Hôm 6 tháng Giêng, Lễ Hiển Linh, Tòa
Thánh đã công bố sứ điệp Khánh Nhật Truyền Giáo năm nay của Đức Thánh Cha
Phanxicô.
“Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy”
(Cv 1: 8)
Anh chị em thân mến!
Những lời này đã được Chúa Giêsu Phục Sinh nói với các
môn đệ ngay trước khi Người lên trời, như chúng ta biết từ Sách Tông Đồ Công Vụ:
“Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy
giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền
Giuđêa, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (1: 8). Những lời đó cũng là chủ đề
của Khánh Nhật Truyền Giáo 2022, là ngày như mọi khi, nhắc nhở chúng ta rằng
Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo. Khánh Nhật Truyền Giáo năm nay mang đến
cho chúng ta cơ hội để kỷ niệm một số sự kiện quan trọng trong đời sống và sứ mệnh
của Giáo Hội: đó là kỷ niệm bốn trăm năm ngày thành lập Congregatio de
Propaganda Fide – Bộ Truyền Bá Đức Tin, nay là Congregatio pro Gentium
Evangelizatione – Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, và kỷ niệm hai trăm
năm Hội Truyền bá Đức tin. Một trăm năm trước, hội này, cùng với Hiệp hội Tuổi
thơ Thánh và Hiệp hội Thánh Phêrô Tông đồ, đã được nâng lên hàng các hội “Giáo
hoàng”.
Chúng ta hãy suy ngẫm về ba cụm từ chính tổng hợp ba nền
tảng của cuộc đời và sứ mệnh của mỗi môn đệ: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy”,
“đến tận cùng trái đất” và “anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần”.
1. “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” là lời kêu gọi mọi
Kitô Hữu làm chứng cho Chúa Kitô
Đây là điểm trung tâm, trọng tâm của giáo huấn Chúa
Giêsu dành cho các môn đệ, liên quan đến việc họ được sai đến thế gian. Các môn
đệ phải trở thành chứng nhân của Chúa Giêsu, nhờ ơn Chúa Thánh Thần mà họ sẽ nhận
được. Bất cứ nơi nào họ đi và ở bất cứ nơi nào họ đến. Đức Kitô là người đầu
tiên được sai đi, với tư cách là “nhà truyền giáo” của Chúa Cha (x. Ga 20:21),
và như vậy, Người là “chứng nhân trung thành” của Chúa Cha (x. Kh 1: 5). Tương
tự như thế, mọi Kitô hữu được kêu gọi trở thành nhà truyền giáo và làm chứng
cho Chúa Kitô. Và Giáo Hội, là cộng đoàn các môn đệ của Chúa Kitô, không có sứ
mệnh nào khác hơn là đem Tin Mừng đến cho toàn thế giới bằng cách làm chứng cho
Chúa Kitô. Truyền giáo là căn tính của Giáo Hội.
Nhìn sâu hơn vào những từ này, “Anh em sẽ là chứng
nhân của Thầy”, có thể làm sáng tỏ một vài khía cạnh luôn hợp thời trong sứ mệnh
mà Chúa Kitô đã giao phó cho các môn đệ. Hình thức số nhiều của động từ nhấn mạnh
tính chất cộng đồng và Giáo Hội của ơn gọi truyền giáo dành cho các môn đệ. Mỗi
người được rửa tội được mời gọi truyền giáo, trong Giáo Hội và theo sự ủy thác
của Giáo Hội: do đó, việc truyền giáo được thực hiện cùng nhau, không phải
riêng lẻ, nhưng trong sự hiệp thông với cộng đồng Giáo Hội, và không phải theo
sáng kiến của riêng ai. Ngay cả trong những trường hợp một cá nhân trong một
hoàn cảnh đặc biệt nào đó thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng một mình, thì người
đó phải luôn luôn hiệp thông với Giáo Hội đã ủy quyền cho mình. Như Thánh Giáo
Hoàng Phaolô Đệ Lục đã dạy trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi – Loan Báo Tin Mừng,
một tài liệu mà tôi yêu quý: “Truyền giáo không phải dành cho một cá nhân như một
hành động riêng lẻ và biệt lập; nó là một điều có tính Giáo Hội sâu sắc. Khi một
nhà thuyết giáo, giáo lý viên hoặc một mục tử rao giảng Tin Mừng ở vùng đất xa
xôi ít người biết đến nhất, tập hợp cộng đồng nhỏ của người ấy lại với nhau hoặc
thực hiện một bí tích, dù chỉ một mình, thì người đó đang thực hiện một hành động
mang tính Giáo Hội, và hành động của người đó chắc chắn gắn liền với hoạt động
truyền bá Tin Mừng của toàn thể Giáo Hội bằng các mối quan hệ thể chế, nhưng
cũng bằng các liên kết vô hình sâu xa trong trật tự ân sủng. Điều này giả định
rằng người ấy hành động không phải vì sứ mệnh tự gán cho mình hoặc theo cảm hứng
cá nhân, nhưng kết hợp với sứ mệnh của Giáo Hội và nhân danh Giáo Hội” (số 60).
Thật vậy, không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giêsu sai các môn đồ ra đi truyền giáo
theo từng cặp; Việc làm chứng của các Kitô hữu cho Chúa Kitô trước hết mang bản
chất cộng đồng. Do đó, khi thực hiện sứ mệnh, sự hiện diện của một cộng đồng, bất
kể quy mô của nó, có tầm quan trọng cơ bản.
Ngoài ra, các môn đệ còn được thúc giục sống cuộc sống
cá nhân của mình trên cơ sở truyền giáo: họ được Chúa Giêsu sai đến thế gian
không chỉ để thực hiện sứ vụ được trao phó, mà còn và trên hết là sống sứ vụ ấy;
không chỉ để làm chứng, mà còn và trên hết là trở thành chứng nhân của Chúa
Kitô. Theo những lời đầy xúc động của Tông đồ Phaolô, “Chúng ta luôn mang nơi
thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu
lộ nơi thân mình chúng ta” (2 Cô 4:10). Bản chất của sứ vụ là làm chứng cho
Chúa Kitô, nghĩa là làm chứng cho cuộc đời, cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục
sinh của Người vì tình yêu của Chúa Cha và nhân loại. Không phải ngẫu nhiên mà
các Tông đồ tìm kiếm người thay thế Giuđa trong số những người giống như các
ngài, nghĩa là đã từng là nhân chứng cho sự phục sinh của Chúa (xem Công vụ
1:21). Chúa Kitô, đúng ra phải nói là Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết, là Đấng
mà chúng ta phải làm chứng và là Đấng mà chúng ta phải chia sẻ sự sống. Những
nhà truyền giáo của Chúa Giêsu Kitô không được sai đến để tự truyền đạt thông
tin, để thể hiện những phẩm chất và khả năng thuyết phục hoặc kỹ năng quản lý của
họ. Thay vào đó, họ có niềm vinh dự tột bậc khi được trình bày về Chúa Kitô bằng
lời nói và việc làm, loan báo cho mọi người Tin Mừng về ơn cứu rỗi của Ngài,
như các Tông đồ đầu tiên đã làm, với sự vui mừng và mạnh dạn.
Thành ra, suy cho cùng, nhân chứng đích thực là “người
tử vì đạo”, người hiến mạng sống của mình cho Chúa Kitô, đáp lại món quà là
chính Ngài mà Chúa Kitô đã trao ban cho chúng ta. “Lý do chính để truyền giáo
là tình yêu của Chúa Giêsu mà chúng ta đã nhận được, cảm nghiệm cứu độ thúc giục
chúng ta ngày càng yêu mến Người hơn nữa” (Tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm
Vui Phúc Âm, 264).
Cuối cùng, khi nói đến chứng tá Kitô giáo, nhận xét của
Thánh Phaolô Đệ Lục vẫn luôn có giá trị: “Con người hiện đại sẵn lòng lắng nghe
những người làm chứng hơn là những người thầy, và nếu anh ta lắng nghe những
người thầy, đó là vì họ là những nhân chứng” (Evangelii Nuntiandi, 41). Vì lý
do này, lời chứng của một đời sống Kitô hữu đích thực là nền tảng cho việc truyền
bá đức tin. Mặt khác, sứ vụ rao giảng về con người và sứ điệp của Chúa Kitô
cũng cần thiết như nhau. Thật vậy, Đức Phaolô Đệ Lục tiếp tục nói: “Việc rao giảng,
tức là việc công bố sứ điệp bằng lời nói, thực sự luôn luôn là điều không thể
thiếu… Lời nói vẫn luôn có liên quan, đặc biệt khi lời nói ấy mang lại quyền
năng của Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao tiên đề của Thánh Phaolô, “Tin là do
bởi được nghe” (Rm 10:17), vẫn luôn còn giữ được tính thời sự của nó: chính lời
được nghe dẫn đến đức tin” (sđd, 42).
Vì thế, trong việc truyền bá Tin Mừng, gương sáng của
đời sống Kitô hữu và việc rao truyền Chúa Kitô không thể tách rời. Điều này phục
vụ cho điều kia. Chúng là hai lá phổi mà bất kỳ cộng đồng nào cũng phải hít thở,
nếu muốn truyền giáo. Hình thái chứng tá trọn vẹn, nhất quán và vui tươi này chắc
chắn sẽ là một sức mạnh lôi cuốn đối với sự phát triển của Giáo Hội trong thiên
niên kỷ thứ ba. Tôi khuyến khích mọi người một lần nữa hãy lấy lại lòng can đảm,
sự thẳng thắn và sự bạo dạn của những Kitô hữu tiên khởi, để làm chứng cho Chúa
Giêsu Kitô bằng lời nói và việc làm trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
2. “Đến tận cùng trái đất” – Tính thời sự trường tồn của
sứ mệnh truyền bá Tin Mừng toàn cầu
Khi bảo các môn đệ làm nhân chứng cho Người, Chúa Phục
sinh cũng cho họ biết nơi họ được sai đi: “… tại Giêrusalem, khắp miền Giuđêa,
Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1: 8). Ở đây chúng ta thấy rõ tính
cách phổ quát trong sứ mệnh của các môn đệ. Chúng ta cũng thấy sự mở rộng địa
lý theo hình thái “ly tâm” của sứ mệnh, như thể trong các vòng tròn đồng tâm, bắt
đầu từ Giêrusalem, nơi mà truyền thống Do Thái coi là trung tâm của thế giới, tới
Giuđêa và Samaria và đến “tận cùng trái đất”. Các môn đệ được sai đến không phải
để chiêu dụ tín đồ, nhưng để rao truyền; Kitô hữu không chiêu dụ tín đồ. Sách
Tông Đồ Công Vụ nói về sự mở rộng truyền giáo này và cung cấp một hình ảnh nổi bật
về Giáo Hội “ra đi” trung thành với lời kêu gọi làm chứng cho Đức Kitô là Chúa
và được hướng dẫn bởi sự quan phòng của Thiên Chúa trong những điều kiện cụ thể
của cuộc đời mình. Sau khi bị bắt bớ ở Giêrusalem, các môn đệ lan rộng khắp miền
Giuđêa và Samari, những Kitô hữu đầu tiên làm chứng cho Chúa Giêsu ở khắp mọi
nơi (xem Cv 8: 1, 4).
Một cái gì đó tương tự vẫn xảy ra trong thời đại hôm
nay của chúng ta. Do sự đàn áp tôn giáo và tình hình chiến tranh và bạo lực,
nhiều Kitô hữu buộc phải chạy trốn khỏi quê hương của họ đến các quốc gia khác.
Chúng ta biết ơn những anh chị em này, những người không để mình bị giam cầm
trong đau khổ của riêng mình nhưng đã làm chứng cho Chúa Kitô và cho tình yêu của
Thiên Chúa tại các quốc gia chấp nhận họ. Do đó, Thánh Phaolô Đệ Lục khuyến
khích họ nhận ra “trách nhiệm đặt lên vai những người nhập cư tại quốc gia tiếp
nhận họ” (Evangelii Nuntiandi, 21). Càng ngày, chúng ta càng thấy sự hiện diện
của các tín hữu thuộc nhiều quốc tịch khác nhau làm phong phú thêm bộ mặt của
các giáo xứ và làm cho các giáo xứ trở nên hoàn vũ hơn, Công Giáo hơn. Do đó,
việc chăm sóc mục vụ cho người di cư nên được coi trọng như một hoạt động truyền
giáo quan yếu cũng có thể giúp các tín hữu địa phương khám phá lại niềm vui của
đức tin Kitô mà họ đã lãnh nhận.
Những từ ngữ “cho đến tận cùng trái đất” nên thách thức
các môn đệ của Chúa Giêsu trong mọi thời đại và thúc giục họ vượt ra khỏi những
nơi quen thuộc để làm chứng cho Ngài. Bất kể tất cả những lợi ích của du lịch
hiện đại, vẫn còn những khu vực địa lý mà các nhân chứng truyền giáo của Chúa
Kitô chưa đến để mang Tin mừng về tình yêu của Người. Vì thế cũng không có thực
tại nào của con người là xa lạ với mối quan tâm của các môn đệ của Chúa Giêsu
trong sứ mệnh của họ. Giáo Hội của Chúa Kitô sẽ tiếp tục “ra đi” hướng tới những
chân trời địa lý, xã hội và hiện sinh mới, hướng tới những nơi chốn “biên giới”
và những hoàn cảnh ngoại vi của con người, để làm chứng cho Chúa Kitô và tình
yêu của Người trước những người nam nữ của mọi dân tộc, mọi nền văn hóa và địa
vị xã hội. Theo nghĩa này, việc truyền giáo sẽ luôn là một missio ad gentes – sứ
mệnh cho muôn dân, như Công đồng Vaticanô II đã dạy. Giáo Hội phải không ngừng
tiến về phía trước, vượt ra ngoài giới hạn của chính mình, để làm chứng cho tất
cả tình yêu của Chúa Kitô. Ở đây, tôi muốn ghi nhớ và bày tỏ lòng biết ơn đối với
tất cả những nhà truyền giáo đã hy sinh mạng sống của họ để “đẩy mạnh” việc thể
hiện tình yêu của Chúa Kitô nơi tất cả những anh chị em mà họ đã gặp.
3. “Anh em sẽ nhận được quyền năng” từ Chúa Thánh Thần
– Chúng ta hãy luôn được Thần Khí củng cố và hướng dẫn.
Khi Chúa Kitô Phục Sinh ủy thác cho các môn đệ làm
nhân chứng cho Người, Người cũng hứa ban cho họ những ân sủng cần thiết để hoàn
thành trách nhiệm cao cả này: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi
Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1:
8). Theo lời tường thuật trong sách Tông Đồ Công Vụ, chính sau khi Chúa Thánh
Thần ngự xuống trên các môn đệ, hành động đầu tiên làm chứng cho Chúa Kitô bị
đóng đinh và phục sinh đã diễn ra. Lời tuyên bố kerygmatic – bài diễn văn “truyền
giáo” của Thánh Phêrô cho các cư dân của Giêrusalem – đã mở đầu một kỷ nguyên
phúc âm hóa thế giới của các môn đệ Chúa Giêsu. Trước đây họ yếu đuối, sợ hãi
và cuộn tròn vào chính mình, nhưng Chúa Thánh Thần đã ban cho họ sức mạnh, lòng
can đảm và sự khôn ngoan để làm chứng cho Chúa Kitô trước mọi người.
Cũng như “không ai có thể nói ‘Đức Giêsu là Chúa’, ngoại
trừ bởi Chúa Thánh Thần” (1Cr 12, 3), thì cũng vậy, không một Kitô hữu nào có
thể làm chứng đầy đủ và đích thực cho Đức Kitô là Chúa nếu không được Thần Khí
soi dẫn và trợ giúp. Tất cả các môn đệ truyền giáo của Chúa Kitô được kêu gọi để
nhận ra tầm quan trọng thiết yếu trong công việc của Thánh Linh, trong sự hiện
diện của Ngài hàng ngày và nhận được sức mạnh và sự hướng dẫn không ngừng của
Ngài. Thật vậy, chính khi cảm thấy mệt mỏi, không có động lực hoặc bối rối,
chúng ta nên nhớ cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa
rằng lời cầu nguyện đóng một vai trò cơ bản trong đời sống truyền giáo, vì nó
cho phép chúng ta được làm mới và củng cố bởi Thánh Linh, là nguồn thần linh vô
tận của năng lượng tái tạo và niềm vui trong việc chia sẻ sự sống của Chúa Kitô
với những người khác. “Nhận được niềm vui của Thánh Linh là một ân sủng. Hơn nữa,
đó là sức mạnh duy nhất giúp chúng ta có thể rao giảng Tin Mừng và tuyên xưng đức
tin của chúng ta nơi Chúa” (Thông điệp gửi các Hiệp hội Truyền giáo Giáo hoàng,
ngày 21 tháng 5 năm 2020). Vì vậy, Chúa Thánh Thần là nhân vật chính thực sự của
sứ mệnh. Chính Ngài là người cho chúng ta lời nói đúng đắn, vào đúng thời điểm
và đúng cách.
Dựa trên hành động này của Chúa Thánh Thần, chúng ta
cũng muốn xem xét các ngày kỷ niệm truyền giáo sẽ được cử hành vào năm 2022. Việc
thành lập Bộ Truyền Bá Đức Tin vào năm 1622 được thúc đẩy bởi mong muốn thúc đẩy
sứ mệnh truyền giáo trong các lãnh thổ mới. Một tầm nhìn sâu sắc được Chúa quan
phòng! Thánh Bộ đã tỏ ra có vai trò quan trọng trong việc thiết lập sứ mệnh
truyền bá Phúc âm của Giáo Hội sao cho thực sự không bị các thế lực thế gian
can thiệp, nhằm thành lập các Giáo Hội địa phương mà ngày nay đang thể hiện sức
mạnh to lớn. Chúng ta hy vọng rằng, như trong bốn thế kỷ qua, Thánh Bộ, với ánh
sáng và sức mạnh của Thánh Linh, sẽ tiếp tục và tăng cường công việc điều phối,
tổ chức và thúc đẩy các hoạt động truyền giáo của Giáo Hội.
Cũng chính Thánh Thần, Đấng hướng dẫn Giáo Hội hoàn
vũ, cũng truyền cảm hứng cho những người nam nữ bình thường thực hiện những sứ
mệnh phi thường. Thành ra, một phụ nữ trẻ người Pháp, Pauline Jaricot, đã thành
lập Hiệp hội Truyền bá Đức tin cách đây đúng hai trăm năm. Việc phong chân phước
cho bà sẽ được cử hành trong năm thánh này. Mặc dù sức khỏe yếu, bà đã đón nhận
sự soi dẫn của Thiên Chúa để thiết lập một mạng lưới cầu nguyện và quyên góp
cho các nhà truyền giáo, để các tín hữu có thể tích cực tham gia vào sứ mệnh “đến
tận cùng trái đất”. Ý tưởng tuyệt vời này đã làm nảy sinh ra lễ kỷ niệm Khánh
Nhật Truyền Giáo hàng năm, trong đó số tiền thu được trong các cộng đồng địa
phương được áp dụng cho quỹ chung để Đức Giáo Hoàng hỗ trợ các hoạt động truyền
giáo.
Về vấn đề này, tôi cũng nghĩ đến Giám mục người Pháp
Charles de Forbin-Janson, là người đã thành lập Hiệp hội Tuổi thơ Thánh để thúc
đẩy việc truyền giáo giữa trẻ em, với phương châm “Trẻ em truyền giáo cho trẻ
em, trẻ em cầu nguyện cho trẻ em, trẻ em giúp đỡ trẻ em toàn thế giới”. Tôi
cũng nghĩ đến Jeanne Bigard, người đã thành lập Hiệp hội Thánh Phêrô Tông đồ để
hỗ trợ các chủng sinh và linh mục trong các xứ truyền giáo. Ba Hội Truyền giáo
đó đã được công nhận là các hội “Giáo hoàng” cách đây đúng một trăm năm. Cũng
chính dưới sự soi sáng và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Chân phước Paolo
Manna, sinh ra cách đây 150 năm, đã thành lập Liên Hiệp Các Hội Giáo Hoàng Truyền
giáo ngày nay, nhằm nâng cao nhận thức và khích lệ tinh thần truyền giáo giữa
các linh mục, nam nữ tu sĩ và toàn thể dân Chúa. Chính Thánh Phaolô Đệ Lục đã
là một phần của Hội này, và ban cấp tư cách hội “Giáo hoàng” cho hội ấy. Tôi đề
cập đến bốn Hiệp hội Truyền giáo Giáo hoàng này vì những công lao lịch sử to lớn
của họ, nhưng cũng để khuyến khích anh chị em vui mừng với họ, trong năm đặc biệt
này, vì những hoạt động mà họ đã thực hiện nhằm hỗ trợ sứ mệnh truyền bá Tin Mừng
trong Giáo Hội, cả trên bình diện hoàn vũ lẫn địa phương. Tôi hy vọng rằng các
Giáo Hội địa phương sẽ tìm thấy trong các Hội này một phương tiện chắc chắn để
nuôi dưỡng tinh thần truyền giáo trong dân Chúa.
Anh chị em thân mến, tôi tiếp tục mơ ước về một Giáo Hội
truyền giáo hoàn toàn, và một kỷ nguyên mới của hoạt động truyền giáo giữa các
cộng đồng Kitô. Tôi xin nhắc lại ước muốn lớn lao của Ông Môisê đối với dân
Chúa trong cuộc hành trình của họ: “Phải chi tất cả đoàn dân Chúa đều là những
nhà tiên tri!” (Dân số 11:29). Thật vậy, ước chi tất cả chúng ta trong Giáo Hội
đều là những gì chúng ta đã nhận được nhờ phép rửa tội: là các tiên tri, các
nhân chứng, và là những nhà truyền giáo của Chúa, nhờ quyền năng của Chúa Thánh
Thần, cho đến tận cùng trái đất!
Lạy Đức Maria, Nữ vương Truyền Giáo, cầu cho chúng con
!
Rôma, Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 6 tháng Giêng
năm 2022, Lễ Hiển Linh
+
Đức Thánh Cha Phanxicô
Bài viết khác
ĐỨC TÂN GIÁM MỤC ĐA MINH NGUYỄN TUẤN ANH - Lê Đình Thông
Con Số Linh Mục được truyền chức tại Pháp năm 2024 và 4 Linh Mục Việt Nam - Công Bình
Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski làm Đại diện Toà Thánh Vatican thường trú tại Việt Nam - HĐGMVN
Thánh Đa Minh và 11 Thánh Tử Đạo Đa Minh Tây Ban Nha tại Việt Nam - Công Bình
Thánh Lễ Khai Mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục - Lê Đình Thông
Một số Tín Hữu Người Việt Từ Paris tham dự Gặp Gỡ Địa Trung Hải - Lê Đình Thông
23/09/2023 : ĐTC Phanxicô Kết Lễ Tại Vélodrome Marseille - Lê Đình Thông
Mater Coeli ĐTC Phanxicô cử hành Thánh Lễ tại Steppe Arena (Oulan-Bator) - Lê Đình Thông
Hình Đại Hội Hành Hương Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Lộ Đức 2023 - Ban Nhiếp ảnh
Vidéo : Đại Hội Hành Hương Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Lộ Đức 2023 - Huy Quyên
Nữ Vương Tử Đạo Regina Martyrum - Lê Đinh Thông
ĐTC PHANXICÔ LẦN CHUỖI TẠI FATIMA - Lê Đinh Thông
Chúc Mừng Hai Tân Linh Mục Antôn Nguyễn Đại Lợi và Phêrô Hoàng Mạc Văn - Công Bình
Thánh Lễ Truyền chức của Tân Linh Mục Giuse Lê Quang Vinh SJ thứ bảy 06/05/2023 - Công Bình
Bổ Nhiệm Linh Mục Giuse Huỳnh Văn Sỹ làm Giám Mục Chính Toà Giáo Phận Nha Trang
Biên Bản Hội nghị thường niên kỳ I năm 2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam
Bổ Nhiệm Giám Mục Chính Toà Giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám Mục Phó Giáo Phận Cần Thơ - HĐGMVN
Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ : 90 Năm hiện diện tại Việt Nam - Lê Đình Thông