NHƯ TIẾNG CHIM CA
(Tác Giả: Lm. ANTHONY DE MELLO, S.J.)
(Dịch Giả: HƯƠNG VĨNH)
Sách dịch từ những tác phẩm nổi tiếng là một nhu cầu lớn hiện nay. Như Tiếng Chim Ca dịch từ “The Song of the Bird”của cố LM Anthony de Mello, S.J. Sách gồm những mẩu chuyện ngắn hấp dẫn, sâu sắc: chuyện thuộc nhiều tôn giáo, chuyện thiền, chuyện Đông, chuyện Tây, chuyện cổ, chuyện kim.
§31 - Những hài cốt để thử thách đức tin
Một nhà thông thái Kitô giáo khẳng định rằng Thánh Kinh phải đúng từng li
từng tí. Ngày kia một khoa học gia đến gần bên ông và nói: “Theo Thánh Kinh,
trái đất đã được tạo dựng cách đây khoảng năm ngàn năm. Thế mà người ta đã khai
quật những hài cốt chứng tỏ sự sống xuất hiện trên quả địa cầu chúng ta cả
triệu năm rồi.”
Nhà thông thái đối đáp bốp chát: “Khi dựng nên trái đất cách đây năm ngàn
năm, Thiên Chúa đã cố ý chôn giấu những hài cốt đó để thử thách đức tin chúng
ta và xem chúng ta có đặt niềm tin vào Lời của Chúa hơn là vào chứng cớ hiển
nhiên của khoa học không.”
Lại một chứng cớ khác cho thấy tín ngưỡng cố chấp chỉ bóp méo thực tế mà
thôi.
§32 - Tại sao người lành lại chết?
Vị thuyết giáo trong làng đến viếng nhà một giáo hữu già nua. Ông vừa nhấm nháp cà phê vừa trả lời mấy câu hỏi của bà cụ.
Bà cụ hỏi: “Tại sao Chúa hay gởi tới những ôn dịch như thế?”
Nhà thuyết giáo trả lời: “Ồ! Đôi khi người ta trở nên hung dữ đến đổi cần
phải tiêu diệt đi và chính vì thế mà Chúa nhân từ đã cho phép xảy ra ôn dịch.”
Cụ già cải lại: “Nhưng vậy thì tại sao biết bao người lành cũng bị tiêu
diệt cùng với người dữ?”
Nhà thuyết giáo giải thích: “Những người lành được triệu tập để làm chứng
nhân. Chúa muốn có một bản án công bằng cho mỗi một linh hồn.”
Không có gì mà một người tín hữu có niềm tin không khoan nhượng không cắt
nghĩa cho bằng được.
§33 - Minh Sư không biết
Một người Truy Tầm Chân Lý tiến lại gần Đệ Tử và kính cẩn hỏi: “Ý nghĩa nhân sinh là gì?”
Đệ Tử tra cứu những Tác Phẩm của Minh Sư và trả lời một cách quả quyết: “Nhân
sinh không gì khác hơn là việc biểu lộ ra ngoài sự tràn trề của Thượng Đế.”
Khi người đó gặp Minh Sư và cũng đặt một câu hỏi như thế thì Minh Sư trả
lời: “Tôi không biết.”
Người Truy Tầm Chân Lý nói: “Tôi không biết.” Đó là sự lương thiện.
Minh Sư nói: “Tôi không biết”. Đó là lương tri của nhà thần bí, theo đó
ngài biết mọi chuyện nhờ vào sự không biết.
Đệ Tử nói: “Tôi biết.” Đó là sự vô minh trá hình dưới sự hiểu biết vay
mượn.
§34 - Hãy xem xét ánh mắt người ấy
Viên Chỉ Huy đám quân chiếm đóng nói với ông Lý Trưởng miền núi rằng: “Chúng tôi biết ông đang giấu một tên phản tặc. Trừ khi ông giao nộp nó cho chúng tôi, chúng tôi sẽ khủng bố dân làng của ông bằng mọi phương tiện sẵn có trong phạm vi quyền hạn của chúng tôi.”
Thực ra, dân làng đã che giấu một người hiển nhiên vô tội. Nhưng ông Lý
Trưởng làm được gì bây giờ đây khi mà sự an sinh của dân làng đang bị đe dọa?
Những ngày thảo luận ở Hội Đồng Xã không đưa đến kết quả nào. Do đó ông Lý
Trưởng đã đem nội vụ ra thảo luận với cha xứ. Cha Xứ và ông Lý Trưởng đã thức
trọn đêm để tra cứu Thánh Kinh và cuối cùng đã tìm ra một đoạn nói rằng: “Thà
một người chết mà cứu sống cả quốc gia.”
Thế là ông Lý Trưởng giao nộp người vô tội đó mà những tiếng kêu la vang
dội khắp làng vì bị tra tấn cho đến chết.
Hai mươi năm sau, một vị tiên tri đến làng đó, đã đi tới ngay ông Lý Trưởng
mà nói: “Làm sao các ngươi xử sự như thế được? Người đó được Chúa sai đến để
trở thành vị cứu tinh cho quốc gia. Các ngươi đã giao nộp người đó để bị tra
tấn và bị giết chết.”
Ông Lý Trưởng phân trần: “Nhưng tôi đã sai lầm ở chỗ nào? Cha xứ và tôi đã
xem xét Thánh Kinh và đã theo đó mà hành động.”
Vị tiên tri nói: “Các ngươi đã sai lầm ở chỗ đó. Các ngươi đã xem xét Thánh
Kinh. Lẽ ra, các ngươi nên xem xét ánh mắt người đó mới phải.”
§35 - Hạt lúa từ cổ mộ Ai Cập
Người ta tìm thấy một nắm lúa có từ năm ngàn năm nay ở trong cổ mộ vua chúa Ai Cập. Có người đã ươm trồng những hạt lúa đó và trước sự ngạc nhiên của mọi người, chúng đã lấy lại sức sống.
Ngôn từ của một người giác-ngộ chẳng khác gì những hạt giống chứa đựng sức
sống và tràn đầy sinh lực. Chúng có thể tồn tại dưới hình thức những hạt giống
trong nhiều thế kỷ, cho tới ngày được ươm trồng trong một thửa đất màu mỡ của
một con tim sẵn sàng đón nhận.
Tôi cứ ngỡ rằng những lời lẽ trong Thánh Kinh đều khô khan, không có sức
sống. Nhưng chính con tim của tôi cằn cỗi, không còn sinh khí, do đó làm thế
nào để vật gì có thể bén rễ ở đó được?
§36 - Hãy sửa đổi kinh sách
Có người thưa với Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, những điều ngài dạy dỗ không tìm thấy trong Kinh Sách.”
Đức Phật đáp: “Vậy thì ông hãy thêm vào đi.”
Sau một hồi lúng túng, người đó lại thưa: “Bạch Đức Thế Tôn, cho phép con
gợi ý là có đôi điều ngài giảng dạy quả thực đi ngược lại với Kinh Sách.”
Đức Phật trả lời: “Vậy thì Kinh Sách cần được sửa đổi.”
Lần kia, tại Liên Hiệp Quốc, có đề nghị nên duyệt xét lại tất cả mọi Kinh
Sách thuộc mọi tôn giáo trên thế giới: những gì trong Kinh Sách cổ võ sự bất
khoan dung hay sự tàn bạo phải được bãi bỏ; những gì làm phương hại đến nhân
phẩm phải bị xóa bỏ.
Khi người ta khám phá ra tác giả của đề nghị nói trên chính là Chúa Kitô,
các ký giả vội đổ xô về nơi ngài cư trú. Ngài cắt nghĩa một cách đơn giản như
sau: “Kinh Sách, cũng như ngày Sabbat, là để phục vụ con người, chứ không phải con
người để phục vụ Kinh Sách.”
§37 - Vợ người mù
Một người gả cô con gái xấu xí cho một người mù, vì ngoài ra không ai ưng cô ta hết.
Khi một vị bác sĩ chịu chữa trị người mù cho sáng mắt thì cha cô gái không
chấp thuận, vì sợ người đàn ông đó sẽ ly dị con gái mình.
Sa'di bình luận câu chuyện đó như sau: “Người chồng của một bà vợ xấu xí
nên mù mắt mãi mãi thì tốt hơn hết.”
Và một người bảo thủ u mê.
§38 - Những nhà chuyên nghiệp
Đời sống tâm linh của tôi bị các nhà chuyên nghiệp tiếp quản. Muốn học cách cầu nguyện, tôi phải nhờ đến một vị Giám Đốc Linh Hướng; muốn tìm xem Thánh Ý Chúa, tôi thỉnh ý một vị Chuyên Môn để giúp tôi nhận thức rõ ràng; muốn hiểu biết Thánh Kinh, tội thỉnh ý một Học Giả Kinh Thánh; muốn biết mình có phạm tội hay không, tôi cần tới một Thần Học Gia về Luân Lý; và muốn được tha tội, tôi quì gối trước Linh Mục.
Có một ông tù trưởng ở trên các hòn đảo vùng Nam Hải thiết tiệc khoản đãi
một vị thượng khách đến từ Tây Phương.
Tới lúc đọc diễn văn ca ngợi vị thượng khách, ông tù trưởng ngồi bệt giữa
sàn nhà trong khi một diễn giả chuyên nghiệp được thuê mướn đặc biệt cho dịp
đó, đã thao thao bất tuyệt.
Khi bài diễn văn tán tụng vừa dứt, vị thượng khách đứng lên định ngỏ đôi
lời. Ông tù trưởng đã ân cần giữ lại và nói: “Xin đừng, xin đừng, tôi đã mướn
một diễn giả cho ngài rồi. Ở trên đảo chúng tôi, việc ngỏ lời trước công chúng
không thể để cho những người tài tử được.”
Tôi tự hỏi, trong tương quan giữa mình với Chúa, Ngài có ưa chuộng việc
chúng ta trở nên những người tài tử hơn không?
§39 - Các chuyên gia
Một câu chuyện của xu-phi:
Một người chết, đột nhiên sống lại và bắt đầu đập thình thình vào nắp quan tài.
Họ mở quan tài ra, người đó ngồi dậy và hỏi những người tụ tập chung quanh:
“Các bạn đang làm gì thế? Tôi không chết mà!”
Mọi người im lặng, không tin những lời anh ta nói. Cuối cùng, một người đi
đưa đám ma thốt lên: “Bạn ơi, các bác sĩ và các linh mục đã chứng nhận bạn
chết. Vậy thì bạn đã chết rồi.”
Và anh ta đã được chôn cất theo đúng thủ tục.
§40 - Tô cháo của cháo vịt
Ngày kia một người bà con đến thăm Nasruddin, mang cho ông một con vịt. Nasruddin đem con vịt nấu cháo ăn.
Rồi thì một đoàn khách khứa bắt đầu kêu ới ới, ai ai cũng tự xưng là bạn bè
của người bạn của “người đã mang con vịt tới”. Dĩ nhiên ai nấy đều muốn được ăn
uống và trú ngụ, nhờ con vịt đáng thương đó.
Vị mu-la đã can trường chịu đựng cho tới ngày mà một người khách lạ xuất
hiện và tự xưng: “Tôi là một người bạn của người bạn của người bà con đã mang
con vịt đến biếu.” Và rồi cũng như những người khác, ông ta ngồi xuống và chờ
đợi được ăn.
Nasruddin mang tới một tô nước sôi đặt trước mặt người đó. Người khách lạ
hỏi: “Cái gì đây?”
Vị mu-la đáp: “Đó là tô cháo của cháo vịt mà bạn ông đã mang đến.”
Đôi khi người ta nghe nói có nhiều người đã trở nên đệ tử của đệ tử của một
người từng có kinh nghiệm về Chúa
Có thể nào bạn chuyển một nụ hôn qua một người trung gian được không?
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang