Giang Minh Đức
Chương trình
11g30-14g30: Thánh lễ chung với cộng đoàn & cơm trưa
14g30-16g00: Tĩnh tâm về đề tài " Sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày của chúng ta " do Cha Phaolô Ngô Đinh Sĩ hướng dẫn
16g00-16g45: Trao đổi ý kiến
16g45-17g00: Đúc kết và bế mạc
Tĩnh tâm "Năm
Truyền Giáo"
với Nhóm Gia Đình Trẻ
Chúa Nhật 10.05.2015
Địa điểm Phòng ăn Giáo Xứ Việt Nam Paris
Hiện diện Cha Sĩ, GS Cảnh, Thầy Sơn, Đức Ông Vinh, AC Đức & Phượng, AC Quý & Phượng, AC Đại & Hằng, AC Trung & Hồng, AC Dũng & Trung, AC Nghĩa & Tiên, chị Uyển, chị Tuyết, cô Kim Thoa, chị Huyền, chị Nhung, chị Thúy Phượng, chị Nguyệt, chị Bích Đào, chị Hoa, chị Ngọc Châu, cô Thư Hương, ông bà Hervé & Martine BARBIN
Tổng cộng 29 người
A/ Tường trình: (Lê Quang Đại)
Ngày 10.05.2015, một ngày Chúa-Nhật đẹp trời, nhóm gia-đình trẻ của giáo xứ Việt Nam Paris đã tổ chức buổi tĩnh tâm thường niên lần thứ ba tại phòng ăn tập thể của giáo xứ. Trong tinh thần của « Năm Truyền Giáo », nhóm đã chọn đề tài « Sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày của chúng ta ». Buổi tĩnh tâm được đặt dưới sự hướng dẫn của cha Ngô Đinh Sĩ với sự hiện diện của khoảng 30 anh chị. Năm nay, nhiều anh chị trong nhóm, vì bận việc, đã không tham dự được. Tuy nhiên với sự tham gia của khoảng 10 cảm tình viên, đặc biệt các anh chị của nhóm thư viện và hai người Pháp, buổi tĩnh tâm đã diễn ra trong một bầu không khí sôi nỗi.
Sau khi hát bài khai mạc « Kinh Chúa Thánh Thần », anh trưởng nhóm Giang Minh Đức đã giới thiệu cha Ngô Đình Sĩ với các anh chị em hiện diện. Anh Đức đã mời cha tự giới thiệu để mọi người được biết rõ hơn về cha. Sau vài câu nói tóm tắt về bản thân, cha Sĩ đã « tự giới thiệu » luôn, hơn một tiếng đồng hồ, về … đề tài của buổi tĩnh tâm.
Trong bài nói chuyện, cha Sĩ đã đề cập đến 2 vấn đề chính : làm thế nào để Thiên Chúa thật sự đi vào gia đình chúng ta và lợi ích mà chúng ta có được sau khi đã đón nhận được Chúa? Trong phần triển khai của vấn đề thứ nhất, cha đã nói rằng Thiên Chúa đi vào gia đình chúng ta bằng chính lời nói của Ngài. Và để thật sự đón nhận Chúa vào nhà, việc đọc kinh và cầu nguyện vẫn chưa đủ, mà chúng ta cần phải bắt chước mẹ Maria, « chọn phần tốt nhất » thay vì chọn việc lo toan cho cuộc sống hằng ngày. Thật vậy, những lo toan của cuộc sống hằng ngày có hại cho chúng ta hơn là chúng ta tưởng. Nó làm chúng ta trở nên khô cằn, quên cả Thiên Chúa. Cha đã đưa ra một ví dụ về một vị tổng thống tìm gặp một nhà thiền học để hỏi cách chống lại những căng thẳng của cuộc sống vì ông ta lúc nào cũng bị căng thẳng vì công việc. Nhà thiền học đã nói rằng : « Chẳng có bài học nào cả. Khi ông ăn cơm thì hãy lo ăn cơm, khi ông uống nước thì hãy lo uống nước, khi đọc sách thì hãy chú tâm đọc sách ». Vị tổng thống trả lời : « Thì lúc nào tôi cũng làm điều đó mà ». Nhà thiền học đáp lại : « Không đúng. Lúc ông ăn cơm thì ông vẫn lo nghĩ đến công việc, lúc ông uống nước, ông cũng nghĩ đến công việc. ».
Trong phần thứ hai, về những ích lợi của việc đón nhận Chúa vào nhà chúng ta, cha đã nhấn mạnh đến việc tinh thần gia đình được phát triển theo tinh thần Ki-Tô Giáo. Nhờ tinh thần này, gia đình sẽ đoàn kết hơn, mọi người sẽ thông hiểu và tôn trọng nhau hơn, có tinh thần yêu mến và phục vụ tha nhân.
Sau phần « tự giới thiệu » này của cha, buổi tĩnh tâm đã tiếp tục với phần tự giới thiệu và trao đổi ý kiến của các anh chị hiện diện. Đặc biệt, mọi người rất thích thú phần tự giới thiệu, bằng tiếng Việt, của cặp vợ chồng người Pháp, ông bà Hervé & Martine BARBIN. Hai người này đã tham gia công việc từ thiện của các sœurs dòng Saint Paul de Chartres ở Việt Nam để giúp các trẻ em tàn tật ở Rạch Giá, Sài Gòn và Nha Trang.
B/ Thuyết trình: "ĐÓN NHẬN THIÊN CHÚA TRONG CUỘC SỐNG GIA ĐÌNH" (Cha Phaolô Ngô Đinh Sĩ - xin ghi lại nguyên văn)
Dẫn nhập:
Ngày nay, người ta thường nói đến các vấn đề của gia
đình. Trong thực tế, gia đình công giáo cũng gặp phải những ‘khủng hoảng’ như
các gia đình khác. Tuy nhiên, họ luôn biết rằng, họ luôn được phù trợ và đồng
hành với Thiên Chúa nếu họ biết mời gọi Ngài đến trong gia đình mình.
Trong sách Thánh, khi nói đến Đức Tin, gia đình luôn được nhắc đến, chẳng hạn : "Nếu các ngươi không bằng lòng phụng thờ Yavê, thì hôm nay cứ chọn lấy ai mà thờ, hoặc là những thần, tổ tiên các ngươi đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của dân Amori nơi đất chúng các ngươi đang ở! Phần ta và cả nhà ta sẽ phụng thờ Yavê" (Giôsuê 24,15) (xem Đnl 6,4-7).
Trong Tân Ước cũng vậy, trong câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho một người con cái trong gia đình ở Capharnaum, "nên ông đã tin là một với tất cả gia đình ông" (Ga 4,52c).
Tất cả gia đình gặp gỡ đuợc Thiên Chúa nhờ đức tin của một thành viên của họ. Làm thế nào để chúng ta gặp gỡ được Thiên Chúa trong gia đình chúng ta ? Và qua đó, chúng ta có thể xác định được tính cách đặc biệt của gia đình công giáo, và cuối cùng để trở thành chứng nhân của Đức Kitô nhờ Thánh Linh.
* Gia dình gặp gỡ Thiên Chúa Kitô qua lời của Ngài
Chúng ta có bao giờ nghĩ rằng một
ngày nào đó mình sẽ tìm được kho tàng cho chính mình? Thật ra chúng không cần
phải ra công kiếm tìm vì kho tàng đó đang dành sẵn cho gia đình chúng ta, chỉ
cần đưa tay nhận lấy. Kho tàng đó chính là quyển Thánh Kinh, là Lời của Thiên
Chúa. Đây không phải chuyện xa vời. Sách sẽ biến thành Lời của chính Thiên
Chúa, như người đang nói trước mặt chúng ta. Người Tin lành có thói quen từ lâu
đọc Kinh thánh hằng ngày, người Công giáo thích đọc kinh ở nhà, và thường chỉ
nghe Lời Chúa ở các nghi thức phụng vụ.
Thánh Phaolô đã viết cho Timôthê: "Và từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Ðức Kitô Giêsu. Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính." (2Tm 3,15-16). Giáo hội luôn nhận ra vai trò quan trọng của Kinh thánh và cổ võ chúng ta đọc lời Ngài.
"Vì thế, tất cả các giáo sĩ, trước hết là các linh mục của Chúa Kitô và những ai phục vụ Lời Chúa cách chính đáng, với tư cách là phó tế hoặc giảng viên giáo lý, phải gắn bó với Kinh thánh nhờ chuyên cần đọc Sách Thánh và học hỏi kỹ càng; nếu không, sẽ có người trong họ thành “kẻ rao giảng Lời Thiên Chúa bên ngoài uổng công, bởi vì họ không lắng nghe Lời đó trong lòng”, trong khi họ phải thông truyền, nhất là trong phụng vụ thánh, những kho báu vô tận của Lời Thiên Chúa cho các tín hữu đã được giao phó cho họ. Cũng vậy, thánh Công đồng nhiệt liệt và đặc biệt khuyến khích mọi kitô hữu, nhất là các tu sĩ, học được “sự hiểu biết tuyệt vời về Chúa Giêsu Kitô” (Pl 3,8) nhờ năng đọc Sách Thánh .» (số 25, Dei Verbum)
Vua David ngày xưa khi đọc Thánh
Kinh, ông đã reo lên rằng (Tv 119 (118),9-16):
(9) Làm thế nào giữ được
tuổi xuân trong trắng?
Thưa phải tuân theo lời Chúa dạy.
(10) Lạy Chúa, con
hết dạ kiếm tìm Ngài,
xin chớ để con làm sai mệnh lệnh Chúa.
(11) Lời Chúa hứa,
lòng con ấp ủ,
để chẳng bao giờ bội nghĩa bất trung.
(12) Lạy CHÚA, con
dâng lời ca tụng,
thánh chỉ Ngài, xin dạy cho con.
(13) Môi con hằng
nhẩm đi nhắc lại,
các quyết định miệng Ngài phán ra.
(14) Tuân theo thánh
ý Ngài, con vui sướng
hơn là được tiền rừng bạc bể.
(15) Con sẽ gẫm suy
huấn lệnh Chúa truyền,
đưa mắt nhìn theo đường lối Chúa.
(16) Con vui thú với
thánh chỉ Ngài
chẳng quên lời Ngài phán.
Cuộc sống được tạo nên từ hàng trăm
hàng ngàn bận rộn. Một số làm chúng ta viu thích, một số đè nẵng lến chúng
ta làm chúng ta lo âu và làm cho chúng
ta đánh mất ý nghĩa đời sống con người. Chuyên gia Millennial Jullien Gordon
nói : Hãy biết sự khác biệt giữa một người nghiện công việc so với người làm việc cường độ cao. Nhận
biết sự khác biệt có thể giúp thưởng thức những khoảnh khắc nhiều hơn mỗi ngày. Đối với những người Kitô hữu, khi chúng ta quá bận rộn trong cuộc
sống. Ban ngày thì đi làm kiếm cơm. Khi đủ cơm rồi thì kiếm nhà lớn hơn, xe đẹp
hơn, đồ chơi hiện đại hơn, phim ảnh và truyền hình tân tiến mới lạ hơn để lấp
đầy mọi khe hở về không gian và thời gian trong tâm hồn và cuộc sống; việc tông
đồ cuối tuần càng làm bận rộn thêm. Đúng là làm ngày không đủ, tranh thủ làm
đêm, làm thêm chủ nhật. Nếu như thế, chúng ta khó có thể gặp được Thiên Chúa
trong gia đình mình.
Hãy đọc và suy gẫm Lời của Thiên Chúa nói với Maria trong bản văn Kinh thánh sau đây: " Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói : "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao ? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!" Chúa đáp : "Mác-ta ! Mác-ta ơi ! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá ! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi." (Lc 10,38-42).
Mác-ta biểu tượng cho tất cả những
bận rộn của chúng ta. Thiên Chúa đã đến trong nhà chúng ta, mà chúng ta đang lo
toan suy nghĩ những công chuyện khác. Maria đã nghe lời Đức Giêsu và qua đó
được gặp gỡ chính Thiên Chúa và được nuôi sống bằng Lời của Ngài.
Khi không sống gần Chúa, thì chuyện chúng ta mất thêm giờ và tâm sức tranh cãi những chuyện không đâu. Thiên Chúa sẽ, không chen vào trong cuộc sống được, mặc dù vẫn đi lễ, dạy giáo lý, và có vẻ sống đàng hoàng, đạo đức. Khi không thực sự gập Thiên Chúa qua Lời của Ngài thì việc làm tốt (như việc của Mác-ta), việc đạo đức cũng có thể trở thành cơ hội cho “cái tôi” được đề cao, cho “ghen tỵ” có đất sống. Từ ghen tỵ đến mưu mô hại người chỉ có một bước chân.
Đón tiếp và lắng nghe Lời Thiên Chúa qua Kinh Thánh ở giữa gia đình sẽ giúp chúng ta trở lại trên con đường sự thiện. Đừng sợ Thiên Chúa đến thăm viếng gia đình mình dù có trăm ngàn tội lỗi. Ngài đã viếng thăm gia đình ông Da -kêu, một người có tội lớn trong xã hội thời đó, vì giàu có nhờ tham lam ăn tiền thu thuế của dân và làm tay sai cho thực dân La-mã : "Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Da-kêu ; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông : "Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !" Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau : "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ !" Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng : "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo ; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn." Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng : "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất" (Lc 19,1-10).
Câu chuyện này, giúp chúng ta suy nghĩ và xác tín về ba điều sau đây:
- Không phải vì chúng ta xấu xa tội lỗi, thì Thiên Chúa sẽ không đến, nhưng ngược lại, nếu chúng ta có một chút ước muốn như ông Da-kêu muốn gặp Ngài, thí Ngài đã mở lời đề nghị đến nhà chúng ta. Và khi Ngài đến, không phải để phán xét những điều chúng ta làm. Trong khi đó thiên hạ hay phán xét và kết án những người họ cho là tôi lỗi : Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau : "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ !" Ngài đến làm chúng ta vui.
- Khi chúng ta gặp Ngài, chúng ta sẽ nhận chân được con người thật của chúng ta và tự độn trở lại, mà không cần ai đe dọa cả. Tên của ông Da -Kêu, trong tiếng Do Thái, ở trong căn từ công chính, nói như thế, khi gặp đức Kitô, ông ta tìm được ơn gọi và căn tín của mình. Ông đã hoán cải bằng việc đền trả lại những gì ông đã đánh cắp.
- Khi chúng
ta gặp Thiên Chúa, Ngài sẽ trả lại cho chúng ta danh dự và giá trị con người,
một phần bị đánh mất bởi tội lỗi chúng ta, một phần khác, bị người đời kết án.
Nhưng đối với Đức Kitô, Ngài đến để trả
lại cho con người căn tính và ơn gọi nguyên thủy mà Thiên Chúa đã ban cho chúng
ta. Đức Giêsu đã tuyên bố trước mật mọi người trong gia đình Da-kêu : con người
tội lỗi này là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Lời này, nhưng một
tiếng sét vào tai những người Do Thái, cũng như ngày nay, khi Thiên Chúa tuyên
bố một kẻ có tội, là một người con Thiên Chúa, mà con Thiên Chúa là thánh, vì
người Cha là Thánh.
Đón nhận Thiên Chúa vào nhà mình, chính là việc đọc
thường xuyên Lời Ngài trong gia đình mình. Lời đó không những nuôi sống chúng
ta, nhưng sẽ mang lại giá trị đích thực của con nguời chúng ta: con cái của
Thiên Chúa, là thánh với Ngài và trong Ngài.
Da-kêu không từ chối Đức Kitô vào nhà của mình, và qua đó, ông đã cố gắng tái tạo lại tinh thần con cái tổ phụ Abraham cho tát cả gia đình của ông.
* Phát triển tinh thần gia đình công giáo
Như chúng ta đã nói ở trên gia đình Công giáo không khác
gì các gia đình khác trên bình diện con người. Nhưng thực ra, có một căn tính
của gia đình Công giáo mà chúng ta cần nhận ra và phát triển. Căn tính đó được
nói lên bởi chính miệng Đức Kitô : "Mẹ và anh em
Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi
chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng : "Thưa Thầy, có mẹ và anh em
chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy !" Nhưng Người đáp lại :
"Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ?" Rồi Người rảo mắt nhìn những
kẻ ngồi chung quanh và nói : "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai
thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi" (Mc 3,31-34).
Tinh thần của gia đình Công giáo được thể hiện qua việc
tìm kiếm và để Thánh Ý Thiên Chúa hướng dẫn. Sự hiện diện của đức Kitô nhắc
chong chúng ta biết chúng ta là anh em của ngài, ở trong gia đình của Ngài.
Hãy phát triển tinh thần cậy trông, tức là niềm hy vọng Kitô giáo của chúng ta trong gia đình. Chúng ta đặt hết niềm tin của mình vào Ngài, du gặp nhiều khó khăn. Những khó khăn lớn nhất đến ngay trong gia đình của chúng ta. Đó cũng là một sự thử thách cho đức tin của chúng ta. Chính Đức Giêsu Kitô đã cảnh báo cho chúng ta điều đó :" "Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao ? Thầy bảo cho anh em biết : không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau : cha chống lại con trai, con trai chống lại cha ; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng"(Lc12,51-53). Đoạn văn này nằm trong bối cảnh loan báo khổ nạn của Đức Kitô, Ngài mời gọi gia đình chúng ta tin cậy và cho chúng ta sức mạnh để sống và vượt qua con đường thập giá, vì nơi đó chúng ta sẽ tìm thấy dấu chứng của tình yêu và sự sống.
Nếu Thiên Chúa không thất vọng về con người, thì chúng ta cũng đừng thất vọng về ai, dù học có thế nào đi nữa trong gia đình của chúng ta. Cha mẹ nên tin tưởng vào các con của mình và đối thoại với chúng, và như thế, con cái sẽ tin tưởng vào cha mẹ kính trọng mình.
Tinh thần gia đình Công giáo là tinh thần yêu thương và bác ái. Phục vụ và yêu mến những người gần với mình. Yêu thương vá bác ái không thu hẹp trong khung khổ chỉ nguyên bố thí của cho người nghèo, hay đừng nói xấu người khác mà thôi. Nó còn bao hàm phạm vi rộng rãi, bao la hơn . Tình yêu chính là Thiên Chúa; Tình yêu giúp chúng ta nhận ra trong những người gần mình hình ảnh của Thiên Chúa, chứ không phải là "quỷ dữ. Chúng ta yêu người khác qua Chúa. Bao lâu chúng ta không nhìn nhận Thiên Chúa trong người gần chúng ta, bấy lâu đối với họ, chưa gọi được có tình yêu, thứ tình yêu Thiên Chúa muốn cho ta yêu mến Người, và Người âu yếm ta: như thế ta chưa hiểu đức ái là gì cả. Mười Điều Răn tóm về hai quan điểm này: một là mến Chúa, hai là yêu người, nhưng có đem đổ dồn lại một đức ái còn đúng nghĩa hơn. Vì mến Chúa, yêu người không phải là hai sự kiện khác nhau: nó chỉ là hai lĩnh vực, cùng thuộc về một đức ái.
Yêu mến những người gần mình giúp chúng ta tập yêu mến những người xa mình hơn, và đó là tinh thần truyến giáo của chúng ta. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã viết :
« Nous affirmons que la famille chrétienne elle-même est un grand messager de la Bonne Nouvelle de Jésus-Christ dans ce millénaire. Elle est véritablement un agent d’évangélisation. De plus, davantage qu’un simple objet de la préoccupation pastorale de l’Eglise, la famille chrétienne est également l’un des agents d’évangélisation les plus efficaces. » (Chúng tôi chứng thực rằng gia đình Công giáo chính là sứ giả loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô trong thiên niên kỷ này. Gia đính đích thực là tác nhân Tin Mừng. Hơn nửa, gia đình không chỉ là một đối tượng của mục vụ giáo xứ, nhưng gia đình cũng chính là một trong những nhân tố phúc âm hóa hiệu quả nhất).
Chúng ta hãy giúp những người trong gia đình chúng ta tập tính quảng đại, tha thứ, và nhẫn nại và mở rộng đầu óc chúng ta thoát khỏi những phán xét thông thường. Thánh Linh của Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta.
* Chúng ta có thể làm gì trong gia đình của chúng ta ?
1. Cầu nguyện với Thánh Kinh:
Lời Thiên Chúa đưa chúng ta đến gần
Thiên Chúa, gần sự linh thánh. Do đó, việc đầu tiên mà chúng ta phải làm, là chọn một nơi và một giờ trong tuần, hoặc
trong tháng để đọc và học hỏi Kinh thánh. Kế đến, hãy chuẩn bị một chương trình và một lịch trình
để xác định rõ những gì mình sẽ làm với Kinh thánh.
Ai cũng tưởng việc này là bình thường, nhưng khi chúng ta tìm kiếm và xác định được nơi chốn làm việc và trung thành với ngày giờ đã chọn, việc đó nói lên niềm xác tín, lòng yêu mến, và sự kính trọng đối với Kinh thánh. Chúng ta không đọc Kinh thánh vì bắt buộc hay vì bổn phận nhưng phải cố gắng tạo thói quen gặp gỡ với lời Thiên Chúa. Như thế chúng ta mới có thể nhận ra rằng chính lời đó nuôi chúng ta sống, và khi chia sẻ với các anh em khác, lời đó mới thực sự có ý nghĩa Đọc Kinh thánh chính là cầu nguyện. Hoặc nói một cách khác hơn, chúng ta đang ở trước nhan thánh Chúa.
Hãy kêu cầu Thánh Thần Thiên Chúa đến giúp chúng ta như Ngài đã linh hứng các tác giả trước đây. Tự hạ mình khiêm tốn, để cầu xin Thiên Chúa soi sáng cho tâm trí mình đi vào nhiệm ý thiêng liêng, để hiểu lời của Ngài. Và nên khắc ghi lời nguyện cầu của Đức Kitô: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại Mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha (Mt 11,25-26)".
2. Chia sẽ vui mừng và trao mọi khó khăn cho Thiên Chúa:
Thiên Chúa vẫn đến với chúng ta qua những biến cố vui buồn, qua những thăng trầm của giòng đời của gia đình chúng ta. Ngài vẫn đang mời gọi chúng ta đặt cuộc đời trong bàn tay quan phòng của Chúa. Cho dù cuộc đời có nghiều nghi nan. Cho dù giòng đời có nhiều bất trắc và giông tố. Hãy lấy đức tin mà nắm vào Chúa. Hãy lấy lòng cậy trông mà phó thác vào Chúa. Hãy lấy lòng mển để vâng theo thánh ý Chúa.
Người ta kể rằng: có một cậu bé 5 tuổi vừa thức giấc trong một đêm giông tố bão bùng. Cậu mở mắt, thấy cảnh vật tối tăm. Ngoài trời giông tố, sấm chớp rợn rùng. Từng đợt gió rít lên tạo thành những âm thanh gầm thét như đang giận dữ đạp đổ nhà cửa và cây cối. Bốn bề xao động. Cậu sợ hãi, hốt hoảng và cầu cứu cha:
- Cha ơi, cha ơi! Con sợ quá!
- Cha đây, cha đây! Cậu nghe tiếng cha vọng lại
- Cha đâu sao con không thấy? Con sợ quá! Cậu giơ tay ra phía trước quờ quạng.
- Cha đây, Cha đây! Người cha bước lại ngồi xuống bên cậu. Cậu ôm lấy cha, áp đầu vào ngực cha. Người cha đỡ cậu nằm xuống và vỗ về cậu. Cậu bé yên lặng nắm lấy bàn tay Cha dìu dịu đi vào giấc ngủ an lành. Bên ngoài mưa bão vẫn còn, nhưng sự sợ hại nơi cậu bé đã tan biến trong lòng của Cha.
Trong
gia đình của chúng ta, thường có trăm ngàn mối lo và buồn phiền, đời sống tiền
bạc, vợ chồng con cái, gia đình cha mẹ hai bên, việc làm và liên hệ đền những
người trong xã hội. Sống trên đời, ai mà chẳng có những nỗi lắng lo. Vượt thoát
được nỗi lo này, bận tâm khác lại đến xâm lấn lấy tâm trí ta. Đời ta hệt như
một công trường, ngổn ngang những bộn bề âu lo của kiếp người. Ta hay lo vì cho
rằng không ai sống thay cho mình nên ta phải tự mình bươn chải. Nếu có một ai
đứng ra, bảo đảm an toàn cho cuộc sống mình thì ta có thể thảnh thơi mà sống
cách an nhiên tự tại.
Tuy chúng ta vẫn luôn sống và giải quyết vấn đề theo thói quen của mình, nhưng tại sao không ký thác vào người Cha của mình. Vì khi có bình an, những người sống chung quanh ta mới nhận ra điều đó và tự nhận ra một hiện diện thiêng liêng nào đó trong con người của chúng ta. Kinh Thánh cho ta biết Thiên Chúa là Đấng vẫn không ngừng săn sóc ta và mời gọi ta hãy quẳng gánh lo đi mà vui sống.
Hãy đọc và ghi nhớ lòi này : "Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng" (Mt 11,28-30).
Không phải trong khó khăn thử thách, chúng ta mới cần đến Thiên Chúa. Gia đình của chúng ta cũng nên tập cám ơn Thiên Chúa cho những gì vui mừng đến với chúng ta. Tôi có đọc thấy những lời tạ ơn rất hay của một số gia đình công giáo sau đây:
"Tạ ơn Chúa Trời là Cha của con, Ngài đã ban cho con một mái ấm gia đình để cùng chia sẻ buồn vui, sang hèn với nhau. Chúa muốn chúng con sống hạnh phúc và cùng nhau vui hưởng những ơn lành Ngài ban cho loài người chúng con, nhưng lắm khi chúng con đánh mất những điều quí báu ấy, chỉ vì chúng con không sống theo ý Ngài. Chúng con đã để cho những thói quen xấu, những lời nói thiếu suy nghĩ, những hành vi bộc phát, gây tổn thương cho nhau và làm vẩn đục bầu không khí yêu thương mà Chúa muốn thấy nơi gia đình chúng con".
Hoặc,
"Con cảm ơn Chúa đã ban cho con một người vợ dịu hiền, thuần hậu, yêu thương, giỏi giang, lanh lợi, tháo vác, biết lo cho chồng con , hiền lành chung thủy, khôn ngoan, hiểu biết, hoạt bát."
Hoặc,
"Con cảm ơn Chúa vô cùng vì những viên ngọc báu Ngài đã ban cho con. Xin Chúa giúp cho vợ chồng con biết nuôi dưỡng các con trong tình yêu của Ngài. Xin Chúa khai tâm mở trí cho chúng nó sớm hiểu biết yêu mến lời Chúa, mời Chúa làm chủ cả cuộc đời chúng nó, và có sự sống của Chúa trong lòng. Xin Chúa cho chúng con biết cách cư xử để làm gương cho chúng nó, dạy dỗ trách phạt chúng nó bằng tình yêu của Chúa để giúp chúng nó đi trong đường ngay lành".
Nhưng còn một điểm quan trọng khác, mà chúng ta thường hay quên lãng, đó là đức tin, tình yêu và niềm hy vọng của chúng ta đến từ Thánh Thần Thiên Chúa.
3. Vai trò của Thánh Linh:
Không phải chỉ khi đi cầu nguyện với nhóm Thánh Linh, chúng ta mới cảm nghiệm sự hiện hữu và tác động của Thánh Thần Thiên Chúa. Hãy để Ngày hướng dẫn và biến hóa gia đình chúng ta. Thánh Phaolô đã nói : "Hỡi anh em, chúng tôi khuyên anh em: hãy sửa bảo những kẻ vô trật tự; hãy khích lệ những người nhát đảm; hãy làm chấn khởi những người yếu đuối; hãy ở đại lượng với mọi người! Hãy coi chừng: đừng ai lấy oán báo oán; trái lại hãy luôn luôn theo đuổi sự thiện giữa anh em với nhau, và đối với mọi người. Hãy vui mừng luôn! và đừng ngớt cầu nguyện! Hãy tạ ơn trong mọi dịp! Vì đó là thánh ý Thiên Chúa về anh em trong Ðức Kitô Yêsu! Ðừng dập tắt Thần khí! Ðừng khinh thị các ơn tiên tri! Nhưng hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy! Hãy kị điều dữ, bất cứ dưới hình thức nào! " (1Tx 5,14-22).
Trong gia đình của chúng ta, chúng ta cũng phải cẩn thận đừng cản trở, coi thường, hoặc dập tắt Thánh Linh trong cuộc sống. Những lời mời gọi đầy lôi cuốn của thế gian cố gắng hướng sự chú ý của chúng ta ra khỏi con đường yêu mến. Bất luận chúng ta chồng, vợ, hay con cái, vai trò của Thánh Linh, Chúa Thánh Thánh Thần, luôn thiết yếu trong mỗi thời kỳ của cuộc sống trần thế của chúng ta.
Mỗi chúng ta đều biết rằng cuộc sống gia đình, vất vả, và đôi khi cô đơn, nhưng chúng ta cũng biết rằng chúng ta sẽ không một mình. Đức Giêsu Kitô qua Thánh Thần Thiên Chúa cho chúng ta tất cả để sống đức tin, sự hối cải, và ăn ở ngay lành.
Con đường dẫn đến Thiên Chúa không ở trên một trạng thái bất động. Đúng hơn, đó là một con đường dốc, luôn luôn hướng tới và đi lên. Vì sự chống đối độc hại của Ma quỷ tiếp tục, nên sự soi dẫn liên tục của Chúa Thánh Thần là hoàn toàn thiết yếu. Thực ra, chẳng ai dám cản trở, xem thường hay dập tắt những tác động của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, chúng ta thường thờ ơ và vô cảm đối với các ân phúc tuôn chảy Ngài. Chúng ta thường hài lòng với cuộc sống tẻ nhạt, thiếu năng động và quên lãng ơn gọi Kitô hữu đặc biệt, ơn gọi rữa tội của chúng ta. Thánh Phaolô nói : hãy bước đi theo Thần khí, và anh em sẽ không làm thỏa đam mê xác thịt. Vì xác thịt có những đam mê chống lại Thần khí; và Thần khí có những đam mê chống lại xác thịt, đôi đàng cự lại nhau, khiến anh em không thể hễ muốn gì là làm được. Nhưng nếu anh em để Thần khí dẫn đi, anh em không phải chịu quyền Lề luật. Mà đã rõ việc vàn của xác thịt, tức là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, ma thuật, hằn thù; kình địch, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè đảng, ganh tị, say sưa, chè chén và các điều khác giống như vậy. Và tôi bảo trước cho anh em hay, như tôi đã từng bảo rồi, là những kẻ làm các điều ấy sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp! Còn hoa quả của Thần khí là: mến yêu, vui mừng, bình an, rộng rãi, tốt lành, lương thiện, tín trực, hiền từ, tiết độ. Không có luật nào chống lại các điều ấy. (Gl 5,16-22)
Khi chúng ta để Chúa Thánh Thần ngự trị trong gia đình chúng ta ánh sáng và sự hiểu biết, thì Ngài “làm gia đình chúng ta sống động,” có nghĩa là, soi sáng và làm trong lòng của các thánh viên trong gia đình chúng ta can đảm, yêu mến cuộc sống, hy vọng vào tương lai.
Để hình dung được hiệu quả của Thánh Linh, chúng ta nên đọc lại dấu chỉ tiệc cưới ở Cana. "Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người : "Họ hết rượu rồi." Đức Giê-su đáp : "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi ? Giờ của tôi chưa đến." Thân mẫu Người nói với gia nhân : "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo." Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Đức Giê-su bảo họ : "Các anh đổ đầy nước vào chum đi !" Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ : "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc." Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói : "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ." Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người (Ga 2,1-11)".
Trước hết, những người có trách nhiệm lo cho bữa tiệc thừa nhận và nói ra sự hết rượu giữa chừng, vì thế nên mẹ Chúa mới biết được nhu cầu này. Chúng ta cần thừa nhận tình trạng"hết rượu"trong đời sống gia đình của mình. Đó là khởi điểm cần thiết của phép lạ, qua trung gian của Đức Kitô, nhờ tác động của Thánh Thần Thiên Chúa. Có những người không còn niềm vui, không còn thấy hứng khởi trong đời sống cá nhân hay gia đình, hay trong mối liên hệ giữa mình với Chúa và người khác, nếu không thừa nhận tình trạng này, phép lạ không thể xảy ra. Nhưng chúng ta phải biết vâng lời, đó cũng là hệ quả của Thánh Thần Thiên Chúa. Chúa bảo những người đầy tớ đổ nước thật đầy vào sáu cái lu, họ làm theo đổ đầy tới miệng (Ga 2,7). Chúng ta phải vâng phục Chúa nếu chúng ta muốn nhìn thấy những phép lạ Chúa làm cho chúng ta. Hầu hết những phép lạ trong Kinh Thánh xảy ra khi con người cộng tác, làm theo Lời chỉ dẫn của Chúa.
Kết luận:
Bài nói chuyện đã khá dài, nhưng nói về sự hiện diện của Thiên Chúa trong gia đình chúng ta thì bất tận. Những câu chuyện nhỏ nhặt trên đây ước muốn giúp chúng ta có một niềm tin mới của gia đình Công giáo với sự hiện hữu của Đức Giêsu Kitô qua Thánh Thần Thiên Chúa.
Nhưng nếu chúng ta không nhận ra hay trải nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta sẽ vẫn còn sống hoài trong âu lo, bận rộn, toan tính và suy nghĩ đè nặng của thế giới ngày hôm nay.
Ba điều quan trọng mà chúng ta cần thay đổi và quan tâm :
- Đức tin của một người trong gia đình là ơn sũng và chứng tá cho tất cả.
- Đức tin đó dựa trên căn bản Tình Yêu trong sự tôn trọng tự do, đối thoại lắng nghe, và nhẫn nại đợi chờ.
- Và Hy vọng của chúng ta, chính là sự trông cậy vào tác động của Thánh Thần Thiên Chúa. Giao phó cho Ngài tất cả mọi việc.
C/ Trao đổi ý kiến (Giang Minh Đức):
Sau phần thuyết trình sống động và súc tích là phần chia sẻ rất hào hứng và hăng say. Xin ghi lại những ý chính:
-Chị A: Làm sao để có thể nhận diện và ý thức được tội lỗi vì có người làm sai mà vẫn cho là mình đúng ? Thế nào là tội nặng và tội nhẹ ?
-Cha Sĩ: Tội lỗi là vấn đề của lương tâm (thiện hay ác, tốt hay xấu) và là mối tương quan giữa con người đối với Thiên Chúa, nhưng đó không phải là nguyên nhân đưa đến hệ quả. Theo tâm lý người công giáo, phạm tội là xa Chúa, càng phạm tội nặng bao nhiêu họ càng cảm thấy bị xa Chúa bấy nhiêu vì kẻ phạm tội thì có thật sự sung sướng trong lòng bao giờ! Họ sợ Chúa nhưng Chúa bảo họ đừng sợ vì Người không kết tội ai mà ngược lại còn rộng lượng tha thứ cho họ nữa. Khi Chúa thấy con người phạm tội, Ngài xót xa tội nghiệp cho họ và chỉ chờ mong họ biết ăn năn trở về. Tình yêu của Thiên Chúa thì bao la vô cùng tận, lúc nào Ngài cũng mở rộng con tim đón mời nhưng không làm gì được hơn chỉ vì chúng ta không biết đón nhận Ngài. Vậy chúng ta phải biết mở lòng đón nhận tình yêu để có được niềm vui từ Thiên Chúa! Có niềm vui thì ta sẽ tìm được hạnh phúc và rồi mới có thể mang hạnh phúc ấy đến cho người khác. Chúa không kết tội ai và cũng không muốn ai kết tội người anh em mình. Chúa tha thứ những lỗi lầm của ta và Ngài cũng muốn ta thứ tha tội lỗi của người khác. Công lý của Ngài là mời gọi chúng ta không những đi thêm một bước mà phải đi thêm bước nữa.
-Chị A hỏi thêm: Đạo công giáo chúng ta có dạy 10 điều răng. Vậy chúng ta siêng giữ như vậy là đủ?
-Cha Sĩ: Giữ luật Chúa là điều rất tốt. Nhưng cái khó là ở chỗ chúng ta có dám
nhận tội (cho dù mặc cảm tội lỗi cao hoặc cảm thấy không có tội gì cả) không?
Và chúng ta có thật sự muốn hòa giải với người anh em mình không?
-Chị B: Trong một gia đình, nếu vợ hoặc chồng đánh mất niềm tin và không chịu đi xưng tội nữa thì phải giải quyết những khúc mắc đó như thế nào?
-Cha Sĩ: Thật sự ra thì có nhiều liên hệ mà những khúc mắc thường nằm trong những liên hệ đó. Nhưng trước hết, người đó phải biết tự hòa giải với chính mình và sau đó phải hòa giải với người khác nữa. Người khác đó có thể là những người trong gia đình hoặc những người xung quanh, ngoài xã hội hay trong cộng đoàn.
-Anh C góp ý: Có nhiều người sau khi xưng tội xong vẫn còn thấy áy náy hoặc ray rức trong lòng chỉ vì mình đã không thật lòng với chính mình. Như các em thiếu nhi ở đây chẳng hạn, nếu anh chị để ý, khi xưng tội xong, em nào cũng cười toe toét và vui vẻ cả. Cho nên dù là người lớn hay trẻ em, nếu được tha tội thì đương nhiên tự mình sẽ thấy tâm hồn thoải mái hơn...
-Cha Sĩ: Có những tội mà khi bày tỏ xong, người ta cảm thấy được nhẹ nhõm, nhưng cũng có những tội không làm cho người ta yên tâm được vì nó liên quan đến vấn đề rối rắm, nhất là trong gia đình. Trong cuộc đời của con người, bất cứ ai cũng có ít nhiều rối rắm và không rối rắm nào giống nhau cả. Nếu như Chúa không hạ mình xuống thì sẽ không ai xứng đáng để được tha tội, rước lễ và nhận lãnh các bí tích; cũng như người cha nếu không cúi xuống bế con lên thí làm sao đứa bé biết cảm nhận được sự che chở trong vòng tay yêu thương của cha nó ? Tình trạng của con người phàm trần là thế. Tuy nhiên, chúng ta cũng còn có niềm hy vọng là được ban ơn cứu độ bởi Chúa, cho nên người lo lắng chính là Chúa chứ không phải là mình. Tất nhiên là trong nỗi khổ của chúng ta, nếu mình lo một thì Chúa sẽ lo tới mười. Không có Chúa, chúng ta không làm được gì cả.
-Chị D: Theo con nghĩ thì trong khi xưng tội, ngoài chức năng giải tội của vị Linh mục, còn có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần nữa.
-Cha Sĩ: Điều đó là chắc chắn vì từ khi Chúa Giêsu về trời, chúng ta đã luôn được sống trong sự hổ trợ của Chúa Thánh Thần. Do đó, tất cả những việc mình làm hay chuyện hội họp hôm nay đều có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Ngài muốn chúng ta mở lòng cộng tác với Ngài nhưng cũng muốn chúng ta có sự tự do lựa chọn chứ không bị bắt buộc. Một người có tội nhưng nhận ra tình yêu Thiên Chúa suy nghĩ khác với người có tội mà không nhận ra tình yêu Thiên Chúa.
-Chị Đ: Còn trường hợp có những người đã không xưng tội từ mấy chục năm nay thì sao, thưa Cha?
-Cha Sĩ: Trong vấn đề xưng tội, điều quan trọng là làm sao đi đến một cuộc gặp gỡ với Chúa. Nếu như ta cảm thấy không cần thiết thì phải tự xét mình lại xem mình có thật sự muốn gặp gỡ Chúa không ? Có người siêng năng xưng tội, khi không xưng tội được thì cảm thấy có sự thìếu thốn. Cũng có những người không xưng tội đều vì họ không thích, không hiểu hoặc cho đó là việc không quan trọng. Những người này cần được hướng dẫn và chỉ dạy lại vì thiếu gặp gỡ Chúa dần dần sẽ đưa đến thói quen xa Chúa.
-Anh E: Tôi có anh bạn đồng nghiệp làm việc chung với nhau đã gần 20 năm, hai người làm việc rất ăn khớp và hợp "rơ" đến nỗi đôi khi tôi có cảm tưởng như anh ta đoán được những suy nghĩ trong đầu của tôi trong công việc. Trường hợp của vợ chồng cũng vậy, gặp mặt nhau hàng ngày và sống với nhau đến mấy chục năm riết rồi hai khuôn mặt cũng phải có nét giống nhau thôi (Mọi người cười rộ)! Đối với Chúa cũng thế, không gặp Chúa thường xuyên đã đành lại còn bỏ việc xưng tội đến mấy chục năm nữa thì làm sao có thể nói là mình thương và muốn giống Chúa được!
-Cha Sĩ: Việc mình muốn xa Chúa là do mình quyết định, là tự gây thiệt hại cho chính mình thôi.
-Chị Đ: Theo con, những người có nhận thức thì mình dễ thuyết phục, còn những người không có nhận thức thì như "lục bình trôi", nói sao họ cũng mặc.
-Cha Sĩ: Đừng nên thất vọng về con người tại vì chính Thiên Chúa cũng không thất vọng về con người. Có những chuyện mà chỉ có giờ phút cuối Chúa mới mạc khải cho người đó. Niềm hy vọng của người Kitô Giáo được đặt ở chỗ đó.
-Chị Đ: Còn những người không chịu xưng tội vì họ cho là có những chuyện thầm kín không thể nói với Cha giải tội được thì sao?
-Cha Sĩ: Chịu xưng tội hay không là sự tự do của người đó và điều đó cần được tôn trọng. Nhưng đó không phải là lý do để tránh việc xưng tội vì ngay cả những chuyện thầm kín cũng có thể kể cho những người hoặc đối tượng mà mình muốn kể. Cần phải giải thích cho người đó hiểu rõ vai trò của Bí Tích Giải Tội. Tòa Giải Tội không phải là Tòa Án lương tâm mà là để thực hiện Bí Tích. Bí tích là có Thiên Chúa hiện diện, mà có Thiên Chúa hiện diện là có sự sống, tình yêu và sự tha thứ. Nếu không có Bí Tích thì không biến cải được ý thức hệ về tình yêu của người Kitô hữu. Mà không thực hiện được việc đó thì khó mà có những nhân chứng cho Tin Mừng.
Điều quan trọng mà Chúa muốn là chúng ta phải trưởng thành trong Đức Tin, tức là chúng ta phải sống trong Đức Kitô và để Đức Kitô sống trong chúng ta.
Ngay trong gia đình, cha mẹ cũng phải chuẩn bị hành trang Đức Tin cho con cái qua việc truyền giáo với cái nhìn phóng khoáng và cách giáo dục quảng đại để chúng có thể mạnh dạn đương đầu với cuộc sống của xã hội ngày càng tục hóa hôm nay. Làm thế nào để có thể duy trì và phát triển tinh thần Kitô Giáo trong thế kỷ 21 hiện đại này ? Đó chính là ưu tư hàng đầu của Giáo Hội. Truyền giáo, theo nghĩa của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, là phải đi ra ngoài băng bó các vết thương đau lòng của xã hội trước đã, lúc đó mới cảm nghiệm được giá trị của việc truyền giáo...
Trong những cặp vợ chồng tôi biết, suy nghĩ của đàn ông thường khác với suy nghĩ của đàn bà nhưng đó không phải là chuyện ngẫu nhiên. Và dầu gì đi nữa thì họ cũng vẫn có những điểm giống nhau vì nếu không thì họ sẽ không ở với nhau lâu được.
-Anh C: Tôi nghĩ một trong những việc thể hiện tình yêu mà vợ chồng có thể làm được cho nhau là khi người này làm việc gì thì nghĩ đến người kia. Chẳng hạn như... tôi thích uống rượu mà "Bà Xả" tôi không thích, tôi thương nghĩ đến bà ấy nên thay vì uống một chai thì...tôi uống nửa chai thôi (mọi người cùng cười)!
-Chị E: Chồng em thì...thương em lắm! Mỗi sáng, trước khi đi làm, anh ấy thường hay pha sẵn một ly cà-phê cho em. Mỗi lần như vậy, em cảm động...đậy lắm (cười)!
-Cha Sĩ: Và cách thể hiện sâu sắc nhất của người Kitô Giáo trong gia đình là cầu nguyện cho nhau để gặp gỡ Thiên Chúa và để Chúa Thánh Thần tác động. Nhiều gia đình khi dính vào chuyện bế tắc nhưng lại quên đi sự hiện diện của Thiên Chúa...
Phần trao đổi tuy còn hào hứng, rất
thích thú và say mê nhưng đã đến giờ bế mạc. Mọi người tạm ngưng, kết thúc bằng
kinh Đức Mẹ và chụp chung tấm hình lưu niệm trước khi chia tay ra về mà lòng
mừng vui phấn khởi vì đã sống một ngày tĩnh tâm thật sốt sắng và ý nghĩa.
Cảm ơn Cha Phaolô Ngô Đinh Sĩ đã giúp phần giảng thuyết mạch lạc và dễ hiểu.
Cảm ơn Giáo Sư Trần Văn Cảnh đã đồng hành và chia sẻ ý kiến.
Cảm ơn các anh chị nhóm Thư Viện đã đến góp ý.
Cảm ơn quý ông bà và anh chị có mặt đã giúp cho buổi tĩnh tâm thêm linh động.
Cảm ơn những anh chị vắng mặt đã hiệp thông cầu nguyện cho nhau.
Và cảm tạ Chúa đã hiện diện cũng như chúc lành mọi sự.
Paris, 10.05.2015
Nhóm Gia Đình Trẻ
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang