NHƯ TIẾNG CHIM CA
(Tác Giả: Lm. ANTHONY DE MELLO, S.J.)
(Dịch Giả: HƯƠNG VĨNH)
Sách dịch từ những tác phẩm nổi tiếng là một nhu cầu lớn hiện nay. Như Tiếng Chim Ca dịch từ “The Song of the Bird”của cố LM Anthony de Mello, S.J. Sách gồm những mẩu chuyện ngắn hấp dẫn, sâu sắc: chuyện thuộc nhiều tôn giáo, chuyện thiền, chuyện Đông, chuyện Tây, chuyện cổ, chuyện kim.
§41 - Con quái vật ở dưới sông
Cha sở đang đọc kinh, bị chia trí bởi đám trẻ con. Để xua
đuổi chúng, cha nói: “Các con hãy mau chạy ra sông và sẽ thấy một con quái vật
phun lửa ra lỗ mũi.”
Chẳng mấy chốc cả làng đều nghe nói tới con quái vật đó
xuất hiện và đã đổ xô ra sông. Cha xứ cũng chạy theo đám đông. Khi cha thở hổn
hển chạy ráo riết bốn dặm dài, cha tự nhủ: “Đúng là mình đã bịa ra chuyện đó.
Nhưng biết đâu chừng!”
Cách hay nhất để tin tưởng vào những thần linh mà mình đã tạo ra là thuyết
phục được kẻ khác tin rằng những thần linh ấy hiện hữu.
§42 - Mũi tên tẩm độc
Ngày kia một vị tì kheo thưa với Đức Phật như sau: “Bạch
Đức Thế Tôn, hồn người công chính có tồn tại sau khi chết không?”
Như thường lệ, Đức Phật không trả lời.
Nhưng vị tì kheo đó cứ khăng khăng một mực. Ngày nào ông
ta cũng chỉ hỏi mỗi một câu đó và ngày nào cũng vậy, Đức Thế Tôn chỉ đáp trả
bằng sự im lặng cho tới khi không thể chịu đựng được nữa, vị tì kheo đã
hăm dọa rời bỏ tu viện nếu câu hỏi có tính cách sinh tử đó không được trả lời
thỏa đáng bởi vì ích lợi gì mà sống một cuộc đời buông bỏ nếu linh hồn người
công chính tiêu tan với thể xác?
Bấy giờ, động lòng trắc ẩn, Đức Phật mở miệng phán dạy: “Nhà
ngươi chẳng khác gì một người đang chờ chết vì bị trúng một mũi tên tẩm
độc. Bà con vội vàng mời lương y lại nhưng hắn ta từ chối không cho rút mũi tên
ra bao lâu người ta chưa trả lời ba câu hỏi sinh tử sau đây: Trước hết người
bắn hắn ta là da trắng hay da đen? Thứ đến, người đó cao lớn hay thấp lùn? Sau
cùng, hắn ta thuộc hạng Bà la môn hay loại cùng đinh?”
Vị tì kheo đã quyết định tiếp tục ở lại.
§43 - Em bé nín khóc
Hắn tuyên bố rằng hắn đã trở nên một người vô thần, vì mục tiêu hoàn toàn
thiết thực. Thực tình mà nói, hắn không thể tin vào những điều mà tôn giáo của
hắn đã dạy dỗ. Sự hiện hữu của Thượng Đế tạo ra nhiều vấn nạn hơn là giải
quyết; cuộc sống sau khi chết chỉ là một chút khát vọng của tư duy mà thôi;
Thánh Kinh và Thánh Truyền gây ra nhiều điều tai hại cũng như hữu ích. Tất cả
những thứ đó đều do con người sáng chế nhằm xoa dịu nỗi cô đơn và tuyệt vọng
của nhân sinh.
Tốt hơn hết là để hắn yên. Hắn đang trải qua một giai đoạn trưởng thành và
khám phá.
Ngày kia một đệ tử hỏi Minh Sư: “Đức Phật là gì?”
Ngài trả lời: “Đức Phật là thần linh.”
Ngày khác, cũng câu hỏi đó được đặt ra, Minh Sư trả lời:
“Không có thần linh. Không có Đức Phật.”
Đệ tử đâm ra bối rối: “Nhưng hôm nọ thầy đã nói: Đức Phật
là thần linh.”
Minh Sư đáp lại: “Đấy là để cho em bé nín khóc. Khi em bé
hết khóc, thầy nói: Không có thần linh. Không có Đức Phật.”
Em bé ở trong hắn ta đã nín khóc và sẵn sàng đón nhận chân lý. Vậy tốt hơn
hết là để em bé đó yên.
. . . . . . .
Nhưng khi hắn ta bắt đầu rao giảng thuyết vô thần mới được khám phá cho
những người chưa chuẩn bị đủ, hắn ta nên kiềm chế lại: “Có một thời mà con
người đã thờ mặt trời: đó là thời kỳ tiền khoa học. Rồi đến thời kỳ khoa học
khi người ta nhận thấy rằng mặt trời không phải là một thần linh; đó cũng không
phải là một sinh vật. Cuối cùng đến thời kỳ thần bí mà Thánh Phanxicô ở thành
Assise đã có thể gọi mặt trời là Anh và đã ngỏ lời với mặt trời một cách cung
kính thương yêu.”
“Đức tin của bạn trước đây là đức tin của một trẻ nít sợ sệt. Giờ đây bạn
đã trở thành một con người không còn kinh sợ nữa, bạn không cần đến đức tin đó
nữa. Hy vọng bạn sẽ tiến đến giai đoạn thần bí và một ngày nào đó bạn tìm lại
được đức tin của bạn.”
. . . . . . . .
Đức tin là cuộc truy tầm chân lý một cách can đảm.
Do đó niềm tin của mình không bị đánh mất khi người ta đặt thành nghi
vấn.
§44 - Quả trứng
Nasruddin sinh sống bằng nghề bán trứng. Ngày kia có
người đến tiệm ông và nói: “Ông hãy đoán cái gì ở trong tay tôi đây!”
Nasruddin trả lời: “Hãy cho tôi một dấu chỉ.”
“Tôi sẽ cho bạn nhiều dấu chỉ: cái đó có hình dạng của
một quả trứng, kích thước của một quả trứng. Cái đó giống một quả trứng, ăn như
trứng và thơm mùi trứng. Ở bên trong thì màu vàng và màu trắng. Trước khi luộc
thì lỏng bỏng, nhưng khi luộc chín thì trở nên cứng. Ngoài ra, cái đó do con gà
mái đẻ ra...”
Nasruddin đáp: “A! Tôi biết rồi! Là một loại bánh ngọt
nào đó!”
Chuyên viên không nhận thấy sự thật hiển nhiên
Vị Thượng Tế không nhận thấy Đấng Cứu Thế!
§45 - Kêu gào để giữ vững sự an toàn – và niềm
xác tín
Một vị tiên tri đến cải giáo dân chúng ở trong thành phố.
Ban đầu người ta còn nghe ông giảng, nhưng chẳng máy chốc họ dang ra xa cho đến
khi không còn một ai nghe vị tiên tri thuyết giảng nữa.
Ngày kia, một khách qua đường nói với vị tiên tri đó: “Tại
sao ngài cứ tiếp tục rao giảng như thế?”
Vị tiên tri trả lời: “Ban đầu tôi hy vọng biến đổi người
ta. Nếu nay tôi còn cố kêu gào là để ngăn cản họ biến đổi tôi.”
§46 - Bán nước sông
Bài thuyết giảng của Minh Sư chỉ thu gọn lại trong một
câu đầy bí ẩn.
Ngài nói với một giọng cười gượng gạo: “Tất cả những gì
thầy đang làm là ngồi bên bờ sông để bán nước sông”
Tôi đã quá bận rộn mua nước sông cho đến nỗi không để ý thấy giòng sông.
§47 - Ảnh vảy
Một bà mẹ không thể làm cho đứa con trai về nhà trước khi
mặt trời lặn. Vì vậy bà nói với nó là đường về nhà thường có ma xuất hiện sau
khi trời tối.
Cùng lúc đứa bé lớn lên, nó đã sợ ma cho đến độ không chịu
làm việc lặt vặt bên ngoài khi trời tối. Thế là bà mẹ cho nó một ảnh vảy để đeo
và dạy rằng ảnh đó sẽ bảo vệ nó.
Tôn giáo xấu củng cố đức tin bằng ảnh vảy.
Tôn giáo tốt làm cho người ta thấy rằng không có ma quỉ.
§48 - Nasruddin ở Trung Quốc
Mu-la Nasruddin sang Trung Hoa. Ở đó ông thâu nhận
một nhóm đệ tử để tu luyện họ trở nên giác ngộ. Khi giác ngộ rồi, họ không theo
học nữa!
Gu-ru của bạn không đáng được tin cậy, khi bạn ngồi bên chân ngài suốt đời.
§49 - Con mèo của vị Gu-ru
Cứ mỗi lần vị gu-ru ngồi hành lễ cùng với đệ tử, con mèo
trong thiền viện thường đến làm cho mọi người chia trí nên ngài bảo họ cột con
mèo lại khi thiền viện đang cầu kinh.
Sau khi vị gu-ru qua đời, người ta vẫn tiếp tục cột con
mèo trong giờ lễ bái. Và khi con mèo đó chết, người ta mang một con mèo khác
vào thiền viện để chắc chắn rằng những chỉ thị của vị gu-ru trong giờ cầu kinh
được tuân thủ không chút sai chậy.
Nhiều thế kỷ đã qua và nhiều luận thuyết cao siêu đã được
các đệ tử thông thái của vị gu-ru viết ra, đề cập đến ý nghĩa phụng vụ của việc
cột trói con mèo trong giờ hành lễ.
§50 - Lễ phục
Tháng mười năm 1917: Cách Mạng Nga Sô bùng nổ. Lịch sử
đang chuyển sang một giai đoạn mới.
Người ta kể lại rằng Giáo Hội Chính Thống Nga Sô đang họp
Công Đồng đúng vào tháng đó. Một cuộc bàn cải hăng say về màu sắc của một loại
lễ phục. Người muốn màu trắng. Người khác muốn màu đỏ thẩm.
Đối đầu với một cuộc cách mạng thật vô cùng phiền phức hơn là tổ chức một buổi Phụng Vụ. Tôi thà đọc kinh hơn là liên lụy vào những chuyện cãi vã của lối xóm.
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang