Giang Minh Đức
Trong khuôn khổ của hai ngày Hội Chợrnthân hữu (Kermesse), thứ bảy 23.05.2015 giáp Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, 30 tham dự viên của 11 ca đoàn cùng các tân ca trưởng khóa IV đã đáp lời mời gọi của Linh mục Quản Nhiệm Mai Đức Vinh và Ban Thường Vụ / Hội Đồng Muc Vụ (qua anh Ủy Viên Phụng Vụ Thánh Ca Nguyễn Xuân Chương) cùng tựu về Giáo Xứ Việt Nam Paris tham dự ngày họp mặt truyền thống hàng năm này nhằm mục đích liên kết tình thân hữu giữa các ca đoàn với nhau và trao đổi kinh nghiệm hoặc đào sâu thêm về phần Phụng Vụ Thánh Nhạc.
Ngày gặp gỡ các ca đoàn lần thứ VIII
Thứ bảy 23.05.2015
10g00: Tiếp đón & làm quen
10g30: Chầu Mình Thánh
11g00: Nói chuyện về đề tài " Vai trò của ca đoàn trong một xứ đạo hay cộng đoàn - Dựa theo tài liệu của Công Đồng 12g30: Dùng cơm chung
14g00: Chia sẻ & góp ý về hiện tình (ước nguyện, nhân lực, dư luận, kinh nghiệm …) của mỗi ca đoàn
15g30: Đúc kết và bế mạc
Xin
click vào đây để xem hình lưu niệm:
Hinh Lưu Niệm ngày Gặp Gỡ Các Ca Đoàn Giáo Xứ
A/ Nói chuyện về đề tài " Vai trò của ca đoàn trong một xứ đạo hay cộng đoàn " dựa theo tài liệu của Công Đồng Vatican II do Đức Ông Vinh hướng dẫn
Trong buổi nói chuyện, hai điểm chính đã được khai thác dựa vào "Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh" (Constitutio de Sacra Liturgia) trích từ chương VI của Công Đồng Vatican II, ban hành năm 1963 và "Huấn Thị về Thánh Nhạc" (Instructio de Musica in Sacra Liturgia) của Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, ban hành năm 1967:
1.Các thành phần tham dự hát trong nghi lễ phụng vụ: Gồm có linh mục chủ tế, các thừa tác viên có chức thánh, người hầu lễ, người đọc sách thánh, người dẫn lễ, các thành viên trong ca đoàn và các tín hữu. Mỗi thành phần cần chu toàn trách nhiệm và bổn phận phụng vụ của mình cách trọn vẹn, ý thức và tích cực (CSL,28,29,30). Khi chọn bài hát, trước hết, cần lưu ý đến những phần linh mục chủ sự hay thừa tác viên hát và giáo dân thưa đáp, thứ đến là những bài do linh mục và giáo dân cùng hát, sau đó mới thêm những bài dành riêng cho giáo dân, hoặc dành riêng cho ca đoàn (IMSL,I,7).
Phần hát của linh mục chủ tế: Linh mục là người chủ tọa nghi lễ phụng vụ và cũng là người đại diện Chúa Kitô và Giáo Hội vì thánh chức lãnh nhận (CSL,33). Vì thế, có những phần hát chỉ dành cho linh mục (Kinh nguyện Thánh Thể chẳng hạn). Nếu không chọn được người hát, và nếu linh mục hay thừa tác viên không thể hát đúng, thì vị đó có thể đọc mà không hát những bài hát phải hát, nếu bài ấy khó quá, nhưng phải đọc lớn tiếng và rõ ràng. Nhưng linh mục hay thừa tác viên không được làm như thế, chỉ vì muốn tiện cho mình (IMSL,I,8).
Phần hát của giáo dân: Cần được triển khai theo thứ tự sau đây để tạo sự phấn khởi và sốt sắng của toàn thể giáo dân trong khi tham dự việc cử hành nghi lễ phụng vụ qua lời ca tiếng hát (IMSL,I,16) :
a/ Việc tham gia này trước hết bằng những lời tung hô, những câu đáp lại lời chào của linh mục hay thừa tác viên hoặc đáp lại lời kinh dưới hình thức đối đáp, ngoài ra lại có những câu đối ca và những thánh vịnh, cũng như những câu xướng xen kẻ, hoặc những điệp ca, những thánh thi và thánh ca.
b/ Nhờ một nền giáo huấn thích hợp và những buổi thực tập, dần dần sẽ đưa giáo dân đến chỗ hát những bài dành cho họ, cho đến khi họ tham dự hoàn toàn.
c/ Tuy nhiên, nếu giáo dân chưa được tập luyện đủ, và nếu dùng những bài hát nhiều bè,thì có thể giao một số bài hát của cộng đồng cho nguyên ca đoàn thôi, miễn là không loại họ ra, không cho hát những phần dành cho họ. Nhưng không được chấp nhận thói quen giao hết cho một mình ca đoàn hát phần riêng và phần thường lễ, mà loại hẳn không cho cộng đoàn hát.
Phần hát của ca đoàn: Ca đoàn có bổn phận phải hát đúng những phần dành riêng cho mình tùy theo các loại bài hát, và giúp tín hữu tham gia tích cực vào việc ca hát (IMSL,I,16).
2.Nhiệm vụ và vị trí của ca đoàn: Theo giải thích của Cha Giao Kim trong báo "Thời điểm Thần Học" thì ca đoàn được định nghĩa qua những điểm như sau:
2.1: Những dạng thức ca đoàn: Các ca đoàn được hình thành hoặc đào tạo tùy vào tầm cở và nhu cầu mục vụ của một xứ đạo hay một cộng đoàn.
Nhóm ca: Tụ chừng vài ca viên chuyên lo giúp phụng vụ trong các họ đạo nhỏ (vùng đồng quê Pháp).
Ca đoàn: Đông ca viên hơn nhóm ca, sinh hoạt thường xuyên trong một cộng đoàn lớn.
Ca đoàn hợp tuyển: Gồm những ca viên ưu tú, chuyên đảm trách những phần hát phụng vụ đặc biệt.
Ca đoàn tổng hợp hay đại ca đoàn: Từ những thành viên của nhiều ca đoàn hợp lại, chuyên hát vào những dịp lễ lớn.
2.2: Nhiệm vụ của ca đoàn và ca viên: Giúp cho việc cử hành nghi lễ phụng vụ được tốt đẹp hơn bằng lời ca tiếng hát với sự tham gia linh động và tích cực của các tín hữu; đề cao thánh ca bình dân; phát huy thánh ca dân tộc; lưu ý đến việc sử dụng các nhạc khí phải theo chỉ thị của Giám Mục địa phương; khiêm nhường phục vụ trong tinh thần tự nguyện; trau dồi tác phong đạo đức; chuyên cần bồi bổ kiến thức về lãnh vực âm nhạc cũng như về lãnh vực phụng vụ...để từ đó có thể giúp cho chính mình và cho cộng đoàn giáo dân được thăng tiến trong Đức Tin.
2.3: Vị trí của ca đoàn: Có thể nói sinh hoạt của ca đoàn là một trong những sinh hoạt nồng cốt của cộng đoàn qua sự liên kết, nhất là qua những nhiệm vụ nêu trên và vì tầm quan trọng cũng như vai trò của ca đoàn trong một xứ đạo hay một cộng đoàn, đặc biệt trong việc cử hành phụng vụ. Do đó ca đoàn phải :
Tham gia vào mọi sinh hoạt chung của cộng đoàn (chứ không chỉ giới hạn ở hoạt động phụng vụ).
Phối hợp sinh hoạt với các ca đoàn khác để liên kết nhau trong tinh thần hiệp nhất phụng vụ.
Liên hệ mật thiết với Ủy viên Phụng Vụ & Thánh ca trong Hội Đồng Mục Vụ để nắm bắt hay cập nhật những tin tức mục vụ cần thiết hoặc trao đổi ý kiến về những vấn đề liên quan đến phụng vụ.
B/ Chia sẻ và góp ý về hiện tình (ước nguyện, nhân lực, dư luận, kinh nghiệm …) của mỗi ca đoàn
Xong phần trình bày mạch lạc và súc tích của Đức Ông Vinh là phần chia sẻ vừa hào hứng vừa linh động của đa số các tham dự viên. Những ý chính được tóm kết như sau:
Ưu tư hàng đầu của các ca đoàn vẫn là số thành viên sinh hoạt đều đặn không được nhiều, trung bình chỉ từ 5 đến 10, vào những lễ lớn thì đếm được 15 hoặc 20. Ca đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể đông nhất, có khoảng 40 em nhưng đa số các em còn yếu về trình độ tiếng Việt nên việc đào tạo các em trở thành những ca trưởng tương lai còn gặp nhiều trở ngại cần giải quyết.
Về việc chọn bài hát và bộ lễ, đề nghị các ca trưởng nên liên hệ và trao đổi trước với linh mục chủ tế.
Đề nghị mỗi tháng, các ca đoàn nên thống nhất tập hát chung một bộ lễ: Thuận tiện cho việc phổ biến những bộ lễ mới (hoặc ít được phổ biến) và in phát cho giáo dân tham dự.
Tôn trọng những phần hát hay đọc dành riêng cho linh mục như "Kinh tưởng niệm" (Phần Truyền Phép).v.v...
Nên tập và phổ biến những bài hát hoặc bộ lễ mới (đặc biệt là những bộ lễ ưu tiên và được phép đối với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam) cho cộng đoàn để tạo luồn khí mới trong phần nghi lễ phụng vụ nhưng điều quan trọng là làm sao tạo sự lôi cuốn cho mọi người yêu thích và phấn khởi tham dự Thánh Lễ cách sốt sắng, từ đó có thể đi đến việc khuyến khích giáo dân gia nhập vào các ca đoàn tùy môi trường, sở thích và điều kiện của họ cách dễ dàng hơn. Do vậy, các ca trưởng cần phải, ngoài những hiểu biết về kỹ thuật âm nhạc, nắm vững các vấn đề liên quan đến phụng vụ và liên hệ mật thiết với linh mục chủ tế để chuẩn bị tốt phần này.
Đề nghị mở khóa đào tạo và khóa nâng cấp cho các ca trưởng để giúp các ca đoàn thăng tiến và phục vụ cộng đoàn cách hữu hiệu và đúng mực. Giáo Xứ sẵn sàng yểm trợ việc này với Tuyên Úy Đoàn.
Buổi chia sẻ tuy rất hứng thú, ai nấy đều hăng say bàn luận sôi nổi nhưng đã đến giờ bế mạc. Đức Ông mời mọi người tạm ngưng và kết thúc bằng Kinh Sáng Danh. Sau đó, tất cả cùng xuống tham quan các gian hàng hội chợ được trưng bày khắp hội trường trước khi chia tay, hẹn tái ngộ ngày mai trong chương trình văn nghệ đặc sắc với sự tham gia của các địa điểm và đơn vị mục vụ, trong đó có một số ca đoàn hiện diện hôm nay, và đặc biệt là cộng đoàn sẽ được làm quen với Thầy Phó Tế Nhạc Sĩ Vũ Thành An, đến từ Hoa Kỳ, nhân chuyến đi mục vụ Âu Châu lần này. Thầy ghé Pháp và đến Giáo Xứ Việt Nam Paris với một tâm tình ưu ái đặc biệt...
Riêng các anh chị tân ca trưởng khóa IV thì ở lại thêm để tập hát cho chương trình văn nghệ Kermesse ngày mai.
Giang Minh Đức
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang