Người Việt năm châu
M |
ỗi khi nói về người Việt Nam, chúng ta thường nghĩ đến một
dân tộc rất yêu quê hương, rất gắn bó với "lũy tre làng", với "cây đa đầu đình". Thật vậy, với quan niệm "an cư lạc nghiệp",
ít người Việt thích đi xa, đi nước ngoài lại càng ít hơn. Người Việt chỉ bắt đầu
di dân khi theo chân người Pháp vào thời ba nước Đông Dương là thuộc địa của
Pháp. Đầu thập niên 1970, có khoảng 100.000 người Việt sống tại Pháp và vài nước
láng giềng như Lào, Cao Miên, Thái Lan, Miến Điện, ... Con số này còn nhỏ hơn số
người Hoa sống ở vùng Chợ Lớn vào thời đó. Trong suốt "4000 năm văn hiến",
chỉ có bấy nhiêu người Việt sống ngoài lãnh thổ Việt Nam. Thế mà chỉ 50 năm
sau, số lượng Việt kiều đã tăng lên gấp 45 lần. Đến cuối năm 2018, có khoảng 4,5
triệu Việt kiều sinh sống trên hơn 100 quốc gia ở khắp năm châu lục.
Số lượng người Việt sống ở nước ngoài chỉ bắt đầu tăng vọt
theo làn sóng người tỵ nạn đi tìm tự do sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975. Và số
quốc gia có người Việt định cư cũng tăng theo. Đến đầu thập niên 1990, với sự sụp
đổ của khối Đông Âu và Liên Xô, những người do nhà nước Việt Nam cử đi học tập,
lao động không trở về nước đã góp phần vào khối người Việt định cư tại hải ngoại.
Cùng thời gian đó, các trại tỵ nạn đóng cửa, nhà nước Việt Nam chuyển sang kinh
tế thị trường, người dân Việt Nam bắt đầu được một chút tự do kinh doanh thì nhiều
người nghĩ rằng số người Việt di dân sẽ giảm đi. Nhưng thực tế lại hoàn toàn
khác. Theo số liệu của tổ chức Di cư Quốc tế (IMO) lấy từ nguồn dữ liệu của Vụ
Liên hiệp quốc về vấn đề kinh tế và xã hội (UN DESA), từ năm 1990 đến năm 2015
có 2.558.678 người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Điều này có nghĩa là số người
Việt di cư sau năm 1990 còn nhiều hơn số người Việt đi tỵ nạn trước năm 1990.
Những người Việt sau thế hệ thuyền nhân và người tỵ nạn đã
tìm ra nhiều cách thức rất phong phú để ra đi.
Đầu tiên phải kể đến là cách thông qua con đường du học
xong kiếm việc ở lại. Hiện có đông đảo sinh viên Việt Nam đang du học tại nhiều
nước trên thế giới, chủ yếu ở các nước phát triển. Theo kết quả nghiên cứu của
công ty nhân sự SHD, có tới 64% số sinh viên Việt Nam mong muốn ở lại nước sở tại
làm việc và sinh sống sau khi hoàn tất việc học tập.
Một con đường khác để di cư của người Việt là xuất khẩu
lao động. Theo báo Nhân Dân, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
trong năm 2017 đã đạt mức kỷ lục với 134 nghìn người. Những năm gần đây, số người
Việt sang Nhật làm việc ngày càng nhiều. Thật vậy, tỷ lệ người già ở Nhật ngày
càng cao, lao động trẻ cạn kiệt nên nước này rất cần nhân công. Mà người Nhật lại
không thích người Trung Quốc và người Hàn Quốc nên họ ưu tiên nhận người Việt
Nam. Rất nhiều sinh viên Việt xin sang Nhật làm những công việc lao động chân
tay theo chương trình "thực tập sinh kỹ năng". Đây quả là một điều thật
đau lòng. Ngày xưa, chính phủ Nhật cho sinh viên đi du học ở các nước Tây
phương. Học xong, họ trở về giúp nước nhà. Nhờ vậy, Nhật Bản mới trở thành một
quốc gia phát triển như ngày nay. Còn bây giờ, sinh viên Việt Nam sang Nhật để
đi làm "cu li".
Nếu như tỷ lệ người cao niên ở Nhật ngày càng tăng là một
cơ hội di dân cho nhiều người Việt thì tỷ lệ con trai ngày càng cao ở Trung Quốc
và Đài Loan là một cơ hội quý báu cho nhiều cô gái Việt Nam. Hiện tượng con
trai dư thừa ở hai quốc gia này đã khiến cho nhiều thanh niên phải đi tìm người
phối ngẫu ở những nước khác. Và, một lần nữa, các cô gái Việt lại là một ứng cử
viên sáng giá cho những chàng trai "ế" của hai nước này (tôi được
nghe kể là có cả một làng ở Việt Nam, các cô "rủ nhau" lấy chồng Đài
Loan). Nhưng có một điều oái oăm là chính nước Việt Nam đang có xu hướng đi đến
tình trạng "trai thừa gái thiếu". Theo thống kê mới nhất ở Việt Nam,
vào năm 2018, cứ 100 bé gái sinh ra thì có 114,8 bé trai chào đời. Nếu tình trạng
này cứ kéo dài thì trong tương lai, thanh niên Việt chắc phải đi "kiếm vợ"
ở châu Phi.
Việt Nam, sau hơn phần tư thế kỷ đổi mới kinh tế, đã có
nhiều tiến bộ, mức sống của người dân được nâng cao gấp nhiều lần so với thời
bao cấp, nhưng nhiều người vẫn muốn ra đi, nhiều khi bất chấp nguy cơ bỏ mạng xứ
người (nhiều người trong chúng ta đã bàng hoàng khi nghe tin về cái chết của 39
người Việt trong một xe tải chở hàng đông lạnh ở Anh vào những ngày cuối tháng
10 năm 2019).
Tuy mức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam là khá cao (7,08%
năm 2018, theo Tổng cục thống kê) nhưng lợi ích của sự tăng trưởng này không được
chia đều cho tất cả mọi thành phần trong xã hội. Cũng giống như những nước đang
trên đà phát triển mạnh như Trung Quốc và Nga, nơi mà nhiều người có thể làm
giàu dựa vào những yếu tố khác hơn tài năng và sự công bằng, Việt Nam được coi
là nước có giới siêu giàu (người Việt thường gọi là "đại gia") tăng
nhanh nhất trên thế giới. Và điều mà người ta thấy ở ba quốc gia này là khoảng
cách giữa người giàu và người nghèo ngày một tăng.
Lý do thứ hai là thu nhập trên đầu người của Việt Nam vẫn
còn rất thấp so với các nước trong khu vực và kém xa các nước phát triển. Theo
qui định mới nhất, mức lương cơ bản ở Việt Nam là khoảng 4 triệu đồng/tháng, ít
hơn mức lương cơ bản ở Pháp 8 lần. Trong khi đó sự chênh lệch về vật giá, chi
phí sinh hoạt là không nhiều. Ở Việt Nam, chỉ có thực phẩm là rẻ hơn so với các
nước phát triển còn giá cả các đồ dùng công nghiệp thì tương đương. Thậm chí,
nhà cửa ở Việt Nam còn đắt hơn ở Pháp, Mỹ. Còn xe ô-tô ở Việt Nam là một món đồ
xa xỉ, chỉ dành riêng cho các "đại gia".
Thứ ba, một nguyên nhân nữa kiến cho người Việt tiếp tục
di cư nhiều là mong muốn con cái mình có tương lai tươi sáng hơn. Thật vậy, nước
Việt Nam vừa trải qua thời kỳ chiến tranh và nghèo đói nên kinh tế được ưu tiên
trong việc phát triển đất nước. Các lãnh vực khác ít được quan tâm, thậm chí
còn bị suy thoái. Qua số báo trước của giáo xứ nói về thông điệp Laudato si' của
Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta biết rằng phát triển kinh tế một cách vô tội vạ
là đồng nghĩa với việc hủy hoại môi trường. Trung Quốc là một thí dụ điển hình.
Việt Nam cũng không hơn gì. Môi trường bị ô nhiễm. An toàn vệ sinh thực phẩm
luôn ở mức báo động. Việc sử dụng chất kích thích, phân bón hóa học, chất bảo
quản, chất tạo màu và nhiều loại hóa chất khác đang trong tình trạng không thể
kiểm soát. Việc quản lý thực phẩm "sạch" và "bẩn" gần như
không hiệu quả khiến "thật giả" lẫn lộn, người có tiền cũng không biết
mua thực phẩm an toàn ở đâu. Giáo dục và y tế tại Việt Nam bị đánh giá là lạc hậu
và kém hiệu quả. Việc cho con em đi học trở thành một gánh nặng tài chính đối với
nhiều bậc cha mẹ. Ngoài tiền học phí, tiền sách giáo khoa, các cha mẹ còn phải
tốn kém cho con đi "học thêm" nhiều thứ không ích lợi. Có lần khi về
Việt Nam nghĩ hè, tôi thấy một cháu vợ tôi chở đứa con trai, lúc đó chỉ đang học
mẫu giáo, đi học thêm. Tôi mới hỏi cháu vợ tôi tại sao con trẻ mới học mẫu giáo
mà phải đi học thêm. Cháu vợ tôi nói là cho con đi học thêm để "viết chữ
cho đẹp". Các bạn biết không, hiện nay, nhiều sinh viên Trung Quốc tự nhận
là có nhiều chữ họ không biết viết. Bởi vì họ chỉ sử dụng bàn phím máy vi tính
mà thôi !
Chúng ta vừa điểm qua một số cách thức và nguyên nhân của
hiện tượng nhiều người Việt vẫn tiếp tục muốn ra đi. Vậy, một khi đến được xứ
người rồi, họ có muốn trở về Việt Nam không ? Ngoại trừ một số rất ít người bị "vỡ
mộng" vì có suy nghĩ lệch lạc về "thiên đường Mỹ", phần đông người
Việt ở nước ngoài hội nhập rất tốt vào cuộc sống ở các nước sở tại. Những người
đi tỵ nạn trước năm 1990 có một cuộc sống rất ổn định, con cháu học hành thành
đạt. Các sinh viên du học thì phần đông đều muốn ở lại xứ người sau khi học
xong vì mức lương cao hơn ở Việt Nam nhiều. Hơn nữa, họ là những người dễ thích
nghi, dễ tiếp thu những cái hay của xứ người và phần đông các bạn trẻ này thật
sự yêu mến xứ sở nơi họ vừa trải qua nhiều năm học tập. Những người đi theo diện
xuất khẩu lao động, mặc dù chỉ lãnh mức lương cơ bản nhưng họ vẫn có thể mua
nhà, mua xe và thậm chí còn có thể gửi tiền về cho người thân ở Việt Nam. Những
cô dâu Việt lấy chồng Tây, chồng Đài Loan, mặc dù chỉ biết nói bập bẹ tiếng xứ
người (phần đông các cô dâu này là gái vùng quê, ít học), vẫn sống tốt. Nhiều
cô còn lái được xe đi chợ búa, đưa con đi học cũng giống như bất kỳ phụ nữ nào
của nước sở tại. Nhìn chung, những quốc gia nơi người Việt định cư là nơi "đất
lành, chim đậu". Ở đó, họ được bảo vệ quyền lợi, được trợ cấp khó khăn, được
chăm sóc sức khỏe, con cái được học hành miễn phí.
Còn các "đại gia", những người đang "sống
rất sướng" ở Việt Nam, thì sao ? Họ đang bỏ ra hàng tỷ đô la mỗi năm (3 tỷ
đô la trong năm 2017) mua những ngôi nhà "hoành tráng" tại Mỹ với mục
đích là sau khi về hưu, sẽ qua Mỹ dưỡng già, để được ăn đồ "sạch" (hoặc
nếu đã lỡ ăn đồ "bẩn" ở Việt Nam rồi bị ung thư thì ít nhất qua Mỹ
cũng sẽ được chăm sóc tốt hơn).
Đâu rồi những người Việt Nam còn yêu quê hương, còn thiết
tha với "lũy tre làng" và "cây đa đầu đình" ?
Quang-Đại
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang