Vũ Hạ
Hễ cứ đến mùa thu lá vàng rơi rụng nhiều thì những câu thơ của Lưu Trọng Lư lại sẽ sàng về.
Tiếng Thu được đến hai tài danh âm nhạc phổ thành ca khúc là Phạm Duy và Lê Thương.
“Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp lên lá vàng khô ? ”
Cũng vẫn với hình ảnh nai vàng dẫm lá khô nhưng mỗi nhạc sĩ lại cho ta một cảm xúc khác biệt : bâng khuâng, day dứt ; mỗi người mỗi vẻ.
Đấy là hình ảnh, màu sắc, âm thanh của buổi chiều thu… có tiếng chuông là đà… ; còn vào đêm, khi trăng tròn đã lên cao lung linh xanh toả xuống cõi nhân gian thì sao ?
Thì là Tết Trung Thu chứ sao !
Tết Trung Thu vui với niềm vui bạn nhỏ vì kẹo ngọt bánh dẻo, nhưng Tết Trung Thu sẽ không “Tết” nếu thiếu Chú Cuội :
“Bóng trăng trắng ngà
có cây đa to,
có thằng Cuội già
ôm một mối mơ…
Lặng yên ta nói Cuội nghe
ở cung trăng mãi làm chi…”
(Thằng cuội – Lê Thương)
Và cũng không thể thiếu…
Con bé An Vi 6 tuổi của tôi cả tuần nầy cứ lẩm nhẩm :
“… Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bươm bướm
Em rước đèn nầy đến cung trăng
Đèn xanh lơ với đèn tím tím
Đèn xanh lam với đèn trăng trắng
Trông ánh đèn rực rỡ muôn màu…”
(Rước Đèn Tháng Tám – Đức Quỳnh)
Từ hôm nhập học các lớp Việt ngữ vào thứ bảy trước, đến hôm nay nó cứ véo von. Nghe hay quá ! Trong trẻo như trăng rằm quá ! Tôi gạ chuyện :
– Ai dạy con bài hát trung thu thế ?
– Không, Noël !
– Gì mà Noël. Trung Thu chứ.
– Cô giáo nói Noël ! An Vi phụng phịu.
Thấy con bé trông lên, mắt ướt – cô giáo nói thì phải đúng chứ ! – tôi nhượng bộ :
– Ừ, thì Noël cũng được.
Con bé An Vi mỉm cười đắc thắng, lại hát tiếp :
“Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm…”
Không đợi nó hát hết câu, tôi chộp lấy thời cơ :
– Đấy ! Đấy ! “Tết Trung Thu rước đèn đi chơi” đấy, thấy chưa. Đã bảo là Tết Trung Thu mà ! Noël gì giờ nầy.
– Bố không biết gì hết. Cô giáo nói Noël, có phát quà, có múa lân, có diễn kịch, có hát bài nầy nên tập tụi con hát.
Tôi bấm bụng, nhủ : chắc cô giáo bảo có phát quà, có văn nghệ tạp lục (giống) Noël, mà con bé nghe thiếu một chữ nên cứ đinh ninh… Tôi gắng gượng chống đỡ :
– Noël làm gì có múa lân ?
– Lần nầy có !
– !!!… ???
Tôi hỏi vặn nó lần chót, một lần nữa thôi :
– Nầy, khi nào thì là sinh nhật của con ?
– Trước Noël một tuần. Sinh nhật xong, một tuần sau là Noël, một tuần sau nữa là Tết Dương Lịch, con có ba lần quà.
– Nhờ kĩ nhỉ ! Thế, đến sinh nhật con chưa ?
– Chưa. Sắp đến rồi. Mẹ có hỏi con thích quà gì…
– Đấy, chưa đến sinh nhật của con thì làm gì Noël bây giờ. Bây giờ là Tết trung Thu, trước sinh nhật của con. Nghĩa là con sẽ có đến bốn lần quà.
– Bốn lần quà ?
– Ừ, bốn lần quà !
Mắt con bé sáng lên, không thèm cãi cọ nữa, vui với quà. Nhân đấy tôi giải thích thêm rằng Tết Trung Thu nhằm đêm rằm tháng tám âm lịch, người người vui chơi. Bé thì vui lớn. Lớn thì vui… bé thôi vì có tốn kém chút đỉnh. Dấu vết Trung Thu còn lưu lại trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, tức là cách nay đến nhiều nghìn năm.
Tôi lại nhớ ngày xưa, cái ngày xưa bé loắt choắt chạy theo các anh các chị quanh gốc cây già to xù xụ mà ánh trăng xuyên các kẽ lá rơi xuống mặt đất như những vì tinh tú, hay như những con đom đóm lấp lánh vụt biến mất đi khi tôi bước đến gần với cái đèn Ông Sao trên tay. Cái đèn nầy, anh tôi đã bỏ công bao nhiêu là buổi để tuốt tre nắn vòng, dán giấy kiếng cho tôi. Tôi ngồi chồm hổm cạnh bên xem nó từ lúc mới cặp hai thanh tre vào với nhau cho đến khi cái nến đỏ được đặt vào giữa, và phải chờ…
Rồi ngày thứ bảy, tôi với bầu đoàn thê tử lục đục kéo đến Giáo Xứ cho những giờ Việt ngữ, giáo lí, sinh hoạt, thánh lễ… Các phụ huynh được báo trước rằng những giờ học sẽ được thu ngắn lại, Thánh Lễ sớm hơn, để dành giờ cho buổi “tiệc” Trung Thu.
Thánh Lễ hôm nay – với bài giảng tình Chúa cho trẻ thơ – vừa chấm dứt thì giáo dân xoay người ra sau, thành khán giả cho buổi rước đèn. Các trẻ em của đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể tiến vào ngồi trước sân khấu, tuần tự bé trước lớn sau và đứa nào cũng có một chiếc đèn ống trên tay. Đèn thiên nga với đèn cá chép…, mua thì đắt quá mà làm thì chả ai còn biết, mà nếu có biết làm thì cũng chẳng có vật dụng để tạo… 350 cái đèn đủ kiểu đủ cỡ. Thôi thì đèn ống vậy, cũng đẹp chán và cũng đủ soi hồng những gương mặt hồn nhiên, vui tươi, pha chút thấp thỏm sợ cháy đèn.
Nghĩ cho cùng thì thấy dân ta liều thật, phòng lễ và phòng văn nghệ đông ngươi chật chội lại thuộc tầng dưới cùng (-2), cầu thang thì nhỏ hẹp, thế mà dám cho cả đám rước đèn nến thật. Tất cả nguy hiểm “coi như pha”. Bọn nhỏ còn được mỗi đứa một bịch nào bánh nào kẹo để chia chác tráo đổi với nhau chí choé ầm cả lên. Tôi thoáng trông thấy đằng xa xa thằng bé Phi Lam 11 tuổi của tôi – cái thằng mới đây tỉnh bơ tuyên bố Chị Hằng, Chú Cuội không có thật ! – đang đổi kẹo, chiếc thích chiếc không thích, với hai đứa bạn cùng lớp : Quân và Lĩnh. Mặt chúng nó tươi roi rói, cười nắc nẻ ; không có Chị Hằng, Chú Cuội nhưng có kẹo, có bánh, có bạn là vui rồi.
Con Lân vàng uốn éo vào hội như lên đồng, như phải gió, trong tiếng trống ba “thùng thình thùng”. Tết Nguyên Đán xem múa lân, đến Tết trung Thu cũng xem múa lân thế mà bọn nhỏ không chán, vẫn cứ xoe mắt, chỉ chỏ và khâm phục anh lân phóng lên cao quá, dễ cũng đến 20 phân. Linh Mục Tuyên Uý Đinh Đồng Thượng Sách – cũng là thi sĩ Cung Chi – vui lắm, cầm những hai cái đèn lẽo đẽo chạy theo lân. Trông Cha vẫn tiều tụy vì bệnh tình chỉ mới thuyên giảm mà lại tuổi hạc, nhưng ánh mắt thì không khác gì bọn nhỏ một đám ngồi kia. Chung quanh tôi, các phụ huynh, ánh mắt nào cũng rực lên theo ánh sáng những ngọn đèn, là niềm hân hoan vô biên.
Lòng tôi bỗng rạo rực khi nghe các em đồng thanh :
“… Tùng dinh dinh cắc tùng dính dính
Tùng dinh dinh cắc tùng dính dính
Em rước đèn nầy đến cung trăng…”
(Rước Đèn Tháng Tám – Đức Quỳnh)
Tiếng hát vừa dứt thì vở kịch mở màn, Chú cuội xuất đầu lộ diện…
Nếu tôi nhớ không nhầm thì trung Thu năm ngoái cũng là vở nầy, chỉ khác người đóng. Chú Cuội mới vẫn loay hoay, vẫn bẽm lẽm, và các bạn nhỏ vẫn cười vang thích thú. Cuội là Cuội đấy thôi.
Mai nầy, khi các con tôi lớn lên, cũng như những trẻ em khác của đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, có còn nói được tiếng Việt, có còn biết về văn hoá quê nhà qua những cái Tết Trung Thu chẳng hạn, thì hôm nay xin cảm ơn các Trưởng của Đoàn đã bỏ công tốn trí cùng thì giờ để ghi vào kí ức những hình ảnh rực rỡ, những âm thanh lộng lẫy, những tình cảm chan chứa… Cũng không quên cảm ơn Cha Tuyên Uý.
Trước khi mãn tiệc ra về, mọi người chia nhau những chiếc bánh mỗi năm chỉ một lần. Đừng quên tôi nhé !
Vũ Hạ
09/2015