II. Chương trình văn nghệ ra mắt Tuyển Tập Thơ Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II 5/ 10/ 2014
Loay hoay mãi rồi cũng tìm được chỗ đậu xe. Đây là cơn ác mộng mỗi khi đến Giáo Xứ Việt Nam Paris : đi từ nhà đến mất ba mươi phút, và lòng vòng tìm chỗ đậu xe mất thêm… hơn một giờ.
Trời mùa thu Paris đẹp như trang thơ. Cơn mưa buổi sáng còn đọng trên vỉa hè, đẫm chiếc lá vàng rơi. Bây giờ là gần mười một giờ. Trễ rồi nên tôi bước vội, cũng nhanh như những cơn gió lạnh lướt qua.
Vừa đến nơi thì thấy đôi uyên ương Bạch Thảo + Kim Tuấn miệng tươi cười nhưng đầu chân mầy nhiu nhíu: « Đến rồi à ! » Cách nói của Kim Tuấn, người chịu trách nhiệm chương trình Chiều Thơ Nhạc hôm nay, ngụ ý : « Giờ nầy mới đến ! » Bạch Thảo vẫn nhỏ xíu như bao nhiêu năm nay và vẫn luôn bao dung, thông cảm : « Tìm chỗ đậu xe khó nhỉ ! » – người như thế nên hát thánh ca hay quá là phải rồi – Tôi vớ ngay cái phao : « Trời mưa gió lạnh lẽo thế nầy mà có ông Tây dại thật, đánh xe bát phố nhường chỗ cho tôi ». Trúc Tiên đứng bên cạnh tôi, giờ mới lên tiếng : « Ừ, trời thế nầy, không biết có nhiều người đến dự không ?… » Những ai đã từng tổ chức các chương trình văn nghệ khiêu vũ, triển lãm tranh, ra mắt sách… đều mang nỗi lo canh cánh bên lòng thế nầy. Tôi bấm bụng cười thầm vì chợt nhớ câu cuối trong bài thơ Mùa Lúa Mới chốc nữa sẽ được ngân nga : « Xin cho mưa thuận cầu mong gió hoà ». Có mưa có gió đủ cả đấy, muốn gì nữa !
Đằng kia, anh Xuân Giao lững thững bước đến, cặp nách cái hộp kèn saxophone nhẹ hẫng. Nghệ sĩ thổi kèn harmonica thì còn khoẻ hơn nữa ! Ca Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể có cô nhỏ Bảo Trâm mảnh người nhưng kéo đàn trung hồ cầm (violoncelle) to khổng lồ, thế là mỗi thứ bảy hát lễ có… ông bố (Trung Huy) khuân đàn – cô con gái yêu sáu tuổi của tôi cũng theo học nhạc cụ nầy, hiện giờ đàn của cháu chỉ mới to bằng cây vĩ cầm (violon) ; tương lai tươi sáng…
Nhắc đến Bảo Trâm thì nhớ : Anh Tú, mẹ của Bảo Trâm, sẽ hướng dẫn Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể góp mặt chiều nay với vũ khúc nối Theo Ngài với Mưa Xuân, hai ca khúc do nhạc sĩ linh mục Vũ Thái Hoà phổ từ thơ của Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II. Phải có đóng góp của giới trẻ chứ, vì chính Ngài đã sáng lập ra Ngày Giới Trẻ Thế Giới và dạy bảo : « Chúng con là niềm hy vọng của Cha, của Giáo Hội, và của xã hội. Với sức mạnh của Ðức Tin trẻ trung của chúng con, chúng con nâng đỡ cho niềm hy vọng về một thế giới được canh tân trong Chúa Kitô. »
Bước bên cạnh anh Xuân Giao luôn là hiền-thê-ca-sĩ Lệ Thanh. Với cái ống khuếch thanh (microphone) hiện đang trong túi áo, lát nữa Lệ Thanh sẽ Giếng Nước Đầu Làng do Trung Nguyên phổ nhạc… Anh Xuân Giao là con nhạc sĩ kèn đồng Xuân Tiên, và gọi nhạc sĩ (cũng kèn đồng) Xuân Lôi bằng chú, thì thổi kèn đồng là phải rồi ; rồi cưới vợ cũng đam mê âm nhạc là đúng điệu, không trật nhịp. Chỉ là cả hai anh chị đều người gốc Bắc chứ không Tình Bắc Duyên Nam.
Chúng tôi kéo nhau bước xuống hậu trường thì gặp ban Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc đang rầm rộ thao diễn hợp tấu trong khi chờ giờ lên sân khấu dưới sự chỉ dẫn của chị Phương Oanh. Tôi quen chị Phương Oanh đã hơn ba mươi năm rồi và xem chị trình tấu dám có đến vài trăm lần mà, ơ hay, chị vẫn thế : vẫn trẻ trung như muôn thủa, vẫn tươi vui và luôn say mê. Hình như nghệ thuật khiến người ta yêu đời (yêu người nữa !) và làm thời gian thủa ban đầu dừng lại trên gương mặt. Tôi mà nói tuổi chị thì bảo đảm có những cặp mắt sẽ tròn xoe !
Kim Tuấn thủ thỉ với hướng trình viên Trúc Tiên, nhưng tôi nghe lóm được : « Chương trình có chút ít thay đổi giờ chót… » ; bèn cự nự : « Thay đổi gì nữa ? Tối hôm qua đã gọi là “thay đổi giờ chót” rồi, tôi phải thức khuya dậy sớm (kể công một chút vậy mà) để viết lại bài thuyết trình, giờ lại thay đổi gì nữa ?… Hả ?… Hả ? »
Cứ kệ hai người đó say sưa với trò “thay đổi chương trình vào giờ chót”, tôi thong thả dời gót ngọc sang diễn phòng. Những dãy ghế gỗ nâu xẫm đã được sắp đặt ngay ngắn đối diện với khán đài nho nhỏ xinh xinh cao độ hơn thước. Tấm ảnh nền vĩ đại tựa lưng sân khấu với chân dung Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II và những viên gạch xám trên nền xanh lá mạ trông sống động, tươi sáng và tràn ngập niềm tin vào ngày mai – cùng thể thức và màu sắc với bìa Tuyển Tập Thơ Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II – do Trúc Tiên thực hiện, cộng với những bức màn rũ màu huyết dụ tạo nên không khí trang nghiêm nhưng thân tình dìu dịu. Hoan hô Trúc Tiên và hoan hô anh Nhân đã ra công trang trí, sắp đặt tối hôm qua đến mãi khuya lắc khuya lơ (vì các lớp Việt Ngữ của Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể và tiếp theo sau là thánh lễ chấm dứt vào lúc mười chín giờ rưỡi mỗi chiều thứ bảy).
Diễn phòng là nhà nguyện cắt đôi theo chiều ngang và được che chắn bằng những bức tường di động – không bấm nút, mà phải cong lưng đẩy : hò yô ta ới hò yô ta ! – bằng gỗ, màu nâu xẫm luôn được lau chùi bóng loáng. Khi nào đông người dự thánh lễ thì đẩy ra, ít người thì kéo lại và phân nửa bên nầy dùng vào các việc phòng lớp, với những phiên chắn, cho các em thiếu nhi xinh hoạt (nên ồn kinh khiếp) hoặc hội thảo, văn nghệ (cũng náo nhiệt không kém)… Chiều nay là buổi ra mắt tác phẩm Tuyển Tập Thơ Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II do anh Lê Đình Thông xuất công biên soạn.
Ừ nhỉ, giờ nầy sao vẫn chưa thấy anh Lê Đình Thông ló dạng ? Nhân vật chính ngày hôm nay mà (dĩ nhiên là sau Thánh giáo Hoàng rồi) !
Đôi khi tôi nghĩ : anh Lê Đình Thông có thành công trong việc chuyển ngữ 25 tuyệt tác của Thánh Giáo Hoàng không ? Tôi thì thấy hay lắm, nhưng tôi không là thì sĩ và cũng không sỏi thơ ; và dĩ nhiên là trong khán phòng nầy, chốc nữa, sẽ hiện diện không ít những nhà văn, nhà thơ – “dự đoán thời tiết” báo Thi Sĩ Cung Chi và Thầy Phạm Bá Nha, Chủ Bút nguyệt san Giáo Sứ Việt Nam (thầy của tôi) sẽ đến tham dự – nên chắc không dám đa sự lạm bàn. Có điều : chỉ 25 vầng thơ trong tuyển tập mà hiện nay đã được phổ đến hơn 60 nhạc phẩm, và vẫn còn tiếp tục… Thế thì cũng đã có chút ít khái niệm để bước từ nghi vấn “có hay hay không ?” sang một, gần như khẳng định, vì còn chút hoài nghi : “hẳn là hay !”
Tiện đây cũng xin mạn phép gửi gấm đôi điều rằng những thi phẩm của Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II được phổ từ cung đàn những nhạc sĩ thành viên Hội Nhạc Sĩ Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại. Đây là một hội thành lập chính thức mới chỉ cách nay… vài hôm ; quy tụ 83 nhạc sĩ mà thành viên, một số không nhỏ, lại còn là linh mục, nam nữ tu sĩ. Cư ngụ ở Pháp chỉ có bốn người : các linh mục Vũ Mộng Thơ (xin cho hay rằng : linh mục Vũ Mộng Thơ chính là người ra công gom góm tài chính để giúp anh Lê Đình Thông in ấn Tuyển Tập Thơ Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II), LM Nguyễn Văn Sâm (bút danh Âu Sâm), LM Vũ Thái Hoà và… tôi. Tôi cũng được hân hạnh có tên trong danh sách, nhưng… không phải là tu sĩ, và cũng không chắc mai nầy sẽ được lên thiên đàng. Chủ trương của Hội Nhạc Sĩ Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại là “cùng nhau ca tụng Thiên Chúa và phục vụ giáo hội trong phạm vi Thánh Nhạc”.
Chốc nữa đây sẽ trình chiếu diễn ảnh (slideshow) một số nhạc phẩm phổ từ thơ Thánh Giáo Hoàng của các thành viên Hội Nhạc Sĩ Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại. Công Bình chịu trách nhiệm thêm về phần “tiền phụ lục” nầy – không tính nhiệm vụ thu hình – vì giờ chót được tin Đức Ông Mai Đức Vinh sẽ đến trễ để khai mạc, chương trình lùi lại một giờ. Tối hôm qua Công Bình còn gửi điện thư (e-mail) đến Trúc Tiên hỏi dây nối từ máy tính sang máy chiếu.
Trông thấy Công Bình đang loay hoay dưới gầm bàn với những đường dây điện chằng chịt, tôi rón rén, khe khẽ : « Sao, sẵn sàng cả chứ ? » Công Bình với vẻ mặt trầm trọng : « Đứng vào đây để mình quay thử xem có vào máy không ! » « Vụ nầy thì nên tìm người đẹp cho mát máy chứ ! » Chưa dứt lời thì thấy Trúc Tiên hối hả bước tới. « Nhờ Trúc Tiên kìa ! » Vừa đến nơi chúng tôi, Trúc Tiên bảo : « Anh bình ơi, lại có thay đổi giờ chót, vì còn Lễ Giới Trẻ (nửa phòng bên cạnh) nên phải huỷ phần diễn ảnh vì sợ ồn, chỉ giữ một bài thôi. Chương trình lùi thêm nửa giờ. » Tội nghiệp Công Bình, cất công chuẩn bị máy móc, dựng màn ảnh chỉ để chiếu… mỗi một bài. Công Bình vẫn thản nhiên : Magnificat của Văn Duy Tùng, nha. »
Sợ đứng gần trúc Tiên lâu sẽ bị sai vặt nên tôi hùng dũng tiến về phía sân khấu, nơi Chương và anh Khánh đang vất vả với giàn âm thanh. Chương bảo : « Lên nói vài câu thử âm thanh đi ! » « Không. Không được làm ồn ! bên kia đang có lễ. » Sáng nay cũng có lễ do Đức Ông Mai Đức Vinh chủ tế [Xin đọc bài Thánh Lễ Chúa Nhật 05.10.2014 Và Chiều Thơ Nhạc Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II – Giang Minh Đức]. Tôi hỏi : « Sao không chỉnh âm thanh hôm qua ? » « Hôm qua lễ xong đã gần tám giờ tối rồi, ban “cần lao” còn phải dàn dựng sân khấu… Gắn được mấy cái loa lên là đã may lắm rồi, thì giờ đâu nữa mà chỉnh âm với chỉnh thanh. » Tôi vẫn thắc mắc : « Thế còn sáng hôm nay ? » « Sáng hôm nay thì một thánh lễ 10 giờ rưỡi đến 11 giờ rưỡi, một thánh lễ 11 giờ rưỡi đến 12 giờ rưỡi, lại còn thánh lễ Giới Trẻ, Cha Sinh chủ tế, từ 12 giờ rưỡi đến 13 giờ rưỡi… » Tôi nghĩ thầm : hi vọng sau lễ thì giới trẻ sẽ tiện chân bước sang đây xem văn nghệ. Cảm ơn Cha Sinh.
Quả là có chút đỉnh trục trặc kĩ thuật âm thanh sau đó. Nói ra đây chỉ để mọi người thông cảm cho vì thì giờ eo hẹp. Từ tối hôm qua đã thấy xe chở máy móc âm thanh của Chương đến rồi… Tôi quen Chương đã lâu mà mãi hôm nay mới biết Chương là em ruột chị Mai – cô hàng cà phê của tôi – tức là em vợ của anh Hảo. Anh Hảo cùng với Huy và Hiếu phụ trách phần nhiếp ảnh ngày hôm nay. Thế nên, phận sự của Quốc Việt, con trai lớn của chị Mai + anh Hảo là phụ cậu Chương khuân loa. Chương trông còn có da có thịt một chút, chứ như anh Khánh ốm nhom ốm nhách, qua cầu gió bay… ; Quốc Việt mỗi tay xách một loa phóng thang lầu phăng phăng trong khi anh Khánh và Chương, hai người khệ nệ khuân một cái loa lần từng bước thang một trông mà tội nghiệp. Những cảnh nầy khiến tôi đau lòng lắm, không dám nhìn và thường lẩn chỗ khác cho mau (!)
Tôi đi tìm anh Lê Đình Thông một chốc thì gặp. Anh vận âu phục đen, áo sơ mi trắng, cà vạt chấm tím trông thật lịch lãm và… duyên dáng. Anh Thông to lớn như cái tủ, đứng cạnh tôi thì sẽ chẳng còn ai trông thấy tôi. Nghĩ thế tôi cũng an tâm đôi phần vì chả quen chuyện sân khấu sân khiết gì cả. Nét mặt anh Thông có vẻ hơi mệt mỏi và căng thẳng, nhưng vẫn cười tươi : « Tí nữa đừng làm khó tôi quá nhé. » [Xin đọc Vấn Đáp : Vũ Hạ - Lê Đình Thông]
Nhờ anh Lê Đình Thông qua tác phẩm Tuyển Tập Thơ Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II mà tôi biết thêm về thi tài của Thánh Giáo Hoàng và đất nước Ba Lan của Ngài.
Nhắc đến Ba Lan thì không khỏi liên tưởng ngay đến những danh nhân như : Marie Curie với hai giải Nobel Vật Lý và Hóa Học, thiên tài âm nhạc Chopin, nhà thiên văn học Copernicus với thuyết Nhân Tâm, Nobel Văn Chương Sienkiewicz… và gần đây, hai trong những tác nhân trọng yếu khiến khối Cộng Sản xụp đổ là giải Nobel Hòa Bình Lech Wałęsa và…, và vị Thánh Giáo Hoàng kính yêu, Gioan-Phaolô II.
Ngài không chỉ là Thánh Giáo Hoàng, mà trước đó, đã nổi tiếng với những vầng thơ tuyệt mĩ ; được mệnh danh là một trong bảy đại thi hào của nền văn học Ba Lan, sánh vai với thi hào bậc nhất Âu Châu thuộc trường phái lãng mạn, Adam Mickiewicz. Thú thật, về thi tài của Ngài thì tôi mới biết đây thôi.
Và hiểu biết thêm về thân thế và con đường Ngài đi nữa…
Tôi nhớ, có một dạo cái giọng khàn khàn cứ như bát sành vỡ của Pierre Bachelet xuất hiện dầy đặc các đài phát thanh cũng như màn ảnh truyền hình Pháp với ca khúc đầy lạc quan, lắm nhiệt tình và gom góp nhận xét qua những câu thế nầy :
« Il descend de l’avion il embrasse la terre
A genoux sur le sol comme on fait sa prière
Et même les officiels ne savent plus quoi faire
Avec leurs vieux discours, leurs tenues militaires…
… … …
Dieu que le ciel est bleu quand on le voit si blanc
Comme une voile qui bouge sur la marée des gens… »
Khi đó là khoảng hè năm 1989 và ca khúc L’homme en Blanc nói về vị giáo hoàng đương nhiệm, Gioan-Phaolô II của chúng ta. Tôi vội chạy đi mua về nghe đến mòn cái đĩa 45 vòng.
Mãi đến năm 1979 tôi mới vượt biển được để đến bến bờ Tự Do, tức là một năm sau ngày Ngài chịu chức. Ngài chịu chức vào cuối năm 1978. Những năm sống dưới chế độ độc tài bưng bít thông tin – không gì ngoài thế giới Cộng Sản – nên ngay cả ban nhạc ABBA mà tôi còn không biết thì nói gì đến Đức Giáo Hoàng.
Khi đặt chân đến Pháp tôi mới biết vị ấy tên gọi Gioan-Phaolô II và được trông thấy Ngài… tuy chỉ trong ảnh thôi chứ không may mắn như Linh Mục Jean-François Petit, Tiến Sĩ Giáo Sư Triết Học Đại Học Công Giáo Paris, đã kể trong bài thuyết trình hôm nay về cuộc diện kiến và đồng tế của ông với Thánh Giáo Hoàng tại thành phố Lourdes năm 2004.
Gioan-Phaolô II là vị Giáo Hoàng không phải người Ý kể từ Giáo Hoàng người Hoà Lan, Adrien VI của hơn bốn thế kỉ trước (1520) ; và là vị giáo hoàng đầu tiên người Ba Lan.
Ba Lan đã từng là một quốc gia phú cường vào bậc nhất châu Âu. Nhưng Ba Lan của Ngài thủa đó đầy đau khổ vì chiến tranh. Mới vừa được tái lập sau đệ nhất thế chiến thì lại buộc phải khẳng định độc lập bằng những xung đột quân sự chống Cộng Sản Xô Viết (1919-1921). Và Ngài chào đời ngay trong cuộc chiến nầy, năm 1920.
Chưa được bao lâu thì Ba Lan lại bị chia cắt bởi hai cường quốc thời bấy giờ là Đức Quốc Xã và Cộng Sản Xô Viết (1939) – khi ấy Ngài mới 19 tuổi – và thế chiến thứ hai nổ tung ra. Trong thế chiến nầy, Ba Lan tổn thất sáu triệu dân quân, là con số lớn nhất tính theo tỉ lệ dân số quốc gia.
Mới chiến thắng chống Đức Quốc Xã với số quân tham chiến đứng vào hàng thứ tư của phe Đồng Minh thì lập tức rơi ngay vào quỹ đạo Cộng Sản, cùng số phận với một số quốc gia Đông Âu khác theo hiệp định Yalta. Mất mát chưa đủ, lại còn đói khát và những nhà tù mọc lên như nấm…
Vào thời điểm Ba Lan đẫm mình trong chiến tranh chống xâm lược thì vũ khí đắc thế của Ngài là ngòi bút và những vở kịch – Ngài là kịch tác gia, là nghệ sĩ – lẽ tất nhiên khi ấy phần lớn tác phẩm của Ngài là với chủ đề yêu nước. Tình yêu nước, Ngài mang theo suốt cuộc đời, vì sau này, khi đã là Giáo Hoàng, Ngài chân thành bày tỏ : « Dù là Giáo Hoàng, tôi vẫn có trái tim để yêu quê hương và đất nước của tôi, như các bạn ». Ngài còn khẳng khái tuyên bố : « Tôi sẽ cởi áo giáo hoàng để về bảo vệ và chiến đấu nếu Liên Xô hay một quốc gia nào đó tiến quân xâm lược đất nước tôi ! »
Trong phần đời thanh thiếu niên, Ngài cũng như những thanh thiếu niên khác, khi thì phủ áo trận đen khói thuốc, lúc thì khoác áo công nhân rách tả tơi… Chưa hết, trong suốt thời gian nầy Ngài đã phải nhìn từng người thân lần lượt ra đi…, để đến năm 21 tuổi thì chẳng còn ai nữa cả…
Chương trình có dời mãi thì cũng đến lúc khai mạc.
Đức Ông Mai Đức Vinh tuy đã xấp xỉ tám mươi nhưng vẫn đứng thẳng trong cánh áo đen, giọng nói vẫn sang sảng chào đón quan khách :
« …
Tôi còn có thêm hai thán phục :
1.
Thán phục một vị Giáo Hoàng Thi Sĩ. Đây là sự hiếm có trong lịch sử Giáo Hội. Hơn nữa, tiêu đề của 25 bài thơ chứng tỏ Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, ngay khi còn là sinh viên đời, cho tới khi vào chủng viện, chịu chức linh mục và lên ngôi giáo hoàng, Ngài luôn có một tinh thần “siêu nhiên và mục vụ” vừa rất gần với Thiên Chúa vừa rất gần với con người.
2.
Thán phục một luật gia thường quen với những “nguyên tắc cứng nhắc” lại có khả năng và ngòi bút văn chương đa dạng (viết về lịch sử, thần học, tu đức, triết học, thời sự, làm thơ, dịch thơ…) rất được thính giả và độc giả ái mộ. Vì thế tôi không chỉ thán phục tác giả của 25 bài thơ mà cong thán phục người có tài và đã có công hoàn thành Tuyển Tập Thơ Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II nầy.
… »
Lời Đức Ông quả đúng. Trọn cuộc đời Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, Ngài đã công du 129 quốc gia và thông thạo mười ngôn ngữ (nghe nói Ngài cũng biết một chút tiếng Việt), nhưng thi phú thì phần lớn Ngài viết bằng tiếng… Ba Lan. Thú thật, tôi chưa hề đọc thơ Ngài… bằng tiếng Ba Lan vì lẽ giản dị là… vì tôi không biết tiếng Ba Lan ; mãi cho đến gần đây tôi được đọc thơ Ngài, bằng tiếng Việt, qua tuyển tập thơ do anh Lê Đình Thông chuyển ngữ.
Ta vẫn thường nghe nói : “Traduire, c’est trahir” (dịch là phản). Văn hào Victor Hugo cũng đã từng nói : “Dịch văn cũng như đổ rượu từ bình lớn sang bình nhỏ, sự mất mát tất nhiên sẽ xảy ra.” Đồng ý vô cùng ! Nhưng, có thể khác về lượng thật – bình lớn sang bình nhỏ – nhưng về phẩm thì… rượu ngon vẫn là rượu ngon. Có ít đi thì vẫn cứ là rượu ngon.
Đôi khi tôi nghĩ : anh Thông đây gan thật. Gan cùng mình ! Dám chuyển ngữ 25 tuyệt tác của Thánh Giáo Hoàng, một trong bảy thi hào của Ba Lan ; đó là chưa kể đến màu sắc tâm linh của đấng tu hành. Chuyến nầy, thêm một bài nữa hẳn anh ấy… đắc đạo. Nếu không thì… lại thêm một bài nữa… Rồi thêm một bài nữa (!)
Nhưng, dám làm là một chuyện, làm được hay không lại là chuyện khác.
Tôi thấy anh Lê Đình Thông… làm được đấy chứ ! Bằng chứng là hôm nay ra mắt Tuyển Tập Thơ Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đây. Thế, làm được nhưng có hay hay không thì được chứng minh phần nào qua những ca khúc trình tấu của buổi ra mắt nầy. Mở đầu là hợp xướng Theo Ngài, Hàn Thư Sinh phổ nhạc và do Ca Đoàn Giáo Xứ trình bày theo cây đũa thần kì của ca đoàn trưởng, anh Huy.
Trúc Tiên, hướng trình viên, tươi tắn trong màu áo dài lá mạ là đồng phục của nhóm Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc. Trúc Tiên với nụ cười luôn đậu trên môi, ánh mắt sáng ngời :
« Triều đại Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đậm sắc văn học. Vì Ngài còn là kịch tác gia, là thi nhân ; ngài luôn đề cao hội nhập văn hóa nhằm diễn đạt Tin Mừng đến mọi dân tộc. Trong ý nghĩa này, ý thơ của Ngài được chuyển đến chúng ta qua ngôn ngữ và các thể thơ quen thuộc như Lục Bát, Song Thất Lục Bát, thơ Tự Do và cả thơ Đường.
Ở đây Trúc Tiên muốn nói đến sự mầu nhiệm của ngôn ngữ thơ, quả thật như vậy, không những thơ khoác áo óng ả, mềm mại lên những từ ngữ khô khan, thơ còn là con đường khác đưa ta về thực tại. Không nhằm thuyết phục, thơ vẽ lại dòng đời mà thoạt nhìn ta không cảm nhận sâu xa. Cho nên chúng ta không lạ gì khi Thánh Đức Cha đã dùng thi văn để thay cho lời nguyện… »
Và trỗi lên Mẹ Ơi sau đó là Hoa Trắng, hai sáng tác của Phạm Đức Huyến. Mở đầu bằng giọng ngâm nỉ non của Trúc Tiên, được tiếp nối với giọng hát và tiếng sáo của Mỹ Ly. Nhóm Phượng Ca, ngoài hai giọng ngân mượt mà xinh đẹp, còn thánh thót với chị Phương Oanh và Vân Anh (đàn tranh), ông Tây Gérard Andrieux (đàn nguyệt), Vincent Hiếu (đàn nhị), cô Mai (vĩ cầm), anh Thơ (tây ban cầm) và Xuân Giao (dương cầm). Cả hội trường im lắng. Cảm xúc dâng trào.
« Dòng đời trôi nổi bập bềnh
Qua bao năm tháng lênh đênh nỗi sầu
Mẹ tôi mất cũng đã lâu
Làm sao quên được niềm đau vật vờ…» [Mẹ Ơi]
Mẹ, người mà Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II yêu quý nhất, qua đời khi Ngài mới lên 9. Sau này, có lúc Ngài tâm sự : « Khi mất Mẹ, tôi chưa đủ tuổi rước lễ lần đầu. Mẹ tôi không còn để dự buổi lễ trọng đại đời tôi. Mẹ hằng mong anh tôi là bác sĩ và tôi là linh mục. Mẹ tôi mất mà không thấy mong ước thành sự thật ». Trong bài Matka (Mẹ) in trong tập Poezje có câu : « Ta nghe trong thinh lặng oà lên tiếng nức nở gọi mẹ “mamo, mamo” ». Nỗi đau không dứt nên mỗi khi nhắc đến Mẹ, không thể nào Ngài cầm được nước mắt…
« … Mẹ tôi mộ trắng xót thương
Tình yêu hoa trắng còn vương cõi trần
Con hằng nhớ tới mẫu thân
Cầu xin mẹ hưởng phúc ân nước trời. » [Hoa Trắng]
Anh Lê Đình Thông đã đặc biệt thành công khi chuyển ngữ hai thi phẩm nầy ; có lẽ vì anh cũng đã mất mẹ, cũng đau đáu nỗi niềm. Nỗi buồn mất mẹ của thánh nhân của con người quyện hoà vào nhau làm một. Hai vầng thơ lục bát mộc mạc chân chất tình. Sao mà nức nở ! Sao mà nghẹn ngào ! Sao mà cuồn cuộn dâng trào…
Có lẽ vì thế mà đây là hai bài thơ được phổ nhạc nhiều nhất : 5 nhạc phẩm cho Mẹ Ơi (Vũ Mộng Thơ, Phạm Đức Huyến, Phạm Trung, Văn Duy Tùng và Nguyễn Văn Viên) ; Hoa Trắng với 8 ca khúc (Mi Trầm, Kiều Linh, Liên Bình Định, Phạm Đức Huyến, Nguyên Long, Trần Thuỵ Minh, Trung Nguyên, Văn Duy Tùng và mới đây thôi, sau cả buổi ra mắt, của Khôi Nguyên ; vị chi là 9). Mùa Lúa Mới cũng không kém, với 4 nhạc phẩm của Thanh Hiên, Văn Duy Tùng, Nguyễn Văn Hiển và giờ đây : phiên bản của Anh Thơ được cất tiếng từ đôi uyên ương Quỳnh Trang và Xuân Chương (chuyên viên âm thanh), và theo Trúc Tiên nhận định :
« Chúng ta sẽ thấy bác nhà nông cày cấy mà, có thể, bác nhà nông đó cũng chính là Ngài với những mong ước giản dị, bình thường…
Ánh mắt nào còn mong còn đợi
Mau đến mùa lúa mới đơm bông
Cấy cày vất vả nhiều công
Mong sao mưa thuận, cầu mong gió hòa... » [Mùa Lúa Mới]
Chương trình tiếp nối với nhạc phẩm Mưa Xuân. Thi phẩm nhỏ bé nầy – chỉ vỏn vẹn 8 câu – được hai nhạc sĩ phổ rất hay là Kiều Linh và Vũ Thái Hoà (ngắn thế mà vẫn phổ được nhạc, bái phục). Đặc biệt là phiên bản của linh mục Vũ Thái Hoà phổ theo điệu tango nhưng anh Khánh lại trình bày theo thể blue ; giọng anh cao vút, nhẹ nhàng và truyền cảm, tương phản với tiếng kèn saxophone của anh Xuân Giao. Anh Khánh quả trứ danh là : tài không… ngại tuổi. Biến tấu tuyệt vời !
Mưa hoài cành lá xuân xanh
Giọt mưa nặng trĩu cây cành lả lơi
Thiên nhiên đẹp đẽ tuyệt vời
Bao nhiêu ý nghĩ chơi vơi thuyền đò
Nầy thôi đừng nói quanh co
Hãy như em bé mở to mắt nhìn
Trí ta thăm thẳm nài xin
Thấy chăng xuân đến niềm tin đất trời. [Mưa Xuân]
Tôi vẫn tiếp tục bay bổng với Mưa Xuân nếu anh Lê Đình Thông không vội vội vàng vàng cởi bỏ áo ngoài để chỉ sơ mi trắng cùng Ca Đoàn Giáo Xứ lục đục bước lên sân khấu cho hợp xướng Mầu Nhiệm Vượt Qua, một ca khúc của Thế Thông. Anh Lê Đình Thông bị dúi đứng tuốt phía sau của ca đoàn chắc không phải vì hát dở, cái giọng ồm ồm mà vì, như đã thưa, anh to lớn quá thể, bệ vệ quá chừng ; và vì như cổ nhân ta dạy : đẹp khoe xấu che, phía trước là các cô tha thướt trong những tà áo dài muôn màu… Và cũng như khi mở đầu, Đức Ông Mai Đức Vinh xướng kinh nguyện cầu bế mạc chương trình.
Tôi thoáng trông thấy Sơ Phú tuy cao tuổi vẫn đón xe đến ngồi tuốt phía sau. Quan khách có nhiều vị cao tuổi như sơ. Quý hoá quá ! Cũng có khoảng 150 người hứng mưa đỡ gió đến tham dự chương trình ra mắt sách của anh Lê Đình Thông với phần văn nghệ bỏ túi : trình bày 9 ca khúc cộng với 1 nhạc phẩm cho diễn ảnh (slideshow), vị chi là 10 trong vòng một giờ rưỡi.
Sau đó là màn, li kì không kém, là mọi người quây quần bên nhau và bên những khay bánh, tách trà do ban tổ chức thiết đãi. Chị Hiện uỷ lạo một số bánh ngọt thêm vào số đã có sẵn. Trà và cà phê thì Trúc Tiên đã chuẩn bị trước và mang đến sáng nay. Xin “bật mí” một chút, một chút thôi, là : cô áo dài màu lục luôn tươi cười, liếng thoắng và xinh như hoa, ấy là Cô Nhà tôi. Lỉnh kỉnh nào trà, nào cà phê là do tôi mang từ xe vào cho hai tay hoá dài quá gối (lại kể công).
Anh Lê Đình Thông ngồi sau cái quầy, tay múa bút, tay đánh ấn (cứ như các ông quan thời xưa) kí tặng trên những trang sách cho độc giá với giá thân hữu, chỉ 10 đồng âu mỗi quyển của Tuyển Tập Thơ Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II và Triết Học Nhân Bản của Thánh Gioan-Phaolô II. Trước khi khai mạc chương trình, tôi phụ anh ấy khệ nệ khuân mấy chống sách xuống khán phòng thì tôi đã gạt mồ hôi, cự nự : « Mang gì lắm thế ?! » Mà không ngờ chống sách ngất ngưởng cứ vơi dần, vơi dần, và ló dạng phía sau là chị Phúc, thành viên nhóm Thư Viện Giáo xứ – thành viên thư viện mà bán sách thì phải rồi ! – Chị Phúc thu tiền bỏ túi, thu tiền bỏ túi, cứ thu tiền bỏ túi… Trông chị hớn hở, vui tươi. Anh Lê Đình Thông cảm tạ không ngớt và chụp ảnh lưu niệm quên cả mệt nhọc…
Mọi người lần lượt, lục đục kéo nhau ra về… – tôi thấy ai trên môi cũng đậu cười – bỏ lại phía sau những bàn, những ghế ; sân khấu lắm màn, lắm ảnh ; những cái loa to kềnh ; những…
Bên ngoài thì mưa thu vẫn còn lất phất bay. Nhưng trong tôi Mưa Xuân vẫn rạt rào, và giọng hát ai.
Vũ Hạ
Paris, tháng 10 năm 2014