Truyện ngắn
Khiêm nhường
ha Célestin là một Lm dòng khổ tu và chiêm niệm. Một hôm ngài quyết định chọn đời sống ẩn tu, nhưng áp dụng lối sống như thế ngay tại trung tâm một thành phố lớn : nơi mà nền văn minh càng phát triển thì nỗi cô đơn tâm hồn càng lớn và sự cám dỗ của vật chất càng dữ dội hơn nhiều. Nếu như ẩn tu và giam mình trong sa mạc chỉ có cát, đá và mặt trời, thì ngay cả những người u mê nhất cũng dễ nhận ra sự bé bỏng của mình trước cái vĩ đại của tạo vật và vực thẳm của trần gian. Còn như ở « ẩn » ngay giữa một thành phố ồn ào xe cộ, tiếng bánh xe ken-két, mùi nhựa đường bốc lên khìn khịt, đèn điện sáng trưng cả ngày lẫn đêm, mà vẫn giữ được một tâm hồn thanh thản không vướng bụi trần, thì đó mới là điều tuyệt diệu. Cha dòng Célestin nghĩ thế nên ngài chọn cách hãm mình sống ở một mảnh đất bỏ hoang trong một khu phố lao động nghèo nhất thành phố. Ở đó dân chúng do phải bươn chải với cuộc sống khó khăn mỗi ngày nên Đức Tin và lòng kính trọng Chúa hầu như đã bị lãng quên đi rất nhiều. Tuy ở ẩn, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, phương thức sống khó nghèo để thoát khỏi mọi ràng buộc vật chất, sống phó thác hoàn toàn cho Chúa, và nhất là lòng khiêm nhường của ngài đã thành tiếng thơm lan toả ra khắp vùng. Mọi người đều nghĩ và tin chắc rằng Cha Célestin đã được Thiên Chúa thương yêu cách đặc biệt, vì vậy những người đau khổ, khó nghèo và ngay cả những người giàu có mà lương tâm, nội tâm hay bị dày vò, cắn rứt đều lần lượt tìm đến để được cha tư vấn, bảo ban và ban phép Hoà giải. Đằng sau nhà kho nơi cha dùng để trú ngụ, cha Célestin đã tìm thấy, khung sườn một chiếc xe tải nhỏ, bỏ hoang mục nát, cánh cửa kính nơi buồng lái cũng không còn. Nhưng chính nơi này cha lại dùng để làm toà giải tội cho mọi người. Cha hầu như không quan tâm và để ý đến những tin tức hàng ngày trên truyền thông báo chí cũng như những thay đổi đổi thay trên toàn thế giới. Ngay cả những thay đổi nhân sự quan trọng trong Giáo Hội cũng như Giáo phận nơi ngài ở, ngài cũng không màng biết đến. Ngoài những giờ kinh nguyện sáng trưa chiều tối, thế giới của Cha được thu nhỏ lại trong toà giải tội này. Ngài chỉ muốn làm chiếc cầu nối, làm trung gian hoà giải giữa Thiên Chúa và loài người. Chính vì vậy mà người người đến xin giải tội với cha không bao giờ ngớt. … Một buổi chiều tàn, màn đêm đang dần buông xuống, sau hàng giờ hàng giờ trong ngày ngồi nghe giáo dân liệt kê những tội lỗi, những hứa hẹn sám hối ăn năn, cha Célestin đang chuẩn bị bước ra khỏi »cái hộp » của mình thì lù lù trong ánh sáng lờ mờ tối, một thanh niên với dáng mảnh khảnh bước lại gần, với điệu bộ hơi rụt rè, nhưng trong ánh mắt lại toát ra một nghị lực phi thường. Chỉ tới lúc « người lạ » đó bắt đầu quỳ xuống trước mặt, vị « ẩn sĩ » mới biết mình đang đối diện với một linh mục trẻ. – Tôi có thể làm gì cho Cha ? Vị ẩn sĩ hỏi một cách tinh tế. – Thưa Cha, con đến để … xưng tội. « Người lạ » trả lời và không chần chờ, trình tự liệt kê các tội của mình. Cha Célestin đã quen sức chịu đựng để nghe những bí mật, những chuyện thầm kín, đặc biệt là của những phụ nữ đến xưng tội với những chuyện không đầu không đuôi, những chuyện vặt vãnh tỉ mỉ từng ly từng tí, những hờn ghen oán trách v.v. Nhưng hiện tại, những mẫu chuyện được nghe bởi ‘‘người lạ’’ quỳ trước mặt đây thì hoàn toàn không có cái gì là ghê gớm, là xấu xa. Các lỗi mà vị linh mục trẻ này kể ra chỉ đơn giản là những chuyện bình thường, giản dị, như những lời chia sẻ thì đúng hơn, chứ không phải là tội dù rằng rất nhỏ. Nhưng vì biết rất rõ cá tính của cánh đàn ông, Cha lại nghĩ rằng cái tội chính chắc là vị linh mục trẻ này chưa dám nói ra, mà là đang mò mẫm dò đường nên lập lờ nói chuyện xung quanh. – Nào, can đảm lên đi cha, trời khuya rồi…thật tình mà nói, cũng hơi lạnh lạnh rồi đó. Hãy nói đến điểm chính yếu đi ! – Thưa cha, con không có can đảm…, linh mục trẻ lắp bắp nói. – Cha đã làm gì xấu ?! Nhìn dáng Cha … thì có vẻ là một người tốt đấy ! Cha không giết người chứ ? Hay là Cha phạm tội kiêu ngạo hay tự đắc về bản thân mình ? – Vâng, đúng thế ! Vị linh mục trẻ thì thào nói gần như trong cổ họng. – Hả ! Cha đã giết người? – Dạ không … ư … cái khác kia…! – Cha kiêu ngạo hay kiêu hãnh về chính mình ? Có phải vậy không ? Vị linh mục trẻ gật đầu, tỏ vẻ bối rối và ra dáng ăn năn. – Nói đi ! Giải thích thêm cho tôi nghe xem nào ! Ngày nay con người cần đếnLòng Thương Xót của Thiên Chúa, mà Lòng Thương Xót Chúa thì rất bao la tuyệt vời : lúc nào cũng sẵn sàng dành cho Cha, nếu cha biết thống hối ăn năn, tôi nghĩ thế. Cuối cùng vị linh mục trẻ cũng quyết định : – Dạ vâng, thưa Cha. Cũng thật là đơn giản thôi với mọi người, nhưng đối với con thì khá là khủng khiếp. Con vừa được lãnh nhận Thiên chức linh mục, mới đây thôi. Và con cũng vừa được giao nhiệm vụ mới trong một giáo xứ mà Đức Cha vừa giao phó. Và … và … – Cha cứ tiếp tục đi chứ ! Tôi không ăn thịt Cha đâu mà sợ ! – Vâng …như thế này, thưa cha, và khi con được nghe mọi người gọi con bằng « linh mục », hay bằng « cha », … nói ra thì có vẻ vô lý, nhưng con cảm thấy một cảm giác lâng lâng, vui vui như thế nào đó, như thể một cái gì đó ấm áp len vào trong trái tim con … Thật ra, đó không phải là một tội : phần lớn các tín hữu, và ngay cả các linh mục, sẽ không có cả ý tưởng để xưng những tội như thế này, vì đó không phải là tội … như kiêu ngạo, như tội tự mãn với bản thân ! Cha Célestin, vị ẩn sĩ, trước sự việc ngoài dự kiến này, lần đầu tiên Cha lâm vào tình thế không biết phải nói gì hơn. – Hưừ m! à à thôi … Tôi hiểu … cũng không hẳn là xấu lắm … chắc chắn không phải là ma quỷ làm ấm lòng cha đâu …thôi, à mà …cũng may mắn, tất cả mọi thứ này, cha tự nhận ra một mình … cha tự thấy xấu hổ thì đã là điều tốt rồi … hy vọng rằng cha sẽ không tái phạm nữa … trẻ như cha … hy vọng là thế … Ego te absolvo …Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần ! Cha về bằng an ! . . . Bảy hoặc tám năm trôi qua và Cha Célestin đã quên bẵng mất câu chuyện ngày trước. Cho đến lúc vị linh mục trẻ ngày xưa quỳ trước mặt mình. – Hình như tôi đã gặp cha rồi thì phải, có đúng không ? – Vâng, đúng thế. – Hãy để tôi nhìn rõ một chút … à, thì ra là cha !! … người đã cảm thấy sung sướng, hãnh diện khi được mọi người gọi là « linh mục » là ông « cha » đây !!! Có đúng không ?!!! – Vâng, đúng thế ! Vị linh mục trẻ, lần này không còn dáng vẻ một chủng sinh như lần trước nữa, trên gương mặt đã dày dạn kinh nghiệm và điềm đạm hơn nhiều, nhưng nét trẻ trung và mảnh khảnh vẫn như ngày đầu. Và cũng vẫn như lần đầu, bối rối, mặt đỏ au lên ! – Ồ! Ồ! Xem nào ! Cha Célestin, với một nụ cười tươi tỉnh, bắt đầu bí tích Hoà giải : và trong suốt thời gian qua, cha có sửa đổi gì không ? – Chẳng những không, mà hình như còn tồi tệ hơn nữa, thưa Cha. – Cha làm tôi bắt đầu sợ rồi đó. Nói rõ hơn xem. – Vâng, với một nỗ lực phi thường để vượt qua chính mình : thật sự còn tồi tệ hơn trước … con … ư.. – Can đảm lên đi, Cha Célestin thúc giục, nắm lấy tay vị linh mục trẻ ngày nào và ép vào giữa lòng hai bàn tay mình. Đừng làm cho tôi thất vọng nha ! – Vâng … dạ, … đây là điều vừa xảy ra với con, nếu ai đó gọi con là « Đức Cha », con … ư … con … – Cha cảm thấy hài lòng, vui sướng ? – Dạ, vâng! – Một cảm giác hạnh phúc, ấm áp? – Vâng, chính xác. Lần này Cha Célestin nhanh chóng giải tội ngay. Lần trước là lần đầu tiên, câu chuyện có vẻ khá thú vị, có một chút gì đó thể hiện nét đặc biệt về bản chất con người. Lần này thì không, vị ẩn tu đã thấy và nghĩ ra rằng, ông cha trẻ này chịu chức được có lẽ vì hiền lành, chất phát, cũng có thể là một người thánh thiện không chừng, nhưng hơi quá ngây thơ và những người chung quanh đã thấy được tố chất đó, nên bắt đầu đùa cợt chọc phá cha hơi quá trớn, tự phong chức cho cha lên từ từ. Không đầy một phút, Cha Célestin đã lặng lẽ ban phép Hoà giải và chúc bình an. Một thập niên trôi qua, vị ẩn sĩ bây giờ đã già khi linh mục xưa trở lại. Vị linh mục trẻ ngày xưa bây giờ cũng không còn trẻ nữa, khuôn mặt có vẻ xanh xao và gầy hơn, mái tóc đã bắt đầu nhuốm bạc. Thoạt đầu, Cha Célestin đã không nhận ra. Nhưng chỉ cần người trước mặt bắt đầu nói, và chính giọng nói khó quên đó đã đánh thức những ký ức ngủ quên trong lòng ngài. – A! Tôi nhận ra cha rồi ! … cha là người lúc đầu là « linh mục » và sau đó là « Đức Cha » … đúng thế không ? Cha Célestin hỏi với nụ cười hóm hỉnh trên môi. – Cha có một trí nhớ tốt quá ! – Bao nhiêu năm đã trôi qua rồi cha nhỉ ? – Gần mười năm đã qua rồi thưa cha. – Và sau mười năm, cha … cha …vẫn còn như thế… hay tiến bộ hơn? – Dạ thưa còn tồi tệ hơn nữa ! – Cha nói gì nữa đây ? – Vâng, Cha thấy đó, thưa Cha … bây giờ nếu ai đó đề cập đến con, tiếp xúc với con bằng cách gọi là « Đức Tổng », con … – Đừng nói thêm gì nữa ! Cha Célestine nói, gần như cố gắng lắm, để tránh mất đi sự kiên nhẫn sẵn có của mình. Tôi đã hiểu tất cả mọi thứ. Ego te absolvo. Cùng lúc Cha Célestin lại nghĩ : Than ôi ! Với tuổi tác, linh mục này ngày càng trở nên ngây thơ và đầu óc quá đơn giản; người ta càng chế giễu bao nhiêu thì niềm vui của « anh ta » lại càng tăng lên bấy nhiêu và không biết mình đã rơi vào cái bẫy « chế giễu » đặt sẵn từ lâu của giáo dân… mà thậm chí có lẽ « anh ta » lại lấy đó làm niềm vui, làm lẽ sống cho mình, cũng tội nghiệp và đáng thương quá ! Trong năm, sáu năm tới đây, dám cá là « anh ta » sẽ trở lại đây và xưng cái tội sung sướng là được người ta gọi là Đức Hồng Y cho coi. Và quả nhiên sự việc đã thực sự xảy ra … với một năm trước thời gian dự kiến ! Với tốc độ thời gian trôi quá nhanh như mọi người đều biết, Cha Célestin nay đã quá già và yếu ớt. Nhưng Cha vẫn không thể bỏ được thói quen mỗi ngày phải ra ngồi toà trong lúc mọi người vẫn cần đến những lời an ủi và tư vấn của ngài. Người ta chia phiên nhau, sáng đưa cha ra ‘‘toà cam-nhông’’ cũ và chiều tối lại cõng Cha vào. … Có cần thiết phải nói đến chi tiết lúc vị linh mục ngày xưa xuất hiện trở lại không ?! Già hơn nhiều, tóc ít đi, lưng hơi còng xuống và da không còn vẻ hồng hào tráng kiện nữa, nhưng trong ánh mắt, vẫn toả sáng một nghị lực, một sức mạnh phi thường. Có còn bị dày vò bởi lời xưng hô, chế diễu của thế nhân không ? Chúng ta cùng nghe tiếp mẩu đối thoại dưới đây : – Linh mục nhỏ đáng thương của tôi ! Vị ẩn sĩ già, cho là lời đoán năm xưa của mình đã hoàn toàn đúng, lần này chào đón vị linh mục trẻ ngày nào với một tấm thân tình như gặp lại cố nhân : tôi có thể gọi cha là bạn chứ ? – Vâng, cha gọi con sao cũng được. Được cha gọi là bạn, con hãnh diện lắm, thưa cha ! – Vậy bây giờ bạn vẫn còn vương vấn vấn vương với cái … tội cũ ngày xưa chứ? – Cha nhìn thấu tâm cang của con rồi ! – Bây giờ, người ta tâng bốc bạn lên tới đâu rồi ? Họ gọi bạn là « Đức »…, để tôi đoán xem, Đức Hồng Y, phải không ? – Vâng, thưa cha đúng vậy, vị linh mục ngày xưa thừa nhận với một dáng điệu như vừa trải qua một cuộc tra tấn. – Và mỗi lần họ gọi bạn như thế, một cảm giác hạnh phúc, sức sống mãnh liệt xâm chiếm tâm hồn bạn, bạn cảm thấy gần như là một thứ hạnh phúc tuyệt vời dành cho bạn ? – Vâng thưa cha, cha phán sao mà đúng tâm trạng con quá. Thiên Chúa chắc sẽ không bao giờ tha thứ cho con ? Cha già Célestin mỉm cười trong lòng. Sự thẳng thắn một cách ngây thơ lạ kỳ trong cách trả lời của vị ‘‘linh mục trẻ’’ không còn trẻ nữa làm cho vị ẩn sĩ cảm thấy xúc động, xót xa. Thoáng ẩn hiện trong trí tưởng tượng của cha già là hình bóng một linh mục trẻ, thánh thiện nhưng không mấy thông minh, sống ân thầm lặng lẽ trong một xứ đạo xa xôi hẻo lánh giữa chốn rừng núi bao la nào đó, giữa những khuôn mặt người dân chai lỳ, u mê và láu lỉnh. Một cuộc sống đơn điệu, ngày nào cũng như ngày nấy, tháng này nối tiếp tháng kia, tẻ nhạt. Một linh mục trẻ bị giam hảm trong cuộc sống cô đơn, âu sầu, trong lúc giáo dân thì lại càng lúc càng tấn tới, lợi dụng đức tính khiêm nhường của ngài để vui đùa, giễu cợt bằng cách tự phong chức cho ngài, mỗi lúc một cao hơn, lớn hơn…thưa Đức Cha, thưa Đức Tổng, thưa Đức Hồng Y… và biết đâu chừng nay mai lại còn dám phạm thượng, phong cho ngài làm Giáo Hoàng nữa không chừng. Nhưng, phải công nhận linh mục trẻ này cũng có cái hay hay, những thứ đó không làm cho anh ta hờn dỗi, cáu giận, mà trái lại, đem lại cho anh ta một niềm vui, một chút ấm áp cho những đêm dài lạnh lẽo cô đơn, một sức sống tràn trề để anh ta cùng hoà nhịp với giáo dân: vui theo niềm vui của giáo dân cũng như khóc chung với nỗi buồn sầu của mọi người trong xứ đạo nghèo nàn này. Nghĩ đến đây, vị ẩn sĩ quay về phía người vừa được trở thành « bạn vong niên », đưa tay lên ban phép và kết luận, như thể cũng để nói với chính mình : Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó, khiêm nhường…vì nước Trời là của họ. Ego te absolvo! Cha…à bạn về bình an !!! . . . Và rồi, cũng đến lúc cha già Célestin cảm thấy ngày Chúa gọi mình về đã rất gần, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong đời, cha xin mọi người cho mình một ân huệ: bằng cách nào cũng được, đưa ngài đến thủ đô Roma, để trước khi nhắm mắt lìa đời, ngài được nhìn thấy, dù chỉ trong một khoảnh khắc nhỏ nhoi : Toà Thánh Vatican, Đền Thánh Phêrô và Đức Thánh Cha. Ai có thể từ chối nguyện ước cuối cùng của Cha già Célestin được chứ ! Dù chung quanh, ai cũng đói nghèo, nhưng mọi người đều đồng tâm hợp ý, nhanh chóng tìm đủ mọi cách đóng góp : của ít lòng nhiều cũng như góp gió thành bão, cuối cùng thì cũng gom đủ mọi chi phí để đưa ngài đến được thủ đô của giáo hội như ý nguyện của ngài. Chưa hết, để khỏi mất nhiều thì giờ, người ta đăng ký xin ngay cho ngài một vé dự buổi triều yết Đức Giáo Hoàng ngay buổi sáng hôm đến, vì thời gian sống của ngài đang được đếm ngược từng ngày, từng phút và từng giây. Trên chiếc xe lăn, ngài được đẩy qua một dãy hành lang thật dài và sau đó được đưa vào một căn phòng to, rộng lớn được gọi là điện Tông Toà. Cha già Célestin được sắp xếp ngồi chờ trong một góc. Trong phòng còn có cả chục chiếc xe lăn khác cũng như hàng ngàn khách hành hương đến từ mọi quốc gia. Sau một thời gian dài chờ đợi, cha già Célestin thấy mọi người phía cuối phòng cùng đứng lên, dạt ra hai bên làm thành một lối đi, nhường chỗ cho một bóng trắng nhỏ, mảnh khảnh và lưng hơi còng tiến vào, ngài nghĩ ngay trong lúc tim bắt đầu đập mạnh: Đức Thánh Cha đã đến ! Đức Thánh Cha ra sao ? Khuôn mặt ngài như thế nào ? Cha già Célestin tự hỏi và bỗng thấy nghẹn ngào khó tả, lại bực mình hơn nữa là từ bao lâu nay Cha bị cận thị nặng, thế mà giờ này mới chợt nhớ ra, vì quá lo lắng cho chuyến đi, cha đã quên cặp kính cận ở nhà. May thay, cái bóng trắng từ từ tiến lại gần, mờ mờ ảo ảo càng lúc càng lớn hơn, và chợt dừng lại trước chiếc xe lăn của ngài. Vị ẩn sĩ giơ tay dụi mắt mình và cũng để lau đi những dòng nước mắt xúc động vừa nhoè ra. Đức Thánh Cha đấy ư ! Và Cha già Célestin, kính cẩn, cố gắng lấy hết sức mình từ từ đứng lên. Nhưng vị đứng đầu giáo hội đã nhanh nhẹn quỳ xuống bên cha già Célestin trong tư thế của người vào toà giải tội. Lúc này, mặt đối mặt, cha già Célestin mới thấy được khuôn mặt của Đức Thánh Cha rõ hơn. Và ngài đã nhận ra … đó là ai! ‘‘Ồ ! Thì ra là … bạn !’’ Cha già hét lên với tất cả niềm vui sướng trong tận đáy lòng mình. * * * Và lần đầu tiên trong lịch sử giáo hội, trong căn phòng triều yết giáo hoàng, người ta chứng kiến một khung cảnh thật cảm động không diễn tả nổi bằng ngòi bút : Đức Thánh Cha quỳ trước một vị tu sĩ già, không tên, không ai biết thuộc dòng tu nào và từ đâu đến, bốn bàn tay nắm chặt lấy nhau, cùng nghẹn ngào không thốt được nên lời
Công Bình Mùa Chay 2016
|
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang