Trưởng Phanxicô Đỗ Duy Hoàng
Từ hai mươi lăm năm qua, mỗi chiều thứ bảy khuôn viên Giáo Xứ rộn vang tiếng cười nói của hàng trăm em Thiếu Nhi Thánh Thể, trong bộ đồng phục áo sơ-mi trắng, quần xanh biển đậm, với khăn quàng xanh lá mạ, xanh dương hoặc vàng tùy theo lứa tuổi. Một hiệu còi nổi lên, không khí ồn ào náo nhiệt dứt ngay, các em nhanh nhẹn tập họp trong trật tự và thinh lặng, dưới sự điều khiển của các huynh trưởng, theo chương trình đã thành quen thuộc :
15g : học việt ngữ
16g : sinh hoạt Thiếu Nhi Thánh Thể
17g : học giáo lý
18g : thánh lễ
Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể ngày càng lớn mạnh tại Giáo Xứ vì đang đáp ứng một nhu cầu quan trọng: giáo dục thế hệ trẻ trở nên những người kitô hữu trưởng thành trong Giáo Hội Pháp, nhưng không quên nguồn gốc và văn hóa Việt Nam.
Nhưng Thiếu Nhi Thánh Thể bắt nguồn từ đâu ? đã phát triển tại Giáo Xứ Paris và tại Pháp ra sao ?
NGUỒN GỐC & DANH XƯNG
Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam, khởi đầu mang tên Nghĩa Binh Thánh Thể, là chi nhánh của Hội Tông Đồ Cầu Nguyện dành cho tuổi trẻ do linh mục Bessières dòng Tên thành lập tại Pháp vào khoảng năm 1915 theo tinh thần Thông Điệp Quam Singulari của Đức Giáo Hoàng Piô X cổ võ và ban phép cho trẻ em chịu lễ sớm. Bốn khẩu hiệu truyền thống của Nghĩa Binh Thánh Thể là: Cầu Nguyện và Tông Đồ (rút ra từ Hội Tông Đồ Cầu Nguy?n), Thánh Thể (năng rước lễ theo Thông Điệp của Đức Piô X), và Hy Sinh (dựa theo tinh thần Đạo Binh Thánh Giá, hiến thân bảo vệ Hội Thánh). Nghĩa Binh Thánh Thể Việt Nam được các linh mục hội Xuân Bích (Saint Sulpice) thành lập đầu tiên năm 1929 tại trường Thầy Dòng "École Puginier" ở Hà Nội, mang mục đích thuần túy đạo đức. Qua thời gian hoạt động và phát triển ở khắp các giáo phận, Nghĩa Binh Thánh Thể cho ra Bản Nội Quy Thống Nhất đầu tiên năm 1964, đổi danh xưng thành Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam (PT/TNTT/VN), đặt nặng mục đích giáo dục giới trẻ. Trước đà tiến không ngừng của Phong Trào và để đáp ứng nhu cầu giáo dục giới trẻ ngày càng hữu hiệu hơn, một bản Nội Quy mới cho Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam đã được ra đời, do Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chuẩn y vào tháng 1 năm 1971. Sau năm 1975, Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam nẩy mầm phát triển một cách kỳ diệu nơi các cộng đồng Công Giáo người Việt tại nhiều nước trên thế giới, t? các nơi có các trại tỵ nạn như Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan, Hồng Kông...rồi đến các nước người tị nạn định cư như Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc, Đức, Pháp.
MỤC ĐÍCH
Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể nhằm hai mục đích tổng quát:
Đào luyện thanh thiếu niên trở thành những con người kiện toàn và những kitô hữu hoàn hảo.
Đoàn Ngũ hóa và hướng dẫn thanh thiếu niên loan truyền Tin Mừng Chúa Kitô và góp phần xây dựng xã hội.
NỀN TẢNG
Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể lấy Lời Chúa trong Thánh Kinh và Giáo Huấn của Giáo Hội Công Giáo làm nền tảng để giáo dục và hướng dẫn giới trẻ trong các hoạt động.
LÝ TƯỞNG
Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể nhận Chúa Giêsu Thánh Thể là trung tâm điểm, là nguồn sống thiêng liêng và là lý tưởng sống của đời mình.
TÔN CHỈ
Tôn chỉ của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam là:
- Sống Lời Chúa và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể bằng Cầu Nguyện, Rước Lễ, Hy Sinh, và Làm Việc Tông Đồ dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cách riêng làm tông đồ cho giới trẻ: "Giới trẻ phải làm tông đồ trước tiên và trực tiếp cho giới trẻ" (Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân, Số 12).
- Yêu mến và tôn kính Đức Maria Mẹ Chúa Cứu Thế, để nhờ Mẹ, chúng ta đón nhận Chúa và đem Chúa vào đời một cách tuyệt hảo.
- Tôn kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam; noi gương và nên chứng tá Tin Mừng Chúa Kitô như các Ngài.
- Yêu mến và vâng phục vị đại diện Chúa Kitô, là Đức Giáo Hoàng, thủ lãnh của Thiếu Nhi Thánh Thể đồng thời cầu nguyện và thực hiện những ý chỉ hàng tháng của Ngài.
- Thăng tiến con người nhân bản. Bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam.
PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể sử dụng những phương pháp thích hợp đ< giáo dục thanh thiếu niên về hai phương diện tự nhiên và siêu nhiên
- Tự Nhiên: Thiếu Nhi Thánh Thể dùng những phương pháp tự nhiên như ca vũ, sinh hoạt ngoài trời, vào sa mạc, hoạt động xã hội... mà các hoạt động này được thấm nhuần tinh thần Thánh Kinh.
- Siêu Nhiên: Thiếu Nhi Thánh Thể đặt căn bản cho đời sống tinh thần bằng cách Sống Ngày Thánh Thể qua việc Dâng Ngày, Cầu Nguyện, Rước Lễ, thực hiện Bó Hoa Thiêng Liêng, Tĩnh Huấn, Chia Sẻ Lời Chúa ...
TỔ CHỨC
Cấp căn bản hoạt động mà Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể nhằm giáo dục trực tiếp là cấp Đoàn, thường được thành lập tại các Giáo Xứ hoặc Cộng Đoàn Công Giáo. Đoàn kết nạp các em từ 6 tuổi trở lên; do đó, để việc giáo dục và sinh hoạt được kết quả, Đoàn được chia thành từng nhóm theo lứa tuổi, gọi là Ngành; Ngành chia thành nhiều Đội, từ 6 tới 11 đoàn sinh cùng phái.
Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể gồm 3 Ngành chia theo lứa tuổi như sau:
- ẤU NHI với khẩu hiệu NGOAN: Từ 6 đến 9 tuổi, khăn màu lá mạ,
- THIẾU NHI với khẩu hiệu HY SINH: Từ 10 đến 13 tuổi, khăn màu xanh dương,
- NGHĨA SĨ với khẩu hiệu CHINH PHỤC: Từ 14 trở lên, khăn màu vàng.
Trên 17 tuổi, các em thiếu nhi có khả năng và yêu thích Phong Trào đượcc huấn luyyện trở thành Dự Bị Huynh Trưởng (khăn đỏ). Qua một thời gian huấn luyện và thực tập, đủ 18 tuổi, các Dự Trưởng,với sự đồng ý Cha Tuyên Úy, có thể tuyên hứa trở thành Huynh Trưởng (khăn đỏ, viền vàng), chính thức lãnh nhận trách nhiệm giáo dục các em thiếu nhi.
KẾT LUẬN
Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể là một đoàn thể công giáo tiến hành, hiện đang đáp ứng một nhu cầu quan trọng trong cộng đồng người việt tại hải ngoại nói chung, và tại Giáo Xứ Việt Nam vùng Paris nói riêng. Đó là nhu cầu giáo dục thế hệ trẻ trong Đức Tin và trong tinh thần văn hóa dân tộc. Như Cha Tuyên Úy Giuse Đinh Đồng Thượng Sách thường nhắc nhở : « Chiều thứ bảy, các em thiếu nhi đến Giáo Xứ không chỉ học 1 tiếng, mà học đến 4 tiếng việt ngữ : 1 giờ học đọc học viết trong lớp, 1 giờ vui chơi sinh hoạt bằng tiếng việt, 1 giờ giáo lý và kết thúc bằng thánh lễ tiếng việt ».
Mục đích của PT/TNTT/VN là giáo dục các em thiếu nhi, nhưng quá trình phát triển của phong trào tại Giáo Xứ đã đem lại ít nhất hai thành quả tốt khác :
▪ TNTT góp phần xây dựng Giáo Xứ : mỗi chiều thứ bảy sinh hoạt TNTT cũng là dịp các phụ huynh gặp gỡ, quen biết nhau, tạo nên những mối dây liên lạc mật thiết hơn, làm cho cộng đoàn có thêm nhiều sức sống.
▪ TNTT mở rộng Giáo Xứ đến các cộng đoàn địa phương, nhất là những nơi nào có nhiều gia đình trẻ : sinh hoạt Thiếu Nhi là một trong những yếu tố thu hút các bậc phụ huynh mang con em đến với cộng đoàn để được học giáo lý, học tiếng việt.
Hướng về tương lai, những em thiếu nhi hôm nay sẽ là những thành viên của cộng đoàn ngày mai. Giáo dục các em thiếu nhi trở nên những con người kiện toàn và những kitô hữu hoàn hảo là phương tiện tốt nhất để xây dựng một tương lai tươi đẹp cho cộng đoàn Giáo Xứ Việt Nam vùng Paris.
Trưởng Phanxicô Đỗ Duy Hoàng