Mục Vụ Mạng Lưới
MỤC VỤ TRUYỀN THÔNG - TẦM QUAN TRỌNG.
Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội, một Công Đồng chung đã ra một văn kiện riêng về Truyền Thông xã Hội. Đó là Công Đồng Vatican II với sắc lệnh ‘Phương tiện Truyền thông’ (Inter mirifica), ban hành bởi Đức Phaolô VI ngày 04.12.1963. Tiếp theo, cũng chính Đức Phaolô VI thiết lập ‘Ủy Ban Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội’ (Pontificia Commissione per le Communicazioni Sociali) năm 1964. Rồi bộ Giáo Luật năm 1983 đã dành hẳn thiên IV trong cuốn III nói về ‘Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội và đặc biệt về Sách Báo’ (Đ 822-833). Chưa hết, nếu chúng ta dở cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, ấn hành 1992, chúng ta sẽ thấy ‘các phương tiện truyền thông được quảng diễn rộng rãi (2488-2498)’. Qua thời Đức Gioan Phaolô II, năm 1988, Ngài ra tự sắc ‘Người Mục Tử Nhân Lành’ (Bonus Pastor) nâng Ủy Ban Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội lên thành ‘Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông’ (Pontificio Consiglio delle Communicazioni Sociali), đồng thời Ngài chọn ngày 20.05 làm ‘Ngày Thế Giới Truyền Thông’ mỗi năm, và cứ vào ngày này, Đức Thánh Cha ban hành một sứ diệp đặc biệt về Truyền thông. Chủ đề của sứ điệp năm nay là ‘Truyền Thông với Công Trình Giáo Dục’.
Những văn kiện và thể hiện trên đây của Giáo Hội chứng tỏ ngày nay Truyền Thông Xã Hội, trong đó có Mạng Lưới Internet, chiếm một chỗ quan trọng trong ưu tư và sinh hoạt mục vụ của Giáo Hội.
Do đó, tuy nhỏ bé và thiếu phương tiện, không đủ chuyên viên, Giáo Xứ Việt Nam chúng ta cũng nỗ lực khai mở và nuôi dưỡng một Mạng Lưới từ năm năm nay. Và nội dung của bài viết này là : 1) Trình bày lý do cần có Mạng Lưới Cộng Đoàn. 2) Tiến trình thực hiện trong năm năm qua. 3) Hiện tình và ưu tư về tương lai.
Mạng Lưới Giáo Xứ, tại sao ?
Hưởng ứng ưu tư mục vụ chung của Giáo Hội : Chúng ta chỉ cần nêu lên ở đây lời mời gọi của Đức Gioan Phaolô II vào ngày 12.05.2002 : «Internet là một diễn đàn mới cho việc loan báo Tin Mừng. Do đó, nhân ngày Truyền Thông Thế Giới này, tôi dám hiệu triệu toàn thể Giáo Hội hãy can đảm bước vào diễn đàn mới này, để ra khơi thả lưới, sao cho hôm nay đây phối hợp được Tin Mừng với văn hóa hầu chứng tỏ cho thế giới thấy ‘Vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên khuôn mặt Đức Kitô» (2Cr 4,16).
- Biểu dương sức sống dồi dào của Giáo Xứ : Giáo Xứ Việt Nam chúng ta nằm giữa thủ đô Paris ánh sáng, cũng là nơi quy tụ nhiều nhân tài Việt Nam trong mọi lãnh vực văn hóa, cũng là điểm nhìn của nhiều cộng đoàn Việt Nam và ngoại quốc không những tại Pháp mà cả Âu Châu và trên năm Châu Lục. Họ muốn theo dõi Mạng Luới để đánh giá sinh hoạt và sức sống của Giáo Xứ chúng ta, của tập đoàn Công Giáo Việt Nam tại thủ đô Paris, đặc biệt về mục vụ và văn hóa.
- Công bố và chia sẻ Tin Mừng : Chúng ta nhớ luôn lời dạy của Chúa Giêsu : «Người ta không chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng còn bởi mọi lời Thiên Chúa phán ra» (Mt 4, 4) ; «Những gì nói trong đêm tối, phải được công bố ra ánh sáng, những gì rủ rỉ trong buồng kín, phải được công bố trên mái nhà» (Lc 12,3) ; «Các con hãy đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng» (Mc 13,10). Đó là sứ mệnh của Giáo Hội, của mọi thành phần trong Giáo Hội, và đó là sứ mệnh của Giáo Xứ chúng ta.
- Giới thiệu và cung cấp phương thức bảo toàn đời sống Kitô hữu : Mặc dầu đang sống trong một nước, một xã hội, một dân tộc còn mang nhiều ấn tích Kitô giáo, càng ngày chúng ta càng khám phá ra, phần lớn người ta không biết đạo Công Giáo, lại có nhiều người tỏ vẻ thù địch với Phúc Am. Riêng giữa cộng đồng người Việt Nam hiện sống tại Pháp, chỉ 33% là người công giáo. Rồi giữa 85.000 người Việt Nam Công Giáo tại Pháp, còn biết bao nhiêu người sống đạo nhưng lu mờ về giáo lý, về Phúc Am. Vô tri bất mộ, khi không biết đạo, làm sao mến đạo và sống đạo được. Căn bản là chúng ta phải lấy chính đời sống để giới thiệu và làm chứng cho Tin Mừng, nhưng chúng ta còn phải biết đến mọi phương tiện truyền thông hiện đại để loan báo Tin Mừng, để bày tỏ đời sống kitô hữu (xem TT 2, 13-14 ; GLGHCG 2493-2496).
- Thông tin liên lạc và học hỏi : Trước hết là phổ biến các sinh hoạt của Giáo Xứ. Tờ báo chưa đủ để thông tin và liên lạc với hết mọi người, mọi lứa tuổi trong Cộng Đoàn, càng không đủ so với độ nhanh của thời gian. Thông tin tạo liên lạc. Liên lạc để trao đổi, để chia sẻ và giúp nhau học hỏi về những vấn đề liên quan đến sinh hoạt của Giáo Xứ, của đời sống hằng ngày, cụ thể là trong việc làm , trong ngành nghề. Thông tin, liên lạc và học hỏi còn đi xa đến các Cộng Đoàn Việt Nam khác, đến Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam, đến Giáo Hội hoàn vũ, đến xã hội… nói tóm lại, là những gì tương quan đến đời sống của con người Kitô hữu (xem TT 3,5).
- Để mở rộng giới tuyến truyền giáo : Giáo Xứ vốn quan tâm đến sứ mệnh loan báo Tin Mừng : bằng lời cầu nguyện, bằng các công tác tông đồ theo khuôn khổ hội đoàn, ban, nhóm, bằng những sinh hoạt xã hội, bằng tờ nguyệt san ‘Giáo Xứ Việt Nam’, bằng việc ấn hành sách báo, bằng những lần thuyết trình, học hỏi trao đổi dưới mọi dạng thức, bằng những buổi trình diễn Thánh ca, kịch nghệ, ca vũ, hay bằng những bữa cơm thân hữu… Chưa đủ, chúng ta còn phải xử dụng ‘một diễn đàn truyền giáo hiện đại’ là Mạng Luới hay Site Internet. Đầu năm 2001, Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) đã lên tiếng khích lệ rằng ‘Người công giáo có thể và phải trở nên những nhà truyền giáo trên mạng lưới điện toàn cầu, phải nhanh chóng tận dụng những cơ hội mang lại từ những tiến bộ trong ngành truyền thông để chia sẻ và loan truyền đức tin công giáo’ (Vietcatholic News 31.05.2001)
- Gây ý thức cho giáo dân, cách riêng giới trẻ : Phải thú nhận, đa số giáo dân Việt Nam ở lứa tuổi 30 trở lên, còn xa lạ với diễn đàn mạng lưới nói chung và cách riêng với diễn đàn mạng lưới truyền giáo. Muốn cho giáo dân trong xứ đạo làm quen và nắm bắt được tầm mức quan trọng của mạng lưới truyền giáo, không gì bằng chính giáo xứ mở một mạng lưới và cho giáo dân thấy ‘đó là của họ, họ được mời tham gia và xử dụng’. Dĩ nhiên cần kiên trì và cổ động.
- Đáp ứng nhu cầu mục vụ giới trẻ : Mạng lưới là một phương tiện truyền thông xã hội siêu hiện đại, đang có những tác động lớn lao trên mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt trên giới trẻ. Trong một xứ đạo, người trẻ không chỉ ‘bấm Site Internet lên để đọc, để học hỏi thêm về giáo lý, để theo dõi sinh hoạt cộng đoàn, giáo phận và giáo hội hay các mục văn hóa quê hương’, nhưng còn để giới trẻ, ít ra một nhóm nào đó, góp phần sáng kiến văn hoá và kỹ thuật. Người trẻ có nhiều khả năng tham gia và lãnh nhận trách nhiệm trong phạm vi mục vụ này.
- Hòa nhập với các cộng đoàn anh em : Từ mười năm nay, không kể những Site Internet tầm mức quốc tế như Vietcatholic, Văn Phòng Phối Kết… nhiều giáo xứ tại Quê Hương hay nhiều cộng đoàn Việt Nam hải ngoại đã có Site Internet riêng. Vì thế Giáo Xứ Việt Nam thấy mình phải hòa nhập vào với các cộng đoàn anh em trong phạm vi mục vụ này. Cần xử dụng phương tiện truyền thông hiện đại để nối kết với anh em.
MẠNG LƯỚI GIÁO XỨ, TIẾN TRÌNH.
1. Dư luận đón nhận sáng kiến.
Ý tưởng một Site Internet cho Giáo Xứ đã có từ 1999 khi linh mục Trần Công Nghị chủ nhiệm Site Internet Vietcatholic ngỏ ý đến giúp ‘kỹ thuật’ cho cộng đoàn nào muốn mở. Thú thực, năm đó Giáo Xứ chưa sẵn sàng. Qua năm 2000, khi sinh hoạt Liên Đới Nghề Nghiệp bắt đầu, một nhóm thuộc ngành Chuyên Gia, thầy Nguyễn Văn Thạch, ông Đặng Mạnh Đĩnh, anh chị Lương Công Bình và Kiều Hạnh, anh Vũ Thiện Tiến, đã trình bày một phương án, và đã giới thiệu phần mở với với Đại Hội Liên Đới I, ngày 01. 05. 2001. Mọi người hồ hởi đón tiếp. Nhưng rồi phương án dừng lại ở đó để thăm dò rộng rãi dư luận.
Dư luận chung được thúc đẩy bởi thông điệp của Đức Thánh cha Gioan Phaolô II cho Ngày Truyền Thông Thế Giới XIII, được ban hành ngày 27.5.2001 với chủ đề «Hãy rao giảng từ trên mái nhà». Trong thông điệp này, Đức Thánh Cha viết : «Trong thế giới hôm nay, mái nhà hầu như luôn có cả rừng những cột ăng-ten gửi và nhận sứ điệp thư của mọi loại từ khắp năm châu bốn bể. Cho nên điều tối quan trọng là phải bảo đảm thế nào cho những sứ điệp Lời Chúa được nghe nghe biết đến. Tuyên giảng đức tin từ trên mái nhà có nghĩa là nói Lời Chúa trong và qua thế giới hoạt lực của những phương tiện truyền thông hôm nay… Tiếng của người Kitô hữu không bao giờ được lặng yên cả, vì Thiên Chúa trao phó cho chúng ta lời sinh ơn cứu rỗi mà cả thế giới đang chờ đợi lắng nghe… Vì thế không lạ gì truyền thông càng ngày càng trở nên rõ nét và có ảnh hưởng hữu hình trên văn hóa và sự truyền đạt văn hóa. Trước đây chúng ta tường trình về các biến cố thường được gọt dũa để đáp ứng những đòi hỏi của truyền thông. Như vậy, tương quan của thực tại và truyền thông càng ngày càng trở nên gắn liền và đây là một hiện tượng sẽ lan rộng thêm mãi… Những khả năng tích cực của mạng lưới điện toán toàn cầu có sức truyền thông tôn giáo và giáo huấn Tin Mừng, vượt qua mọi chướng ngại và biên cương… Người công giáo không nên sợ sệt nhưng phải mở toang những cánh cửa truyền thông xã hội cho Đức Kitô, hầu Tin Mừng của Ngài có thể được nghe thấy từ trên các đỉnh nhà của thế giới…».
2. Buổi hội quyết định và phân công thực hiện.
Qua năm 2002 (17.01), Cha Mai Đức Vinh lại gửi thư triệu tập một buổi hội vào ngày 12.01.2002, với mục đích «Tiến hành thực hiện Site Internet cho Giáo Xứ». Dưới đây là biên bản buổi họp do thầy Phạm Bá Nha ghi lại :
«Khởi đầu nhóm chuyên gia đã có ý muốn thực hiện Site Internet. Sau khi nghiên cứu, anh chị Lương Công Bình và Kiều Hạnh đã phác họa được một dàn bài mang tên ‘Giáo Xứ Việt Nam Paris’ và đem trình chiếu hai lần : lần đầu chiếu trong bữa cơm thân hữu do nhóm Chuyên Gia tổ chức tại nhà hàng Massena, quận XIII, Paris, ngày 01.04.2001 ; lần thứ hai vào ngày Đại Hội Liên Đới Nghề Nghiệp (LĐNN) lần II, tại Giáo Xứ, ngày 01.05.2001. Cả hai lần trình chiếu đều được mọi người tán thưởng, sáng kiến hay và khuyến khích thực hiện.
Tuy nhiên, đây không thể là công việc của một ít người hay một nhóm nhỏ. Vì thế, phần đông ao ước là xin chuyển và dành phận vụ này sang Giáo Xứ. Ban Giám Đốc và Ban Thường Vụ đã hội ý, cũng mong phương tiện truyền thông này được Giáo Xứ thực hiện. Do đó, cha Mai Đức Vinh đã triệu tập hai phiên họp để đào sâu nhu cầu mục vụ và xúc tiến thực hiện hệ thống Internet cho Giáo Xứ.
Phiên họp ngày 24.11.2001 : Có măt : Đ.Ô Mai Đức Vinh, hai thầy Nguyễn Văn Thạch, Phạm Bá Nha, chị Nguyễn Thị Thoa, giáo sư Trần Văn Cảnh, ông Trần Thiệu Đức. Những người có mặt nêu thắc mắc về mạng lưới thông tin, khách hàng, chất vấn, bài vở, tài chánh… Anh Bình (tác giả dự thảo Internet) và những người có khả năng chuyên môn cho biết việc thực hiện Internet dễ dàng và ít tốn kém, và có thể thực hiện ngay được. Kết quả phiên họp : quyết định sẽ thực hiện Site Internet. Nhưng vì họp ít người, nên hẹn bàn thảo tiếp vào phiên họp sau.
Phiên họp ngày 12.01.2002 : Hiện diện : Đ.Ô Mai Đức Vinh, cha sách, Thầy Phạm Bá Nha, chị Nguyễn Thị Thoa, các cô Đào Kim Phượng và Diệu Huyền, các ông Tạ Đình Chung, Trần Văn Cảnh, Lê Đình Thông, Trần Thiệu Đức, Nguyễn Mạnh Đức, Vũ Hữu Lộc (Internet ca đoàn Vào Đời) anh Nam, anh Thịnh. Ông Tạ Đình Chung và giúp anh chị em hiểu thêm về :
- Lập trường của Vatican về vấn đề cần lợi dụng hệ thống thông tin mới là Internet để rao giảng Tin mừng. Chính Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố : Sau này Giáo Hội sẽ chịu trách nhiệm vì không xử dụng kịp thời những phương tiện tối tân của văn minh cho việc truyền bá đức tin.
- Hiện nay đã có hệ thống Internet của Vatican, của giáo phận Paris, của Vietcatholic và của nhiều cộng đoàn công giáo khác… rất hữu hiệu, mau lẹ, đông khách, ảnh hưởng sâu rộng trong giới truyền thông và đại chúng.
- Phần chiếu Internet : rất tiếc là màn ảnh ‘xách tay quá nhỏ’ không thỏa mãn người ham muốn xem.
Kết quả phiên họp : Sau phần trao đổi thắc mắc, mọi người hiện diện đồng thuận :
- Mạng Internet mang tên : ‘Giáo Xứ Việt Nam – Paris’.
- Chịu trách nhiệm tổng quát : Đ.Ô Mai Đức Vinh, ông Tạ Đình Chung.
- Ban biên tập : cha Đinh Đồng Thượng Sách, ông Trần Văn Cảnh và thầy Phạm Bá Nha.
- Ban Kỹ thuật : anh Lương Công Bình, anh Vũ Hữu lộc, cô Diệu Huyền.
- Phụ trách tài chánh : chị Nguyễn thị Kim Thoa.
- Trách nhiệm pháp luật : luật sư Lê Đình Thông
- Nội dung hoàn toàn tôn giáo.
- Cố gắng ra mắt ngày 01.05.2002, ngày Đại Hội LĐNNN.
Còn nhiều việc phải làm, nên trước khi ra về, cha Mai Đức Vinh xin mời tất cả họp lại vào thứ bảy, 26.01.2002 : từ 9g, hai ban Biên tập và Kỹ thuật họp trước, sau đó họp chung lại và lấy quyết định cuối cùng. Ai biết người nào có khả năng chuyên môn, xin mời cộng tác. Sau phiên họp, mọi người ở lại dùng cơm trưa chung.
3. Buổi hội thảo luận và quyết định về nội dung :
Hai tuần sau, thứ bảy 26.02.2002, một buổi hội khác quan trọng nhằm ‘thảo luận và quyết định về nội dung’ của Site Internet Giáo Xứ. Sau đây là biên bản bản do Thầy Phạm Bá Nha ghi lại :
«Có mặt đức ông Mai Đức Vinh, cha Đinh Đồng Thượng Sách, thầy Phạm Bá Nha, chị Nguyễn Thị Thoa, cô Diệu Huyền, các ông Lương Công Bình, Vũ Hữu Lộc. Những người vắng mặt nhờ Đức Ông chuyển lời sẵn sàng cộng tác và chúc buổi hội kết quả tốt đẹp.
Ban biên tập họp riêng, bàn về ba diểm : a) Cha Sách điều hợp tổng quát, ông Cảnh viết bài và thầy Nha phối hợp bài vở. B) Bàn thảo về mục tiêu của Internet. c) Nội dung của Site Internet. Ban kỹ thuật họp riêng. Sau đó hai ban họp chung và quyết định như sau :
- Lấy mã số : www.giaoxuvnparis.org
- Mục tiêu, Web Site giaoxuvnparis là một diễn đàn để :
1. Công bố và chia sẻ Tin Mừng.
2. Giới thiệu và cung cấp phương thức bảo toàn đời sống Kitô hữu.
3. Thông tin, liên lạc và học hỏi.
4. Mở rộng giới tuyến truyền giáo.
- Nội dung Site Internet của Giáo Xứ gồm hai phần :
1. Thông tin :
- Cơ cấu tổ chức GXVNP
. Ban Giám Đốc
. Hội Đồng Mục Vụ
. Các Cộng Đoàn
. Các Đoàn thể, Ban, Nhóm Công giáo Tiến hành.
. Các Ca đoàn
- Cơ cấu tổ chức Giáo phận và Giáo Hội.
. Tổng giáo phận Paris.
. Giáo Hội Pháp
. Giáo Hội Việt Nam
. Giáo Hội hoàn vũ.
2. Học hỏi :
- Lời Chúa
. Theo Phụng vụ
. Giáo lý
. Lời Cha chung
. Lá thư mục vụ
. Giai đáp thắc mắc
- Giáo Hội
- Văn hóa
. Văn hóa Việt Nam
. Giáo dục
. Hoạt động văn hóa của các cộng đoàn công giáo Việt Nam tại Pháp
- Trao đổi mục vụ trên Internet.
- Linh tinh
Để chuẩn bị cho cộng đoàn hiểu biết và hưởng ứng, Báo Giáo Xứ sẽ phát hành một số về Site Internet vào tháng 04.2002. Ai có bài, xin gửi cho thầy Nha.
Ban kỹ thuật sắp xếp và làm thử một số trang mẫu và cho xem vào phiên họp sau, thứ sáu 01.03.2002, lúc 19g. Ngày này xin đến dùng cơm tối, xem những trang mẫu và bàn tiếp những gì còn lại cho kịp ra mắt ngày 01.05.2002.
4. Ngày khai trương : Đại Hội LĐNN III, 01.05.2002.
Trong bài khai mạc Đại Hội LĐNN III, sau khi trình bày về ‘Sinh hoạt Liên Đới trong năm và ‘Việc ấn hành cuốn Niên Giám Liên Đới’, linh mục Mai Đức Vinh đã nói về ‘LĐNN với việc thành hình Site Internet Giáo Xứ Việt Nam’ như sau :
«Chắc qúy anh chị đã đọc bài mở đầu số Báo Giáo xứ về ‘Internet truyền Giáo Không Biên Giới’ (số 182, 01.04.2002), trong đó tôi khẳng định rằng ‘Chưa bao giờ trong lịch sử Giáo Hội, Truyền thông xã Hội trở thành một sinh hoạt mục vụ được quan tâm như ngày nay’. Bằng chứng gần nhất là vào Ngày Truyền Thông 2002 sắp tới, tức 12.05, Đức Thánh Cha sẽ ban hành một sứ điệp với chủ đề ‘Internet, một diễn đàn mới để loan báo Tin Mừng’. Vì thế mục vụ của Giáo Xứ chúng ta không thể đi ngoài hướng đi mục vụ, đặc biệt công việc truyền giáo của Giáo Hội hoàn vũ. Phải nói thật bây giờ Giáo Xứ chúng ta mới bắt đầu thì đã là muộn, nhưng thà muộn còn hơn không.
Nhưng tại sao lại muốn gắn liền Site Internet của Giáo Xứ việt Nam Paris với LĐNN ? – Xin thưa :
Xét về lịch sử, Site Internet đã được bắt đầu từ sáng kiến của một số anh chị thuộc ngành chuyên Gia. Anh Lương Công Bình, chị Kiều Hạnh, ông Nguyễn Mạnh Đĩnh, anh Vũ Thiện Tiến, ông Tạ Đình Chung được coi là những người tiên phong. Ngay từ Đại Hội I, năm 2000, qúy anh chị đã giới thiệu với chúng ta. Lúc đó nhiều người hiểu là Site Internet do ngành Chuyên Gia chủ trương. Nhưng bây giờ rõ rệt, đây là Site Internet của Giáo Xứ, với danh xưng : www.giaoxuvnparis.org, do các thành viên LĐNN quán xuyến trong các ban Điều Hành, Biên Tập, Kỹ Thuật và Tài Chánh.
Nếu LĐNN là một hình thức sinh hoạt mục vụ mới mẻ của Giáo Xứ chúng ta, thì chúng tôi cũng ước mong rằng tập thể LĐNN của Giáo Xứ đảm nhiệm một công tác tông đồ cụ thể và hiện đại của Giáo Xứ, đó là Site Internet. Đảm nhiệm bằng cách : theo khả năng của mình, xin các anh chị xung vào các ban Biên Tập và Kỹ Thuật. Xin các anh chị dành giờ theo dõi và cổ động cho Site Internet Giáo Xứ Việt Nam Paris, để qua Site Internet, chúng ta sống gắn bó với Cộng Đoàn, với Giáo Hội Việt Nam và Giáo Hội hoàn vũ, gắn bó với Lời Chúa và với văn hóa quê hương, cũng như theo dõi biến cố mỗi ngày của xã hội và thế giới. Đây cũng là lý do tại sao chúng tôi nghĩ đến việc trích tiền thu được của Ngày Cơm Liên Đới để yểm trợ Site Internet của Giáo Xứ.
Sau cùng vì những lý do trên, chúng tôi chọn Ngày Liên Đới III này làm ngày lịch sử, khai trương Site Internet giáo Xứ Việt Nam. Và như vậy, chúng ta nhận lãnh sứ mệnh tông đồ của chúng ta. Sự sống còn của Site Internet Giáo Xứ, tiềm lực phát triển và thành quả tông đồ của mạng lưới này một phần lớn, nếu không phải là tất cả, đều lệ thuộc vào tinh thần và sức năng nổ hoạt động tông đồ của tập thể LĐNN của chúng ta. Tôi xin nhắc lại ‘đây là sứ mệnh tông đồ và trách nhiệm lịch sử của LĐNN’.
MẠNG LƯỚI GIÁO XỨ, HIỆN TÌNH.
Bầu khí hồ hởi và những ý kiến xây dựng :
Từ ngày khai trương cho tới nay, tôi đã được nhiều người điện thoại đến chúc mừng, bày tỏ niềm vui và góp ý xây dựng, tôi xin trích lại một số dưới đây :
«Hoan hô và chúc mừng ! Giáo dân Giáo Xứ Việt Nam Paris, và cả khắp nơi lại có một món ăn tinh thần mới. Chúc bánh xe Mạng Lưới đã chuyển thì cứ lăn mãi, đừng dừng lại vì giốc gềnh hay vì thung lũng, vũng lầy…» (ông Antôn Hoàng, Vitry sur Seine, 21.05.02).
«Chúng tôi chờ đợi từ lâu rồi, không lẽ gì bên Hoa Kỳ có nhiều Web, bên Luân Đôn cũng đã có, và nhiều nơi khác… mà tại Pháp lại không có một Web nào. Thì nay chúng tôi đã toại nguyện một phần, chúng tôi chúc cho Web Gláo Xứ cải tiến thêm mãi về hình thức và nội dung. Cái chưa toàn hảo, sẽ cố làm toàn hảo thêm. Đó là luật tự nhiên… » (Nhóm trẻ thích Web, Versailles, 6.2002).
«Ồ vui quá, tình cờ con bấm Web lên, con gặp Website của Giáo Xứ Việt Nam Paris, đẹp và sống động. Website Giáo Xứ có đã lâu chưa, thưa đức ông, bài vở chưa nhiều, nhưng rồi sẽ cải tiến cho phong phú thêm phải không đức ông ?...» (một nữ độc giả Báo Giáo Xứ, Bobigny 17.02.03).
«… Đã bốn tháng tôi hồ hởi theo dõi Site Internet của Giáo Xứ, nhưng tôi không toại nguyện mấy. Lý do : tôi thấy thiếu Lời Chúa, thiếu tin tức sốt dẻo về cộng đoàn, thiếu những bài văn hóa cơ bản… Tôi tự hỏi những người trách nhiệm có theo dõi để học hỏi với các Site Internet khác không ? Phải nói thật, nhiều Site Internet công giáo khác phong phú hơn nhiều. Vietcatholic thì khỏi nói rồi. Xin lỗi, tôi nói hoàn toàn với tinh thần xây dựng, vì tôi cũng biết «vạn sự khởi đầu nan… » (Ignace Phạm. Marne-la-Vallée, 2002, 07.10.02).
«Sau một câu hỏi vô tình của Đức Ông ‘Qúy vị có theo dõi Mạng Lưới Giáo Xứ không ?’ mà con mới quan tâm và hôm nay xin ‘vô phép’ góp ý với ban phụ trách mạng lưới : Ảnh phông của trang đầu tiên con thấy hơi buồn tẻ, có thể được nên thay ảnh đó đi, nhiều mục xem ra thiếu bài vở (Cha VTH nói với con ‘hai ba tháng, bấm lên vẫn thấy có một bài !’), chữ hơi nhỏ nên khó đọc và ngại đọc… Tuy vì thời giờ và nghề sống con không tham gia cụ thể các sinh hoạt, trừ việc đi lễ chủ nhật, nhưng từ lòng qúy mến Giáo Xứ, con vẫn quan tâm đến những sinh hoạt của Giáo Xứ, ghi ơn những người góp phần xây dụng Giáo Xứ và mong cho mọi sinh hoạt của Giáo Xứ thành tựu… » (Dung Hélène, Paris 7008).
«…Hôm thứ sáu nghe Đức Ông nói Site Internet của Giáo Xứ sắp được năm tuổi rồi, 05.2002-05.2007. Con chào mừng những cố gắng của ban quản nhiệm Website, và con xin nói lên một vài nhận định : 1) Nhiều Site Internet đã mở ra rồi bị chết yểu sau vài năm. Site của Giáo Xứ còn sống và có hy vọng phát triển và sống lâu. Con mừng. 2) Bài của Site Internet không bao giờ là bài sao chép lại của các Site khác, đó là điểm son thứ hai. Nhưng còn nghèo, nhiều mục đáng có mà chưa có, nhiều mục để một bài lâu quá. Bấm lên mà chỉ thấy bài cũ, con khép mau lại và chán… 3) Hình như còn thiếu chuyên viên, con đề nghị Cha Sở nên tìm cách huy động các bạn trẻ. Họ nhanh nhẹn và sắc bén về kỹ thuật lắm. Nhiều nhóm trẻ hứng lên rồi mở Site không có chất lượng, không có hy vọng sống lâu. Uổng. Cần tập trung các nhân tài trẻ lại. Việc này chỉ Cha Giám Đốc làm được chứ ai làm nổi !.. » (Nguyễn Alain, Orly, 12. 10. 06)
1. Quan tâm của ban Mục Vụ Màng Lưới.
Kể từ ngày khai trương (01.05.02) ban Mục Vụ Mạng Lưới hội nhau mỗi năm một lần để trao đổi về những ‘tiếng vang’ và tìm cách canh tân. Hầu hết những ý kiến đề nghị ở trên đã được thảo luận trong mỗi buổi hội. Chúng tôi không mơ ước trở thành Site Internet với tầm mức quốc tế như Vietcatholic. Trong khuôn khổ một Giáo Xứ, nội dung của site internet còn rất khiêm tốn với những tiết mục chính yếu như sau :
1. Tin tức : Sinh hoạt Cộng Đoàn, - Sinh hoạt Giáo Hội hoàn vũ.
2. Lời Chúa : Theo Phụng vụ, - Giáo lý, - Lời cha chung, - Chứng nhân, - Lá thư mục vụ.
3. Văn hóa giáo dục : Văn hóa, - Giáo dục gia đình, - Xã hội & Liên đới.
4. Cơ cấu tổ chức Giáo Xứ : - Vài dòng lịch sử, - Ban Giám Đốc, - Ban Thường Vụ, - Các Cộng Đoàn, - Các Đoàn Thể, - Các Ca Đoàn.
5. Đề mục đặc biệt : - Tiền giúp Giáo Hội, - Sáu mươi năm Liên Tu Sĩ.
Phần lớn những bài cho lên Site Intrenet lấy lại từ số Báo Giáo Xứ mỗi tháng. Có thể nói chủ đề của Site Internet chính là chủ đề của Báo Giáo Xứ. Trên thực tế, thành phần chủ yếu của ban biên tập Site Internet cũng là những trợ bút thường xuyên của Báo Giáo Xứ. Không biết có phải vì thế mà từ hai năm nay, số dộc giả Báo Giáo Xứ có chiều sa sút, đặc biệt các độc giả ở lứa tuổi 30 đến 45.
Phải thú nhận, những đề mục trên đây chưa được thể hiện đúng mức. Lý do chính yếu là thiếu nhân sự, cả về ban biên tập lẫn ban kỹ thuật. Ban Mục Vụ Mạng Lưới hiện nay có 10 người : Cha Vinh, thầy Chung, thầy Nha, ông Cảnh, ông Thông, ông Tâm, anh Bình, chị Kiều Hạnh, anh Cẩn, chị Xuân Lan, và anh Trân. Nhưng chỉ có năm người viết bài, và tất cả ai cũng đa đoan công việc, không có nhiều giờ dành cho Site Internet. Về khả năng kỹ thuật, cũng chỉ năm người biết, nhưng không ai chuyên nghiệp.
Một vấn đề được đề cập đến trong mỗi lần hội, nhưng cho tới nay vẫn chưa có kết quả, là huy động người trẻ tham gia vào ban biên tập hay ban kỹ thuật. Cũng liên quan đến người trẻ, chúng tôi ước mong có một trang dành cho giới trẻ trên Site Internet. Cho tới nay vẫn chưa thực hiện được.
Không bi quan, nản chí, nhưng Ban Mục Vụ Mạng lưới rất ưu tư trong việc cải tiến : Làm sao đáp ứng được những ước nguyện của những độc giả nêu lên ở trên. Họ là tiếng nói của những người muốn xây dựng sinh hoạt mục vụ mạng lưới của Giáo Xứ. Làm sao cho mạng lưới giáo xứ thu hút được các bạn trẻ : người trẻ thích bấm Internet hơn mở tờ báo ra đọc. Làm sao có sự hiện diện sống động của giới trẻ trên mạng lưới… ???
2. Chuẩn bị mừng đệ ngũ niên.
Thời gian thúc đẩy ! Ban Mục Vụ Mạng Luới tự thấy phải đưa ra một chương trình đổi mới toàn bộ để kịp mừng đệ nhất ngũ niên, vào 01.05.07, tức ngày Đại Hội LĐNN. Đó là lý do buổi hội ngày 13.10.2006 mà thầy Tạ Đình Chung đã ghi lại biên bản như sau :
1) Hiện diện : Các ông Cảnh, Cẩn, Tâm, các thầy Chung, Nha, các cha Vinh, Dũng, Điển. Vắng mặt : cha Sách, các ông Thông và Bình.
2) Sau khi trao đổi về Site Internet hiện nay của GXVN Paris, buổi họp đã lấy những quyết định sau đây cho sáu tháng tới, từ 10 đến tháng ba 2007.
- Sửa đổi lại trang chủ để giới thiệu một cách hợp lý hơn các bài hàng tháng của báo Giáo Xứ theo như mục lục của từng số báo. Mục lục của trang chủ hiện nay chỉ giữ lại những đề mục chính (sinh hoạt GXVN Paris, Lời Chúa, Văn Hóa và Giáo Dục, Cơ Cấu Tổ Chức và 60 năm LTS).
- Ngoài các bài hàng tháng trích từ báo Giáo Xứ trên đây, các bài khác của các cộng sự viên báo Giáo Xứ sẽ được sắp xếp theo từng tên tác giả.
- Dần dà giới thiệu trên site của Giáo Xứ các sách Giáo Xứ đã xuất bản và đưa lên site toàn bộ nội dung của từng cuốn. Để bắt đầu, sẽ đưa lên trước sáu cuốn sau đây : Văn Hóa Đức Tin, Văn Hóa Gia Đình, Lịch Sử Giáo Hội I, II, III. Việc này sẽ xin Sơ Liên và Gs Cảnh đảm nhiệm.
- Một trang sẽ được dành cho sinh hoạt của Giới Trẻ Giáo Xứ. Xin cha Sách và cha Điển khuyến khích các bạn trẻ nuôi dưỡng trang Sinh hoạt Giới Trẻ này.
- Phần trang trí, xếp đặt trang chủ và các trang tiếp sẽ được bàn tới trong buổi họp ngày 08.12.2006. Xin mọi người chuẩn bị góp ý để vẽ lại các trang này. Ngoài ra cha Vinh sẽ liên hệ xin anh Vũ Đình Khiêm làm giúp cho trang chủ và trang đầu.
- Công việc chuẩn bị đưa các bài lên site của Giáo Xứ đòi hỏi phải thay đổi nhiều, và do đó, cần phân chia công việc lại giữa anh em trong ban kỹ thuật.
Tiếp đó là hai buổi hội ngày 08.12.06 và 05.02.07 để nhìn lại công việc đã quyết định và góp ý về trang chủ theo sự đề nghị của ông Vũ Đình Khiêm. Cho đến hôm nay, thì xem ra mọi sự tương đối đã sẵn sàng kịp ngày 01.05.07.
3. Đánh dấu Đệ Nhất Ngũ Niên :
Đó là bộ Suy Niệm Tin Mừng (Chúa nhật & Lễ Trọng) gồm ba cuốn năm A, năm B, năm C do Giáo Xứ đã xuất bản, vừa để mừng Site Internet năm tuổi, vừa kỷ niệm Ngày Lễ Mừng Thọ II các vị cao niên trong giáo Xứ. Sau đây là Lời Mở :
“Tại sao chúng tôi cho in cuốn SUY NIỆM TIN MỪNG này ?
- Vì chúng tôi muốn phổ biến Lời Chúa đến mọi người, muốn chia sẻ Lời Chúa với mọi người.
- Vì chúng tôi muốn đáp lại thiện tình của nhiều người, như :
. Ông Đoàn quốc Khánh (Orléans) khi giới thiệu ‘Lời Chúa trên Mạng lưới’ với các tham dự viên khóa Gặp Gỡ IX tại Poitiers đã nói : «Ai muốn đọc những bài chia sẻ vắn gọn và rõ ràng, xin đọc trên mạng lưới của Giáo Xứ Việt Nam, có đều đặn mỗi tuần».
. Bà Maria Nguyễn Thị Hồng, nằm liệt tại bệnh viện Charles Richet (Sarcelles) từ bốn năm nay, đã nói lên với tâm tư xúc động : «Đã hơn một năm con vẫn đọc mỗi cuối tuần bài chia sẻ Phúc Âm của đức ông, do anh Roger đem đến cho con. Ngoài Mình Thánh Chúa, đây là của ăn tinh thần mang lại cho con nhiều sức mạnh… ».
. Bà Agnès Trịnh Văn Phú, mấy tháng trước khi được Chúa gọi về đã nói nhỏ với tôi : «Tuy vắn gọn nhưng bài chia sẻ Lời Chúa hàng tuần của đức ông rất hay, lại vừa tầm hiểu biết và vừa thời gian cầm trí của tuổi già như chúng con, nếu được đức ông nên in ra và phổ biến».
Một hôm sau buổi hội của Ban thường Vụ, một thành viên đã nhắc lại lời nhận định của ông Trần Khắc Đạt, người quen đọc bài Tin Mừng và bản suy niệm đầu buổi hội : «Bài suy niệm mang nhiều áp dụng thực tế cho đời sống, nếu có thể nên tìm cách phổ biến rộng rãi hơn. Vì nhiều người không biết tìm đọc trên mạng lưới».
Một số Tiểu Đội Đạo Binh Đức Mẹ đã chọn ‘bài suy niệm Tin Mừng mỗi Chúa Nhật’ làm đề tài chia sẻ trong buổi hội hàng tuần.
Vì muốn đánh dấu NĂM SINH HOẠT của MẠNG LƯỚI GIÁO XỨ VIỆT NAM (2002-2007), cầu cho sinh hoạt mục vụ này thăng tiến mãi.
Vì muốn đem món ăn tinh thần này mừng tặng các BẬC CAO NIÊN trong Giáo Xứ nhân ngày lễ Mừng Thượng Thọ II, 31.12.2006.
Hy vọng việc làm khiêm tốn của chúng tôi có thể giúp ích phần nào cho từng người muốn tìm hiểu Lời Chúa, cho mỗi gia đình hay mỗi nhóm muốn chia sẻ Lời Chúa, cũng như cho các tổ chức cần đến để phổ biến Lời Chúa trên mạng lưới của mình.
Đó là những lý do thúc đẩy và khích lệ chúng tôi in bộ SUY NIỆM LỜI CHÚA này. Xin Chúa chúc lành cho thiện chí của chúng tôi và của qúy Độc giả.
MẠNG LƯỚI GIÁO XỨ, LỜI KẾT.
Trong Thượng Hội Đồng Giám mục Á Châu, các Nghi Phụ đã trao đổi nhiều về những ảnh hưởng của Internet trên nhiều bình diện sinh hoạt của Giáo Hội. Các ngài nhận định Internet như một thách đố trong ngàn năm mới và cũng là những cơ hội mở ra một cánh đồng truyền giáo không biên giới, một cơ may lớn lao để học tập lẫn nhau trong bối cảnh toàn cầu hóa, và một triển vọng cho việc giáo dục, đào tạo từ xa. Các nghị Phụ cũng khẳng định rằng Giáo Hội Công Giáo là giáo hội đầu tiên đặt vấn đề phải tận dụng và khôn khéo khả năng của Internet (Vietcatholic 3.7.2001).
Cách riêng mỗi Cộng Đoàn Giáo Xứ phải quyết tâm và khôn khéo khai mở và phát triển Site Internet của Giáo Xứ, ‘đừng sợ mở cửa cho phương tiện truyền thông tân tiến này, hầu để Tin Mừng của Đức Kitô được loan truyền đến và được nghe biết từ những mái nhà của Giáo Xứ và của cả thế giới (Đức Gioan Phaolô II).
Trong thư gửi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (Gia rai 18.02.2006), ông Nguyễn Thụ Nhân cho biết : ‘hiện nay đã có nhiều Giáo Xứ Việt Nam trong và ngoài nước mở Site Internet’. Giáo Xứ Việt Nam Paris hân hoan chen vai sát cánh với các Giáo Xứ anh em trong phạm vi sinh hoạt mục vụ và truyền giáo này.
Mai Đức Vinh