Rogations, nghi thức "Cầu Mùa"
đang được hồi sinh
tại giáo xứ Moissac
K |
hông
biết các bạn đã nghe nói đến một từ trong tiếng pháp : "les rogations" chưa ? Riêng mình thì mãi cho đến gần đây mới biết
và học được cái từ ngữ này. Từ "rogation" là một từ vay mượn từ tiếng
Latinh rogare, có nghĩa là "yêu cầu". Từ ngữ này đã được xuất hiện từ
thế kỷ thứ V vào năm 474, sau một loạt thiên tai trong vùng xảy ra. Thánh
Mamert, lúc bấy giờ là giám mục vùng Vienne (Poitiers và les Deux-Sèvres bây giờ),
đã có sáng kiến lập nên nghi thức Rogations,
được dịch là nghi thức "Cầu
Mùa", nghi thức này được diễn ra trong suốt ba ngày trước lễ Thăng Thiên, nên luôn được dùng ở dạng số nhiều : ‘‘les rogations’’. Rogations được dùng vì Tin Mừng của
Chúa Nhật trước đó có đoạn viết “anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý” (Ga
15,7). Thuật ngữ rogation ban đầu có nghĩa là "yêu cầu", nay mang
thêm ý nghĩa là ‘‘cầu
nguyện, khẩn cầu’’ hay ‘‘cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng hoa màu ruộng đất
của nông dân được tươi tốt’’
theo từ điển thần học công giáo.
Có
một truyền thuyết kể lúc bấy giờ động đất xảy ra thường xuyên, sói và những con
thú hoang khác, đi lang thang khắp thành phố mà không sợ hãi làm cho dân chúng trong vùng rất hoang
mang. Lễ Phục sinh sắp đến
đã mang lại hy vọng cho giáo dân, họ tin rằng lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ
chấm dứt hết nỗi kinh hoàng của họ vào ngày trọng đại này. Nhưng ngay đêm trước
ngày Chúa Phục Sinh khải hoàn,
trong lúc Thánh lễ đang được cử hành, đột nhiên cung điện hoàng gia, nằm trong
thành phố, bị ngọn lửa từ đâu bốc lên đốt cháy. Giáo dân kinh hoàng và bỏ chạy
tán loạn khỏi nhà thờ vì sợ rằng ngọn lửa này sẽ thiêu rụi cả nhà thờ và thành phố. Vị giám mục
thánh thiện, phủ phục trước bàn thờ, cầu xin, rên rỉ và khóc lóc, cầu xin Chúa
rủ lòng thương xót xuống cho đoàn
con. Lời cầu nguyện của Đức Giám mục đã được Chúa lắng nghe và dòng sông nước mắt
mà ngài tuôn ra đã dập tắt ngọn lửa trong cung điện. Trước những điều đã diễn
ra, ngày lễ Chúa Thăng
Thiên đang đến gần, Ngài đã ra lệnh
cho các giáo dân ăn chay, và quy định các hình thức cầu nguyện với thứ tự của
các bài đọc. Từ đó giáo dân được sống trong an lành và điều này đã được loan
truyền sang các tỉnh thành và giáo phận khác, đức tin sâu sắc của thánh giám mục
Mamert đã truyền cảm hứng cho các giám mục khác, và từ đó nghi thức "cầu
mùa" được phổ biến lan rộng trên các vùng lân cận.
Vào
thời Trung cổ, nghi thức này nhằm mục đích ngăn ngừa, xin cho các vùng đất nông
thôn được luôn khỏi bị thiên tai hạn hán. Trong ba ngày, các giáo sĩ và tín hữu
thực hiện một cuộc rước đến từng vùng đất cắm các cây thánh giá tạm thời hoặc cố định.
Những lời cầu nguyện, ban phép lành và thanh tẩy như rải nước thánh để xin cho
ba vụ thu hoạch chính trong năm tốt đẹp.
Ngày đầu tiên được dành cho đồng cỏ, ngày thứ hai cho cánh đồng và ngày thứ ba
cho vườn nho hoặc mùa màng phụ. Các điểm dừng được lên kế hoạch tại các nhà
nguyện hay ngã tư đường. Các điểm dừng, được trang trí giống như nhà kho với những
vòng hoa mùa xuân, xuân hy vọng.
Trong
Công đồng Orleans (511), các giám mục đã thống nhất, quyết định rằng Rogations
sẽ được cử hành ở vùng Gaule trong ba ngày trước Lễ Thăng thiên (điều 27) và
sau đó không lâu, vua
Thánh Gontran, một trong những cháu trai của vua Clovis, đã ra lệnh tổ chức nghi
thức này trên khắp vùng Bourgogne. Vào năm 567, các quyết định của Công đồng
Orleans đã được tái xác nhận bởi Công đồng Lyon và Tours. Giữa thế kỷ thứ bảy
và thứ mười, nghi thức được lan rộng trên toàn cõi Âu châu.
Sau
Công đồng Vatican II, phụng vụ Công giáo
vẫn duy trì nghi thức Rogations,
nhưng quy định không nhất thiết phải được cử hành vào cùng một ngày trên khắp
trái đất, mà trong mỗi giáo phận, tùy theo hoàn cảnh và phong tục địa phương,
giám mục quan tâm và tìm ra cách tốt nhất để tuân thủ và duy trì nghi thức phụng
vụ này. Ở Pháp, Hội đồng Giám mục Pháp,
kể từ Công đồng Vatican II, không ấn định điều gì. Hầu hết tiếp tục tuân theo
phong tục cũ theo lịch Tridentine của Roma quy định, các nghi thức được tổ chức vào ba
ngày trước Lễ Thăng thiên. Tuy nhiên, trong trường hợp không có luật lệ chính thức, mỗi giáo phận và mỗi
giáo xứ được tự do cử hành khi thấy phù hợp.
Thật
không may, vì thế giới ngày càng phát triển, nông thôn được công nghiệp hoá
hoàn toàn. Nghi thức truyền thống ra đời từ thế kỷ thứ 5 này đang dần dần biến mất trong mấy chục thập kỷ gần
đây và từ ngữ Rogations
sắp bị xoá đi hay nói đúng hơn là ít
được dùng đến.
Tuy
nhiên, từ hơn một năm nay, truyền thống này đang được tái sinh trở lại tại giáo
xứ Moissac ở vùng Tarn-et-Garonne, thuộc
địa phận Montauban. Và điều đáng nói,
cha xứ giáo xứ Moissac, người làm sống lại truyền thống này lại không phải là
người gốc gác ở đây, nhưng ngài đến từ một đất nước xa xôi mang hình chữ S. Chỉ
trong câu chuyện tình cờ với một giáo dân, ngài biết đến tập tục này và chợt có
ý tưởng làm sống lại truyền thống theo một phong thái hiện đại mà các phương tiện
báo chí và truyền thông cả nước Pháp đều tìm đến để đưa tin (FR3, BFMTV,
Express, Famille Chrétienne, FranceSoir, ValeursActuelles v.v)
Vị linh mục này là
ai và nghi thức "Cầu Mùa" được diễn ra như thế nào ?
Năm
2006, thầy Phêrô Nguyễn văn Hoàn được Đức
Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, TGM TGP Hà Nội lúc bấy giờ gởi sang Pháp du học với học
bổng của Hội "Les Enfants du Mékong" (Những Đứa Con của dòng Mékong). Sau 1 năm thử
thách tìm hiểu ơn gọi ở chủng viện Paray-le-Monial
(hiện nay chỉ còn là tiền Chủng viện) cùng với 6 thầy Việt nam đến từ các giáo phận khác nhau, thầy Phêrô
Hoàn được Đại chủng viện De la Castille, giáo phận Fréjus-Toulon tiếp nhận
trong chương trình đào tạo linh mục triều.
Sau 6 năm tu học, tháng 6 năm 2012, Đức Cha Dominique REY, Giám mục
Fréjus-Toulon, thay mặt Đức Cha Phêrô Nguyễn văn Đệ, giám mục Giáo phận Thái
Bình truyền chức linh mục cho thầy. Sau
truyền chức, cha giám học chủng viện la Castille
xin được học bổng của Hội thừa sai MEP, và
cha tiếp tục học tiếp chương trình thần học tại ICT -
Institut Catholique de Toulouse (từ năm
2012-2015). Sau ba năm, được sự đồng ý và ký kết giữa 2 ĐC Gp Thái Bình và Gp
Montauban, cha Phêrô Hoàn vừa tiếp tục ở lại học ở ICT vừa làm quản nhiệm giáo
xứ Caylus, địa phận Montauban.
Và
năm sau 2016,
cha chuyển xứ và được chính thức bổ nhiệm làm cha xứ giáo xứ Moissac cho đến nay.
Nhà thờ giáo xứ Moissac hiện nay và hành lang, ngày xưa
thuộc đan viện Dòng Xito được thành lập vào thế kỷ
thứ 8, và vào thế kỷ thứ 12, đây là trung tâm tu viện nổi tiếng nhất ở vùng Tây Nam
nước Pháp. Ngày nay Tu viện trở thành một di tích lịch sử được ghi vào danh
sách các di tích được bảo vệ và được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới của
nhân loại. Nằm trên tuyến đường hành hương Saint-Jacques-de-Compostelle, tu viện
được xếp vào hàng thứ hai với số khách tham quan chỉ sau Mont Saint Michel.
Trong
dịp Hành Hương các Cộng Đoàn Pháp sắp tới tại Lộ Đức vào mùa hè tháng
8 năm nay, trên đường đi quý vị có thể ghé thăm và tham
quan di tích văn hoá lịch sử này, và nếu muốn, quý vị sẽ có một hướng dẫn viên
thành thạo tiếng việt và thông thạo mọi ngõ ngách của tu viện này ngay tại chỗ. (Abbaye
Saint-Pierre de Moissac - 6 Pl. Durand de Bredon, 82200 Moissac)
Như
chúng ta đã biết, ơn gọi tại Pháp đã xuống thấp rất nhiều, số linh mục ngày
càng thiếu. Các giáo xứ nhỏ cũng như những họ đạo nhỏ dần dần bị đóng cửa và nhập
lại với nhau thành một giáo xứ lớn : có nơi gọi là trung tâm mục vụ (Centre
Pastoral), nơi khác thì Cộng đồng các Giáo xứ (Communauté des Paroisses, l’ensemble parroissial hoặc Secteur paroissial).
Moissac cũng không ngoại lệ, giáo xứ gồm có 16 tháp chuông, nói như người Pháp,
tức là giáo xứ có tới 16 nhà thờ lớn nhỏ chung quanh họp thành, có nơi chỉ có một
vài Thánh lễ trong một năm. Và số giáo dân làm nghề nông cũng khá nhiều với những
nông trại đã được công nghiệp hoá hoàn toàn.
Và
thế là trong một lần trò chuyện vào năm 2022 về biến đổi khí hậu toàn cầu nói
chung, và vùng Tarn-et-Garonne nói riêng, những người nông dân kể có những năm ‘‘tháng sáu trời mưa trời
mưa không dứt’’
(lũ lụt), lại có những năm ‘‘trời
không mưa, con phải lạy trời mưa’’ (hạn hán), rồi thêm ‘‘trời chợt mưa, chợt nắng, chợt đông chẳng vì đâu’’ trời
đang mùa xuân đột nhiên rét đậm xuống còn -3 đến -4°C hay bị mưa đá khiến hoa
và trồi non bị đông đá, nên đôi lúc họ cũng đành phải bó tay và nhân dịp, họ cũng kể cho cha xứ
mình nghe phong phanh về tập tục nghi thức ‘‘Rogations’’ cổ truyền xa xưa này. Thế là ý tưởng và kế hoạch được thành hình, như lời cha kể lại
cho phóng viên báo Famille Chrétienne : ‘‘Truyền
thống này đã bị mai một, đây cũng là một phương thức tốt để mời gọi cả cộng
đoàn tín hữu cùng cầu nguyện cho giới nông dân công giáo và không công giáo
trong vùng. Đây cũng là một phương tiện tốt để truyền giáo cho nông dân. Họ cậy
sức mình và máy móc, nhưng không lúc nào nghĩ phải cậy nhờ sức Chúa. Tuy nhiên,
chống lại cái lạnh, cái nóng, chống lại khí hậu để bảo vệ cánh đồng của mình,
nó cũng liên quan đến việc cầu khẩn Chúa.
Họ rất cần những lời cầu nguyện’’.
Nhưng
bằng cách nào bây giờ với những cánh đồng bao la bát ngát, cha tiếp lời :
“Tôi biết một anh nông dân, có bằng phi công
và thích lái máy bay khi rảnh rỗi. Tôi nói với anh ấy về kế hoạch của tôi, và
anh ấy đề nghị đưa tôi lên một chiếc máy bay loại hai cánh nhỏ, để chúc phúc, rải nước thánh cho những cánh đồng
từ trên không’’.
Và
năm đó, tháng 5/2022 truyền thống đẹp đẽ này đã được thực hiện … bằng
máy bay. Giáo dân quy tụ từng nhóm trên các thuở ruộng nhà mình, cùng chung đọc kinh
và cầu nguyện khi máy bay rải nước thánh đi ngang qua đầu.
Sự
kiện này nhanh chóng mang lại kết quả đầu tiên : vào buổi tối cùng ngày, thánh
lễ chật kín những người nông dân, những người thường không thấy trong nhà thờ
bao giờ. Họ rất mừng vui
với sáng kiến này. Kết quả mùa gặt trên cánh đồng chưa biết ra sao, nhưng kết
quả trước mắt đã làm một số người quay trở lại nhà thờ hay ít ra cũng bước vào
nhà thờ để cảm tạ Chúa.
Cũng
theo lời cha Hoàn kể lại với phóng viên báo Famille
Chrétienne
năm nay 2023 : “ Năm ngoái, một người nông dân đến gặp tôi để cảm ơn, nói rằng
nhờ ơn phước mà họ
đã thoát khỏi trận mưa đá đã xảy ra ở những nơi khác và nhờ lời cầu
nguyện mà họ
đã được một mùa bội thu’’.
Famille
Chrétienne : Thế năm nay thì sao cha ?
Cha
Hoàn : “Năm nay, không có máy bay, nhưng có sự tham gia của một câu lạc bộ những
người thích và lái Moto (motards)
đến từ Toulouse, với ít nhất bốn mươi chiếc. Tháng 10 vừa qua, tôi được biết có một
nhóm người chuyên lái Moto phân khối lớn sẽ đến thăm Moissac, sau đó ăn trưa
bên cạnh tu viện sau thánh lễ. Tôi gặp họ và đã đề nghị ban phước lành cho họ ở sân trước nhà thờ. Nhiều
anh lái Moto bất ngờ nhưng rất
“xúc động” trước sự chào đón khác thường này.’’
“Có
gì đó đã bừng lên trong tôi, tôi
cảm thấy xúc động mạnh”, chủ tịch câu lạc bộ, Lilian Chausson, thừa nhận, anh cho biết thêm rằng những người lái
Moto này phần lớn không có niềm tin Kitô giáo. Nhưng trước sáng kiến của Cha xứ
Moissac đầy năng động, gợi ý làm
một cuộc rước nghi thức Rogations với đoàn Moto, họ đã không ngần ngại mà tán thành ngay lập tức và hứa sẽ đồng hành với ngài trong
cuộc rước cầu nguyện và chúc lành năm nay, phiên bản 2023.
Vào
ngày 13 tháng 5 năm nay 2023, ngồi sau chiếc Harley-Davidson và nước thánh trên
tay, vị linh mục sẽ rảy nước phép
cho các cánh đồng, vườn cây ăn quả và gia súc. Đoàn xe Moto sẽ đi vòng qua mười
lăm tháp chuông của giáo xứ, mỗi chặng dừng tại một nhà thờ, tiếng chuông sẽ
vang lên đón chào. Trước các nhà thờ,
giáo dân sẽ dựng một thánh giá dài khoảng 3 đến 4m. Mỗi gia đình nông dân và
nhà vườn sẽ chuẩn bị một giỏ hoa quả họ sản xuất, xếp quanh chân Thánh Giá. Sau
khi đã được làm phép, họ sẽ đem những giỏ trái cây, trứng gà, artichaud,
fromage… đến nhà thờ để dâng của Lễ. Được biết ngày 13/05 cũng là ngày kỷ
niệm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima cho ba trẻ lần đầu tiên vào năm 1917, mà cũng là ngày Đức Mẹ đã giơ tay đẩy
viên đạn qua một bên để
cứu thoát Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phalô đệ nhị vào năm 1981 tại quãng trường
Thánh Phêrô, tượng Đức Mẹ Fatima cũng sẽ được
nghênh rước với đoàn Moto trên các nẻo đường. Harley-luia, Harley-luia !!!
Và
vào cuối buổi chiều, một thánh lễ sẽ được cử hành trong Abbaye St Pierre cho những ai
muốn, cùng với giới chăn nuôi và nông dân trong vùng.
Theo
lời Cha Hoàn giải thích: “Mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ nông dân bằng lời cầu
nguyện và làm sống lại truyền thống cổ xưa đẹp đẽ này của nước Pháp. Ngoài ra
đây cũng là một hoạt động tập hợp các tín hữu xung quanh một dự án, để họ đoàn
kết và làm việc chung với nhau, để cho hoạt động giáo xứ ngày càng sinh động và
thu hút hơn’’.
Ước
mong sao mùa màng sẽ được bội thu
không những trên cánh đồng, mà ngay cả trong nhà thờ trên toàn nước Pháp.
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Mt 9,37), nhất là trong tình trạng của giáo hội Pháp ngày nay, thợ gặt lại càng ít hơn, nên vừa qua với sự chấp thuận của đức tân Gm Thái Bình Đức Cha Đaminh Đặng văn Cầu và Đức tân giám mục Montauban Monseigneur Alain Guellec, cha Phêrô Hoàn đã được nhập và nhận luôn vào linh mục đoàn của giáo phận Montauban. Với tính cách trẻ trung và đầy năng động, chúc Cha luôn luôn gặt hái thành công và làm cho cánh đồng dân Chúa được xinh tươi màu mở và đơm hoa kết trái như Chúa mong chờ.
Công Bình
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang
Chuyện Mèo Năm Mão - Trầm Thiên Thu
Ngày Xuân Đoàn Tụ - Anê Thùy Dung
CHRISTUS VIVIT : Tông Huấn của Tòa Thánh gửi các Bạn Trẻ - Lê Đình Thông