NHƯ TIẾNG CHIM CA
(Tác Giả: Lm. ANTHONY DE
MELLO, S.J.)
(Dịch Giả: HƯƠNG VĨNH)
Sách dịch từ những tác phẩm nổi tiếng là một nhu cầu lớn hiện nay. Như Tiếng Chim Ca dịch từ “The Song of the Bird” của cố LM Anthony de Mello, S.J. Sách gồm những mẩu chuyện ngắn hấp dẫn, sâu sắc: chuyện thuộc nhiều tôn giáo, chuyện thiền, chuyện Đông, chuyện Tây, chuyện cổ, chuyện kim.
Lời Dịch Giả
Ra đi đột ngột vào năm 1987, lúc mới 55 tuổi đời, cha Anthony de Mello, một linh mục dòng Tên người Ấn Độ, đã được nhiều người xem như là một vị thầy tu đức nổi tiếng của thời đại chúng ta.
Những tác phẩm của cha, xuất bản bằng
nhiều ngôn ngữ khác nhau, được ghi nhận là một thành công lớn lao nhiều nơi
trên thế giới. Với một tinh thần phong phú thâm sâu mà rất ít người có được,
cha đã thành công trong việc tổng hợp một cách tuyệt diệu những truyền thống
đạo giáo Đông Phương và nền thần bí học thuộc truyền thống Kitô
Giáo.
Từ những nguồn gốc và những nết đặc thù
rất khác nhau (Nga Sô, Trung Hoa, Ấn Độ, Phật Giáo hay Kitô Giáo), những mẩu
chuyện kết thành tập sách nhỏ nầy đã làm sáng tỏ, theo cung cách khác nhau,
tính cách đa diện của lối giáo huấn đặc biệt do cha Anthony de Mello khởi
xướng.
Tạp-chí “Vida Nueva” (Đời Sống Mới) ở Madrid, Tây-Ban-Nha, ngày 12-09-1987
đã viết:
“Cái gì đứng đằng sau hiện-tượng thành-công
đó? Rất đơn-giản, đó là một sự biểu-lộ lòng khao khát về tâm-linh đang lan tràn
khắp thế-giới. Đó là một sự khao khát với những tính chất rất đặc-biệt. Dân
chúng không còn muốn thủ-đắc những công-thức có sẵn hay những thứ đạo-đức vô-vị
của một thời xa xưa; những đường mòn đã thất bại trong việc đưa người ta đến
chỗ thức-giác tâm-linh. Đó là một sự truy tầm khắc-khoải, đôi khi mập-mờ không
định hướng, đối với một tầm nhìn có tính cách phóng-khoáng hơn. Con người
thời-đại đang bị dun rủi vào hoàn-cảnh thay đổi của một nền văn-hóa có sẵn,
tiên vàn mong muốn được biết mình là ai, cái gì đã giam hãm linh hồn mình, cái
gì đã đứng vững trên con đường tiến-bộ về tâm-linh. Con người đó mong muốn tái
khám phá Thượng-Đế bên kia tất cả những gì đã tự đồng-hóa với Thượng-Đế qua bao
năm tháng dài: những luật-lệ, qui-tắc, giáo-thuyết không làm bằng xương thịt,
những ngôn từ rất xa lạ với cuộc sống.
Đó là lý-do tại sao cha Anthony de Mello
đã nói rằng “nền đạo-giáo tâm-linh có tính cách hung hãn của chúng ta đã tạo
thành những nan-đề cho chúng ta”, rằng “Chúa Giêsu Kitô đã bị làm ố danh bởi
những gì đã được người ta nói về Ngài trên các tòa giảng” và rằng “thật là khó
khăn để nhận ra một vị thánh vì ngài xem ra giống như mọi người khác”.
Nói tóm lại, điều mà cha Anthony de
Mello muốn nói với chúng ta là nếu chúng ta muốn làm cho Kitô-Giáo khả tín thì
chúng ta cần phải thăm dò chiều sâu của tâm thức con người, vượt qua bên kia
biên-vực hiện-tiền của chúng ta.”
“Như
Tiếng Chim Ca”, nguyên-tác bằng tiếng Anh, nhan đề là “The Song of the Bird” của cha
Anthony de Mello, đã được nhà xuất-bản Gujarat Sahitya Prakash ấn-hành và
cho đến nay đã được dịch ra 31 ngôn-ngữ khác nhau trên thế-giới. Chúng
tôi đã chuyển ngữ từ ấn bản mới nhất (ấn bản thứ 16, tháng ba năm 1998)
của nhà xuất-bản nói trên.
HƯƠNG VĨNH
__________________
TỪ
VỰNG
Mu-la (mullah): Tu
sĩ Hồi giáo
Xu-phi (soufi): Tôn sư
Hồi giáo
Gu-ru (guru – gourou): Tôn sư Ấn giáo
La-ma (lama): Tôn sư
Phật giáo Tây Tạng
Ra-bi (rabbi):
Tôn sư Do Thái giáo
Dịch giả chân thành cám ơn giáo sư
Trần Duy Nhiên ở Saigon đã đọc lại bản thảo và bổ túc một số từ ngữ cho chính
xác hơn.
Giáo Sư Trần Duy Nhiên đã được Chúa
gọi về ngày 12/2/2009, thọ 69 tuổi. R.I.P.
THAY LỜI TỰA
Tập sách nầy
được viết ra cho những người sống theo mọi niềm tin, niềm tin tôn giáo hay
ngoài tôn giáo. Tuy nhiên, tôi không thể giấu độc giả rằng tôi là một linh mục
Công Giáo. Tôi từng tự do lai vãng những truyền thống thần bí ngoài Kitô Giáo,
thậm chí ngoài tôn giáo, và điều này đã để lại dấu ấn sâu sắc trong tôi và làm
cho tôi phong phú hơn nhiều.
Tuy nhiên, tôi luôn trở về với Giáo
Hội của tôi, vì đấy là gia đình thiêng liêng của tôi; và nếu tôi cảm thấy một
cách gay gắt, đôi khi rất bối rối, về những hạn chế và hẹp hòi của Giáo Hội đôi
lúc đôi nơi, tôi vẫn ý thức rằng chính Giáo Hội Công Giáo đã đào luyện, nhào
nắn tôi thành con người hiện nay. Do vậy mà, với tất cả tấm lòng trìu mến, tôi
dâng tặng tác phẩm nầy lên Giáo Hội: Mẹ và Thầy của tôi.
Mọi người đều
ưa thích những mẩu chuyện ngắn mà độc giả sẽ thấy đầy dẫy trong quyển sách nầy:
những chuyện Phật Giáo, Kitô Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, chuyện thiền, chuyện
Nga Sô, Trung Hoa, Ấn Độ... chuyện cổ, chuyện kim.
Tất cả những
mẩu chuyện đó đều có một đặc điểm chung: nếu ta đọc theo một cách nào đó, chúng
sẽ giúp cho tâm linh phát triển .
NÊN
ĐỌC NHỮNG MẪU CHUYỆN ĐÓ NHƯ THẾ NÀO?
Có ba cách
đọc:
1/ Đọc mỗi
chuyện một lần rồi sang chuyện khác. Cách đọc nầy chỉ để giải trí mà
thôi.
2/ Đọc mỗi chuyện hai lần và
suy nghĩ về nội dung. Đem áp dụng vào đời sống. Điều đó sẽ giúp bạn có được một
loại cảm nếm thần học, (tức nghệ thuật nghe hay kể lại những mẩu chuyện về
Thiên Chúa hay thần linh). Cách thức nầy rất hữu ích đối với một nhóm nhỏ,
trong đó mỗi người chia sẻ những suy tư của mình liên quan đến đề tài thảo
luận. Như thế ta sẽ tạo được một nhóm thần học.
3/ Đọc lại
chính mẩu chuyện đó, sau khi đã nghiền ngẫm nội dung. Giữ thinh lặng nội tâm và
để cho câu chuyện bộc lộ chiều sâu cùng ý nghĩa thâm trầm, một ý nghĩa vượt ra
ngoài những từ ngữ và suy tư. Điều đó dần dần mang lại cho bạn một cảm thức về
lãnh vực thần bí, (tức nghệ thuật thưởng thức và cảm nhận trong thâm tâm, ẩn ý
của những mẩu chuyện liên hệ để dần dần được biến đổi nhờ những mẩu chuyện
đó).
Ngoài ra có
thể nghiền ngẫm mỗi mẩu chuyện đó suốt ngày, để hương thơm cùng làn điệu phảng
phất và âm vang trong nội tâm độc giả, chứ không phải trong trí óc. Điều đó
cũng có thể, dưới một khía cạnh nào đó, làm cho độc giả trở thành một nhà thần
bí. Hầu hết những câu chuyện lược thuật trong sách nầy trước tiên nhằm vào mục
đích đó.
CẨN-TRỌNG
Đa số những
mẩu chuyện mà bạn sẽ đọc sau đây thường đi kèm với một lời bình nhằm minh họa
một suy nghĩ mà chính bạn cũng muốn thực hiện. Đừng đóng khung trong những lời
đính kèm nơi tập sách này: có khi chúng kìm hãm bạn, có khi chúng hướng bạn vào
con đường lệch lạc.
Đừng đem bất
cứ chuyện nào áp dụng cho ai khác ngoài bạn (cho linh mục, thượng tọa, cho Giáo
Hội, cho người lân cận...), nếu không câu chuyện ấy sẽ tạo ra nơi bạn một loại
thành kiến thiêng liêng: mỗi chuyện đều liên quan đến bản thân bạn mà thôi, chứ
không liên quan đến ai khác.
Khi đọc lần đầu, bạn hãy đọc theo thứ
tự được sắp xếp nơi đây: thứ tự đó hàm chứa một giáo huấn và một tinh thần mà
độc giả sẽ bỏ sót nếu đọc các mẩu chuyện một cách tùy hứng.
Lm. Anthony de Mello
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang