TINH THẦN TỬ ĐẠO CỦA QUÂN BINH
Thủ bản nói nhiều đến ‘Tinh Thần Tử Đạo’ hơn là đến ‘việc tử đạo’. ‘Việc Tử Đạo’ chỉ về một người đã ‘bị giết chết vì đạo, vì đức tin’, như 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam. ‘Tinh Thần Tử Đạo’ chỉ về một người không đổ máu, không chết vì đạo hay vì đức tin, nhưng chịu muôn vàn đau khổ để tuyên chứng đức tin, lòng yêu mến… Đức Mẹ Maria, các Thánh Hiển Tu, Đồng Trinh… là những người sống Tinh Thần Tử Đạo nhưng không chết vì đạo, không phải Tử Đạo.
‘Việc Tử Đạo’ chỉ được nhắc đến rất vắn tắt trong 3 số của Thủ Bản . Mỗi lần nhắc đến việc ‘Tử Đạo’, Thủ Bản nhắn nhủ quân binh một bài học khác nhau. Tuy nhiên, trước Thủ Bản, những bài học tử đạo này đã sáng lên trong đời sống các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đáng cho quân binh nằm lòng và theo gương.
1. Bài học ‘YÊU GIÁO HỘI và THƯƠNG CÁC LINH HỒN’.
Thủ Bản nêu bật guơng thánh Gioan Tông Đồ để quân binh noi theo : ‘Ngài yêu Hội Thánh và các linh hồn trong Hội Thánh. Ngài không nề quản mọi khó nhọc để phục vụ các linh hồn. Là Tông đồ, là Thánh sử, Ngài cũng xứng đáng là một vị thánh Tử Đạo’ (Tb 261).
* Thánh trùm Emmanuel Lê Văn Phụng (+ 1859) lúc đi ra pháp trường, thấy bà con dân làng khóc sướt mướt, đã dừng bước và khuyên nhủ họ : «Xin anh chị em đừng khóc. Hãy ở lại bằng yên, hãy yêu mến Giáo Hội và giữ luật Giáo Hội. Xin anh chị em hãy đọc kinh sáng tối, nhất là thương yêu nhau theo luật Chúa dạy » (xDMAH 3,tr.212-223).
* Ông Phêrô Ki, người Quảng Ngãi, rất nhiệt thành tông đồ, yêu thương hết mình những giáo dân trong hai họ đạo được giao phó : Ông chăm lo bổn đạo, bác ái thương người nghèo và chôn xác kẻ chết… Nhà ông thành nhà thương săn sóc các bệnh nhân… Lợi dụng dịp đó, ông dạy đạo và rửa tội cho họ… (xDMAH 1 tr.60).
2. Bài học về ĐỨC VÂNG LỜI.
Thủ Bản mượn lời thánh Inhaxiô, đấng sáng lập dòng Tên, nhắc bảo quân binh rằng : «Những ai đem lòng quảng đại để cương quyết vâng lời, sẽ lập nên công nghiệp lớn : vì hy sinh, đức vâng lời giống như Tử Đạo’ (Tb 285).
* Thánh Matthêô Lê Văn Gẫm (+1847) : Bấy giờ, Ngài biết chuyến đi Singapore để đón các thừa sai và các chủng sinh học ở Penang là nguy hiểm cho mạng sống… Nhưng vâng lời cha bề trên Lợi, thánh Lê Văn Gẫm ‘quyết vượt mọi khó khăn và lấy ý chí sắt son phục vụ Giáo Hội. Trước khi lên đường, thánh Gẫm từ giã mẹ già bằng lời : «Thưa mẹ, con biết chuyến đi này con không tránh khỏi tai nạn… có lẽ con sẽ phải chết, song không hề chi, con sẵn lòng chết vì Chúa, vì vâng lời bề trên ». Rồi khi mang gông đi ra pháp trường, thánh Gẫm luôn miệng nói với những người chung quanh : «Chúa định như vậy, xin vâng theo ý Chúa » (xDMAH 3, tr. 39-48).
* Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh (+1857) : Đức vâng lời của thánh Tịnh nổi bật đến nỗi ‘người viết về ‘Đường nên thánh’ của Ngài đã quả quyết : ‘Thánh nhân luôn vui lòng chịu lụy bề trên’ . Hai vụ việc làm chứng về đức vâng lời chịu luỵ của Ngài : Với lòng đạo đức sâu xa và nhiệt tình, thày Lê Bảo Tịnh muốn bắt chước các thánh ẩn tu. Ngài âm thầm chuẩn bị cơm khô để vào rừng sống ẩn tu… Nhưng trốn đi được một năm, bề trên tìm ra được và truyền cha phải về chủng viện dạy học… Ngài vâng lời trở về ngay… Năm 1840, đức cha sai thày Tịnh dẫn thuyền sang Macao lần thứ ba chở đồ và đón cha Taillandier về Kẻ Vĩnh… Biết chuyến đi này rất nguy hiểm cho tính mạng, nhưng thày Tịnh vẫn mau mắn vâng lời… Quả nhiên, năm 1841, trên đường về, thánh Lê Bảo Tịnh đã bị bắt, bị kết án lưu đày cho tới năm 1848, nhờ vua Tự Đức ban ân xá, thày Tịnh được trả về chủng viện Hoàng Nguyên và chuẩn bị chịu chức linh mục… Đầu năm 1857, cha Tịnh lại bị bắt và bị chém đầu tháng vào tháng tư cùng năm» (xDMAH 3, tr. 130-149).
3. Bài học về TRUYỀN GIÁO VỚI ĐỨC TIN và HY SINH.
Thủ bản dạy rằng : có những trường hợp thật khó khăn cho việc tông đồ, có những môi trường truyền giáo thật hiểm nghèo. Các linh mục không thể đi đến, không thể tiếp cận với lương dân… Lúc đó, quân binh phải hiện diện, không tháo lui, không bàn lùi, không thất vọng … nhưng quyết chí hy sinh, lấy Đức Tin làm bó đuốc soi đường … Và kết quả không phải là phúc Tử Đạo, nhưng là phần rỗi của bao nhiêu linh hồn đang chờ đợi lời khuyên, gương sáng và hành động bác ái … của quân binh. Tử đạo trước tiên là Tin tưởng và hy sinh (xTb 549).
* Thánh binh sĩ Dominicô Đinh Đạt (+ 1839) : Khi quan đầu tỉnh Nam Định bảo : « Này Đạt, thằng Huy, thằng Thể bạn đồng ngũ với mày đã bị bổ thành tư, rồi bỏ xuống bể cho tôm cá ăn, còn mày, mày có quá khóa không ? ». Ông Đạt thưa : «Thưa quan lớn, hai anh bạn con đã được phúc trọng, xin quan lớn bổ con làm tám, còn sự quá khóa thì con không chịu. Con chỉ quyết một điều là hy sinh vì đạo Chúa cho nhiều người được phúc trở lại với Chúa… » (xDMAH 2 tr.323-328).
* Ông Phanxicô Kam bị bắt năm 1723, tại Cao Mại (Bắc Kỳ) đã dõng dạc tuyên xưng Đức Tin trước mặt các quan : « Tôi tuyên bố : chỉ có luật của Thiên Chúa là chí thánh, chỉ có đạo của Ngài là chân thật. Tôi tin Thiên Chúa, tôi mến Thiên Chúa. Tôi sẵn sàng đổ máu ra cho phần rỗi của tôi và của các linh hồn. Tôi xin đổ máu để tuyên chứng đạo Chúa vượt trên các đạo khác… » (DMAH 1 tr.154-159).
Ít nói về việc Tử Đạo, không có nghĩa là Thủ bản coi nhẹ Tinh Thần Tử Đạo. Trái lại, Thủ Bản luôn mời gọi quân binh sống Tinh Thần Tử Đạo theo gương Chúa Giêsu và Đức Maria. Cứ dở đọc mục từ ‘hy sinh’ (xem Mục Lục A) chúng ta đủ thấy điều đó. Sau đây, chúng tôi xin trích dẫn một đoạn Thủ Bản : «Legio là một đạo quân, quân đội của Đức Trinh Nữ rất khiêm nhường : Legio thường ngày phải cố gắng giữ những đặc diểm của một quân đội trần gian là anh dũng, hy sinh, nếu cần sẽ hy sinh cả mạng sống. Đối với hội viên, lúc nào cũng phải đòi hỏi những công tác hết sức gian lao… Quân binh phải có một lòng ham muốn cao thượng, tiến lên mãi trong phạm vi thiêng liêng. Phải sẵn sàng hy sinh cảm tình, lý luận, tự do, tự ái, ý chí, để lãnh những tên đạn là lời công kích, hay lãnh cái chết là tùng phục một cách quảng đại… » (Tb 285). Tóm lại, theo Thủ Bản : Quân binh có thể không phải chết vì đạo, nhưng quân binh luôn phải Sống Tinh Thần Tử Đạo.