Mẹ tôi
"Mẹ tôi tóc xanh nhuộm bạc tháng ngày
Mẹ tôi đau buồn nặng trĩu đôi vai
Bao năm nuôi đàn trẻ thơ nhỏ dại
Cầu
mong con mình có một ngày mai…"
M |
ỗi khi nói về mẹ, hầu như không ai không nhớ đến lời mở đầu
bài hát "Mẹ tôi" của nhạc sĩ Nhị Hà. Mặc dù có nhiều bài hát về mẹ rất
hay và mặc dù không nổi tiếng như bài "Lòng mẹ" của Y Vân, nhưng bài
"Mẹ tôi" là một trong những nhạc phẩm gây nhiều cảm xúc nhất. Một ca
khúc làm rung động lòng người bởi âm điệu và bởi lời lẻ mộc mạc. Nhạc sĩ Nhị Hà
đã không ca ngợi tình mẫu tử "bao la
như biển Thái Bình", "tha
thiết như giòng suối hiền" hoặc "êm ái như đồng lúa chiều" nhưng bằng những hình ảnh rất đời thực
: "Chiều chiều, bên liếp lều tranh,
Mẹ tôi đứng đợi đàn con", những từ ngữ của một cậu bé vừa tròn 13 tuổi.
Vì thế, chắc hẳn hình ảnh người mẹ trong ca khúc chính là mẹ ruột của ông, một
người mẹ vất vả nuôi con trong thời chiến tranh loạn lạc (tác giả đã sáng tác
nhạc phẩm này năm 1948). Và hẳn khi đó, mẹ ông vẫn còn trẻ, không như hình ảnh
những người mẹ già trong phần đông các ca khúc khác.
Chúng ta thường thương mẹ khi thấy mẹ cực khổ hoặc khi mẹ
đã già, tức lúc chúng ta đã trưởng thành, như lời trong ca khúc "Gánh hàng
rong" của Lê Quốc Dũng :
"Với đôi gánh hàng rong nuôi lớn đời tôi từng
ngày
Khắc ghi mãi vào tim không phút nào quên
Có đôi gánh hàng rong tôi bước vào trong cuộc đời
Tiếng
ru thuở nằm nôi là tiếng rao nuôi lớn đời tôi"
"Má (tiếng người Miền Nam gọi mẹ) tôi" không giống
như hình ảnh những người mẹ trong các bài hát kể trên. Má tôi chỉ có một quãng
đời "vất vả nuôi con" khoảng vài năm. Trước năm 1975 (năm tôi 15 tuổi),
má đường đường là một "Bà bác sĩ". Với một cuộc sống sung túc, những
gì má tôi thường làm là nấu ăn cho chồng con. Má tôi biết làm rất nhiều món ăn
ngon, cả Tây lẫn Ta : mực dồn thịt, gà hấp cải bẹ xanh, chạo tôm, tôm lăn bột
chiên, bò lúc lắc, khoai Tây chiên, ... Má còn biết làm sữa chua và nhiều loại
bánh : bánh "cake", bánh "flanc", bánh "lỗ tai
heo", ... Má cũng là người lo việc học hành của 3 anh em tôi. Tôi còn nhớ
lúc mới chuyển từ trường "các bà sơ" (dạy bằng tiếng Pháp) sang trường
công khi tôi được 6 tuổi, má đã dạy tôi đọc các mẫu tự tiếng Việt. Nhưng cứ đến
chữ "U" thì tôi lại cứ đọc là "uya" theo như tiếng Pháp. Má
đã kí nhẹ vào đầu tôi và bảo : "U" là "u đầu". Má cũng là
người đã chỉ cho tôi chơi "Cờ Tướng". Tôi cũng chẳng biết má biết
chơi môn này từ bao giờ.
Đúng ra, với tất cả những điều ấy, tôi phải rất thương
má. Nhưng tôi không có cảm giác đó. Bởi vì tôi thường xuyên bị má "đánh
đòn". Cứ mỗi buổi sáng khi đi chợ, má thường dặn tôi phải lo quét nhà.
Nhưng tôi chỉ đợi dịp này để ra ngoài đường đá banh với lũ bạn hàng xóm. Khi má
đi chợ về, thấy nhà cửa vẫn chưa được quét dọn, thế là tôi "bị đòn".
Không phải chỉ có chuyện lười quét nhà nhưng còn nhiều chuyện khác : không học
bài, bỏ quên nón trong trường, làm bể đồ khi rửa chén, ... Và chuyện mà tôi
không bao giờ quên là làm mất nắp của cây "bút máy" hiệu Pilot mà má
đã mua tận Sài Gòn mừng ngày tôi thi đậu vào Đệ Thất. Lần đó, tôi bị 50 "roi".
Tuy bị đòn nhiều và thường vì những lý do rất vô lý, nhưng tôi không giận má vì
tôi biết má không được bình thường sau khi phải giải phẩu bướu não hồi còn trẻ.
Cũng có thể má rất nguyên tắc và chỉ biết nghe theo lời các ông bà xưa
"Thương con cho roi cho vọt". Và cũng có thể vì thế mà tôi được
"nên người" như hôm nay. Sau này, khi hiểu biết nhiều hơn, tôi không
nghĩ cách dạy con của má tôi là cách tốt nhất. Các bà mẹ Việt Nam xưa thường chỉ
nghĩ đến việc làm sao cho con mình "học hành đỗ đạt" mà quên đi việc
hình thành tính cách của con trẻ. Nếu "đánh đòn" con nhiều quá có thể
làm cho đứa con trở nên nhút nhát, thiếu tự tin hoặc ngược lại làm cho nó trở
nên ương ngạnh.
Năm 1976, ba tôi đi "cải tạo". Tôi cũng được
"giải phóng", không bị đòn nữa. Sau khi bán dần đồ đạc trong nhà, và
nhất là sau việc "đổi tiền", gia đình tôi trở nên túng thiếu. Bốn mẹ
con tôi, ban ngày, vô nhà ngoại lo trồng trọt, nuôi heo theo đúng như khẩu hiệu
thời đó : "Lao động là vinh quang. Lang thang là chết đói". Nhà ngoại
có vườn rất rộng với một ao nước khoảng hơn 200 mét vuông, đặc biệt có một cối
đá và một hồ xi-măng chứa nước mưa rất lớn. Trước 1975, ngoại thường trồng cây
cảnh và cây ăn trái, nhiều nhất là nhãn và xoài. Thời "bao cấp" nghèo
khổ, má tôi phải canh tác những thứ có thể bán được như cà chua, mía, bắp. Tôi
lo việc làm liếp, tưới cây và thỉnh thoảng đào lỗ trồng chuối. Từ một công tử
"ăn sung mặc sướng", tôi phải cầm đến cuốc xẻng. Tuy nhiên tôi cũng
thích nghi khá nhanh với cuộc sống mới. Tôi cũng được nhiều anh họ giúp đỡ, chỉ
dẫn. Em gái tôi và một em gái họ lo gánh
nước, xắt thân chuối cho heo ăn. Chúng tôi vẫn đi học bình thường. Buổi sáng đến
trường. Buổi chiều vô nhà ngoại làm vườn. Buổi tối về nhà ngủ. Nhà ngoại chỉ
cách nhà chúng tôi (vốn là phòng mạch của ba tôi lúc trước) khoảng vài trăm
mét. Ngày Chủ Nhật, tôi lo giặt quần áo cho cả nhà. Tuy còn cái máy giặt mua
trước 1975, nhưng tôi phải mất cả buổi sáng mới làm xong việc vì máy giặt thời
đó rất thô sơ, không có các chức năng vắt, xả.
Nếu có thời kỳ mà các bà mẹ ở Miền Nam vất vả nhất thì phải
kể những năm sau 1975. Chẳng những họ phải lo nuôi con mà còn phải nuôi cả chồng.
Những năm đó, một số đàn ông hoặc đi "cải tạo" hoặc đi "kinh tế
mới". Số còn lại, ngoại trừ những "công nhân viên nhà nước", phần
đông không có việc làm. Ở thị xã Gò Công, nơi tôi sinh sống thời đó, các thanh
niên và cả các ông lớn tuổi hơn thường hay la cà ở những quán cà phê, ngồi nghe
nhạc hàng giờ cho qua ngày. Và trên những chuyến xe đò Gò Công - Sài Gòn, tôi
luôn gặp các bà mẹ, các chị đi "buôn lậu" để nuôi gia đình. Thời trước
1975, việc đó là việc của các người chồng, người cha. Các người vợ, người mẹ chỉ
lo việc nội trợ. Hồi đó, ngoài chuyện làm việc nuôi gia đình, ba tôi, cứ đến
trưa Chủ Nhật, đóng cửa phòng mạch, chở má con tôi đi Mỹ Tho ăn cơm hoặc coi
phim. Và mỗi tháng một lần, ba chở cả nhà đi Sài Gòn chơi và sẵn dịp, thăm cô
Ba tôi. Sau này, mỗi lần má tôi muốn đi đâu xa, tôi phải chở má, bằng xe đạp chứ
không phải bằng xe hơi nhà như thời trước. Tôi nhớ có lần, má lên Sài Gòn thăm
tôi lúc tôi đang học đại học, tôi đã chở má từ nhà cậu Mười Ba tôi ở quận 3 đi
thăm mợ Tư ở quận 8 vào một buổi trưa nóng bức. Tới cầu Chữ Y, thấy tôi không
lên nỗi con dốc cao, má đã bảo tôi xuống dẫn xe đi bộ. Lần đó, tôi bắt đầu cảm
thấy thương má.
Năm 1983, má và em gái tôi sang Pháp. Trong khoảng thời
gian 5 năm sau đó, khi tôi học 2 năm cuối đại học và ra trường đi dạy, tôi đã
không được gặp má. Khi ba, tôi và em trai qua Pháp đoàn tụ với má và em gái,
tôi được biết có lần má tôi đã khóc vì nhớ các con khi nhìn qua cửa sổ thấy các
sinh viên Pháp, ở phía bên kia đường, sắp hàng đợi ghi danh vào trường Đại học
Luật. Tôi cũng được biết, trong 5 năm qua, má đã làm các công việc không xứng
đáng với một "Bà bác sĩ" để gửi về Việt Nam những thùng quà. Tôi cảm
thấy thương má nhiều hơn. Bây giờ, bốn mẹ con tôi đã sống ở Pháp hơn 30 năm, có
khi ở chung nhà và cũng có lúc ở riêng. Má cũng ít vất vả hơn nhưng đã già đi
nhiều. Di chứng của bệnh bướu não năm xưa ngày càng nặng hơn.
Mẹ tôi có thể không có một cuộc đời vất vả như nhiều bà mẹ
khác. Và cũng không giống như hình ảnh các người mẹ trong những bài hát về tình
mẫu tử. Tuy nhiên, có 2 điều tôi tin chắc. Đó là người mẹ nào cũng thương con
và mỗi người chúng ta chỉ có một người mẹ.
Quang Đại
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang