Ngày Gia Đình XIX
Chúa Nhật 24/03/2019
Những thách đố trong đời sống
hôn nhân của đôi bạn - gia đình ngày nay
T |
rưa chủ nhật 24 tháng 3 vừa qua tại giáo xứ
Việt Nam Paris nhóm Gia Đình Trẻ (nay đổi tên là nhóm Gia Đình Công Giáo) đã tổ
chức buổi họp mặt thường niên trong khuôn khổ của chương trình mục vụ gia đình.
Đề tài của Ngày Gia Đình lần thứ 19 năm nay liên quan và ảnh hưởng nhiều đến
các đôi bạn sắp sửa bước vào đời sống hôn nhân, cũng như những bậc cha mẹ trẻ
và trung niên...dựa trên tình hình thực tế của cuộc sống đương thời, đã thu hút
khá đông giáo dân với sự hiện diện của hơn 30 tham dự viên gồm đủ ba thế hệ qua
phần thuyết trình sống động, hấp dẫn và súc tích của Cha Giuse Nguyễn Văn Ziên,
phó xứ nhà thờ Saint-Germain-l'Auxerrois, thuộc giáo phận Nanterre.
Sau lời nhập đề của chị Nguyệt khi nhấn mạnh về ảnh
hưởng của việc đối thoại giữa đôi bạn - vợ chồng trong gia đình là một trong những
căn nguyên dẫn đến đổ vỡ hoặc hạnh phúc của gia đình, và điều quan trọng là phải
biết cởi mở tâm hồn, thành thật nhận lỗi, cảm thông giải thích và chấp nhận tha
thứ cho nhau; Cha Ziên nhận xét thêm rằng cãi vã, gây gỗ, bất đồng quan điểm...là
chuyện bình thường trong đời sống thường nhật của mỗi gia đình vì gia đình nào
cũng có vấn đề của gia đình đó, và vấn đề là lý do để gia đình có cơ hội đối
thoại.
THUYẾT TRÌNH :
Vì đề tài thì quá sâu rộng so với thời gian thuyết
trình có hạn nên Cha Ziên chỉ xin được chia sẻ về hai thách đố cốt lõi trong đời
sống hôn nhân :
I. Đối thoại trong gia đình
II. Giáo dục con
cái
Cha Ziên lưu ý mọi người cần phải chú tâm và có cái nhìn
khách quan dưới ba chiều kích trong khi tiếp thu những gì sắp sửa nghe hoặc học
hỏi :
•
Chiều
kích chung : Những điều học hỏi có thể áp dụng cho tất cả mọi gia đình.
•
Chiều
kích đặc thù : Có thể thích hợp với gia đình này nhưng lại không thích hợp với
gia đình kia.
•
Chiều
kích cá biệt : Chỉ có thể áp dụng được trong trường
hợp cá biệt nào đó mà thôi.
I. Đối thoại trong
gia đình (giữa vợ chồng với nhau và giữa cha mẹ với con cái) :
Khi trong gia đình
có vấn đề, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu nguyên do của vấn đề đó đến từ
đâu căn cứ vào 4 điểm chính yếu sau đây để có thể nhìn thấy và tìm cách giải quyết.
Đó là :
Nhu cầu, cảm xúc,
phản ứng và hành động.
A. Nhu cầu :
1) Nhu cầu về thể
lý : Ăn, ngủ, nghỉ,
tính dục…
2) Nhu cầu về tâm
lý :
- Nhu cầu cảm nhận
được sự an toàn (besoin d'être rassuré) như nhà cửa, vật chất, gia đình, tương
quan trong gia đình (giữa vợ chồng với nhau hoặc giữa cha mẹ với con cái hay
giữa gia đình nội ngoại hai bên...), trong cộng đoàn (bạn bè, giáo dân...),
ngoài xã hội (bạn đồng nghiệp, khách hàng...)...
- Nhu cầu cảm nhận
tình yêu (besoin d'être aimé)
- Nhu cầu biết ơn
nhau giữa vợ chồng hay giữa bạn đồng nghiệp (besoin de reconnaissance)
- Nhu cầu biết tôn
trọng nhau (besoin de respect)
- Nhu cầu yêu chuộng
sự công bằng (besoin de justice)
3)
Nhu cầu về tâm linh : Tìm
về Chân (thật), Thiện (tốt), Mỹ (đẹp) được thể hiện qua :
- Niềm Tin
- Nhân đức
- Hoàn hảo (sự
thánh thiện)
"Nhu cầu"
(besoin) khác với "Ước muốn" (désir). Nhu cầu cần được thoả
mãn và không thể thay thế được. Còn ước muốn thì có thể khất từ hay thay
thế được.
B. Cảm xúc :
Nếu dựa theo nhu cầu tâm lý thì cảm xúc là cần sự an
toàn, tình yêu, mối tương quan, lòng biết ơn, sự tôn trọng và luật công
bằng.
C. Phản ứng :
Khi ba nhu cầu trên không được đáp ứng thì người ta dễ có
phản ứng ngược lại : Họ cảm thấy sợ sệt. Từ sợ sệt đưa họ đi đến buồn phiền.
Từ buồn phiền khiến họ trở nên giận dữ. Từ giận dữ họ cảm thấy bất an. Bất
an làm cho họ không tha thứ được. Rồi từ đó họ dễ sinh tâm bệnh sầu não, sầu
muộn mà thánh Têrêxa thành Avila gọi là đêm tối của tâm hồn (âme mélancolique)
biến dần họ trở thành người tuyệt vọng hoặc trầm cảm và khép kín.
D. Hành động :
Những lúc tâm hồn xao động như vậy, chúng ta cần tìm đến
sự bình an hạnh phúc.
Khi tìm hiểu được nhu cầu, khám phá ra cảm xúc, nhận thấy
phản ứng của đối tượng thì lúc đó chúng ta mới có thể hành động cách dễ dàng.
Và đó là căn bản của đối thoại.
Chỉ có mình mới biết
được cảm xúc của chính mình, còn người khác thì họ chỉ phỏng đoán mù mờ. Và
chúng ta chỉ biết được cảm xúc, ý nghĩ của người khác khi họ nói và
hành động, cho nên đối thoại rất cần thiết trong đời sống gia đình. Và
khi đối thoại thì không nên lấy cái cảm xúc của mình mà áp đặt lên cảm xúc của
người khác.
Cũng vậy, nhu cầu của
người chồng không phải là nhu cầu của người vợ, cũng như nhu cầu của người đàn
ông không như nhu cầu của người đàn bà.
10 điểm phải tránh khi đối thoại :
a. Đợi chờ (attendre) : Cứ đợi mà không nói cho
người khác biết mong muốn của mình.
-- > Vì vậy cần
phải Diễn tả nhu cầu
b. Giải đoán (interprêter) : Đoán đủ mọi kiểu, hiểu
sai hoặc đoán mò ý của người khác
-- > Như vậy cần cho biết Đợi chờ gì ?
c. Suy diễn (se raisonner) : Cắt nghĩa theo gốc độ hay cái nhìn của
mình
-- > Cần phải Tin tưởng vào cảm xúc của mình
d. Nhượng bộ (concéder) : Chấp nhận những nhu cầu
không được thỏa mãn đầy đủ, cứ ấm ức trong lòng
-- > Cần phải Tôn trọng nhu cầu
e. Lo toan (prendre en charge) : Tính toán những cái mà
người khác không muốn, làm mất tự do và không tôn trọng trách nhiệm của
người khác
-- > Cần biết Nhận
lãnh trách nhiệm
f. Lẩn tránh : Cứ trốn tránh, không nhìn nhận vấn
đề
-- > Cần phải Đối diện với vấn đề
g. Kết án : Luôn lên án người khác
-- > Nên Đứng về gốc nhìn của tha nhân
h. Tưởng tượng : Không nhìn sự thật trước mắt
-- > Cần phải Đối đầu với thực tại
i. Thiếu kiên nhẫn : Có thói quen nói lải nhải
-- > Cần phải Lắng nghe và khiêm tốn
j. Chứng nào tật nấy : Lập đi lập lại những thiếu
sót cũ
-- > Cần biết sửa đổi,
Trưởng thành và phải sống trưởng thành
Mục đích của đối thoại là để nhu cầu của hai người
cùng được thỏa mãn, hiểu nhau chớ không phải để kẻ thắng người thua mà
là hai bên phải cùng thắng. Và khi ấy chúng ta sẽ nhận thấy rằng cốt lõi của
đối thoại chính là yêu thương, mà yêu thương ở đây không còn là yêu thương về
cảm xúc, tính tình hay tình cảm nữa mà là yêu thương vì tình yêu đến từ Thiên
Chúa. Thánh Gioan Thánh Giá còn dám quả quyết rằng : "Khi đến cuối đời, chúng ta sẽ bị phán xét bởi Tình Yêu".
Trong tông huấn Niềm vui Tình yêu (Amoris Laeticia), Đức
Thánh Cha Phanxicô nói về tình yêu như
sau : "Tình yêu là tha thứ, tin
tưởng, hy vọng và chịu đựng tất cả".
Nếu dẫn chứng về Lời Chúa, thánh Gioan trong chương 15 có
khuyên : "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.
Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của Đấng đã hy sinh mạng sống
mình cho bạn hữu của mình".
Thánh Phêrô cũng có phán : "Nhờ tin tưởng và chấp
nhận nhau, anh em hãy thanh luyện tâm hồn để thực thi tình huynh đệ và tình yêu
thương chân thành. Anh em hãy tha thiết yêu thương nhau với tất cả tâm hồn. Đó
là Lời Chúa đã được loan báo cho anh em như niềm vui và hy vọng "(1 Pr
22,25).
Vì thế, tình yêu chân thành luôn là sự liên kết về
thể lý, tâm lý và tâm linh; là lời tri ân cảm tạ Thiên Chúa.
Để kết thúc phần đối thoại trong gia đình, cha Ziên mượn
lời huấn dụ của Đức Thánh Cha Phanxicô
khi ngài nói về tình yêu : "Tình yêu là chịu đựng trong tinh thần tích
cực những phiền toái, vững mạnh không thù nghịch, có khả năng chống chọi bền bỉ
và vượt qua những thách đố lớn lao nhất trong gia đình, đó là yêu thương trên hết
mọi sự, ngay cả những cảnh huống ngang trái, mời gọi sống anh hùng, kiên trường
chống lại những tiêu cực, chọn lựa sự thiện trường kỳ, là mẫu gương của tất cả
các gia đình. Trong cuộc sống gia đình, đoàn thể, cộng đoàn...phải nuôi dưỡng sức
mạnh của tình yêu để chống chọi với mọi sự dữ luôn đe doạ. Yêu thương thì không
để thống trị bởi hờn giận, khinh thường người khác, ước muốn trả thù và làm hại
lẫn nhau. Lý tưởng kitô giáo là yêu thương trên hết mọi sự..."
II. Giáo dục con
cái : Là biết để ý và tìm hiểu những nhu cầu của con cái (về
cả ba mặt : thể lý, tâm lý, tâm linh)
➢ Giáo dục nhân bản (về mặt thể lý) : Giúp cho con cái
biết tự lập, tự do và trưởng thành theo phương pháp tây phương FER (Trong
trường hợp này, con cái thường hay có phản ứng chống đối hoặc chịu đựng).
* Khen ngợi khi con cái thành công (Féliciter)
* Động viên hoặc khích lệ khi con cái chán nản hay
chùn chí (Encourager)
* Biết cảm ơn con cái khi chúng nỗ lực phụ giúp việc
nhà, ngoan ngoãn vâng lời hay phấn đấu học tập (Remercier)
➢ Giáo dục trí thức (về mặt tâm lý) : Biết dung hoà
trong việc giáo dục con cái giữa hai nền văn hoá Á và Âu, đồng thời duy
trì những nét đặc thù của nền văn hóa Việt Nam là gia phong, tình huynh đệ,
tập tục..nhất là giúp chúng trưởng thành trong tinh thần trách nhiệm, biết
tôn trọng, cởi mở, đối thoại, xây dựng, đồng hành, dấn thân, yêu
thương, biết ơn nhau và biết ơn Chúa. Giáo dục trí thức là giúp cho con cái
hấp thụ được sự hiểu biết về vấn đề học vấn và đồng thời có chỗ đứng trong xã hội,
nhưng điều quan trọng là làm thế nào để cho chúng nhận thức được ý nghĩa của
cuộc sống và nhân bản của con người mình (giáo dục tri thức).
➢ Giáo dục đức tin (về mặt tâm linh) : Đối với người
công giáo thì gia đình là môi trường đầu tiên và là điều kiện căn bản để
giáo dục đức tin vì chính gia đình mới thật sự là một giáo hội thu nhỏ.
Giáo dục đức tin cho con cái là giáo dục cách học làm người, là sứ
mệnh và trách nhiệm của những bậc làm cha làm mẹ. Giáo Hội đề cao việc giáo
dục đức tin như sau :
"Giáo dục đức tin rất quan trọng trong việc phát triển
gia đình vì nó đào tạo nên những con người đích thực vốn được dựng nên theo
hình ảnh của Thiên Chúa. Do đó, giáo dục đức tin là học cách sống để trở thành
người Kitô hữu và cha mẹ phải là những người giáo lý viên đầu tiên của con cái
mình. Trong gia đình, đức tin được trao truyền bằng phương pháp tiếp cận và thực
hành. Những bài học đức tin được giảng dạy cách thực tế trong gia đình, trong cộng
đoàn, cho nên việc dạy giáo lý là căn bản của nền giáo dục đức tin công giáo mà
trong đó cha mẹ, các linh mục, tu sĩ, giáo lý viên...là những người nhận lãnh
trách nhiệm khai tâm."
Cho nên việc
giáo dục con cái về mặt trí thức, đức tin và nhân bản cần được đi kèm với sự
hiểu biết về nhu cầu thể lý, tâm lý, tâm linh của chúng. Cha mẹ cần phải
để ý đến 5 hành động sau đây để thể hiện ngôn ngữ của tình yêu khi đối
thoại với con cái vì cá tính của người Việt Nam là thường đề cao sĩ diện,
hay so sánh (giữa con cái trong nhà hoặc giữa con cái mình với con cái của người
khác...) và thường có thói quen gây áp lực (từ bên gia đình nội ngoại, trong cộng
đoàn, có khi vì nhu cầu cá nhân nữa...). Đó là phương pháp giáo dục lạc quan
(éducation positive) :
-- > Khen ngợi, động
viên, khích lệ, an ủi [paroles valorisantes]
-- > Cử chỉ âu yếm,
vuốt ve, cảm thông, lắng nghe [art de toucher]
-- > Dùng thì giờ
ở bên nhau là những khoảnh khắc đầy ý nghĩa [moment de proximité, d'être
ensemble]
-- > Tặng quà tuy
không quan trọng nhưng là hành động thể hiện cử chỉ hay bày tỏ sự quan tâm đến
con cái [cadeau]
-- > Nâng đỡ khi con
cái gặp thất bại (trong việc thi cử...) hoặc thất vọng (về chuyện tình cảm...) [rendre service]
Trên đây chỉ là những nét đại cương trong việc đối
thoại và giáo dục con cái. Tuy nhiên, mỗi gia đình đều có những nét đặc
thù khác nhau, chưa kể đến những trường hợp cá biệt.
Thánh Phaolô có nói : "Anh chị em là những người
được Thiên Chúa tuyển lựa thánh hiến trong bí tích hôn nhân và yêu thương, vì
thế anh chị em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại.
Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh chị em, người này có điều phải
trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh chị em thì anh chị em cũng vậy,
hãy tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh chị em phải có lòng bác ái.
Giây tình yêu ràng buộc đó là mối giây liên kết tuyệt hảo nhất giữa vợ chồng,
giữa gia đình, cha mẹ và con cái. Ước gì, ơn bình an của Đức Kitô điều khiển
tâm hồn anh chị em, vì trong một thân thể duy nhất, anh chị em đã được mời gọi
đến hưởng ơn bình an đó, "bình an của Thầy cho các con". Bởi vậy anh
chị em hãy hết dạ tri ân Thiên Chúa là Cha luôn yêu thương chúng ta."
CHIA
SẺ
- Cha Ziên mở đầu : Ở xã hội Tây phương, điều thiết yếu
trong việc giáo dục là sự tín nhiệm nên cha mẹ cần đặt tin tưởng vào tài sức
của con cái để có thể giúp chúng phát triển năng khiếu sẵn có hay dễ dàng theo
đuổi những nguyện vọng hoặc ước mơ riêng.
- Chị Hai nhận xét : Bản tính của người Việt Nam trong việc
đối thoại thường không được tự nhiên và ít biểu lộ cảm xúc của mình có lẽ bởi
còn chịu ảnh hưởng nhiều về tư tưởng và văn hóa Việt Nam nên hay gặp khó khăn
trong việc truyền đạt phương cách giáo dục đến cho con cái.
- Cha Ziên tán đồng : Hơn nữa, đa số người Việt Nam thường
ít thổ lộ những ý nghĩ trong lòng. Có những điều muốn nói lại không nói ra được
vì cứ vướng ở cổ, ở bụng hoài (một câu
nhịn bằng chín câu lành, hay cảm thấy không cần thiết phải nói, hoặc chịu đựng
một chút thì có mất mát gì...). Vì thế vợ hoặc chồng cần phải biết lắng nghe
nhu cầu của mình và nhu cầu của nhau để cảm thông và yêu thương nhau rồi từ đó
biết ơn Chúa. Cả hai phải cố gắng tìm ra phương cách để giúp nhau và nói chuyện
với nhau. Nên nhớ rằng mình không thể hiểu được những suy nghĩ của người khác,
ngoại trừ Chúa. Chỉ có tôi mới hiểu những gì tôi nói hoặc tôi làm hay tôi suy
nghĩ ,và khi tôi suy diễn về người khác thì cũng chỉ là suy diễn theo ý của tôi
mà thôi chứ không phải ý của người kia, do đó tỷ lệ phần trăm suy diễn đúng thì
ít mà sai thì nhiều.
- Anh Hai nói thêm : Đành rằng mình cần phải nói để người
khác hiểu về nhu cầu của mình nhưng cũng cần biết nghe để hiểu được nhu cầu của
người khác.
- Cha Ziên : Đúng vậy. Nghe có lẽ còn quan trọng hơn nói,
như thánh Biển Đức đã diễn tả : "Tôi nghe không chỉ bằng tai nhưng còn
bằng cả trái tim và tâm hồn".
- Anh Ba có ý khôi hài : Thưa Cha, nói về suy diễn thì có
lẽ con suy diễn về vợ con đúng nhiều hơn sai nên chúng con mới ở với nhau được
30 năm nay, chứ nếu không thì chắc "bả" đã chia tay con lâu rồi...
- Cha Ziên khen : Hoàn toàn đồng ý. Việc anh chị đã chung
sống với nhau cho đến ngày hôm nay chứng minh rằng anh chị đã thật sự hiểu nhau
và yêu nhau, nếu không thì chỉ hai ba năm sau ngày cưới là đường ai nấy đi rồi.
Vì thế anh chị cần cảm tạ Chúa đã ban
cho anh chị ân huệ lớn lao đó.
- Anh Tư chia sẻ : Nỗi băn khoăn của vợ chồng chúng con
là khi con cái đang trải qua nhiều giai đoạn của tuổi mới lớn (từ 12 đến 16 tuổi)
vì mỗi giai đoạn lại có những khó khăn riêng của nó, tạo thêm mối lo cho cha mẹ
mà nhiều khi phải la rầy và khắt khe với chúng thay vì phải khen ngợi hoặc âu yếm
cười giỡn với chúng theo phương thức áp dụng 5 ngôn ngữ tình yêu mà cha vừa giải
thích ở trên. Thực tế thì không đơn giản như vậy vì đa số cha mẹ không dễ nhường
nhịn, chiều chuộng con cái mà thậm chí còn
la mắng chúng khi chúng đang ở tuổi ương ngạnh. Cái khó là làm thế nào để
dung hòa việc giáo dục cách quân bình để con cái không bị vấp ngã khi không
vâng lời và cho là cha mẹ suy nghĩ sai hoặc lỗi thời, mà cha mẹ cũng có cơ hội
và biết đối thoại với chúng dễ dàng hơn ?
- Chị Năm đùa : Ý chà, đừng tưởng nghe ! Từ 18 tuổi trở
lên, chúng còn cho là chúng đúng hơn cha mẹ nữa đó !
- Cha Ziên gợi ý : Thiết nghĩ có lẽ các anh chị cần học hỏi
và chia sẻ với nhau qua những trải nghiệm của lớp người đi trước hoặc có con lớn
hơn để tìm ra câu trả lời thích ứng và thực tế hơn. Riêng tôi chỉ nói theo sự
hiểu biết, cái nhìn và trái tim của một linh mục chứ không thể nói theo kinh
nghiệm. Nhưng theo tôi thì thông thường khoảng 5 hoặc 10 năm sau, khi đã trải
nghiệm qua những thất bại hay thành công thì chúng mới cảm nhận được rằng cha mẹ
đã có lý và dạy dỗ đúng chỉ vì yêu thương và muốn cái thật, cái đẹp và cái tốt
cho con mình. Vì là cha mẹ nên anh chị có bổn phận dạy bảo và phải nói, nhưng
cũng cần thú nhận rằng có những điều mà con lại giỏi hơn mình nên anh chị cũng
phải khiêm tốn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của chúng.
- Anh Sáu nói thêm : Nếu như con mình làm chuyện không
đúng mà mình không nói thì không được, mà nhiều khi mình nói mạnh quá cũng
không tốt. Vấn đề là mình cần có thời gian và sự kiên nhẫn. Mỗi ngày mình nói một
chút, một chút, cho đến khi nào bắt đầu thấy hơi nói nhiều rồi thì ngừng và đợi
hai ba ngày sau mới nhắc nhở lại. Vì khi con cái nghe như vậy, tuy có ý cãi lại
và muốn chống đối nhưng chúng vẫn suy nghĩ những gì cha mẹ đã khuyên dạy và nhắc
nhở. Dần dần rồi chúng cũng phải cân nhắc lại những việc chúng làm. Có nghĩa là
cha mẹ phải kiên nhẫn và chịu khó nghe chúng. Tâm lý của con cái là thích tiếp
cận và nghe bạn bè, anh chị em trong nhà hơn là cha mẹ.
- Anh Hai lưu ý :
Tuy nhiên, cha mẹ nên cẩn thận khi đối thoại với con cái là tránh lập đi lập lại
hoài một luận điệu đến nỗi để chúng phải nhàm chán và có ý cắt đứt giây đối thoại.
- Chị Bảy phát biểu : Em rất đồng ý. Từ 12 đến 16 tuổi,
tuy chúng vẫn còn trong tầm kiểm soát của mình nhưng cha mẹ cũng nên tránh nói
nhiều và lập lại rập khuôn những gì đã thường xuyên nói với chúng (cassette
của ba mẹ bị nhảo rồi !).
- Chị Năm chia sẻ : Khi con em có ý cãi lại thì em thường
nói thêm : "Bao giờ con ở vào vị trí của ba mẹ thì con sẽ hiểu."
- Chị Tư nãy giờ im lặng, lên tiếng : Cái khó là sự kiên
nhẫn chờ đợi mà không biết làm gì để con cái nhận ra cái đúng và điều tốt của
cha mẹ vì lúc nào cha mẹ cũng lo lắng. Không biết có cách nào giúp cho mình tập
được tánh kiên nhẫn chịu đựng và chờ đợi như thế không ? Hay phải cầu nguyện thế
nào ?
- Anh Hai vừa cười vừa nói : Mình lo là lỗi của mình chứ
thật sự thì con mình đâu có muốn mình phải lo !
- Cha Ziên : Có 3
điểm mà cha mẹ cần lưu ý :
•
Bổn
phận của cha mẹ là phải nói, đó là điều tốt
•
Kinh
thánh có nói : "Không ai là tiên tri ở xứ sở mình". Cha mẹ có
thể giúp đỡ con cái nhu cầu tiền bạc..nhưng không thể giải quyết được những nhu
cầu khác. Vì vậy, anh chị cũng nên nhờ cậy gián tiếp qua người khác như bạn bè,
họ hàng, các linh mục hay những người đáng tin cậy...
•
Lo
toan thì được, tính toán thì đúng nhưng còn lo sầu, lo sợ thì phải tìm cách giải
quyết là nhờ trung gian thứ ba là Chúa để dâng phó và xin Ngài trợ lực. Khi thổ
lộ tâm tư được với Chúa thì nỗi sầu cũng vơi đi. Đôi khi mình cũng trách rằng
mình nói mà Chúa chẳng nghe nên cũng cần phải có người thứ ba giúp đỡ, và đó phải
là người tín cẩn. Tuy nhiên, trong đời sống gia đình, có những đìều mà mình phải
tôn trọng người vợ hoặc người chồng của mình và không thể nói lại cho người
khác biết cho dù có phải nóng giận hay bực tức thế nào đi nữa. Đối với con cái
cũng vậy, cha mẹ phải tôn trọng những chuyện riêng tư thầm kín của chúng.
- Thày Nha chia sẻ
về kinh nhiệm mục vụ và tóm tắt :
•
Cha
mẹ chỉ việc gieo còn kết quả là do Chúa.
•
Tình
yêu vợ chồng là huyền nhiệm của Thiên Chúa, là quà tặng cho nhau vì đã chọn lấy
nhau trước mặt Chúa.
•
Đã
là vợ chồng thì phải sống câu "Chín bỏ làm mười" : Biết nhường nhịn,
tha thứ nhau, ngay cả tánh hư tật xấu.
- Cha Ziên hoan hô
: Những chia sẻ của Thày rất thực tế và ý nghĩa vì đã rút tỉa từ :
•
Đời sống gia đình
•
Kinh
nghiệm mục vụ
•
Những
chứng từ đã nghe thấy
•
Trong
gia đình, có 8 điều không nên nói cho một ai, kể cả vợ hoặc chồng hay con cái
:
•
Không
nên nói những lời chán nản làm mất ý chí
•
Không
nên nói những lời tức giận
•
Không
nên nói những lời phàn nàn oán trách
•
Không
nên nói những lời làm tổn hại đến người khác
•
Không
nên nói những lời khoe khoang
•
Không
nên nói những lời dối trá
•
Không
nên nói những lời thuộc về bí mật
•
Không
nên nói những lời thuộc về riêng tư cá nhân của người khác
- Chị Tám nhận xét : Cha mẹ thông thường chỉ nghĩ đến sự
thành công của con cái về mặc xã hội chứ ít để ý đến sự thành công của chúng về
phương diện nhân bản con người. Có thể thất bại mà chúng đang gặp phải ở lãnh vực
này sẽ làm cho chúng trở nên chín chắn và trưởng thành hơn trong lãnh vực khác
vì điều quan trọng là cha mẹ phải tin tưởng vào khả năng của con mình. Vì vậy
cha mẹ cũng cần phải trưởng thành trong cách suy nghĩ của mình và cần học sự
kiên nhẫn để có thể giúp cho con mình cũng thành công trên con đường mà chúng
chọn lựa, đồng thời trở nên những người công dân hữu ích cho xã hội với sự cá
biệt của chúng.
- Chị Chín cũng đồng quan điểm : Sự thành công cũng có thể
được thể hiện qua nghề nghiệp thay vì bằng cấp như cha ông ta có câu : "Nhất
nghệ tinh, nhất thân vinh".
- Chị Tư tâm sự : Con không có mộng cao, chỉ cần có cuộc
sống bình thường và vừa đủ là biết cảm tạ Chúa rồi. Con lo lắng cho con cái
không phải vì sợ chúng không có bằng cao hay không có điều kiện vật chất đầy đủ,
nhưng lo vì không biết chúng có chọn đúng bạn mà chơi hay không ? Hoặc chúng có
sáng suốt nhìn ra được hướng đi cho tương lai hay không ?
- Chị Mười khuyên : Con cái thường hay nói chuyện với những
người đồng tuổi và bạn đồng lứa của chúng. Vì thế cha mẹ không nên thiên vị giữa
các con với nhau để chúng đừng có cảm giác bị so sánh, tủi hổ đến nỗi phải đi đến
tình trạng không thể cứu vãn được nữa (như bỏ nhà đi hay làm điều xấu hoặc phân
chia thế hệ...)
- Chị Út thêm ý : Cha mẹ cần phải nói chuyện ngọt ngào với
con cái thì sẽ dễ uốn nắn chúng hơn và chúng cũng dễ nghe hoặc dễ chia sẻ hơn.
- Cha Ziên tóm tắt : Qua những gì chúng ta vừa chia sẻ,
có ba điều rất quan trọng mà anh chị cần để ý :
•
Cha
mẹ phải ý thức tài năng của con mình về lãnh vực nào
•
Tôn
trọng tài năng của con mình để giúp
chúng phát triển
•
Tin
tưởng vào tương lai của con mình và đồng hành với chúng trong mọi giai đoạn để
chúng dễ thành đạt trong lãnh vực của chúng, điều quan trọng nhất là phải làm
gương cho con cái.
- Chị Năm phát biểu : Thưa Cha, con thấy mình còn thiếu một
điều nữa là phải làm những gì mình hứa, nói hoặc chỉ bảo cho con cái.
- Cha Ziên khích lệ : Chị nói đúng. Cha mẹ phải làm và phải
nói và nói sự thật, ngay cả sự thật về khuyết điểm hay lỗi lầm của mình.
- Chị Năm nói thêm : Con thấy đa số cha mẹ người Á đông
thường hay áp đặt và ra điều kiện cho con cái..trong cách dạy dỗ.
- Cha Ziên công nhận : Đúng vậy. Cha mẹ cần tránh những ảo
tưởng (illusions) vì bị áp đặt từ phía gia đình (phải hoàn hảo, phải tốt, phải
thành công...). Lắm khi vì muốn làm vui lòng cha mẹ mà con cái bị bắt buộc phải
vâng lời và bỏ lỡ cơ hội phát triển tài năng của mình. Cho nên cha mẹ phải
tránh những áp đặt đó đối với con cái để phòng ngừa những hậu quả sai lầm có thể
dẫn đến về sau.
- Chị Cả chia sẻ : Theo nhận xét của con thì người Pháp họ
có phương pháp giáo dục con cái rất cởi mở và tự nhiên hơn so với người Việt
Nam. Đứng ở giữa mà nói thì con thấy gia đình nào cũng có sự khác biệt riêng để
dạy dỗ con cái tùy vào môi trường và hoàn cảnh mà họ đang sống. Cần thiết là phải
có bạn bè xung quanh để giúp đỡ, vừa Việt vừa Tây. Nên nhớ rằng mình thành công
hôm nay nhưng chưa chắc sẽ thành công ngày mai. Kinh nghiệm sống của mỗi người
sẽ giúp cho nhau trong việc học hỏi và tương trợ. Chính vì thế mà kinh nghiệm của
cha mẹ sẽ giúp ích cho con cái biết phòng xa và sớm trưởng thành, nhưng việc đó
đòi hỏi cha mẹ phải có kiên nhẫn để dạy dỗ con cái trong sự bình an và cảm tạ
Ơn Chúa mỗi ngày.
- Anh Lớn phát biểu : Mục đích của cha mẹ là làm thế nào
để hướng dẫn con cái chọn đúng đường đi cho tương lai và hạnh phúc của chúng,
nhưng đừng quên rằng, mục đích của cuộc sống không phải chỉ là mưu cầu danh vọng
hay tiền bạc mà còn là sống chứng nhân cho Tin Mừng nữa. Có như vậy thì cuộc sống
của chúng mới có ý nghĩa hơn.
- Cha Ziên tán đồng : Là người công giáo thì đương nhiên
mục đích chính của mình là phải giúp cho con cái luôn tìm về cùng đích là Thiên
Chúa, cho dù ở bất cứ hoàn cảnh hay địa vị nào cũng thế. Có những lúc cuộc sống
làm cho mình đánh mất niềm tin vì gia đình, bè bạn... nhưng nên nhớ rằng có một
người luôn tín cẩn và yêu thương mình và là đối tượng cùng đích của mình : Người
đó chính là Thiên Chúa của tình yêu.
- Anh Tư đúc kết : Đề tài hôm nay đi xa hơn hai thách đố
lớn của các gia đình ngày nay là việc đối thoại trong gia đình và vấn đề giáo dục
con cái để đi đến một ý nghĩa sâu rộng và cao đẹp hơn của cuộc sống cho gia
đình, cho con cái là Thiên Chúa (Tình Yêu). Cán cân của tình yêu đó là sự tôn
trọng lẫn nhau (vợ chồng biết tôn trọng nhau cũng như cha mẹ biết tôn trọng con cái và ngược lại) và nghệ thuật
của tình yêu là làm thế nào để cán cân đó luôn được quân bình trong đời sống
gia đình.
- Cha Ziên : Xin cảm
tạ Chúa và hoan hô tình yêu thương gia đình của các anh chị. Tôi đề nghị các
anh chị cứ họp nhóm tiếp tục như vậy để sống và chia sẻ với nhau trong tâm tình
huynh đệ và yêu thương của Chúa. Để kết thúc, tôi đề nghị chúng ta cùng nhau đọc
hai lời cầu nguyện của người chồng (và của người vợ) dành cho gia đình :
Lời cầu của người vợ :
Lạy Chúa, xin cho con biết nhẫn nại
- Khi các con quấy phá và biếng ăn - Khi tiền bạc thiếu thốn, nhưng chi tiêu lại
gia tăng - Khi chồng con không nhớ những kỷ niệm của vợ chồng - Khi con chẳng
có thời giờ cho riêng mình - Khi việc nhà chồng chất làm con nghĩ mình như đầy
tớ - Lạy Chúa, con không xin những lời khen ngợi - Không phàn nàn hay tìm sự
thoải mái - Con chỉ xin Chúa cho con bền chí - Cho con xem việc nhà không phải
là lao dịch - Mà là tặng phẩm cho gia đình con - Là lời cầu nguyện con dâng lên
Chúa - Xin cho con thi hành trách nhiệm gia đình cách chân thành và nhiệt tâm -
Xin cho con những gì con làm nên dấu chỉ của sự tận hiến - Cho những người đã dặt
niềm tin vào đôi bàn tay chăm sóc của con - Lạy Chúa, xin cho con ơn biết kiên
nhẫn để làm người vợ chung thủy và yêu thương - Là người mẹ tận tâm và ân cần -
Xin cho con biết hòa trộn tình yêu vào thức ăn con nấu nướng - Vào áo quần con
giặt ủi - Vào những nỗ lực không ngừng - Để giữ cho mái ấm của chúng con luôn sạch
sẽ và gọn gàng - Amen.
Lời cầu của người chồng :
Lạy Chúa Giêsu, con đặt đời con trong sự quan phòng mầu nhiệm của Chúa - Con nhận ra những thiếu sót và lỗi phạm của con - Con không dám biện minh hay tự phụ - Chúa đã sống giữa chúng con - Chia sẻ niềm vui và thử thách trong gia đình - Vâng lời và tròn trách nhiệm của Người Con - Ngày hôm nay, lạy Chúa, với ơn Chúa hướng dẫn, con xin nguyện dâng lời thề hứa - Sẽ xây dựng gia đình theo gương Thánh Gia - Con xin canh tân đời mình bằng lời thề hôn ước - Sẽ sống với vợ con hết lòng - Sẽ không bao giờ bỏ rơi nàng nhưng tôn trọng và chung thủy - Sẽ không giận dữ nhưng luôn vui hòa và tha thứ - Sẽ không làm tổn thương nhưng yêu quý và bảo vệ nàng đến hơi thở cuối cùng - Với ơn sủng của Chúa, xin cho con biết làm mới lời hứa : tận tâm với con cái - Sẽ trìu mến chúng như tặng phẩm Chúa ban - Sẽ trao cho chúng những gì chúng cần - Sẽ nuôi dưỡng thể xác và huấn luyện tâm hồn chúng - Sẽ dành thời giờ để chăm sóc chúng - Sẽ xây dựng cho chúng một mái ấm tình thương - Sẽ đưa chúng đi trên đường thánh thiện và ân sủng - Sẽ dạy chúng lớn khôn như những người con Chúa - Những người thừa hưởng Nước Trời - Vì những điều này, xin Chúa chúc lành cho con - Xin hướng dẫn con trong cuộc đời này - Và tăng sức cho con chống lại cám dỗ - Xin cho con lành mạnh xác hồn - Để con sống vì vợ và vì các con - Xin cho con luôn dâng hiến đời mình - Để phụng sự Chúa và phụng vụ gia đình - Lạy Chúa, xin hãy đến trong gia đình con - Nhà của con cũng là nhà của Chúa - Xin liên kết chúng con lại với nhau - Xin sống giữa chúng con, và ban ơn cho chúng con mỗi ngày - Lạy Chúa là mẫu gương yêu thương của chúng con - Amen.
Trước khi chia tay ra về, anh trưởng thay mặt nhóm và Cha
Giám Đốc cảm ơn Cha Ziên đã vui vẻ nhận lời đến giảng huấn và mời mọi người
cùng chụp chung tấm ảnh lưu niệm của Ngày Gia Đình XIX.
Paris, ngày 24 tháng 03 năm 2019
Đỗ Thục Hiền và Giang Minh Đức
tường thuật
Bài viết khác
Lịch Trình Khoá Giáo Lý Hôn Nhân tại Giáo Xứ
Tiếng vọng … từ Thư viện Giáo xứ - Lê Quang Đại
Thư mời Ngày Tĩnh Tâm 07-09-2024 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Hình : Rước Kiệu và Thánh Lễ Mừng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Hai Ngày Gặp Gỡ của Nhóm Gia Đình Louis-Zélie 6-7/07/2024
Hình : Hai ngày Kermesse 19-20/05/2024 của Giáo Xứ
Kết Quả xổ số Tombola ngày Thân Hữu Giáo xứ 19/05/2024
Hình : Những đóa hoa dâng Mẹ trong tháng Năm - Giáo Xứ VN Paris
Vidéo : Những đóa hoa dâng Mẹ trong tháng Năm - Giáo Xứ VN Paris
Vidéo : Diễn Nguyện 14 Đàng Thánh Giá Và Thánh Lễ Lá - Chúa Nhật 24/03/2024 - Huy Quyên
Hình : Thánh Lễ Lá tại Giáo Xứ - Chúa nhật 24/03/2024 - Ngọc Huy
Vidéo : Hai bài Chia Sẻ Tĩnh Tâm Mùa Chay 2024 với Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải - Chúa nhật 10/03/2024
Hình : Ngày Giáo Xứ Tĩnh Tâm Mùa Chay 2024 - Chúa nhật 10/03/2024
Tết Cao Niên Cảm Tạ - Một Người Tham Dự
Vidéo & Hình : Tiệc Tết Cao Niên Giáp Thìn - Giáo Xứ Việt Nam Paris - 03/03/2024
Lịch trình Giáo Lý Hôn Nhân Năm 2024 - Ban Mục Vụ Hôn Nhân
Hình : Tiệc Tết Giáp Thìn Giáo Xứ Việt Nam Paris - 28/01/2024