạy lăng quăng, thấy chị Tuyết hổn hển chạy theo mà tội nghiệp.
– Đúng rồi, bố phụ hoạ, anh Dũng dạy giáo lí cùng chị Trúc Tiên nên thằng khỉ nhỏ mẹ nó lo một mình.
Hôm qua, thứ bảy, ngày tổng dượt văn nghệ, thằng Cu gặp anh Phi Lam thong dong bước với cái máy bảng trên tay, nó gọi với:
– Phi Lam, anh diễn mục nào?
– "Thằng Hư Đốn Đi Tìm Tết" (kịch Thiếu Nhi, anh Phi Lam mang khăn quàng màu xanh đậm).
– Anh không tập sao?
– Xong rồi.
– Sao mau vậy?!
Anh Phi Lam cười cười, hóm hỉnh:
– Dễ mà, chỉ bước lên sân khấu đưa cái bánh rồi bước xuống. Xong.
– Trời! Vậy mà cũng phải đến để tổng dượt?!
– Thì đến để chơi với Quân, Vũ, với mấy đứa kia nữa. Với lại An Vi cũng phải đến để tập múa. Nó bị bệnh nên không tập nhiều, lần nầy là lần thứ hai thôi, may là có Minh Thi được sắp múa phía sau để nhắc tuồng.
Màn của thằng Cu thì lôi thôi hơn nhiều vì phải nói tới nguyên một câu lận, còn phải mặc áo dài chích khăn đóng nữa, rồi ra điệu ra bộ… Nhưng nó vẫn thấy nhẹ nhàng hơn màn múa võ của anh Đăng Khoa hay những màn múa nón múa quạt của bọn con gái, phải bước tới bước lui cho đều, ẹo qua ẹo lại trần thân khổ ải…
Thằng Cu cùng mọi người cứ hết đứng lên lại ngồi xuống, rồi lại đứng lên theo thánh lễ đang diễn ra, một hồi nó cảm thấy đói bụng. Liếc cái đồng hồ trên tường, nó tính nhẩm:
– Ô-là! Gần 2 giờ đồng hồ rồi mà bây giờ các Cha mới chuẩn bị phát Mình Thánh Chúa. Tại Đức Ông giảng bằng 2 thứ tiếng Việt rồi Pháp, các anh chị huynh trưởng lên dâng khăn, rồi bà Kim Chi đọc diễn văn và tặng quà cho Đoàn… May mà các anh chị huynh trưởng trong ca đoàn hôm nay hát hay quá, chứ nếu không… Nó nhìn quanh thấy đám bạn cũng tỏ vẻ… hết kiên nhẫn, mặt mày méo xẹo, bụng sôi ùng ục. Chuyến nầy nó giận Đức Ông luôn!
Các anh giúp lễ hôm nay cũng đông hơn mọi khi, mặc áo thụng trắng khoác khăn màu theo cấp Đoàn, sắc vẻ nghiêm trang. Nó không nhớ hết tên mấy anh, chỉ nhận ra các anh Nhất Vũ, Nhất Hiệp và Nhất Việt đều là con của bác Công Bình, bạn của bố, nên thường ghé nhà thăm. Nhỏ nhất là thằng Nhất Khoa thì học cùng lớp tiếng Việt với nó. Khi chị Yến Thi dạy mấy chữ "nhất", "nhì"… Nó thắc mắc lắm nên hỏi bạn:
– Anh Nhất Vũ của mày lớn nhất nhà nên tên lót chữ "Nhất", còn mày đến thứ "tứ" mà sao cũng "Nhất"… Khoa?
Thằng Nhất Khoa mặt mày lúc nào cũng nghiêm nghị như vòi quà không bao giờ được, trả lời ngon ơ:
– Tại tao… nhỏ "nhất"!
Thằng Cu tài lanh:
– Chị Yến Thi giảng là người Nam nói "nhất" thành "nhức" nên "nhất", "nhức" gì cũng được tuốt, nên anh Nhất Vũ lớn nhức nhà nên tên là Nhức… Đầu, còn mày thành Nhức… Đuôi –nó thấy thằng Nhất Khoa nghinh rồi, nhưng vẫn thao thao– Mà đúng ra tên con phải lót giống tên bố. Bố mày tên Công Bình thì tên con phải theo thứ tự là Công Nhứt, Công Nhì…
Thằng Khoa không để nó hết lời, thụi cho một cái rõ đau:
– Cho mày… Công với Nhức nè!
Bấy giờ mới thấy thằng Nhất Khoa cười. Tuy vẫn chưa thấy mẹ nó cho quà.
Thằng Nhất Khoa cũng giúp lễ, nhưng chỉ một Chúa nhật mỗi tháng. Thằng Cu cũng muốn giúp lễ nhưng bố không chịu vì nó có tật… hay gãi. Bố bảo mai mốt nó gia nhập ca đoàn, gãi… guitare như anh Vincent hợp hơn…
Thầy Nha dứt câu "Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an" là lúc nó cũng như những đứa khác túa đi tìm bố mẹ. Người đông quá mà nó thì nhỏ, loay hoay một chập nó bèn trèo lên ghế đứng nhìn cho thật xa, thấy bố mẹ cũng đang ngóng tứ hướng.
Phòng ăn tràn ngập người, phải lấn sang các phòng nhỏ cạnh bên thế mà người sắp hàng còn dài đến mấy cây số… Khi gia đình nó tiến dần đến cửa nhà bếp để lấy phần ăn thì thằng Cu thấy bác Hảo, cô Hồng, chú Sơn, và nhiều người nữa, mặt mày ai cũng đỏ gay vì khói vì lửa, đang nhanh tay trút bánh phở châm nước lèo…, mùi thơm nôn nóng toả khắp nơi. Nó nuốt nước bọt đánh ực mà mắt không rời những đôi tay nhanh nhẩu kia. Nhìn chú Sơn, nó nhớ, để thuyết phục bố vụ giúp lễ, có lần chú Sơn bênh nó nên nói với bố là chú Sơn cũng có tật hay gãi, đâu có sao! Bố chỉ cười. Đúng là chú Sơn chỉ đứng bếp chứ đâu có giúp lễ bao giờ, chú lớn rồi!
Thằng Cu chưa kịp ăn xong thì đã thấy chị Sylvie mặc áo dài xanh (hôm nay chị đẹp lắm!) và chị Quỳnh Châu mặc áo dài trắng vẽ hình những cây dừa nghiêng nghiêng và những mái nhà tranh xiêu vẹo –khi nãy, lúc đọc diễn văn và lời cảm ơn thì các chị mặc đồng phục với khăn quàng đỏ của Huynh Trưởng– hai chị Đoàn Trưởng và Đoàn Phó thúc giục tụi nó xuống phòng dưới họp nhóm để chuẩn bị bước vào phần văn nghệ tạp lục. Tim thằng Cu đánh như trống làng. Nó lại lẩm bẩm câu thần chú. Rồi nó bật cười, khúc khích một mình. Số là nó nhớ đến khi nãy, trong giờ lễ, lúc dâng hoa, dâng khăn thì các anh chị huynh trưởng múa phụ hoạ. Trong đó có anh Nha Ty trước là trưởng đoàn, bây giờ không làm nữa. Bố đùa: «Lấy thì giờ cưới vợ chứ!» Thế mà vẫn chưa thấy ảnh có vợ và mỗi thứ bảy lại có mặt để hét tụi nó, em của ảnh là anh Vincent cũng vậy. Nó thấy anh Nha Ty múa có hay hơn nó đâu! Giống con… Lúc đó thằng Cu xoay sang hỏi thằng Johnny:
– Đố mày ảnh… con gì thế kia?
– Con Khỉ. Thằng Johnny láu táu. Và hai thằng được dịp cười nắc nẻ.
Sân khấu lớn ơi là lớn, phía sau căng tấm vải đỏ chiếm hết chiều ngang với hàng chữ "Xuân Mọi Nơi".
Xuân là những cánh hoa với muôn màu tà áo dài các chị Huynh Trưởng, Nghĩa Sĩ, Thiếu Nhi; ngay cả bọn con gái Ấu Nhi cũng xúng xính áo dài hoa. Cũng có đó đây vài cái áo bà ba, áo xẩm, áo màu sơn cước với gùi trên lưng… Không khí tết tưng bừng nở ra. Hôm nay thằng Cu thấy ai cũng đẹp hết –bình thường là đồng phục, cũng đẹp, nhưng khác, không bằng– có lẽ vì ai cũng trang điểm môi son má phấn. Bọn con trai thì không, ngoại trừ vài đứa bị vẽ râu (!) Thằng Nhân đứng cạnh, cũng áo dài khăn đóng xanh, sao nó thấy tụi nó giống con bướm thì ít mà giống con ong mới nhiều. Cái thằng kia, không nhớ tên gì, đứng góc tường, cái mặt thộn ra giống… con bò. Thấy tóc nó ngắn, hao hao giống anh Quân, hôm nay bỏ áo huynh trưởng để cũng áo dài khăn đóng sắm vai hoạt náo viên.
Chương trình khởi đầu bằng màn múa lân và tiếp theo đó là phần biểu diễn nấu bánh chưng của lớp Dự Bị (dưới 6 tuổi). Tụi nhỏ bày "đồ hàng" xong thì bác Trung và cô Ngọc dắt đi qua đi lại, rồi chào, nên nó thấy giống mục biểu diễn thời trang áo dài… ba tấc ba vòng bằng nhau hơn. Bọn con trai thì khỏi nói, quần áo xốc xếch, tuy có đứa mang cà-vạt hẳn hoi. Nó nhận ra con bé Clara con cô Hà và chú Thanh, mặc áo dài màu hồng nhạt. Lần nào gặp con nhỏ nầy nó cũng bẹo má một cái.
Chương trình văn nghệ có 3 màn kịch vui nhộn, có hát, nhưng nhiều nhất là múa: múa nón, múa gùi, múa dù…, có cả múa… võ. Thằng Cu thấy mấy anh đánh hăng quá, anh kia phóng lên song phi vào anh Minh Triều ngã lăn quay ra đất. Eo ôi, mai mốt nó lớn sẽ không múa võ đâu, chỉ đóng kịch thôi, kẹt lắm thì múa quạt với con gái cũng được! – nhưng nó nghĩ lại, và sợ bạn bè chê cười – Không, ta đây há sợ chi ai! Nó sẽ múa quyền tung cước đánh mấy anh kia chạy dài hết rồi phi thân lên nóc nhà "cứu giai nhân thoát cơn hiểm hoạ". Tự nhiên nó cảm thấy oai phong lẫm liệt lạ thường.
Nhiều tiết mục nhưng thằng Cu chỉ nhớ lõm bõm vài chuyện vui vui và hay hay như Cha Sách đến gần cuối lễ mệt cứ lả người mà khi Cha được mời nói đôi lời với Đoàn chiên của Cha thì giọng lại sang sảng như những chiều thứ bảy; không dưng Cha lại sức. Chuyện nó và đồng bọn được Cha Kiên lì xì bao đỏ phiếu 1€ đủ mua lon Coca; sướng mê tơi. Nó nghe nói Cha Kiên ở tuốt bên Thanh Hoá sang du học tại Metz, tháng 9 nầy lại quay về.
Chuyện bà ngồi cạnh mẹ nó ngạc nhiên hỏi:
– Mỗi đứa diễn một màn, sao thằng bé bầu bĩnh bụ bẫm kia lên sân khấu lần nầy là lần thứ nhì rồi?
Mẹ ôm bụng cười ngặt nghẽo, báo cho biết:
– Quốc Anh với Việt Anh là hai đứa sinh đôi đấy, chị ơi!"
Màn múa "Hoa Cỏ Mùa Xuân" nầy của Ấu Nhi, có thằng Johnny nữa, thì mặc đồng phục, chỉ không quàng khăn, toàn con trai lại cao thước mốt năm phân tính cả giày nên bố đùa là "Cỏ Mùa Xuân" thôi chứ nào có hoa! Bố cũng hay diễu thằng Cu là lực sĩ dẹp, bụng nở ngực thon, đầu to đít teo.
Chuyện vũ khúc "Cùng Múa Hát Mừng Xuân", anh Quân giới thiệu là nhóm Thiếu Nhi –nhóm nầy có các chị Hiếu Nhung, Cẩm Chi, Nguyên An, Yến Khoa, Diễm Quỳnh…– nhưng khi các chị xuất hiện với áo dài, áo xẩm, áo thun…, chị nào cũng đẹp và múa hát quay cuồng với dù với quạt thì có tiếng xầm xì: «Thiếu Nhi là bao nhiêu tuổi mà lớn quá xá vậy? –rồi tắc lưỡi– Con nít thời nay lớn không kịp thổi!» Khi màn múa kết thúc, chị Thuỷ, hướng trình viên, đính chính là Nghĩa Sĩ chứ không phải thiếu nhi, chỉ có vài thiếu nhi hay vươn vai lớn lên như chị Hồng Ân con chú Đại dự phần thôi. Đặc biệt hơn nữa là, cũng trong màn vũ nầy, có thằng Minh Phúc học cùng lớp với nó, thằng Minh Phúc mặc áo dài loại the thâm nhưng thay vì chích khăn đóng thì lại đội ngược nón lưỡi trai, hát và nhảy… Rap. Bản nhạc vừa dứt thì nó dừng nhảy cà tưng và chéo tay làm tượng, như ca sĩ Rap da đen thứ thiệt. Cả hội trường vang dội tiếng cười và tiếng vỗ tay tán thưởng.
Chuyện màn múa "Anh Mang Theo Mùa Xuân", các anh các chị Nghĩa Sĩ sang lắm, in hẳn hoi tờ báo mà thằng Cu đánh vần kịp –nó học 3 năm rồi chứ bộ– một trang có tựa "Xuân Mọi Nơi" và tựa trang cạnh bên là chữ "Nghĩa Sĩ" to tổ bố. Có chị Quỳnh Hương áo dài màu thắm đẹp quá luôn. Mai mốt lớn lên nó sẽ xin mẹ cho nó cưới chị Quỳnh Hương! Các chị Nghĩa Sĩ ai cũng đẹp, hèn gì thấy mấy anh nhảy nhót tận tình. Nó nhìn đăm đăm lên sân khấu rồi nhủ: cưới chị kia cũng được!
Chuyện thằng Lập đọc bài lễ giỏi ơi là giỏi. Thằng Lập học giỏi nhất lớp lại "điển giai" nên đóng kịch thì nó được làm vua, nói đến cả chục câu ngon lành. Khi thằng Lập đọc bài lễ thì thằng Cu thấy Đức Ông cứ ngồi yên nhắm mắt lại như mọi khi. Có lần nó thắc mắc, hỏi bố:
– Đức Ông ngủ hở, bố?
– Hỏi Đức Ông đi. Hỏi bố, làm sao bố biết được. Đang lễ nên bố đáp gọn lõn, giọng hơi gắt gõng.
Suy nghĩ một chút, thằng Cu tiếp:
– Con muốn đi tu giống Đức Ông!
Bố biết "tẩy" nên kí đầu nó:
– Để ngủ trong giờ lễ phải không? Đừng hòng! Rồi thấy bố nhìn ra xa xa vào quảng không, có cái gì đó trìu mến…
Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc đói bụng. Mẹ còn 5 phiếu, được 5€ cho thằng Cu mua xôi. Nó đến hàng xôi thì thấy hàng chè của chú Phương –chú Phương mới sang Pháp du học, sinh hoạt trong nhóm Giới Trẻ, chú dễ thương lắm– nên mua chè ủng hộ… dành cho mẹ, còn xôi cho nó. Gần đấy, nó nghe chú Báu hỏi cô Quyên, mẹ của các chị Mai Vy, Thảo My, rằng:
– Bánh bò nước dừa bao nhiêu tiền, chị Quyên?
– 2€ rưỡi.
– Tôi còn 3€. Vậy dư nửa € thì mua gì được?
Trầm ngân một lúc, cô Quyên cười bảo:
– Không mua được cái gì hết.
– Vậy, yêu cầu lần sau bán bánh… trâu, to hơn cho chẵn 3€.
– Anh Báu mua bánh bò không nước dừa thì 2€, dư 1€ mua cà phê, cô Quyên đề nghị.
Chú Báu nhìn bánh trong hộp:
– Bánh nầy là bánh bê, bánh nghé gì đó chứ làm gì bánh bò, nhỏ xíu. Nói thế nhưng chú vẫn mua hộp bánh bò nhiều màu bắt mắt.
Trước khi ra về mẹ thằng Cu mua cho nó lịch có in nhiều ảnh Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể nè, cái tách trắng in huy hiệu Đoàn để nó uống sữa mỗi sáng nè và cái vòng đeo tay màu trắng với huy hiệu và hàng chữ TNTT/VN Tại Pháp – Kỉ Niệm 30 năm. Bố lắc đầu, cười cười:
– Đúng là tụi nhỏ làm… Kỉ niệm 30 năm mà không ghi từ năm nào đến năm nào thì hai ba năm nữa ai mà nhớ…
Có chứ. Có nó nhớ chứ!
Vũ Huyên Thuyên
7 tháng 3, 2016
Mời quý vị cùng đồng hành với Vũ Hạ qua nhạc phẩm
(Hội Nhạc Sĩ Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại)
Bài viết khác
Hình : Buổi Văn Nghệ Hướng Đến Tương Lai do Đoàn TNTT Paris tổ chức
Lịch Trình Sinh Hoạt Niên Khoá 2024-2025 ĐTNTT GX
Hình : Thánh Lễ Rước Lễ Lần Đầu tại Giáo Xứ thứ bảy 01/06/2024
Vidéo : Thánh Lễ Thêm Sức của Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể KiTô Vua Paris - 08/06/2024 - Huy Quyên
Hình : Thánh Lễ Thêm Sức tại Giáo Xứ thứ bảy 03/06/2023
Hình : Rước Lễ Lần Đầu tại Giáo Xứ thứ bảy 10/06/2023
Vidéo : Thánh Lễ Rước Lễ Lần Đầu tại Giáo Xứ Việt Nam Paris - Thứ bảy 10/06/2023 - Công Huy
Hình : Rước Lễ Trọng Thể và Tuyên Xưng Đức Tin tại Giáo Xứ thứ bảy 20/05/2023
Vidéo : Thánh Lễ Thêm Sức tại Giáo Xứ Việt Nam Paris - Thứ bảy 03/06/2023 - Công Huy
Hình : Đoàn TNTT Giáo Xứ Mừng Tết Quý Mão 19/02/2023
Hình : Thánh Ca & Ca Nhạc Với Ca Sĩ Công Giáo Mai Thiên Vân Ngày 05/11/2022
Vidéo : Thánh ca & ca nhạc với ca sĩ Công giáo Mai Thiên Vân ngày 05/11/2022
Hình : Nghi thức Sai Đi cho Các Giáo Lý viên của ĐTNTT Paris ngày 01/10/2022
Hình : Đoàn TNTT Giáo Xứ khai giảng năm học niên khoá 2022-2023
Lịch Trình Sinh Hoạt Niên Khoá 2022-2023 ĐTNTT GX
Vidéo : Thánh Lễ Rước Lễ Lần Đầu tại Giáo Xứ Việt Nam Paris lúc 17g00 ngày 18/06/2022
Hình : Lễ Chứng Nhân Đức Tin của các em trong ĐTNTT Giáo Xứ Paris
Hình : Nghi thức Rước Lễ Trọng Thể & Tuyên Xưng Đức Tin - ĐTNTT Giáo Xứ Paris