Đức ông Mai Đức Vinh
TƯỞNG NIỆM
BÁC SĨ MAURICE NGUYỄN VĂN ÁI
(1920-2015)
‘Hồn con lên tiếng ca tụng Chúa,
Chúa là hy vọng nâng đỡ đời con,
Là chính cùng đích con trông mong,
Tôi trích lại một phiên khúc của bài hát ‘Giữ Gìn Con Chúa Ơi’, vì hai lý do: Trước tiên, lần thăm bác sĩ Maurice Nguyễn Văn Ái tháng tư vừa qua, và khi nói chuyện về lễ an tang của bà Minh Châu, bạn thơ của bác sĩ, bác sĩ bảo ‘tôi rất thích bài hát này’. Thứ đến, tôi xác tín rằng: bác sĩ Maurice Nguyễn Văn Ái vừa là một nhà trí thức vừa là một tín hữu đầy niềm tin, vừa là một nhà khoa học vừa là một giáo dân cảm nghiệm sâu xa về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, nên bác sĩ sống một đức cậy trông và tâm tình phó thác sâu đậm vào Thiên Chúa Tình yêu. Theo tôi, đời sống đạo, sinh hoạt nghề nghiệp, xã hội, tông đồ và trong hầu hết các bài thơ của bác sĩ, đều diễn tả tâm tư của một nhà trí thức bơi lội trong niềm tin. Bác sĩ đã tạ thế trong niềm tin này, ngày 31. 08. 2015 tại bệnh viện Saint Joseph (Paris), hưởng thọ 95 tuổi rưỡi.
1. Với Giáo Xứ Việt Nam từ buổi đầu.
Bác sĩ Maurice Nguyễn Văn Ái góp phần xây dựng Giáo Xứ ngay từ buổi đầu, năm 1947. Theo tài liệu còn để lại, thì ngay từ 1946, đã có 60 cộng đoàn việt nam trên 94 giáo phận của Giáo Hội Pháp. Cộng Đoàn Paris vừa kỳ cựu nhất, vừa đông đảo nhất, nên được coi là ‘Cộng oàn Chị Cả’ của các Cộng Đoàn khác. Nếu căn cứ vào hai văn kiện quan trọng của Giáo Hội về di dân : Tông huấn ‘Gia Đình Xa Cách’ (Exsul Familia, 1952) và Tự Sắc ‘Mục Vụ Di Dân’ (Pastoralis Migratorum Cura, 1969), thì quả thật, lịch sử của Giáo Xứ Việt Nam trải dài trên lịch sử ‘Mục vụ di dân’ của Giáo Hội hoàn vũ.
Một điều không ai chối cãi được, bác sĩ Maurice Nguyễn Văn Ái là đã góp tay vẽ nên những trang lịch sử của Giáo Xứ, đặc biệt trong hai giai đoạn :
• Giai đoạn 1947-1952 , khi Giáo Xứ mới chỉ là ‘Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp’. Lúc đó bác sĩ Nguyễn Văn Ái hăng say hoạt động tông đồ giới trẻ, và là Trưởng Đoàn Sinh Viên trong nhiệm kỳ 1948-1949. Thời ấy, ngay tại Paris đã có 2.000 sinh viên. Đoàn Sinh Viên hoạt động hăng say, xuất sắc. Bác sĩ Nguyễn Văn Ái còn giữ chức Hội Trưởng Liên Đoàn nhiệm kỳ 1951-1952. Bác sĩ được tổ chúc Công Giáo Tiến Hành Pháp tỉnh Monpelier mời diễn thuyết về ‘Hoạt động của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam’ (đọc Kỷ Yếu 50 năm GXVN/P, (1947-1997, tr.5-17).
• Giai đoạn mới đây (1995-2005) : Qua Pháp đoàn tu gia đình năm 1983, bác sĩ Maurice Nguyễn Văn Ái phải dành một thời gian tĩnh dưỡng. Tới năm 1995, bác sĩ đáp lời mời của cha giám đốc trở lại sinh hoạt tại Giáo Xứ. Bác sĩ tham gia đặc biệt trong Ban Mục Vụ Hôn Nhân mà mục đích chính là giúp các đôi bạn trẻ chuẩn bị đi vào đời sống gia đình. Tức là mở mỗi năm hai khóa Chuẩn Bị Hôn Phối. Bác sĩ là một trong 10 thành viên, bác sĩ đảm nhiệm đề tài ‘Đời sống sinh lý vợ chồng’. Đến năm 1997, Ban Tu Thư ra đời được bác sĩ Nguyễn Văn Ái góp phần. Việc đầu tiên của Ban Tu Thư là thực hiện cuốn ‘Kỷ Yếu 50 năm của Giáo Xứ Việt Nam (1947-1952). Bác sĩ Nguyễn Văn Ái góp bài ‘Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam’ (1947-1952). Bác sĩ còn viết bài ‘Đời sống sinh lý vợ chồng’, ‘Cữ tình và chữ yêu’ in trong cuốn ‘Đường vào Tình Yêu’ (2000) ; ‘Chữ Trời Trong Một Số Cổ Thi Quốc Âm Việt Nam’ in trong cuốn ‘Văn Hóa Và Đức Tin (2004). Ngoài ra bác sĩ còn viết nhiều bài cho Báo Giáo Xứ, đặc biệt là những vần thơ, chữ dùng điêu luyện và ý nghĩ sâu sắc, dưới bút hiệu Vân Uyên.
2. Đường học vấn và sự nghiệp.
Trên đây là tóm tắt những sinh hoạt tông đồ của Bác Sĩ Maurice Nguyễn Văn Ái. Còn thân thế, sự nghiệp y khoa, văn chương và tông đồ của bác sĩ như thế nào đặc biệt từ năm 1955-1983 như thế nào ? - Tờ ‘Curriculum vitae’ của bác sĩ mà gia đình phổ biến vào ngày lễ an táng của bác sĩ cho chúng ta biết như sau :
• Đường học vấn : Bác sĩ Maurice Nguyễn Văn Ái chào đời ngày 07. 02. 1920 tại Hà Nội. Lần lượt bác sĩ đã qua các lớp tiểu học tại trường phố Hàng Than (rue du Charbon), rồi trường trung học Albert Sarraut, và đại học Y Khoa Hà Nội. Nhưng bác sĩ đã lấy bằng Tiến Sĩ Y Khoa tại Đại Học Paris năm 1952. Sau đó bác sĩ còn tốt nghiệp Cao Học về các môn Sinh vật y học (Biologie médicale) tại Đại Học Paris và Viện Pasteur.
• Những chức vụ đảm nhiệm : Đủ bằng cấp trong tay, bác sĩ Maurice Nguyễn Văn Ái dã hành nghề trong các chức vụ : Trưởng phòng Thí Nghiệm tại viện Pasteur, Paris (1953-1959). Giáo sư môn Vi khuẩn y học (Microbiologie médicale) tại các phân khoa Y học, Dược học và Nha học tại Sài gòn, đồng thời là Tổng giám đốc các viện Pasteur (Sài gòn, Đà lạt, Nha Trng) (1959-1975). Trong thời gian này, bác sĩ còn là Tổng thư ký của viện nghiên cứu khoa học Sài gòn, Đại diện của Việt Nam Cộng Hòa trong Chương Trình Y học Nhiệt Đới của các Quốc Gia Nam Châu Á (ASEAN). Vì thế, nhiều lần Bác sĩ dược mời tham dự các Đại Hội Quốc Tế về Y Học Nhiệt Đới..
• Những sinh hoạt xã hội và tông đồ : Thành viên của Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam, thành viên của Tinh Việt Văn Đoàn (Sài gòn), thành viên sáng lập Phân Khoa Y Học trường Minh Đức (Sài gòn), chủ tịch hội Y khoa-Giải Phẫu Việt Nam, thành viên sáng lập Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp (1947-1955), chủ tịch sáng lập Phong Trào Trí Thức Công Giáo Việt Nam (Pax Romana), chủ tịch Công Giáo Tiến Hành Việt Nam.
• Sự nghiệp văn chương : Bác sĩ Maurice Nguyễn Văn Ái đã viết nhiều bài nghiên cứu y học, đặc biệt về ‘Vi khuẩn vùng nhiệt đới’ (Microbiologie Tropicale) đăng trong báo Société de Pathologie Exotique (Paris), nhiều bài giá trị đăng trong các báo Công Giáo Tiến Hành tại Việt Nam trước 1975. Bác sĩ là tác giả cuốn ‘Science et Foi, dẫn nhập vào tư tưởng của Teihard de Chardin’ (nxb Kim Lai, Sài gòn). Sau ba năm trong trại cải tạo (1975-1978), bác sĩ được qua Pháp đoàn tụ gia đình (1983) và dần dần sinh hoạt với Câu Lạc Bộ Thi Xã Việt Nam Paris, với bút hiệu Vân Uyên. Bác sĩ viết bài cho Báo Giáo Xứ Việt Nam, thành viên của Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam-Paris, tác tập thơ ‘Nghĩa Nợ Tình’ (Giáo Xứ VNP xuất bản, 2011). Trước đó nhà thơ Vân giả Uyên đã phát hành hai tập ‘Những Vần thơ lưu niệm’ (1996) và ‘Tình Thi’ (1997).
• Huy chương ân thưởng : Với bản tính yêu hoạt động từ nhỏ, bác sĩ Maurice Nguyễn Văn Ái là con người đầy ý chi, nhiệt huyết và nhiều sáng kiến, nhận là làm và làm đến thành công, trong phạm vi nghề nghiệp, phạm vi tông đồ và phạm vi văn chương, nghiên cứu… Những điều chúng ta biết được và nêu lên ở trên là những bằng chứng hùng hồn. Phải chăng vì thế mà bác sĩ Nguyễn Văn Ái đáng được những huy chương tưởng lệ cao quý : - Huy Chương Vàng (Médailles d’Or) về Sức Khoẻ, về Giáo Dục Quốc Gia, về Nông Nghiệp (Sàigòn 1960-1970). – Huy Chương ‘Pro Ecclesia et Pontifice’ của Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II (1997) tưởng thưởng về những hoạt động tông đồ và truyền giáo tại Việt Nam và tại Pháp.
3. Một gia đình khoa bảng và niềm tin.
Riêng về gia đình của bác sĩ Maurice Nguyễn Văn Ái, tôi nghĩ ít có những gia đình đời hay đạo được như gia đình của bác sĩ. Đó là một hồng ân Thiên Chúa ban. Sau đây, tôi chỉ nêu lên hai nhận định của cá nhân tôi.
• Gia đình khoa bảng : Bác sĩ Maurice Nguyễn Văn Ái là anh cả của một gia đình 10 anh chị em. Khi còn ở Đại Học Y Khoa, sinh viên Nguyễn Văn Ái đã hợp duyên với nàng sinh viên Nguyễn Tuyết Lan. Hai ngưòi dã thành hôn ngày 26.10.1946.. Mấy năm sau, toàn gia đình trở lại đạo công giáo, do các cha dòng Chúa Cứu Thế huớng dẫn. Tiếp theo là đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Ái và Nguyễn Tuyết Lan lên đường qua Pháp tiếp tục chương trình y khoa. Cả hai đều ra trường với bằng cấp ‘bác sĩ y khoa’ (1952). Trí thông minh và ý chí chuyên cần nhờ ơn trời và gương của bố mẹ, ba người con của ông bà bác sĩ là anh Denis Nguyễn Văn Quốc Anh, chị Catherine Nguyễn Tuyết Mai và chị Marie-Therèse Nguyễn thị Tuyết Nga đều học thành bác sĩ. Cả ba lập gia đình, và bạn đời của mỗi người cũng là kỹ sư hay bác sĩ. Vì thế có thể nói đây là một gia đình khoa bảng.
• Nhưng trên hết là gia đình sống đức tin. Ông bà bác sĩ Maurice Nguyễn Văn Ái và Marie Nguyễn Tuyết Lan đã cố gắng sống đức tin trong nghề nghiệp, trong những chức vụ xã hội, trong những hoạt động tông đồ, tại Pháp cũng như ở Việt Nam. Càng sống đức tin càng thể hiện bác ái, càng hăng say làm việc tông đồ. Thật là một gương sáng còn để lại cho con cháu sống hôm nay. Tất cả những người quen biết đại gia đình của hai bác sĩ hẳn nhận thấy như vậy. Đặc biệt, ai đọc thơ của Vân Uyên Nguyễn Văn Ái, đều cảm nhận một ý thơ và lời lẽ thiêng liêng nhiệm mầu, làm tâm hồn bay bổng lên. Tôi xin trích ra đây một bài thơ ngắn ‘Tín Điều Trần Ai’ đăng trong tập ‘Thơ Vân Uyên, Nghĩa Nợ Tình’ (tr.48). Tôi linh cảm, bài thơ này phảng phất bầu khí ‘ngày ra đi’ của bác sĩ Nguyễn Văn Ái.
Tóc sương đâu biết ngày đi
Đôi vần cầu nguyện đến thì thì thôi
Đường đời đã cuối chân trời
Hồn nương theo gió những lời Phúc Âm
Mai sau lưu lại đạo tâm
Vọng vang lời gọi, thì thầm tiếng yêu
Tình trời tình đất bấy nhiêu
Mỗi đời mỗi ngả tín điều trần ai.
Ý thơ hợp với lời viết của Thánh Phaolô : «Anh em thân mến, chúng ta biết rằng, khi ngôi nhà ở của chúng ta dưới trần gian này bị hư nát, thì chúng ta sẽ có một nhà khác vĩnh viễn ở trên trời, do chính Thiên Chúa xây dựng … Bao lâu chúng ta còn ở trong ngôi nhà tạm trần gian, chúng ta còn phải rên xiết, cơ cực. Chỉ khi nào được lên ở nhà trên trời, lúc đó chúng ta mới được giải thoát, mới tiêu hủy được sự chết nơi chúng ta, và mới được sự sống dồi dào. Tất cả những điều đó đều được Thiên Chúa an bài có lợi cho chúng ta (2Cr 5,1-3).
Paris, ngày 09 tháng 09 năm 2015
Lm Mai Đức Vinh