Trần Văn Cảnh
Nhân dịp trọng đại, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI được vinh thăng Chân Phước (19.10.2014), ban Tu Thư Giáo XứViệt Nam Paris hân hạnh gửi đến quý đọc giả bốn phương cuốn sách mang tựa đề ‘CHÂN PHƯỚC GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI’.
Triều đại giáo hoàng của đức Phaolô VI kéo dài 15 năm (1963-1978), và được coi như một trong những triều đại ‘xáo trộn nhất’ trong lịch sử Giáo Hội, thậm chí có người coi là ‘triều đại cách mạng’.
Nếu trong một số vấn đề (đặc biệt vấn đề độc thân của linh mục, việc tuyển chọn giáo hoàng, vấn đề điều hòa sinh sản, vấn đề phá thai) quyền Huấn Giáo vẫn giữ nguyên vẹn, cho dù có nhiều thư thỉnh nguyện đòi thay đổi, thì một số vấn đề khác (Phụng vụ, tương quan với những người ngoài công giáo, và những người ngoài kitô giáo, tương quan giữa Giáo Hội với thế giới và xã hội), lại được thay đổi cách quy mô và rộng lớn, bởi vì cho đến triều đại của Đức Giáo Hoàng Piô XII, những vấn đề này bị coi như ‘không thể thay đổi được’.
Nhìn theo quan điểm này thì triều đại của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII (1958-0963) quả là thời gian chuyển tiếp. Có thể nói : những thay đổi này, đức Gioan XXIII đã đưa sáng kiến, Công đồng Vatican II đã nhất trí và đức Phaolô VI là người thực hiện. Như vậy, sự thay đổi đã có một đường hướng khá rõ rệt.
Nói như vậy, không có nghĩa là mọi nghị phụ công đồng, mọi giám mục trên thế giới và mọi tín hữu khắp năm châu đều dễ dàng đón nhận những thay đổi. Trường hợp đức cha Lefebvre là một thí dụ điển hình. Chính vì thế mà ngay sau Công Đồng, đã có những xáo trộn bùng nổ. và người phải đứng mũi chịu sào trước những xáo trộn, có
khi thật đau lòng, không ai khác là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, người ‘hoàn tất Công Đồng và
người thực thi những thay đổi theo ước nguyện của Công Đồng’. Nhất là những năm cuối triều đại của Ngài.
Hiểu như thế, nên Ban Tu Thư soạn cuốn sách này không nguyên chỉ viết về gia tộc, về tuổi trẻ và về hành trình ơn gọi của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, tên thực là Gioan Baotixita Montini, nhưng còn muốn trình bày Ngài như một chứng nhân lịch sử của hai đại chiến thế giới, một vị giáo hoàng khôn ngoan trong việc điều hành và hoàn tất Công Đồng, một vị giáo hoàng can đảm thực hiện những đổi mới trong đời sống của Giáo Hội theo ước muốn của Công Đồng, giữa bao nhiêu ‘lao tâm khổ trí’, đến độ có người coi Ngài là ‘giáo hoàng bị bỏ rơi, bị cô lập’… (1)
Và đây, nội dung của cuốn sách với những người góp công thực hiện :
Lịch sử biên niên về đời sống của Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI .
Mai Đức Vinh
Tuổi thơ và ơn gọi.
Phạm Bá Nha
Trở thành linh mục mà không qua chủng viện.
Nguyễn Long Hằng
Giữa Hội Sinh Viên Công Giáo Ý (FUCI) và Phủ Quốc Vụ Khanh.
Trần Kim Chi
Âu Châu trong cơn giông tố.
Đoàn Quốc Khánh
Người trong hậu trường.
Phạm Hòa Hiệp
Tổng Giám Mục Milan.
Giang Minh Đức
Người hoàn tất công Đồng Vatican II.
Nguyễn Ngọc Đĩnh, Mai Đức Vinh
Tông Du Thánh Địa.
Mai Đức Vinh
Giữa Canh Tân và Tông Du.
Tạ Thanh Minh
Tìm hiểu Thông Điệp Humanae Vitae.
Lê Đình Thông
Giáo Hội tư bề bão tố.
Trần Văn Cảnh
Chúc thư của chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI.
Mai Đức Vinh
Đọc và viết về ‘CHÂN PHƯỚC GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI’, chúng tôi nhớ lại lời nói sâu sắc và vắn gọn của nữ tu Emmanuelle (1908-2008) về ơn gọi tận hiến của bà : ‘Thiên Chúa biết vẽ lại thẳng những con đường cong queo’, hay lời tuyên bố đầy khiêm tốn của Đức Giáo Hoàng Biên Đức khi được bầu làm Giáo Hoàng (19.04.2005) : ‘Tôi xác tín rằng Thiên Chúa biết sử dụng những thợ vườn nho kém cỏi như tôi’.
Vì thế ước nguyện của những người viết cuốn sách này là kết hợp với mọi anh chị em tín hữu năm châu, cách riêng với quý đọc giả, cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội những vị Mục Tử khôn ngoan và can đảm chèo lái con thuyền Giáo Hội giữa những cơn sóng gió ‘nội công ngoại kích’, đồng thời xin Chúa tiếp tục hoàn tất những gì tốt lành cho Dân Chúa mà chính Chúa đã khởi sự nơi vị Chân Phước, Tôi Trung của Chúa.
Sau cùng chúng tôi muốn đề tặng cuốn sách này cho Hội Yểm Trợ Ơn Gọi Tận Hiến mừng lễ Ngân Khánh (1990-2015) và cho linh mục Tuyên Úy, cha Giuse Mai Đức Vinh mừng Thượng Thọ Bát Tuần (1935-2015) và lễ Kim Khánh Linh Mục (1965-2015).
Nhờ lời bầu cử của Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI, xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
T/m Ban Tu Thư
Trần Văn Cảnh
-------------
Chúng tôi đã lấy tài liệu từ ba cuốn sách :
- Professeur Paul LESOURD et Jean-Marie BENJAMIN, ‘PAUL VI, 1897-1987’, Ed. France-Empire, Paris, 1978.
- DANIEL-ANGE, ‘PAUL VI, Un Regard profétique’ 2, L’Éternelle Pentecôte, Ed. Saint Paul, Paris-Fribourg, 1981.
- Yves CHIRON, ‘PAUL VI, pape écartelé’, Ed. Perrin, Versailles, 2008.