Tử Đạo Là Đáp Trả Lòng
Chúa Thương Xót
‘‘Tử Đạo Là Đáp Trả Lòng Chúa
Thương Xót’’, nhận định này rất rõ nét và phong phú trong đời sống của các
thánh Tử Đạo Việt Nam. Theo chủ đề của tờ Báo Giáo Xứ, chúng tôi xin trình bày
những điểm chính yếu sau đây :
‘‘Xin cho ý Cha được thể hiện dưới
đất cũng như trên trời’ (Mt 6,10), ‘Thiên Chúa nhậm lời cầu của những ai thể
hiện thánh ý Ngài’’ (Ga 9,31).
Như
những người con hiếu thảo chỉ lo làm mọi sự theo ý muốn, theo lời dạy
của cha mẹ. Đó là cách báo hiếu hay trả
ơn cha mẹ cách trọn hảo nhất. Được gọi Thiên Chúa là Cha, các thánh Tử Đạo Việt
Nam đã đáp trả tình thương của Chúa bằng cách thể hiện thánh ý của Ngài theo
lời dạy và gương sáng của Chúa Kitô ‘Đấng luôn làm theo thánh ý của Chúa Cha’
(Mc 14,36, Ga, 4,34). Sau đây là những
lời chứng của các Thánh Tiền Nhân :
· Thánh lái buôn Lê Văn Gẫm (+1847) : ‘‘Ý Chúa định như vậy, xin
vâng theo thánh ý Ngài’’ (DMAH 3,45).
· Thánh Giám mục Dominicô Nguyễn Văn
Xuyên : ‘‘Các con cứ lo cho họ đạo mình là đủ. Còn phần cha, cứ để thánh ý
Đức Chúa Trời định liệu. Chúa đã thương cha như vậy, thì đừng mất tiền chuộc
cha làm chi.kẻo lại trái ý Chúa ’’ (DMAH 2, 339)..
‘‘Ai muốn làm môn đệ Ta, hãy vác
Thánh Giá mình mà theo Ta’’ (Mt 16,24), ‘‘Ai không vác Thánh Giá mình mà
theo Ta, người đó không đáng làm môn đệ Ta ’’ (Lc 14,27).
Thánh Giá là biểu hiệu của niềm
tin, của lòng yêu mến tha thiết. Các Thánh Tử Đạo nhận thấy nơi Thánh Giá dấu
chứng của tình thương Thiên Chúa ban cho loài người qua cuộc tử nạn của Chúa
Giêsu. Vì thế các Ngài sẵn sàng đón nhận Thánh Giá để đền đáp lòng Thương Xót
vô biên của Thiên Chúa. Thánh Giá đây là những lời dọa nạt, những roi trượng
đánh đập, những gông cùm trên vai, những liên luỵ gia đình, những thương nhớ
làng xã … Nót tắt, Thánh Giá là dấu chỉ của tình yêu trọn vẹn.
· Bà Agnès (+1700) : «Xin quan cho tôi được nói, làm sao tôi có thể
chà đạp dưới chân hình ảnh Chúa mà tôi hằng tôn kính. Thưa quan, tôi quyết
không chà đạp ảnh thánh Chúa, tôi xin chịu chết » (DMAH 1,80)
· Thánh linh mục Phêrô Nguyễn Văn Tự (1796-1838) : ‘‘ Xin mọi
người nghe tôi, đây là ảnh Thánh Giá mà nhiều lần các quan đã bắt tôi bước qua,
nhưng tôi đã không thể làm, và vì thế tôi phải mang án chết. Tôi ao ước luôn
mang Thánh Giá này trong khi tôi
chết… ’’
Lúc qùy trên chiếu đợi chém đầu,
cha Tự luôn giơ cao ảnh Thánh Giá, khiến nhiều người lương bỡ ngỡ kêu lên ‘‘kìa
xem, ông ta giơ cao Thánh Giá để quảng cáo đạo của ông ta’’. Người khác lại bảo
‘‘không phải vậy, ông ta chết vì cây Thánh Già đó’’ (DMAH 2,227-228).
· Thày giảng Kim bị bắt với cha Louis
Hương (1852), bị quan đánh đòn nhiều lần. Mỗi lần bị tra tấn như vậy, thày Kim
đều vẽ ra trước mắt ảnh Thánh Giá để suy gẫm các khổ hình của Chúa Giêsu đã
chịu (DMAH 3,77).
‘‘Hãy coi chừng người đời, họ sẽ
nộp chúng con tại tòa án, sẽ đánh đập chúng con trong hội đường. Họ sẽ điệu
chúng con đến các vua quan vì danh Thày, chúng con sẽ là chứng nhân của Thày
trước mặt các chức quyền và các dân ngoại… Ai hy sinh mạng sống mình vì Thày
thì sẽ mất sống’’ (x. Mt 10, 17-39)
Quả thật, vì yêu Thiên Chúa, vì muốn đáp lại lòng thương
xót của Thiên Chúa, các Thánh Tử Đạo
Việt Nam đã can đảm, vui vẻ, đón nhận
hết mọi đau khổ, nhục hình, tù đày án tử. Chịu đựng tất cả vì muốn nên giống Chúa
Kitô, vì muốn dâng lên Thiên Chúa lời cám ơn và lòng cảm mến.
Trong số 117 vị thánh Tử Đạo ở Việt
Nam, thì 75 vị bị xử trảm, 22 vị bị thắt
cổ, 6 vị bị thiêu sống, 5 vị bi phanh thây, 9 vị bị chết vì tra tấn trong tù.
Trước những nhục hình và án tử, các thánh vẫn hân hoan, hồ hởi đón nhận ý Chúa,
hiến mạng sống làm lễ tạ ơn.
· Ông Alexi Đậu (1663) : Khi ‘‘được
Chúa Hiền Vương kết án chém đầu với người bạn tên là Toma, ông Alexi liền cất
tiếng hát những bài thánh ca bày tỏ niềm vui. Đến ngày ra pháp trường, ông xin
được mặc áo lụa trắng ‘để vào tiệc cưới với Chúa Giêsu’’. Lúc đã quỳ xuống chiếu đợi lý hình chém đầu,
ông Alexi Đậu xin được quay đầu chứng kiến lý hình vung gươm chém đầu ông bạn
Tôma. Khi đầu ông Tôma được tung lên và rơi xuống, ông Alexi nói lớn ‘‘Bạn tôi
đã đi hết quãng đường và đoạt chiến thắng rồi. Bây giờ đến lượt tôi đi theo’’.
Rồi ông đưa đầu ra cho lý hình và còn hỏi đã đúng cách hay chưa (DMAH 1,51).
· Thánh lý trưởng Micae Nguyễn Huy Mỹ (1804-1838) : Khi
được hay tin sẽ bị án tử hình, ông trùm rất đỗi vui mừng. Ngày đi ra chịu chết,
ông lý Mỹ hồ hởi, nét mặt tươi rói, nhanh nhẹn bước đi trước, vừa đi vừa hát
thánh ca và giơ tay chào mọi người. Nhiều lúc ông vỗ tay nhịp nhàng và rung
xiềng xích bày tỏ niềm vui lớn. Nhiều người lương thấy ông lý Mỹ vui tươi hớn
hở, đã khen ông là anh hùng can đảm và hỏi nhau. : nhờ đâu mà ông vui sướng
cả khi sắp chết như vậy ? (DMAH 2,194).
‘‘ Thưa anh em, ước
chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài Thập Giá Đức GiêsuKitô » (Gl
6,14). « Cả anh em nữa, chúng ta là những kẻ thờ phượng Thiên Chúa, nhờ
Chúa Thánh Thần, chúng ta hãnh diện về Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ’’
(Pl 3,3).
Như thánh Phaolô hãnh diện về Thập Giá Chúa Kitô, về đức tin vào Thiên Chúa, các Thánh Tử Đạo
Việt Nam luôn tỏ ra hãnh diện về thiên chức làm Kitô hữu của mình, hãnh diện về
đạo Thiên Chúa mình đang sống, đang tin tưởng. Các Ngài xác tín ‘‘đó là hồng ân
của lòng Chúa Thương Xót’’. Nên các Ngài sẵn sàng hy sinh tất cả để sống với
danh nghĩa Kitô hữu của mình. Sự hãnh diện này được bộc lộ dưới nhiều hình
thức. Nhưng chung quy là để đáp trả hồng ân Thiên Chúa ban. Với các Ngài, tất
cả là hồng ân, tất cả là do Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Chúng ta thử nêu
lên mấy trường hợp :
· Cụ Toma Tín (1665). Khi quan tỉnh Quảng Nghĩa hỏi cụ Toma và các bạn của
cụ : ‘‘Tại sao các ngươi là người nước Nam mà lại dám bỏ đạo của quốc gia
để đi theo đạo Bồ Đào Nha ? ’’ Thay mặt cho anh em, cụ Toma Tín
thưa : ‘‘Thưa quan, quan nói chúng tôi theo đạo Bồ Đào Nha thì thật sai
trái và bất công đối với chúng tôi, lại còn xúc phạm đến Đức Chúa Trời nữa. Vì
chúng tôi theo đạo Công Giáo, là đạo dành cho mọi người … Đạo Công giáo đã có
trên 1665 năm rồi … Phần chúng tôi, chúng tôi tin chắc và hãnh diện Đạo Đức
Chúa Trời là đạo thật, đạo mang lại hạnh phúc…’’ (DMAH 1, tr.62).
· Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh
(1793-1857) :Vào năm 1848, thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh còn là một thày giảng
và bị bắt … Khi tàu chở tù nhân cập bến Thuận An để đi Phú Yên, quan cai tù cầm
giấy điểm danh. Đến lượt thày Tịnh, ông thêm chữ Gia Tô tà đạo. Thày tịnh cứ
ngồi yên không trả lời, dù quan gọi ba bốn lần. Quan nóng giận quát lên : ‘‘Thằng
nào láo, gọi mà không thưa’’. Lúc ấy thày Tịnh mới lên tiếng : ‘‘Tôi đây,
tôi không thưa vì quan gọi tôi là người theo tà đạo. Đạo tôi là chính đạo, là
đạo thật, có tam cương ngũ thường rõ ràng, bao giờ quan gọi tôi là ‘‘theo
đạo Giatô’’, bỏ chữ tà đạo đi thì tôi mới thưa ’’. (DMAH 3,135).
Các cộng đoàn (hay họ
đạo) dần dần vững mạnh trong đức tin và mỗi ngày thêm đông số (Cv 16,5), bởi vì
giáo dân hiệp nhất với nhau, trăm người như một (Cv 4,32), bởi vì họ được chăm
lo không nguyên bởi các linh mục, mà bởi chính các quý chức đàn anh (Cv 14,24),
họ họp nhau cầu nguyện (xCv 12,1-5). Nhờ đó họ liên đới với nhau như các chi
thể trong một nhiệm
thể mà Chúa Giêsu là đầu (Rm 12,5).
Những lời trên đây diễn tả tinh
thần xây dựng họ đạo của các Thánh Tiền Nhân trong thời bách hại. Các Ngài đáp
lại Lòng Chúa Thương Xót một cách cụ thể là xây dựng họ đạo, xây dựng Giáo Hội,
nhiệm thể của Chúa Kitô. Các Ngài chịu tử đạo vi danh Thiên Chúa, và vì anh chị
em tín hữu của mình. Máu các ngài là sức mạnh bồi dưỡng họ đạo. Tinh thần xây
dựng họ đạo của các Thánh được biểu dương dưới nhiều hình thức. Với khuôn khổ
bài báo chúng ta nêu lên hai trường hợp sau đây :
· Thánh Thái Bộc Micae Hồ Đình Hy : (+ 1857) : Tuy không dám
nhận bằng làm trùm hay làm thày giảng, quan thái bộc Micae Hồ Đình Hy, trong
thời cấm đạo ngặt, vẫn không sợ đón tiếp
các thừa sai, dùng nhà mình làm nơi hội họp trong Tuần Thánh. Khi biết con mình
muốn đi tu, Ngài dâng cho Chúa với lòng biết ơn : ‘‘Tôi đã nhận nhiều ơn
của Chúa Trời, để đứa con tự do chọn đời sống tu trì, gia đình tôi muốn thưa
Chúa lời cám ơn ’’ (DMAH 3,150).
Bà Anna Thuận và thánh Martino Thọ (+1840): Tại họ đạo
Trinh Hà, Thanh Hóa, bà Anna Thuận luôn tỏ ra can đảm và nhiệt thành. Bà là
người chuyên cất giấu càc đồ đạo (DMAH 2,461). Cũng vậy, thánh Martino Thọ
thuộc họ đạo Kẻ Báng rất mau mắn trong mọi việc cha xứ cậy nhờ. Trong thời gian
cấm đạo, Ngài thường cất giữ các đồ đạo. Tại nhà, Ngài đã làm sẵn bức vách dày
hai lớp, có chỗ trú cho các thừa sai và
chỗ để hòm đồ thờ … (DMAH 2,474).
‘‘Phúc cho ai sống tinh thần khó nghèo, có tấm lòng hiền
lành và trong sạch, có tinh thần
hòa bình và chính trực, sẵn sàng
chấp nhận mọi sỉ nhục, mọi bắt bớ, và cả
sự chết vì danh Thiên Chúa… họ sẽ hớn hở vui mừng, vì phần thưởng của họ thật
lớn lao ở trên trời’’ (xMt 5,3-12).
Chúng ta có thể trình bày dài hơn
nữa những cách thức các Thánh Tử Đạo đáp trả Lòng Chúa Thương Xót. Nhưng một
phương cách tóm lược đầy đủ nhất, có lẽ là cách các Ngài sống trọn vẹn Tám Mối
Phúc Thật. Vắn tắt, chúng ta nêu lên mấy trường hợp :
· Thánh Linh mục Giuse Nguyễn Đình Nghi (+1840). Ngài nổi bật về đức hiền
lành và khiêm nhường. Các người trong gia đình và những người giúp việc truyền
giáo đều làm chứng như vậy. Họ nói : «Cha Nghi rất hiền lành, nhỏ nhẹ bảo
ban, chứ không bao giờ quát mắng hay đánh đập ai. Vì cha hiền lành nên lời cha
giảng khuyên có hấp lực khiến người nghe
không chán và cũng không cưỡng lại được » (DMAH 2,400).
· Giáo dân Phú Yên : Năm 1644, một nhóm giáo dân Phú Yên bị điệu ra
hầu tòa chúa Thượng Vương, đã tỏ ra lòng khao khát nên công chính, nên hoàn
thiện. Chính họ đã tâu xin : ‘‘Thưa chúa thượng, nỡ nào chúa thượng
lại đành tâm giết một cụ già 73 tuổi và một người trẻ 19 tuổi. Cũng như họ,
chúng tôi cố gắng sống tốt mỗi ngày, giữ đức công bằng, không hề ăn cướp, giết
người, luôn trung thành với chúa thượng. Còn
tín ngưỡng là quyền tự do của mỗi người lựa chọn để sống lương thiện hơn
hầu cứu rỗi linh hồn mình về đời sau ! ’’ (DMAH 1,29).
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang