Tình Yêu Tuyệt Đối
Đk : Không có gì… không có gì tách được chúng ta
ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.
Không có gì… không có gì tách được
chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô.
L |
ấy nguồn cảm hứng từ đoạn thánh kinh (Rm 8, 35.37-39),
Lm nhạc sư Giuse Ngô Duy Linh đã sáng tác ra ca khúc ‘‘Tình Yêu Tuyệt Đối’’ được
hát lần đầu tiên trong buổi Diễn nguyện Thánh ca với chủ đề ‘‘Đức Tin và Quê
Hương’’, tại Rôma ngày 19 tháng 6 năm 1988, ngày mà Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II đã tuyên phong hiển thánh cho 117 vị tử đạo tại Việt Nam.
Cũng ngày này, lần đầu tiên trong một thánh lễ tại quảng
trường Thánh Phêrô ở Vatican, trước khoảng 30.000 người tham dự, trong đó có
trên 8.000 giáo dân Việt Nam đến từ nhiều nơi trên thế giới và bên cạnh ca đoàn
Sistina của Tòa Thánh hát bằng tiếng la-tinh, Liên Ca đoàn Tổng hợp Việt Nam từ
Mỹ qua cũng đã hát bài "Ngày Vinh Thắng" của linh mục nhạc sư Giuse
Ngô Duy Linh, Ca Khúc Trầm Hương của Dao Kim, Tiếng Nhạc Oai Hùng của thầy Hải
Linh. Những bản nhạc Việt Nam được cất lên, vang dội ở giữa lòng thủ đô Vatican
với một ý nghĩa đặc biệt là : mừng Giáo hội Việt Nam viết lên trang sử mới với
tên của 117 vị Thánh vừa được tuyên phong, một sự kiện với một con số chưa từng
xảy ra trong lịch sử 2.000 năm của Giáo hội Công giáo.
117 anh hùng tử đạo, con số rất lớn cho một lần phong
thánh, nhưng quá nhỏ so với hơn 130.000 vị, tức là chưa đến 0,1%, đa số vẫn là
giáo dân, đã anh dũng giữ vững ‘‘Tình Yêu Tuyệt Đối’’, nhất dạ thuỷ
chung :
‘‘Dù
là gian truân hay cùng khốn, bắt bớ đói khát hay bị lột trần. Dù là hiểm nguy
hay gươm giáo, giặc phá nhà cháy hay ngục tù đày lưu’’ (Tk1),
‘‘Dù
là sự sống hay sự chết, quyền thần quản thần hay thiên sứ, dù là nhân loại hay
thụ tạo nào, hiện tại tương lai hay vực thẳm trời cao’’ (Tk2),
đã từ chối bước qua Thập giá, từ chối tách rời mình ra
khỏi tình yêu của Thiên Chúa, của Đức Kitô.
Trong số 117, có 11 vị gốc Tây Ban Nha là giám mục và
linh mục dòng Đa Minh ; 10 vị gốc Pháp là giám mục và linh mục thuộc Hội Thừa Sai
Paris ; 96 vị người Việt Nam gồm 37 linh mục và 59 giáo dân.
Những giọt máu đào đã đổ xuống như gieo mầm hạt giống đức
tin trên quê hương Việt Nam.
Qua bao nhiêu năm bị bắt bớ, lại qua bao nhiêu năm bị
tê liệt vì chế độ vô thần cấm đoán, nhưng nhờ sức mạnh và niềm tin của các ngài
gieo xuống làm nền tảng, được lưu truyền và giáo dân giữ được truyền thống ông
cha để lại mà Giáo hội Việt Nam ngày nay mới đứng vững và đang dần khởi sắc
lên.
Nhưng không chỉ dừng lại trên mảnh đất, cánh đồng truyền
giáo Việt Nam, mà ngày nay hạt giống Đức Tin được gieo trồng năm xưa đang được
đáp trả lại, như một cách trả ơn cho các ngài, ngay tại chính quê hương của các
vị Thừa sai năm xưa.
Nhiều linh mục Việt Nam ngày nay đang phục vụ cho các
giáo phận tại Pháp, các dòng tu đang bị lão hoá nay được hồi sinh vì tu sinh, tập
sinh đến từ Việt Nam, các đại chủng viện lớn đều có chủng sinh gốc Việt Nam hay
được gởi đến từ các giáo phận Việt Nam. Một trong những trường hợp tiêu biểu có
thể kể được đó là nơi sinh quán của Thánh Augustinô SCHOEFFLER Đông.
Cuộc đời của ngài có thể tóm tắt qua những cột mốc chính
như sau :
Thuở Thiếu Thời ■
Ngày
22.11.1822 : sinh tại làng Mittelbronn, nay là 1 họ đạo thuộc giáo xứ
Phalsbourg, hạt Phalsbourg, giáo phận Metz. ■
Ngày 23.11.1822: Rửa tội tại nhà thờ Mittelbronn. ■
Từ 1828 đến 1834 : học tiểu học tại Mittelbronn, rồi Arraye (huyện Nomeny) et
sau đó Bettborn, trong nhà xứ với chú là linh mục Charles SCHOEFFLER ■
Từ 1834 đến 1842 : Học trung học tại tiểu chủng viện Pont-a-Mousson và trường
trung học thị trấn Phalsbourg. ■
Từ 1842 đến 1846 : Học đại học (Triết và thần học) tại Đại chủng viện Nancy. ■
Ngày 05.10.1846: Gia nhập chủng viện Hội Thừa sai Paris MEP. ■
Ngày 29.05.1847: Thụ phong Linh mục Hội Dòng MEP. |
Cuộc đời truyền giáo ■ Ngày 18.11.1847: Xuống
tàu tại cảng Anvers (Bỉ), trực chỉ Cochinchine
■ Ngày 06.07.1848:
Cập bến Hồng Kông, nghỉ vài ngày sau đó lên tàu đến Việt Nam.
■ Từ 1848 đến 1851 : Bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng trong địa phận Tây Đàng
Ngoài, dưới quyền của Đức Cha Retord Liêu, nhiệm vụ đầu tiên là học hỏi tiếng
và phong tục Việt Nam, giúp Đức Cha trong việc quản lý hành chính các xứ đạo
và tìm cách phòng ngừa các căn bệnh cho giáo dân.
■ Mùa xuân 1850 :
Đức Cha Retord Liêu cử cha lên coi xứ Đoài. Trong nhiệm sở mới cha Đông tích
cực làm việc mục vụ và truyền giáo, số người trở lại ngày càng nhiều.
■ Ngày 01.03.1851 : Bị kẻ gian tố cáo, cha bị quan quân
triều đình vây bắt và tống giam vào ngục tù.
■ Ngày 05.03.1851 : trước toà, ngài bị kết án tử hình. ■ Ngày 01.05.1851 : Cha Augustinô Schoeffler bị chém đầu,
tử đạo tại pháp trường Sơn Tây. |
Thánh Augustinô Schoeffler sinh tại ngôi làng Mittelbornn, xưa kia là một
giáo xứ thuộc vùng Lorraine, giáo phận Nancy, nhưng nay là một họ đạo thuộc
vùng Moselle, giáo hạt Phalsbourg, giáo phận Metz, miền đông nước Pháp, trong một
gia đình Công giáo có tiếng là đạo đức. Khi đến Việt Nam, Ngài chọn tên Việt là
Đông, chắc có lẽ vì đến từ miền Đông nước Pháp, được giáo dân thời đó gọi một cách
thân mật là cố Đông.
Ngài tử đạo ngày 01.05.1851 tại pháp trường Sơn Tây
Ngày 24 tháng 9 năm 1857, cha Augustinô Schoeffler được
Đức Giáo Hoàng Piô IX tuyên bố là bậc Đáng kính.
Ngày 7 tháng 5 năm 1900, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, đặt
ngài vào hàng “Chân phước”.
Và ngày 19 tháng 6 năm 1988, Đức Gioan Phaolô II tuyên
phong ngài làm hình mẫu cho Giáo hội Hoàn vũ, nâng cao phẩm giá là một vị
"Hiển Thánh" của Giáo hội.
Ngày 01 tháng 5 mỗi năm, ngày lễ Lao Động của nước Pháp, trong lúc tại
các tỉnh thành lớn của Pháp, người trong công đoàn, đảng phái chính trị, đổ xô
ra đường biểu tình nói đến quyền lợi cho giới lao động, thợ thuyền thì tại giáo
họ Mittelbornn, dân trong vùng cũng ra đường nhưng là để tổ chức một cuộc rước
kiệu rất trang nghiêm và hoành tráng, cung nghênh xương Thánh Augustinô
SCHOEFFLER trên các nẻo đường, và dâng thánh lễ mừng kính vị Thánh đã bỏ quê hương
mình, đi truyền rao chân lý, truyền rao Ơn Cứu Độ của Đức Kitô để rồi cuối cùng
chịu chết, thân lìa khỏi cổ chỉ để bảo vệ Tình Yêu Tuyệt Đối của mình với Đức
Kitô, trên một đất nước xa xôi hơn một nửa vòng trái đất mà ít người biết đến
trước đây.
Nhưng từ hơn ba chục năm nay, người ta từ từ bắt đầu
khám phá và hiểu rõ hơn đất nước Việt Nam xa xôi này với các linh mục gốc Việt
Nam mà giáo phận nơi đây đã truyền chức thánh để phục vụ cho giáo phận :
Lm Phêrô Lê Văn Dũng (06/1991), Lm Gioan Lê Văn Trung (dòng Thánh Thể), Lm
Phêrô Đôminicô Lương Nguyễn Công (06/1999) và vừa qua tháng10/2022, thầy
Antoine Nguyễn Đại Lợi đã được lãnh nhận chức phó tế, chuẩn bị cho thiên chức
Linh mục năm sau.. Ngoài ra giáo phận còn đào tạo 4 chủng sinh nay đã trở thành
linh mục cho giáo phận Thanh Hoá : Lm Antoine Đoàn Văn Chủng (2012),
Antoine Nguyễn Văn Kiên (2012), Lm Phêrô Nguyễn Văn Trường (2012) và Lm Phaolô
Nguyễn Văn Đoán (2021). Điều này nói lên được hạt giống đức tin mà các Thánh Tử
Đạo Việt Nam gieo mầm hôm qua, hôm nay lại đang được gặt hái thành công ngay chính
trên quê hương các ngài, những mục tử từ 1 đất nước xa xôi kia, nay được đào tạo
theo bước chân các ngài để đi rao giảng Lời Chúa, ở nơi mà ơn gọi tu trì đang
ngày càng suy giảm mạnh thì ngọn gió Chúa Thánh thần đã thổi và mang hạt giống đức
tin khi xưa quay trở lại và nảy sinh, như một lời cảm ơn đến mảnh đất, nơi chốn
quê hương các ngài.
Và điều đặc biệt có ý nghĩa hơn cả là từ tám năm nay,
từ tháng 9 năm 2014, một linh mục Việt Nam, cha Phêrô Đôminicô Lương Nguyễn
Công lại được bổ nhiệm làm chính xứ và quản hạt vùng này, ngay tại ngôi thánh
đường Phalsbourg mà cách đây hơn 176 năm, Thánh ‘‘cố Đông’’ Augustinô
SCHOEFFLER đã từng đứng trên bục giảng để rao truyền Lời Chúa khi còn là Phó tế
trước khi lên Paris gia nhập Hội Dòng MEP và đến Việt Nam.
Nếu có dịp hành hương đến thánh đường Phalsbourg, giáo
hạt của họ đạo Mittelbornn, chúng ta sẽ được nhìn thấy hai bên cung thánh, một
bên là bức tượng cao lớn của Thánh Tử Đạo tại Việt Nam Augustinô SCHOEFFLER và
một bên là hộp xương Thánh ngài.
(Địa chỉ : Eglise Notre Dame de l’Assomption –
Rue de l’Eglise – 57370 Phalsbourg).
***
Tháng 11, chúng ta sẽ mừng kính 118 vị Thánh và Á Thánh Tử Đạo Việt Nam, những người đã từ bỏ mạng sống để theo chân Đức Kitô đến hơi thở cuối cùng với một Tình Yêu đích thực mà Linh mục nhạc sư Giuse Ngô Duy Linh gọi đó là Tình Yêu Tuyệt Đối.
Bản nhạc Tình Yêu Tuyệt Đối đã được cha Giuse Ngô Duy
Linh sáng tác và đem ra trình làng lần đầu tiên vào tháng 6 năm 1988 trong buổi
Diễn nguyện Thánh ca tại quảng trường Thánh Phêrô với hai tiểu khúc (ghi phía
trên).
Năm 1994, ngài trở lại Pháp lần đầu tiên sau 13 năm rời
Giáo Xứ Việt Nam Paris để đi làm mục vụ mới ở New Orleans, Louisana, Hoa Kỳ. Và
lần trở lại này ngài đã viết thêm hai tiểu khúc mới
‘‘Nhiệm mầu cao siêu ôi tình Chúa ! Bí tích thánh
hoá kết hôn hai người
Nguyện cầu tình yêu luôn tươi thắm
Bình sinh, tận thế,
không bao giờ lạt phai !’’ (Tk3)
‘‘Hình ảnh Thập giá Con Một Chúa. Mặt nhật tình yêu
lung linh sáng
Tình, Hiền từ, biển rộng, sông dài ngọt ngào.
Tình, Đại
lượng, hy sinh như vực thẳm trời cao.’’ (Tk4)
Tháng
mười một, tháng nhớ đến các linh hồn, chúng cháu tưởng nhớ đến cha Bác, Linh mục
Giuse Ngô Duy Linh 28 năm trước đã viết
thêm hai tiểu khúc mới của ‘‘Tình Yêu Tuyệt Đối’’ dành riêng tặng cho hai
cháu, và đã không quản ngại đường xá cách biệt giữa hai châu lục, đến đồng tế và
nhận điều khiển ca đoàn ‘‘cây nhà lá vườn’’ cho hai cháu trong Thánh lễ Hôn phối
tại một ngôi thánh đường nhỏ bé của vùng Marne-La-Vallée.
Tháng mười một, tháng mừng
kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin nhờ lời chuyển cầu của các ngài lên Thiên
Chúa là Cha toàn năng, cho linh hồn cha Bác Giuse Ngô Duy Linh được mau có ‘‘Ngày
Vinh Thắng’’ trên nước Thiên Đàng.
Công Bình
_____
2 Ca khúc Lm Giuse Ngô Duy
Linh viết cho ngày Đại Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 19/06/1988
Tình Yêu Tuyệt Đối : Nhạc : Lm Ngô Duy Linh - Lời : cảm hứng từ Thánh kinh
Rm : 35, 37, 39
Ngày Vinh Thắng :
Nhạc : Lm Ngô Duy Linh - Lời : Lm Hồ Ngọc Thỉnh
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang