NHƯ TIẾNG CHIM CA
(Tác Giả: Lm. ANTHONY DE MELLO, S.J.)
(Dịch Giả: HƯƠNG VĨNH)
Sách dịch từ những tác phẩm nổi tiếng là một nhu cầu lớn hiện nay. Như Tiếng Chim Ca dịch từ “The Song of the Bird”của cố LM Anthony de Mello, S.J. Sách gồm những mẩu chuyện ngắn hấp dẫn, sâu sắc: chuyện thuộc nhiều tôn giáo, chuyện thiền, chuyện Đông, chuyện Tây, chuyện cổ, chuyện kim.
§11 - CHÚ CÁ BÉ TÍ
Một con cá sống
ở đại dương hỏi một con cá khác: “Xin lỗi bác, bác
già hơn cháu, hẳn bác có thể nói cho cháu biết tìm thấy ở đâu điều mà người đời
thường gọi là Đại Dương?”
Cá già nói: “Đại
Dương là cái mà cháu đang lội trong đấy!”
“Cái nầy ư?
Nhưng chỉ là nước thôi mà. Cái mà cháu tìm kiếm là Đại Dương kìa.”
Con cá bé tí rất thất vọng đã nói như thế rồi lội đi xa tìm kiếm ở nơi khác.
. . .
Có một người mặc bộ đồ khất-sĩ
tìm tới Minh Sư và đã dùng ngôn ngữ nhà khất-sĩ mà thưa: “Từ nhiều năm
nay, tôi đã tìm kiếm Thượng Đế. Tôi tìm kiếm Ngài ở bất cứ đâu đâu mà người ta
nói có Ngài: ở trên các đỉnh núi cao, ở trong sa mạc mênh mông, ở nơi tu viện
thanh vắng và ở trong các khu ổ chuột của người nghèo.”
Minh Sư hỏi: “Bạn có gặp
Ngài không?”
“Dạ không, tôi không gặp Ngài. Còn thầy?”
Minh Sư có thể nói được gì đây? Những
tia nắng vàng chói chang của buổi chiều tà đang tràn ngập căn
phòng. Từng đàn chim sẻ đang khe khẽ líu lo trên cây đa gần đó. Xa xa, người ta
có thể nghe tiếng động cơ của xe cộ qua lại trên xa lộ. Một con muỗi bay vù vù
bên tai, chỉ muốn chích muốn đốt… Tuy nhiên, chàng thanh niên chỉ biết ngồi
trân ra đó và quả quyết rằng đã không gặp Thượng Đế.
Một lúc lâu, chàng đã bỏ ra đi,
chán nản, thất vọng. để tìm kiếm ở nơi khác.
. . . .
. . . .
Chú cá bé tí ơi, đừng đi tìm kiếm
mất công. Không có gì để kiếm tìm cả. Tất cả những gì chú phải làm là mở mắt ra
mà xem thôi
§12 - CON CÓ NGHE TIẾNG
CHIM HÓT KHÔNG?
Miền Ấn Độ theo Ấn Giáo đã
khai-triển một hình ảnh tuyệt diệu để diễn tả mối tương quan giữa Thượng Đế và
Tạo Vật của Ngài. Thượng Đế đã làm cho Tạo Vật nhảy múa. Chính Ngài là Vũ Công,
còn Tạo Vật là Vũ Khúc. Vũ khúc khác với vũ công, tuy nhiên vũ khúc không thể
tồn tại nếu không có vũ công. Bạn không thể mang vũ khúc về nhà trong một chiếc
hộp, như ý bạn muốn. Khi vũ công ngưng thì vũ khúc cũng ngừng
Trên đường truy tầm Thượng Đế,
con người suy tư quá nhiều, nghĩ ngợi quá nhiều, nói năng quá nhiều. Cho dẫu
khi họ nhìn vũ khúc đó mà họ gọi là tạo vật, họ cũng chỉ để hết ngày giờ suy tư
và bàn tán (với mình hay với người khác), nghĩ ngợi, phân tích và triết lý dông
dài. Toàn những chữ và chữ. Toàn tiếng động và tiếng động mà thôi.
Bạn hãy im hơi lặng tiếng để
chiêm ngắm Vũ Khúc. Bạn chỉ việc nhìn: một ngôi sao, một đóa hoa, một chiếc lá
úa, một con chim, môt viên đá... bất cứ yếu tố nào kết thành vũ khúc cũng đều
đáng kể hết. Bạn hãy nhìn. Bạn hãy lắng nghe. Bạn hãy cảm nhận. Bạn hãy đụng
chạm. Bạn hãy thưởng thức. Và chắc chắn không sớm thì muộn bạn cũng sẽ nhận
chân Thượng Đế – Ngài chính là vị Vũ Công!
Một đệ tử ngày
nào cũng than vản với Thiền Sư một câu như sau: “Thầy đã
giấu con bí quyết tối hậu của Thiền.” Anh
ta không chấp nhận sự kiện Thiền-Sư không chịu trả lời.
Ngày kia, họ
đang sánh bước dạo chơi dọc theo sườn đồi thì nghe một con chim hót.
Thiền Sư hỏi: “Con
có nghe con chim đó hót không?”
Đệ tử trả lời: “Dạ
có.”
“Này, bây giờ con đã rõ là thầy
không giấu giếm con điều gì.”
“Dạ.”
Nếu bạn đã thực sự nghe một con chim
hót, nếu bạn đã thực sự nhìn thấy một thân cây... thì bạn đang có khả năng hiểu
biết, vượt qua những ngôn từ và khái niệm.
Bạn nói gì? Bạn bảo rằng mình đã
nghe hằng chục con chim hót và thấy hằng trăm thân cây ư? À! Có đúng là bạn đã
nhìn thấy thân cây hay chỉ nhìn thấy cái nhản hiệu mà thôi? Nếu bạn nhìn một
thân cây và thấy một thân cây, thì bạn chưa thực sự nhìn thấy cây. Khi bạn nhìn
một thân cây và thấy một phép lạ – lúc bấy giờ bạn mới thực sự nhìn thấy! Lòng
bạn có bao giờ tràn ngập niềm hân hoan không thốt nên lời khi nghe một con chim
hót chưa?
§13 - TÔI BỬA CỦI
Khi Giác Ngộ
rồi, Thiền Sư đã viết những giòng dưới đây để nói lên niềm hân hoan của mình:
“Tuyệt diệu
thay:
Tôi bửa củi!
Tôi gánh nước!”
Sau khi đạt ngộ, thật ra không có
gì thay đổi cả. Cây cối vẫn là cây cối; người ta vẫn trước sao sau vậy; và cả
bạn cũng thế. Bạn cũng vẫn ủ rũ hay bình thản, vẫn hiền triết hay điên rồ như
trước kia. Ngoại trừ một sự khác biệt quan trọng là giờ đây bạn nhận chân sự
vật bằng con mắt khác. Giờ đây bạn trở nên ít dính bén hơn. Và con tim của bạn
tràn trề kinh ngạc thích thú.
Đó là thực chất của Chiêm Niệm:
Cảm Quan về sự Kinh Ngạc thích thú.
Chiêm niệm khác với xuất thần ở
chỗ xuất thần đưa đến thái độ xa lánh cuộc đời. Nhà chiêm niệm khi đã giác ngộ
vẫn tiếp tục bửa củi, gánh nước. Chiêm niệm khác với sự nhận thức về vẻ đẹp ở
chỗ sự cảm nhận cái đẹp (một bức tranh hay một buổi hoàng hôn chẳng hạn)
phát sinh một cảm khoái mang tính chất thẩm mỹ, trong khi chiêm niệm phát sinh
sự ngạc nhiên hân hoan – cho dù đối tượng quan sát là gì, một buổi chiều tà hay
một viên đá.
Đó là đặc điểm của trẻ con.
Chúng luôn sống trong trạng thái kinh ngạc hân hoan. Do đó, chúng thoải
mái len lỏi vào Nước Trời.
§14 - BỤI TRE
Con chó Brownie ngồi xuống, nhìn
chăm chăm đọt cây, tai chổng lên, đuôi ve vẩy có vẻ bồn chồn. Nó đang chú tâm
nhìn một con khỉ. Nó chỉ ý thức mỗi một điều: đó là con khỉ. Không ý nghĩ nào
có thể quấy phá sự tập trung trọn vẹn của nó, không chút mảy may ưu tư đến ngày
mai. Brownie là biểu tượng gần gũi nhất đối với thái độ Chiêm Niệm mà tôi chưa
bao giờ trông thấy.
Có thể chính bạn cũng từng chứng
nghiệm một điều tương tự, khi bạn hoàn toàn tập trung vào việc quan sát một con
mèo đang đùa giỡn.
Và đây là một công thức Chiêm
Niệm cũng có giá trị như bất cứ công thức nào mà tôi từng biết: Hãy hoàn toàn
sống trong hiện tại. Hãy vứt đi mọi suy nghĩ về tương lai, hãy vứt đi mọi suy
nghĩ về quá khứ, hãy vứt đi mọi hình ảnh và mọi sự trừu tượng hóa, và trở về
với thực tại. Tức thị việc Chiêm Niệm sẽ xảy tới!
Sau nhiều năm tu
tập, một đệ tử khẩn khoản xin Minh Sư dẫn đưa anh ta đến sự Giác Ngộ. Minh Sư
liền dẫn anh ta đến một bụi tre và nói:
“Con hãy nhìn
xem cành tre nầy, xem nó lớn biết bao! Con hãy nhìn xem cây tre kia, xem nó nhỏ
thó phải không?”
Chính ngay lúc
ấy, đệ tử trực nhận sự giác ngộ.
Người ta kể lại rằng Đức Phật đã
tu tập mọi hình thức khổ hạnh được biết đến trong nước Ấn Độ thời bấy giờ, nhằm
đạt tới sự giác ngộ. Nhưng hoàn toàn vô ích. Ngày kia, ngài ngồi dưới gốc cây
bồ đề và đã chứng nghiệm sự giác ngộ. Ngài đã truyền lại bí quyết giác ngộ cho
các đệ tử bằng những lời lẽ xem ra bí ẩn đối với những người chưa am tường: “Hởi
các bậc tì kheo, khi thở vào thật sâu, các ngươi hãy ý thức rằng mình đang thở
vào thật sâu. Và khi thở vào nhè nhẹ, hởi các bậc tì kheo, hãy ý thức rằng mình
đang thở vào nhè nhẹ. Và khi thở vào một cách điều hòa, hởi các bậc tì kheo,
hãy ý thức rằng mình đang thở vào một cách điều hòa.” Hãy ý thức. Hãy
chăm chú. Hãy hội nhập.
Hình thức hôi nhập đó, ta nhìn
thấy được ở nơi trẻ nhỏ. Chúng rất gần gũi với Nước Trời.
§15 - Ý THỨC TRONG MỌI KHOẢNH KHẮC
Không một thiền sinh nào được phép
dạy thiền cho người khác nếu chưa sống đủ mười năm bên cạnh Thiền Sư.
Tenno, sau mười năm tu tập đã trở nên
một bậc thầy dạy thiền. Ngày kia ông ta đi thăm viếng Thiền Sư Nan-in. Hôm đó
trời mưa cho nên Tenno phải mang guốc và che dù.
Khi Tenno bước vào, Nan-in chào hỏi:
“Anh đã để guốc và dù ngoài hành lang phải không? Vậy hãy nói cho tôi biết: anh
đã để chiếc dù bên phải hay bên trái đôi guốc?”
Tenno rất lúng túng vì không biết trả
lời làm sao. Ông mới nhận ra rằng mình chưa có thể duy trì một sự Ý Thức trong
từng phút từng giây. Bấy giờ ông xin làm đệ tử Nan-in để tu tập thêm mười năm
nữa ngõ hầu có được một Ý Thức trong mọi Khoảnh Khắc.
Ai có ý thức trong mỗi khoảnh khắc;
ai hoàn toàn sống trong hiện tại từng phút từng giây, người đó là Minh Sư!
§16 - SỰ THÁNH THIỆN CỦA GIÂY PHÚT HIỆN TẠI
Ngày kia người ta hỏi Đức Phật: “Cái
gì làm cho một con người trở nên thánh thiện?” Đức Phật trả lời: “Mỗi giờ chia
ra nhiều giây và mỗi giây chia ra nhiều sao. Ai có thể sống hoàn toàn trong
hiện tại trong mỗi một sao thì người đó là một vị thánh.”
Một chiến sĩ Nhật Bổn bị quân địch
bắt bỏ tù. Suốt đêm anh ta không thể nào chợp mắt vì tin chắc sáng mai anh sẽ
bị tra tấn dã man.
Nhưng ngay lúc đó những lời nói của
vị Thiền Sư vang vọng trong đầu óc anh: “Ngày mai không thực hữu. Chỉ có hiện
tại mới là thực hữu.”
Thế là anh trở về với thực tại – và
lăn ra ngủ một giấc ngon lành.
Người mà Tương Lai không chi phối
được: Cũng giống như đàn chim trên trời và bông huệ ngoài đồng. Không chút ưu
tư đối với ngày mai. Hoàn toàn an trụ trong hiện tại. Đó là sự Thánh Thiện!
§17 - NHỮNG QUẢ CHUÔNG ĐỀN THỜ
Ngôi đền thờ được xây cất trên một
hải đảo, có cả ngàn quả chuông. Chuông lớn và chuông nhỏ, được nắn đúc do các
tay thợ lành nghề nhất thế giới. Khi một cơn gió nổi lên hay khi một trận phong
ba bão táp gầm thét, mọi quả chuông đều nhất loạt ngân vang, tạo thành một bản
hợp tấu làm say sưa con tim của khách mộ điệu.
Nhưng rồi qua bao thế kỷ, hãi đảo đó
đã chìm sâu xuống dưới đáy biển và cuốn theo với nó những quả chuông của ngôi
đền thờ. Tương truyền rằng các quả chuông vẫn tiếp tục ngân vang không ngừng và
ai để ý lắng tai nghe đều có thể nghe được. Hấp dẫn bởi huyền thoại đó, một
thanh niên đã vượt xa ngàn dặm, cương quyết nghe cho bằng được những tiếng
chuông bất hủ đó. Ngày qua ngày, anh ngồi một mình trên bờ biển, mặt hướng về
nơi mà hãi đảo đã bị chìm xuống và cố lắng nghe với hết tâm hồn. Nhưng điều duy
nhất anh nghe được, ấy là tiếng sóng gầm. Anh đã làm hết sức để cố xua đuổi
tiếng sóng đó nhưng chỉ hoài công mà thôi; tiếng sóng biển vẫn vang rền không
trung.
Anh ta còn ở lại đó thêm nhiều tuần
lễ để nghe. Mỗi khi cảm thấy không còn can đảm nữa, anh liền để ý nghe ngóng
những hiền nhân ở trong làng mạc khẽ bàn luận với nhau một cách khoái trá về
huyền thoại đầy bí ẩn kia. Và con tim của anh đã nôn nóng trở lại... để rồi lại
chán nản, sau nhiều tuần lễ cố gắng nữa mà chẳng đi đến kết quả nào.
Cuối cùng, anh đã quyết định bỏ cuộc.
Có thể anh không nằm trong số những người mà định mệnh đã an bài để được nghe
tiếng chuông. Có thể huyền thoại kia không đúng sự thật. Đó là ngày cuối cùng
của anh và anh đã đến nơi bãi cát để giả từ biển cả, bầu trời trong xanh, tiếng
gió vi vu và hàng dừa thẳng tắp. Anh nằm dài trên cát, và lần đầu tiên, anh
lắng nghe tiếng sóng biển rì rào.
Chẳng bao lâu anh đã mất hút trong
tiếng động và trở nên gần như vô ý thức, bởi vì tiếng động đã tạo nơi lòng anh
một sự thinh lặng sâu lắng làm sao!
Giữa lòng thinh lặng sâu lắng đó, anh
đã nghe thấy! Tiếng ngân vang của một quả chuông nho nhỏ, tiếp theo một quả
chuông khác rồi lại một quả chuông khác nữa...và cứ như thế mỗi một quả chuông
trong số ngàn quả chuông của đền thờ đã đua nhau ngân vang một cách nhịp nhàng,
và con tim của anh ngất ngây sung sướng.
Bạn có muốn nghe những tiếng chuông
của đền thờ không? Bạn hãy lắng nghe tiếng gầm của biển cả.
Bạn có muốn nhìn thấy Thượng Đế
không? Bạn hãy nhìn tạo vật của Ngài một cách chăm chú.
§18 - NGÔI LỜI TRỞ NÊN XÁC THỊT
Trong Phúc Âm Thánh Gioan, người ta
đọc được:
Ngôi Lời đã trở nên xác thịt; Người
đến cư ngụ ở giữa chúng ta... nhờ Người, vạn vật được tạo thành; không có
Người, chẳng có gì được tạo thành. Điều được tạo thành ở nơi Người là sự sống
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối và bóng
tối đã không nhận ra ánh sáng.
Bạn hãy nhìn bóng tối một cách chăm
chú. Bạn sẽ mau mắn nhận ra ánh sáng. Bạn hãy nhìn chăm chú mọi sự. Bạn
sẽ mau mắn nhận ra Ngôi Lời.
Ngôi Lời đã trở nên xác thịt và cư
ngụ ở giữa chúng ta...
Bạn hãy chấm dứt những cố gắng cuồng
nhiệt để biến xác thịt trở lại thành lời. Nói, nói, nói, lời nói gió bay...
§19 - THẦN TƯỢNG MANG HÌNH DẠNG CON NGƯỜI
Một truyện cổ tích Ấn Độ.
Ngày kia một thương gia bị đắm tàu và
trôi giạt vào bờ biển Tích Lan nơi mà Vibhishana là Vua các Quái Vật. Khi thấy
người đó, Vibhishana rất đổi vui mừng liền nói: “A! Đây đúng là hình ảnh thần
Rama của tôi! Đúng là một hình dạng con người giống thế này!” Thế là ông truyền
lệnh lấy áo quần sặc sỡ mặc cho thương gia và đeo vào người nầy những món trang
sức tuyệt đẹp rồi ông thờ lạy.
Ramakrishna, nhà thần bí Ấn Độ đã thú
nhận điều nầy: “Lần đầu tiên tôi nghe câu chuyện đó, tôi cảm thấy một nỗi vui
mừng khôn tả. Nếu Thượng Đế có thể được tôn sùng qua một ảnh tượng bằng đất
sét, tại sao Ngài không được tôn sùng qua một con người!”
§20 - TÌM KIẾM KHÔNG ĐÚNG CHỖ
Một người lối xóm thấy thầy Nasruddin
quì gối và chống tay, đang tìm kiếm vật gì.
“Thưa thầy, thầy đang kiếm gì đó?”
“Kiếm chìa khóa của tôi.”
Cả hai người cùng quì gối để kiếm.
Sau một hồi lâu, người lối xóm hỏi:
“Thầy đã mất chìa khóa ở đâu?”
“Ở trong nhà tôi.”
“Chúa ôi! Vậy tại sao thầy lại tìm
kiếm ở đây?”
“Bởi vì ở đây sáng sủa hơn.”
Bạn hãy tìm kiếm Chúa nơi mà bạn đã
đánh mất Ngài.
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang