THI SĨ
VÂN UYÊN NGUYỄN VĂN ÁI
Thi sĩ Vân Uyên Nguyễn
Văn Ái là người đã sinh hoạt lâu năm trong Hội Ba Lê Thi
Xã, Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris và Giáo Xứ Việt Nam Paris.
Ông đã được Chúa gọi về ngày thứ hai 31.08.2015 tại
Paris. Nhân dịp lễ các đẳng tháng 11-2016, tưởng nhớ đến những người đã được
Chúa gọi về nước Ngài, xin cập nhật lại những kỷ niệm rất đẹp dịp sinh nhật
thượng thọ cửu tuần của thi sĩ Vân Uyên vào ngày 07 tháng 02 năm 2010 và một
tưởng niệm rất trân quí về những đóng góp của ông trong việc xây dựng và phát
triển Giáo Xứ Việt Nam Paris. Năm bài sẽ được cập nhật :
1.
Vân Uyên là ai ?
2.
Duyên tình nào đã khiến Vân Uyên làm
thơ ?
3.
Thơ của Vân Uyên viết về gì ?
4.
Lễ Tạ ơn mừng thượng thọ 90 thi sĩ Vân
Uyên
5.
Giáo xứ Việt Nam Paris dâng lễ tiễn chân
ghi ơn Bs Maurice Nguyễn Văn Ái
Paris, ngày 10 tháng 11 năm 2016
Thanh Hương Trần Văn Cảnh
I.
VÂN UYÊN
LÀ AI ?
Bác sĩ Nguyễn Văn Ái
là người của chính trị, xã hội Việt Nam. Thi sĩ Vân Uyên là người của văn học
công giáo Việt Nam. Nhưng cũng chính sinh viên y khoa và bác sĩ trẻ Nguyễn văn
Ái đã góp phần thành lập và là một trong ba chủ tịch Liên Đoàn Sinh Viên Công
Giáo Việt Nam tại Pháp, tiền thân của giáo xứ vào những năm 40. Và cũng chính
Bác sĩ Nguyễn Văn Ái và thi sĩ Vân Uyên đã góp phần thành lập và phát triển hai
nhóm mục vụ : nhóm Mục Vụ Gia Đình năm 1995 và nhóm Mục Vụ Tu thư năm
1997. Là một giáo dân của giáo xứ, tôi nghĩ rằng Giáo xứ rất hãnh diện và biết
ơn Bác sĩ Nguyễn Văn Ái và thi sĩ Vân Uyên.
Sáng nay đi lễ, tôi gặp
Đức Ông Mai Đức Vinh và cha Đinh Đồng Thượng Sách. Cả hai đều cho tôi hay rằng
đã biên thơ « chúc mừng Thượng thọ 90 tuổi của bác si Nguyễn Văn
Ái ». Riêng Đức Ông Mai Đức Vinh còn đề nghị tôi viết vài bài để chúc
mừng. Tôi thưa với ngài rằng : « Dạ, con đã có chủ ý ». Như
vậy, để chúc mừng lễ thượng thọ 90 của thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái, ngày
07/02/2010 sắp tới, tôi xin được bày tỏ đôi điều mà tôi biết vể Bác sĩ Nguyễn
Văn Ái và thi sĩ Vân Uyên.
11. Bác sĩ NGUYỄN VĂN ÁI là người quen biết
Theo lời mời của cha
Mai Đức Vinh, từ năm 1980 tôi đến Giáo xứ Paris giúp ngài lập nhón Thần Học
Giáo Dân. Ở đây từ đó đến nay, qua 30 năm, tôi có cái may mắn được gặp và làm
việc với một số người nhiều tài năng và nhiệt tình, trong đó có bác sĩ Nguyễn
Văn Ái, tên thật của thi sĩ Vân Uyên. Cùng làm việc với nhau, từ 1995 đến 2000,
trong Ban Mục Vụ Hôn Nhân và Gia Đình của giáo xứ, mà Bs Ái làm trưởng ban và
tôi làm thư ký, chúng tôi gặp nhau ít nhất mỗi năm 4 lần. Lần nào tôi cũng được
Vân Uyên đọc cho nghe những bài thơ mà ông mới sáng tác. Hoặc do tự ý ông đọc
ra, hoặc do tôi gợi ra bằng cách đọc bài thơ ông mới đăng trong báo giáo xứ.
Trước thơ của Vân Uyên và trước mặt Vân Uyên, tôi thấy mình như rất tự do, cứ
nghĩ gì nói nấy, không e ngại, không sợ làm xúc phạm nếu phải nói ra điều mình
không hay chưa bằng lòng, chưa cảm nghiệm được, cũng chẳng sợ gì khi mình thích
thú, cảm nhận được một hình ảnh, một tâm tư, một ý tưởng. Và tôi vẫn phản ứng
như vậy, trong suốt nhiều năm, không hề thay đổi. Cũng may, là dường như Vân
Uyên cũng thích thú về những phản ứng tự nhiên, đôi khi ngây ngô, nhưng luôn
luôn thành thực của tôi. Đó là nguồn tài liệu thứ nhất, tài liệu sống, khiến
tôi biết về thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái.
Năm 1997, một ban mục
vụ mới về văn hóa được thành lập. Đó là Ban Tu Thư, để chuẩn bị viết cuốn « Kỷ
Yếu 50 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam tại Paris, 1947-1997 ». Bốn người
chủ chốt là cha Vinh, Bác sĩ Ái, Ông Nha và tôi. Viết hai bài về «Hội Đồng Mục
Vụ trong lịch sử của GXVN Paris » và về « Tương quan của GXVN Paris
với các thẩm cấp và cộng đoàn công giáo khác », tôi có dịp tra cứu những
tài liệu thời thành lập giáo xứ vào những năm 40, và đặc biệt thỉnh thoảng được
trao đổi với Bs Ái về những việc ông làm thời đó. Tôi khám phá ra rằng sinh
viên y khoa Nguyễn Văn Ái đã là một trong ba chánh hội trưởng Liên Đoàn Công
Giáo Việt Nam tại Pháp, tiền thân của giáo xứ, trong những năm 1946-1953. Ông
Trần Hữu Phương 1946-1949, Ông Nguyễn Văn Ái, 1949-1952, ông Trần Ngọc Oành
1952-1953.
Hình ảnh rất đẹp mà
tôi có về một thi sĩ đàn anh, là Vân Uyên, lại đẹp hơn, khi ngày 09/02/1998,
tôi nhận được một quà tặng do Vân Uyên gởi. Đó là hai tập thơ của Vân Uyên. Tập
một : Mấy vần lưu niệm ; Paris, 1996, 32 trang. Và Tập
hai : Tình thơ ; Paris, 1997, 66 trang. Ngay trang bìa, tác
giả ghi những dòng sau : « Bản
riêng tặng anh chị Trần Văn Cảnh trong tình thân hữu Ban Giảng Huấn Lớp Đự Bị
Hôn Nhân tại Giáo Xứ Việt Nam Paris. Paris, 09/02/1998. Nguyễn Văn Ái ». Năm
1999 một tập thơ mới của Vân Uyên đã được xuất bản. Đó là tập thơ thứ ba của
Vân Uyên « Duyên kiếp
Thiên tình », Paris
1999. Năm 2011, một tuyển tập thơ của Vân Uyên dưới đầu đề « Nghĩa nợ
tình » được Giáo Xứ Việt Nam Paris xuất bản. Đó là tập thơ thứ tư của Vân
Uyên. Bốn tập thơ này là nguồn tài liệu thứ hai giúp tôi biết về thi sĩ Vân
Uyên Nguyễn Văn Ái.
Năm 2007, kỷ niệm 60
năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam Paris, 1947-2007, viết một loạt bài về giáo xứ,
tôi có dịp tìm kiếm những tài liệu về giáo xứ. Trong những tài liệu này, tình
cờ, tôi đọc được một số bài của thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái. Loại thứ nhất là
báo giáo xứ. Ở đây, đặc biệt trong những năm 90, có nhiều bài của Vân Uyên,
nhất là thơ. Loại thứ hai là những tài liệu sinh hoạt riêng rẽ còn sót lại. Ở
đây, trong những năm 40, người ta tìm được một vài bài thuyết trình của (sinh
viên y khoa) Nguyễn Văn Ái. Loại thứ ba là những tập sách do Ban Tu Thư Giáo Xứ
biên soạn trong những năm chín mươi hai ngàn. Ở đây, người ta đọc được những
luận văn nghiên cứu của bác sĩ Nguyễn Văn Ái.
Năm 2008, làm chủ bút
phát hành tờ báo điện tử « Bản Tin Dũng Lạc », sau số 1, tháng giêng
2008, ra mắt, giới thiệu đường hướng tổng quát về Văn Hóa và Đức Tin, số hai,
tháng hai 2008, nhân ngày họp mặt của nhóm « Đồng Xanh Thơ », chúng
tôi đã làm một số đặc biệt về chủ đề « Ngày họp mặt ĐỒNG XANH THƠ ».
Từ đó, tôi khám phá một nguồn tư liệu phong phú về thơ công giáo trên mạng lưới
Dũng Lạc, trong đó có thơ của Vân Uyên.
(http://www.dunglac.org/index.php?m=search&v=news&kw=v%C3%A2n+uy%C3%AAn&sin=2&sch=0).
Năm 2009, xuân mới
đến, trong một cuối tuần nhàn, tình cờ tôi đọc lại hai tập thơ của Vân Uyên
« Mấy vần lưu niệm » 1996 và « Tình Thơ », 1997. Trong
những trang thơ của Vân Uyên, ở trang 25, 26 và 27, của tập « Mấy vần lưu
niệm », bên cạnh ba bài thơ « Tình thơ », « Thơ tình »
và « Tình và thơ », tôi đọc được và nhớ lại hai ghi chú mà tôi đã ghi
ở bên : Hai lý do khiến Vân Uyên làm thơ là « Lời thơ hoan nở nụ tình thâm » và
« Thi thanh thánh thót lưu truyền
kiếp ». Tôi liền đọc một chặp hết hai tập thơ. Tôi khám phá ra nội
dung thơ Vân Uyên xoay quanh trọng tâm chữ « tình » : « Thơ Tình, như xác với hồn, Thi thanh Tình
nhập, Thơ còn hồn thơ ». Tôi khám phá ra năm chủ đề, cũng là năm giai
đoạn cảm nhận chữ tình là « Tình ái », « Thiên tình »,
« Tình gia đình », « Tình bạn bè » và « Tình
người ». Tự nhiên, tôi muốn hiểu biết hơn về Vân Uyên, muốn tìm hiểu, giới
thiệu ông và phổ biến thơ của ông với các bạn bè, văn hữu xa gần. Ý định này
khiến tôi đã đề nghị Vân Uyên trao đổi và trả lời một số câu hỏi mà tôi đã gởi
cho ông. Vân Uyên đã nhận lời và đã trả lời một số câu hỏi của tôi qua điện thư
với đầu đề : « Vân Uyên Nguyễn Văn Ái trả lời Gs
Trần Văn Cảnh, ngày 05-09-2009 ».
Năm 2010, đầu năm,
nhận được một thư của các con cháu của BS Nguyễn Văn Ái, mời dự lễ thượng thọ
90 tuổi của ông, 07/02/1920 – 07/02/2010, ý tưởng tiếp tục viết về « Thi
sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái » lại hiện ra. Về những chủ đề nghiên cứu, như
về « Giáo dục con cái », « Văn hóa gia đình », « Giáo
xứ Việt Nam », « Thừa sai Hải ngoại Paris », « Lịch sử
truyền giáo Việt Nam »,… tôi hay viết theo một chương trình rõ rệt, định
trước. Về « Thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái », để cho sự chân thành
được hoàn hảo, tôi có ý tưởng sẽ viết theo hứng : thích gì viết nấy, không
nhất thiết phải theo một chương trình định trước, cũng không nhất định theo một
định kỳ sáng tác và phổ biến nào. Chung chung, dựa vào sáu nguồn tài liệu vừa
giới thiệu trên đây mà tôi có về Vân Uyên, những bài viết này sẽ xoay quanh
« thơ » và « con người ». Đó là lý do khiến tôi đã đặt cho
loạt bài này cái tên chung là « Thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái ». Chúng
ta hãy cùng nhau đi thăm Vân Uyên.
12. Chúng ta đi thăm VÂN UYÊN
Chúng ta đi thăm Vân
Uyên, trước là để chúc mừng thượng thọ 95 của ông, vấn an ông và sau là để hầu
chuyện với ông về bút hiệu « Vân Uyên » của ông. Vân Uyên là
ai ? Bút hiệu Vân Uyên có ý nghĩa gì ?
121. Vân Uyên là ai ?
Vân Uyên là bút hiệu
của bác sĩ Nguyển Văn Ái, sinh ngày 07/02/1920, mà vài ba tuần lễ nữa, chúng ta
sẽ chúc mừng THƯỢNG THỌ 90 tuổi của ông. Trong bài « Vân Uyên Nguyễn Văn
Ái trả lời gs Trần Văn Cảnh, ngày 05-09-2009 », viết về tiểu sử của mình,
bác sĩ Nguyễn Văn Ái đã chỉ muốn tóm tắt qua mấy dữ kiện chính yếu sau đây.
Bút hiệu
: VÂN UYÊN
Tên họ
: Nguyễn Văn Aí
Sinh quán : Hà-Nội ( Việt Nam ) 1920
Định cư
: Paris ( France) từ 1983
Trước
1975 :
Giáo sư Y khoa Đại học Saigon
Viện trưởng Viện Pasteur Việt Nam
Tổng Thư Ký Hội đồng Quốc gia Khảo cứu Khoa
học
Chuyên viên Tổ chức Y tế Quốc tế
Đại diện VNCH trong Chương trình Y Tế ASEAN
Từng làm Quốc vụ Khanh không giữ Bộ nào .
Hoạt động Xã hội :
Chủ tịch Phong trào Trí thức Công giáo Pax
Romana Việt Nam
Chủ tịch
Hội Y Học Việt Nam
Văn thơ :
Tác giả cuốn « Khoa học và Đức tin , giới
thiệu tư tưởng Teilhard de
Chardin » Kim Lai Ấn Quán xuất bản Saigon 1965 .
Ba tập thơ :
Những vần lưu niệm , Paris 1996
Tình thơ , Paris 1997
Duyên kiếp Thiên tình , Paris 1999
Nghĩa nợ tình, Paris : Giáo xứ Việt
nam ; 2011, 118 tr.
Học tập cải tạo :
trại
Long Thành , 1975
trại
Thủ Đức , 1975-1976
trại Hà Sơn Bình ( Bắc Việt , 1976-1979 ).
Huy Chương Vàng Toà Thánh ( Vatican
1997 ) .
Thực ra bản tóm tắt
tiểu sử này quá vắn. Bác sĩ Nguyễn Văn Ái đã không đề cập gì đến những việc ông
đã làm ở Giáo xứ Việt Nam Paris. Nhất là việc ông đã tham dự thành lập giáo xứ,
qua việc tham dự trực tiếp vào việc thành lập Liên đoàn Công giáo Việt nam tại
Pháp. Ông đã làm chủ tịch Liên đoàn trong nhiệm kỳ 1949-1952, với cha Trần Văn
Hiến Minh là tuyên úy. Ông cũng
không nói gì đến những việc ông đã góp phần xây dựng Giáo Xứ qua các sinh hoạt
mục vụ mà ông tham dự, trong những năm 90, như trưởng ban (sáng lập) mục vụ Hôn
nhân gia đình, thành viên (sáng lập) mục vụ văn hóa,… Khi có dịp, chúng ta sẽ
trở lại vấn đề này.
122. Bút hiệu Vân Uyên có ý nghĩa gì ?
Cũng trong bài « Vân Uyên Nguyễn Văn Ái
trả lời gs Trần Văn Cảnh, ngày 05-09-2009 », bác sĩ Nguyễn Văn Ái đã giải
thích về bút hiệu Vân Uyên của mình như sau :
Bút hiệu Vân Uyên ký dưới những bài viết trong
Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris ít ai để ý tới. Nhưng từ khi viết thơ, một số độc
giả tò mò muốn biết Vân Uyên là ai. Khi đã biết họ ngạc nhiên vì đọc thơ họ vẫn
tưởng tác giả là một nữ thi sĩ đa cảm. Đây cũng là một điểm nên lưu ý. Độc giả
thường thích đọc thơ hơn những bài văn. Những ý thơ cô đọng trong vần điệu hình
như dễ thu hút sự chú ý của người đọc.
Vân nghĩa là mây. Uyên có nghĩa là yêu. Vân
Uyên có thể hiểu là Tình yêu trên Trời.
Có hai người gửi tặng Vân Uyên hai cây triện
chữ nho để đóng dấu đỏ trên các bài thơ gửi các báo ở Mỹ và Canada. Cây triện
khắc ở Việt Nam chữ Vân khắc đúng. Còn chữ Uyên khắc thành chữ Uyển có nghĩa là
vườn hoa. Các bạn thâm nho khuyên dùng cái triện này cũng có ý nghĩa ví những
bài thơ như những bông hoa trong vườn hoa ở trên mây. Cây triện khắc ở Trung
Hoa chữ Vân không có chi thay đổi. Nhưng chữ Uyên khắc có thêm nét thành có
nghĩa là con chim uyên. Chim uyên thường sống có đôi (uyên ương). Vân Uyên có
thể hiểu là con chim uyên nay sống một mình ở trên mây.
Thật ra bút hiệu Vân Uyên được chọn dễ dàng
hơn nhiều. Cũng như Bs.TrầnVăn Bảng lấy bút hiệu Bằng Vân chỉ là đổi ngược Văn
Bảng thành Bằng Vân. Cũng như vậy, Vân Uyên là đổi Văn Áí thành Vân Uyên .
Vân Uyên còn có một bút hiệu khác là Quốc Như
nhưng nay không còn dùng nữa. Bút hiệu này do ông thầy dạy chữ nho đặt cho từ
câu : ‘’ Ái quốc như gia’’ . Những bài viết trong thời kỳ sinh viên được
ký dưới bút hiệu này.
Ba ý nghĩa mà bác sĩ
Nguyễn văn Ái đã giải thích về bút hiệu VÂN UYÊN của mình có một dấu chứng tiền định và thiên định về cuộc đời của ông.
Xuất thân là một bác sĩ, sau khi đã tham dự và thực hiện nhiều công việc giáo
dục, văn hóa, xã hội, chính trị, … ông đã “đảo ngược” cuộc đời từ năm 78 tuổi :
bỏ cuộc đời “Kinh bang tế thế” của bác sĩ Nguyễn Văn Ái, để theo duyên “Tình
thơ” của thi sĩ Vân Uyên. Từ nay, năm ông 78 tuổi, tức là năm 1998, sau khi
người bạn đời đã ra đi được hai năm, ông sẽ chỉ là Vân Uyên, nghĩa là “con chim
uyên nay sống một mình ở trên mây ». Và là “Tình yêu trên Trời”.
Từ nay, THƠ là lẽ sống
chính yếu của Vân Uyên. Và TÌNH là trọng tâm của thơ Vân Uyên. Bài thơ “Lời
Tình”, sáng tác ngày lễ Các Thánh 01/11/1996, phản ánh sâu đậm âm hưởng của
“Ngôi Lời” trong phúc âm Gioan (Jn I, 1-18). Vân Uyên đã khởi đầu mô tả Thơ
theo một tiếp cận rất hữu thể học (ontologique). Thơ chẳng những là “bóng là
thanh”, mà còn “tạo thể gây hình dương âm”. Thơ “hiển hiện tình”. “Thơ, Tình
như xác với hồn”. Từ một tiếp cận siêu hình hữu thể học, Vân Uyên đã bắt chước
Gioan, tiến sang một tiếp cận huyền nhiệm. Thơ là như « linh khí »
hiện hình « thổi về », giải thích được một cách thần thánh huyền
nhiệm tình yêu « phu thê kiếp người ». Thơ như vậy chính « là Lời,
là Tình », đưa ta linh cảm được “Ngôi Lời Thần Ngôn”. Khi có dịp, chúng ta
sẽ trở lại bài thơ này để phân tích kỹ hơn về khía cạnh siêu hình hữu thể và
khía cạnh ý nghĩa huyền nhiệm của Thơ và Tình của Vân Uyên. Bây giờ, chúng ta
hãy đọc và khai vị thưởng thức bài thơ.
LỜI TÌNH
Tình nguyên thủy vô thanh vô bóng,
Thơ thành lời là bóng là thanh.
Lời thơ linh động ẩn tình,
Duyên thần tạo thể gây hình dương âm.
Thơ hiển hiện tình tâm thầm lặng,
Chốn U linh văng vẳng thần ngôn.
Thơ, Tình, như xác với hồn,
Thi Thanh tình nhập thơ còn hồn thơ.
Phân nhất thể chia giờ biệt tử,
Nương hồn tình ngôn ngữ thần thi
Nhập thơ linh khí thổi về
Huyền sinh thần giải phu thê kiếp người
Âm dương sinh tử lứa đôi
Lời tình linh cảm Ngôi Lời Thần Ngôn
Vân Uyên là tình yêu
trên Trời. Từ ngày đổi đời, lầy
bút hiệu Vân Uyên làm thơ, THƠ là lẽ sống chính yếu của Vân Uyên và TÌNH là trọng
tâm của thơ Vân Uyên. Nhưng duyên tình nào đã khiến Vân Uyên làm thơ? Đó là đề
tài chúng ta sẽ khám phá với Vân Uyên và qua thơ Vân Uyên.
Paris, ngày 24 tháng
01 năm 2010
Cập nhật ngày 10 tháng
11 năm 2016
Thanh Hương Trần Văn Cảnh
II. DUY ÊN
TÌNH NÀO ĐÃ KHIẾN
VÂN UYÊN LÀM THƠ ?
Vân Uyên, bút hiệu của Bác sĩ Nguyễn Văn Ái, có nghĩa là tình yêu trên Trời. Từ ngày đổi đời, lầy bút hiệu Vân Uyên làm thơ, THƠ là lẽ sống chính yếu của Vân Uyên và TÌNH là nội dung của thơ Vân Uyên. Nhưng duyên tình nào đã khiến Vân Uyên làm thơ? Theo lời kể và qua thơ Vân Uyên, bốn duyên tình đã đưa ông làm thơ.
Lm Đinh Đồng Thượng Sách, Thi sĩ Vân Uyên, Gs Trần Văn Cảnh
21. Trong một cuộc nói truyện vào khoảng cuối
năm 1996, trong khóa chuẩn bị hôn nhân, Vân Uyên đọc cho tôi nghe bài thơ đầu
tiên của ông. Sau này, trong một điện thơ, ông kể cho tôi nghe rằng : « Bài thơ đầu tay của Vân Uyên là
bài : ‘’Chim Khuyên’’ đăng trong báo Giáo Xứ Việt Nam Paris ( số 125 ,
tháng 06 . 1996 , trg 15 ). Vân Uyên không bao giờ tưởng sẽ có ngày viết
thơ, tuy rất thích đọc thơ, nhất là những cổ thi và những bài bình luận thơ.
Nhà tôi tên Tuyết Lan mất đầu năm 1996 cũng vào tuổi 78 vì bệnh nan y. Đôi khi nhớ tới người bạn đời,
ngồi ghi lại một vài kỷ niệm, không ngờ tự nhiên thấy thành vần, tiếp tục viết
thành bài thơ. Đó là trường hợp bài ‘’Chim Khuyên’’. Mỗi độ xuân về có đôi chim
khuyên bay tới lượn hót trong vườn. Xuân này đôi khuyên lại đến, nhưng thiếu
tiếng nhà tôi gọi ra xem. Vân Uyên mơ màng cầu nguyện được gặp lại bạn đời
trước mặt Thiên Chúa, nhưng không biết lúc đó mặt và tay của chúng tôi sẽ ra
sao » ? Bài thơ đó như sau :
CHIM
KHUYÊN
Đôi
khuyên chim chíp song song
Đâu
lời âu yếm tay lồng sóng đôi
Đường
đời còn mấy nổi trôi
Khôn
ngoan nước bước đứng ngồi hỏi ai
Thôi
thì đến thế thì thôi
Tinh
anh thể phách kiếp người biết sao
Thiên
nhan hẹn ước trời cao
Mặt
nào nhìn mặt tay nào cầm tay
Nguyện
cầu hương khói trầm bay
Đưa
về vĩnh phúc tình này tới đâu
Kiếp
này đành gẫy nhịp cầu
Thấm
đau niềm nhớ ngậm sầu làm vui.
(Báo Giáo Xứ, số 125, 06/1996)
Bài thơ xoay quanh hai ý tưởng : Ý tưởng
thứ nhất : hình ảnh « Đôi
khuyên chim chíp song song » và thực tại ra đi của người bạn đời làm
sự ra đi càng thê thảm. Nỗi nhớ thành xoắn lòng với bao kỷ niệm « Đâu lời âu yếm tay lồng sóng đôi », « Khôn ngoan nước bước
đứng ngồi hỏi ai ». Nhưng nén lòng, chôn nhớ, đành chấp nhận thực tại
kiếp người « Tinh anh thể phách kiếp
người biết sao ».
Ý tưởng thứ hai : Một lời ước hẹn mơ màng
đến niềm hy vọng được gặp lại nhau trên trời cao « Mặt nào nhìn mặt tay nào cầm tay », nơi « Đưa về vĩnh phúc tình này tới đâu ». Còn
bây giờ « Kiếp này đành gẫy nhịp
cầu » thôi đành « Thấm đau
niềm nhớ ngậm sầu làm vui ».
Quả thật nội dung chủ chốt của bài thơ là nỗi
nhớ tình phu thê, khi nhịp cầu bị gẫy vì sự ra đi của bạn đời. Duyên tình thứ
nhất khiến Vân Uyên làm thơ là tiếng lòng của tình phu thê. Đó cũng là ý tưởng
mà ông đã xác nhận trong bài thơ « Tình và Thơ » :
Hứng
khí chân, sinh, ánh đạo tâm,
Lời
thơ hoan nở nụ tình thâm
Tỏa
hương thiêng ý qua vần nhụy
Bung
cánh linh hoa lúc vịnh ngâm.
(Paris, Septembre 1996)
22. Bài thơ tình phu thê « CHIM
KHUYÊN » được phổ biến, nhiều bạn bè khuyến khích. Vân Uyên kể tiếp :
« Vân Uyên tiếp tục viết thơ là nhờ
sự khuyến khích và nâng đỡ của rất nhiều người , trong số này phải kể tới thi
sĩ Bằng Vân ( BS. Trần Văn Bảng ) và triết gia công giáo (GS. Nguyễn Huy Bảo).
Mỗi người đứng về một khía cạnh đều thúc dục Vân Uyên phải viết thơ mỗi khi Vân Uyên tỏ ý ngần ngại vì tuổi tác
còn viết thơ tình.
Thi
sĩ Bằng Vân (Bs. Trần Văn Bảng) khuyến khích Vân Uyên tiếp tục viết thơ vì
những lý do văn học. Bằng Vân rất mê thơ, thường nói ‘’ nợ thơ ‘’, giới thiệu
Vân Uyên với nhóm Ba-lê Thi-xã. Nhờ đó Vân Uyên được gặp những nhà thơ :
Hương Bình Cao văn Chiểu, Quỳnh Liên, Liên Đài, Hàm Thạch,Thanh Liên, Minh
Châu, Phương Du, Đỗ Bình …
Giáo
sư triết Nguyễn Huy Bảo còn sốt sắng hơn thi sĩ Bằng Vân thường xuyên điện
thoại thúc dục Vân Uyên viết thơ. Giáo sư nói : Anh đừng ngại nhiều tuổi
còn viết thơ tình. Trái lại vì đã có nhiều kinh nghiệm đạo đời anh có thể đem
thêm chiều sâu cho thơ tình. Nhất là thơ về tình yêu phu thê, một huyền nhiệm
thâm sâu nhất trong đạo của chúng ta. Không phải vấn đề ngại hay không ngại,
nhưng đây là một bổn phận khi chị bất thần ra đi anh nhận được thiên phú viết
thơ. Không phải chỉ một vài bài thương vợ nhớ vợ, nhưng những bài thơ diễn tả
huyền nhiệm tình yêu vừa nhân tính vừa thiên tính trong nghĩa vợ chồng. ‘’ Rất
tiếc cả hai vị nay đã thành người thiên cổ, thành Vân Uyên mất hai người bạn
chí tình không còn được nghe những lời
khuyên phê bình về văn về ý cho các bài
thơ viết gần đây. Cả hai vị đều trên Vân Uyên 10 tuổi ».
Những khuyến khích của
bạn bè đã là duyên tình thứ hai khiến Vân Uyên sáng tác thơ nhiều hơn. Nhưng
những bài thơ này, nhờ suy nghĩ, tìm hiểu, đã ăn rễ sâu hơn vào văn hoá dân tộc
và nhất là vào nền tảng thần học của bí tích hôn nhân công giáo, mà Vân Uyên
gọi là « Hôn phối tích thần giao nhất thể ». Bài thơ sau đây ghi rõ
bước tiến thứ hai trong thơ tình của Vân Uyên. Tình, vẫn có gốc là tình phu
thê, nhưng đã vươn lên TÌNH YÊU.
HÔN PHỐI TÍCH
Một năm qua chưa khô ngấn lệ
Độ ngầm đau niên kỷ hương buồn
Bên nhau ai tưởng chặng đường
Tâm can thầm gọi thịt xương thủa nào
Hôn phối tích thần giao nhất thể
Hạ xuân tình chia sẻ đông thu
Đường đời chìm nổi trầm u
Ước nguyền chung sống chứng từ thâm sâu
Nay chuyển kiếp thiên thâu ân ái
Nghĩa phu thê thuận trái sánh đôi
Như bao mầu nhiệm ý Trời
Thiên tình tương vấn kiếp người huyền vi
Tuyên xưng tín lý diệu kỳ
Phục sinh nhân thể hướng về huyền sinh.
(Ngày giỗ đầu Tuyết
Lan. Paris Mùng một Tết dương lịch 1997)
Tình vẫn còn những nét
« ngấn lệ, hương buồn, thịt xương,… »,
nhưng đã thấm hương yêu « hôn phối
tích, thần giao, nhất thể, kiếp thiên thâu ân ái, mầu nhiệm, ý Trời, Thiên tình,
huyền vi, tín lý, diệu kỳ, phục sinh, huyền sinh,…. Từ ngữ xử dụng trong
bài thơ này đã nêu rõ duyên tình thứ hai khiến Vân Uyên làm thơ. Đó là sự suy
nghĩ và học hiểu, đặc biệt là suy nghĩ về văn hóa tình yêu việt nam và huyền
nhiệm hôn nhân công giáo.
23. Duyên tình thứ ba
khiến Vân Uyên làm thơ là chiêm niệm và cầu nguyện. Trong cũng một điện thơ gởi
cho tôi, Vân Uyên kể tiếp : « Nhớ
tới những lời của hai vị (Thi sĩ Bằng Vân và Giáo sư Bảo), Vân Uyên đã cầu
nguyện, nghiên cứu học hỏi thêm về Thánh Kinh, về truyền thống dân tộc. Vân
Uyên cầu xin Thánh Linh hướng dẫn tâm tư để viết những câu thơ thật thơ, đời
thật đời, nhưng có tiềm ẩn những lẽ đạo thật đạo, trong thầm ước coi việc viết
thơ như những chiêm nghiệm cầu nguyện. Viết được đến đâu hay đến đó, không mơ
tưởng thành thi sĩ, nhưng chỉ là người viết thơ có suy tư tôn giáo ». Sự suy tư, chiêm niệm và cãu nguyện có thể
kết thúc bằng những niềm tin, niềm cậy, niềm mến. Nhưng cũng có thể khởi đầu
bằng những vấn nạn, những câu hỏi, những cuộc suy tư, đi tìm ý nghĩa. Bài thơ
« Nghĩa yêu » sau đây, sáng tác ngày 11.01.1997, đánh dấu bước tiến
thứ ba trên con đường làm thơ của Vân Uyên.
NGHĨA
YÊU
Từ
cát bụi, trở về cát bụi,
Đến
thinh không, quy lại thinh không.
Nào
đâu nghĩa mặn tình nồng ?
Nào,
đâu cười nói môi hồng thơm hương ?
Nghĩa
định mệnh yêu đương duyên kiếp ?
Hửi
về đâu nối tiếp một đời ?
Thờ ơ
thiên kỷ làm người
Sợi
giây sinh tử vận hồi trong đêm ?
Đặt
câu hỏi, niềm tin vẫn có,
Nghĩa
kiếp người vui khổ hư không ?
Đường
Tình, đường Thánh song song
Thánh,
Tình, Sinh, Tử trong cùng nghĩa yêu.
(Paris, 11.01.1997)
24. Không hoàn toàn ý thức, nhưng gốc là một
tín hữu công giáo tiến hành, Vân Uyên đã khai mở một con đường thứ tư trong
tiến trình làm thơ của ông. Đó là duyên tình « Chia sẻ Tin Mừng ».
Vân Uyên đã có lần chia sẻ với tôi : « Nhưng từ khi viết thơ, một số độc giả tò mò muốn biết Vân Uyên là ai.
Khi đã biết họ ngạc nhiên vì đọc thơ họ vẫn tưởng tác giả là một nữ thi sĩ đa
cảm. Đây cũng là một điểm nên lưu ý. Độc giả thường thích đọc thơ hơn những bài
văn. Những ý thơ cô đọng trong vần điệu hình như dễ thu hút sự chú ý của người
đọc.
Thơ
Vân Uyên lẽ tự nhiên được in trên Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris. Ngoài ra vốn
thuộc ngành y, nên thơ Vân Uyên cũng được in trong nhiều Tập san Y giới Việt Nam
ở Pháp (Paris), ở Mỹ (Florida), và thường xuyên ở Canada (Montréal).
Nhóm
Ba-lê Thi-xã giới thiệu nên thơ Vân Uyên cũng thấy xuất hiện trong Nguyệt san
Vietnam Forum (Đức), Nguyệt san Hương Xa (Na-uy), Tam cá nguyệt san Cỏ Thơm
(Mỹ), Tuần báo Đại Chúng (Mỹ).
Gần
đây đáp lời kêu gọi góp nhặt thơ công giáo của LM. thi sĩ Trăng Thập Tự, thơ
Vân Uyên cũng gửi tới những mạng net : Dũng Lạc và Hồn Nghệ Sĩ.
Như
vậy thơ Vân Uyên không phải chỉ dành riêng cho đồng đạo trong Giáo Xứ nhưng đã
được rải rộng tới những người có đạo cũng như không có đạo ngoài Giáo Xứ ».
Với chủ đề « Con
Đường Hẹp », Vân Uyên đã viết hai bài « Hương Trần » và
« Khiêm Lòng Nhận », nhân dịp ông nhận Huy Chương vàng « Pro
ecclesia et Pontifice »Tòa Thánh tặng năm 1997. Dưới một góc độ nào đó,
người ta nhận ra ở đây chiều hướng « Chia sẻ Tin Mừng » của Vân Uyên.
CON ĐƯỜNG HẸP
HƯƠNG TRẦN
Một chút hương thơm dưới thế trần
Chia cùng lão bá với phu nhân
Đèn hoa đại lễ trong hoàng phục
Nhạc khúc thần ca khắp giáo dân
Cảm khái vấn vương lòng kẻ nhận
Chung vui đâu đó bóng người thân
Thời gian thoáng lặng chiều in dấu
Thánh giới hương linh hẹn tới lần.
KHIÊM LÒNG NHẬN
Phần thưởng huy chương cõi thế gian
Nêu gương kẻ khó tới Ngôi Hoàng
Yêu thương Nhiệm Thể khiêm lòng nhận
Thắm thiết Thần Ngôn nặng nghĩa mang
Vận hội ngày nay tình Giáo Xứ
Khai công thủa nọ tự Liên Đoàn
Thiên ân ẩn hiện con đường hẹp
Hưởng phúc cùng Ai bước vững vàng.
(Paris 11.05.1997.
Kỷ niệm ngày 10 người trong Cộng Đoàn Giáo Xứ
lãnh huy chương « Pro Ecclesia et Pontifice » của
ĐGH Gioan Phaolô II)
Như vậy, có bốn duyên tình đã đưa Vân Uyên tới việc
làm thơ. Thứ nhất : Khời thủy, lòng nhớ người bạn đời phát thành thơ, thơ
tình phu thê. Thứ hai : Thơ tình phu thê ấy, được một số bạn bè khuyến
khích, đã được suy tư hơn để hướng về và đi vào huyền nhiệm tình yêu, biến
thành Thơ Tình (Yêu). Thứ ba : Thơ Tình (Yêu) thấm lời cầu nguyện, dầy
công nghiên cứu đã trở thành Thơ Tình (Yêu) chiêm niệm cầu nguyện. Thứ
tư : Thơ Tình (Yêu) chiêm niệm cầu nguyện đã (trở thành thơ chia sẻ Tin
Mừng) được phổ biến nhiều nơi, cho người có đạo cũng như không có đạo.
Đọc thơ Vân Uyên, về sức mạnh và thiên tài thơ
làm ta liên tưởng đến Victor Hugo « Tình
yêu là tiếng gọi rạng đông, là tụng ca ban đêm ». Về phong phú của tư
tưởng làm ta nhớ đến thông điệp « Thiên Chúa là Tình Yêu » của Đức
Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, mà sau đây là vài trích dẫn mà Vân Uyên đã xa gần đề
cập đến trong thơ của mình.
1. Thiên chúa là tình
yêu : ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại
trong người ấy” (1Ga 4,16). Những lời này được
trích từ Thư thứ nhất của Thánh Gioan, diễn tả rõ ràng điều làm nên trọng tâm
đức tin Kitô giáo : hình ảnh Thiên Chúa của Kitô giáo, từ hình ảnh này rút ra
hình ảnh con người và con đường của họ. Thêm nữa, cũng ngay trong câu đó, Thánh
Gioan đưa ra cho chúng ta một công thức tóm tắt đời sống Kitô hữu : ''Chúng ta đã nhận biết và tin vào tình yêu
Thiên Chúa dành cho chúng ta”.''Chúng ta đã tin vào tình yêu Thiên Chúa” : Người
Kitô hữu có thể diễn tả quyết định căn bản của đời mình như thế.
6.
Tình yêu không còn tìm cho chính bản thân mình - sự chìm đắm trong say mê hạnh
phúc - nhưng chỉ muốn điều tốt lành cho người mình yêu : tình yêu trở thành sự
từ bỏ, sẵn sàng trở thành lễ vật, vâng, tình yêu muốn như thế.
11. Bởi thế, người đàn
ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt" (St 2,24). Hôn nhân căn cứ trên một tình yêu đơn nhất
và dứt khoát, trở thành cách trình bày sự liên hệ giữa Thiên Chúa với dân Người
: cách thức Thiên Chúa yêu trở thành tiêu chuẩn cho tình yêu của con người.
22.
Bản chất Hội Thánh được thể hiện qua một trách nhiệm có ba mặt : rao giảng Lời
Chúa (kerygma-martyria) cử hành
các Bí tích (leiturgia), phục
vụ bác ái (diakonia). Đó là
những trách nhiệm lệ thuộc vào nhau và không thể tách rời nhau được. Việc phục
vụ bác ái đối với Hội Thánh không phải là một cách thức hoạt động trợ giúp có
thể giao cho người khác, nhưng nó thuộc về bản chất của Hội Thánh, là một biểu
lộ bản chất không thể từ bỏ được.
Paris, ngày 26 tháng 01 năm 2010
Cập nhật ngày 10 tháng 11 năm 2016
Thanh Hương Trần Văn Cảnh
III. THƠ CỦA VÂN UYÊN VIẾT VỀ GÌ ?
Đây là bài thứ ba viết để chúc mừng thượng thọ 95 của thi sĩ Vân Uyên
Nguyễn Văn Ái. Qua bài 1, với chủ đề « Vân Uyên là ai ? », Vân
Uyên đã cho thấy rằng Vân Uyên có nghĩa là tình yêu trên Trời. THƠ là lẽ sống
chính yếu của Vân Uyên và TÌNH là nội dung của thơ Vân Uyên. Có thể bảo rằng
tất cả thơ của Vân Uyên đều xoay quanh một chữ « TÌNH ».
Nhưng tình nào ? Trong bài 2, qua chủ đề « Duyên tình nào đã
khiến Vân Uyên làm thơ ? », phân tích chiều sâu và chiều cao của thơ
Vân Uyên, bốn loại tình đã được Vân Uyên đi vào : Tình phu thê bột cảm,
tình huyền nhiệm suy tư, tình chiêm niệm cầu nguyện, tình chia sẻ Tin Mừng.
Trong bài thứ ba
này, ngoài hai trả lời đã được đưa ra ở hai bài đầu, một trả lời thiên về chiều
rộng, chiều dài sẽ được đưa ra để đáp câu hỏi : « Vân Uyên viết về
gì ? về những loại tình nào » ?
Trong điện thơ
« Trả lời GS Trần Văn Cảnh, ngày 09/05/2009 », Vân Uyên cho biết ông
đã viết, qua 5 giai đoạn sáng tác khác nhau, về 5 loại thơ tình khác
nhau : thơ tình phu thê, thơ tả cảnh thiên nhiên, thơ tâm tình tín hữu,
thơ tiễn đưa và thơ về những người (danh nhân) mà Vân Uyên mến phục.
31.
Thơ tình phu thê. Như chúng ta đã thấy ở bài thứ hai, ở giai đoạn đầu,
mỗi khi gặp thi hứng là Vân Uyên cầm bút viết, và chủ đề đầu tiên mà Vân Uyên
sáng tác thơ là chủ đề « Tình phu thê », dẫu có biến chuyển về nguồn
hứng và tiếp cận : từ bột phát, rồi suy tư huyền nhiệm, qua chiêm niệm cầu nguyện, đến chia sẻ Tin
Mừng.
Ái ân ân ái
tình trường
Tử ly cắt
đứt đoạn đường sóng đôi
Một người
trở lại một người
Ý thiêng
đổi kiếp nên lời thành thơ.
(
bài : Đời đời còn thương )
Nhà văn Võ Long Tê
khi đọc những bài thơ tình của Vân Uyên đã viết : ‘’Đây không phải chỉ là văn chương mà còn là tâm cảnh thành thực đã kết
tinh thành vần điệu và do đó đạt đến chỗ cao trọng nhất của văn chương …’’
32. Giai đoạn sau
xen kẽ thơ tình là thơ tả cảnh thiên
nhiên. Vợ chồng chúng tôi trước kia đã cùng nhau đi dạo chơi ở trong và
ngoài nước. Nhưng lạ thay, nay còn lại một mình khi ngắm cảnh thấy khác xưa,
thắm thiết hơn, buồn man mác trước những kỳ công của Đấng Tạo Hóa. Trong cảnh
thấy có tình .
Hình xưa
bóng cũ đâu đây
Dấu chân
lưu luyến những ngày cùng đi.
(
bài : Đâu đây )
Trong ngày Lễ Các
Thánh tất cả các nghĩa trang ở Paris đều
trồng toàn hoa cúc đủ mầu trông như những rừng hoa cúc . Người đi tảo mộ hay
ngắm hoa tấp nập như ngày hội .
Người đi
trảy hội rừng hoa cúc
Chim lượn
gọi đôi khu mộ nàng
… … …
…
Kiếp xưa
chung gánh bao ơn lạ
Đến tạ
tình ai đạo thiếp chàng.
(
bài : Rừng Hoa Cúc )
Để khuây khỏa nỗi
lòng Vân Uyên có khi đi chơi xa lên núi
hoặc xuống bờ biển miền nam .
Lên núi
Alpes để ngắm cảnh tuyết :
Không
trung trầm lặng khí thinh không
Bát ngát
mênh mông trắng mênh mông
… … … …
Trời xanh
thanh tịnh vô nhân ảnh
Chim
ô thấp thoáng có như không.
(
bài : Tình Tuyết )
Lên núi
Vercors để ngắm sao :
Mộng tình
đâu đó trời xa thẳm
Lạc lối
đường sao …gió thở than .
(
bài : Trời Xa Thẳm)
Xuống biển
để ngắm trăng :
Trăng rầm
ló gọi hồn thơ
Sáng trong
mây lướt hồng tơ ánh vàng
Hương thơ
ngát gió bay sang
Sóng chiều
ngâm khúc dã tràng mơ trăng .
(
bài : Trăng Thơ)
Lên gác chuông nhà
thờ Reims để xem Nhật Thực ( ngày 11.08.99 lúc 12g24 trưa ) :
Kỳ diệu ba
sao gặp phút giây
Phủ đen
trời đất giữa ban ngày
… … … …
Đêm rụng
trước đêm hồn vũ trụ
Kiếp sinh
hoàn kiếp bóng đâu đây .
(
bài : Tinh Tú Bay )
33. Thơ tâm tình tín hữu. Thật ra Vân Uyên chưa ưng ý một bài
thơ nào để nói lên tâm tình tín hữu. Nhưng có hai bài tương đối vừa lòng .
Một nói về huyền
nhiệm Giáng Sinh qua mối tình kỳ lạ giữa Thánh Giuse và Đức Mẹ Maria. Hai nói
về huyền nhiệm thần bí Phục Sinh, chết đi rồi sống lại, chết đi mọi người đều
biết, sống lại vì trong ngôi mộ không còn xác người.
Bài thứ
nhất :
… … … …
Lạ thay
câu chuyện thần kỳ
Đính hôn
đủ phép lễ nghi xóm làng
Thơ ngây
đâu có phụ chàng
Xin vâng
thần khí đá vàng thụ thai
… … … …
Sắt đá
nguyện cầu tin
Biết sự lạ
đến ngày
Vẫn tiến
hành hôn lễ
Nàng vui
mừng đắm say
Chàng
ơi ! chàng ơi !
Đôi ta
duyên kiếp thần kỳ
Chẳng
duyên cũng bạn đời
Yêu nhau
như lứa đôi
Trung tình
theo thiên mệnh
Nhờ đôi ta
có ‘người-trời’
… … … …
(
bài : Duyên Kiếp Thần Kỳ )
Bài thứ hai đưọc
nhớ tới vì có một giai thoại thơ văn. Vân Uyên gửi tới mạng lưới Dũng Lạc bài
thơ ‘ Tấm mồ không’. Tên bài thơ khi lên mạng được đổi thành ‘ Nấm mồ trống’.
Nhưng tên nêu sau trùng với tên một bài thơ của nữ thi sĩ Vũ Thủy . Vũ Thủy là
nhà thơ khiếm thị chấp nhận thập giá cuộc đời như một quà tặng của Thiên Chúa,
có bài thơ :’ Cô gái mù với ly cà phê trắng ‘được Phạm Trung phổ nhạc .
Sau khi đọc bài
thơ của Vân Uyên, Vũ Thủy nhờ LM. Trần Cao Tường gửi lời ngưỡng mộ tới Vân
Uyên.
Nấm mồ
trống mở ra
Một bài ca
bất diệt
(
bài : Nấm Mồ Trống của Vũ Thủy )
Cửa hẹp
đường thiêng mở lạ lùng
Xác treo
trần trụi tấm mồ không
(
bài : Tấm Mồ Không của Vân Uyên )
Đầu đề ‘‘ Nấm mồ
trống’’ đọc lên dễ hiểu. Nhưng khi đọc danh từ « Nấm Mồ » tự nhiên
nhớ tới câu thơ của Nguyễn Du « Sè sè nấm đất bên đường » .
Trái lại đầu đề
« Tấm mồ không » mới đọc thật khó hiểu. Chữ ‘’Tấm’’ làm liên tưởng
tới ‘’tấm đá’’ che kín cửa động . Còn chữ ‘’không’’ vì nhớ tới mấy câu trong
bài thơ đang viết dở :
Không môn
« sắc sắc không không »
Phục Sinh
núi sọ « mồ không » tín điều .
Sau khi đọc những
bài thơ đạo của Vân Uyên : Cây Thập Tự, Tấm mồ không, Có một người, Tình
ta với Tình, Thiên Chi Đạo, Sách Khải Huyền …. nhà văn lập thuyết Nguyễn Thùy
đã viết như sau : Vân Uyên đã « đem Đạo vào Thơ » hơn là
« đưa Thơ vào Đạo ».
34. Thơ Tiễn đưa. Ở tuổi của Vân Uyên những người thân,
những đồng nghiệp , những bạn học cùng thế hệ lần lượt ra đi. Mỗi lần đi dự
tang lễ không khỏi ngậm ngùi .
… … … …
Mộ hầm sâu
thẳm chia sinh tử
Duyên kiếp
nào đâu cũng cốt khô
… … … …
Tử khí
lạnh tới đâu
Để tình
hết thương đau
Men yêu xa
nhựa sống
Tim ai vơi
nỗi sầu
… … …
Đốt nén
nhang tiễn đưa
Thơm gợi
kỷ niệm xưa
Tình vượt
qua cõi chết
Lưu lại
những vần thơ.
(
bài : Tiễn Đưa )
Dưới đây chỉ ghi
lại tên một số bài đã viết sau khi đi dự tang lễ : Tuôn giòng lệ (
tang lễ Gs. Nguyễn Hữu) , Đường ai ( Gs. Trịnh văn Tuất) ,Nhớ
Bằng Vân ( Gs. Trần văn Bảng ), Không còn lệ (Gs. Phó bá Long ) , Tình
mẹ tình con ( tang lễ mẫu thân của Cung Chi ) … …
Hướng yên
tĩnh
Tìm về im
lặng
Chốn linh
không
Thăm thẳm
nghĩa yêu
Cánh hoa
gió sớm mưa chiều
Bao nhiêu
trôi giạt
Bấy nhiêu
là tình …
(
bài : Ngày Về )
5. Trong khi đọc
lại thơ của người xưa, Vân Uyên có ghi những câu thơ nói về sự sống chết của bốn nhà thơ : Hai người Việt, hai
người Pháp ; Một thi sĩ công giáo mất sớm vì bệnh phong cùi ; Một y
sĩ chuyên về bệnh cùi theo Nho giáo; Một giáo sư phẫu thuật vô thần ; Và
một linh mục Dòng Tên .
… … … …
Máu đã khô
rồi thơ cũng khô
Hồn ơi
phiêu lạc đến bao giờ
( Hàn mạc
Tử )
… … … …
Tay không
nợ trắng ly bôi cạn
Nhẹ gánh
ra đi ngả bóng chiều
( Bằng Vân
)
… … … …
Hạnh phúc
gì đâu ở dưới đây
Tình yêu
mờ ảo bóng mây bay
( Pierre
Huard )
… … … …
Nhờ Ai thể
xác linh hồn
Trứng non
vươn lũy nên con người này
Ân tình
nay trả về Ai
Lão,sinh,
bệnh, tử , an bài ý thiêng .
( Pierre
Teilhard de Chardin )
… … … …
Ngàn đời
thơ vẫn là thơ
Tiếng lòng
vương vấn huyền cơ tình người .
(
bài : Đọc Thơ Bốn Người )
Thực ra khi đọc
thơ của Vân Uyên, độc giả sẽ khám phá ra một chân trời rộng rãi mênh mông, rộng
như tinh thần và con tim của ông. Ông đề cập đến rất nhiều vấn đề khác nhau, về
con người, về thiên nhiên, về thượng đế,…với nhũng tiếp cận khác nhau :
siêu hình, hữu thể, huyền nhiệm, tâm lý, xã hội,… ; Về con người, không biết vì
bị ảnh hưởng nghề nghiệp y sĩ hay do ảnh hưởng bác ái công giáo, ông đặt nặng
khía cạnh tình. Ông nói về tình phu thê (đúng hơn là tình nhớ vợ), tình gia
đình ông bà cha mẹ con cháu, tình họ hàng, tình bạn bè, tình đồng đạo, tình
đồng nghiệp thơ, tình đồng bào, tình xã hội, tình thiên nhiên,…
Trong tương lai,
chúng ta sẽ có nhiều dịp để đọc và khám phá thơ của Vân Uyên qua những tiêu đề
nội dung sáng tác trên. Bây giờ, chiều trước ngày thượng thọ cửu tuẩn Vân Uyên,
tôi xin hợp lòng cùng bao nhiêu bạn bè khác, xin
« CUNG
THỌ CỬU TUẦN, XIN CUNG THỌ ».
Paris, ngày 06 tháng 02 năm 2010
Cập nhật ngày 10 tháng 11 năm 2016
Thanh Hương Trần Văn Cảnh
IV. LỄ TẠ ƠN MỪNG THƯỢNG THỌ 90 THI SĨ VÂN UYÊN
Paris, chủ nhật 07/02/2010, các con cháu của
thi sĩ Vân Uyên đã mời gia đình và thân hữu đến dự Lễ Tạ Ơn, mừng thượng thọ
cửu tuần của ông. Trong một nhà hàng rộng rãi, khoảng sáu chục người đã đáp lời
mời đến chia vui cùng Vân Uyên, trong đó
có đại diện các bạn văn, đến từ Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris và từ Balê
Thi xã.
41. Lễ Tạ Ơn, mừng thượng thọ 90
Con cháu của thi sĩ Vân Uyên
Lễ thượng thọ trước nhất là lễ của gia đình.
Mở đầu, bốn người con của Vân Uyên và dâu rể cùng các cháu trai gái đểu tụ tập
đông đủ chúc mừng sinh nhật thứ 90 của bố và của ông. Các con cháu hát bài
« Mừng ngày sinh nhật của ông », rồi lần lượt đến bên ông, tặng quà,
bày tỏ lòng tôn kính. Ông cười vui rất rôm rả.
Sau đó, một chiếu hình đã được thực hiện, tóm
gọn cuộc đời của bố và của ông, gợi lại những kỷ niệm cho con cháu, dưới chủ
đề : « Lễ Tạ Ơn, 07/02/2010 ».
Mọi sự Đến từ Thiên Chúa
Sinh và lớn lên ở Hà Nội
Xuất ngoại du học, đậu tiến sĩ y học và chuyên
môn sinh học y khoa
Gặp gỡ nữ đồng lưu Tuyết Lan và nên nghĩa vợ
chồng năm 1945 tại Paris
Xin vào đạo Công giáo cùng vợ trong thời gian
này và tham gia thành lập Liên Đoàn Công Giáo, nguyên thủy của Giáo xứ VN tại
Paris
Năm 1955, quyết định đem tài năng trở về phục
vụ đất nước: giáo sư đại học y khoa, đảm nhiệm chức vụ Viện Trướng viện Pasteur
Viêt Nam và nhiều quốc vụ về y tế trong chính phủ
(Bốn người con :) Quốc Anh, Tuyết Mai,
Tuyết Nga, Quốc Minh
Rời Việt Nam, đoàn tụ gia đình tại Paris năm
1986
Thương tiếc một người vợ, một người mẹ, một
người bà đức độ khoan dung (Lucie Nguyễn Tuyết Lan)
Lãnh nhận Huy chương Pro Ecclesia et Pontifice
của Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ II
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều
cao cả
Vì Tình Yêu của Chúa, xin Chúa dạy chúng con
biết giúp đỡ những người già yếu, bệnh tật và nghèo khó
(Thực hiện kính tặng bác Vân Uyên. Cháu Hương
Huyền).
Gs Cảnh, Ls
Thông, Bs Ái, Gs Minh Khánh, Bs Minh
Ts Bình, Ns Minh
Châu, Ts Vân Uyên, Gs Cảnh
Một bàn 12 người, dành riêng cho Vân Uyên và
các bạn văn thân thiết. Bạn văn ở Giáo Xứ Việt Nam có 4 người : Bác sĩ Tạ
Thanh Minh, Nữ giáo sư Tạ Thanh Minh Khánh, Luật sư Lê Đình Thông và Giáo sư
Trần Văn Cảnh. Bạn văn ở Ba Lê Thi Xã có
bốn người : Nữ sỹ Minh Châu, thi sĩ Đỗ Bình, nghệ sĩ Diễm Hằng và giáo sư
Trần Văn Cảnh.
Bà con và bạn bè có mấy người lên nói lời chúc
mừng Bác Sỹ Nguyễn Văn Ái. Nhưng những lời chúc của các bạn văn đã là nét độc
đáo của buổi lễ thượng thọ của thi sỹ Vân Uyên : Thư của Đức Ông Mai Đức Vinh,
bài thơ « Oanh Liệt » của Linh Mục Cung Chi Đinh Đồng Thượng Sách,
bài thơ « Mừng Thượng Thọ » của ông bà bác sỹ Tạ Thanh Minh &
Khánh, bài thơ « Khánh Nhật Thượng Thọ Vân Uyên » của Luật Sư Lê Đình
Thông, bài « Lễ Thượng Thọ 90 » của thi sỹ Đỗ Bình, bài « Vœux
pour ton anniversaire 90 » của Kim Khánh và bài « Chúc Mừng Thượng Thọ
Vân Uyên » của Thanh Hương.
42. Thư chúc mừng của Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh
Kính
thưa Bác Sĩ Nguyễn Văn Ái,
Rất
tiếc, hôm nay quá bận rộn với công việc mục vụ tại Giáo Xứ, tôi không thể đến
cảm tạ Chúa, chia vui với Bác Sĩ, với các con cháu và thân hữu của Bác Sĩ được,
xin Bác Sĩ niệm xá cho. Tôi xin kính gửi đôi lời đến Bác Sĩ, kính nhờ Giáo Sư
Trần Văn Cảnh trao chuyển.
Tôi
tạ ơn Chúa với Bác Sĩ vì cho đến tuổi thọ 90, mà Bác Sĩ còn giữ được đầy đủ
phong độ : tâm trí còn sáng suốt, tiếng cười và giọng nói còn đầy sức
sống, hồn thơ còn dào dạt, tinh thần tông đồ còn nhiều sức nóng …
Nghĩ
đến công việc tông đồ mà Bác Sĩ đã thể hiện tuyệt vời đối với Giáo Hội và cách
riêng đối với Giáo Xứ Việt Nam trong giai đoạn đầu và trong mấy thập niên qua,
tôi xin thay mặt cho Ban Giám Đốc, Hội Đồng Mục Vụ và cả Cộng Đoàn, chân thành
cám ơn Bác Sĩ, xin Thiên Chúa ban cho Bác Sĩ phần thưởng mà Ngài vẫn dành cho
các Tôi Trung của Ngài. Bày tỏ lòng biết ơn đối với Bác Sĩ, tôi không quên cám
ơn một người đã từng cộng tác và cùng hoạt động tông đồ với Bác Sĩ khi còn
sống, và nay trong cõi trời cao vẫn còn độ trì cho Bác Sĩ nhiều hơn. Đó là nữ
bác sĩ Lucie Tuyết Lan, hiền thê của Bác Sĩ.
Qua
những gì tôi được biết về hoạt động nghề nghiệp và công dân, hoạt động tông đồ
và sống đạo của Bác Sĩ, tôi xin mượn lời của Bùi Nghiệp mà thưa với Bác Sĩ
rằng :
‘Giang
tay ôm đất thấp, chẳng hổ cùng sông núi trùng trùng,
‘Ngước
mắt ngắm trời cao, đâu thẹn với trăng sao rờ rợ,
Tạ ơn
Chúa vô vàn,
Xin
chia vui cùng Bác Sĩ, gia quyến và thân hữu của Bác Sĩ.
Paris,
07. 02. 2010
43. OANH LIỆT
Cà cuống bao giờ hết chất
cay
UYÊN bác
đạo đời trước tới nay
Chín mươi thượng thọ cười
oanh liệt
‘Phong
VÂN Văn Ái’ gió mây bay
‘Phong
VÂN Văn Ái’ gió mây bay
Cà
cuống bao giờ hết chất cay
Một
thuở cứu nhân liều thuốc đắng
Nay
đương phù thế khí thơ hay
Nay
đương phù thế khí thơ hay
‘Phong
VÂN Văn Ái’ gió mây bay
Lập
ngôn khúc triết vui tai ‘họ’
Lý
luận phân minh thỏa trí ‘cầy’
Lý
luận phân minh thỏa trí cầy
UYÊN bác
đạo đời trước tới nay
Chín mươi thượng thọ cười
oanh liệt
Cà
cuống bao giờ hết chất cay ?
Cung Chi
(Kính tặng nhà thơ Vân Uyên–Văn Ái
dịp thượng thọ cửu tuần 07-02-2010 )
44. MỪNG THƯỢNG THỌ
Nhân kiêm ngũ phúc thọ vi
tiên
Chín
mươi niên kỷ cụ Vân Uyên
Bằng
hữu xa gần con cháu thảo
Sum
vầy tụ họp tạ ơn thiêng
Tuổi
trẻ một thời sống thiết tha
Pasteur
viện trưởng , thầy y khoa
Pax
Romana , rồi Minh Đức
Đời
đạo thủy chung sáng nghiệp nhà
Dâu
biển hồi kia bỗng đổi thay
Thế
sự ai hay có một ngày
Thơ
thẩn hái rau ‘tù cải tạo’
Lao
đao sóng cả …vượt ba đà
Đất
khách hiền thê biệt cõi đời
Ngẩn
ngơ chợt ‘ngộ’ với duyên thơ
Thi
tứ mộng mơ , thần trí nhớ
Gieo
vần rải điệu bốn phương trời
Huy
chương ban thưởng người trung tín
Ân
sủng bền lòng , cậy mến tin
Thượng
thọ chín mươi , nhuần phước cả
Mừng
kính Vân Uyên ,phúc lộc nhà .
Tạ
Thanh Minh & Khánh .
45. KHÁNH NHẬT THƯỢNG THỌ VÂN UYÊN
Bảy
nổi ba chìm chín chục năm
Vân
Uyên bút pháp rất uyên thâm
Y
khoa giảng dạy vi trùng học
Viện
trưởng nhiều năm lắm quyết tâm
***
Đời
đạo thăng hoa hồn nghệ sĩ
Đạo đời nghiêm chỉnh
ý tiền nhân *
Nhà
thơ họ Nguyễn chim uyên lẻ
Bác
sĩ Vân Uyên nốt nhạc trầm .
Lê Đình Thông
(
07-02- 2010 )
*Tout ce qui monte , converge.
(Pierre
Teilhard de Chardin )
46. LỄ THƯỢNG THỌ 90
Chớp mắt xuân đời
vụt phóng bay
Thời
gian tựa giấc mộng trầm say
Lợi
danh quyền thế mong manh khói
Ẩn
sĩ cùng Thơ vui tháng ngày
***
Sinh
nhật nhà thơ mùa chín mươi
Bằng
hữu cháu con mừng thọ người
Chúc
bác Vân Uyên thêm trăm tuổi
Cho
vần thơ đẹp thắm muôn nơi .
ĐỖ BÌNH
( 07-02- 2010 )
47. VŒUX POUR TON ANNIVERSAIRE 90 ANS
Que ta vie soit ta terre
Que
ta vie soit ton rève
Que
ta vie soit ton poème
Que
ta vie soit ton éveil
Que
ta vie soit ton amour
Que
ta vie soit ton ciel .
A tonton Vân Uyên
Le 7 / 2 / 2010
Ta nièce : KIM
KHANH
Đó là những cánh thư và bài thơ đã được gởi
đến và đọc trong Lễ Tạ Ơn, mừng Thượng Thọ 90 của Vân Uyên. Dể kết thúc, người
viết tường thuật cũng xin thêm một ý thơ, để chúc mừng Vân Uyên.
48. Chúc mừng thượng thọ Vân Uyên
Lão
trượng Vân Uyên sống thẳng ngay,
Cửu
tuần Thượng thọ lễ hôm nay.
Bà
con, lối xóm một lòng nghĩa,
Giáo
xứ, họ hàng nhất dạ ngay.
Gái
trai giầu nghèo đều dậy bảo,
Giang
sơn sông núi đã trả vay.
Trần
gian phúc lộc, một đời hưởng,
Nước
Chúa Thiên Ân, dòng thơ bay.
Thanh
Hương
Paris, ngày 07 tháng 02 năm 2010
Cập nhật, ngày 10 tháng 11 năm 2016
Thanh Hương Trần Văn Cảnh
5. GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS DÂNG LỄ TIỄN CHÂN
GHI ƠN BÁC SĨ MAURICE NGUYỄN VĂN ÁI
Bác sĩ Maurice Nguyễn Văn Ái vừa qua đời ngày
thứ hai 31.08.2015 tại Paris. Chủ nhật 06 tháng 09 năm 2015, để tỏ lòng biết ơn
của mình, cả cộng đoàn Giáo xứ Việt nam Paris đã hợp cùng gia đình, dâng lễ
tiễn chân. Là người đã từng sinh hoạt lâu năm với Bác Sĩ Nguyễn Văn Ái trong
các hội văn thơ và văn hóa, cũng như trong Giáo Xứ Việt Nam ở Paris, chúng tôi
xin có đôi lời tưởng niệm Bác sĩ Nguyễn Văn Ái về những đóng góp của ông vào
việc thành lập và phát triển Giáo Xứ Việt Nam Paris.
51.
BS NGUYỄN VĂN ÁI ĐÃ GÓP PHẦN THÀNH LẬP GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS
Năm 1946, đáp lời mời của cha Cao Văn Luận
tuyên úy Hội Công Giáo Việt Nam ở Paris, 30 đại biểu của 17 Hội Công Giáo Việt
Nam tại Pháp đã về họp Đại Hội tại Toulouse, trong hai ngày, 31.03 và 01-04,
thành lập Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp. Rồi, ngày 05.04.1947, bản Ðiều
Lệ Liên Đoàn, được làm và chuẩn y tại Toulouse năm 1946 đã được sửa đổi lại,
tại Fontenay-sous-Bois và nộp cho Hàng Giáo Phẩm Pháp. Sáu tháng sau, ngày
01.10.1947, Bản Nội Quy sửa đổi mới tại Fontenay-sous-Bois đã được Hàng Giáo
Phẩm Pháp xem và duyệt y, do Đức Cha Chappoulie, Tổng Thư Ký Hàng Giám Mục
Pháp.
Người Công Giáo Việt Nam tại Pháp coi ngày
01.10.1947 là ngày mà Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp được «rửa tội»,
được Giáo Hội chính thức cộng nhận, khai mào cho giai đoạn thành lập của Giáo
xứ Việt Nam Paris, với tên gọi là Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp. Giai
đoạn thành lập này kéo dài từ 1947 đến 1952, với 3 nhiệm kỳ của 3 cha :
Cha Trần Văn Hiến Minh, 1947-1950 ; Cha Trần Thanh Giản, 1950-1951 ;
Và cha Nguyễn Quang Lãm, 1951-1952.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ái đã đóng góp 3 việc quan
trọng trong giai đoạn thành lập này cho Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp.
1. Thứ nhất là cho Liên đoàn mượn địa chỉ để
liên lạc, qua địa chỉ của mình, tại số nhà 106, rue d’Assas, 75006, Paris.
2. Thứ hai là đã nhận làm đoàn trưởng Đoàn
Sinh Viên Công Giáo, trong một Ban Trị Sự gồm 9 người trong cuộc bầu cử
ngày chủ nhật 14.03.1948 : NGUYỄN VĂN ÁI làm đoàn trưởng ; Hai phó
hội trưởng (V.N. HOÀNG và L.T. THUC), một thư ký (L.V. DUC), cố vấn (T.C. CỪU),
một thủ quĩ (Đ.N. LIEM), ban xã hội (N.V. THO), ban lễ lạc (V.N. TIÊN), ban báo
chí (T.B. KHÁNH). Đoàn Sinh Viên là một trong 4 đoàn thể đã được thành lập sau
Đại Hội Toulouse 1946. Đó là Đoàn Sinh Viên Công Giáo, Đoàn Lao Động, Đoàn Phụ
Nữ và Đoàn Chức Nghiệp.
3. Thứ ba là đã nhận làm Chánh Hội Trưởng Liên
Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, nhiệm kỳ 1949-1952, trong một Ban Trị Sự gồm
10 ngưới : Chánh Hội Trưởng Nguyễn Văn Ái ; Phó Hội Trưởng Nguyễn
Tín ; Tổng Thư Ký Trần Văn Phong ; Phó Thư Ký Trương Đình Kim ;
Thủ Quỹ Nguyễn Văn Đạt ; Thư Viện Trần Ngọc Oành ; Báo Chí Trương Bửu
Khánh và Bùi Xuân Bào ; Quán Cơm Xã Hội Nguyễn Hoặc ; Quản Lý
Trụ Sở Vũ Văn Ca.
52.
BS NGUYỄN VĂN ÁI ĐÃ GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS
Từ năm 1983, trở lại định cư ở Paris, Bác sĩ
Nguyễn Văn Ái lại góp sức mình phát triển Giáo Xứ Việt Nam Paris, đặc biệt là
trong lãng vực mục vụ văn hóa giáo dục, trong 4 ban sau đây.
1.
Ban Biên Tập báo « Giáo Xứ Việt Nam » từ 1990. « Do vận nước đổi thay, Bác sĩ Nguyễn
Văn ái đến Pháp năm 1983, bắt đầu xuất hiện trên Báo Giáo Xứ năm 1990. Bước vào
tuổi hạc mà thần trí sáng tạo vẫn tiếp tục thăng hoa. Ông không ngừng suy tìm,
canh tân những tư tưởng, những luận cứ để minh chứng cho niềm tin, cho đời
sống, cho ý nghĩa huyền nhiệm của Tình yêu trong hôn nhân. Xin ghi lại một số
bài : - Xa quê hương tìm lại Quê hương (số 65. 6-1990), - Giáo Hội trên đường
Đổi mới (số 66. 7-1990), - Thập giá và Hy vọng (số 68. 11-1990), - Hòa bình,
Canh tân và Hòa giải (số 79. 12-1991), - Hạnh phúc và Tình yêu (số 85. 6-1992),
- Tình yêu Thiên tính và Nữ tính (số 119. 12-1995).
Rồi năm 1996, người bạn đời của BS Ái, vĩnh
viễn ra đi. Trong bi thương, mất mát - suy nghĩ chợt trở thành thi hứng,
« thốt lời thành thơ ». Từ đó thơ Vân Uyên xuất hiện đều đặn, nhiều
nơi, ngôn từ ẩn hiện thâm trầm ngay trong các tựa đề : - Tinh thể (số 126.
7-1996), - Thiên Minh (số 129. 12-1996), - Phúc Ngôn (số 133. 4-1997), - Độc
huyền cầm, Mạch ngọc Tuyền (số 155. 7-1999), - Xuân Thiên ước (số 160. 2-2000).
. . Nhưng Vân Uyên vẫn có những lời thơ giản dị như : - Nhớ lời mẹ thương (số
147. 11-1998), - Giọt lệ rơi (số 164. 6-2000), - Nở bông hương tình (số 159.
1-2000), - Niềm vui tiệc cưới (số 162. 5-2000).
2.
Ban Mục Vụ Hôn nhân. Bác sĩ
Nguyễn Văn Ái tham dự ban này, từ 1995 đến 2000, trong chức vụ trưởng ban. Công
việc chính của Ban là giúp Ban Giám Đốc Giáo xứ làm tốt việc chuẩn bị hôn nhân
cho giới trẻ sắp bước vào đời sống gia đình. Mỗi năm có hai khóa chuẩn bị hôn
nhân : khóa Giáng sinh và khóa Phục Sinh. Mỗi khóa gồm sáu tối thứ sáu
liên tiếp. Năm tối đầu học hiểu về các đề tài hôn phối. Mỗi tối có hai đề tài
do hai giảng viên phụ trách. Tối thứ sáu cuối cùng làm tổng kết chung và bế
giảng, trao « Chứng chỉ dự bị hôn nhân ». Ban Mục Vụ Hôn Nhân gồm 10
giảng viên phụ trách 10 đề tài sau đây : 1- Lm Mai Đức Vinh về « Mục
đích và đặc tính của Bí Tích Hôn Phối ». 2- Ls Lê Đình Thông về « Gia
đình với dân luật của Pháp ». 3- Bs Nguyễn Văn Ái về « Đời sống sinh
lý vợ chồng », kiêm chức trưởng ban. 4- Gs Nguyễn Văn Thạch về « Đời
sống đạo đức của gia đình ». 5- Gs Trần Văn Cảnh về « Giáo dục con
cái », kiêm chức thư ký ban. 6- Bs Tạ Thanh Minh về « Phương pháp
dưỡng thai và dưỡng nhi. 7- Gs Phạm Bá Nha về « Vấn đề tài chánh trong gia
đình ». 8- Bs Nguyễn Ngọc Đỉnh về « Người chồng tốt ». 9- Bà Gs Tạ Thanh Minh Khánh về « Người vợ
tốt ». 10- Lm Đinh Đồng Thượng Sách
về « Phụng vụ hôn nhân ».
Ngoài việc chuẩn bị hôn nhân, Ban mục vụ hôn
nhân còn lập thêm 3 việc mục vụ khác : tổ chức « Khánh nhật kỷ niệm
hôn nhân » từ năm 1996 ; lập « Khánh nhật thượng thọ » từ
năm 1999 và lập « Nhóm Gia đình trẻ » từ năm 2001. Với 4 sinh hoạt
hôn nhân và gia đình, ngày nay, ban đã đổi tên là « Ban Mục Vụ Hôn nhân
Gia Đình ».
3.
Ban Tu thư. Bác sĩ Nguyễn Văn
Ái góp phần thành lập và sinh hoạt trong Ban Tu Thư từ năm 1997, với việc biên
soạn thực hiện cuốn sách « Kỷ uếu 50 năm thành lập Giáo Xứ Việt nam tại
Paris, 1947-1997 ». Từ đó, Bác sĩ Nguyễn Văn Ái là một trong những ngòi
bút chủ lực của Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris, xuất bản sách chuyên đề. Ông
góp bài trong nhiều cuốn “Đường vào tình yêu”, « Văn hóa và Đức
Tin », « Văn hóa gia đình », … và là tác giả duy nhất của cuốn
« Thơ Vân Uyên ».
4.
Ban thuyết trình hội học. Bs
Nguyễn Văn Ái đóng góp vào Ban thuyết trình hội học trong nhiều dịp khác nhau.
Năm 1995, trong Đại Hội Hành hương Lộ Đức, về đề tài : “Gia đình với dinh
dưỡng”. Năm 1999, trong ngày gia đình, về đề
tài “Chữ tình và chữ yêu”. Năm 2007, trong ngày văn hóa thư viện, về đề
tài “Cố linh mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích, 1891-1978”,…
Mở đầu thánh lễ tiễn biệt hôm nay, Đức Ông
Giám Đốc Giuse Mai Đức Vinh thông tin về sự ra đi về Nước Chúa của bác sĩ
Maurice Nguyễn văn Ái vào thứ hai 31.08.2015 vừa qua. Rồi Đức Ông nhắc nhớ cộng
đoàn về công sức đóng góp quan trọng của bác sĩ vào việc thành lập và phát
triển Giáo Xứ Việt Nam Paris, mà chúng ta có bổn phận phải nhớ ơn.
Và Ngài xin cộng đoàn dâng lễ cầu nguyện cho
linh hồn Maurice Nguyễn Văn Ái trong lễ đưa chân hôm nay và vào thánh lễ an
táng, sẽ được cử hành tại nguyện đường Giáo Xứ Việt Nam Paris vào thứ tư,
09.09.2015, từ 10g30 đến 11g30.
Với lòng cám ơn sâu xa và tâm tình tiễn biệt
nồng nàn, xin có một lời chân tình « Tiễn biệt Văn hữu Vân Uyên Nguyễn Văn
Ái »
Nhè nhẹ êm êm, giấc ngủ say,
Bay về với Chúa, nhẹ nhàng thay.
Con ngoan cháu thảo, kinh cầu nguyện,
Giáo xứ, cộng đoàn, lễ tiễn này.
Văn hữu viếng thăm, lời tiễn biệt,
Bạn hiền, thi hữu, tiếng chia tay.
Tử qui, vỗ cánh về nhà Chúa,
Sinh ký, giã từ nhân thế này.
Thanh Hương
Paris, ngày 06 tháng 09 năm 2015
Cập nhật ngày 10 tháng 11 năm 2016
Thanh Hương Trần Văn Cảnh
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang