T |
hượng Đế khi tạo dựng hình hài con người, ban cho cơ
thể « Ngũ Quan », trong đó đôi mắt là bộ phận phức tạp, hoạt động
liên tục và linh động, giữ vị trí gạch nối trực tiếp giữa não bộ và thế giới
bên ngoài. Thuộc hệ Thị Giác, « Giám Sát Quan », đôi mắt có tác dụng cảm
nhận các kích thích của môi trường bao quanh để phối hợp cùng nhau nhìn một
tĩnh vật, một hoạt cảnh rồi thu hình, tiếp nhận, diễn giải thông tin vào võng mạc,
chuyển tín hiệu vào não bộ để phân tích, cảm nhận, dẫn đến suy nghĩ hay hành động.
Nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tầm nhìn
của con mắt, như cách nhìn, góc nhìn và những cảm xúc tiếp theo. Có nhiều cách nhìn. Mỗi kiểu nhìn, tùy theo mục đích và
hoàn cảnh thể hiện để mang một ý nghĩa, môt sắc thái riêng biệt. Góc nhìn, khía cạnh hay hướng nhìn tùy
thuộc vào nhiều yếu tố, thời gian, không gian, hoàn cảnh, và cảm nghĩ được tạo từ cảm xúc, trình độ
nhận thức, tâm trạng hiện tại, ý thức văn hóa, tâm lý, và kinh nghiệm sống của
từng cá nhân. Cả ba yếu tố này liên quan và liên đới với nhau trong việc thu hình,
phân tích và tạo cảm xúc.
Cách nhìn nhanh, góc nhìn bao quát khác với cách nhìn kỳ thong thả, chú
tâm vào từng chi tiết. Nhìn thoáng nhanh
như liếc mắt, trông qua, lén nhìn, chớp nhoáng, dòm ngó, thoáng nhìn, ngó xem
các cảnh vật, phong cảnh thành phố khi đi du ngoạn. « Mỗi cái ngó
là vị sao mọc, mỗi liếc yêu là phẳng
phất mùi hương » (Cặp mắt của
Bích Khuê). Nhìn nhanh trong chớp mắt còn được gọi là nhìn kiểu « Cưỡi ngựa xem hoa ».
Thành ngữ trích từ truyện cổ tích kể
một bà chuyên làm mai mối muốn kết hợp hai gia tộc bề thế, môn đăng hậu đối. Chỉ khổ
một nỗi là cả hai đối tượng, thanh niên và thiếu nữ đều mang khuyết tật, người
thanh niên thì thọt chân đi khập khiễng, người thiếu nữ thì bị xứt môi. Chỉ mình
Bà mai biết sự thể, Bà quyết định bầy mưu (có hiệu quả nhưng thật gian manh,
dối trá !) để bằng mọi cách che dấu khuyết tật của hai người. Ngày ra mắt,
chàng thanh niên hiên ngang ngồi vững trãi trên lưng ngựa, từ xa chạy thật
nhanh, phía thiếu nữ thì đứng đó cầm cành hoa che vết sứt trên môi. Mọi sự diễn
ra như ý, kết thúc bằng đám cưới linh đình. Mãi đến đêm động
phòng, cô dâu chú rể mới phát hiện sự thật
phũ phàng !
Lại có một chuyện thật, xẩy vào thời
đại hiện nay. Trên một chuyến bay Boeing đi từ Seattle đến San Francisco, dừng
50 phút ở Sacramento. Tất cả hành khách được phép xuống đất nghỉ chân, riêng có
một bà già mù mắt ngồi lại với con chó. Người phi công đến thăm hỏi, bà cho biết
không muốn xuống, chỉ nhờ ông ta dắt hộ con chó xuống sân thôi. Liền sau đó
người phi công, đeo sẵn cặp kính mát (còn gọi là kính râm mầu đen mà người khuyết tật
ở mắt thường mang), tay dắt con chó « hướng dẫn người mù » ra cửa máy
bay, từ từ xuống thang. Các hành khách đứng dưới, trố mắt ngạc nhiên, nhận ra
người phi công lái chuyến bay mình đi, lại có dáng dấp người mang khuyết tật ở
mắt. Hoang mang lo lắng cho sự an toàn chuyến bay, vài người xin đổi sang chuyến
bay khác, có người dứt khoát đổi hãng hàng không.
Với hai thí dụ trên, không bàn về
tính chất đạo lý mà chỉ xem về hình thức thì cách nhìn chớp nhoáng, lướt thoáng
nhanh, nhìn một chiều, nhìn phiến diện, bao quát sẽ hiến tầm nhìn không được kỹ
lưỡng, không được sâu sắc, không cho phép xem xét được các chi tiết ẩn hay dấu
kín bên trong. Những ưu điểm thì bị che khuất, không được trưng bầy hiển nhiên nổi
bật trước mắt, còn những khuyết điiểm lại cố tình bị dàn dựng khéo léo để che lấp
sự thật phũ phàng. Cách nhìn bao quát như vậy sẽ không nắm được đặc điểm, bản
chất thật của hiện trường, mang đến cảm nghĩ vội vàng, hời hợt, không được sâu
sắc, thành ra sự thật bị lệch lạc. Khi sự thật phũ phàng được phơi bầy thì đã
muộn, kéo tiếp sau nhiều hiểu lầm tai hại hay những quyết định hấp tấp sai sự
thật. Người đời thường nói « Dzậy
mà không phải dzậy » là thế đó ! Nhìn chàng thanh niên mạnh khỏe,
hiên ngang ngồi vững trãi trên lưng ngựa, phi nhanh từ xa đến, ai ngờ
chàng thọt chân ! Nhìn nàng thiếu nữ đứng đợi, tay cầm cành hoa che mặt vẫy tay
chào, ai nghĩ là nàng xứt môi ? Ai dám giao tính mạng mình đi chuyến bay do phi
công mù điều khiển ?
Nhìn sâu nhìn rộng như nhìn tập trung, ngắm nghía, nhìn chằm chằm, quan sát
chăm chú, nhìn tầm xa trông rộng, nhìn cẩn thận tỉ mỉ. Nhìn sâu mở rộng, nhìn
thong thả, kỹ càng, cho phép có thì giờ và khả năng để nhìn toàn diện, ngắm
soi, nhận xét kỹ lưỡng và tỉ mỉ từng chi tiết
theo đúng bản chất để rồi lồng lại vào khung ảnh toàn diện. Tầm nhìn thong thả tùy
thuộc rất nhiều về góc cạnh, vì nhìn
từng đoạn, từng khúc có khả năng dẫn đến kết luận tổng quát chính chắn, có suy nghĩ.
Tùy vào góc cạnh, tùy theo vị trí hay thời điểm nhìn mà tầm mắt thu hình khác
nhau, tạo ra cảm xúc khác nhau. Nhìn chân trời tươi sáng lúc bình minh khác xa
với cảnh rực rỡ lúc hoàng hôn, đưa ý kiến về chiếc xe hơi Mercedes sẽ khác nếu quan
sát giàn máy hay nhìn đệm ghế trong xe. Chuyện cổ tích « người mù sờ chân voi » sâu xa về mặt
triết lý, mang mục đích dẫn giải ảnh hưởng quan trọng của góc độ, vị trí quan
sát trên việc tạo hình, gây cảm xúc và suy luận. Nội dung chuyện kể các người
mù (khuyết tật về thị giác nhưng được bù đáp bằng sự nhậy bén của đôi bàn tay),
được hỏi về hình dáng con voi dẫn đến trước mặt họ, mỗi người tùy góc độ mình đứng
mà trả lời, đưa ra nhận xét cá nhân. Người sờ cái ngà thì bảo nó giống cái đòn
sóc, kẻ nắm cái tai đang phe phẩy lại thấy giống cái quạt, người kia xoa cái đầu
to và cứng nghĩ ngay « đúng là một tảng đá ! », khi vuốt cái
đuôi ve vẩy thì giống y chang sợi giây thừng, cái lưng to rộng thì như tấm
phản, cái vòi chẳng khác gì chiếc hộp ! Sự thật là thế đấy, chỉ một con
voi mà tùy góc cạnh quan sát, người nhận xét có được biết bao nhận thức, cảm
xúc, suy luận khác biệt !
Từ cách nhìn, tùy góc cạnh, tín hiệu
được đưa vào tới não bộ để được phân tích và tạo cảm xúc. Cảm xúc chịu
ảnh hưởng của nhiều yếu tố cá nhân của người nhìn. Mỗi cá nhân, tùy góc nhìn và
tùy nhân cách, tâm trạng hay văn hóa sẽ có nhận xét, cảm nghĩ, suy luận khác
nhau về một sự việc. Vì thế trong các vụ điều tra tai nạn, mưu sát, đánh lộn,
các chuyên viên Tòa Án cần gom góp thật nhiều các dữ liệu, bằng chứng cụ thể của
sự việc nên phải ghi lại lời khai của tất cả các nhân chứng liên quan xa gần, có
mặt trực tiếp, chứng kiến tận mắt, trước, sau khi và trong lúc sự việc xẩy ra tại
hiện trường, đầy đủ chi tiết về tầm nhìn, nhận xét, cảm nghĩ của từng người hầu
có toàn bộ hồ sơ để xét xử công minh.
Phần Bác Năm cũng có dịp nếm thử
nghiệm nho nhỏ : Từ hôm vấp ngã,
hai chân yếu hẳn nên Bác Năm phải chống gậy mà bước đi. Tuân theo lời dặn của
Bác sĩ, mỗi ngày Bác ra ngoài, đi bộ khoảng 20 phút, như vậy tốt cho sức khỏe.
Hít thở không khí trong lành, tinh thần thoải mái ngắm người qua lại, máu huyết
lưu thông, tập cho đôi chân cứng cáp, lấy lại lòng tự tin mà yên tâm bước vững
vàng không sợ vấp ngã. Lúc đầu phải dùng tới chiếc « déambulateur » bốn
bánh, rồi nhờ tập luyện dần dần bỏ được xe, chỉ cần chống bằng hai gậy, nay tiến
bộ hơn. Mỗi buổi sáng Bác Năm « xuống đường », tay bên phải chống chiếc
gậy gỗ, tay phía trái thay vì chiếc gậy thứ hai, Bác nắm chặt lấy bàn tay Bác
gái. Hình ảnh đôi mái tóc bạc đi bên nhau, trông bình dị, mà lại gây chú ý từ
phía người đi bộ trên lề đường phố chợ Tàu Paris 13. Ngày đầu, thấy có người dừng
lại, vồn vã chào « quý hóa quá, nhìn hai Bác đi bên nhau, cháu lại nhớ Bố
Mẹ cháu. Hai Bác cố giữ sức khỏe để sống trăm tuổi nhé ! » Đi một quãng,
gặp người bạn học cũ, nay đã góa vợ, đi lững thững, tay sách túi đồ ăn trưa, tiến
đến vỗ vai Bác Năm : « Năm này, Trời cho bạn còn đôi, là phước lắm đấy !
Ráng mà giữ. Chứ như tôi, vợ mất, buồn và khổ lắm ! » Xa hơn, có đám ba
bốn thanh thiếu nữ đi ngược lại, họ trò chuyện vui vẻ, bàn luận lung tung, sôi
nổi, oang oang. Một cô gái trong đám, miệng túm tím cười, mắt nhìn ranh mãnh, riễu
cợt nói : « Cải lương quá ! Già mà còn bầy đặt nắm tay nhau !
» Tức thì tiếng một thanh niên đi cạnh phản ứng : « Tình tứ gì đâu !
Ổng mà không nắm tay thì chúi đầu ngã xuống
chết luôn. » Rẽ sang phía phải, một người Pháp trung niên nhìn thấy bác
gái, dừng lại, sửa khăn quàng cổ cho Bác Năm, đã giơ cao ngón tay cái lên, có ý
khen và nói « C’est exceptionnel ! Thật hiếm gặp cặp người già còn bền
vững, săn sóc nhau ở tuổi này, thấy đáng tiếc là thế hệ trẻ bây giờ cưới nhau
vài năm đã vội ly dị ! Một bà già lưng còng, dựa trên chiếc « caddie »
vừa bước vừa lẩm bẩm một mình « Tôi đau lưng quá mà phải đi chợ, phải dựa tạm
vào cái giỏ sách này cho vững. Giá có người đi cùng thì yên tâm và ấm lòng hơn. »
Vài phút sau, hai Bác tiếp tục tản bộ, chậm rãi dắt tay nhau thì thấy có người vượt
lên, quay sang, cằn nhằn : « Đi đã chậm, làm choáng cả mặt đường,
yếu chân thì ở nhà đi cho được việc. » Chắc ông ta đang có việc cần phải đi gấp
nên bực bội thế thôi. Đi qua phòng khám, ông Kinésithérapeute (thường thoa bóp cho
Bác Năm) mở cửa đón một khách, nhìn với cặp mắt chuyên môn, nhắn nhủ vọng ra :
« Bon courage ! Có tiến bộ đấy, cứ tiếp tục nữa đi. » Một hình ảnh
đơn sơ, mộc mạc và giản dị lại được phân tích, cảm nhận, đánh giá, bình phẩm,
so sánh khác nhau. Tất cả tùy thuộc vào nhân cách và cá tính từng cá nhân, bao gồm
sự hiểu biết, tâm trạng, hoàn cảnh lúc nhìn, quan niệm thời đại, kiến thức,
trình độ văn hóa, tính tình, ý thức đạo đức và kinh nghiệm sống khác nhau…
Xin cám ơn Chúa, Đấng Tạo Hóa đã
ban cho con người đôi mắt, một tài sản vô giá, tuyệt vời : Đôi mắt, là hai
viên ngọc quý, là cánh cửa mở rộng giữa thế giới bên ngoài với trí óc và tâm hồn
bên trong...Với khả năng kỳ diệu, đôi mắt cho ta nhìn và ngắm cảnh vật thiên
nhiên, ngôi sao mai lấp lánh bầu trời, hoa lá xinh tươi mùa xuân, cũng cho ta
in sâu vào mắt hình dáng người thân yêu như nụ cười rạng rỡ của trẻ thơ, vết nhăn
trên mặt rám nắng của cha già và mái tóc điểm sương của mẹ hiền. Mắt còn được gọi
là « cửa sổ của linh hồn » cho ta nhìn, thấu hiểu, biết cảm động trước
niềm vui và biết ngậm ngùi trước cảnh gian khổ, đói kém, tử biệt chia ly xảy trong
trận chiến hay thiên tai và để chấp nhận các biến chuyển vô biên, vô thường của
cuộc đời trần thế. Xin Chúa ban cho chúng con có được tầm nhìn cụ thể, chân thật,
đứng đắn, trung thực và tử tế, hòa nhịp với tấm lòng quảng đại vị tha, thông cảm
và nhân ái để suy nghĩ và hành động theo tinh thần Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.
Nguyễn Đăng Quế
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang
Chuyện Mèo Năm Mão - Trầm Thiên Thu
Ngày Xuân Đoàn Tụ - Anê Thùy Dung
CHRISTUS VIVIT : Tông Huấn của Tòa Thánh gửi các Bạn Trẻ - Lê Đình Thông