M |
ột buổi chiều mùa hè 2020, tôi tình cờ ghé vào trung tâm thương mại quận 13, Paris. Tôi lững thững bước lên tầng trên. Khung cảnh vắng tanh. Khi đó là mùa cao điểm dịch Covid. Các cửa hàng nằm trong không gian kín bị buộc phải đóng cửa. Rảo một vòng, tôi nhận ra một số cửa hàng đã không còn nữa: tiệm sách "Nam Á", tiệm tranh sơn mài "Kim Phượng", các cửa hàng bán băng dĩa nhạc Việt như "Thúy Nga", "Làng Văn". Tuy chỉ vài lần mua sách về cờ tướng và một số tuyển tập và băng dĩa "nhạc vàng" nhưng các tiệm này đã đem lại cho tôi một tình cảm quê hương ấm áp những năm đầu nơi xứ lạ quê người. Tôi cảm thấy trống vắng.
Vốn thích đọc sách, tôi đã tham gia nhóm Thư viện Giáo xứ từ khi giáo xứ dời về đường Épinettes, quận 17. Khi đó thư viện đã được thành lập khoảng 10 năm. Số lượng độc giả còn nhiều. Các anh chị em trong nhóm thay phiên nhau mở cửa thư viện mỗi ngày thứ Bảy và Chúa Nhật. Ngoài việc quản lý việc mượn sách, thư viện không ngừng bổ sung các sách mới qua việc mua thêm sách hoặc tiếp nhận các sách tặng. Việc này đòi hỏi khá nhiều công sức vì cần phải phân loại các sách mới, dán mã số thư viện để cho việc tìm kiếm được dễ dàng, sắp xếp lại kệ sách, nhập sách mới vào cơ sở dữ liệu của phần mềm quản lý, … Ngoài ra, với mong muốn duy trì văn hóa Việt Nam, nhóm thư viện và nhất là Cha Sách, Cha Dũng, tổ chức hằng năm ngày Văn hóa Thư viện với các đề tài rất phong phú về chữ quốc ngữ, các đóng góp của người Công giáo trong lịch sử phát triển văn hóa Việt Nam. Song song với đề tài văn hóa là chương trình văn nghệ với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ Việt Nam nổi tiếng ở Pháp.
Từ nhiều năm nay, thư viện Giáo xứ chỉ còn mở cửa ngày Chúa Nhật do ngày thứ Bảy phải nhường phòng làm lớp dạy tiếng Việt và giáo lý cho các em thiếu nhi. Tuy vậy, các anh chị em thư viện vẫn tích cực hoạt động. Một vài người không còn sinh hoạt thường xuyên nhưng nhóm luôn có thêm nhiều khuôn mặt mới, những người trẻ còn tha thiết với việc gìn giữ văn hóa Việt Nam. Sách mới vẫn đến thường xuyên. Ngày văn hóa vẫn được duy trì. Thư viện cũng tham gia làm hang đá mùa Giáng Sinh và nhiều lần được giải Nhất.
Sự phát triển của mạng Internet đã khiến cho việc tiếp cận các nguồn thông tin và giải trí bằng tiếng Việt trở nên dễ dàng. Từ từ, độc giả tới thư viện thưa dần. Họ có thể ở nhà hoặc ngồi trong xe xem những gì họ muốn trên chiếc máy điện thoại di động. Có điều đọc truyện trên một màn ảnh nhỏ bé không thể đem lại cảm giác thú vị như khi cầm một cuốn sách trên tay. Nó giống như coi một trận bóng đá trên điện thoại thì sẽ không thể có được bầu không khí hào hứng của thế hệ đã từng lớn lên với chiếc máy truyền hình. Hay nghe chương trình "Hát cùng Bolêrô" với chất lượng âm thanh tồi tệ của điện thoại "thông minh" thì quả là không thể sánh được với các dàn hi-fi quen thuộc của lớp người tỵ nạn đầu tiên ở hải ngoại.
Vì vậy, nhóm Thư viện Giáo xứ tha thiết kêu gọi các ông bà, anh chị em hãy đến tìm đọc sách của thư viện. Các ông bà lớn tuổi, tuy chắc đã đọc khá nhiều sách của thư viện, nhưng thư viện vẫn còn rất nhiều sách khác đủ mọi thể loại. Nếu một số các ông bà đang nghỉ hưu thì đây sẽ là dịp các ông bà có thể an nhàn đọc sách, vui hưởng tuổi già, tránh sự buồn tẻ, đơn điệu của cuộc sống về chiều. Đối với những bạn qua Pháp lúc còn nhỏ hoặc những bạn qua Pháp du học sau này, các bạn có thể tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam bởi văn hóa Việt Nam bây giờ rất khác văn hóa thời cha mẹ, ông bà của các bạn. Các bạn sẽ có những khám phá thú vị mà các bạn chưa bao giờ trải qua. Cuối cùng, đối với các em sinh ra ở Pháp, các em có thể trau dồi thêm tiếng Việt nếu như các em muốn chính con của mình nói tiếng "từ thuở nằm nôi". Sách thư viện Giáo xứ cũng giúp các em hiểu biết nhiều hơn về mảnh đất nơi cha mẹ các em đã ra đời và lớn lên. Và chính các em sẽ là những người duy trì văn hóa Việt Nam cho các thế hệ người Việt ở hải ngoại sau này. Tương lai của nền văn hóa này đang nằm trong tay các em.
Trải qua hơn 4 ngàn năm lịch sử, văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa vô cùng phong phú. Tuy chữ viết (chữ Nôm và sau này là chữ quốc ngữ) ra đời khá muộn nhưng số lượng sách tiếng Việt phải nói là rất lớn lao, nhất là ở miền Nam Việt Nam. Rất nhiều tác phẩm văn học, lịch sử, khảo cứu, âm nhạc đã ra đời. Chiến tranh ở Việt Nam cũng là một đề tài muôn thuở của các tác phẩm đó. Tuy một số sách đã bị đốt sau năm 1975 nhưng phần đông vẫn tồn tại hoặc được in lại. Hiện thư viện Giáo xứ còn giữ khá đầy đủ các sách đó. Trong đó có những sách được sắp vào loại quý hiếm.
Với hơn 11 ngàn tựa sách thuộc 15 thể loại khác nhau, thư viện Giáo xứ chắc chắn sẽ đáp ứng hầu hết các nhu cầu, sở thích của người đọc. Có thể nói đây là một kho tàng quý báu về văn hóa Việt Nam. Nếu vì một lý do nào đó, thư viện Giáo xứ không còn hoạt động nữa thì đó quả là một sự mất mát to lớn. Nhiều khi chúng ta chỉ nhận ra giá trị của một vật nào đó khi nó không còn nữa. Và khi ấy, chắc hẳn các bạn sẽ cảm thấy một nỗi buồn trống vắng, như tâm trạng của người viết bài này vào một buổi chiều hè cách đây 4 năm.
Nhóm Thư viện Giáo xứ
Bài viết khác
Lịch Trình Khoá Giáo Lý Hôn Nhân tại Giáo Xứ
Thư mời Ngày Tĩnh Tâm 07-09-2024 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Hình : Rước Kiệu và Thánh Lễ Mừng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Hai Ngày Gặp Gỡ của Nhóm Gia Đình Louis-Zélie 6-7/07/2024
Hình : Hai ngày Kermesse 19-20/05/2024 của Giáo Xứ
Kết Quả xổ số Tombola ngày Thân Hữu Giáo xứ 19/05/2024
Hình : Những đóa hoa dâng Mẹ trong tháng Năm - Giáo Xứ VN Paris
Vidéo : Những đóa hoa dâng Mẹ trong tháng Năm - Giáo Xứ VN Paris
Vidéo : Diễn Nguyện 14 Đàng Thánh Giá Và Thánh Lễ Lá - Chúa Nhật 24/03/2024 - Huy Quyên
Hình : Thánh Lễ Lá tại Giáo Xứ - Chúa nhật 24/03/2024 - Ngọc Huy
Vidéo : Hai bài Chia Sẻ Tĩnh Tâm Mùa Chay 2024 với Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải - Chúa nhật 10/03/2024
Hình : Ngày Giáo Xứ Tĩnh Tâm Mùa Chay 2024 - Chúa nhật 10/03/2024
Tết Cao Niên Cảm Tạ - Một Người Tham Dự
Vidéo & Hình : Tiệc Tết Cao Niên Giáp Thìn - Giáo Xứ Việt Nam Paris - 03/03/2024
Lịch trình Giáo Lý Hôn Nhân Năm 2024 - Ban Mục Vụ Hôn Nhân
Hình : Tiệc Tết Giáp Thìn Giáo Xứ Việt Nam Paris - 28/01/2024
Tiệc Tết Giáp Thìn 2024 ngày 28/01/- Giáo Xứ Việt Nam Paris
Hình : Lễ Gia Đình Louis&Zelie và Trao Phép Lành Toà Thánh ngày 31/12/2023