TUẦN THÁNH ĐỌC LẠI BÀI THƠ « BỐN MƯƠI 1972-2012 » CỦA CHA CUNG CHI ĐINH ĐỒNG THƯỢNG SÁCH VỀ ĐỜI SỐNG LINH MỤC
Trần Văn Cảnh
« BỐN MƯƠI 1972-2012 » là bốn mươi năm đời linh mục. Vâng, đã 40 năm làm linh mục. Nghĩ lại về cuộc đời mình đã sống chức linh mục. Tổng cộng, từ lúc chào đời ngày 15.08.1939, đến ngày 24.12.2012, nếu lấy chức linh mục làm tiêu chuẩn, và nếu lấy thước đo 40 Thánh Kinh, thì cha Giuse Sách đã theo gót chân các tổ phụ và tiên tri, Noe, Maisen, Elie, Giona và đã theo đường Chúa Kytô.
Nội dung hàm chứa những điển tích Cựu ước và Tân ước uyên thâm, có thể làm độc giả phàm tục choáng váng. Nhưng đọc kỹ, cũng dưới con mắt phàm tục, bài « Bốn Mươi 1972-2012 » là lời tự sự và tâm tình, gói ghém một lời tự sự khách quan và một tâm tình huyền nhiệm.
Nội dung này được bố cục với một cấu trúc chặt chẽ kiểu thơ đường luật. Tiền đề gồm hai khổ 1 và 2 giới thiệu việc chuẩn bị làm linh mục. Chính đề gồm bảy khổ tiếp theo, từ khổ 3 đến hết khổ 10 trình bày, mô tả sự việc đã làm trong 40 năm đời linh mục. Hậu đề gồm bốn khổ sau cùng, từ khổ 11 đến hết khổ 14, vừa diễn tả một cảm xúc về đời linh mục vừa biểu lộ một dự phóng tương lai những năm còn lại. Kết đề là bài thơ đường luật đưa ra một kết luận khái quát toàn bộ nội dung đời linh mục theo hướng mở rộng từ « Phúc Giáng Sinh » và nâng cao đến « Phúc Phục Sinh ».
Thanh Hương Trần Văn Cảnh
Đêm Noël 24.12.1972 cha Giuse Đinh Đồng Thượng Sách đã được thụ phong linh mục.
40 năm sau, đêm Noël 24.12.2012 đến, nhớ về Giáng Sinh 1972, bao nhiêu tâm tư, bao nhiêu hoài niệm, bao nhiêu cảm xúc, vừa sâu sắc, vừa phong phú, vừa mãnh liệt, vừa như để tự sự, vừa như để cầu nguyện, tạ ơn, đang dào dạt trở về, tất cả đã được gói ghém trong bài thơ « BỐN MƯƠI (1972-2012) » mà thi sĩ linh muc Cung Chi Đinh Đồng Thượng Sách vừa gửi cho người viết [1]. BỐN MƯƠI 1972-2012 là 40 năm linh mục của cha Giuse Đinh Đồng Thượng Sách. Cũng là 40 năm cha phục vụ dân Chúa Việt Nam Paris. Xin chúc mừng cha Giuse Sách, linh mục thành viên rất đa tài, đắc lực và tích cực trong Ban Giám Dốc, đã góp phần xây dựng và phát triển Giáo Xứ Việt Nam Paris. Xin tạ ơn cha Giuse. Bài này được viết ra để « Chúc Mừng 40 năm linh mục của cha Giuse Đinh Đồng Thượng Sách ». Chúng ta sẽ phân tích bài thơ BỐN MƯƠI 1972-2012 của cha Giuse với những nhận định thần học về sứ mệnh và đời sống linh mục rút ra từ Thánh Kinh, với những dữ kiện cụ thể về việc cha Giuse đáp tiếng gọi của Chúa làm linh mục và sống đời linh mục qua những đóng góp vào việc mục vụ Giáo Xứ Việt Nam Paris. Nhưng trước nhất chúng ta hãy đọc bài thơ.
BỐN MƯƠI
(1972-2012)
40 ngày đêm mưa tầm tã
Nước dâng lên ngập cả thế gian
Khắp nơi người vật tiêu tan
Tầu "No-e" nổi,vì tuân lệnh Trời.
40 ngày lụt rồi khô cạn
Cửa mở ra nắng ấm tương lai
Cầu vòng tươi sắc hòa hài
Nhắc lời giao hứa không sai bao giờ.
40 ngày thiên cơ núi thánh
Lĩnh thập điều sức mạnh tâm can
"Mai - sen" tổ phụ nét thần
Đóng vai lãnh đạo dẫn đoàn dân riêng.
40 ngày ngả nghiêng cất bước
Đôi chân chồn nội lực mòn hao
Miệng khô lưỡi đắng ruột bào
Nhìn về "Hô - rép"vời cao ngại ngùng.
Nhờ tâm bánh, nước trong ấm hũ
Uống rồi ăn lại đủ can trường
Ơn trên che chở quan phòng
"Ê - li "vượt hết đoạn đường gian nan.
40 ngày thực tâm xám hối
Thành "Ni-vê"nhận lỗi ăn năn
Vua quan cho đến lê dân
Nghe "Gio - na " giảng canh tân đổi đời.
40 ngày đêm trời sa mạc
Cuộc trường chay hành xác thân người
Chịu cơn đói khát rã rời
"Sa - tăng"cám dỗ dùng lời chước ma.
40 ngày hiện ra đây đó
Chúa phục sinh nâng đỡ môn đồ
Rồi trên mây đẹp xanh lơ
Vinh thăng thiên quốc chờ giờ tái lâm...
40 năm cát lầm hoang địa
Mưa "man-na "thấm thía nhường bao
Nước nguồn suối đá tuôn trào
Đoàn dân ưu tuyển tin vào hướng đi...
Ôi con số còn ghi rõ đó
Chút tâm tư bày tỏ tri ân
Một đời bốn chục hai lần
Nào lần tuổi thế, nào lần chén thiêng.
Ơn vũ lộ "trời nghiêng đất ngừa "
Thân thuyền nan chan chứa hồng ân
Nô tài khoác áo "sứ thần"
Chân run địa mạc, gót trần, non cao.
" Lương Huyền Nhiệm"dồi dào phù trợ
Dấu Tình Thương in đỏ lối qua
Tương lai, hiện tại...gần xa
Ôm Hình Bánh Rượu Ngọc Ngà trong tim.
Bước một bước, vui tin một bước
Phút lâm chung...nhấn bước cuối cùng
Nhìn lên tin tưởng vô song
Cậy trông phó thác, một lòng kính yêu...
40 năm bao điều mới cũ
Mẹ quan tâm lo đủ bốn mùa
Một ngày sớm tối chiều trưa
Một đời khác thể thoi đưa ân tình...
Phúc Giáng Sinh
Ngập lụt hồng ân phúc giáng sinh
Non cao vời vợi, sức mong manh
Dấn thân phục vụ, theo chân Chúa
Nhấn bước hy sinh, hiến phận mình
Lãnh nhận Bánh Thiêng, nguồn nghĩa thiết
Thông phần Chén Thánh, suối ân tình
Tấc thành cải quá như chay tịnh
Mỗi lễ dâng lên, mỗi Phục Sinh...
Paris 2102 nhớ về
Giáng sinh 1972
CUNG CHI
Đầu đề « BỐN MƯƠI (1972-2012) » gồm hai bài thơ. Một bài song thất lục bát 14 khổ với đầu đề « Bốn mươi 1972-2012 ». Một bài đường luật với đầu đề « Phúc Giáng Sinh ». Trình bầy như vậy, có phải Cung Chi ngụ ý rằng « Bốn mươi năm đời linh mục là Phúc Giáng Sinh » ? « Bốn mươi 1972-2012 » và « Phúc Giáng Sinh » là một ? Có phải « Phúc Giáng Sinh » là kết luận của « Bốn mươi 1972-2012 » ? Hay nội dung chính vẫn xoay quanh « Mốn mươi 1972-2012 » ?
40, một con số trong Thánh Kinh, Cựu ước cũng như Tân ước. Trong Cựu ước, con số 40 xuất hiện 4 lần : 1- Đại Hồng Thủy thời ông Noê, trời mưa ròng rã suốt 40 đêm ngày (St 7:4, 12, 17; 8;6). 2- Ông Môisê sau khi lập giao ước với Yavê tại núi Sinai, đã ở lại với Ngài tại đó trọn 40 ngày (XH 24:18). 3- Tiên tri Êlia khi bị hoàng hậu Jezebel cho quân lính lùng bắt, đã phải trốn vào sa mạc và đi suốt 40 ngày đêm để tới núi Horeb (1 Vua 19:8). 4- Tiên tri Giôna cho dân thành Ninivê thời hạn 40 ngày để ăn năn sám hối (Jonah, 1-3). Trong Tân Ước, con số 40 đã được nhắc đến hai lần : 1- Chúa Giêsu chịu cám dỗ suốt 40 ngày đêm trong sa mạc (Mt 4, 1-11) và 2- Ngài lên trời 40 ngày sau khi phục sinh (Cvtđ 1:3).
Đọc lại sáu truyện về con số 40, là đọc lại cả một lịch sử cứu thế, mà vai trò của người lãnh đạo dân riêng Chúa, cựu ước cũng như tân ước, đều trổi vượt trong những khó khăn chọn lựa ; khó khăn vì cao cả, vì thử thách, vì khổ nhục ; nhưng cũng đầy khích lệ và vui mừng, vì sau những khó khăn, là những giao ước, những thành đạt, những trở về, những phục sinh. Sau nạn lụt Hồng Thủy là một dòng dõi mới được tạo lập. Sau thời gian gặp gỡ giữa Yavê và Mai sen là một giao ước mới được giao ước. Sau 40 năm lang thang trong hoang địa thì dân Chúa được vào Đất Hứa. Sau 40 ngày ăn chay thì dân thành Ninivê, theo lời giảng của Giona, trở lại với Thiên Chúa. Sau hành trình lên núi Hôreb, thì Êlie được Chúa tăng sức và trở lại sứ mạng của mình. Sau thời gian cầu nguyện và chịu cám dỗ trong sa mạc, thì Chúa Giêsu tràn đầy Thánh Thần bắt đầu loan báo Tin Mừng. Và khi Ngài về trời sau 40 ngày phục sinh, thì Giáo Hội được khai sinh và bước vào giai đoạn truyền giáo. Và dân Chúa hôm nay, trong năm phụng vu, sau Mùa Vọng là Mùa Giáng Sinh, sau 40 ngày Mùa Chay là thời gian chuẩn bị tâm hồn để được hân hoan đón Mùa Phục Sinh.
40, một con số trong đời linh mục của cha thi sĩ Cung Chi Đinh Đồng Thượng Sách. « Bốn mươi 1972-2012 » gói ghém một tự sự và một tâm tư đời linh mục, qua 14 khổ song thất lục bát. Tự sự và tâm tư về 40 năm đời linh mục, từ 1972 đến 2012. 40 là một con số dài, và trong đời cha Giuse, con số 40 xuất hiện hai lần :
« Một đời bốn chục hai lần
Nào lần tuổi thế, nào lần chén thiêng ».
40 năm « tuổi thế », theo tiếng Chúa. Và 40 năm « chén thiêng » đời linh mục.
Sinh ngày 15.08.1939, tại giáo xứ Tử Nê, Bắc Ninh, cha Đinh Đồng Thượng Sách đã bỏ ra 33 năm, vo tròn thành 40 năm, tuổi thế để tiến lên chức linh mục. Một quãng đường dài, nhiều cố gắng, lắm thử thách. Thủa nhỏ, cậu Giuse Sách được học chữ nho với ông bác họ, sống ở nhà chung. Cùng học với cậu, còn có người anh là Đinh Đồng Nhất, một số anh em họ hàng và vài cậu bé ở làng bên. Ông bác Thầy đồ dạy học đã đổi tên Đinh Đồng Sách thành ra Đinh Thượng Sách. Sau 1954, cụ thân sinh của cậu làm việc ở Tòa Án xin sắc lệnh tổng thống đổi họ. Họ Đinh trở lại Đinh Đồng ghi trong gia phả. Còn tên Thượng vẫn giữ nguyên. Vì vậy, cậu mới mang tên là Đinh Đồng Thượng Sách. Quãng đường này được gói ghém trong hai khổ đầu của bài thơ « Bốn mươi 1972-2012 ». Lên tầu Noe, vào chủng viện. Rồi ra tầu Noe, tiến lên chức linh mục trong Dòng Thánh Thể Paris. Nói như vậy, sau đây chúng ta hãy cùng nhau khám phá các chặng đường cha Giuse Sách đã đi qua, trong « Một đời bốn chục hai lần » của ngài.
1. 1950, chặng một, Chú Giuse Sách lên tầu Noe, bước vào đời chủng sinh Đạo Ngạn Bắc Ninh, rồi học Đại Học Văn Khoa Sài Gòn và Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt. Tối 20.11.2008, linh mục thi sĩ Đinh Đồng Thượng Sách đã dành cho người viết một cuộc nói chuyện lý thú. Trong những đề tài nói chuyện, cha kể cho người viết nghe việc học tập tiến lên chức linh mục của ngài. Đây là những điều ngài kể, mà người viết đã ghi nhận được.
« 1950 vào Tiểu chủng viện Antôn Ninh Đạo Ngạn, Bắc Ninh. Đây là một trường vốn có từ lâu. Nhưng từ khi kháng chiến bùng nổ, thì trường bị giải tán vào năm 1947. Ngày 01.02.1950, Đức Thánh Cha Piô XII tuyển chọn Đức Cha Đa Minh Hoàng Văn Đoàn làm giám mục đại diện tông tòa giáo phận Bắc Ninh (giám mục việt nam đầu tiên cho địa phận Bắc Ninh). Được tấn phong ở Rôma ngày 03.09.1950, ngài trờ về lãnh nhận giáo phận ngày 23.10.1950. Dẫu tình hình chiến tranh khốc liệt, Đức Cha Đoàn đã bắt tay vào việc kiến thiết địa phận. Ngài kiến thiết lại Nhà Chung, trường trung học Vinh Sơn Liêm, thành lập ấn quán chân phước Cẩm và tái lập lại tiểu chủng viện Đạo Ngạn. Ngài giao cho hai cha tổ chức lại tiểu chủng viện và đi tuyển thi các chú. Cha Nguyễn Văn Liêm lo về các môn toán, khoa học,... Cha Nguyễn Bá Thi lo về các môn văn chương, sử địa,.. Đề thi gồm có toán, chính tả, luận văn và một số câu hỏi cho cả vùng. Tôi được tuyển vào tiểu chủng viện Đạo Ngạn và học ở đây cho đến khi thi xong bằng Trung học phổ thông cuối cùng ở Hà Nội năm 1954.
1954 tất cả các chủng sinh Đạo Ngạn được di chuyển vào Nam. Đức Cha Phạm Ngọc Chi, được ủy thác lo cho hàng giáo sĩ di cư, đã thành lập « Ủy Ban hỗ trợ định cư ». Ngài cho xây cất một căn nhà gỗ gần nhà thờ Huyện Sĩ để tiếp tục công việc đào tạo các tiểu chủng sinh Bắc Kỳ di cư, gồm khoảng 300 chủng sinh của các địa phận Bùi Chu, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Hóa, Thanh Hóa và Vinh. Cơ sở chủng viện này nằm cạnh trung tâm Bùi Chu, trường Nguyễn Bá Tòng và trường Hồ Ngọc Cẩn. Các chủng sinh học chương trình tu đức ở chủng viện và học chương trình trung học tú tài ở trường Hồ Ngọc Cẩn.
1958 đậu tú tài, được gởi đi học tiếng latinh ở Thủ Đức. Cùng lúc học latinh thì tôi ghi tên học Đại Học Văn Khoa Sài Gòn.
1959 hết năm học latinh, tôi được gởi lên học Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt.
1960, rời Giáo Hoàng Học Viện, tôi trở về Sài Gòn tiếp tục học Văn Khoa. Năm 1963, đậu cử nhân giáo khoa việt hán Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, tôi đi dậy học ở trường Nguyễn Trãi. Hằng năm tôi chấm thi và chủ khảo một trung tâm Tú Tài. Lần chót chấm thi tú tài là năm 1965. Cũng trong năm 1965 tôi đã trình tiểu luận cao học văn chương trung hoa ở Đại Học Văn Kkoa Sài Gòn về đề tài : « Tính chất trữ tình trong văn chương Tào Thực », mà chủ khảo là giáo sư Nghiêm Toản. Đây là tiểu luận cao học văn chương trung hoa đầu tiên ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn ».
2. 1965, chặng hai, Thầy Giuse Sách ra tầu Noe xin nhập dòng Thánh Thể, tiến lên chức phó tế ngày 09.12.1972 tại nhà nguyện Giáo Xứ Việt Nam Paris và linh mục đêm Noël 24.12.1972 trong Dòng Thánh Thể Paris. « 1965 khi tôi vừa trình tiểu luận cao học xong thì Giáo sư Nghiêm Toản hỏi tôi có muốn làm giảng viên dậy đại học không để ông giới thiệu. Nhưng tôi đã cám ơn giáo sư và thưa rằng muốn tiếp tục đi tu. Tôi đã liên lạc với cha bề trên dòng Thánh Thể. Ngày 03.12.1966 tôi từ giã gia đình, bỏ hết mọi sự lại ở Việt Nam, không mang gì theo, lên đường đi Pháp. Tôi vào nhà tập ở gần Mayenne. Năm sau, tôi được gởi sang nhà tập ở Bruxelles, và đi học ở Louvain, cách Bruxelles khoảng 30 cây số đường bộ. Khủng hoảng 1968 thì tôi vẫn còn ở Bruxelles. Năm 1969 tôi được vô học thần học ở Học Viện Công Giáo Paris.
1972, đậu cao học thần học ở Học Viện Công Giáo Paris, tôi được lãnh nhận chức phó tế tại nhà nguyện nhỏ bé của Giáo Xứ Việt Nam Paris, do Đức Cha Daniel PEZERIL chủ phong ngày 09.12.1972 ». Nhận chức Phó tế là nhận giúp Giám mục và hàng linh mục của Người, đồng thời tỏ mình là tôi tớ mọi người trong thừa tác vụ Lời Chúa, Bàn thờ và bác ái. Thầy Giuse Sách đã hứa muốn được thánh hiến do việc đặt tay của Giám Mục và ơn Chúa Thánh Thần, để thi hành thừa tác vụ của Hội Thánh. Muốn gìn giữ mầu nhiệm đức tin trong lương tâm ngay thẳng như Thánh Tông Đồ dạy, và rao giảng đức tin ấy đúng Phúc âm và Truyền Thống của Hội Thánh bằng lời nói và việc làm. Muốn chu toàn nhiệm vụ phó tế với lòng bác ái khiêm nhường để trợ giúp hàng tư tế và hướng dẫn giáo dân thăng tiến. Muốn suốt đời giữ sự độc thân này làm bằng chứng các con đã cống hiến tâm hồn mình cho Chúa Kitô vì Nước Trời để phục vụ Thiên Chúa và nhân loại. Muốn gìn giữ và gia tăng tinh thần cầu nguyện phù hợp với cách sống của các con, và trong tinh thần ấy, tôi muốn chu toàn các Giờ Kinh Phụng Vụ theo điều kiện của mình, làm một với dân Thiên Chúa, để cầu nguyện cho họ và cho toàn thể thế giới, và muốn không ngừng sống rập theo mẫu gương của Đức Kitô trên mà tôi sẽ chạm đến Mình và Máu Người mỗi ngày trên bàn thờ. Và hứa kính trọng và vâng phục Đức Giám Mục cùng các Đấng kế vị ngài.
Hai tuần sau, đêm Noël 24.12.1972, tôi được thụ phong linh mục tại nhà thờ Dòng Thánh Thể, Paris Champs Elysées, quận 8. Chỉ có một mình tôi nằm dài trước bàn thờ Chúa. Chỉ có một mình tôi được phong chức linh mục. Ở thời buổi này, một phần do ảnh hưởng xáo trộn của biến cố tháng năm 1968, ơn gọi làm linh mục bị một khủng hoảng lớn, đến nỗi nhiều linh mục giáo sư nổi tiếng của tôi về thần học, về giáo phụ học, về luân lý học, đã bỏ tu mà hồi tục. Người ta chỉ bỏ tu, chứ không mấy ai vào tu. Ngày nay (2008) khủng hoảng ơn gọi vẫn còn, nhưng không mạnh bằng những năm 70 ». Nhận chức linh mục, Cha Giuse Sách đã làm một số lời giao ước khác. Hứa là cộng sự viên tốt của hàng Giám mục trong việc chăn dắt đoàn chiên Chúa theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Hứa chu toàn một cách xứng đáng và khôn ngoan thừa tác vụ Lời Chúa trong việc rao giảng Phúc Âm và trình bày đức tin Công giáo. Hứa cử hành một cách đạo đức và trung tín các mầu nhiệm của Đức Kitô, để ngợi khen Thiên Chúa và thánh hóa dân Kitô hữu theo truyền thống của Hội Thánh, nhất là trong hy tế Tạ Ơn và Bí tích Hòa giải. Hứa cầu nguyện mà nài xin lòng thương xót của Chúa cho đoàn dân đã được trao phó, ngày càng liên kết mật thiết hơn với Đức Kitô Thượng Tế, Đấng đã tự hiến mình cho Chúa Cha làm của lễ tinh tuyền vì chúng ta, và có muốn cùng với Người hiến thân cho Thiên Chúa để cứu độ loài người. Hứa kính trọng và vâng phục Đức Giám Mục cùng các đấng kế vị ngài.
Đã lãnh nhận chức linh mục, từ đây, cha Giuse dấn thân phụng sự dân Chúa. Từ khổ 3 đến hết khổ 9, mỗi khổ diễn tả một hoàn cảnh đời sống linh mục : 3-Như Maisen tích cực dấn thân lãnh đạo, 4- có lúc ngại ngùng núi cao Hô rép như Elie, 5- nhưng rồi được ăn bánh và uống nước sứ thần mang cho bổ dưỡng Elie lại tiếp tục vượt hết đoạn đưởng gian nan, 6- theo gương Giona giảng canh tân đổi mới, 7- nhưng như Chúa Kytô trong sa mạc, linh mục bị Sa tăng cám dỗ, 8- Chúa Kytô Chúa Phục Sinh hiện ra nâng đỡ, 9- Chúa Kytô thăng thiên ban Chúa Thánh Thần, dân Chúa tin vào hướng đi.
3. 24.12.1972, chặng ba, theo chân Maisen, Cha Giuse Sách tiến lên núi thánh, nhận chức linh mục, nhận « Đóng vai lãnh đạo dẫn đoàn dân riêng » của Chúa, làm việc trong hội Liên Tu Sĩ (1973-1975), trong Trung Tâm Mục Vụ Á Châu (1975-1980), trong Ban Tuyên Úy Việt Nam tại Pháp (1976-Hôm nay) với người tỵ nạn Việt Nam mới qua Pháp và trong Giáo Xứ Việt Nam Paris (1977-Hôm nay). « Chịu chức linh mục xong, tôi ở tại nhà dòng Thánh Thể, nhưng sinh hoạt mục vụ với người việt nam, trong hội Liên Tu Sĩ, trong Trung Tâm Mục Vụ Á Châu và với người tỵ nạn Việt Nam mới qua Pháp.
Trong giai đoạn từ 1973 đến 1975, tôi đặc biệt sinh hoạt với Hội Liên Tu sĩ Việt Nam tại Pháp. Năm 1972, Hội Liên Tu sĩ có tổ chức Tết với kiều bào. Ngày 28.06.1975, tôi tham dự Đại Hội Liên Tu Sĩ. Một Ban Chấp Hành mới đã được bầu ra, với cha Hồng kim Linh, cha Tô ngọc Liên, Sh Trần Cừ và Nt Lệ Mai. Ban Chấp Hành mở ra ba ban sinh hoạt. Cha Ngô Duy Linh phụ trách Ban Phụng Tự Thánh Nhạc. Sơ Huỳnh Thị Na lo Ban Xã Hội. Tôi được trao trách nhiệm phụ trách Văn Phòng Liên lạc.
Từ năm 1975 đến 1977, với làn sóng người Việt mỗi ngày mỗi đông đến Pháp, tôi vẫn làm việc với Hội Liên Tu Sĩ, nhưng đặc biệt lo việc thăm hỏi, giúp đỡ người Việt, lương cũng như giáo, trong các trại tiếp cư vùng Paris, và đôi khi mãi tận trên vùng Picardie. Những trại mà tôi đi thăm nhiều là những trại ở Paris, Sarcelles, Pontoise, Villier sur Marne, Noisiel, Sevran,…Chúng tôi giúp họ dủ chuyện, từ thông dịch, chỉ dẫn giáy tờ, giúp liên lạc, dẫn đi lo thủ tục hành chánh, giúp đỡ thêm về quần áo, lo cho đi du ngoạn, thăm viếng, giúp tìm nhà ở, kiếm việc làm,… Cũng trong những trại tiếp cư này, đối với những người công giáo, chúng tôi đến cử hành lễ chủ nhật, ban bí tích giải tội, dây giáo lý cho trẻ em, dây tiếng pháp, dậy tiếng việt,…Sự gặp gỡ này tạo nên một mối dây liên lạc thân tình. Nhiều người hiện nay đang làm việc tích cực cho giáo xứ là vì đã có những liên lạc với chúng tôi từ hồi đó.
Năm 1976, Chủ Tịch Ủy Ban Giám Mục Pháp về di dân quyết định thành lập Trung Tâm Mục Vụ cho người Đông Nam Á và bổ nhiệm cha Etcharren trách nhiệm, cùng làm việc với hai cha khác là cha Guillard và cha Couessin. Ngày 21.10.1976, đại hội các linh mục việt nam tại Pháp. Hơn 30 vị đã về tham dự tại Tòa Tổng Giám Mục Paris. Tôi được bầu làm thơ ký Đại Hội và được cử vào thành phần trong ban 9 vị có trách nhiệm tổ chức đôn đốc và phối hợp các vấn đề liên quan đến việc phục vụ đồng bào Việt Nam tại Pháp [3]. Ngày 16.11.1976, Ủy Ban 9 vị đã họp tại Trung Tâm Mục Vụ Việt Nam-Pháp, tôi được giao trách nhiệm cùng với cha Hồng Phúc lo soạn thảo một dự án báo chí. Chúng tôi đã cấp thời phát hành tờ báo « TIN »[4]. Ngày 09.06.1977, cha Trương đình Hoè được bổ nhiệm làm Đại diện bên cạnh các Tuyên úy Việt nam tại Pháp.
Ngày 13.09.1977, cha Trương đình Hoè lại được bổ nhiệm thay thế cha Nguyễn quang Toán làm Giám đốc Giáo xứ Việt Nam vùng Paris. Theo tinh thần của tự sắc ‘Pastoralis Migratorum Cura” Cha Hoè đã lập ra một nhóm nhân sự khá hùng hậu để hoạt động gồm những Anh chị Em LM tu sĩ sau đây : Cha Hoàng quang Lượng, cha Ngô duy Linh, cha Lương tấn Hoằng, Cha Mai đức Vinh, cha Đinh Đồng Thượng Sách, cha Trần ngọc Anh, Sơ Huỳnh Thị Na, Sơ Nguyễn thị Phú, Sơ Trần thị Ái Nhi, Sơ Théophane Thịnh, Sơ Trần Kim Bình, Sơ Louise Duran, và chị Mỹ Phước. Thành phần đông đảo tân lập nầy được gọi là cộng đồng LM tu sĩ VN mà Cha Lượng được cử làm Bề trên.
4. 1973-1980, chặng bốn, cha Giuse Sách, như tiên tri Elie, thấy « Nhìn về Hô Rép vời cao ngại ngùng ». Bao nhiêu công sức đổ ra, bao nhiêu thiện chí làm việc, bao nhiêu sáng kiến tích cực. Nhưng vào một thời buổi nhiễu nhương, chia rẽ và nghi ngờ quốc cộng. Chính trị xen vào khắp nơi, vào văn hóa, vào tôn giáo. Một số giáo dân không thoát được những thiên kiến, những ảnh hưởng chia rẽ. Hằng tuần có truyền đơn tố cáo các cha thiên cộng. Người viết nhiều lần đã nhận được những báo chí, truyền đơn tố cáo các cha trong hộp thơ riêng tại nhà ; và hàng tuần đến Giáo Xứ Việt Nam, 15, rue Boissonnade, quận 14, dự lễ chúa nhật cũng đã nhận được các truyền đơn tố cáo các cha ; thậm chí có những chúa nhật một số người đã tụ tập trước cửa nhà thờ, chăng biểu ngữ đả phá Giáo Xứ. Các cha chủ tế và giảng lễ chúa nhật, giảng thế nào mặc lòng, khi cuối lễ, các giáo dân ra về cũng nhận được một tờ truyền đơn, do một vài giáo dân trong giáo xứ thực hiện và phân phát. Làm việc hết sức tận tình và ngay thẳng, nhưng chứng kiến những cảnh ấy, quả là một giai đoạn « 40 ngày ngả nghiêng cất bước, Đôi chân chồn nội lực mòn hao, Miệng khô lưỡi đắng ruột bào, Nhìn về « Hô-rép » vời cao ngại ngùng ».
5. 1980-2012, chặng năm, như Elie được ăn bánh và uống nước sứ thần mang cho, cha Giuse Sách được Thánh Thể Chúa nuôi dưỡng, đã « vượt hết đoạn đường gian nan », nhận làm tuyên úy giới trẻ và càng tích cực, hiệu quả hơn. Sơ Sophie Phú và tôi được trao trách nhiệm lo cho giới trẻ. Thời gian 1975-1977, số người trẻ Việt Nam đến Pháp rât đông và không chỉ là sinh viên, nhưng đa tạp với nhiều thành phần xã hội khác nhau. Nhu cầu của họ cũng khác biệt và đa tạp. Chúng tôi đã lập nhiều nhóm giới trẻ khác nhau để đáp ứng nhu cầu xã hội và sống đạo của họ, đồng thời giúp một phần linh hoạt đời sống mục vụ của giáo xứ. Các nhóm đã được thành lập chính yếu gồm : Ca đoàn Giáo Xứ, Nhóm Cầu Nguyện, Nhóm Sống Đạo, Đạo Binh trẻ Tiểu đội « Mẹ nguồn an vui », Nhóm Xã Hội, Nhóm Văn Nghệ, Nhóm Nhạc Dộng, Nhóm Trang Trí, Nhóm Thư Viện, Nhóm Hành Hương, Nhóm Thể Thao, Nhóm Emmaus, Thánh Lễ giới trẻ,…Không kể những sinh hoạt chuyên biệt của mình, tất cả các nhóm trên đều đã được mời tham dự và đóng góp vào Thánh Lễ Giới Trẻ đầu tháng. Ca đoàn lo điều khiển phụng vụ và thánh ca, Trang trí lo trình bày nhà nguện theo đề tài thánh lễ, Xã hội lo ẩm thực, Emmaus làm báo và biếu báo,.. Nhiều nhóm đã được mời tham gia sinh hoạt xã hội để thăm viếng các trại tỵ nạn Créteil, Trévise, L’Hay-les-Roses, .. Nhiều nhóm đã được mời tham gia các chương trình hay chiến dịch đạo đức : Chương trình Rước Ảnh Chúa (1988), Chương trình Mẹ đến thăm con (1990), .. Các bạn trẻ đã kết thành « Chuỗi môi khôi sống. Nhiều nhóm đã được mời tham gia các chương trình văn nghệ « Tiếng ru muôn đời » 1978, « Giữ thơm quê mẹ » 1985, « Màn vũ kính nhớ các thánh Tử Đạo Việt Nam » trình diễn tại thính đường Paul VI, trong buổi triều kiến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dịp phong 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 1988 tại Rôma, « Uống Nước nhớ nguồn » (1990), « Mùa gặt mới » (1997),…Sinh hoạt ở giáo xứ thời gian này rất phong phú, sầm uất và linh hoạt. Sinh hoạt ở giáo xứ thời gian này rất phong phú, sầm uất và linh hoạt.
6. 1980-2012, chặng sáu, theo gương Giona, Cha Giuse Sách nhận nhiệm vụ tuyên úy giới trẻ, tuyên úy Thiếu nhi, tuyên úy thư viện và ngày văn hóa và tuyên úy Liên Đới Nghề Nghiệp, đã cùng với cha Giám đốc Giuse Vinh « giảng canh tân đổi đời ». Từ những năm 80, cha Giuse Sách và cha Giuse Vinh là hai con rồng hăng say, sáng kiến, tích cực canh tân giáo xứ. Giáo xứ chưa bao giờ được canh tân và phồn thịnh như vậy. Giáo cũng như lương đều coi giáo xứ là làng của mình và đến xum họp. Những đóng góp canh tân phát triển giáo xứ của cha Giuse, trong những năm 80, 90 và 2000 qui về 4 hướng chính : Giáo dục thiếu nhi, Hướng dẫn giới trẻ, phát triển văn học công giáo Việt Nam, Liên đới chuyên gia.
Gốc là nhà giáo, lại được chỉ định lo việc giáo dục thiếu nhi, cha Giuse đã đưa hết tâm huyết làm việc này và ngài đâ thành công vượt bực. Suốt 25 năm qua, từ lúc thành lập vào năm 1986 đến nay 2012, Đoàn Kitô vua Thiếu Nhi Thánh Thể đã luôn giữ được nhịp sống phồn thịnh, có số đoàn viên tăng thêm, có sinh hoạt nhộn nhịp quanh năm. Các thế hệ 80, 90, 2000 và phụ huynh họ đã tỏ lòng biết ơn cha Giuse. Giáo Xứ biết ơn cha Giuse. Bắt đầu sinh hoạt vào mùa tựu trường năm 1985, Đoàn Kitô Vua Thiếu Nhi Thánh Thể đã chính thức ra mắt với Cộng Đoàn vào ngày kết thúc niên học 1985-1986 (22/06), với 84 đoàn sinh. Vào năm 2011 vừa qua, Đoàn Kitô Vua Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo Xứ Việt Nam Paris đã long trọng kỷ niệm Lễ Bạc 25 năm thành lập, với 297 đoàn viên, trong đó có 109 ấu nhi, 121 thiếu nhi, và 67 nghĩa sĩ. Ngoài số đoàn sinh, còn có thêm 40 trưởng, 7 huấn luyện viên, 17 giáo lý viên, 1 linh mục tuyên úy và 1 cha sở. Để kỷ niệm Lễ Bạc này, hai buổi lễ đã được tổ chức, trại Jambville 2-3/07/2011 và lễ tại Giáo Xứ do Đức cha Jérôme BEAU chủ tế ngày chúa nhật 23/10/2011. Để có một ý tưởng về kết quả giáo dục của Đoàn Kytô Vua, sau đây là một vài con số : 10 em tuyên xưng Đức Tin ngày 14.05.2011 ; 31 em lãnh phép Thêm Sức ngày 04.06.2011 ; 38 em rước lễ lần đầu ngày 11.06.2011 ; 14 em rước lễ trọng thể ngày 18.06.2011.
Ỡ mục 5 trên đây, chúng ta vừa xem một số công việc mục vụ mà cha Giuse Sách đã đảm nhiệm một cách tích cực và rất hiệu quả. Từ năm 1990, được bổ nhiệm Trưởng Ban Mục Vụ Giới Trẻ toàn quốc, việc mục vụ của cha Giuse với giới trẻ càng phát triển hơn, đặc biệt là sự nối kết Giới Trẻ GXVN Paris với Giới trẻ của các cộng đoàn Việt Nam khác trên nước Pháp. Đại Hội Giới trẻ CGVN lần I tại Athis-Mons, từ 10-13/07/1992, qui tụ 350 bạn trẻ thuộc 26 Cộng đoàn. Đại Hội Giới Trẻ CGVN lần II, từ 14-17/07/1994, qui tụ trên 300 bạn trẻ về Athis-Mons.
Song song với việc lập đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể tại Giáo Xứ ngày 22.06.1986, việc dậy tiếng Việt phát triển mạnh và nhu cầu thư viện sư phạm tiếng việt càng thấy khẩn thiết. Đó là ý tưởng khởi đầu thành lập Thư Viện Giáo Xứ Việt Nam. Sau nhiều lần trao đổi, Nhóm Thư Viện đã minh định được những tài liệu cần thiết phải có, mà mục tiêu căn bản là giúp họ có phương tiện soạn bài để dậy tiếng việt. Theo những loại sách họ đã tìm được, thư mục chi tiết của Thư Viện của họ trong hai năm 1987-1988 gồm 110 cuốn sách. Công việc thâu góp, tìm kiếm sách báo, dưới sự hướng dẫn của cha Giuse Sách, đã tiến hành đều đặn và ngày 16.4.1990, Thư Viện Giáo Xứ, đã chính thức được cha Giám Đốc Mai Đức Vinh cắt băng khánh thành. Đó là công lớn của cha Đinh Đồng Thượng Sách và nhóm trẻ tha thiết với nền văn hóa dân tộc và tương lai trẻ em, với cộng đoàn và độc giả xa gần. Sáu năm sau, nhờ tinh thần làm việc tự nguyện rất cao của anh chị em trẻ, vào năm 1996, số sách lưu trữ trong Thư Viện đã tăng đến khoảng 3000 cuốn. Ngày nay, 2012, bước chân vào thư viện Giáo Xứ, với khoảng trên 10.000 cuốn sách đủ loại, người ta thấy ngay đây là một thư viện có tầm vóc nghiên cứu. Thêm vào đó, thư viện không chỉ có mục tiêu sư phạm cho các thầy cô dậy tiếng Việt, nhưng còn là nơi để mọi thành phần Việt Nam, lương cũng như giáo, có thể nghiên cứu, trau dồi kiến thức, mượn sách về nhà đọc. Ngoài ra, nhờ sự tận tình và khả năng cao của các anh chị thành viên trong Nhóm Thư Viện, cũng ngay từ năm 1990, một sinh hoạt nghiên cứu và phổ biến văn học Công Giáo Việt Nam đã được thực hiện, khởi đầu vào ngày 11.11.1990 với bài nói truyện của học giả Thái Văn Kiểm về thi sĩ Hàn Mặc Tử. Rồi từ năm 1991, để mừng sinh nhật hằng năm của thư viện, Nhóm Thư Viện đã tổ chức Ngày Văn Hóa, để vừa giúp đồng bào thưởng thức văn nghệ, vừa học hỏi và trao đổi về một văn thi sĩ công giáo : Cha Đắc Lộ, Cụ Sáu Trần Lục, Đức cha Hồ Ngọc Cẩn, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng, Ông Trương Vĩnh Ký, Ông Paulus Huỳnh Tịnh Của, Quận Công Nguyễn Hữu Bài, Linh Mục Nguyễn Văn Thích,…Văn hóa là lãnh vực chuyên biệt của cha Giuse Sách, không lạ gì khi ngài hăng say và thành công dễ dàng trong lãnh vực văn hóa này.
Bên cạnh mục vụ văn hóa, cha Giuse còn rất hữu hiệu trong mục vụ xã hội nữa. Sát cánh và rất tích cực trong Ban Giám Đốc, cha Giuse Sách đã cùng với Đức Ông Giuse Vinh và Ban Thường Vụ Hội Đồng Mục vụ, làm thành tam tướng ba chân kiềng thành lập Phong Trào Liên Đới Nghề Nghiệp vào ngày 01.05.2000. Cha Giuse Sách đã góp sức mình vào việc chuẩn bị, vào việc thành lập và vào việc nuôi sống Phong Trào Liên Đới Nghề Nghiệp, đặc biệt là Ngành Chuyên Gia. Cha Giuse đã điện thoại, đi thăm, đến nhà từng người để mời các bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, văn thi sĩ, các giáo sư, giảng sư đại học, luật sư, kỹ sư, kiến trúc sư, các nhà nghiên cứu, tâm lý gia, …Ngày thành lập Phong Trào 01.05.2000, trên 200 người trong năm ngành Liên Đới đã đến tham dự : Thân Hữu Taxi, Doanh Thương, Dịch Vụ, Xây Dựng, Chuyên Gia. Họ đã hội thảo nhóm, có cảm tưởng rất hồ hởi và phấn khởi về tình huynh đệ chân thành và đưa ra 3 đề nghị : Thành lập 5 nhóm Liên đới nghề nghiệp, Lập một văn phòng chung liên ngành, và làm một nghị quyết. Ba đề nghị này đã được tất cả các tham dự viên biểu đồng tình. Phong Trào Liên Đới Nghề Nghiệp đã được thiết lập từ ngày đó và vẫn còn sống đến ngày hôm nay, 2012.
7. 1980-2012, chặng bảy, như Chúa Kytô, sau khi bị cám dỗ trong sa mạc, đã di rao giảng Tin Mừng, Cha Giuse Sách, càng bị « Sa–tăng cám dỗ dùng lời chước ma », càng theo gương Chúa Kytô, rao giảng Tin Mừng, nới rộng lãnh vực và công việc mục vụ : làm Tuyên úy cộng đoàn ngoại ô, thành viên Hội Đồng Mục Vụ, Nhóm Mục Vụ Hôn Nhân và Gia Đình Trẻ, Ban Báo Chí, Ban Tu Thư. Cuộc đời là một sa mạc, Satăng cám dỗ. Đó là một sự kiện thực tế. Và sự cám dỗ có trăm ngàn hình thức khác nhau. Chính Chúa Kitô cũng đã bị cám dỗ. Tên cám dỗ đã đưa cho ngài ba điều cám dỗ : "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi"! "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi ! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá". "Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi". Tên cám dỗ đã đưa cho cha Giuse những điều cám dỗ nào ? Chỉ có cha Giuse biết. Trong bài « BỐN MƯƠI 1972-2012 » cha Giuse đã chỉ viết : « 40 ngày đêm trời sa mạc, Cuộc trường chay hành xác thân người, Chịu cơn đói khát rã rời, "Sa - tăng"cám dỗ dùng lời chước ma ».
Có một điều chúng ta biết chắc chắn là sau khi bị cám dỗ trong sa mạc, thì Chúa Kitô được tràn đầy Chúa Thánh Thần và đã bắt đầu rao giảng Tin Mừng. Điều chắc chắn mà Giáo Xứ Việt Nam Paris đã biết là cha Giuse Sách rất nhiệt tình với giáo dân và nhiệt tâm với giáo xứ. Ngoài những việc vừa nói trong các số 3, 5 và 6 trên đây, rất nhiều công việc mục vụ khác đã được cha Giuse tích cực tham gia thực hiện. Cha đã hăng hái, hiệu năng giúp thành lập Hội Đồng Mục Vụ và cùng với Đức Ông Giuse Vinh luôn luôn có mặt tham dự 59 Đại Hội Mục Vụ HĐMV từ năm 1983 đến nay ; Cha đã nâng đỡ và tham dự tích cực sinh hoạt trong các nhóm : Mục Vụ Hôn nhân Gia đình, Gia đình trẻ, Ban Báo Chí, Ban Tu Thư ; Đặc biệt cha Giuse đã làm tuyên úy cho các cộng đoàn ngoại ô : Cộng Đoàn Noisy Le Grand, từ 1982-1988, Cộng Đoàn Stains Pierrefitte từ 1988-1997, và kể từ tháng 11.1993, cha Giuse được bổ nhiệm làm Tuyên Úy để lo vấn đề mục vụ cho Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam vùng Cergy-Pontoise.
8. 1972-2012, chặng tám, có « Chúa Phục Sinh nâng đỡ », Cha Giuse Sách âm thầm thực hiện sứ mệnh linh mục truyền giáo và rao giảng Lời Chúa. « 40 ngày hiện ra đây đó, Chúa phục sinh nâng đỡ môn đồ, Rồi trên mây đẹp xanh lơ, Vinh thăng thiên quốc chờ giờ tái lâm ». 40 ngày sau Phục Sinh, Chúa đã thăng thiên. Và từ đó Giáo Hội được khai sinh và bước vào giai đoạn truyền giáo. Năm 2007, dịp mừng 60 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam Paris, cha Giuse nhờ người viết làm bõ đỡ đầu cho một cụ già gia nhập Giáo Hội và tâm sự : « Đưa người ngoại về với Chúa, đó là ưu tư số 1 của tôi. Mỗi năm tôi ráng hết sức mang Tin mừng cho người ngoại ». Và cha Giuse đặc biệt có khiếu thu phục các trí thức trở về với Chúa. Lần khác ngài chia sẻ : « Làm linh mục là gánh lấy sứ mệnh truyền giáo. Không truyền giáo thì chưa hoàn thành sứ mệnh linh mục. Từ ngày làm linh mục năm 1972, chưa năm nào mà tôi đã không mang được lương dân vào đạo Chúa ». Thành ra, ngoài những công việc mục vụ trong Giáo Xứ mà các giáo dân biết. Còn bao nhiêu công việc truyền giáo, qua những cuộc thăm hỏi gia đình, qua những cuộc thăm viếng nhà thương, bệnh viện, nhà dưỡng lão. Cha Giuse đã làm âm thầm, chỉ người được giao tiếp biết. Chỉ Chúa Phục Sinh biết.
9. 1972-2012, chặng chín, Chúa Kytô thăng thiên ban Chúa Thánh Thần, Cha Giuse Sách được « mưa man-na », được « suối đá », luôn là linh mục sùng kính Thánh Thể và sốt sắng cầu nguyện, « tin vào hướng đi » của Giáo Hội. Cha giuse Sách gốc dòng Thánh Thể, ngài có lòng mộ mến Thánh Thể rõ ràng. Trong những năm 70, người viết đã được tham dự Nhóm Cầu Nguyện với Ngài, được chầu Thánh Thể nhiều tối với ngài, được chứng giám những ơn ích nhiệm mầu của bí tích Thánh Thể và giờ chầu Thánh Thể. Ngày nay, các nhóm sinh hoạt với cha Giuse đều được cha Giuse dậy, tập cho việc chầu Thánh Thể, từ các trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể, các bạn Trẻ, đến các giáo lý viên, các chuyên gia,…. Chính nhờ bí tích Thánh Thể, vào những giờ cầu nguyện bên Mình Thánh Chúa, mà các bạn trẻ, các người trưởng thành, các cán bộ mục vụ, v.v.. đã trung thành trong ơn gọi, đã bền chí trong công việc và đã tin vào hướng đi. Nhiều lần người viết đã được nghe Đức Ông Giuse Vinh bảo : « Cha Sách có một lòng mộ mến Thánh Thể phi thường. Mình phải học gương sáng của Ngài. Cha Sách có một đời sống cầu nguyện thâm sâu. Mình đã học gương sáng của ngài ». Quả thực bí tích Thánh Thể đã là manna, là sưối nước bổ dưỡng, như lời cha Giuse viết : « 40 năm cát lầm hoang địa, Mưa "man-na "thấm thía nhường bao, Nước nguồn suối đá tuôn trào, Đoàn dân ưu tuyển tin vào hướng đi ». Chúa đã về Trời, nhưng Người đã sai Thánh Thần xuống, Giáo Hội đã được khai sinh và bước vào giai đoạn truyền giáo, giáo hữu, cả giáo dân lẫn giáo sĩ, chuẩn bị tâm hồn để được hân hoan đón Mùa Phục Sinh.
Hai chặng đường đáp tiếng Chúa gọi. Bảy chặng đường thực hiện sứ mệnh tông đồ, sống đời linh mục. Nghĩ lại 9 chặng đường ấy, xúc cảm bồi hồi, cha Giuse « xuất thần », được « ân sủng thánh linh », như mẹ Maria, cha cất lời ca tụng Chúa, bày tỏ lòng tri ân, niềm Tin, Cậy, Mến. Đó là ý nghĩa của 5 khổ còn lại, từ khổ 10 đến hết khổ 14.
10. Dạt dào tình cảm, Cha Giuse Sách dâng lời « tri ân », đặt trọn đời mình trong Tin, Cậy, Mến, say sưa phó thác và bình thản, như chưa từng thấy, sống với và đón nhận mọi điều « mới cũ ».
Ôi con số còn ghi rõ đó
Chút tâm tư bày tỏ tri ân
Một đời bốn chục hai lần
Nào lần tuổi thế, nào lần chén thiêng.
Ơn vũ lộ "trời nghiêng đất ngừa "
Thân thuyền nan chan chứa hồng ân
Nô tài khoác áo "sứ thần"
Chân run địa mạc, gót trần, non cao.
" Lương Huyền Nhiệm"dồi dào phù trợ
Dấu Tình Thương in đỏ lối qua
Tương lai, hiện tại...gần xa
Ôm Hình Bánh Rượu Ngọc Ngà trong tim.
Bước một bước, vui tin một bước
Phút lâm chung...nhấn bước cuối cùng
Nhìn lên tin tưởng vô song
Cậy trông phó thác, một lòng kính yêu...
40 năm bao điều mới cũ
Mẹ quan tâm lo đủ bốn mùa
Một ngày sớm tối chiều trưa
Một đời khác thể thoi đưa ân tình...
11. Và để kết thúc, một cách trang trọng, qua bài đường luật, cha Giuse Sách đã tóm kết rằng « Bốn mươi 1972-2012 » là « Phúc Giáng Sinh », để đón « Phục Sinh »
Phúc Giáng Sinh
Ngập lụt hồng ân phúc giáng sinh
Non cao vời vợi, sức mong manh
Dấn thân phục vụ, theo chân Chúa
Nhấn bước hy sinh, hiến phận mình
Lãnh nhận Bánh Thiêng, nguồn nghĩa thiết
Thông phần Chén Thánh, suối ân tình
Tấc thành cải quá, như chay tịnh
Mỗi lễ dâng lên, mỗi Phục Sinh...
KẾT LUẬN
« BỐN MƯƠI 1972-2012 » là bốn mươi năm đời linh mục. Vâng, đã 40 năm làm linh mục. Nghĩ lại về cuộc đời mình đã sống chức linh mục. Tổng cộng, từ lúc chào đời ngày 15.08.1939, đến ngày 24.12.2012, nếu lấy chức linh mục làm tiêu chuẩn, và nếu lấy thước đo 40 Thánh Kinh thì cha Giuse Sách đã theo gót chân các tổ phụ và tiên tri, Noe, Maisen, Elie, Giona và đã theo đường Chúa Kytô.
Nội dung hàm chứa những điển tích Cựu ước và Tân ước uyên thâm, có thể làm độc giả phàm tục choáng váng. Nhưng đọc kỹ, cũng dưới con mắt phàm tục, bài « Bốn Mươi 1972-2012 » là lời tự sự và tâm tình, gói ghém một lời tự sự khách quan và một tâm tình huyền nhiệm. Nội dung này được bố cục với một cấu trúc chặt chẽ kiểu thơ đường luật. Tiền đề gồm hai khổ 1 và 2 giới thiệu việc chuẩn bị làm linh mục. Chính đề gồm bảy khổ tiếp theo, từ khổ 3 đến hết khổ 10 trình bày, mô tả sự việc đã làm trong 40 năm đời linh mục. Hậu đề gồm bốn khổ sau cùng, từ khổ 11 đến hết khổ 14, vừa diễn tả một cảm xúc về đời linh mục vừa biểu lộ một dự phóng tương lai những năm còn lại. Kết đề là bài thơ đường luật đưa ra một kết luận khái quát toàn bộ nội dung đời linh mục theo hướng mở rộng từ « Phúc Giáng Sinh » và nâng cao đến « Phúc Phục Sinh ».
Chuẩn bi 1939-1972. Cha đã vào tầu Noe, ra tầu Noe, để chuẩn bị xa làm linh mục ở lớp học chữ nho với ông bác, ở chủng viện Đạo Ngạn, Bắc Ninh, ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, ở Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt, và trực tiếp chuẩn bị gần ở nhà tập gần Mayenne, nhà tập Bruxelles, Học Viện Công Giáo Paris để đón nhận chức phó tế ở Giáo Xứ Việt Nam Paris và thụ phong chức linh mục ở Nhà Dòng Thánh Thể Paris.
Làm linh mục 1972-2012. Từ 40 năm nay, Cha Giuse Sách đã hiến trọn đời mình phục vụ trong các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam vùng Paris và đặc biệt là Giáo Xứ Việt Nam Paris. Cha đã lên núi Sinai, hướng về Hô rép, đến Ni-vê, làm canh tân đổi đời, vào sa mạc chịu thử thách, được Chúa Phục Sinh nâng đỡ, được mưa Man-na. Khởi đầu làm việc với các tu sĩ, với những người tỵ nạn Á châu, cha được chỉ định chuyên làm việc cho giới trẻ, rồi mở rộng ra với thiếu nhi, dậy tiếng việt, lập thư viện, mở ngày văn hóa, tuyên úy Liên Đới Nghề Nghiệp Chuyên Gia, lan xa đến Hội Đồng Mục Vụ, Nhóm Mục Vụ Hôn Nhân, Nhóm Gia Đình Trẻ, Ban Báo Chí, Ban Tu Thư. Đó là những hoạt động nổi, còn những hoạt động chìm, nhưng có thực, đã luôn luôn được cha Giuse thực hiện, có khi âm thầm một mình, có khi thinh lặng với một nhóm người. Đó là việc truyền giáo và việc sùng kính và cầu nguyện bên Chúa Thánh Thể. Và đời sống huynh đệ trong cộng đồng Ban Giám Đốc.
Tương lai. Dạt dào tình cảm « tri ân », trong Tin, Cậy, Mến, Cha Giuse Sách say sưa, phó thác và bình thản như chưa từng thấy, sống với và đón nhận mọi điều « mới cũ ».
Kết luận. Và để kết thúc, một cách trang trọng, qua bài đường luật, cha Giuse Sách đã tóm kết rằng « Bốn mươi 1972-2012 » là « Phúc Giáng Sinh », để đón « Phục Sinh »
Một bài thơ vắn, gọn, đã tóm chẳng những tất cả cuộc đời 73 năm đã sống, mà còn dự phóng cho những năm sẽ sống. Quá khứ có, hiện tại có, tương lai có. Việt Nam có, Pháp có. Bài thơ đã tóm tắt trên 1000 trang thơ khác đã được cha Giuse Đinh Đồng Thượng Sách viết ra và phổ biến trên báo và sách của Giáo Xứ Việt Nam Paris, mà Ban Tu Thư, đặc biệt là thầy sáu Phạm Bá Nha đã ghi lại trong ba tập « Thương Ngàn Thương », ấn hành và phổ biến trong nội bộ vào năm 2010. Bài thơ « BỐN MƯƠI 1972-2012 » cũng như 1000 trang thơ kia và những bài thơ khác của cha Giuse Cung Chi Đinh Đồng Thượng Sách đã chỉ xoay quanh một đề tài linh mục. Vừa là một kiệt tác về Thần Học Mục Vụ, một mục vụ quản trị học về chức vụ và đời sống linh mục với công việc đào tạo, công việc mục vụ, công việc thánh hóa, công việc truyền giáo và công việc cầu nguyện, ban hành bí tích. Vừa là một kiệt tác về Kytô học, một Kytô học tổng hợp sự tiên báo của các tổ phụ và tiên tri với những lời giảng dậy và những việc làm của chính Đức Kytô.
« Bốn mươi 1972-2012 » có một nội dung thánh kinh thâm sâu và thần học uyên bác, lại là một bài thơ song thất lục bát. Lục bát bình dị, nhẹ nhàng, gần gũi và dễ đến với bình dân ; Song thất vừa giảm tính đơn điệu của lục bát, vừa thêm chất trang trọng của kẻ sĩ đường luật. Có lẽ đó là thâm ý của Cung Chi khi dùng Song thất lục bát để gói ghém và chuyên chở cái tâm tư thẳm sâu cũng như cái sức sống mãnh liệt của đời linh mục lãnh đạo dẫn đoàn dân riêng của Chúa ? Và như vậy, Cung chi đã có cùng một chọn lựa như Nguyễn Gia Thiều khi viết Cung Oán Ngâm Khúc, như Ðoàn Thị Ðiểm khi viết Chinh Phụ Ngâm Khúc, như Phan Huy Ích khi viết Tỳ Bà Hành, như Nguyễn Du khi viết Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh ? Phải chăng Cung Chi muốn vận dụng thể loại Song Thất Lục Bát này để hội nhập vào văn thơ công giáo hầu thể hiện hiểu biết về văn chương của các linh mục tu sĩ Việt Nam và chuyên chở một kiến thức rộng lớn về đức tin sâu xa của Thánh kinh và tri thức khoa học bao la của đời sống thực tế ?
Paris, Ngày 27 tháng 12 năm 2012
Tuần 8 ngày Lễ Giáng Sinh, kính thánh Gioan tông đồ chép Phúc Âm
Đọc lại ngày thứ ba tuần thánh 22.03.2016
Thanh Hương Trần Văn Cảnh
__________________________________________________
Ghi chú :
1. Bài thơ này cha Đinh Đồng Thượng Sách đã gửi cho người viết ngày 19.12.2012, với lời ghi « gửi anh bài BỐN MƯƠI dưới đây để "chia xẻ " với tôi trong dip Noel này ».
2. Sách Sáng Thế Ký, chương 6-9.
3. Báo TIN, số 1, 25.12.1976, tr. 4
4. Cha Sách đã gửi báo « TIN », số 1, ngày
25.12.1976 cho người viết với lời nhắn « Mong sự cộng tác của anh ». Suốt từ ngày ấy cho đến hôm nay, trong
thái độ tương kính, ngài vẫn giữ một tâm tình mời gọi cộng tác và người viết vẫn
giữ một ứng xử cộng tác tích cực.
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang