Ngày Gia Đình XV
Hướng về năm thánh Lòng Thương Xót Chúa
Chúa Nhật 10.04.2016
H |
ằng năm, nhóm Gia Đình Trẻ thường hay tổ chức Ngày Gia Đình
nhằm mục đích liên kết các gia đình trong Giáo Xứ lại với nhau - từ những đôi
hôn nhân trẻ mới cưới đến các vị trung niên hay cao niên - để các bạn trẻ được
dịp chia sẻ những tư duy trong đời sống vợ chồng hoặc học hỏi kinh nghiệm sống
của lớp người đi trước, dựa theo chiều hướng mục vụ gia đình của Giáo Hội nói
chung và của Tổng Giáo Phận Paris nói riêng.
Ngày Gia Đình lần thứ XV năm nay được tổ chức vào Chúa Nhật
10.04.2016 từ 14g đến 17g tại GXVN Paris quy tụ khoảng 30 người với một chương
trình học hỏi rất cụ thể và đi sát với đề tài về năm thánh :
Ø
14g00: Tiếp
tân
Ø
14g30: Thuyết
trình của cha Antôn Nguyễn Văn Kiên :
- Ý nghĩa của
Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa
- Làm thế nào để
gia đình biết đón nhận và sống Lòng Thương Xót trong xã hội ngày nay ?
Ø
15g30: Thảo
luận chung
Ø
16g30: Đúc kết
Ø
17g00: Chia
tay & hẹn lần sau
Trong năm thánh này, toàn thể giáo dân,
đặc biệt là những tín hữu hành hương đến Rôma, được mời gọi dọn mình
lãnh nhận Ơn Toàn Xá là việc xin Chúa tha cho các hình
phạt tạm vì tội với một số điều kiện như : sám hối, xưng tội, rước lễ, cầu
nguyện, hòa giải với mọi người, thực hiện những việc bác ái...v.v...
Những ai không thể đến Rôma cũng được
hưởng Ơn Toàn Xá qua trung gian các giáo đường được Đức Giám Mục địa phương chỉ
định.
Như các giáo phận khác trên nước Pháp, Tổng
giáo phận Paris khởi sự đi vào năm thánh vào ngày Chúa Nhật 13.12.2015 qua việc
mở cửa 8 thánh đường dưới đây:
- Église Polonaise / N.-D. de l’Assomption (1er)
- N.-D. des Victoires (2e)
- N.-D. de Paris (4e)
- St-Sulpice (6e)
- Chapelle N.-D. de la Médaille miraculeuse (7e)
- St-Louis d’Antin (9e)
- N.-D. du Perpétuel Secours (11e)
- Sacré-Cœur de Montmartre (18e)
Sau phần kinh
khai mạc và đôi lời giới thiệu tổng quát của anh Giang Minh Đức về nhóm Gia
Đình Trẻ cũng như về cha Antôn Nguyễn Văn Kiên,
anh Quang Đại khai mạc Ngày Gia Đình XV qua bài dẫn nhập ý nghĩa và mạch lạc
như sau :
Kính thưa Đức Ông, cha Kiên và
các anh chị,
Ngày
13.03.2015, tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố mở “Năm Thánh đặc biệt” mang tên là “Năm Thánh Lòng Thương xót”. Năm Thánh này được bắt đầu
qua việc mở Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô vào ngày 08.12.2015, Đại lễ Đức Mẹ
Vô Nhiễm nguyên tội, và kết thúc vào ngày 20-11-2016, Đại lễ Chúa Giêsu Kitô,
Vua Vũ Trụ.
Lòng thương xót là một chủ đề mà Đức
Thánh Cha Phanxicô rất quan tâm. Trong kinh Truyền Tin ngày 11.01.2015, Ngài đã nói: “Ngày nay
chúng ta rất cần đến lòng thương xót. Điều quan trọng là các tín hữu sống lòng thương xót ấy và đem vào các môi
trường xã hội khác nhau. Anh chị em hãy lên đường! Chúng ta đang sống trong thời đại
của lòng thương
xót, đây là thời đại của lòng thương xót”.
Thật
vậy, với việc chạy theo đời sống vật chất, chúng ta đang sống
trong một thời đại đầy tội lỗi và dối trá. Vì vậy,
chúng ta đang cần đến lòng thương xót hơn bao giờ hết bởi vì nếu tội lỗi làm mất
phẩm giá làm con Thiên Chúa thì ơn tha thứ sẽ trả lại cho chúng ta phẩm giá đó.
Từ nguyên thủy, Chúa đã thương xót chúng ta kể từ khi con người bắt đầu phạm tội.
Lòng Chúa thương xót đã được Chúa Giêsu giảng dạy một cách sâu sắc trong dụ
ngôn "Người con hoang đàng" :
Chuyện
kể về một người giàu có kia có hai con trai. Người con thứ đòi chia gia tài và
sau khi đã được của cải người cha chia cho thì bỏ đi
xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí hết tài sản của mình. Khi anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, thì lại xảy
ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Anh ta phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng và sau khi đã trải qua những
cơn đói khổ thì anh ta mới hồi tâm và quyết định quay trở về với cha. Người
cha, chẳng những đã tha hết tội của anh ta mà còn mở tiệc lớn ăn mừng. Người con trai lớn thấy vậy
thì tỏ vẻ ganh tị nhưng người cha nói với anh ta rằng : "Con à, lúc
nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải
vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy."
Là
bậc cha mẹ, chúng ta dễ dàng hiểu được tình thương của người cha trong câu chuyện
kể trên mặc dù chúng ta có thể nghĩ rằng người cha đó quả có bất công với người
con trai lớn. Nhưng ý nghĩa sâu sắc mà Chúa Giêsu muốn truyền đạt cho chúng ta
qua bài dụ ngôn đó là lòng thương xót của Thiên Chúa, vị cha chung của chúng ta
ở trên trời, là vô cùng vô tận : dù tội của chúng ta lớn thế nào, nhưng nếu
chúng ta biết hối cải thì vẫn được ơn tha thứ của Chúa. Và điều quan trọng hơn
là tình thương đó lúc nào Chúa cũng dành sẵn cho chúng ta, chỉ cần chúng ta biết
đón nhận. Hai người con trai trong dụ ngôn trên đã không cảm nhận được tình
thương của người cha đã dành cho họ : người anh đã sinh lòng ganh tị với em
mình và người em đã có ý định xin làm đầy tớ cho cha mình sau khi trở về nhà.
Ngày nay, con chúng ta cũng hay nghĩ rằng "Cha mẹ mình không thương
mình". Chúng vẫn thường than rằng cha mẹ hay la mắng chúng, bắt chúng phải
làm việc này và cấm chúng không được làm chuyện kia. Dù vậy, chúng ta cũng
không nên trách chúng bởi vì chính chúng ta cũng nhiều khi không ý thức được
tình thương của cha chúng ta, là Thiên Chúa, dành cho chúng ta hay nói đúng
hơn, chúng ta ít khi nghĩ đến tình thương đó mặc dù tình thương đó còn cao trọng
hơn tình phụ tử nhiều. Cho dù tình yêu của cha mẹ vẫn thường được ví như núi
Thái Sơn, như biển Thái Bình, nhưng tình yêu đó vẫn không thể sánh với tình yêu
của Thiên Chúa, được hình tượng hóa qua tình thương của người cha trong dụ ngôn
kia. Thật vậy, người cha đó đã tha thứ cho đứa con hư hỏng ngay từ khi ông thấy
nó từ xa trở về mà không cần đợi nó xin lỗi và ông cũng tha thứ cho nó mặc dù
lòng hối cải của nó không được trọn vẹn, vì nghĩ cho cùng thì nó quay trở về với
cha cũng chỉ vì đói mà thôi. Ngày nay, chúng ta vẫn còn có thái độ giống như
người con trong dụ ngôn thời xa xưa kia : chúng ta cũng chỉ quay về với Chúa,
là Cha chúng ta, khi nào chúng ta gặp khốn khổ hay hoạn nạn mà thôi.
Vậy
nhân Ngày Gia Đình hôm nay, đặc biệt trong năm thánh Lòng Chúa Thương Xót,
chúng ta thử tìm ra những biện pháp ngõ hầu giúp cho gia đình chúng ta biết đón
nhận và sống Lòng Chúa Thương Xót một cách thường xuyên và hiệu quả hơn trong bối
cảnh xã hội ngày nay.
I - Bài thuyết trình của cha Antôn Nguyễn Văn
Kiên :
Trước khi nói chuyện
về chủ đề « Gia đình sống lòng thương xót Chúa như thế nào ? » thì
chúng ta hãy tìm hiểu một chút về năm Lòng Thương Xót Chúa.
1)
Giải nghĩa về hình ảnh biểu tượng của năm "Lòng
Thương Xót Chúa" :
* Chúng ta đã hiểu gì
về năm "Lòng Thương Xót Chúa" ? Tại sao khi nói đến lòng thương
xót Chúa ta thường thấy hình ảnh Đức Ki-tô với hai tia sáng màu đỏ và màu
trắng ?
Khi nói tới
"Lòng Thương Xót", chúng
ta nghĩ ngay đến hình ảnh Chúa Giê-su với một trái tim bị đâm thâu, có máu và
nước tuôn trào ra. Bức hình này đã trở nên quen thuộc đối với mỗi người chúng
ta. Chính Đức Ki-tô đã mặc khải cho bà thánh Faustina về lòng thương xót Chúa.
Hình ảnh tượng trưng là hai tia sáng màu đỏ và màu trắng xanh. Đó chính là máu
và nước chảy ra từ cạnh sườn của Đức Ki-tô.
Có một lần đồng hành
với nhóm chầu thánh thể ở Monmartre, thì một người có hỏi em : "Tại
sao người ta không lấy tấm hình mà Chúa mặc khải cho chị thánh Faustina làm
biểu tượng cho năm thánh Lòng Chúa Thương Xót nữa ?" Theo các anh chị
thì tại sao ? Tại sao người ta lại lấy tấm hình một người vác một người
trên vai ? Đâu là ý nghĩa của biểu tượng này ?
Trước tiên, chúng ta
đừng cảm thấy bị sốc khi nhìn vào hình ảnh này, vì hình ảnh này mang một ý
nghĩa rất sâu sắc. Hình ảnh này nhắc chúng ta nhớ đến dụ ngôn "Con chiên
lạc". Chúa đã bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc. Người mục tử
cất công ra đi tìm, và khi tìm thấy rồi thì vác con chiên trên vai với niềm vui
mừng khôn tả. Con chiên lạc ở đây là hình ảnh con người tội lỗi. Thật vậy, Chúa
đến thế gian để tìm kiếm họ.
Hình ảnh này cũng
gợi cho chúng ta nhớ đến dụ ngôn "Người con hoang đàng" như bài dẫn
nhập đã đề cập đến. Chúng ta biết rằng không phải người con mong muốn trước
tiên về với cha, mà là người cha tìm kiếm người con bằng cách gợi mở để người
con thấy được niềm hạnh phúc khi về cùng cha.
Hình ảnh này cũng
nhắc cho chúng ta một câu chuyện khác nữa : Chuyện hai bước chân trên cát, kể
về một người ki-tô hữu tốt lành và được Chúa cho nhìn lại cuộc đời của mình,
được Chúa cho xem sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời của anh ta. Anh ta lúc
nào cũng nhìn thấy bốn vết chân trên đường đời của anh ta, hai vết chân của anh
và hai vết chân của Chúa. Nhưng rồi, một ngày nọ, khi nhìn lại thì anh chỉ thấy
còn có hai vết chân thôi, anh mới trách Chúa là tại sao Chúa lại bỏ anh trong
những lúc khó khăn nhất trong cuộc đời ? "Tại sao trong những lúc tuyệt
vọng đó con chỉ thấy có hai vết chân thôi ?" Chúa mới trả lời
rằng :"Lúc mà con nhìn thấy chỉ còn hai vết chân là lúc Cha đang vác
con trên vai đó." Qua đó, Chúa muốn nói lên rằng Ngài không bỏ chúng ta,
cho dù chúng ta có sa ngã, cho dù chúng ta không còn sức đứng dậy để tiếp tục
đi nữa thì Chúa vẫn luôn bên cạnh và vác chúng ta trên vai.
* Hình ảnh của năm
Lòng Thương Xót năm nay là gì ? Đâu là câu kinh thánh được được minh họa
trong năm thánh này ?
Hình ảnh của năm
Lòng Thương Xót Chúa nói lên ý nghĩa việc Chúa vác con người trên vai. Hình nền
của hình Chúa vác chúng ta trên vai có ba màu khác nhau, nó tạo nên hình của
quả địa cầu. Màu trong cùng là màu đen, sau đó là màu xanh thẳm, và cuối cùng là
màu xanh da trời. Màu đen diễn tả sự tội lỗi, tức là con người bị chìm sâu
trong tội lỗi. Chúng ta thấy Chúa đến nơi mà chúng ta sa ngã, nơi mà chúng ta
phạm tội, nơi mà chúng ta bị bại liệt do tội lỗi để lôi kéo chúng ta lên, để
vác chúng ta lên vai. Chúng ta thấy màu sắc nó thay đổi một cách từ từ, điều đó
nói lên sự kiên nhẫn vô biên của Chúa để đưa con người ra khỏi vương quốc của
tội lỗi. Chúa vác chúng ta lên vai và đi một cách từ từ để con người có thể
thích nghi được với vùng ánh sáng. Đó là một mầu nhiệm mà chúng ta mừng lễ mỗi
năm : mầu nhiệm nhập thể. Chúa đến và trở nên con người như chúng ta, để được
gần gủi với chúng ta hơn, để chúng ta có thể nghe được tiếng Chúa, để rồi Chúa
có thể lôi kéo chúng ta từ miền bóng tối về vùng đầy ánh sáng và hy vọng. Vùng
đầy ánh sáng đó chính là mầu nhiệm Phục Sinh mà chúng ta đang mừng kính lúc này
đây. Một mầu nhiệm mà thánh Irénée (giám mục thành Lyon của thế kỷ thứ III) nói
rằng : "Thiên Chúa làm người để con người có thể trở thành Thiên Chúa
(Dieu devient homme, pour que l’homme puisse devenir Dieu)". Hình ảnh Chúa
vác con người trên vai như thể là một mầu nhiệm vậy. Chúng ta cũng thấy, tuy là
hai con người trong hình nhưng lại chỉ có ba mắt thôi. Dường như khi đến với
chúng ta, Chúa đã cho chúng ta mượn một con mắt đó, Chúa cho chúng ta thông
phần vào thiên tính của Thiên Chúa. Để rồi chúng ta nhìn vào thế giới này, nhìn
vào đời sống của chúng ta, nhìn vào người anh em của chúng ta với một ánh mắt,
một cái nhìn của Thiên Chúa. Chúng ta thấy ở đây chúng ta vẫn còn một ánh mắt,
để chúng ta có thể nhìn mọi sự với cái nhìn của con người. Tính người của chúng
ta không mất đi, nhưng Chúa ban thêm cho chúng ta cái nhìn của Thiên Chúa, đó
chính là ân sủng mà Chúa ban cho chúng ta, đó chính là ân sủng hay hồng ân Chúa
tuôn đổ trên chúng ta, để chúng ta có đủ sức bước đi trên con đường ngay chính,
bước trên con đường mà Chúa mời gọi.
Trên đây chỉ là đôi
lời giải thích về hình ảnh của năm "Lòng Chúa Thương Xót".
« Hãy
có lòng thương xót như Chúa Cha » (Soyez miséricordieux comme votre Père
est miséricordieux - Mt 5,48) là câu kinh thánh minh họa cho năm thánh: Một
trong những điều kiện của sự sống vĩnh cửu.
2)
Giải nghĩa về cụm từ "Lòng Chúa Thương
Xót":
Bây giờ em xin giải
nghĩa một chút về cụm từ "Lòng Chúa Thương Xót". Chúng ta cần hiểu
rằng : lòng thương xót (misericordia) chính là sự rung động con tim trước
những đau khổ của con người. Khi nói đến Thiên Chúa, chúng ta thường có cái
nhìn rất trừu tượng về Người, nhưng nếu ta hiểu Thiên Chúa rất nhân hậu và đầy
lòng thương xót thì chúng ta có thể hiểu ngay được là dường như Thiên Chúa cũng
có một trái tim biết lay động, rung cảm trước những đau khổ của con người. Lòng nhân hậu của Thiên
Chúa gắn liền với sự thánh thiện, sự công bằng và sự trung tín.
3)
Làm sao để chúng ta sống năm Lòng Thương Xót Chúa
trong gia đình chúng ta ?
- Trước khi chia sẻ làm sao chúng ta có thể sống năm
"Lòng Thương Xót Chúa" trong gia đình, chúng ta hãy nhận định xem hình ảnh của gia đình ngày
nay là gì ?
Chúng ta thấy trong
gia đình chúng ta, đặc biệt là những gia đình trẻ sinh sống trên đất Pháp này,
có rất nhiều gia đình có thể nói là đã ổn định gia cư và có một cuộc sống khá
đầy đủ về đời sống vật chất. Tất nhiên để có được điều đó thường thì cả vợ
chồng đều phải đi làm. Mỗi người chúng ta đều cảm nhận là cuộc sống có nhiều
chuyện và có nhiều biến động. Chúng ta hãy quan sát và cảm nhận trong đời sống
của các gia đình hình như sau nhiều năm chung sống, dường như chồng – vợ tự
nhiên thấy xa nhau hơn ? Có phải vậy không? Nếu phải thì tại sao vậy ?
Một hôm có một chị
đến nói chuyện với em và hỏi rằng : "Cha ơi, con muốn ly dị, không
biết giáo hội mình có cho phép không ?"
Đây cũng có thể là
thực trạng chung của phần đông các gia đình trong xã hội ngày nay, nguy cơ dẫn
đến ly hôn rất nhiều. Chúng ta biết rằng nếu đám cưới đã thành sự rồi thì
« sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phép phân ly ».
Nhưng tại sao số nhiều cặp vợ chồng muốn ly hôn lại tăng lên ?
Có thể nói khi ta
yêu nhau thì ta ao ước kết hợp với nhau để trở nên « một xương một
thịt » trong bí tích hôn nhân. Nhưng rồi khi sống chung với nhau, lúc đầu
ta còn để ý chăm sóc nhau. Nhưng thời gian qua đi, chúng ta đang ở cùng nhau
nhưng dường như ta lại đang quên nhau đi.
Chị này kể thêm
rằng : "Anh ấy thường đi làm về muộn, về nhà lăn ra ngủ ngay, chẳng
để ý chuyện gì nữa." Chị ấy phải dậy sớm đi làm, anh ấy dậy muộn hơn và
đưa con đi học … Cảnh vợ chồng chẳng còn cơ hội để gặp và chào nhau nữa. Chúng
ta thử tưởng tượng, lúc đầu khi mới lấy nhau thì một anh hai em, lúc nào cũng
quấn quýt với nhau. Vợ chồng đều chia sẻ với nhau từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn.
Nhưng rồi bây giờ thì sao ? Không còn thời gian để gặp nhau. Những bữa ăn cơm
chung với nhau dần dần thưa đi, và có khi bữa ăn cùng nhau lại trở nên hiếm có,
và việc cầu nguyện cùng nhau dường như cũng chẳng còn. Những ngày đầu chung
sống thì vợ chồng đều để ý đến nhau, chia nhau công việc trong gia đình. Nhưng
rồi dần dần chồng chẳng còn để ý nữa. Chị ấy nói thêm rằng : Cảnh cuối
tuần rất nặng nề vì trong tuần thì phải đi làm, và tất cả những công việc gia
đình dồn lại. Nếu lúc đó chồng còn như ngày đầu thì có thể cùng vợ lo lắng một
chút việc gia đình. Thời gian qua đi, anh ấy quên mất đi những sự trợ giúp vợ
mình. Còn chị ấy thì thấy việc nhà cái gì cũng đến tay mình nên sinh ra so bì.
Mình cũng giống anh ấy, phải đi làm suốt tuần, về nhà còn phải nấu cơm, giặt là
quần áo, đến khi nấu cơm xong rồi thì không thèm ra ăn nữa. Sao mà cuộc đời bất
công vậy ? Không biết có chồng để làm gì vậy ? Từ sự không thông hiểu
đó, cái gì chồng nói chị cũng không đồng ý hoặc nếu đồng ý thì cũng chỉ miễn
cưỡng khó chịu. Những bữa cơm chung giữa vợ chồng với nhau, hoặc giữa vợ chồng
với con cái thưa dần hoặc không còn nữa. Vợ trở nên thường xuyên khó chịu và ra
luật mới : bây giờ cơm nấu sẵn cho cả ngày, ai đói thì tự xuống lấy mà ăn.
Những ngày nghỉ cuối tuần chung, hay những kỳ nghỉ chung biến khỏi lịch cá nhân
của mỗi người. Có lẽ trong những lúc chán nản anh chồng tự hỏi : "Từ
khi nào em trở nên con người khó chịu như vậy ? Ngày mới yêu em, những
ngày chúng ta mới sống cùng nhau em đâu có như vậy ?" Anh ấy có lẽ
không biết là : "Từ khi anh không có lòng thương xót hướng về em, từ khi
anh để em một mình xoay sở với tất cả mọi chuyện mà anh cho là 'chuyện nhỏ'
trong gia đình. Những lúc mà anh để em chỉ một mình mệt mỏi với bao nhiêu
chuyện. Từ đó em dần dần trở thành con người khó chịu. Và tính khó chịu này
không phải có nguồn gốc từ anh sao ?" Những sự cãi vã, đổ lỗi cho
nhau cũng sinh ra từ đó. Rồi dần dần, ngôi nhà chung, tổ ấm gia đình trở nên
nặng nề và nhiều khi trở nên như là hỏa ngục trần gian. Và từ đó, câu hỏi đặt
ra là : "Tại sao chúng ta còn tiếp tục sống với nhau ? Có lẽ
chúng ta nên chia tay để rồi ai muốn làm gì thì làm để khỏi phiền nhau thì tôt
hơn chăng ?"
Qua câu chuyện này
ta cảm nhận được rằng nếu một gia đình mà thiếu tình thương, thiếu lòng thương
xót thì có còn được gọi là gia đình nữa không ?
Vì người nam và
người nữ rời bỏ cha mẹ, người thân của mình để kết hợp với nhau. Để sống đầu
tiên là cho nhau, cho người khác, người mà mình ao ước sống cùng. Đến một lúc
nào đó khi mà cái gì ta cũng nghĩ đầu tiên là cho ta, đó chính là lúc bắt đầu
của sự rạn vỡ trong gia đình. Lúc mà ta đặt cái "tôi" lên trước tiên
mà không phải cái "chúng ta" thì lúc đó chữ gia đình đang mất đi ý
nghĩa căn bản của nó. Vậy đâu là phương thuốc để hàn gắn vết rạn nứt đó ?
Phương thuốc để hàn gắn những vết rạn nứt đó chính là thực thi Lòng Thương Xót
Chúa. Vì sao vậy ? Vì khi nói đến "lòng thương xót" là ta đặt
người khác lên vị trí hàng đầu. Có ai nói tôi có lòng thương xót tôi
không ? Có lòng thương xót là có trái tim rung động trước người khác.
"Lòng thương xót" dịch sang tiếng La-tinh là
"misericordia", có nghĩa là có trái tim rung động trước cảnh khổ hay
khó khăn của người khác, và từ tấm lòng bị xúc động đó mà ta có thể thực hiện
một nghĩa cử tốt đẹp đến từ tình yêu hay từ lòng thương xót.
Chính vì thế cho
nên, trong năm thánh Lòng Thương xót này, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta sống
lòng thương xót Chúa ngay trong đời sống gia đình của mình. Việc đầu tiên là
hãy quan tâm đến nhau, hãy nhìn đến nỗi khổ của nhau, rồi từ đó lấy lòng từ tâm
mà xót thương nhau. Hãy hành động, giúp đỡ nhau. Thế nhưng, điều cản trở ta
thực thi lòng thương xót đó là vì ta đã quên làm việc này từ lâu, từ lâu ta đã
quên nhìn đến nỗi khổ của nhau. Bây giờ làm thì khó lắm, có khi còn sợ bị từ
chối nữa. Chính vì thế, trước khi thực hiện lòng thương xót thì hãy nên chạy
đến với Chúa đã. Đầu tiên là để xin lỗi Chúa vì đã quên thực thi lòng thương
xót, đã vô cảm trước cảnh sống của người khác, đã quên đi lời kêu mời của Chúa.
Điều này rất quan trọng, vì ta cần sự tha thứ của Thiên Chúa để rồi ta mới đủ
sức để tha thứ cho nhau. Xin Chúa tha thứ cho mình để rồi ta có thể tha thứ cho
người khác.
Để sống năm lòng
thương xót Chúa này trong gia đình cho tốt, chúng ta nên tự đặt ra những câu
hỏi như : thế nào là tình yêu hay tình yêu là gì ? thế nào là gia
đình ? Những câu hỏi tuy có vẻ cổ điển nhưng nó giúp chúng ta suy nghĩ và
hiểu sâu sắc hơn về vấn đề căn bản trong đời sống gia đình. Đương nhiên là câu
trả lời của mỗi người chúng ta đều khác nhau và không phải lúc nào cũng dễ
dàng. Nhưng nếu chúng ta cố gắng tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này, thì chính
câu trả lời đó sẽ định hướng những giá trị sống cho gia đình chúng ta.
Vậy câu trả
lời của mỗi người chúng ta là gì ?
Cho dù câu
trả lời của ta là như thế nào đi nữa thì ta cũng nên hiểu rằng trong tình
yêu luôn có sự cho đi và lãnh nhận, có hy sinh đau khổ mới nhận được niềm vui
và hạnh phúc. Do vậy, nói đến đời sống gia đình là nói đến lòng thương yêu và
sự xót thương nhau. Chúng ta biết rằng trong đời sống củ người Ki-tô hữu thì
tình yêu của Chúa Ki-tô là mẫu mực của mọi tình yêu. Một tình yêu vô vị lợi,
một tình yêu cho đi không cần đền đáp, một tình yêu sẵn sàng hy sinh đến chính mạng
sống mình cho người mình yêu. Như thánh Gioan đã nói : "Chúa Ki-tô
như hạt lúa mì bị nghiền nát để làm nên tấm bánh nuôi sống nhân loại. Ngài như
hạt lúa mì vùi xuống đất, mục nát đi để rồi cho mọc lên những cây lúa trĩu hạt
và những vụ mùa bội thu. Trong đời sống gia đình cũng vậy, vợ chồng cũng được
ví như những hạt lúa miến, mỗi người cũng phải chết đi một chút cái
"tôi" của mình để được sống cho cái "chung" của nhau.
- Khi nói đến gia đình, đặc biệt trong năm lòng thương
xót này, thì chúng ta nên nhớ ba từ sau : một là CHUNG, hai là YÊU,
ba là THA THỨ.
* Chung : Khi nói đến gia đình là ta nói đến chữ chung –
chung ở đây là sống chung với nhau. Kinh Thánh nói rằng : Người nam và
người nữ sẽ từ bỏ cha mẹ mình và gắn bó với nhau để cả hai trở nên một xương
một thịt. Thật là tuyệt vời, thật là đẹp biết bao về điều này. Cái chữ Chung,
sống chung, sống cùng nhau là niềm ao ước để xây dựng tổ ấm gia đình. Niềm ao
ước đó có tốt lành không ? Tất nhiên là tốt lành rồi. Nhưng có dễ dàng
không ? Những người có kinh nghiệm thì có thể trả lời chính xác được. Mười
năm sau ngày cưới, câu trả lời của chúng ta là gì ? Sống chung nhau trong đời
sống vợ chồng không chỉ là ngủ chung với nhau, mà còn ăn cơm chung với nhau, đi
chơi cùng nhau, còn chia sẻ với nhau những vui buồn, như trong lời hứa ngày
cưới : « anh (em) hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh) khi thịnh vượng
cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe »… « để
yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em) ». Đó là lời
hứa sống cùng nhau. Là người Kitô hữu có lẽ chúng ta nên hứa thêm một điều nữa
trong ngày cưới đó là cầu nguyện chung với nhau. Thật vậy, thực tế cho thấy
những gia đình mà duy trì được sự cầu nguyện chung với nhau thì dễ giữ được bầu
khí hạnh phúc của gia đình hơn. Vì chính Chúa đã nâng đỡ họ.
* Yêu : Trong ngày hôn ước thì chúng ta có hứa
« yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày ». Có phải ta cứ hứa yêu nhau
là ta yêu được đến trọn đời không ? Chúng ta hãy cảm nhận tình yêu năm đầu
và tình yêu của mười năm sau như thế nào ?
Như Đức
Thánh Cha Phanxicô đã nói : « Tình yêu là thứ chợt xảy đến. Nó là một
thực tại có thể tiến triển. Hôn nhân không thể dựa trên cảm xúc vốn đến rồi đi.
Đúng hơn là phải dựa trên đá tảng của tình yêu đích thực. Tình yêu đến từ Thiên
Chúa. Không phải chỉ cần hôn nhân kéo dài là đủ. Chất lượng của hôn nhân cũng
rất quan trọng ». Chính vì vậy để có tình yêu đích thực thì cả hai vợ
chồng cần phải nuôi dưỡng tình yêu đó mỗi ngày. Chúng ta không được coi thường
điều đó. Đức Thánh Cha cũng nói rằng, cả vợ chồng cần cầu nguyện mỗi ngày. Khi
đọc kinh Lạy Cha, chúng ta nói rằng :
« Xin cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày ». Với
hôn nhân chúng ta có thể xin : « Xin cha cho chúng con tình yêu hằng
ngày ». Chúng ta xin Chúa tình yêu hằng ngày, vì chúng ta thử tưởng tượng
khi chúng ta dùng điện thoại, thì đến một lúc nào đó nó cũng hết pin. Chính vì
thế nên chúng ta cần phải nạp pin. Trong đời sống gia đình cũng vậy, nhiều khi
chúng ta cảm thấy tình yêu của chúng ta cũng nhạt nhòa theo năm tháng. Chúng ta
cần đặt đời sống của chúng ta vào một nguồn tình yêu không bao giờ cạn, đó
chính là tình yêu Thiên Chúa, tình yêu nơi Đức Ki-tô.
Chúng ta biết tình yêu có sức mạnh to lớn trong đời
sống tinh thần của mỗi người, như gần đây, một phát hiện mới nhất của một nhà
khoa học Mỹ đã gây chấn động mọi người : đó là việc các tế bào ung thư rất sợ
tình yêu. Hãy xem tình yêu như một phương thuốc để cải thiện đời sống và chống
lại bệnh tật. Chúng ta biết có bao nhiêu người đau khổ vì
không được yêu. Khi yêu thì năng lượng từ trường cao, nó sẽ làm cho vạn vật trở
nên tốt đẹp, và làm cho mình trở nên đẹp hơn. Yêu là một phương thuốc để làm
đẹp. Nghiên cứu này cho rằng căn nguyên của bệnh tật là do trong cơ thể người
bệnh thiếu tình yêu thương. Bệnh tật bị đẩy lùi một cách vô điều kiện là nhờ
‘yêu và được yêu’.
* Tha thứ : Điều cuối cùng,
rất cần thiết trong đời sống hôn nhân đó chính là sự tha thứ. Chẳng có ai trong
chúng ta là người hoàn hảo. Tất cả chúng ta đều là những tội nhân. Chúng ta cần
sự tôn trọng lẫn nhau và tha thứ cho nhau. Đó chính là ý nghĩa sâu sắc của năm
Lòng Chúa Thương Xót : Hãy tha thứ cho nhau. Lúc ta tha thứ là lúc chúng ta
nhận thấy chính bản thân mình cũng cần được tha thứ. Nếu có những sự bực bội,
những lỗi nho nhỏ trong gia đình thì chúng ta có thể tha thứ được. Nhưng khi có
những lỗi quá lớn đối với nhau thì ta phải làm gì ? Lúc đó hãy chạy đến
với Chúa và hỏi Ngài : "Con phải làm gì để tha thứ ?" Chính lúc
đó Chúa sẽ nói với ta, Chúa sẽ giúp chúng ta có đủ sức mạnh để nhìn lên Chúa và
để có thể nói như Chúa Giê-su trên thập giá : « Lạy Chúa, xin
tha cho họ vì họ không biết việc họ làm ». Chính Chúa sẽ ban cho chúng ta
sự khiêm tốn để nhìn nhận tội lỗi và sức mạnh để tha thứ cho nhau. Hãy tập tha
thứ cho nhau những lỗi lầm của nhau mỗi ngày, như chúng ta thường đọc trong
kinh thú nhận : « Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng
tha cho những kẻ có lỗi với chúng con ».
Mỗi người chúng ta
đều có kinh nghiệm về sự yếu đuối của mình, về những cám dỗ không thể cưỡng lại
được, chẳng hạn như sự tức giận : có những lúc trong gia đình người vợ hay
người chồng vì việc chẳng lành hay chuyện chẳng vui dẫn đến những cơn thịnh nộ
không thể cưỡng lại được ; hay những cơn cám dỗ về tiền bạc của người
khác, những cám dỗ về sự gian dối, hay về xác thịt không chính đáng. Nếu có
những cám dỗ như vậy ập đến, thì chúng ta hãy nhìn vào bức ảnh lòng Chúa Thương
Xót xem. Chúng ta sẽ thấy Chúa đang bồng chúng ta trên vai Ngài, và muốn làm
cho chúng ta trở nên giống Người hơn. Chỉ cần chúng ta quay mặt về Ngài và cầu
xin sự trợ giúp thì Ngài đã có mặt rồi để giúp chúng ta. Nếu chúng ta đã có
những kinh nghiệm về sự yếu đuối của mình thì chúng ta cũng nên nhớ rằng Chúa
luôn ở gần bên và giúp chúng ta chiến thắng những cảm dỗ trong đời sống của mỗi
người chúng ta, qua những kinh nghiệp về sự yếu đuối của mình để nhận ra mình
cần được thứ tha, và qua đó mình cũng cần tha thứ cho người khác.
Để kết thúc bài chia
sẻ này, em xin dẫn ý của Đức Thánh Cha Phanxicô khi Ngài nói rằng : « Hôn
nhân là công việc hằng ngày của cả một đời. Nó giống như công việc của một thợ
kim hoàn vì người chồng giúp người vợ sống tốt hơn, và ngược lại, người vợ cũng
làm cho người chồng trưởng thành hơn, để cùng nhau thăng tiến trong bản tính
con người, như người nam và người nữ. Hôn nhân là sự cam kết của cả đời người,
nhưng đừng vì thế mà sợ hãi, đó là điều mà họ cần phải xây dựng ngày qua ngày.
Khi ta lấy
nhau thì ta mới bắt đầu đời sống hôn nhân thôi, đường con dài, niềm vui chỉ mới
bắt đầu, tất nhiên khó khăn thử thách đang chờ đón. Nhưng trên hết mọi sự, để
có hạnh phúc gia đình, nhất là làm sao để sống năm Lòng Thương Xót Chúa cho có
ý nghĩa thì ta chỉ nhớ sống một điều : Trong gia đình hãy cố gắng nghĩ
đến người khác trước tiên. Nếu trong gia đình, mỗi người lúc nào cũng cho
mình là number one, chỉ cho mình là số một thì liệu có còn gia đình nữa
không ? Tại sao ta thấy trong xã hội chúng ta quá nhiều gia đình tan vỡ,
sự ly hôn có quá nhiều ? Tại vì chủ nghĩa cá nhân đang thống trị trong xã
hội của chúng ta, nó làm cho chúng ta lúc nào cũng nghĩ đến mình đầu tiên, vì
vậy khi có cuộc sống chung, cuộc sống gia đình thì nguy cơ tan vỡ lại rất cao.
Chính vì thế, trong năm lòng thương xót này, hãy tập nghĩ đến người khác, hãy
tập cho người khác chiếm vị trí number one, vị trí số một trong suy nghĩ của
chúng ta thì chúng ta đã chẳng phải đang sống lòng thương xót hay sao ?
Và một điều
nữa chúng ta nên nhớ trong đời sống gia đình là việc giáo dục con cái. Chúng ta
có thể có những người con với những cá tính khác nhau, về tình trạng sức khỏe,
về trí tuệ...Nhưng trong mọi sự đừng bắt đầu bằng sự kêu ca than vãn, nhưng
bằng sự kiên nhẫn và thông hiểu. Nếu con cái mình thông minh, thành công trong
học tập thì điều đó rất tốt, nếu nó chưa làm tốt được thì phải đào tạo cách từ
từ. Ta nên nhớ một điều quan trọng trong vấn đề giáo dục là giáo dục lòng
tốt nơi con cái, là đào tạo những đứa trẻ có lòng tốt. Dạy cho con mình
biết nghĩ đến người khác là dạy cho chúng có lòng nhân hậu. Chúng ta hãy bỏ cách làm cho con mình tự nghĩ nó là trung tâm của
vũ trụ, là trung tâm của mọi thứ. Đó là cách giáo dục sai lầm hiện nay. Vì như
vậy ta đang giáo dục nó thành những con người của chủ nghĩa ích kỷ, mà quên
giáo dục con cái về sự biết quan tâm đến người khác, quên giáo dục lòng thương
xót, nhân hậu cho con cái.
Đó là một
vài điều chia sẻ với anh chị em làm sao để sống năm Lòng Thương Xót Chúa trong
đời sống gia đình ?
Trong tông huấn mới của Đức Thánh Cha Phanxicô "Amoris
laetitia" (Niềm vui của tình yêu), Ngài đã đề cập đến « một nền văn hóa tạm thời » của
xã hội ngày nay (une culture provisoire). Ta hãy tưởng tượng, trước đây một cái
máy nó chạy không tốt hoặc bị hỏng hóc thì ta tìm cách để sửa chữa nó. Còn bây
giờ, nó hỏng thì người ta không sửa nữa, người ta dễ dàng ném nó vào thùng rác
(tout est jetable). Tất cả đều có thể bỏ đi được. Gia đình bây giờ cũng vậy, nó
cũng dễ bị bỏ đi theo kiểu văn hóa hiện đại ngày nay. Hãy xây dựng gia đình
chúng ta trên đá tảng, chứ không phải trên cát, trên văn hóa tạm thời ngày nay.
Đá tảng đó chính là Đức Ki-tô, là niềm tin và tình yêu Chúa sẽ thánh hóa gia
đình chúng ta. Chúng ta hiểu rằng, gia đình là giáo hội thu nhỏ, gia đình là
hiền thê của Đức Ki-tô, nên gia đình chúng cha chỉ có thể vững chắc khi chúng
ta lấy Đức Ki-tô làm đá tảng xây dựng gia đình Ki-tô giáo. Ngài đã sống và hy
sinh cho hiền thê của mình, đó là mẫu mực sống cho gia đình chúng ta; vì
« không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình cho
người mình yêu » (Ga 15,13). Chúng ta cần hiểu rằng, gia đình là
nơi mà cha mẹ là những vị thầy đức tin đầu tiên của con cái mình. Hãy giáo dục
đức tin cho con cái và cùng nhau sống đức tin đó trong sinh hoạt hằng ngày là
lời mời gọi cho mỗi gia đình Kitô hữu. Hãy xây dựng gia đình thành một cộng
đoàn của sự sống, của tình yêu và của sự che chở. Hãy để Chúa ở lại trong gia
đình chúng ta « Vì Thiên Chúa là tình yêu » (1Ga 4,8), và ở đâu có
tình yêu là ở đó có Đức Chúa Trời. Nếu thật sự chúng ta để Chúa hiện diện trong
gia đình mình thì chắc chắn ở đó sẽ có sự tha thứ, ở đó sẽ có sự đồng cảm với
nhau, sự xót thương lẫn nhau, và niềm vui cũng như sự an hòa sẽ ngự trị trong
gia đình chúng ta.
- Một bí quyết để giữ
hạnh phúc thật trong đời sống gia đình của người Kitô hữu là hãy biết ca
ngợi Chúa và chúc lành cho mọi người :
Nếu mỗi ngày chúng
ta đều có tâm tình cầu nguyện như lời kinh sau thì thật là hạnh phúc cho mỗi
người chúng ta và cho thế giới hôm nay :
Lạy Chúa, hãy chúc
lành cho con ngày hôm nay.
Hãy chúc lành tất cả
gia đình của con.
Hãy chúc lành cho
những người hàng xóm và đồng nghiệp của con.
Hãy chúc lành cho
thành phố và đất nước con đang sống.
Hãy chúc lành cho
mỗi đất nước trong quả địa cầu này.
Hãy gìn giữ con khỏi
mọi hình thức của sự giữ.
Hãy giữ gìn con khỏi
mọi bệnh tật và sự bất công.
Ban cho con hôm nay được bình an.
Ban cho con hôm nay sức mạnh của Ngài.
Lạy chúa, xin hãy tuôn đổ tràn đầy tình yêu Chúa trên con.
Xin tuôn đổ trên con niềm vui của Ngài.
Xin ban cho con sự khôn ngoan trong những việc con làm.
Cho con những ảnh hưởng tốt và sự thành công trong những con việc con
làm.
Hãy giúp con yêu mến mọi người trong ngày hôm nay.
Hãy giúp con chúc lành cho kẻ thù của con.
Xin cho trên thế giới này không còn chiến tranh.
Xin cho sự công chính và long nhân của Ngài vượt lên trên tất cả.
Xin cho tất cả những kể độc tài mất đi quyền lực.
Xin cho kẻ nghèo đói có bánh ăn.
Xin ban cho những kẻ mồ côi có được cha mẹ.
Xin Ngài hay bao bọc những người góa phụ,những người cô thân sự dịu hiền
của Ngài.
Xin hãy làm mạnh sức những người mỏi mệt và chữa lành những người yếu
đau.
Hãy giúp con là một phép lạ cho thế giới hôm nay.
Và con tin rằng Chúa đã lắng nghe tiếng con.
II- Thảo luận :
Sau phần thuyết
trình sống động và súc tích của cha Kiên, mọi người cảm thấy phấn khởi vì thông
hiểu được nhiều về ý nghĩa của năm thánh cũng như về và vai trò và trách nhiệm
của gia đình, do đó ai nấy đều lần lượt mạnh dạn phát biểu và trao đổi ý kiến
thật sôi nổi, hào hứng. Chị thư ký Thùy Loan ghi lại một vài chứng từ tiêu biểu
sau :
- Mỗi gia đình có mỗi hoàn cảnh khác
nhau, không ai giống ai, như trường hợp chồng chị A là người Pháp, chống
đạo và luôn gây khó khăn cho chị trong việc giữ đạo của chị, còn con chị
thì lại yếu đức tin do ảnh hưởng bởi cha mẹ không đồng nhất về vấn đề giáo
dục tôn giáo. Để vượt qua những thử thách đó, chị cầu nguyện thật nhiều
cho chồng con mình và luôn sẵn sàng tạo điều kiện để cả gia đình cùng đến
với Chúa (dẫn con đi lễ Chúa Nhật, đưa chồng đến những nơi sinh hoạt công
giáo...). Nhờ vào cộng đoàn mà chị được học hỏi rất nhiều ở mọi người,
biết dấn thân phục vụ người anh em và luôn cố gắng thực thi Lời Chúa trong
đời sống hằng ngày. Chị luôn cảm tạ Chúa đã cho chị có một đức tin vững
chắc. Trong năm thánh này, chị xin Chúa giúp sức để gia đình chị được ơn
hiểu biết Chúa hầu sống đẹp lòng Chúa hơn.
- Chị B lấy chồng không đạo. Anh không
chống và cũng không theo mặc dầu tất cả bốn người con trai đều được chị
xin cho Rửa Tội và nhận đầy đủ các bí tích. Chị rất hãnh diện vì các con
ngoan và giữ đạo, có đứa còn là huynh trưởng trong đoàn Thiếu Nhi Thánh
Thể của Giáo Xứ Việt Nam Paris; nhưng lại buồn vì chồng thường lơ là việc
nhà, ít khi phụ giúp hay lo cho chị, con cái cũng có sinh hoạt riêng nên
gia đình hiếm có dịp đi chơi chung với nhau. Qua hy sinh, kiên nhẫn và tha
thứ, chị cảm thấy vui nhiều hơn buồn
và cảm tạ Chúa đã cho chị nhận ra bài học quý giá về đức tin vì có
hạnh phúc nào tự nó đến cách nhân không đâu ?
III- Kết thúc :
Buổi thảo luận tuy
còn hào hứng nhưng đã đến giờ chia tay. Mọi người luyến tiếc ra về sau khi đọc
kinh bế mạc và chụp chung tấm hình lưu niệm.
Cảm ơn cha Kiên đã
giúp cho chúng ta thêm hiểu biết về ý nghĩa của năm thánh Lòng Thương Xót Chúa
để từ đó ứng dụng cách thực tiển vào đời sống cá nhân của mỗi người cũng như
của mỗi gia đình.
Cảm ơn sự hiện diện
và những góp ý, chia sẻ của từng người hầu thông phần vào việc xây dựng và ủng
hộ những sinh hoạt mục vụ của nhóm Gia Đình Trẻ cách riêng và của Giáo Xứ Việt
Nam Paris cách chung.
Cảm tạ Chúa đã cho
chúng con có những giây phút gặp gỡ quý báu này.
Paris, 10.04.2016
Giang
Minh Đức
Bài viết khác
Lịch Trình Khoá Giáo Lý Hôn Nhân tại Giáo Xứ
Tiếng vọng … từ Thư viện Giáo xứ - Lê Quang Đại
Thư mời Ngày Tĩnh Tâm 07-09-2024 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Hình : Rước Kiệu và Thánh Lễ Mừng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Hai Ngày Gặp Gỡ của Nhóm Gia Đình Louis-Zélie 6-7/07/2024
Hình : Hai ngày Kermesse 19-20/05/2024 của Giáo Xứ
Kết Quả xổ số Tombola ngày Thân Hữu Giáo xứ 19/05/2024
Hình : Những đóa hoa dâng Mẹ trong tháng Năm - Giáo Xứ VN Paris
Vidéo : Những đóa hoa dâng Mẹ trong tháng Năm - Giáo Xứ VN Paris
Vidéo : Diễn Nguyện 14 Đàng Thánh Giá Và Thánh Lễ Lá - Chúa Nhật 24/03/2024 - Huy Quyên
Hình : Thánh Lễ Lá tại Giáo Xứ - Chúa nhật 24/03/2024 - Ngọc Huy
Vidéo : Hai bài Chia Sẻ Tĩnh Tâm Mùa Chay 2024 với Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải - Chúa nhật 10/03/2024
Hình : Ngày Giáo Xứ Tĩnh Tâm Mùa Chay 2024 - Chúa nhật 10/03/2024
Tết Cao Niên Cảm Tạ - Một Người Tham Dự
Vidéo & Hình : Tiệc Tết Cao Niên Giáp Thìn - Giáo Xứ Việt Nam Paris - 03/03/2024
Lịch trình Giáo Lý Hôn Nhân Năm 2024 - Ban Mục Vụ Hôn Nhân
Hình : Tiệc Tết Giáp Thìn Giáo Xứ Việt Nam Paris - 28/01/2024