Đoàn Thị
Súp Chiều
M |
ùa đông năm nay kéo dài đến mùa chay, cha xứ bèn có sáng kiến trong bốn tuần đầu mùa chay, sau thánh lễ 18 giờ chiều thứ bảy, giáo dân được mời vào nhà xứ « húp súp » ban chiều, ngoài súp còn có cả bánh mì trét bơ, phô mai, paté ... ăn kèm.
Nhà thờ Tây thường làm tôi ngạc nhiên, cha xứ luôn tìm mọi cách để níu kéo giáo dân dự thánh lễ chiều thứ bảy.
Thánh lễ gia đình mỗi tháng, đông vui nhờ dàn nhạc hùng hậu của giới
trẻ, sau lễ có bữa ăn nhẹ, tất cả được mời dự tiệc, có cả rượu của giáo dân mang
vào chung vui.
Trước khi nghỉ hè, có lễ hội trong xóm cho giáo dân từ sáng thứ bảy
cho đến giờ lễ và kết thúc bằng bữa ăn tối.
Rồi đến lễ hội « Hạt Dẻ » của cộng đồng Bồ Đào Nha đãi giáo
dân món cá mòi nướng và đặc sản xứ Bồ không thể thiếu rượu khai vị Porto, đã
bảy giờ chiều trời chưa tắt nắng.
Lễ rửa tội tập thể cho con nít, nhà xứ lại mở tiệc ăn mừng, ai thích
xin mời vào dù nhà mình chả có ai rửa tội.
Trong những bữa tiệc, ngoài nhóm nhà bếp và những nhân vật chính dính
líu đến sự kiện hôm đó, phần còn lại là những gương mặt cũ xì, người gìa neo
đơn, gia đình đông con có thu nhập kém, người tò mò như tôi, đi cho biết cái gì
phía sau tiệc mời chiều thứ bảy.
Không khí rất thân tình, các cụ cứ tự nhiên lấy chén đĩa giấy chọn
thức ăn, ra một góc ăn no rồi về nếu không thích nói chuyện với ai, hoặc no
bụng rồi nói chuyện cũng không muộn.
Có cụ cô đơn cả tuần nên vào đây để nói chứ không cần ăn, đến tàn
tiệc mà đĩa thức ăn của cụ vẫn chưa vơi.
Gia đình đông con chộn rộn hài lòng lắm, chiều nay đỡ bữa chợ, con
nít ăn thỏa thích, có coca, xi rô, nước cam, bánh kẹo, ăn không hết cầm về nhà
ăn tiếp.
Giới trẻ nhộn nhịp vây lấy cha khách* « phỏng vấn »,
cha con cười đùa như bạn bè ngang hàng.
Tôi ăn cho có lệ, vì tôi không hảo thức ăn tây, kem bơ béo ngậy, gìa rồi
ăn ít cho bao tử được nhờ, mục đích của tôi là bạ đâu bắt chuyện đó xem thiên
hạ nghĩ gì về nhà thờ.
Ai cũng thừa nhận, tiệc nhà thờ cứ như thúng bánh mì với 5 con
cá của Chúa ngày xưa, kẻ đói được no, người dư thừa chia sẻ với đồng loại, dù
nhà xứ phải chi tiêu tất cả, nhưng đó cũng là tiền của « bá tánh »,
tiền giúp giáo hội để con Chúa được nhờ.
Đồng tiền xoay vòng rồi cũng trở về điểm xuất phát, tiền chỉ là
phương tiện để giáo dân thắt chặt tình thân với nhau và tha thứ cho nhau nếu ai
đó hờn ai, ai kia kỵ ai vì cái « chức hờ không vĩnh viễn » trong ban
phụng vụ.
Ngày chủ nhật linh đình hơn, trước thánh lễ gia đình 10 giờ 30 tuần
thứ ba trong tháng, nhà xứ dọn sẵn bữa điểm tâm, vợ chồng con cái ngủ đầy giấc,
mặc quần áo đẹp đến nhà thờ ăn sáng rồi bước qua nhà thờ dự lễ.
Tôi chưa bao giờ ăn sáng ở đây nhưng tôi tin nhờ bữa điểm tâm đó mà
nhiều người trở lại nhà thờ, nói theo bài phúc âm « Gõ cửa », dù họ chỉ
đến vì bữa ăn sáng nhưng cuối cùng họ đã quay về với Chúa.
Chiều hôm qua cha khách nhắc nhở, hết lễ các em hướng đạo sẽ bán bánh
để gây quỹ đi Frat sắp tới dưới Lộ Đức, quý vị rộng tay giúp đỡ, mua bánh thật
nhiều để tôi được ăn ké đi theo các em.
Ngài làm tôi nhớ đến quầy bánh mì thịt của đoàn TNTT Giáo Xứ Ta đã
nuôi đoàn thiếu nhi từ bao nhiêu năm nay.
Trước khi kết lễ, ban mục vụ nhà thờ báo cáo tài chính năm ngoái, số
lượng người giúp nhà thờ có giảm nhưng thu nhập thì tăng, năm đầu tiên nhà xứ
bội thu sau sáu năm thất thu và xin mọi người tiếp tục rộng tay.
Cái vụ bội thu cũng hao hao Giáo Xứ ta, nhân kỷ niệm ba mươi năm tái
bản, chủ bút điều trần, báo giáo xứ suýt thất thu, số người đóng góp chỉ còn
một phần ba, nhưng họ đóng tiền gấp đôi, gấp ba nên báo còn sống sót.
Nhà thờ là vậy, là phục vụ dù có thua lỗ, dù phải chạy vạy khắp nơi
nhưng nhờ ơn Chúa rồi đâu lại vào đấy.
Năm đầu tiên đồng euro bắt đầu lưu hành, các cha giải thích rát họng
giáo dân mới rộng tay thả hai euros vào rổ trong thánh lễ để trang trải điện
nước, may mà có người mạnh dạn bỏ tờ năm, mười euros để nhà thờ sinh tồn.
Tiền rổ cũng cần, nhưng điều cần thiết hơn là đến nhà Chúa, chính vì
thế mà cha xứ nặn óc bày đủ trò để chiêu dụ giáo dân, tội nghiệp cha thầy đi tu
thời khoa học tiến bộ, đức tin loạn lạc, mới khổ như rứa.
Giáo dân chúng ta nghĩ gì khi mỗi tuần quần áo chỉnh tề đến nhà thờ
có người bật đèn, mở máy sưởi, cha thầy ban phụng vụ lo toan tất cả để chúng ta
rảnh ranh nghe lời Chúa.
Qua bữa súp chiều hôm nay tôi chợt thương các cha, và thầm trách,
chúng mình tu không nổi thì cũng đừng làm khó người đi tu, đã đến cửa thiền thì
lòng phải rộng mở, đừng than phiền trách móc nếu có điều chi không ưng ý.
Mình chỉ có một gia đình để chạy gạo, cha có đến hàng lố con chiên
lành, chiên ghẻ để lo toan, ngài phải thích ứng và vào vai từng trường hợp để
đem Chúa đến với họ.
Hết mùa chay, tiệc súp ban chiều sẽ chấm dứt, nhưng vị ngọt của
khoảng thời gian chia sẻ kia chắc chắn sẽ đọng lại trong lòng mọi người.
Mỗi lần khó ở trong người phải húp cháo, tôi nhớ đến chén súp nghĩa
tình xuất phát từ mùa chay, thời điểm để mỗi người tìm về cùng đích đời mình.
Mùa Chay 2014 / Đoàn Thị
____________________________________
* Cha trẻ gốc Phi Châu thỉnh thoảng đến giúp lễ cho cha xứ, cách giảng Phúc Âm của ngài như đang làm « show télé » luôn thu hút giáo dân.
*
* *
Mùa Chay 2016
Tuần lễ mở đầu
Mùa Chay cha khách phán một câu xanh rờn,
- Dân ta, dân
Công Giáo (Nous, les chrétiens) có « bệnh buồn vô cớ », mùa đông lạnh
lẽo mình buồn vì trời u ám rét mướt còn chấp nhận được, « Mùa chay
buồn hiu » ngay từ sắc tím áo lễ, buồn vì Chúa sẽ chết vì chúng ta, nghe oan
làm sao ấy, oan cho Chúa lắm.
Cha làm giáo
dân ngẩn ngơ, đám gìa dự lễ chiều thứ bảy trung bình từ sáu mươi cái xuân úa
trở lên, trời đông làm thiên hạ buồn vu vơ, đi vào Mùa Chay càng buồn hơn vì
thấy mình tội lỗi đầy mình, nhìn lên cung thánh, màu tím rịm, buồn chi đâu không
tả nổi, vậy mà cha…
Ngài nói tiếp,
- Trong thánh
lễ quý vị đáp lễ u buồn quá, nhỏ nhẹ quá, hãy mạnh dạn đáp lớn, « Tạ ơn
Chúa, Alléluia… », Chúa chưa chết, Người đang đồng hành với chúng ta, mà
này quý vị có biết Mùa Chay vui chứ không buồn như mình nghĩ đâu.
Cha lại làm
giáo dân suy tư, tuyệt chiêu của ngài là vực đám lão niên ra khỏi « nỗi
buồn không tên », buồn vì mặt trời đi ngủ sớm nên mình ngủ trong giờ lễ,
buồn vì thấp khớp tứ chi, và buồn điều chi nữa thì chỉ có Chúa biết.
Giọng cha vang
vang,
- Mùa Chay sao
lại buồn, mùa vui đấy, vui được quay về bên Chúa, hỏi lại lòng mình bội bạc đến
độ Chúa sắp bị treo trên Thập Gía, mà Người không giận, sung sướng được chúng
ta quay quần bên Người để tự thú, tự hứa sẽ « hoàn lương », dù sau đó
lời hứa của chúng ta sẽ là hứa lèo, hứa cụi, nhưng Chúa tin lúc chúng ta hứa là
lúc chúng ta « thật lòng với Chúa », Chúa yêu ta đến mù quáng đấy.
Giới lão niên
như tỉnh ngủ, tôi hớn hở, lần đầu tiên trong đời hiểu Mùa Chay vui như thế nào,
thuở nhỏ tôi từng phạm phép giữ chay khi cắn cây cà rem năm lên mười.
Cha giải tội
bảo tôi lần hạt một chuỗi với lòng thống hối thật sự, vào tuổi đó tôi buồn
không nổi, tiếc cây cà rem, thấy mình phạm tội, trọng hay nhẹ cũng là tội, bị cuốn
hút vào cái tội vừa được tha mà ớn Mùa Chay phải kiêng đủ thứ.
Cha lên giọng,
- Thuở nhỏ đêm
giao thừa, chúng ta tạ tội với bố mẹ để sau đó nhận quà đầu năm, tôi chắc ai
trong chúng ta cũng thích thời khắc « tự thú để hòa giải ». Mùa Chay
cũng thế, bốn mươi ngày Chúa lên núi chuẩn bị ơn cứu độ là thời khắc trần gian
tìm đến Chúa tạ tội để thấy mình phải thánh thiện hơn, vui được quay về không
mặc cảm vì biết mình sẽ từ bỏ thói hư tật xấu.
Vậy nhé, từ
nay quý vị hãy vui lên trong Mùa Chay, niềm vui được tạ tội, được thánh hóa và
đoàn tụ với Cha trên trời để « làm lại cuộc đời » với Chúa Phục Sinh.
Ngài làm tôi
lặng lẽ, chơi vơi, đành rằng tôi không thuộc lòng Thánh Kinh như ai kia, nhưng
từ lúc có trí khôn tôi nghe Phúc Âm một năm ít nhất 50 lần, suốt hơn nửa thế kỷ thì vốn liếng của
tôi rõ là không tệ.
Nhưng hôm nay
cha khách làm tôi « suy tư », không riêng tôi mà cả giáo dân trong
thánh lễ này cũng nghĩ ngợi về Mùa Chay theo cái nhìn của cha.
Cha luôn lôi
cuốn giáo dân mỗi khi cầm micro đi tới đi lui trên cung thánh, giảng Phúc Âm
như người dẫn chương trình đưa khán gỉa vào cuộc chơi, thánh kinh không còn là
điều xa xôi ngự trên bàn thờ từ miệng cha phát ra.
Lời Chúa, cha
bảo giáo dân tự tìm hiểu, tự hỏi tự trả lời, cha không xuất hiện để « mớm
cơm », ngài đứng đó như vị giám khảo đánh gía trình độ hiểu biết và sống
Phúc Âm của chúng ta có đúng điệu chưa.
Tiểu xảo,
chiêu thức, năng khiếu…của cha là đưa giáo dân nhập cuộc vào thánh lễ,
« Hiệp thông » từ câu kinh, lời nguyện và ý tưởng, giáo dân bỗng thấy
Chúa là anh em sống giữa chúng ta chớ không ở tận trời cao.
Ngài làm tôi
nhớ đến cha Long Tiên đầu thập niên 70, linh giám Đoàn Sinh Viên Công Giáo
Sàigòn (ĐSVCG Sàigòn) ở cư xá Mai Khôi trên đường Tú Xương, mỗi chiều thứ bảy cha
con ngồi bên nhau dâng lễ như bạn hữu.
Thỉnh thoảng
có cha Lương Tấn Hoằng ghé chơi, hai vị là những linh mục đầu tiên áp dụng bí
tích giải tội tập thể, sinh viên chúng tôi trẻ người non dạ, ham vui, tội lỗi
đầy mình, thì thầm tự thú trong thánh lễ, chỉ có mình với Chúa thôi, sướng chi
đâu.
Nghi thức rước
lễ theo kiểu « Công giáo tiến hành », chúng tôi tự thò tay vào chén
thánh lấy Mình Thánh Chúa chấm vào ly rượu và đặt vào miệng mình, ai rước lễ
sau cùng có thể uống hết ly rượu, dạo đó tôi chưa là bợm nhậu nên không có dịp
thưởng thức rượu lễ.
Thánh lễ chiều
thứ bảy ở cư xá Mai Khôi ngày xưa và ở Le Perreux bây giờ có gì giống nhau nếu
không là những vị linh mục khoác áo giáo dân, ngồi ở cuối nhà thờ để thu gom
con chiên lo ra, tẻ nhạt, lạc lối mang về với Chúa không những trong Mùa Chay
mà suốt cuộc đời này.
24 Fév. 2016 /
Đoàn Thị
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang