Ngôi nhà chung
K |
hi các phi hành gia của chương trình không gian Apollo thực hiện những chuyến
thám
hiểm Mặt Trăng vào những năm đầu của thập niên 1970 thì hình ảnh gây ấn tượng
nhất đối với họ không phải là hình ảnh của một Mặt Trăng huyền bí với « chú
Cuội và cây đa » mà chính là hình ảnh của Trái Đất. Điều này thoạt nghe có
vẻ như là một nghịch lý : vật thể gây cho chúng ta nhiều ấn tượng nhất
không phải là một vật thể ở cách chúng ta hơn 380.000 km mà lại chính là nơi
chúng ta đang sinh sống. Nhưng sự thật là, nhìn từ không gian, Trái Đất rất đẹp.
Nó trông như một quả cầu xanh biếc, treo lơ lững giữa một bầu trời tối đen.
Một trong những bức
ảnh chụp Trái Đất từ không gian nổi tiếng nhất là bức ảnh được đặt tên là
« Viên Bi xanh » (La Bille bleue), được chụp bởi phi hành đoàn của
phi thuyền Apollo 17 ngày 7 tháng 12 năm 1972. Eugene Andrew Cernan, chỉ huy
trưởng của phi hành đoàn này (và cũng là người cuối cùng đặt chân lên Mặt Trăng)
có nhận xét như sau : « Khi bạn nhìn Trái Đất từ một khoảng cách 250.000
dặm, nó rất đẹp. Bạn có thể thấy từ Bắc cực tới Nam cực. Bạn có thể nhìn xuyên
qua các lục địa. Bạn tìm những sợi dây giữ nó hay một điểm tựa bất kỳ nào,
chúng không hề tồn tại. Bạn nhìn Trái Đất và vùng
xung quanh nó, bạn chỉ thấy một bóng tối với một màu đen nhất mà con người có
thể hình dung được. ». Một hình ảnh nói lên vẻ đẹp, và đồng thời, một sự « mong
manh » của Trái Đất. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Europe
1, phi hành gia người Pháp Thomas Pesquet có nói : « On voit la
fragilité de la Terre. C'est un oasis dans un océan de rien du tout. » (Chúng ta cảm nhận sự mỏng giòn của Trái Đất,
một ốc đảo giữa đại dương bao la.)
Chúng ta thử hình dung Trái Đất trong một khung cảnh rộng lớn hơn của vũ trụ.
Vũ trụ có hàng trăm tỷ thiên hà. Mỗi thiên hà có hàng trăm tỷ ngôi sao. Và mỗi
ngôi sao có hàng chục hành tinh quay xung quanh. Như vậy, Trái Đất thân yêu của
chúng ta chỉ là một hành tinh bé nhỏ trong hằng hà sa số các hành tinh của vũ
trụ. Và trong hằng hà sa số các hành tinh đó, Trái Đất là hành tinh duy nhất có
sự sống. Các nhà khoa học cho rằng, sỡ dĩ sự sống có thể phát triển trên Trái Đất
là do nó nằm cách Mặt Trời một khoảng cách lý tưởng sao cho nước có thể tồn tại
ở trạng thái lỏng. Thật vậy, nếu gần Mặt Trời quá, Trái Đất sẽ khô cằn vì quá
nóng ; nếu xa Mặt Trời quá, nó sẽ đóng băng vì quá lạnh. Hành tinh thân
yêu của chúng ta và môi trường của nó, nơi tạo điều kiện cho sự sống tồn tại và
phát triển, quả thật rất mong manh. Thế mà con người đang làm cho nó càng mong
manh hơn. Trong khoảng thời gian 6 tháng ở trên trạm không gian ISS, chỉ bằng
vào việc chụp ảnh, Thomas Pesquet đã nhìn thấy những điều sau đây : sự tan
chảy của các tảng băng ở Nam Mỹ, sự đốn cây ở rừng Amazone, sự ô nhiễm các sông
ngòi, không khí ô nhiễm ở các thành phố...
Ý thức được sự mong
manh này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành thông điệp « Laudato si' »
vào ngày lễ Hiện Xuống 24 tháng 5 năm 2015, trong đó Ngài phê bình chủ nghĩa
tiêu thụ và việc phát triển vô trách nhiệm, kêu gọi mọi người tham gia vào việc
bảo vệ và xây dựng Trái Đất mà Ngài gọi là « Ngôi Nhà chung của chúng ta » qua việc toàn cầu hãy hành động nhanh chóng và thống
nhất để chống suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Để có một nhận thức rõ
hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ « Ngôi Nhà chung » này, chúng
ta thử tìm hiểu xem ngôi nhà đó có gì nhé. Đầu tiên, như đã nói ở trên, ngôi
nhà chúng ta có nước, yếu tố cần thiết để sự sống tồn tại. Nước, cùng với đất,
qua việc trồng trọt và chăn nuôi, tạo ra thực phẩm để nuôi sống chúng ta. Kế đến,
nhà chúng ta có rừng, là « buồng phổi » tái tạo dưỡng khí qua việc hấp
thụ thán khí trong quá trình quang hợp. Và những « đồ đạt » quí giá
nhất thì nằm ở dưới « sous-sol » : các quặng mỏ cho chúng ta vật
liệu để xây dựng nhà ở, sản xuất xe cộ và máy móc đủ loại; khí đốt và dầu
hỏa cung cấp cho chúng ta năng lượng. Còn ở « tầng trên », nhà chúng
ta có hai món đồ cũng rất quí mà chúng ta không nhìn thấy : bầu khí quyển,
không chỉ cho chúng ta dưỡng khí và một bầu trời xanh biếc mà còn bảo vệ Trái Đất
chống lại các thiên thạch và tia cực tím, giữ cho nhiệt độ không quá chênh lệch
giữa ban ngày và ban đêm ; từ trường của Trái Đất bảo vệ ngôi nhà của
chúng ta chống lại gió Mặt Trời và các bức xạ vũ trụ. Ngoài ra, ngôi nhà của
chúng ta còn « biết » xoay quanh một trục với một chu kỳ 24 giờ, rất
thích hợp với chu kỳ sinh học của cơ thể chúng ta. Thật vậy, nếu Trái Đất không
xoay quanh trục của nó thì chúng ta sẽ có 6 tháng ban ngày và 6 tháng ban đêm.
Trong điều kiện đó, đời sống chúng ta sẽ không dễ chịu chút nào. Chưa hết. Trục
xoay của Trái Đất lại tạo thành một góc 66°33’ với mặt phẳng quỹ đạo của nó xung
quanh Mặt Trời, đem đến cho chúng ta bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.
Quả thật, « Ngôi Nhà chung » của chúng ta có rất nhiều tài sản vô
giá. Thế nhưng, con người đang hủy hoại lần mòn những tài sản này. Nước ngọt
đang bắt đầu khan hiếm (mặc dù 70% bề mặt Trái Đất được bao phủ bởi nước nhưng
nước ngọt chỉ chiếm chưa đến 1% lượng nước này). Ở nhiều nơi, người dân phải xếp
hàng để được cung cấp nước ngọt mỗi ngày. Trái Đất trở nên khô cằn. Người ta đã
phải bắt đầu khai thác những nguồn nước ở sâu hàng trăm mét dưới lòng đất. Tài
nguyên các quặng mỏ đang cạn dần. Chỉ trong vòng 200 năm, kể từ khi các động cơ
nhiệt đầu tiên ra đời, con người đã tiêu thụ một lượng nhiên liệu mà Trái Đất
phải mất hơn 200 triệu năm để tạo thành qua quá trình phân hủy xác các thực vật
và động vật. Các tảng băng ở hai địa cực bị tan chảy. Sông ngòi và không khí bị
ô nhiễm. Gần đây, các ảnh chụp Trái Đất từ các vệ tinh nhân tạo cho thấy một sự
mất cân đối trong việc phân bổ nước : nhiều nơi trên thế giới ngày càng
khô cằn trong khi nhiều nơi khác thì càng ẩm thấp. Điều này có nghĩa là những
nơi khô cằn sẽ càng khô cằn hơn và những nơi bị lũ lụt thì càng bị lũ lụt nhiều
hơn.
Một trong những nguyên nhân gây ra các hiện tượng kể trên là khí hậu Trái Đất
đang nóng lên. Từ năm 1880 đến năm 2012, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng
lên 0,85°C. Nhiều người trong chúng ta hẵn còn nhớ hội nghị quốc tế COP21, được
tổ chức ở Le Bourget vào tháng 12 năm 2015 trong bối cảnh nước Pháp vừa trải
qua nhiều vụ khủng bố kinh hoàng. Hội nghị đã đặt ra mục tiêu là giữ cho sự
nóng lên của khí hậu ở mức 1,5°C so với nhiệt độ trung bình của Trái Đất vào thời
kỳ trước cuộc cách mạng công nghiệp. Hội nghị đã đưa ra mức 1,5°C thay vì mức dự
kiến ban đầu là 2°C vì thấy rằng nếu Trái Đất nóng lên 2°C thì hậu quả sẽ rất
nghiêm trọng : sẽ có từ 20% đến 30% loài vật bị tuyệt chủng, hầu như toàn
bộ san hô sẽ chết, đến năm 2080 sẽ có trên 3 tỷ người bị thiếu nước ngọt và khoảng
600 triệu người sẽ thiếu ăn... Để đạt được mục tiêu này, biện pháp được đưa ra
là giảm lượng khí thải có hiệu ứng nhà kính với mức 7,6% mỗi năm, liên tục cho
đến năm 2030. 195 quốc gia đã ký tên chấp nhận biện pháp này, trong đó có hai
quốc gia thải khí hiệu ứng nhà kính nhiều nhất là Trung Quốc (20,09 %) và Hoa Kỳ
(17,89 %) (phi hành gia Thomas Pesquet có cho biết là ông ta đã không thể nào
chụp ảnh thành phố Bắc Kinh được bởi vì thành phố này lúc nào cũng bị bao phủ bởi
một lớp sương mù do không khí bị ô nhiễm quá nhiều). 5 năm đã trôi qua kể từ
khi hội nghị COP21 kết thúc và các chuyên gia nhận thấy là lượng khí thải hiệu ứng
nhà kính không hề giảm đi mà vẫn tiếp tục tăng. Theo đánh giá của các chuyên
gia này thì xác suất để đạt được mục tiêu của hội nghị COP21 chỉ còn là 5%. « Ngôi
Nhà chung » của chúng ta đang có nguy cơ « xuống cấp » một cách
trầm trọng.
Cuộc khủng hoảng y tế vừa qua với đại dịch Covid-19 cho thấy rằng nếu chúng
ta càng trì hoãn việc chống suy thoái môi trường bao nhiêu thì thiệt hại sẽ
càng lớn và những biện pháp phòng chống sẽ càng tốn kém và ít hiệu quả bấy
nhiêu. Và mọi « thuốc ngừa » đều sẽ vô dụng bởi vì chúng ta chỉ có một
Trái Đất, một « Ngôi Nhà chung » mà thôi. Ngay từ bây giờ, chúng ta
phải toàn tâm, toàn ý chăm sóc, bảo vệ ngôi nhà duy nhất mà Thiên Chúa đã ban
cho chúng ta ngõ hầu « Viên Bi xanh » được xanh tươi mãi mãi.
Quang-Đại
Bài viết khác
Anh lính Cứu Hỏa được hoán cải sau trận hỏa hoạn tại nhà thờ Đức Bà Paris - Công Bình
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang