THÁNG 11- CÙNG HIỆP THÔNG
“Có một thời sinh ra, có một thời chết đi”
C |
ái chết là dấu chấm hết cho
một sự hiện hữu. Ai trong chúng ta cũng có người thân đã qua dời, đã nằm
xuống nơi này nơi kia, đã trở về cát bụi.
Chết đi rồi thì chẳng còn hiện
hữu trên trần gian này, Không còn tiếng cười nói, chỉ còn tiếng khóc than của
người còn sống và là một sự cảnh tỉnh dành cho người còn sống: Tôi sống để làm
gì? Tôi nỗ lực phấn đấu để được gì? Những hơn thua, lợi lộc mang lại gì cho tôi
khi mà chết đi tôi có mang theo? Cái chết
cũng đặt người ta vào mối bận tâm về các tương quan, những cảm xúc. Cái chết là
một biến cố làm ta cảm nghiệm cách rõ ràng nhất về tính đơn nhất của mình. Chẳng
ai có thể chết thay ta, chết dùm ta, hay đối diện cái chết với cùng một tâm trạng
giống như ta. Người ta có thể chia vui sẻ buồn với ta, nhưng cái chết của ta
thì chỉ một mình ta đảm nhận lấy. Khi tôi chết đi, có kẻ khóc người thương,
nhưng chẳng ai đi cùng tôi, họ đưa tôi đến nghĩa trang, nhất là trong cơn đại dịch
Covid này, không người thân đưa tiễn, không một lời kinh cầu và tôi phải đối diện
với chính bản thân mình.
Với những ai đã lăn lộn trên
hành trình dương gian này suốt một thời gian dài, cái chết có thể là một “sự
yên nghỉ” dành cho họ. Cái chết cũng có
thể bị coi là một sự “quả báo” dành cho những ai đã làm không ít điều xấu xa.
Nó cũng được nhìn đến như một “về nguồn” dưới nhãn quan của một cuộc trở về với
nơi mà từ đó mình được sinh ra. Đôi khi, cuộc sống này có quá nhiều nỗi chán
ngán đến thê lương, nó là một “sự giải thoát” khi buộc người ta phải tìm cho
mình một cái kết. Với người lạc quan, cái chết là cửa ngõ để dẫn vào một sự hiện
hữu khác. Nhưng với người Ki Tô hữu, chết là cánh cửa đi vào chốn vô hình – sự
bất diệt, là trở về với Đấng đã tạo dựng ra ta, là chiêm ngưỡng dung nhan Đấng
đã đi trước và dọn chỗ cho ta.
Trong tháng 11, trời bắt đầu
trở gió, lá bắt đầu chuyển màu rồi rụng xuống, trở về với cội đất lạnh lùng. Cảnh
sắc đất trời như cũng cố khơi gợi lên một nỗi niềm u uẩn của cái không khí đại
dịch Covid. Đất trời thay đổi theo bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, nhưng trong
lòng con người chỉ muốn níu kéo một chút hiện tại, nuối tiếc một chút quá khứ…ta
chỉ muốn mình còn mãi, không muốn thấy sự thay đổi và khó có thể chấp nhận định
luật sinh-diệt của đất trời. Nhưng dẫu sao, dù quyền phép cỡ nào ta cũng không
thể chiến thắng được nó. Biết dừng lại, chấp nhận và vui lòng đón lấy quy luật
này, ta mới có thể bình an và không còn sợ hãi.
Tháng 11 mời gọi con người đi vào trong
một cuộc thay đổi. Nơi đó, họ thấy được chân tướng của hiện sinh, rằng mọi cái
rồi sẽ qua đi, rằng chẳng có gì là tồn tại mãi mãi, ngoại trừ Đấng là nền tảng
cho mọi hiện hữu trên đời. Tháng 11 ảm đạm là thế, nhưng không đưa người ta vào
một cõi thê lương u uất. Tháng 11 cho ta khoảng lặng để suy ngẫm về cái kết của
cuộc đời và phô bày ra trước mắt nhân gian hệ quả của tất cả những chọn lựa.
Lựa chọn là từ bỏ, là hi sinh, là tiêu hao đi, là chịu thiệt thòi, tuy không
muốn nhưng ta chấp nhận nó vì mục đích cao cả với sự thúc đẩy của trái tim. Cái
gì gắn liền với trái tim thì luôn cao đẹp. Với những cái chết như thế này, ta
như thấy mình đang sống và sống sung mãn…Cuộc sống của ta trở nên tươi đẹp nhờ
những cái chết này, là hy sinh cho lợi ích của người khác. Mỗi mất mát ta trao
cho người lại trổ sinh hoa trái vui tươi và thiêng liêng. Đó cũng là sứ mạng,
là ơn gọi mà Đấng Tạo Hóa dành cho ta. . Khi ta tự nguyện thực hành
những hy sinh trong cuộc sống, sự sống của ta trở nên đong đầy, đến nỗi, cả khi
phải đối diện với cái chết thể xác, ta chẳng còn cảm thấy sợ hãi nữa. Ta sẽ thấy mình được đong đầy bởi tình yêu
nên cũng không còn chìm trong quá khứ buồn, trong
những ký ức xa xưa, và nhờ tích góp nhiều nhân đức, ta cũng thoát khỏi cái chết trầm
luân, hạnh phúc ở đời sau là được xây dựng bằng một chút hy sinh ở đời này. Và
ngay khi ta trao gủi tình yêu trong những sự hy sinh nhỏ bé, là ta đã nếm được ngọt
ngào trong tâm hồn.
Tháng 11- Ước mong cho những người thân yêu của mình đang được
hưởng Ánh Sáng mà suốt một đời họ cố gắng hy sinh, và cũng ước mong rằng mai
này cùng họ chung phần.
Lạy
Chúa, ai trong chúng con rồi cũng phải chết. Nhưng con tin rằng đó là giây phút
con được ở cùng với Chúa, được cảm nếm Dung nhan và hoan lạc của Chúa. Con xin
dâng lên Chúa tất cả những ai đang trong cơn hấp hối, những người đau yếu bệnh
tật, nhất là những bệnh nhân nhiễm Virus Corona..sẵn sàng để đến gặp Chúa.
Chúng con cũng xin Chúa giúp con biết sống cuộc sống hy sinh, chết đi cho thân
xác yếu hèn để khi chết, chúng con có thể cười mãn nguyện. Cuộc sống này là
khúc dạo đầu cho một sự sống thật vĩnh cửu. Xin Chúa giúp chúng con sống sao
cho trọn ý Chúa. A men .
Ngọc Linh
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang