Vui Buồn Chuyến Lưu Diễn
N |
gày cuối trước khi rời Châu Âu sau chuyến lưu diễn cả
tháng trời, « gánh hát » của cha Nguyễn Sang đến từ VN, đã ghé nhà
chúng tôi hai lần.
Trưa ngày 18 tháng 5, từ Bỉ cha gom quà tặng của bá
tánh đa số là quần áo từ các nơi cha trình diễn về Paris để ngày mai cha mang
về VN cho người nghèo.
Đây là trạm dừng chân cuối cùng trước khi về Việt Nam,
các ca sĩ ai về nhà đó, người trở về Mỹ, người đi Úc, ngài và đoàn tùy tùng chỉ
có ca sĩ Nguyễn Thanh, chị Thy ở Mỹ, chị Xinh ở Pháp đi bán CD cho Cha.
Anh Tú ở Bỉ chở gánh
hát sang Paris và ngày mai đưa cha ra phi trường CDG, xe đỗ trước nhà tôi lúc 13giờ30, cứ tưởng phái đoàn của cha đã
dùng cơm trưa rồi nên chúng tôi mời cà phê, ai cũng lắc đầu chỉ xin nước lọc,
chỉ có anh Tú gật đầu với ly cà phê.
Giời ạ, thiên hạ đói đến
run rẩy mà chả có ai than thở, tôi ngây thơ cụ đến mức khi thấy các vị cạn ly
nước lọc, bèn mời thêm chocolat, chuối, táo…
Các bác từ tốn nhai trong
lúc cha vừa gọi điện thoại, rồi nhận điện thoại của giáo dân báo cho cha biết
về số hành lý của cha đang được chuyển về một mối để sáng mai cha mang VN.
Giữa những cú điện thoại
cha tâm sự chuyện vui buồn của chuyến lưu diễn, những bất ngờ thú vị và những
trắc trở ngoài ý muốn, và chính những bất trắc đó khiến cha thay đổi phương
pháp làm việc trong tương lai.
Cái khó trong chuyến này
là cha không thể làm chủ tình hình những nơi trình diễn và phải dựa vào giáo
dân tại địa phương, mà mấy ông bầu show này thì tay nghề « khó đoán »
nên kết quả thật khó lường.
Bầu show giỏi quen tổ
chức những buổi văn nghệ từ thiện khéo thu vén có thể bội thu, rơi vào tay ông
bầu mới ra nghề thì từ lỗ to tới đứt vốn.
Khách đến với chương
trình của cha trước « mua vui sau làm nghĩa » là khán giả cuối tuần
đi nghe ca nhạc mua vui, lên bộ đồ vía tiện thể chụp hình với ca sĩ, và làm nghĩa mua vé, mua CD nhạc ủng hộ là
« xong nhiệm vụ ».
Có nơi khán giả rủ nhau đến rất đông với buổi
ca nhạc chỉ để ăn diện, gặp gỡ bạn bè ăn uống như trong một quán ăn, đôi khi
cha trình bày công tác bác ái, hay ca sĩ hát khản cổ, dưới khán phòng
tiếng cười nói vang trời như chợ vỡ.
Nghe cha kể lại quang
cảnh này mà tôi nản lòng thay cho cha, rất tiếc không phải ai đến với
chương trình của cha cũng vì lòng bác ái, đã nói là mua vui thì không nên kỳ
vọng nhiều vào họ.
Thường thì phần mở đầu chương
trình luôn thu hút khán giả và đó là lúc cha nên ưu tiên trình bày chương trình
giúp người nghèo hầu chinh phục những người quan tâm đến các công tác cha đã,
đang và sẽ thực hiện.
Vì khi ca sĩ lên sân
khấu, mục đích công tác bác ái sẽ phai dần theo giọng ca tiếng hát của các danh
ca đối với khán giả đến đây chỉ để giải trí cuối tuần.
Càng đi cha càng đuối sức
hiểu theo nghĩa nào cũng đúng, điều làm cha mệt mỏi hơn là có vài hiểu lầm mà
cha bị hàm oan, cũng tại, bị khi giáo dân hâm mộ gọi điện thoại cho cha mà ngài
không bắt máy trả lời, thế là cha bị kết án đủ thứ tội, mà cái tội đáng
ghét nhất là tội hách dịch.
Giêsu Ma, ông bà anh chị
em có hiểu cho rằng cha đang đi ngoài đường không có « wifi » (woai
phai) làm sao cha biết « fan » đang gọi để trả lời, vì thế vu cho
ngài cái tội hách dịch rõ là oan lắm.
Nếu cha thực sự hách dịch,
khó gần đời nào ngài chịu giao du và gánh vác những mảnh đời nghèo khó đến oằn
vai hơn mười năm nay.
Tôi nói thế chứ biết quý
vị không nỡ hờn giận cha thật sự, chỉ vì không được cha trả lời lúc đó đâm bực
bội ngỡ mình bị cha coi thường, suy nghĩ lại quý vị sẽ thấy mình nóng vội đó
thôi.
May thay vẫn còn những
tấm lòng vàng sau khi nghe cha trình bày công tác bác ái trong nhiều năm qua và
những dự án mới cho tương lai, khán giả chẳng những mua CD ủng hộ, đóng góp hiện
kim tùy lòng hảo tâm.
Của ít lòng nhiều, đây là
« mấy bà góa trong thánh kinh » Chúa gửi đến cha, sự đóng góp của họ
phần nào xoa dịu nỗi thất vọng chua cay khi chuyến lưu diễn của cha gặp giông
gío.
Ở Đan Mạch sau thánh lễ
cha đã thuyết trình về công tác bác ái của ngài ở VN và có vài chục giáo dân đã
ghi tên vào chương trình xây cất viện dưỡng lão cho các cụ vô gia cư vào giai
đoạn cuối đời.
Từ buổi chia sẻ này cha
và thính giả đã gặp nhau từ lòng bác ái, cũng là mục đích chính của chuyến lưu
diễn, sức thuyết phục của cha trong khung cảnh yên tịnh của nhà thờ không có
đèn hoa kèn trống, không cần vinh hoa xã hội, sự dấn thân của cha đã lay chuyển
lòng người.
Đây chính là phương thức
hoạt đông mới mà cha sẽ thực hiện trong tương lai, sau một thành lễ, hoặc sau
một buổi tĩnh tâm ngắn, cha sẽ mời gọi mọi người mở lòng bác ái bằng cách cộng
tác với ngài qua các dự án tương lai phục vụ những người nghèo khổ, đau ốm, kém
may mắn hơn chúng ta.
Ngoài quần áo giáo dân
tặng cha, thuốc thông dụng như cảm sốt, chống đau nhức, kem chữa ghẻ…cũng được
một số người gom góp thuốc dư trong gia đình cho cha mang về vùng xa hẻo lánh.
Tôi đề nghị lần sau trước
chuyến lưu diễn vài tháng cha nên nhờ giáo dân bên ni gom trước thuốc tây thông
dụng dư dùng gom về một mối để cha dễ bề sắp xếp hành lý lúc quay về VN.
Công việc
nào cũng đòi hỏi những hy sinh vất vả, giữa trời nắng Paris Cha kéo lê lết 2
chiếc vali băng đĩa để bán giúp người nghèo, dù mệt nhọc nhưng cha không quản
ngại.
Phải hát,
phải nói về công tác từ thiện người ta mới mua CD, cha đã bán lá phổi để thu
phục nhân tâm và hoà mình vào nhịp đập yêu thương ôm lấy những mãnh đời bất
hạnh.
Đến nơi nào
trình diễn, ngài cũng xông vào phụ anh em một tay, gánh hát nghèo nên quan quân
đều nhảy vào cuộc để chương trình hoàn tất tốt đẹp.
Cha con đang say sưa trao
đổi ý kiến, chuông điện thoại lại reo, cha phải đi ra quận 13 có việc gấp, tiễn
cha và phái đoàn ra cửa chúng tôi được cha mời cùng đi ăn cơm trưa, lúc này đã
hơn 15 giờ rồi.
Trở vô nhà hai đứa tôi
ngớ người, thì ra chưa ai dùng cơm trưa mà tôi cứ mời cà phê với trái cây.
Giá lúc mới đến các bác
đòi ăn cơm thì tôi làm ngay món thịt luộc ăn với cà pháo muối chua cay và canh
khổ qua, khổ thân tôi chưa già đến lú lẫn nhưng ngớ ngẩn kiểu này thiệt thòi
cho gánh hát của cha thật.
Để chuộc lỗi, tôi bảo
chàng gọi điện thoại mời cha và phái đoàn dùng cơm tối nay trước khi về khách
sạn ở Rosny sous Bois sát Le Perreux xóm tôi, dù sao cha cũng phải quay lại nhà
tôi để rinh ba cái vali gửi ở đây mấy ngày trước.
Chàng gọi cha bao nhiêu
cú vẫn không thành, cha không có « woai phai », gửi tin nhắn cũng
không được, đành chịu thua, đành chờ tối nay cha ghé lấy vali rồi tính tiếp.
Hai mươi hai giờ đêm, tiếng
điện thoại reo vang, chàng chưa kịp bắt máy, tôi chắc mẩm :
- Cha Sang gọi đó bố ơi.
Tôi nói không sai, sau khi gác máy chàng xác
nhận :
- Cha than đói, hỏi ở nhà có mì ly cho cha vài gói rồi
cha gác điện thoại.
Tôi trêu chàng :
- Hai cha con bố có kiểu nói chuyện ngắn gọn phát
khiếp, ngắn ngủn như mấy câu nhắn tin trên điện thoại thời nay, yes, no …y như
hai ông già hết hơi thều thào mấy chữ là tắt đài.
Chàng la làng :
- Cha mới bốn mươi mà mẹ nó dám bảo là già, mà thôi
làm ơn nấu dùm nồi mì đi, ở đó mà ý kiến ý cò, cha đến nơi liền đó.
Tôi lấy túi nấm rừng (Champignons forestiers, nấm đủ
loại của Pháp) và chả chiên tự làm (saucisses frites fait maison) trong tủ đá
ra, phi hành tỏi cho thơm rồi cho nấm và chả chiên vào ninh sơ.
Hai mươi phút sau cha và đoàn tùy tùng gõ cửa, tôi
trụng sơ mì gói, cho thêm cà chua vào nồi nước lèo theo yêu cầu của cha.
Tôi bày mì ra tô với chả, nấm rừng thêm nhúm hành lá
thái nhỏ vừa hái trước sân nhà và chan nước lèo, chanh, ớt, nước mắm bày sẳn
trên quầy ăn (Bar) trước bếp, quan khách xì xụp húp nước lèo.
Cha khen ngon, khách cũng khen như rứa, tôi cũng thấy
ngon vì lần đầu tiên tôi nấu mì gói thập cẩm không đúng điệu mì tàu, mì gõ, mì
ly, mì gói…nhưng « ăn tiền » vì thực khách đang đói meo râu ăn cái gì
lúc này cũng ngon.
Cha ra về cảm ơn rối rít tô mì « dã chiến »
của tôi khá ngon miệng sau một ngày mệt mỏi chạy rong đói meo buổi trưa dằn
bụng với khúc bánh mì khô khốc.
Tôi tiễn cha và phái đoàn ra cửa dưới cơn mưa khuya,
thầm cảm tạ Chúa đã giúp sức cho cha đủ nghị lực chạy tới chạy lui từ Pháp đi
Bỉ, Đức, Hòa Lan, Anh, Đan Mạch…
Một tháng rong rủi mang « Tiếng Hát Vì Người
Nghèo » với hy vọng lay động lòng hảo tâm của mọi người trước cảnh khổ của
người nghèo không có cơm ăn áo mặc, thiếu cả viên thuốc cảm sốt, bệnh nhân ung
thư thì phó thác vào tay…tử thần vì không có phương tiện chạy chữa.
Gánh bệnh, gánh đói nghèo… cha đeo mang chưa bao giờ
làm cha nản lòng, dù đôi khi mỏi mệt, chùn bước nhưng Chúa luôn ở cùng cha nên
ngài vẫn vững bước sau những lần vấp ngả, thất vọng.
Cha cảm ơn tô mì của tôi, tôi tạ ơn Chúa, cảm ơn cha
đã chia sẻ với tôi chuyện lưu diễn để tôi hiểu thêm những lo toan, những dự
định không thành trong chuyến này, nhưng đó là bài học quí giá để cha chuẩn bị
chu đáo cho chuyến sau.
Chuyến lưu diễn này trừ chi phí tổ chức, di chuyển ăn
ở…cha thu được một số tiền kha khá đủ làm quà cho người nghèo khó đang chờ cha
ở quê nhà.
Niềm vui lớn là dự án xây viện dưỡng lão của cha với
kinh phí ba trăm ngàn đô la hiện có khoảng 70 thành viên ghi tên trên con số 300
hội viên mỗi phần đóng góp là một ngàn đô la.
Cha sẽ thảo nội quy và lên danh sách hội viên chính
thức, sau đó mới kêu gọi đóng góp, dĩ nhiên hội viên sẽ được cha gửi điều lệ,
nội quy và chương trình xây cất để tham khảo.
Trước khi rời khách sạn ra phi trường cha điện thoại
giã từ chúng tôi vì ngài sợ ngoài phi trường không có « woai phai »
lại mang tiếng oan lần sau sẽ mất tô mì dã chiến của tôi.
Tôi viết về tô mì mời cha trong đêm chia tay để mọi
người cảm nhận cảnh cơm hàng cháo chợ cha và gánh hát ăn qua loa cho qua ngày, cầm
cự cơn đói lúc này để đạt được mục tiêu gom góp những thứ thừa thải bên ni
nhưng vô cùng cần thiết cho đồng bào bên nớ.
Nguyện xin Thiên Chúa luôn giúp sức để « Tiếng
Hát Giúp Người Nghèo » của cha đi thật xa và gom về một mối là lòng bác ái
của mọi người qua những tặng phẩm làm quà xoa dịu nỗi đau thể xác cũng như tâm
hồn của những người bất hạnh.
Mai 2017/ Đoàn Thị
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang