Từ Paris Kinh
thành Ánh sáng…
Kính
chào bà con !
Chúng
ta tạm biệt Paris Ville Lumière… Thế
gian ít có kinh thành nào xứng đáng hơn với cái tên này. Không cần biết có phải
vì người ‘Parisiens’ cao ngạo mà lãng mạn đã tự tặng cho mình cái tên hào hoa ấy,
hay là do khách du lịch tứ phương thốt lên khi thẫn thờ trước cảnh tượng xa
hoa, hào nhoáng của đại lộ Champs-Elysées với những cửa hàng sang trọng đầy ắp những
của quý vật lạ nhất đời… Chỉ cần lắng tai nghe cũng nhận thấy nó thường được sử
dụng đầu môi bởi du khách nước ngoài cũng như người dân Pháp từ tỉnh lên. Chẳng
lạ gì mà cái ý «ánh sáng» lại đẻ ra hình ảnh «Paris by Night» : phải về đêm mới
thấy lộ rõ sự lộng lẫy của «ánh sáng» Paris. Nào là những hí trường dạ vũ vui
nhộn, những nhà hàng lừng lẫy về nghệ thuật ăn uống có một không hai trên thế
gian. Kinh thành Ánh sáng đồng nghĩa với thiên đàng hưởng thụ, mua sắm, ăn chơi
trác táng… rất hấp dẫn với khách đến từ xa.
Nhưng
nhìn lên chiều cao hơn một chút chúng ta sẽ thấy Ville Lumière còn ôm ấp cả một nền văn hoá sâu rộng, phải trải qua
nhiều thế kỷ mới gầy dựng nên và tổn bao công lao trí tuệ mới bảo tồn được cho
đến ngày nay. Đó là ‘ánh sáng’ của những đại thánh đường (Notre-Dame, La Sainte
Chapelle, Basilique Saint-Denis…), của những cung điện nguy nga tráng lệ (Elysée,
Versailles, Louvre, Fontainebleau…), của những viện bảo tàng phong phú tầm cỡ
quốc tế (Louvre, Musée d’Orsay, Musée des Arts Premiers…). Kinh thành Ánh sáng ở
đây đồng nghĩa với sự hoành tráng, với đỉnh cao của trí tuệ con ngườí, với sự
quyến rũ của Văn hoá (Culture). Ấy là
chưa kể những địa danh ‘thâm cung bí sử’ như ngục tù Bastille (nơi nổ ra cuộc
Cách mạng 1789 chấm dứt hơn 1000 năm chế độ phong kiến), place de Grève (xưa là
pháp trường, ngày nay là Place de l’Hôtel de Ville), thậm chí những khu ổ chuột
đen tối, những xóm ‘cắt cổ’ (coupe-gorge)
kinh hoàng, những đường cống hôi tanh và hệ thống hầm mồ (catacombes) âm u huyền bí như Victor Hugo đã tả trong tiểu thuyết Notre-Dame de Paris và Les Misérables…, cũng một thời vừa thừa
hưởng vừa góp phần vào kho tàng ‘ánh sáng’ của Paris…
Đi sâu
hơn nữa vào lịch sử, ta sẽ thấy ý nghĩa ‘Ánh sáng’ của Paris thật sự bắt nguồn
từ một thời mà người ta gọi là «Thời đại Ánh sáng» (l’époque des Lumières) của thế kỷ 18. Đây là thời mà con người khẳng
định sự tự tín vào lý trí và khoa học, tương phản lại thời đại ‘u tối’ (obscurantisme) của những thế kỷ trước,
khi mà giáo điều tôn giáo và thần quyền của Giáo hội thống trị tất cả mọi khía
cạnh của đời sống. Thời đại Ánh sáng này đã đẻ ra những văn hào và triết gia như
Voltaire, Rousseau, Montesquieu, những đầu óc lỗi lạc như Diderot và
d’Alembert, đồng tác giả của pho sách Bách khoa đồ sộ (Encyclopédie, gọi là «Từ điển lý luận Khoa học, Nghê thuật và Ngành
nghề…»). Đây là thời mà văn hoá Pháp ‘toả sáng’ ra ngoài rất mạnh : Voltaire được
vua nước Phổ và Nữ hoàng Nga coi như bạn quý và quân sư, tiếng Pháp trở thành
ngôn ngữ phổ biến (cả nói lẫn viết) trong giai cấp quý tộc và các triều đình Âu
châu. Paris rộ lên những ‘Salons’ mà giới thượng lưu tụ họp để thưởng thức thơ,
nhạc và thi thố ‘nghệ thuật đàm thoại’ (l’art
de la conversation). Tư tưởng phóng khoáng của trường phái ‘Ánh sáng’ đề
cao tự do cá nhân và tôn trọng quyền làm người đã dẫn đến Cách mạng Hoa kỳ 1776
và Cách mạng Pháp 1789, và sau đó đến sự giải phóng nô lệ. Với làn sóng mãnh liệt
đó ‘Paris Ánh sáng’ đã sinh ra khái niệm ‘Nước Pháp thời Ánh sáng’ (la France des Lumières) và ‘Âu châu thời
Ánh sáng’ (l’Europe des Lumières) với
những anh tài siêu việt như Bach, Mozart, Goethe… ‘Ánh sáng’ ở đây đồng nghĩa với
Văn minh (Civilisation) và cao hơn nữa,
với những giá trị ưu việt của một nền Nhân văn (Humanisme) đặt con người làm trọng điểm.
… đến Roma Kinh
thành muôn thuở
Giờ
đây chúng ta đang tiến tới Rome Ville
Éternelle… Hiểu nghĩa đen là kinh thành bất tử, tồn tại muôn đời, mặc dù đã
nhiều phen Roma suýt bị xoá sổ khỏi lịch sử ! Thật vậy, sau nhiều thế kỷ huy
hoàng, thống trị và toả văn minh ra cả vùng Địa Trung Hải (biển Méditerranée được
gọi là Mare Nostrum :‘Biển của chúng
ta’) – gồm từ Tây ban nha ở phía tây,
Gaule và nửa nước Anh ở phía bắc, Phi châu từ Maroc đến Ai-cập ở phía nam, tới
Syria, Palestine (quê hương của Giêsu và các tông đồ) và cả vùng Cận đông ngày
nay ở phía đông… –, Đế quốc La mã từ
thế kỷ thứ IV trở đi đã dần dà suy đồi và trở thành mồi ngon cho những sắc tộc
‘man rợ’ đói khát từ phương đông-bắc ào ạt tràn xuống từng đợt. Lịch sử gọi họ là
quân Barbares vì tiếng nói của họ nghe
như bar-bar hay bla bla bla, một thứ ngôn ngữ không ‘văn minh’ như tiếng Hy-lạp và
tiếng La-tinh ; cũng có giả thuyết cho rằng họ là quân râu xồm (barbe, barbus) không bao giờ cạo râu
trong khi cái ‘mác’ của con người văn minh là mày râu nhẵn nhụi… Cho dù Đế quốc
và nền văn minh La mã đã ngã gục dưới những cuộc xâm lăng bạo tàn và liên tục của
quân Barbares hay đã chết mòn vì chính sự suy nhược và đồi trụy của nó, điều
quan trọng đáng cho ta suy nghĩ là ý nghĩa của cái chết thê thảm này.
Đáng
kể nhất là cuộc tàn phá Roma vào năm 410 bởi quân Wisigoths của Alaric. Sự kiện
bi đát khổng lồ này được người dân Roma coi như báo hiệu cuộc ‘tận thế’. Nó đã
khiến thánh Augustin, giám mục thành Hippone (ngày nay thuộc Algérie), suy ngẫm
và viết một tác phẩm để đời : La Cité de
Dieu (‘Nước Trời’), trình bày cách
nhìn độc đáo của ông về lịch sử loài người : kinh thành Roma cũng như tất cả những
gì con người dựng nên đều có thể sụp đổ, tan biến, nhưng ‘Kinh thành Thiên Chúa’
(hay Nước Trời) thì trường cửu (éternel). Ngay cả cộng đồng con cái Chúa
là Giáo Hội ở thế gian, vì được xây trên hai hòn đá tảng là thánh Pierre và thánh
Paul, cũng được hưởng sự đời đời đó. Vậy thế nào là trường cửu, là muôn đời (Eternité) ?
Kinh
Sáng Danh mà người tín hữu chúng ta tụng
hằng ngày dạy : «… như đã có trước vô
vùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng…». Một định nghĩa hơi
rườm rà nhưng thật khó mà rõ ràng và chính xác hơn. Nhớ hồi còn nhỏ ở tuổi vỡ
lòng (cái tuổi mà các nhà phân tâm học cho là hay đặt những câu hỏi lẩm cẩm mà
căn bản như ông cụ non), tôi đã từng rùng mình khi tự hỏi : vậy trước cái ‘vô cùng’ là cái gì, có hay không
có, nếu có thì nó là cái gì ? Ngay cả các nhà vật lý thiên văn học ngày nay
cũng chỉ dự đoán cái giây phút khởi đầu của ‘Tạo thiên lập địa’ (sách Sáng Thế trong Cựu Ước) là một cuộc ‘Nổ
bùng nguyên thủy’ (Big Bang) xảy ra
cách đây hơn 13 tỷ năm, chứ không ai giải thích trước cái Big Bang có cái gì. Cũng như không ai cắt nghĩa được một
cách khoa học cái điểm tận của sự đời đời
chẳng cùng sẽ ra sao. Có lẽ họ cũng như văn hào Pascal… cảm thấy «kinh hoàng
trước sự im lặng đời đời của những không gian vô tận» («Le silence éternel de ces espaces infinis m’effraie…»). Cả không
gian lẫn thời gian quyện lại thành một chuỗi huyền bí dầy đặc vượt tầm hiểu biết
giới hạn của con người. Vô cùng, vô tận, vĩnh cửu… chung quy cũng chỉ là những
danh từ yếu ớt để diễn tả ý nghĩa đời đời. Chẳng lạ gì mà Kinh thánh gọi Tên Thiên Chúa là L’Eternel, Đấng Hằng Sống, Đấng Vĩnh Hằng, là Alpha và Ômega của mọi sự vật.
Mặc
dù thế, việc con người đánh giá Roma là Kinh
thành muôn thuở hay Kinh thành đời đời
kể cũng không phải là quá đáng. Chỉ giới hạn trong bốn Vương Cung Thánh Đường
mà chúng được ân huệ thăm viếng (Saint Pierre/Thánh Phêrô, Sainte Marie
Majeure/Đức Bà Cả, Saint Paul Hors-les-Murs/Thánh Phaolô Ngoại thành, và Saint
Jean de Latran/Thánh Gioan Latêranô), chúng ta cũng thấy là những công trình kỳ
diệu này đã huy động trí tuệ và nghị lực của bao nhiêu thế hệ nghệ sĩ và anh
tài xuất chúng từ thời đại Phục Hưng trở đi (Michelangelo, Raphael, Le Bernin
v.v…, với sự hỗ trợ của nhiều vị Giáo hoàng mạnh thường quân). Được kiên trì sáng
tạo với ý tưởng chỉ đạo duy nhất là không
có gì quá đẹp và quá quý để xứng đáng Vinh Danh Thiên Chúa, những công
trình hoành tráng này đã trở thành những lễ vật độc đáo ngày ngày dâng lời Ca ngợi
lên Đấng đời đời. Hậu lai chúng ta mỗi lần được dịp chiêm ngưỡng trong những
chuyến hành hương hay du lịch cũng vừa được hưởng thụ vừa góp phần vào sự đời đời
này.
Và trở về…
Ý
nghĩa của một cuộc hành hương chỉ được dần dà cảm nhận sau khi trở về nhà. Sau
những ngày vui sống với nhau và nhận ra nhau trong những buổi cầu nguyện và những
chuyến thăm viếng vội vã, chúng ta cần tĩnh tâm cho mọi sự lắng xuống. Sau gần
một tuần ‘say’ ánh sáng thiêng liêng giữa những Thánh đường «sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi»
(Hàn Mặc Tử), giờ đây mỗi người chúng ta lại trở về với một đời thường tranh tối
tranh sáng… Cuộc sống hằng ngày phải chăng cũng là một chuỗi hành hương…
Để tạm
kết câu chuyện hôm nay, xin gửi đến các bạn đồng hành hai giai thoại sau đây để
phụ hoạ cái ý ánh sáng và đời đời. Những năm gần đây các Giáo hoàng kể từ cố GH
Gioan Phaolô II, vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh tưởng niệm Chúa Giêsu chịu nạn, đều
dẫn Đàng Thánh Giá đi chung quanh đấu trường Colisée, bây giờ đã trở thành thông
lệ. Phải chăng các Ngài muốn thắp lên ánh sáng Phúc Âm để soi sáng và thánh hoá
một nơi trần tục và tội lỗi nhất Đế quốc La mã cách đây gần 2000 năm đã từng đổ
máu người Kitô hữu để mua vui cho dân Roma vô đạo ?... Và phải chăng cũng chính
cái kỳ quan ngày xưa bất nhân này – sau nhiều thế kỷ đổ nát tàn tạ – ngày nay đang
được trùng tu, cũng trở thành chứng nhân bất đắc dĩ biện hộ hùng hồn cho các
thánh tử đạo đã chịu chết vì Đức tin để làm hạt giống cho Giáo hội (sanguis martyrum, semen christianorum) ?
Trong
cuộc thương lượng dai dẳng những năm tháng qua giữa Nhà nước Trung Quốc và Toà
Thánh Vatican về quan hệ hai nước, đặc biệt về vấn đề bổ nhiệm các giám mục,
chính quyền TQ đòi nắm toàn quyền để dựng lên một Giáo hội tự trị (‘quốc doanh’)
dưới sự điều khiển của Đảng cộng sản TQ, không cho Toà Thánh được nhúng tay. Họ
chơi lá bài ‘tằm ăn dâu’, tin rằng với thời gian, đối phương sẽ nhũn chí rồi nhượng
bộ. Theo một nhà báo kể, Hồng y quốc vụ khanh (thủ tướng của Đức Giáo hoàng) hóm
hỉnh đáp lại : «Vous avez le temps, nous
avons… l’éternité» («Quý vị có thời gian, chúng tôi có… đời đời…»
Nguyễn Hữu Tấn Đức
(ghi
lại ngày 20.6.2016)
Bài viết khác
Thư mời Ngày Tĩnh Tâm 07-09-2024 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Hình : Rước Kiệu và Thánh Lễ Mừng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Hai Ngày Gặp Gỡ của Nhóm Gia Đình Louis-Zélie 6-7/07/2024
Hình : Hai ngày Kermesse 19-20/05/2024 của Giáo Xứ
Kết Quả xổ số Tombola ngày Thân Hữu Giáo xứ 19/05/2024
Hình : Những đóa hoa dâng Mẹ trong tháng Năm - Giáo Xứ VN Paris
Vidéo : Những đóa hoa dâng Mẹ trong tháng Năm - Giáo Xứ VN Paris
Vidéo : Diễn Nguyện 14 Đàng Thánh Giá Và Thánh Lễ Lá - Chúa Nhật 24/03/2024 - Huy Quyên
Hình : Thánh Lễ Lá tại Giáo Xứ - Chúa nhật 24/03/2024 - Ngọc Huy
Vidéo : Hai bài Chia Sẻ Tĩnh Tâm Mùa Chay 2024 với Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải - Chúa nhật 10/03/2024
Hình : Ngày Giáo Xứ Tĩnh Tâm Mùa Chay 2024 - Chúa nhật 10/03/2024
Tết Cao Niên Cảm Tạ - Một Người Tham Dự
Vidéo & Hình : Tiệc Tết Cao Niên Giáp Thìn - Giáo Xứ Việt Nam Paris - 03/03/2024
Lịch trình Giáo Lý Hôn Nhân Năm 2024 - Ban Mục Vụ Hôn Nhân
Hình : Tiệc Tết Giáp Thìn Giáo Xứ Việt Nam Paris - 28/01/2024
Tiệc Tết Giáp Thìn 2024 ngày 28/01/- Giáo Xứ Việt Nam Paris
Hình : Lễ Gia Đình Louis&Zelie và Trao Phép Lành Toà Thánh ngày 31/12/2023
Hình : Những Hang Đá Dự Thi tại Giáo Xứ năm 2023 & Hang Đá Giải Nhất