Vấn đề lương thực trong hệ sinh thái
T |
rong thông điệp Fratelli Tutti, Đức Thánh Cha François kêu gọi chúng ta
“tất cả là anh em” hãy cố gắng xây dựng
một thế giới tươi đẹp, công bằng, hòa bình hơn, trong bối cảnh sinh thái ổn định,
bảo đảm qua nỗ lực của tất cả các dân tộc, các tổ chức. Trong hệ sinh thái và môi trường sinh sống,
lương thực là một nhân tố giữ vai trò quan trọng bậc nhất, cần thiết và sống
còn của nhân loại nhưng lại phải chịu nhiều ảnh hưởng ngoại lai đa dạng và phức
tạp. Ông David Beasley, lãnh đạo chương trình lương thực thế giới khẳng định “không có bảo đảm về lương thực, chúng ta sẽ
không bao giờ có hòa bình và ổn định”.
Trong báo cáo ngày 15/7/2020 của Liên Hiệp Quốc, nạn thiếu lương thực liên quan
đến gần một tỉ người và vẫn trên đà gia tăng trong những khu vực giao động, bị đe dọa vì
chiến cuộc, bách hại, thiên tai phá hủy môi sinh trong nhiều khu vực vùng Trung
Phi như Sahara, vùng Châu Á như Afghanistan, Triều Tiên v.v…
Nói về tình trạng thiếu
lương thực, trước hết hãy tìm hiểu thế nào là hiện tượng “đói”? Đói chỉ trạng
thái con người cảm thấy
thiếu thốn, hay thiếu hụt một điều gì mà chưa toại nguyện theo đúng ước muốn
hay nhu cầu sinh học cần thiết cho cơ thể. Điều đó có thể là vật chất như đói ăn, đói bụng hay tinh thần như đói lòng, đói tình, đói chữ. Đói ăn với đói khát là dấu hiệu do cơ thể con
người nhắc nhở cho biết, đã đến lúc hay đã quá thời điểm mà lượng đường trong
máu giảm thiểu, không cung cấp được đủ năng lượng cho các cơ quan thiết yếu hoạt
động bình thường. Những triệu chứng sinh lý báo hiệu như bụng cồn cào, đau co
thắt, chóng mặt, xây xẩm, mệt mỏi, chuyển nhanh (khi thời gian thiếu thốn kéo
dài) sang trạng thái yếu kém, mất đề kháng, dễ nhiễm trùng, tứ chi co thắt, rã
rời (do sự suy giảm của phần mỡ mang lại sự tiêu hao cơ bắp) dẫn đến giai đoạn
mất nước, mất ngủ, thần kinh tê liệt, suy tim, mệt lả rồi tử vong. Cạnh những hậu
quả sinh học kể trên, sự đói kém mang nhiều ảnh hưởng trầm trọng tác hại trên
não bộ, thần kinh, sự bài tiết các hormone, chất sérotonine. Tinh thần sẽ sa sút,
dễ chuyển từ tình trạng tâm lý bình thường sang bất an, cáu kỉnh, gắt gỏng, giận
dữ, cục cằn, suy sụp. Trong tiếng Việt tuyệt vời, ta chỉ cần đổi dấu trên chữ
đói thì sẽ có câu: khi “đọi”, nghèo
khó thì bụng “đói” nên ta phải “đòi” hỏi! Sự giảm thiểu các chất dinh dưỡng
căn bản gây nhiều ảnh hưởng xấu trên tâm lý, tình cảm, làm suy yếu tinh thần,
làm sai lệch suy luận, xét đoán, mất phản xạ đối phó và phản ứng trong quan hệ
xã hội. Con người trở thành trầm cảm, chán nản, đầy ý tưởng yếm thế, buông xuôi
kèm theo thái độ thủ thế, ích kỷ, mất tư cách, hết tự trọng, nhân phẩm con người,
mất lòng tin vào chính mình, vào người xung quanh để trở nên ngờ vực, oán ghét
người khác và cuộc đời.
Tình trạng” đói ăn” có thể sắp xếp theo ba mức độ, dựa trên nguyên nhân, lượng thiếu hụt ít hay nhiều, tùy theo thời gian dài hay ngắn, bắt nguồn từ sự lựa chọn cá nhân ( vì lý do sức khỏe, dị ứng hay mức kém hấp thụ gluten, lactose), tùy quan niệm sống theo phong trào sinh thái Bio, Ecolo, theo khuynh hướng xã hội (bảo vệ môi sinh, giảm độ hâm nóng toàn cầu, hay tránh sát hại súc vật) theo ý niệm tôn giáo (chế độ ăn trường chay của Phật Giáo,hay theo quy luật của Hồi hay DoThái Giáo) hay tình hình xã hội, chính trị:
1) Trạng thái thiếu dinh dưỡng (carence) trong thời hạn ngắn hay dài, lượng thiếu hụt ít hay nhiều chất: Thiếu sinh tố B1 sẽ gây bệnh phù thũng Béribéri, vitamine D sẽ dẫn tới bệnh còi xương, vitamine A làm thị giác bị giảm, khô mắt và quáng gà, sinh tố B12 mang tới bệnh thiếu máu đỏ.Thiếu chất đạm sẽ gây nguy cơ Kwashiocor, thiếu các khoáng chất như Iode, hay Magnésium thì chân tay dễ bị chuột rút (crampe), thiếu Calcium dẫn đến bệnh loãng xương. Những chế độ kiêng khem rất đa dạng, phức tạp, lâu dài sẽ gây những triệu chứng đặc biệt của từng bệnh trạng. Điều cần là xác định được chất cần thiết đang bị thiếu hụt cho cơ thể để rồi mau chóng bù đắp lại tùy trường hợp, thí dụ kiêng thịt động vật sẽ thiếu chất đạm nên sẽ phải bù bằng chất đạm thực vật trong đậu nành. Bình thường sự phục hồi sức khỏe đến nhanh sau thời gian bồi dưỡng chất thiếu hụt.
2) Tình trạng đói kém vì thiếu hụt lương thực (dénutrition,
sous-alimentation, disette) : Cơ thể không được cung cấp đầy đủ và đúng mức nguồn
lương thực hàng ngày để đáp ứng nhu cầu căn bản về dinh dưỡng trong một thời gian nhất định. Trường
hợp thiếu thốn này thường xẩy ra trong các nơi tập trung như các trại giam cấm, tù nhân bị hạn chế thức ăn về lượng lẫn phẩm, tại
các trại tị nạn quá đông đúc di dân nên số lượng thực phẩm bị giới hạn không đủ
cung ứng theo nhu cầu, hay tại các vùng núi hiểm nghèo, các vùng quê xa lắc với
điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiếu phương tiện chuyên chở, tiếp tế hay sản
xuất lương thực. Điển hình cho tình trạng thiếu ăn này là chuyện dài “một ngàn… lẻ một “trường hợp đầy tình tiết
đau thương, khốn khổ do sự đói kém triền miên và dai dẳng của các quân cán
chính chế độ Việt Nam Cộng Hòa sau ngày 30/4/1975 trong các trại “tập trung cải
tạo “rải rác trên khắp lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt tại các địa danh xa thành thị,
nơi đèo heo hút gió, rừng thiêng nước độc như trại Cổng Trời, Hoàng Liên Sơn, Yên
Bái thuộc miền Bắc sát biên giới Trung Quốc. Bị cách ly khỏi gia đình, lưu đầy
không định bản án, mà ngày qua ngày, rồi tháng đến năm, họ phải lao động khổ sai”
Anh ở đây, Áo rách xác xơ vai gầy, đẩy xe dưới nắng gắt trưa hè, ngày ngày cơm không đầy chén” (Anh ở
đây-Thục Vũ) cơ thể đói kém, sức khỏe hao mòn, tinh thần suy nhược hết ý chí phấn
đấu theo đúng mục tiêu bên “thắng cuộc” chủ trương và hoạch định cho người”
thua cuộc”
3) Nạn đói (famine): Là tình trạng thiếu hoàn toàn thực phẩm, đói kém trầm
trọng, lan trên một khu vực địa dư rộng lớn, một miền đất nước và ảnh hưởng
trên một số đông dân cư. Hiện tượng này thường đi kèm với sự suy dinh dưỡng gây
ra nạn đói, đồng thời nhiều dịch bệnh xuất hiện lan tràn nhanh chóng mang lại tử
vong hàng loạt. Nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn đói, trực tiếp như những biến động
quân sự gây giặc dã chiến tranh, những xung đột dành ảnh hưởng làm suy giảm an
ninh đời sống, làm xáo trộn kinh tế, nạn phá và đốt rừng, suy thoái đời sống vật
chất gây cảnh thất nghiệp và di dân. Nguyên do thiên nhiên với tốc độ biến đổi
nhanh của thời tiết gây thiên tai, lũ lụt, hạn hán và nạn sâu bọ phá mùa màng
triệt hại canh nông. Tất cả các nguyên nhân đó ép buộc dân làng không còn nguồn
cung cấp thực phẩm phải rời bỏ nơi đang cư ngụ, ruộng nương đi lánh nạn, hy vọng
tìm nguồn sống mới nơi xa lạ khác. Sự tập chung đông đảo, lối sống chung đụng
giữa đoàn người đói ăn, tinh thần giao động, căng thẳng trước tương lai bất trắc
vô định, thân thể yếu ớt, mệt lả giữa môi trường thiếu điều kiện vệ sinh đầy
rác rưởi nên các bệnh dịch lan tràn nhanh chóng mang đến tử vong cao. Nạn đói khi xẩy tới
không buông tha một ai, người nghèo, dân lao động thành thị cũng như giới nông
dân và không chừa một dân tộc, một quốc gia nào, thường thường kém mở mang.
Lịch sử nhân loại đã
chứng kiến biết bao nạn đói khủng khiếp giết hại hàng triệu người trên nhiều nước
khắp hoàn cầu. Vượt ngược dòng thời gian, trong lịch sử xa xưa nạn đói xẩy ra
vào năm 441 tại Ý Đại Lợi, Hy Lạp đến năm 1347 tại Âu Châu, năm 1601 tại Nga và
rồi bên Tầu, Triều Tiên và gần đây tại Nigeria, Somalie, Yemen và Soudan. Riêng
đối với người Việt, chúng ta làm sao quên được nạn đói năm Ất Dậu 1945 xẩy ra trên miền Bắc tại quê
hương Việt Nam. Đó là” một cơn ác mộng, một
nỗi đau đớn xót xa của dân tộc, một thảm
họa nhân đạo khủng khiếp, một sự hủy diệt kinh khủng, một chứng tích lịch sử
không sao xóa nhòa được trong ký ức người
Việt chúng ta (Chú thích lịch sử nạn đói 1945 tại Việt Nam do GS Nguyễn văn
Tạo-GS Futura Moto). Thảm cảnh xẩy từ tháng 10/1944 đến giữa năm 1945 do chính
sách đánh vào nền kinh tế phục vụ chiến tranh của hai cường quốc Pháp-Nhật đặt
chân đến Đông Dương. Quân Nhật gom thu hết lúa, vơ vét gạo mang về nước. Phía
quân Pháp dự trữ lương thực để phòng trận chiến bùng nổ trong tương lai. Họ bắt
buộc dân làng bán lúa giá rẻ, nhổ lúa để trồng đay, dành ruộng để trồng lạc. Thêm
vào đó thiên tai đổ xuống trút bao tai họa trên đầu dân Việt với lũ lụt, vỡ đê,
mất mùa, cây luá bị con rầy phá hoại. Dân chúng tại 32 tỉnh từ Quảng Trị trở ra
đến hai thành phố Hà Nội, Hải Phòng và vùng Nam Định, Thái Bình bị đói kém, hết
lương thực đành phải dắt díu nhau từng xóm làng, từng gia đình, trẻ già lẫn lộn
đi kiếm thức ăn. Đoàn người lang thang vô định, gầy giơ xương, run rẩy, bệnh hoạn
rồi kiệt sức nằm la liệt chờ chết hay đã chết trên đường phố để rồi vào buổi sáng
hôm sau, thân xác được xúc lên xe bò đem đi chôn xuống hố tập thể. Tính ra tất
cả gần hai triệu người chết trong cảnh thương tâm nạn đói năm Ất Dậu. Thời gian
đó, trong lứa tuổi 13-14 tôi đã nhìn, nhớ và không thể quên nhiều cảnh tang
thương gặp trên đường phố, những xe bò chở đầy áp, ngổn ngang xác chết cong
queo, hình ảnh khốn cùng của một trẻ sơ sinh vẫn đang ngậm vú người mẹ đã chết,
hay trường hợp người bạn bị đứt tay, vết thương vừa được khâu và cuốn băng lại.
Trên đường về nhà, tay lành nâng tay bị thương trước ngực, bỗng bị một người từ
đằng xa xông tới, chụp vội ngón tay đang được cuốn băng khá to vì tưởng bạn tôi
đang nâng niu trên tay gói đồ ăn! Khi đói khát, họ tìm bất cứ gì để nhét vào bụng!
Có lần theo gia đình tham gia vào đoàn cứu đói, phân phát cháo hay cơm nắm dọc
đường hay tại trại tế bần, được nghe kể bao chuyện đau thương xẩy đến khi cơn
đói dầy vò thể xác và xáo trộn tinh thần, làm mất lương tri, đứt đoạn tình
nghĩa. Con người thành phản bội, thủ đoạn, dã man, tính toán, đây người con cướp
khoai khô của mẹ già, kia chồng bỏ vợ, cha bỏ con, nào là cướp giật, giết hại,
thanh toán nhau, chỉ vì miếng ăn để sống còn, để tồn tại!
Qua kinh nghiệm đau thương của quá khứ, Đức Giáo Hoàng
và lãnh đạo các cường quốc trên thế giới kêu gọi đối phó và bảo đảm an toàn và
cải thiện tình trạng lương thực trên toàn cầu ngay trong hiện tại và cho tương
lai. Cơ Quan Liên Hiệp Quốc công bố trong báo cáo ngày 15/7/18 “có 821 triệu dân trên toàn thế giới rơi vào
cảnh thiếu ăn trầm trọng. Số người thiệt hại vì đói mỗi năm nhiều hơn số người
chết vì bệnh sốt rét, bệnh Aids cộng lại, và cứ 12 giây lại có một trẻ nhỏ thiệt
mạng do không có thức ăn. Họ đặt mục
tiêu đến năm 2030, thế giới tương lai sẽ không còn cảnh đói kém. Mục tiêu thật chính đáng,
nhân đạo đặt ra nhưng nay trở thành một thách thức xem khó thực hiện được đúng
thời điểm!!! Có quá nhiều nguyên nhân cản trở hay làm chậm trễ việc thực hiện kế
hoạch này. Những nguyên nhân chính từ ngàn xưa, như đã kể trên, vẫn là biến động
chính trị, xung đột bạo lực gây giặc dã, áp bức, bất công, suy thoái kinh tế tạo
tình trạng thất nghiệp, sự kỳ thị mầu da, mức bất bình đẳng trong xã hội. Vào thời buổi hiện tại và hướng về tương
lai trong thế kỷ 21, tình trạng đói kém càng thêm trầm trọng, ô nhiễm môi sinh
càng ngày càng phức tạp, nguy hiểm hơn và cần được giải quyết cấp bách : Về hoạt
động con người, thấy xuất hiện những yếu tố mới, đa dạng, rắc rối vì liên kết
chặt chẽ và ảnh hưởng giây chuyền chằng chịt với nhau trong vấn đề toàn cầu hóa,
thị trường cạnh tranh, hoạch định sản xuất quá mức và thói xấu phung phí vât liệu, liên quan đến
nhiều mặt chính trị, xã hội, tín ngưỡng, khoa học, canh nông, khí tượng, y tế
,và môi trường sinh thái . Về mặt thiên nhiên, phải kể các biến động như sự xáo
trộn khí hậu, mức tăng sức ấm trái đất, tăng khí Ozone, sự tan chảy các băng đá,
mức tăng lượng khí gây “hiệu ứng nhà kính “, lượng thoát tải khí CO2. Về yếu tố
nhân sự, canh nông, sản xuất và kinh tế với lối buôn bán cạnh tranh toàn cầu,
canh tác tham lời nhuận nên lợi dụng việc khai phá bừa bãi, đốt cháy núi rừng, lạm
dụng chất khai quang, trừ sâu độc hại, việc thải nước ô nhiễm, cách xử dụng đồ
vật chỉ một lần rồi vứt bỏ, việc thải plastique ra sông ngòi, biển cả. Sự xáo
trộn môi trường sinh thái do các biến động thiên nhiên gây ảnh hưởng rộng lớn về
thiên tai như lũ lụt, động đất, cơn xoáy lốc tsunami, sự xuất hiện các xâu bọ
phá hại mùa màng canh nông, tác hại trên nguồn cung cấp thực phẩm, đồng thời xuất
hiện, biến dạng các giống ký sinh trùng, virus mới lạ như trường hợp Coronavirus trong
trận đại dịch Covid-19 hiện nay đang hoành hành và gây tang thương trên toàn cầu.
Ngay từ năm 2002, cố
Tổng Thống Jacques Chirac đã
cảnh báo nguy cơ “ Notre maison brûle et
nous regardons ailleurs”. Các cơ quan FAO và WHO (lương thực và Y tế thế giới)
đặt trọng tâm vào việc bảo đảm an ninh lương thực nên tổ chức “ngày lương thực
thế giới” vào ngày 16/10 mỗi năm để kêu gọi mọi giới, mọi thành phần, mọi quốc
gia hợp tác đông đảo, tích cực tìm biện pháp thích nghi đối phó với tình hình mới.
Năm nay 2020, mục tiêu là “Ứng phó, phục hồi và phòng ngừa đại dịch”giúp những
người trong hoàn cảnh yếu kém, tạo một hệ thống thực phẩm sạch, bền vững, bảo đảm
an ninh và chất lượng dinh dưỡng.
Nguyện
cầu toàn thế giới thức tỉnh, và nỗ lực cộng tác cho mục tiêu nhân đạo mà Cơ Quan
Liên Hiệp Quốc đặt ra, và đặc biệt cầu cho ước vọng của Đức Thánh Cha François
được thực hiện “mơ về một nhân loại duy
nhất, nơi đó tất cả chúng ta là anh em của
nhau, là con của Chúa Trời được hưởng
bằng nhau sự kính trọng cũng như các
quyền lợi. Mong sao toàn dân địa cầu có một mức sống bình đẳng, ổn định, đầy
đủ dinh dưỡng, ấm no trong một môi sinh lành mạnh, trong không khí trong sạch,
hầu tạo một thế giới an bình, thương cảm và quý mến nhau trong tình huynh đệ.
Nguyễn Đăng Quế
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang