Đỗ Bình
TƯỞNG NIỆM NHÀ THƠ
VÂN UYÊN NGUYỄN VĂN ÁI
Nhà thơ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái được các bạn thơ trong nhóm Ba Lê Thi Xã quý mến gọi là “ẩn sĩ ” vì ít tham dự đám đông, thỉnh thoảng ông mới họp thơ và có những lời góp ý là những vần thơ độc đáo. Mỗi lần xuất hiện ông luôn tươi cười, tiếng cười âm vang rộn rã khắp phòng làm mọi người vui lây. Ông là anh của thi nhạc sĩ Tử Phác, người từng có những nhạc phẩm tiền chiến : Tiếng Hát Quay Tơ, Tiếng Hát Lênh Đênh,..vv..vang bóng một thời. Tử Phác cũng là nạn nhân trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm năm xưa với vai trò thơ ký tờ báo. Nhà thơ Vân Uyên là tác giả 4 thi tập : Những Vần Thơ Lưu Niệm, Tình Thơ Paris, Duyên Kiếp Thiên Tình, Nghĩa Nợ Tình.
Những tác phẩm trước năm 75 : Khoa Học và Đức Tin, Giới Thiệu Tư Tưởng của Teilhard de“Chardin”do Kim Lai Ấn Quán xuất bản Sài Gòn 1965.
Giáo sư Nguyễn Văn Ái dù là một nhà Khoa học nhưng mang tâm hồn thi sĩ luôn hướng đến một 'chân trời lãng du'. Tuy rất thích đọc thơ, nhất là cổ thi và những bài bình luận thơ nhưng Vân Uyên không bao giờ nghĩ sẽ có ngày làm thơ. Bất ngờ BS Tuyết Lan người ngẫu phối mà Vân Uyên yêu mến, hai tâm hồn như một, nguyện cùng đồng hành trọn đường trần bỗng phân ly !
Từ khi ‘Song song nhất thể lại rồi chia hai’(năm 1996) Vân Uyên cảm nhận tận cùng nỗi đau của sự mất mát, và thấm thía nỗi cô đơn nên những lúc hồi tưởng nhớ người bạn đời ngồi ghi lại một vài kỷ niệm tự nhiên thấy thơ từ nỗi đau sâu kín nhất ùa đầy trong tâm hồn theo dòng cảm thành suối thơ, và từ đó Vân Uyên làm thơ.
Chỉ có thơ mới chia sẻ được nỗi cô đơn, và những lúc cô đơn hồn dễ xúc cảm những ý hay. Chữ tình là điều thiêng liêng nhất mà con người không thể thiếu và tách rời, từ đó khởi nguyên của những nỗi buồn vui, đau khổ hay hạnh phúc. Trong tình yêu có tình yêu cha mẹ, yêu tổ quốc, yêu thiên nhiên, tình yêu lứa đôi và còn nhiều thứ tình khác….
Trong tình yêu lứa đôi có tình phu thê là nặng nghĩa, mãnh liệt, tha thiết, đôi khi vượt lên mọi thứ tình khác, Đối với đức tin của một số tôn giáo tình nghĩa phu thê thật thiêng liêng vì là họ xương thịt của nhau.
Trong tập Thơ Vân Uyên, ngoài những bài quê hương, tâm linh còn có những bài thơ tình về sự nhất thể, tình phu thê đậm sâu tính tôn giáo.
Bài thơ Nợ Tình thuộc loại tâm linh nhưng đầy lãng mạn nói về sự chung thủy :
“Tình đến gặp tình một kiếp thôi !
Từ yêu sáng thế hình song đôi.
Tâm in phúc hứa thần linh ước
Trí tích vinh danh vịnh Thánh ngôi.”
Trong bài Khói Trầm Bay của Vân Uyên:
“Thiên nhan hẹn ước trời cao
Mặt nào nhìn mặt , tay nào cầm tay ”
Hai câu thơ này nói lên niềm hy vọng tôn giáo sẽ gặp nhau trước mặt Thiên Chúa , nhưng với những thắc mắc huyền bí về thân phận của hai người (mặt nào, tay nào). Từ đó cùng với việc viết thơ đời sống đạo của Vân Uyên chuyển hướng về nội tâm, tuy bề ngoài trong khuôn khổ Giáo Hội vẫn là một con chiên ngoan đạo.
Vân Uyên diễn tả nếp sống đạo nội tâm qua những vần thơ, không những trong những bài thuần túy tôn giáo: Cây Thập Tự, Tấm Mồ Không, Người Là Ai, Tình Ta Với Tình, Thiên Chi Đạo, Sách Khải Huyền,nhưng cả trong những bài thơ tả cảnh hay tả tình đời.
Thơ là lời của Người, mà Tình là của Trời, làm liên tưởng tới ‘Ngôi Lời’ nói lên bằng lời của loài người tình yêu thầm kín của Trời ‘Thiên Chúa–TìnhYêu’.
Viết một bài thơ hay đã khó, viết một bài thơ vừa thấm nhuần lẽ đạo, vừa thật là thơ lại còn khó hơn nhiều. Những bài thơ như vậy nâng tâm hồn lên những tầng trời thăm thẳm nghĩa yêu. Đây mới thật là những bài Thơ Tình, vì nói về Tình viết chữ hoa (Tình Đời, Tình Đạo, Tình Người,Tình Trời ).
Nhưng tất cả sẽ chỉ là ảo ảnh, là huyền bí, là dấu hỏi. ‘‘ Tình Trời duyên Tội lẽ u minh ” ( Bài : Nợ Tình)
Đỗ Bình