NHƯ TIẾNG CHIM CA
(Tác Giả: Lm. ANTHONY DE MELLO, S.J.)
(Dịch Giả: HƯƠNG VĨNH)
Sách dịch từ những tác phẩm nổi tiếng là một nhu cầu lớn hiện nay. Như Tiếng Chim Ca dịch từ “The Song of the Bird”của cố LM Anthony de Mello, S.J. Sách gồm những mẩu chuyện ngắn hấp dẫn, sâu sắc: chuyện thuộc nhiều tôn giáo, chuyện thiền, chuyện Đông, chuyện Tây, chuyện cổ, chuyện kim.
§21 - CÂU HỎI
Tu sĩ nói: “Tất cả những núi sông,
quả địa cầu và các tinh tú – mọi thứ đó đều từ đâu mà đến?”
Minh sư đáp: “Câu hỏi của anh đến từ
đâu?”
Hãy nhìn vào bên trong!
§22 - NHỮNG NGƯỜI LÀM NHÃN HIỆU
Cuộc sống chẳng khác gì một chai rượu
nồng.
Ai ai cũng đọc cái nhãn hiệu trên
chai rượu.
Thảng hoặc mới có người nếm thử rượu.
Ngày kia Đức Phật đưa lên một cành
hoa và yêu cầu mỗi một đệ tử nói đôi điều về cành hoa đó.
Người thì đọc một bài diễn văn. Người
khác làm một bài thơ. Người khác nữa sáng tác một dụ ngôn. Ai nấy cố gắng tỏ ra
mình sâu sắc và thông thái hơn người khác.
Đúng là những người làm nhãn hiệu!
Riêng Ma-ha-ca-diếp mỉm cười và không
thốt ra lời nào. Chỉ riêng ông ta đã thấy rõ thế nào là hoa.
Phải chi tôi biết thưởng thức khi
ngắm nhìn một con chim,
một cành hoa,
một tàng cây,
một khuôn mặt con người!
Nhưng tiếc thay, tôi không có thời
giờ.
Tôi quá bận rộn học cách đọc các nhãn
hiệu.
§23 - CÔNG THỨC
Một nhà thần bí từ rừng sâu trở về.
Người ta hỏi ông: “Xin nói cho chúng
tôi biết Thượng Đế như thế nào?”
Nhưng làm thế nào để vị đó có thể nói
cho họ điều mà ngài đã chứng nghiệm tự trong sâu thẳm nội tâm?
Thượng Đế có thể gói ghém trong vài
từ ngữ được sao?
Cuối cùng, nhà chiêm niệm đã cho họ
một công thức – vụng về và khiếm khuyết – với hy vọng rằng vài người trong bọn
họ có thể được thôi thúc để tự họ chứng nghiệm điều đó.
Họ đã vội chớp lấy công thức. Họ đã
biến công thức thành một văn bản linh thánh. Họ đã áp đặt công thức đó trên
người khác như là một tín lý thần thiêng. Họ đã khó nhọc ra đi phổ biến tài
liệu đó ở nước ngoài. Thậm chí có người đã hy sinh cả mạng sống mình cho lý
tưởng đó.
Nhà thần bí rất đổi đau buồn. Phải
chi ông ta đừng nói với họ điều gì thì hơn.
§24 - NHÀ THÁM HIỂM
Nhà thám hiểm trở về, dân chúng nóng
lòng muốn biết miền Amazon. Nhưng làm thế nào để ông ta có thể diễn đạt những
cảm xúc dạt dào trong tim khi ông nhìn ngắm những hoa thơm cỏ lạ và khi nghe
tiếng thì thầm của núi thẳm rừng sâu ở trong đêm trường; khi đối diện với hiểm
nguy của thú dữ hay khi phải chèo xuồng qua những thác ghềnh hiểm trở?
Ông đành bảo họ: “Quí vị hãy tự tới
đó mà khám phá đi.” Để hướng dẫn họ, ông đã vẻ ra cả một bản đồ con sông
Amazon.
Họ đã nhào vô chụp lấy bản đồ. Họ
đóng khung lại và treo ở tòa Đô Chính. Họ đã chụp hình nhiều bản cho họ. Và tất
cả những ai thủ đắc một bản thì tự xem như mình là chuyên viên về giòng sông
Amazon, cho dù họ chẳng rõ mỗi chỗ uốn khúc ngoằn ngoèo của con sông, nơi nào
sông rộng bao nhiêu, sâu bao nhiêu, nơi nào nước chảy xiết, nơi nào nước tuôn
như thác đổ?
Người ta thuật lại rằng Đức Phật đã
thẳng thắn khước từ không để lôi cuốn vào việc luận bàn về Thượng Đế.
Chắc chắn ngài biết rất rõ những nguy
cơ khi vẻ những bản đồ cho những nhà thám hiểm xa-lông.
§25 - THÁNH TÔMA THÀNH AQUINÔ NGƯNG VIẾT
LÁCH
Truyện kể rằng Thánh Tôma Aquinô, một
trong những thần học gia lỗi lạc của thế giới, đột nhiên ngưng viết lách. Khi
thầy thư ký của ngài than phiền về việc tác phẩm của ngài còn đang bỏ dở, thánh
Tôma đáp lại: “Thầy Réginald ạ, cách đây mấy tháng, cha đã cảm nghiệm Đấng
Tuyệt Đối, do đó, tất cả những gì cha đã viết về Thiên Chúa từ trước, giờ đây
đối với cha, xem ra hoàn toàn vô nghĩa.”
Làm khác hơn thế nào được, khi học
giả trở thành nhà thị kiến?
Khi nhà thần bí xuống núi, một người
vô thần đến gần và đã hỏi một câu châm biếm như sau: “Ngài mang xuống cho chúng
tôi cái gì từ ngôi vườn hoan lạc mà ngài đã nấn ná?”
Nhà thần bí trả lời: “Tôi đã có ý
nhét đầy những hoa thơm vào túi áo khoác của tôi để biếu bạn bè khi trở về.
Nhưng khi ở trên đó, tôi đã bị ngây ngất bởi mùi thơm của ngôi vườn đó cho đến
đổi đã để lại áo khoác của tôi luôn.”
Các Thiền Sư diễn tả điều đó ngắn gọn
như sau: “Người biết thì không nói. Người nói thì không biết.”
§26 - MỘT TU SĨ KHỔ HẠNH BỊ CÚ TÁT ĐAU ĐIẾNG
Một vị tu sĩ khổ hạnh ngồi tham thiền
nhập định bên bờ sông. Một người đi ngang qua thấy cái ót trắng nõn, cầm lòng
không đậu, liền tát một cái nẩy lửa. Ông ta cảm thấy thích thú biết bao
khi nghe tiếng “bốp” của bàn tay mình vọng lên từ cái ót vị tu sĩ khổ hạnh.
Người nầy cảm thấy đau điếng nên lập tức đứng dậy để tát trả lại.
Người kia vội nói: “Xin khoan đã. Ông
có thể tát lại tôi, nếu ông muốn. Nhưng trước hết, xin ông hãy trả lời câu hỏi
nầy đã: tiếng bốp phát ra từ bàn tay tôi hay từ cái ót của ông?”
Vị tu sĩ khổ hạnh đáp: “Ông hãy tự
trả lời lấy đi. Nỗi đau đớn mà tôi đang chịu không cho phép tôi lý thuyết dông
dài. Phần ông, ông có thể tự làm điều đó, vì ông không cảm thấy đau điếng như
tôi.”
§27 - MINH TRIẾT TRONG MỘT NỐT NHẠC
Không ai biết ông Kakua đã ra thế
nào, sau khi ông rút lui khỏi triều đình. Và đây là câu chuyện liên quan đến
đời ông.
Kakua là người Nhật Bản đầu tiên học
Thiền ở Trung Hoa. Ông chỉ du hành chút ít thôi vì ông say mê thiền định.
Khi người ta gặp ông đi ra ngoài và
xin giảng dạy, ông chỉ nói một hai tiếng và rút lui về bên kia khu rừng để khỏi
bị quấy rầy.
Khi ông về lại Nhật Bản, Hoàng Đế
nghe tiếng liền chỉ thị ông dạy thiền cho cả triều đình. Kakua đối diện nhà vua
trong thinh lặng và bất động. Kế đó, ông lấy ống sáo trong vạc áo ra, thổi một
nốt ngắn ngủi, kính cẩn cúi chào nhà vua và biến mất.
Đức Khổng Tử nói: “Không giáo hóa một
người đã chín mùi, là bỏ phí con người. Giáo hóa một người chưa chín mùi, là
phí đi lời nói.”
§28 - THẦY NÓI GÌ?
Minh Sư ghi khắc sự minh triết của
mình trong tâm khảm đệ tử, chứ không phải trên những trang giấy trắng. Đệ tử có
thể cưu mang sự minh triết đó trong thâm tâm mình ba bốn chục năm, cho tới khi
gặp được một người sẵn sàng đón nhận.
Ngày kia, Thiền Sư Mu-nan sai người
đi kiếm đệ tử là Shoju và bảo rằng: “Giờ đây thầy đã già, Shoju con hởi, con sẽ
lãnh lấy trọng trách truyền đạt giáo huấn của thầy. Đây là quyển sách đã truyền
tay từ Thiền Sư nầy sang Thiền Sư khác được bảy đời rồi. Chính thầy cũng có bổ
túc đôi điều mà con sẽ thấy hữu ích. Nè, con hãy giữ lấy quyển sách nầy với con
như chứng tích rằng con là người kế vị thầy.”
Shoju nói: “Xin thầy nên giữ quyển
sách đó cho thầy. Con đã học Thiền với thầy mà không thông qua chữ viết và con
rất sung sướng duy trì Thiền như thế đấy.”
Mu-nan bình tĩnh trả lời: “Thầy biết,
thầy biết. Cho dẫu như thế, quyển sách nầy đã được sử dụng qua bảy thế hệ và
cũng sẽ hữu ích cho con. Nè, con hãy giữ lấy cho con.”
Tình cờ lúc đó hai người đang ngồi nói
chuyện gần lò sưởi. Khi quyển sách vừa tới tay Shoju, ông liền ném ngay vào
lửa. Ông ta không cảm thấy một chút thích thú gì đối với những văn bản.
Mu-nan là người mà chưa ai thấy nổi
giận trước kia, đã la lớn: “Con điên rồi! Con làm gì vậy?”
Đến lượt Shoju cũng la lớn: “Chính
thầy mới là khùng là điên! Thầy nói gì vậy?”
§29 - CON QUỈ VÀ BẠN NÓ
Ngày kia con quỉ đi dạo chơi với một
người bạn.
Họ thấy trước mặt một người đang dừng
lại, cúi xuống nhặt một vật gì ở trên mặt đường.
Người bạn hỏi: “Người đó đã tìm được
vật gì thế?”
Con quỉ đáp: “Một mảnh vụn Chân Lý.”
Người bạn hỏi thêm: “Điều đó không
phiền hà nhà ngươi sao?”
Con quỉ đáp lại: “Không đâu! Tôi sẽ
cho phép người ấy dùng mảnh chân lý kia để tạo thành một tín ngưỡng.”
Mọi tín ngưỡng tôn giáo đều là những
tấm biển nhỏ để chỉ đường đưa đến Chân Lý. Khi người ta cố bám víu vào tấm
biển chỉ đường thì họ đã cản trở mình trên đường tiến tới Chân Lý, bởi vì họ có
cảm tưởng sai lầm là mình đã nắm được Chân Lý.
§30 - NASRUDDIN ĐÃ CHẾT
Mu-la Nasruddin
sang Trung Hoa. Ở đó ông thâu nhận một nhóm đệ tử để tu luyện họ trở nên
giác ngộ. Khi giác ngộ rồi, họ không theo học nữa!
Gu-ru của bạn không đáng được tin
cậy, khi bạn ngồi bên chân ngài suốt đời.
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang