Tiền Rổ
ùa hè nhà thờ vắng
tanh, giờ lễ liếc mắt một vòng đếm được vài chục giáo dân già sói trán, bên
trong nhà thờ bỗng trở nên thênh thang như vương cung thánh đường Sàigòn. Ngồi hàng ghế cuối
nhìn sang cánh trái, cánh phải nhà thờ, khoảng chục người, nhờ tay đờn Orgue
lão luyện và bà ca sĩ của tôi chọn nhạc hay nên tuy giáo đường thưa vắng thánh
lễ vẫn hào hứng không kém gì lễ giới trẻ. |
Tôi đặt cho bà
biệt danh ca sĩ vì bà có giọng soprano cao vút so với những vị dẫn lễ khác, nay
họ đang nghỉ hè nên bà độc quyền dẫn lễ suốt tháng tám.
Để bù lỗ cho cảnh
điều hiu chiều thứ bảy nắng đẹp nhưng vắng khách ghé nhà Chúa, cha Tây thay thế
cha chánh xứ đã lôi cuốn giáo dân với cách thuyết giảng, nhanh gọn mà hay.
Chiều nay hai đứa
tôi đến sớm, vừa bước vào nhà thờ, ông Từ cười cười bắt thân, ông bà có thể xin
« tiền rổ » giúp tôi được không ?
Tôi nhanh nhẩu,
còn gì hay bằng, khi nào cần ông cứ bảo.
Tôi ôm hai cái rổ
vào ghế ngồi, chàng nói nhỏ, mẹ nó lanh chanh, mùa này vắng người ông Từ mới
nhờ đến mình, ngày thường, cái mục xin tiền đốt đèn dâng lễ đã có danh sách sẳn
cả năm, đợi gì đến mẹ nó.
Tôi đùa, ậy lúc
vắng người mình mới có cơ hội góp một tay lấy le.
Chàng lườm, đến
cửa thiền mà còn sân si, tôi cười không trả lời vì cha bắt đầu thánh lễ.
Bà ca sĩ cất giọng
oanh vàng vang dội tận ngoài sân, nhạc bà chọn ai hát cũng được, dòng nhạc quen
thuộc, giáo dân hát bè chính, thỉnh thoảng cha hát bè phụ, nghe ngon lành như
một ca đoàn giả chiến.
Nhạc phụng vụ bà
chọn mang âm điệu du dương, dễ hát như bài « Allume un feu d’amour » (Hãy nhóm
ngọn lửa yêu thương…, xin tha thứ những lúc con thiếu đức tin… ), bài hát cho
kinh Ăn Năng Tội, thay vì giáo dân phải đọc « Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa … »
thấy mình tội lỗi vô bờ bến.
Nghe tôi tâm sự như rứa, chàng trợn mắt, sao lại không thú tội, ai chả có tội dù cố ý hay sơ xuất.
Chính xác, bố nói
không ngoa, nhưng đến với Chúa mà mang mặc cảm tội lỗi nó nặng nề làm sao ấy,
thà cứ tự nhiên thì thầm, con đây tội lỗi đầy mình, nhưng con biết Chúa bao
dung, con xin chừa, và xin Chúa giúp sức để con luôn nghĩ đến Chúa trước khi ra
tay làm điều sai phạm.
Hôm nay phúc âm
nhắc đến vụ « Đến trước về sau … », cha giải thích, nói xa nói gần cũng chỉ là
cái Đức Khiêm Nhường, vào bàn tiệc chớ vội cho mình là nhân vật quan trọng mà
ngồi vào chỗ không phải của mình, cứ khiêm tốn mà sống, vàng thau làm sao lẫn
lộn được.
Trong công tác
phụng vụ, mỗi người làm một việc, đừng tị việc lớn hay việc nhỏ, vì đối với
Chúa việc mà ta cho là lớn lao có khi chỉ là nhỏ nhoi, vì lúc đó ta làm để phô
trương, để lấy oai, chứ không làm vì anh em, vì danh Chúa.
Cha giảng làm tôi
suy tư, cái vụ xin tiền rổ này coi vậy mà có lắm người phải ghi tên từ trước,
rồi đến những công việc phục vụ thánh lễ cũng phải xếp hành chờ đợi.
Dĩ nhiên ban phụng
vụ phải lên danh sách trước cả tháng cho mỗi thánh lễ, nhưng như cha vừa giảng,
mình đừng lấy việc phục vụ thánh lễ mà cho mình lên một đẳng cấp cao sang hơn
giáo dân ngồi bên dưới nhà thờ, có khi "ngày sau cùng" họ lại vào cửa thiên
đàng trước mình đấy.
Hú hồn, tôi vừa
thoát cái « nhỏ nhoi » của trần gian, mới cầm rổ xin tiền đã thấy le lói, thật
là vớ vẫn .
Trở lại tiền rổ,
mùa hè vắng vẻ, giáo dân đa số người lớn tuổi thường rút tiền giấy bỏ vào rổ,
coi như bù lỗ cho mấy người đi chơi vắng mặt, tôi cũng không ngoại lệ và hy
vọng mùa nào mặc kệ, mỗi tuần cho tiền vào rổ một lần, đưa mấy đồng kim loại
làm sao nặng bằng tiền giấy, dĩ nhiên là tùy lòng hảo tâm của mỗi người.
Theo phong cách
Tây, các vị xin tiền chìa cái rổ tận mặt giáo dân, đưa sải tay rổ cũng đi được
phân nửa hàng ghế, thế là họ phải quay trở lại đầu bên kia làm một tua mới xong
việc.
Tôi làm theo kiểu
Việt Nam, đưa rổ cho người ngồi bìa và nhờ họ chuyển đi hết hàng ghế rồi quẹo
xuống ghế bên dưới, mình chỉ đi theo đến hàng ghế cuối và thu hồi rổ tiền.
Bữa ni công thức
mới của tôi làm ông tây bà đầm ngạc nhiên, ông cụ quen mặt chúng tôi gần hai
mươi năm nay khen tôi "giỏi" khi tôi đi ngang qua ghế ông ngồi.
Tôi nhủ thầm, tía
ơi dân chạy giặc tụi con mà chậm chân như tiá chắc là đói meo ruột, nhưng chợt
nghĩ lại, nhờ Chúa soi sáng chứ chắc gì mình "giỏi một mình ên".
Kết lễ hôm nay bà
ca sĩ chọn bài "Un monde meilleur", nội dung nói đến ngày mà ai trong chúng
ta cũng sẽ gặp, "Một ngày mùa xuân đen hay trắng, tay trong tay chúng ta trở
về với Chúa… ".
Lời của bài hát
này luôn thu hút tôi, vâng cái chết không là điều đáng sợ, vì chúng ta rồi sẽ
trở về cát bụi, "và ai trong chúng ta sẽ là người tìm thấy một thế giới tuyệt
vời ….", vì thế gian này chỉ là cõi tạm mà thôi.
Bài thánh ca theo
tôi về đến tận nhà, ở tuổi này, nói văn chương hoa lá cành là "chiều hôm tối
rồi", còn gì để mơ nếu không là những ngày được sống êm đềm trong tình thương
yêu của Chúa.
Nhớ mùa hè năm
ngoái, cha trẻ ở thị xã miền Nam xứ Tây nhắn nhủ giáo dân, mùa này quý vị cứ
vui chơi, tạm quên công ăn việc làm, không cần vội vã, sống chậm lại để thấy
lúc nào Chúa cũng đồng hành với ta và đó là một may mắn lớn trong đời làm con
Thiên Chúa.
Hình như cái rổ
xin tiền của tôi lúc nảy chạy hơi nhanh, nhưng không sót một ai, cha ở dưới
miền Nam dặn "chậm mà chắc", tôi chạy nhanh nhưng không sót.
Biết làm răng bi
chừ, cha mẹ sinh con, xứ Việt sinh thế hệ chạy giặc chúng ta ăn nhờ ở đậu nên
phải biết phận mà chạy theo cơm áo gạo tiền, nhưng không quên chạy về bên Chúa
dù đói hay no.
Juil.2016 / Đoàn Thị
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang