NGÀY
XUÂN ĐOÀN TỤ
Bạn thân mến !
Năm 2022 khép lại bằng một biến cố lớn
trong lịch sử của Giáo Hội đó là Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêdictô XVI kết thúc
hành trình dương gian để trở về nhà Cha. Ngài đã khép lại bao kỷ niệm vui buồn,
thành công hay thất bại, vui mừng hay gian nan của 95 năm hành trình làm con
Chúa. Bạn và Tôi cùng tạ ơn Thiên Chúa đã cho chúng ta được hiện diện trên
dương gian này, được sống và được làm con cái Thiên Chúa, được làm chủ tất cả
trên mặt đất này : đó là hồng ân lớn lao nhất mà Thiên Chúa đã ân ban cho Bạn
và Tôi : “Thiên Chúa phán: Ta sẽ làm ra
con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ
cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống bò dưới đất”
(St 1,26).
Đón chào năm mới dương lịch. Ngày đầu
năm, Giáo Hội khai mở năm mới bằng ngày Lễ Mẹ Maria là Thiên Chúa, vì Mẹ đã cưu
mạng và sinh hạ Chúa Giêsu, một Thiên Chúa xuống thế làm người và ở cùng chúng
ta: “Này đây trinh nữ sẽ thụ thai và sinh
hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở
cùng chúng ta.” (Mt 1,23). Ngày đầu năm mới, Giáo Hội lại nhắn nhủ mỗi người
chúng ta một sứ mạng gieo tình yêu cho người với người: đó là ngày cầu nguyện
cho Hoà Bình thế giới. Khi Thiên Chúa tạo dựng con người, Ngài cho Bạn Tôi được
quyền sống hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc ấy không trọn vẹn, bởi vì lòng Bạn và Tôi
kiêu căng và xa lìa hạnh phúc mà Thiên Chúa đã trao ban. Thế nhưng Thiên Chúa
không bao giờ lìa xa Bạn và Tôi, Ngài chọn cách sống cùng Bạn và tôi. Bởi thế
Thiên Chúa đã ban tặng thêm cho dân tộc Việt Nam chúng ta một mùa Xuân mới mà
chúng ta quen gọi là Tết Nguyên Đán, Tết của người Việt.
Bạn thân mến ! Thiên Chúa cho Bạn và
Tôi được sinh ra làm người Việt Nam, một dân tộc với những truyền thống tốt
đẹp, truyền thống đón Tết Nguyên Đán hay Tết cổ truyền của người Việt Nam, chắc
hẳn Bạn và Tôi chưa bao giờ quên truyền thống này và cho dù ở đâu hay đang làm
gì, Bạn và Tôi luôn hướng về truyền thống ấy.
Ngày Tết nhắc nhở chúng ta về sự sum
họp gia đình. Chính Chúa Giêsu cũng rất coi trọng gia đình, Ngài sống trong tư
cách của một người con ngoan, biết vâng lời theo sự giáo dục của Mẹ Maria và
Thánh Cả Giuse : “Sau đó Người đi xuống
cùng với Cha Mẹ, trở về Nazareth và hằng vâng phục các ngài, riêng mẹ Người thì
hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.” (Lc 2,51).
Bao đời nay, dân tộc Việt Nam coi trọng
truyền thống gia đình, coi gia đình là mái ấm, là nơi nuôi dưỡng chúng ta từ
khi mới chào đời cho đến khi chúng ta rời xa nơi mái ấm có cha mẹ và anh chị em
ruột thịt, để tạo cho riêng mình một gia đình mới, một cuộc sống mới, một cộng đoàn mới.
Nhưng cho dù đi đâu, làm gì hay ở quốc gia nào thì Bạn và Tôi vẫn là người của dân
tộc Việt Nam, mang trong mình giòng máu
thờ cha kính mẹ, truyền thống được ông cha chúng ta đã tạo dựng một nền nếp gia
phong như con cháu có hiếu với ông bà, cha mẹ, vợ chồng thủy chung với nhau,
anh em đoàn kết thuận hòa, biết kính trên nhường dưới, nghĩa tình, yêu thương
và đùm bọc lẫn nhau... Ðó là tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc Việt
Nam. Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại có nhiều phát triển và chúng ta có
những thích nghi mới, những văn hoá mới, gia đình Việt cũng có những đổi thay, nhưng
nền nếp gia phong vẫn là cơ sở để gia đình Việt Nam phát triển.
Có lẽ đã từ lâu Bạn và Tôi không có cơ
hội đón Tết cùng gia đình, cùng người thân, nhưng trong lòng Bạn và Tôi việc
đón Tết cổ truyền đã trở thành ngày hội đặc biệt trong gia đình, dòng họ. Công
việc chuẩn bị cho ngày Tết thể hiện qua hình ảnh dọn dẹp nhà cửa, quây quần bên
nồi bếp nấu bánh chưng, ôn lại kỷ niệm xưa… Hình ảnh những chợ hoa, chợ Tết tấp
nập người mua sắm, trẻ em có quần áo mới, những ông đồ bày mực sẵn cho việc xin
chữ, gia đình đoàn tụ, sum họp bên nhau những ngày Tết... Chính những điều đó
đã làm nên giá trị truyền thống trong văn hóa của người Việt, đưa mọi người lại
gần nhau hơn, làm đậm hơn tình cảm gia đình.
Ngày Tết là ngày của sự đoàn tụ, là
ngày để mọi người trở về với gia đình của mình. Từ rất xa xưa, người Việt chúng
ta đã biết đi chúc tuổi ông bà, chúc tuổi cha mẹ của mình, thăm viếng nhau
trong ngày đầu năm. Việc làm này đã tác động sâu sắc vào tâm thức của những
người con đất Việt, nhắc nhở mọi người nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của
ông bà, cha mẹ, làm cho lòng hiếu thảo trong mỗi người con được tiếp thêm sức
mạnh, được nuôi lớn không ngừng.
Với người Việt, xưa nay, bữa cơm chính
là khoảnh khắc sum họp, là nơi thể hiện sự tôn trọng, yêu thương, chăm sóc của
mỗi thành viên trong gia đình. Con trẻ thể hiện sự kính trọng với ông bà, cha
mẹ qua từng cử chỉ ăn uống. Bữa cơm sum họp ngày Tết càng trở nên đặc biệt, bởi
nó không chỉ đơn giản là cung cấp những món ăn có chất lượng cuộc sống mà còn
giáo dục lối sống lành mạnh cho con cái. Bữa cơm ngày Tết được xem như là linh
hồn của sự đoàn kết, yêu thương nuôi dưỡng tâm hồn con người, tạo nên tình cảm
thắm thiết giữa các thế hệ trong gia đình. Đó cũng là những khoảng khắc sum vầy
trọn vẹn ý nghĩa nhất. Bữa cơm gia đình ngày Tết trở thành kỷ niệm mà mỗi người
luôn mang theo, trở thành hành trang trong lao động, học tập cho Bạn và Tôi.
Năm mới thêm tuổi mới, cũng là dịp để
con cháu thăm viếng và chúc tuổi ông bà, cha mẹ. Một tập tục luôn được coi là
nét đẹp truyền thống trong cách ứng xử của người Việt vào dịp Tết cổ truyền là
“Mùng Một Tết Cha, mùng Hai Tết Mẹ, mùng Ba Tết Thầy”. Đây là việc biểu hiện lòng kính trọng, biết ơn đối
với cha mẹ đã có công sinh thành, với thầy giáo có công dưỡng dục. Biểu hiện ấy
không chỉ là nét đẹp văn hóa dạy con người lòng biết ơn, sống có trước có sau
mà còn thể hiện một xã hội có nền nếp, tôn ti trên dưới.
Bạn thân mến!
Chúng ta đón nhận biến cố ngày trở về
đoàn tụ trong nhà Cha của Đức Hoàng Bênêdictô XVI như nhắc nhớ chúng ta: ngày
xuân là ngày đoàn tụ, ngày mà đại gia đình quây quần bên nhà, nhưng người công
giáo chúng ta còn có một ngày xuân đoàn tụ đó là ngày chúng ta trở về đoàn tụ
cùng nhau trên thiên đàng, ai ai rồi cũng phải trở về nơi mình đã sinh ra.
Ước mong sao dù ở đâu, làm gì, Bạn và
Tôi luôn giữ gìn những truyền thống tốt đep của người Việt!
Ước mong sao Bạn và Tôi luôn chuẩn bị
cho mình ngày đoàn tụ mùa xuân trên Nước Trời thật sẵn sàng!
Anê Thùy Dung
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang
Chuyện Mèo Năm Mão - Trầm Thiên Thu
CHRISTUS VIVIT : Tông Huấn của Tòa Thánh gửi các Bạn Trẻ - Lê Đình Thông