Giang Minh Đức
dưới góc nhìn của Người giáo dân
1. Nhận định chung và chứng từ:
50 năm từ sau ngày Tòa Thánh phục hưng cấp trật Phó Tế vĩnh viễn (PTvv), 1965-2015, để đáp ứng nhu cầu mục vụ của Giáo Hội ngày càng đa dạng và chuyên biệt, có khuynh hướng rộng mở, tiến theo đà phát triển không ngừng của thế giới hiện đại, và nhất là để đem đến cho Giáo Hội một luồng gió mới thổi trên cánh đồng Truyền Giáo đang khao khát thợ gặt (Lc 10,1-9), nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng vẫn còn chưa tìm ra câu trả lời chính xác về vai trò, trách nhiệm và chỗ đứng của các thầy PTvv hay thầy Sáu; thậm chí tại nhiều xứ đạo ở Pháp, các Linh mục và giáo dân vẫn còn giữ thái độ dè dặt hoặc chưa có thói quen làm việc chung với các thầy, mặc dầu đã có những dữ liệu chính thức, quan trọng đề cập rất rõ ràng và đầy đủ về điều đó như sách Giáo Lý Công Giáo (GLCG, điều khoản 6, 1554-1571), hiến chế Lumen Gentium (N° 28, 29, 41 - ĐTC Phaolô VI - 1964), nghị định số 15 & 16 về Ad Gentes (ban hành bởi ĐTC Phaolô VI - 1965), tông thư Ad Pascendum (ĐTC Phaolô VI - 1972), thư mục về chức thánh và đời sống của các PTvv (Directoire pour le ministère et la vie des diacres permanents - 1998)...v.v....
Theo nhận xét của nhiều thành phần giáo dân thì các thầy PTvv còn ít được nhiều người biết đến, ngoại trừ một vài sứ vụ được giao phó trong lãnh vực mục vụ tại xứ đạo như cử hành lễ nghi phụng vụ trên bàn thờ với Linh mục, dạy giáo lý, thăm người bệnh, phụ giúp việc tang lễ, giảng thuyết cấm phòng... v.v...Phần đông cho rằng PTvv là phụ tá của Linh mục sở tại, người khác lại ví các thầy cũng có chức vụ như một Linh mục nhưng được phép lập gia đình, và cũng có người nghĩ rằng PTvv chỉ là các tín hữu bình thường như những giáo dân khác mà thôi nhưng thuộc hàng phẩm trật trong Giáo Hội....Rất nhiều giáo dân công giáo dễ dàng chấp nhận việc các PTvv cử hành một vài Bí Tích như Rửa Tội chẳng hạn, tuy nhiên cũng còn một số ít không đồng ý lắm, như nhận định sau đây của thầy François MATHIEU, thuộc nhà thờ Saint François-Xavier (Paris, quận 7): "Đôi khi chúng tôi phải đối diện với những người công giáo không nắm bắt được hiện tình chung của Giáo Hội hiện nay như việc chấn hưng chức vụ PTvv từ sau Công Đồng Vatican II nên họ luôn tìm đến các cha, tránh né các thầy."
Bà cụ Odile, tín hữu cao niên trong xứ đạo này đã 88 tuổi, là một trong những trường hợp đó, giải thích: "Đây là chuyện giữa các thế hệ. Nhưng đối với tôi, việc cử hành các Bí Tích thuộc về trách nhiệm của các Linh mục...Cuối cùng thì...có lẽ tôi không nên nghĩ như vậy vì các thầy làm cho chúng tôi rất nhiều việc và cũng trợ lực cho các cha trong nhiều công tác mục vụ ở đây. Quả thật họ là nguồn tài nguyên nhân lực dồi dào của Giáo Hội."
Chị Laragh MARCHAND, một giáo dân trung thành của xứ đạo kể lại: "Tôi có cháu gái tên Constance, 7 tháng tuổi, vừa chịu Phép Rửa do thầy PTvv Philippe CHAUVEAU chủ sự. Lúc đầu, tôi hy vọng nghi thức sẽ được cha sở cử hành nhưng sau đó ngài cho biết sẽ vắng mặt vào ngày Rửa Tội của cháu vì trường hợp bất đắc dĩ và thầy Philippe sẽ thay thế lo toan mọi sự. Mặc dầu là người công giáo nhưng tôi thật sự không biết gì về các thầy PTvv nên tỏ thái độ dè dặt lúc đầu. Sau một thời gian tìm hiểu và chuẩn bị, cháu đã được nhận Bí Tích Rửa Tội trong một nghi thức phụng vụ trọng thể và đầy ý nghĩa. Đức tin sống động, tánh tình cởi mở và vui vẻ của thầy Philippe đã làm cho tôi thay đổi cái nhìn thiển cận trước đây và giờ đây tôi cảm thấy mình cần có trách nhiệm phải dấn thân hơn đối với giáo xứ và Giáo Hội."
Qua những khái niệm và hiểu biết mơ hồ đó của đa số giáo dân, người ta nhận thấy các thầy thông thường là những giáo sĩ vốn dĩ khiêm nhường và âm thầm làm việc với một tinh thần phục vụ đơn sơ nhưng rất hiệu quả. Một điều không thể thiếu nơi các thầy là họ luôn đề cao giá trị con người, gia đình và bản thân, có một đời sống quân bình về cả hai mặt Đạo và Đời bên cạnh sự hỗ trợ của vợ con, tùy trường hợp, để cho cuộc sống trong gia đình và ngoài xã hội cũng như đời sống tâm linh, liên kết với công việc mục vụ tại xứ đạo, ngày càng thăng hoa kết trái trong đức Tin, Cậy, Mến.
Séverine, 43 tuổi, phu nhân của thầy Laurent d'AUVIGNY, thuộc nhà thờ Notre Dame de l'Assomption de Passy (Paris, quận 16) cho biết: "Đời sống Phó Tế giúp chúng tôi kết hợp mật thiết hơn với đời sống gia đình để giữ thế quân bình. Thời gian đầu tuy có phức tạp nhưng dần dần rồi mọi việc cũng đâu vào đấy. Qua Bí Tích Hôn Phối, Chúa đã mở Tim Ngài cho tôi; giờ đây, qua Bí Tích Truyền Chức Phó Tế vĩnh viễn của Laurent, Ngài lại mở rộng thêm nữa Trái Tim thương xót của Ngài. Chúng tôi đón nhận đó như một Hồng Ân. Khi Laurent bận lo việc mục vụ, tôi dâng chồng cho Chúa và đồng hành với anh trong công việc và bổn phận của tôi."
Claire SCAUFLAIRE, 50 tuổi, vợ thầy Patrick, PTvv ở nhà thờ Saint François de Molitor (Paris, quận 16) nhận xét: "Việc dấn thân của chồng tôi vào chức vụ PTvv đã hiệp nhất đời sống gia đình của chúng tôi." Tất cả 6 người con trong gia đình đều chấp nhận bố sống ơn gọi. Ngoài đời, thầy Patrick cũng rất bận rộn trong việc làm, còn Claire, hành nghề giáo viên, sau ngày chịu chức của chồng, sống vui vẻ và cởi mở hơn với mọi người.
Nếu như người giáo dân xưa nay thường quen thấy các Linh mục trong bộ phẩm phục khi cử hành các nghi thức phụng vụ, ngoài đời thì mặc áo cổ trắng, thường đi một mình, không đeo nhẫn để biểu hiện đời sống độc thân; thì họ cũng không khỏi ngạc nhiên khi thấy các thầy PTvv ngày nay cũng có áo lễ riêng tại bàn thờ như các Linh mục, đeo dây Stola bắt chéo ngang từ bờ vai bên trái ở trước ngực và sau lưng xuống phía bên phải (sách lễ Rôma - số 340), có nhẫn cưới đeo nơi tay, ngoài đời lại có thêm vợ và các con đi bên cạnh tùy trường hợp...
Ở Pháp, để tránh sự lẫn lộn giữa Linh mục và Phó Tế vĩnh viễn từ phía giáo dân, các thầy không chọn mặc áo tu sĩ cổ trắng ngoài đời nhưng chọn mặc y phục thường, đeo một logo nhỏ trên ngực áo, có dấu Thánh Giá và chữ D mang ý nghĩa "Diacre" (dịch từ tiếng Hy Lạp là Diaconos, tức Phục Vụ).
Bác Sĩ PTvv Patrick BONNEMAISON, làm việc tại nhà thờ Saint Dominique (Paris, quận 17) giải thích: "Ở phòng mạch làm việc của tôi, có nhiều bệnh nhân hiếu kỳ, thắc mắc về ý nghĩa của logo này và tôi rất vui khi được giải thích cho họ rõ về sứ mạng của mình. Các Phó Tế được mời gọi không phải để ẩn trốn nhưng để thể hiện dấu chỉ của Thiên Chúa đến giữa mọi người qua đời sống chứng nhân trong tinh thần phục vụ người anh em như Chúa Kitô đã phục vụ các môn đệ Ngài." Chứng từ này giúp chúng ta suy niệm về bài học phục vụ trong bài Phúc Âm của Thánh Gioan khi Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ (Jn 13,14-17). Qua lòng cởi mở và sự tận tình giải thích của thầy Patrick, nhiều bệnh nhân sau khi khám bệnh xong không ngần ngại đặt thêm câu hỏi liên quan đến việc Rửa Tội cho những người trưởng thành như trường hợp của anh Savin, 47 tuổi: "Tôi đã có ý định theo đạo từ lâu nhưng không biết phải bắt đầu thế nào và cần gặp ai? Thầy Patrick BONNEMAISON là Bác Sĩ gia đình của tôi và là người mà tôi tin cậy. Chính thầy đã hướng dẫn tôi và hiện tôi đang học giáo lý để chuẩn bị trở thành tân tòng từ hai năm nay."
Thầy Jean MAGAIL, thuộc nhà thờ Saint Paul-Saint Louis (Paris, quận 4), cựu nhân viên tàu hỏa, nhớ lại: "Trong số bạn bè cũ của tôi, nhiều người không bao giờ nghĩ đến việc đến gặp cha xứ để xin Rửa Tội cho các con. Chúng tôi gặp nhau trong những giờ giải lao nơi làm việc, bên tách cà-phê, hỏi chuyện về tôn giáo, về đức tin...Rồi mọi việc cứ để Chúa sắp xếp. Một thời gian sau, họ nhờ tôi chuẩn bị và cử hành Bí Tích Rửa Tội cho các con họ."
Do đó, cho dù có định nghĩa thế nào đi chăng nữa thì sứ mạng mục vụ chính yếu của một PTvv vẫn là việc thực thi đức Ái và hết lòng phục vụ Giáo Hội trong chức vụ giáo sĩ của mình, nhất là khi việc đó được thể hiện qua tình liên đới, đồng thời cũng là bổn phận đối với những người khốn cùng, nghèo khổ, vô gia cư và cô thế nhất trong xã hội...với tất cả lòng mến Chúa yêu người (Jn 14,12), như một dấu chỉ hiển nhiên về tình yêu Thiên Chúa hiện diện giữa loài người. Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phalô II, trong thông điệp Sollicitudo Reis Socialis, số 32, ban hành năm 1988, đi xa hơn khi khẳng định: " Sự hợp tác để làm phát triển con người và nhân loại là bổn phận của mọi người đối với mọi người, không loại trừ một ai, dù là người nghèo đói hay kẻ xa lạ."
Thật sai lầm khi nghĩ rằng Giáo Hội cần các PTvv để bù vào sự thiếu thốn linh mục hiện nay (Mt 9,32-38). Qua Bí Tích Truyền Chức bởi Giám Mục, PTvv mang dấu ấn Chúa Kitô - Người Phục Vụ, trong khi các Linh mục mang dấu ấn Chúa Kitô - Đấng Cứu Độ (Lc 22,27). Người Phó Tế, sau khi chịu chức, không còn là giáo dân nhưng trở thành một giáo sĩ. Không có sự khác biệt gì về dấu ấn bí tích hay chức năng giữa Phó Tế Vĩnh Viễn và Phó Tế Chuyển Tiếp (để tiến lên bậc Linh mục). PTvv còn có bổn phận vâng lời và thực thi các thừa tác vụ qua sứ mạng được giao phó bởi Giám Mục tùy vào nhu cầu của địa phận và xứ đạo trực thuộc; cũng như hoàn cảnh, môi trường, điều kiện hoặc khả năng của mỗi người. Các thầy có gia đình và nghề nghiệp sẽ dễ thành công hơn trong các sứ mạng trực diện ngoài đời, được bổ túc bên cạnh những công tác mục vụ khác. Khi chịu chức PTvv, các thầy phải được sự đồng ý của phu nhân và sứ mạng quan trọng nhất trong các sứ mạng của một Phó Tế là mục vụ gia đình. Tất cả giáo dân thường (laics) đều được mời gọi trở nên chứng nhân của Chúa Kitô để loan báo Tin Mừng nhưng các PTvv đảm trách rất hữu hiệu vai trò này qua chức quyền và ân sủng đã lãnh nhận sau khi được truyền chức. Với thời gian, các PTvv dần dần sẽ tạo được chỗ đứng của mình trong xứ đạo qua các công việc thực hiện, tinh thần trách nhiệm, khả năng huy động, tài điều hành và được sự tín nhiệm của giáo dân...
Các thầy Phó Tế vĩnh viễn
còn là những người có phẩm hạnh tốt, đời sống đạo đức cao, nếp sống gia đình
thuận hòa, xứng đáng nêu gương sáng trong gia đình và ngoài xã hội, có trình độ
giáo dục văn hóa căn bản, và nhất là được đào tạo trước khi nhận lãnh chức vụ
Phó Tế, và phải có nghề nghiệp vững chắc để tự nuôi sống bản thân và gia đình
như người thường. Họ không được trả lương như trường hợp của phần đông các linh mục.
Một Giám mục tâm sự: "Tôi cảm phục các thầy PTvv vì có những người khi đã đến tuổi hưu trí, thay vì cần chuẩn bị cho mình một đời sống thanh nhàn, hưởng thụ với gia đình thì họ lại chọn con đường khác, con đường phục vụ người anh em với sức năng và quãng đời còn lại. Họ cho đi những gì đã lãnh nhận. Sẽ không có tình yêu khi không có sự cho đi. Thật đẹp và ý nghĩa!"
Là những người dấn thân theo Ơn Gọi của Chúa, các thầy Phó Tế vĩnh viễn được
mời đi phục vụ trong cánh đồng truyền gíáo của Giáo Hội với biết bao ân sủng
đến từ Chúa Thánh Thần. Như vậy, Phó Tế đồng nghĩa với Phục Vụ. Người Phó Tế là
người phục vụ cho Giáo Hội và vì Giáo Hội dưới mọi hình thức của lòng bác ái.
Khiêm tốn, trung thành và đơn sơ là những đức tính cần phải có trong khi phục
vụ. Lòng mến Chúa và yêu tha nhân sẽ giúp các thầy đạt được mục đích nhưng phải
biết từ bỏ những điều kiện vật chất không cần thiết hay những quyền lợi cho
chính riêng mình. Như nhịp cầu
nối giữa bậc giáo dân (nơi họ đến từ) và bậc giáo sĩ (nơi họ đang thuộc về),
người Phó Tế được huấn luyện để mở lòng độ lượng hơn với tha nhân, can đảm và
bền chí trong sứ mạng mà Giáo Hội trao phó.
Theo Niên giám Tòa Thánh 2013, Giáo Hội đã có trên 42000 Phó Tế vĩnh viễn. Trong số này, Bắc Mỹ chiếm 64,3% và Âu Châu chiếm 33,2%. Riêng các cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ, có khoảng 100 PTvv đã được phong chức để phục vụ.
Kể từ mùa Phục Sinh năm 1970, các PTvv đầu tiên của nước Pháp được tấn phong và từ đó đến nay con số không ngừng tăng trưởng. Từ con số 1 của năm đầu, 1500 của năm 2000, đến nay đã có trên 2600 PTvv đang thực thi ba thừa tác vụ của Đức Giêsu Kitô ở rải rác trên những điạ phận lớn:
Phục vụ tại bàn thờ (Martyria)
Công bố Phúc Âm và rao giảng Lời Chúa ( Leiturgia)
Hiến thân cho những công việc bác ái (Diakonia)
Theo số thống kê, tại Paris, trong số 169 PTvv được tấn phong, 86% thuộc thành phần đã có gia đình. 49% đang hành nghề. 51% còn lại sống bằng lương hưu trí. 25% trên 75 tuổi. Tuổi trung bình là 67. Tuổi trung bình khi được phong chức là 54.
Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục địa phận Paris, nhận xét rằng việc phục hồi phẩm trật Phó Tế vĩnh viễn từ sau Công Đồng Vatican II trong Giáo Hội La Mã quả là một ân sủng vì chức vụ giáo sĩ này được trao phó cho những người đang sống trong lòng xã hội, có nghề nghiệp vững chải, đa số đã lập gia đình...v.v...Đó là dấu hiệu đễ loan truyền Phúc Âm trong những điều kiện thường tình của đời sống con người. Các PTvv sẽ là những chứng nhân sống động của Giáo Hội, mang Chúa ra ngoài khung cửa nhà thờ mà đến với mọi người...
2. Nét đặc thù của Giáo Xứ Việt Nam vùng Paris:
Tọa lạc tại thủ đô Paris, 38 rue des Epinettes, quận 17, GXVN vùng Paris là một cộng đoàn công giáo lớn mạnh nhất trong các cộng đoàn người Việt tại Pháp với khoảng 1000 - 1200 gia đình tính chừng 3000 - 5000 giáo dân sinh hoạt đều đặn trên tổng số 15000 - 17000 giáo dân công giáo ở rải rác trong các vùng phụ cận IDF.
Hiện tại có 4 thầy PTvv làm việc rất tích cực cho Giáo Xứ:
Thầy Phêrô Phạm Bá Nha: Chủ bút báo Giáo Xứ Việt Nam
Thầy Inhaxiô Nguyễn Văn Thạch: Phụ trách huấn luyện các hội đoàn
Thầy Anrê Tạ Ðình Chung: Đặc trách site Internet của Giáo Xứ
Thầy Gioan Nguyễn Sơn: Thăm viếng người bệnh & Phụ trách các em Giúp Lễ ngày Chúa Nhật
Tuy hoạt động thầm lặng bên cạnh các Linh mục nhưng các thầy làm việc rất hiệu quả và là những cột trụ nòng cốt trong thành phần Ban Giám Đốc.
Nhận xét của một giáo lý viên:
"Thầy Thạch là người giỏi về thần học, nay đã lớn tuổi. Thầy Nha rất đạo đức. Thầy Sơn thì mới nhậm chức từ vài năm nay, hoạt động rất hăng say. Thầy Chung thì làm việc nhiều cho xứ đạo Pháp hơn và rất thánh thiện. Nhìn chung thì đời sống của các thầy rất nhân đức, đạo hạnh và khiêm nhường. Người dấn thân làm việc nhiều nhất cho Giáo Xứ là thầy Nha, một người rất tận lực tận tâm. Từ ngày phu nhân mất, thầy làm việc gần như ngày đêm và hết lòng vì Giáo Xứ. Các thầy phụ giúp các cha trong công việc phụng vụ rất thành công và đắc lực. Nếu không có các thầy Sáu ở đây thì các cha sẽ phải làm việc nhiều gấp mấy lần những công việc bình thường của các ngài. Ví dụ như trường hợp thầy Nha thường hay phụ trách về các nghi thức tang lễ hay đi thăm bệnh nhân...điển hình như việc tang lễ của bác Hộ vừa qua thì thầy Nha đã ra nghĩa địa để chuẩn bị mọi thứ, soạn bài, đọc kinh, cầu nguyện, chủ sự nghi thức an táng...vì vậy đỡ mệt cho các cha rất nhiều. Phải công nhận mà nói thì các thầy Sáu ở Pháp nói chung và ở Giáo Xứ nói riêng rất giỏi và tốt lành. Có những thầy học cao, giảng hay và thu hút như có thầy ở nhà thờ Saint Louis d'Antin rất giỏi về thần học, thánh kinh, lại giảng lễ rất ngắn gọn, dễ hiểu và súc tích. Các thầy ở Giáo Xứ thì ngoại trừ thầy Sơn là còn đi làm chứ các thầy khác thì đã về hưu cả và sống với tiền hưu trí. Nói chung về vấn đề vật chất thì các thầy không lo lắng gì hết. Muốn nhậm chức PTvv, các thầy đã có gia đình phải được sự chấp thuận của vợ con nên các cha cũng rất cẩn trọng trong việc lựa chọn các PTvv để dấn thân phục vụ cho Giáo Xứ."
Nhận xét của một phụ huynh:
"Em lui tới Giáo Xứ cũng đã được 14 năm, từ lúc con trai lớn của em chỉ mới 5 tuổi cho đến nay cháu đã 19. Gia đình em có 3 cháu, một trai và hai gái, tất cả đều sinh hoạt trong đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể của Giáo Xứ. Tuy không tiếp xúc thường xuyên với các thầy như các em nhỏ TNTT nhưng em thấy các thầy rất tận tình trong công việc và luôn hết mình phục vụ vì Giáo Xứ. Đôi khi trong thánh lễ, mặc dầu chỉ có một cha thôi nhưng khi có một hoặc hai thầy đồng tế thì vẫn thích hơn và tiến trình buổi lễ như trôi chảy và ý nghĩa hơn. Em rất thích các thầy giảng trong những buổi tĩnh tâm dành cho các em TNTT vì các thầy có cái nhìn sâu sắc và bén nhạy ngoài đời. Cách nói chuyện và giảng dạy của các thầy cũng dễ thu hút các em. Giáo Xứ có may mắn được nhiều thầy phụ giúp các cha để hướng dẫn và dạy dỗ các em có đời sống đức tin tốt lành.
Thầy Chung là người dạy giáo lý cho em và Mai Lan, con gái thầy là người đỡ đầu cho con gái út của em. Thầy là người rất đạo đức. Mẹ con em quý thầy lắm và cũng rất gắn bó với Giáo Xứ như ngôi nhà thứ hai vậy."
Nhận xét của một huynh trưởng:
"Huynh trưởng chúng con thường tiếp xúc nhiều với thầy Sơn về những vấn đề mục vụ liên quan đến chương trình giáo lý của các em TNTT. Các thầy PTvv khác ở Giáo Xứ tuy ít có mặt ngày thứ bảy vì phải lo công tác mục vụ ở nhiều nơi khác nhưng con nghĩ tất cả đều là những thành phần nòng cốt và quan trọng trong Giáo Xứ. Một buổi lễ khi cử hành các nghi thức phụng vụ mà có các thầy bên cạnh các cha sẽ làm cho bàn tiệc thêm đông, buổi lễ thêm phần ý nghĩa và mọi người cảm thấy phấn khởi. Trong các buổi giảng cấm phòng hoặc tĩnh tâm, khi dạy giáo lý hay những lúc làm việc với các giáo lý viên, các thầy đem đến cái nhìn khác, khách quan và kinh nghiệm hơn..."
3. Lời kết:
Cuối cùng, xin mượn lời của Chân Phước Charles de Foucauld khi ngài viết về các thầy Phó Tế: "Các thầy là những bàn tay của Chúa Giêsu. Chính từ những bàn tay đó mà Chúa phân phát loại bánh mang ba ý nghĩa nuôi sống chúng ta: bánh của ăn vật chất, bánh Lời Chúa và bánh Mình Thánh Chúa."
Những người nghèo, dù có người không lên tiếng, cũng đói ăn bánh này. Giáo Hội, qua trung gian các thầy, sẽ biết cách mang bánh đến cho họ, như lời ca nguyện muôn thuở của Thánh Phanxicô trong Kinh Hòa Bình:
"Lạy Chúa từ nhân,
xin cho chúng con luôn biết mến yêu
và phụng sự Chúa trong mọi người..."
Xin ban cho Giáo Hội có thêm nhiều ơn gọi Tận Hiến, nhất là ơn Linh mục và Phó Tế vĩnh viễn.
Paris, 04.07.2015
Bài viết khác
Lịch Trình Khoá Giáo Lý Hôn Nhân tại Giáo Xứ
Tiếng vọng … từ Thư viện Giáo xứ - Lê Quang Đại
Thư mời Ngày Tĩnh Tâm 07-09-2024 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Hình : Rước Kiệu và Thánh Lễ Mừng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Hai Ngày Gặp Gỡ của Nhóm Gia Đình Louis-Zélie 6-7/07/2024
Hình : Hai ngày Kermesse 19-20/05/2024 của Giáo Xứ
Kết Quả xổ số Tombola ngày Thân Hữu Giáo xứ 19/05/2024
Hình : Những đóa hoa dâng Mẹ trong tháng Năm - Giáo Xứ VN Paris
Vidéo : Những đóa hoa dâng Mẹ trong tháng Năm - Giáo Xứ VN Paris
Vidéo : Diễn Nguyện 14 Đàng Thánh Giá Và Thánh Lễ Lá - Chúa Nhật 24/03/2024 - Huy Quyên
Hình : Thánh Lễ Lá tại Giáo Xứ - Chúa nhật 24/03/2024 - Ngọc Huy
Vidéo : Hai bài Chia Sẻ Tĩnh Tâm Mùa Chay 2024 với Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải - Chúa nhật 10/03/2024
Hình : Ngày Giáo Xứ Tĩnh Tâm Mùa Chay 2024 - Chúa nhật 10/03/2024
Tết Cao Niên Cảm Tạ - Một Người Tham Dự
Vidéo & Hình : Tiệc Tết Cao Niên Giáp Thìn - Giáo Xứ Việt Nam Paris - 03/03/2024
Lịch trình Giáo Lý Hôn Nhân Năm 2024 - Ban Mục Vụ Hôn Nhân
Hình : Tiệc Tết Giáp Thìn Giáo Xứ Việt Nam Paris - 28/01/2024