T |
rời đang vào thu. Cảnh Thu thật quyến rũ với lá vàng
sào soạt rơi, với tiết khí se se lạnh, mây trôi lờ lững, khí trời ảm đạm âm u
đượm chút gì quyến rũ, mong manh và đặc biệt mùa Thu là mùa của hoa Cúc, nở rộ trong
thiên nhiên và được bầy bán trên khắp các cửa hàng hoa .
Hoa Cúc thuộc
họ Astéacéae bao gồm khoảng 1500 nhóm, chia ra nhiều chi, nhiều nhánh, gom tới 23000
loại, dễ trồng, nở chậm trong năm vào mùa thu, nhưng sống dai, chịu đựng được
giá lạnh.
Tên họ
Astéacéae được lấy từ chữ Aster có
nghĩa là hình dáng ngôi sao năm cánh. Trong Thảo Vật Học, họ Astéacéae, tùy cách
xếp đặt của các cánh hoa chụm vào đài hoa hoặc xếp theo tính cách thực dụng của
từng loại, dùng để trang trí, làm thức ăn, chứa tinh dầu hay hương liệu.
Loại
Chrysanthemum, nôm na ta gọi là hoa Cúc, thường thấy bầy bán nhiều nhất. Tên Chrysanthemum
được ghép từ chữ Hy Lạp «Khrusas » nghĩa
là vàng và chữ ”anthemum” nghĩa là
hoa, vì thế người Pháp còn gọi hoa Chrysanthème là «la fleur d’or ».
Vài
loại hoa Cúc ta thường thấy như Cúc Đại Đóa (Chrysanthemum grandiflorum), Cúc vàng
cành nhỏ, Chrysanthemum indicus, Cúc vạn thọ, Chrysanthemum herfstchrysanten. Còn
có thêm loại Cúc Chi mềm mại, Cúc chùm nhiều cành mầu sắc phong phú. Cúc rất được
ưa thích tại châu Á cũng như bên trời Âu.
Tùy theo mục đích sử dụng mà dùng từng loại, từng mầu
sắc, từng kiểu, từng dáng và từng số lượng. Cúc phần lớn mầu vàng, cũng có mầu
trắng, mầu hồng, mầu tím, mầu cam, mầu xanh. Hoa mầu trắng thường được dùng
trong tang lễ.
Hoa Cúc được dùng làm biểu tượng khác nhau tùy theo mỗi
nước, văn hóa của từng chủng tộc.
·
Bên Trung Quốc
: hoa Cúc vàng tượng trưng cho sự trường thọ, trường tồn bất diệt và vĩnh cửu. Trên nền đồng xu «1 Nhân Dân tệ » có khắc một
bông Cúc.
Hoa Cúc hiện diện trong bộ tranh Tứ Quý « Mai, Trúc,
Cúc, Tùng » và theo văn hóa Nho giáo tượng trưng cho người quân tử. Hoa Cúc có
đặc điểm « Diệp bất ly chi, Hoa vô lạc địa »
lá không rời cành, hoa không rụng xuống đất, ám chỉ khí phách người quân tử
oai hùng, hiên ngang, can đảm, kiên trung, không phản bội, không hèn hạ luồn cúi.
·
Ở Việt Nam
: bông Cúc được gắn liền với lòng hiếu thảo của con cái đối với bậc cha mẹ và
chứng tỏ lòng hiếu thuận. Có sự tích kể lại ngày xưa có một bà mẹ sống với người
con trong cảnh nghèo khó, người con rất hiếu thảo và yêu thương mẹ. Đến một
ngày kia bà mẹ ngã bệnh, người con rất buồn, thất vọng vì không tìm được cách
nào chữa bệnh cho mẹ.
Trước hoàn cảnh thương tâm, Ông Tiên hóa thành một cụ
già tìm đến, chỉ dẫn cho người con đi vào rừng cố tìm cho được bông thần kỳ. Tìm
được bông hoa đó, đếm thấy có bao nhiêu cánh là số năm người mẹ sẽ được sống tiếp
trên cõi trần. Người con, vượt qua núi đồi và bao nguy hiểm gian khổ tìm được một
bông hoa năm cánh. Nghĩ tới lời cụ già dặn và nghĩ mẹ chỉ còn sống thêm được
năm năm nữa thôi, người con hiếu thuận bèn xé các cánh hoa thật nhỏ tới khi đếm
không được nữa. Nhờ vậy mà bà mẹ khỏi bệnh và sống thật lâu bên người con.
Bộ Tứ Quý đối với người Việt gồm « Mai, Lan, Cúc,
Trúc » biểu dương cho sự vận chuyển tuần hoàn của bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông
trong một năm.
Nhìn cảnh mùa thu âm u, ảm đạm, ướt át nhưng nhẹ
nhàng, uyển chuyển, ảo mộng đầy chất thơ lãng mạng, mang tính cách mong manh, lung
linh, không bền vững để tồn tại trên trần thế :
« Này
yêu dấu, hương thu về nhè nhè
Nắng lụa
đào êm theo gót nên thơ »
(nhạc của BS Phạm Anh Dũng).
Ai mà không ngây ngất trước cảnh đẹp thiên nhiên của
mùa thu với gió Thu thoảng mát, sương Thu ấp ủ, ao Thu « lạnh lẽo nước trong veo » lá Thu từ xanh
chuyển sang vàng, rồi « lá đổ muôn
chiều, ôi lá uá » (Đoàn Chuẩn), rơi lả tả trên sân vắng. Những hình ảnh đó
gợi trong lòng ta ý tưởng xâu sắc buộc ta suy nghĩ về giá trị mong manh của thân
phận con người, của vạn vật, về sức biến chuyển xoay vần không ngừng của thế giới
chung quanh ta và tính cách vô thường trong cuộc đời từng người và cả nhân loại.
« Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,
Les souvenirs et les regrets aussi… »
(les
feuilles mortes của Jacques Prévert).
Cúc
là một trong các tên đẹp mà các bậc cha mẹ thường chọn đặt cho các ái nữ mang
tên loài hoa rực rỡ này sẽ có trong tương lai môt đời sống tươi vui, sáng lạng.
Bên Nhật Bản :
Hoa Cúc thể hiện quyền quý, giầu sang, chức năng đế vương, do đó các con dấu ấn
của gia đình quý tộc đều mang hình hoa Cúc.
Về
phương diện phong thủy : trưng bầy Cúc trong nhà sẽ mang khí tốt, niềm vui,
lợi cho sức sống, giúp tăng phúc tăng thọ. Làm sao quên được quang cảnh những
buổi chợ Tết giữa tháng Chạp các năm trước 1975 tại đường Nguyễn Huệ Saigon, trong
không khí an bình, tự do của quê hương, với nếp sống nhộn nhịp rộn ràng tưng bừng
đón xuân của dân miền nam Việt Nam, nhìn thấy biết bao chậu hoa Cúc đại đóa,
bao cành đào, cành mai, cây kiểng thơm tươi đua nhau khoe sắc trên vỉa hè với
các thiếu nữ yêu kiều duyên dáng « những hoa biết nói» đang dạo ngắm cảnh,
chọn hoa mang về trưng bầy bàn thờ và trang trí nhà nhân dịp Tết Nguyên Đán .
Tại
Úc : các con biếu hoa Cúc nhân ngày
lễ các Bà Mẹ.
Tại
Mỹ : để chứng tỏ tinh thần cương quyết lạc quan
Tại
Pháp : hoa Cúc gọi chung là Chrysanthème có nhiều tên khác nhau như Le Roi
de l’automne, la Marguerite des morts, la fleur de la Toussaint, la fleur d’or
tượng trưng cho các ngọn nến đặt trên nấm mộ.
Trận
giao tranh tàn bạo giữa Pháp và Đức trong Đệ Nhất Thế Chiến đã mang lại bao
nhiêu tổn thương nhân mạng cho cả đôi bên, được kết thúc vào năm 1918 bằng Thỏa
Hiệp Đình Chiến. Ngày 11/11/1919 Tổng Thống Clémenceau đã ban lệnh buộc mang
hoa, phần lớn là hoa Cúc trang trí các mộ phần của tất cả các chiến sĩ trận
vong trên toàn nước Pháp.
Theo
Thiên Chúa Giáo, sau ngày lễ các Thánh (Fête de la Toussaint 1/11) là ngày lễ các
Linh Hồn (Fête des morts 2/11), tại các nhà thờ, giáo dân dâng lễ, đọc kinh cầu
nguyện xin cho linh hồn người quá cố trong gia đình, thân bằng quyến thuộc, hay
các linh hồn « mồ côi » không ai nghĩ tới, để được tha thứ tội lỗi đã phạm trong đời, mong sớm được
lên nước Thiên Đàng. Một phần nào giống ý nghĩa của lễ Vu Lan, ngày Xá Tội Vong
Nhân bên Phật Giáo, vào rầm tháng bẩy mỗi năm. Dân chúng Pháp ngày đó có tục lệ
đi « tảo mộ », lau dọn, sửa sang, trang hoàng lại ngôi mộ người thân, đặt
hoa Cúc dưới hình thức bó hoa, lẵng hoa hay chậu hoa.
Trong
đoạn đầu bài thơ « Tháng hoa Cúc
», giáo sư Lê Đình Thông đã diễn tả chính xác ý niệm đó :
Tháng mười một, Cúc vàng đua nở
Nhớ người thân dứt nợ hồng trần
Lời thương cát bụi xoay vần
Quay về cát bụi, nợ nần mờ tan…
Về
phương diện y học : hoa Cúc trắng búp nhỏ Camomille được dùng trị ho, trị
viêm, giải khát làm mát cơ thể những ngày nắng gắt, giúp tăng sức khỏe, thanh lọc
cơ thể.
Để kết thúc bài tản mạn này,
chúng ta cùng nhau nâng chén trà hoa Cúc, nước trà đậm đà, tỏa thơm hương Cúc
nhè nhẹ…
Trong làn
khói bốc mùi trà thơm ngát, hãy để tâm trí lắng dịu, tâm hồn trầm tĩnh, thưởng
thức, và hưởng giây phút hiện tại thần tiên này trong an bình và thư thái khi quanh
ta vạn vật xoay vần, thế giới biến chuyển không ngừng theo định hướng Vô Thường
trong cuộc đời con người trên trần thế để hướng tâm hồn và niềm tin vào đời sống
vĩnh cửu bên Đấng Tối Cao hằng sống đời đời.
Paris, mùa
hoa Cúc 2020
Nguyễn
Đăng Quế
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang