Hành hương Paray-le-Monial
Vài phút chia sẻ với
các bạn đồng hành trên xe car (2-3 juillet 2016)
Xin
chào bà con !
Tạm
biệt Paris ‘Kinh thành Ánh sáng’ của thế kỷ 21, chúng ta hướng tới Paray-le-Monial
– một thánh đường lừng danh nước Pháp từ thời Trung cổ. Trong hai ngày tới chúng
ta sẽ cùng nhau thăm viếng và cầu nguyện, nối gót những thế hệ đã từng đi hành
hương nơi đây trong 10 thế kỷ qua. Trong tinh thần hợp thông với các tín hữu tiền
bối, xin mời bà con đi ngược dòng lịch sử một nghìn năm trước và thử đặt mình
vào cái làng quê Paray-le-Monial chìm giữa vùng sâu vùng xa của nước Pháp thời
đó…
Trước
hết, xin phép phát hoạ sơ sài bối cảnh tôn giáo, xã hội và văn hoá nước Pháp (và
Tây phương nói chung) cách đây 1000 năm. Một thiên niên kỷ trước đó đạo Kitô nảy
sinh trên đất Palestine dưới sự thống trị của Đế chế Rôma bao trùm lên các dân
tộc ở vùng biển Địa Trung Hải (Méditerranée). Sau khi đức Giêsu chịu khổ hình
trên thập giá, các tông đồ và tín đồ chạy ẩn nấp tứ phương ; Phêrô và
Phaolô phiêu dạt sang tận Rôma rao giảng Tin mừng rồi ‘làm chứng’ cho đức Tin (tức tử đạo) ở đó. Có những người Do thái hoặc
lính La mã tân tòng cũng kín đáo truyền bá niềm tin mới trong một đế quốc chính
thức thờ Hoàng đế La mã và sách nhiễu những ai không chịu thần phục. Suốt ba thế
kỷ đầu Công nguyên, đạo Kitô bị kỳ thị, cấm đoán liên tục qua 10 đợt bách hại đẵm
máu –
từ hoàng đế Néron (tk I, thời Pierre và Paul bị nạn), đến Dioclétien (đầu tk
IV) là thời khốc liệt nhất và cũng là đợt bắt đạo cuối cùng của Đế quốc La mã.
Năm
313 Hoàng đế Constantin ra sắc lịnh Milan chấm dứt chính sách bắt đạo, ban tự
do tín ngưỡng cho người Kitô, bãi bỏ ‘đạo thờ Hoàng đế’ và tuyên xưng ‘đạo thờ
Thiên Chúa’ là quốc giáo. Từ đây một kỷ nguyên mới bắt đầu cho đạo Kitô và kéo
dài suốt cả thời kỳ gọi là ‘Trung cổ’ (Moyen-
Âge, tk V đến XV). Kitô giáo được tự do phát
triển, Hội thánh tổ chức chặt chẽ từ giới chức sắc chóp bu đến hàng ngũ tín đồ trong
từng họ đạo, dần dà ảnh hưởng sâu đậm vào đời sống tâm linh, văn hoá, xã hội… Chỉ
trong vài thế kỷ hầu hết dân Pháp cũng như dân các nước Tây phương đều theo đạo.
Cộng đồng Kitô trở thành một khối thuần nhất không biên giới, hợp thông trong
niềm Tin Đức Kitô dưới sự hướng dẫn của các giáo sĩ (giáo hoàng, hồng y, giám mục,
linh mục…) : cộng đồng này gọi là ‘la Chrétienté’, một danh từ bao gồm
các dân tộc kitô hoá từ thời Trung cổ và tồn tại cho đến nửa đầu tk XX (*
xem thêm chú thích cuối bài). Paray-le-Monial
ra đời trong môi trường đó từ năm 970 trở đi…
Ở
đây xin mở một dấu ngoặt có ý nghĩa. Khi gần đến ngưỡng cửa năm 1000 một hiện
tượng quan trọng xảy ra là có một số giáo sĩ đi rêu rao ‘Tận thế’, kêu gọi ăn
năn sám hối, gây hoang mang trong thiên hạ : lịch sử sau này gọi đó là «Nỗi kinh
hoàng của
Thiên niên I» (la Grande Peur de l’An Mil).
Thế rồi bước qua năm 1000 không có sự gì xảy ra, đầu thế kỷ XI một thầy dòng Cluny
uyên bác tên là Raoul Glaber ghi lại trong tác phẩm ‘Lịch sử Năm 1000’ của ông
: «… Thế giới hình như rũ bỏ đi sự già
nua để khoác lên bộ áo mới với những
nhà thờ trắng phau…»
Chứng
từ quý hiếm này cho thấy rộ lên một ‘cơn sốt’ xây nhà thờ trong hai thế kỷ XI-XII
: chỉ trong nước Pháp có thể tính đến gần một ngàn, đặc biệt ở vùng Poitou,
Saintonge và miền nam Bourgogne, nơi chúng ta đang tới. Không kể các nước lân cận
như Đức, Ý, Tây ban nha, Anh… Mọi nơi đều xây nhà thờ theo một mô hình cố hữu,
tức theo những dinh, đền, biệt thự của Đế quốc Rôma còn để lại trước mắt, gọi là
mô hình ‘romain’. Nhưng cho dù bằng gỗ,
bằng gạch hay bằng đá, những đền thờ được xây lên trong làn sóng ‘hậu Năm 1000’
đều cùng mang một sắc thái mới
là tập trung
vào việc thờ phượng và vinh danh Đức Chúa Trời. Chính cái ‘mác’ Kitô này là dấu
ấn thiêng liêng mà chúng ta cảm thấy toả ra trong cái mô hình gọi là ‘roman’.
Nói cách đơn giản : hình thể roman là
cái vòng cung bán nguyệt hình cái nôi (arc en berceau) phổ biến trong liền hai
thế kỷ XI-XII. Paray-le-Monial là tượng trưng điển hình của lối kiến trúc này (cũng
như Vézelay, Autun, Moissac, Conques và các nhà thờ Citeaux bên Pháp ; Côme,
Parme, Venise bên Ý ; St Jacques de Compostelle bên TBNha ; Spire, Mayence bên
Đức ; Durham, York bên Anh…). [Tiếp theo roman
là hình thể gothique sẽ nở rộ trong
ba thế kỷ sau (XIII-XV) qua các đại thánh đường St Denis, Notre-Dame-de-Paris, La
Sainte Chapelle, Chartres, Amiens, Reims, v.v…]
(Hình trái) Mặt tiền nhà thờ Paray-le-Monial ngày nay với hai cái tháp (tours) : tháp bên phải (phía nam) xây cuối tk XI, tháp bên trái (phía bắc) xây đầu tk XII.
(Hình phải) Giữa hai tháp là cái narthex (giữa tk XI), một thứ đại sảnh dành cho
người tân tòng.
Ngoài
sự vui mừng phấn khởi vì ‘thoát’ được Năm 1000, một số yếu tố khác cũng quan trọng
không kém giải thích cơn sốt xây nhà thờ này.
Từ
thế kỷ IV-V trở đi Đế quốc Rôma đã có những dấu chỉ suy đồi và ‘dãy chết’. Trước
làn sóng xâm lược của các dân tộc ngoại vi ‘man rợ’ (lịch sử gọi là ‘les Barbares’) tràn từng đợt xuống từ phuơng
đông-bắc, Rôma không còn đủ sức kháng cự. Năm 390 quân Gaulois của tướng
Brennus đánh đồi Capitole ban đêm, Rôma thoát chết nhờ đàn ngỗng canh trại báo
động. Năm 410 đến lượt quân Wisigoths của Alaric tràn vào đốt phá kinh thành
trong bốn ngày đêm, dân Rôma tưởng như là tận thế. Chứng kiến sự kiện lịch sử
này, thánh Augustin (lúc đó là giám mục Hippone, ngày nay thuộc Algérie) đã suy
nghiệm trong một tác phẩm để đời (La Cité
de Dieu) : «Một nền văn minh
cũng như số phận con người : sinh ra, lớn lên rồi chết…» Trong những thế kỷ
sau đó nền văn minh Rôma và Tây phương nói chung còn bị tàn phá nhiều lần bởi
quân Vandales của
Genséric (năm 455), quân Ostrogoths của Totila (546), quân Hồi giáo Sarrasins (846),
quân Normands (1084). Tiện
đây cũng nên nhắc một biến cố lịch sử suýt chuyển đổi vận mệnh nước Pháp thời
đó : năm 732, sau khi đã chiếm Bắc Phi và vượt qua eo biễn Gibraltar chiếm
Tây ban nha, một quân đội Arabe do Abd al-Rahman điều khiển tiến sâu vào nước
Gaule, nhưng bị đánh bại tại trận Poitiers lừng lẫy bởi quân Francs của Charles
Martel (ông nội của Charlemagne – ông này ngày nay được vinh danh là ‘quan thầy’
của Âu châu). Vậy là, sau nhiều thế kỷ náo loạn và bất an, thế kỷ XI-XII mở ra
cho Ân châu một thời kỳ tương đối ổn định. Dần dà các quân ‘Barbares’ vốn là dân
du mục vô gia cư cũng bị thu hút bởi văn hoá và nếp sống địa phuơng, chấp nhận ‘định
cư’ tại chỗ, hoà mình vào cộng đồng Kitô và chịu phép rửa trong đức Tin.
Yếu tố quan trọng khác là phong trào hành hương. Dọc theo những lộ trình hành hương nổi tiếng – mồ thánh Phêrô ở Rôma, mồ tông đồ Jacques ở Compostelle v.v., và nhất là Thánh Mộ Đức Kitô ở Jerusalem (Saint Sépulchre)… – nhiều nhà thờ đủ cỡ được xây với nhà trọ tiếp khách. Đi Rôma hay St Jacques bằng đường bộ hoặc xe ngựa phải mất vài tháng, đi Jerusalem đường bộ và đường thủy phải tính cả năm. Một chuyến hành hương như thế là cả một cuộc hành trình phiêu lưu đầy ẩn trắc, phải chuẩn bị đương đầu với trộm cướp, loạn quân. [Toàn diện đất Âu châu thời đó còn đầy rừng sâu nước độc, phải đến tk XI-XII mới bắt đầu khai hoang (les Grands Défrichements) nhờ công lao của các Dòng tu huy động dân lục điền : đây là cả một công trình quy mô với những hậu quả kinh tế và văn hoá lâu dài, vẽ lên bộ mặt sáng sủa cho môi trường Âu châu mà dấu vết còn tồn tại đến ngày nay…] Đặc biệt là hành hương Đất Thánh phải đi từng đoàn hàng trăm người trờ lên, được quân lính cùng kỵ mã của các lãnh chúa (seigneurs et chevaliers) hộ tống, chịu ăn bờ ngủ bụi, chấp nhận bệnh tật và có khi bỏ mạng dọc đường. Vì thế thí sinh hành hương trước khi lên đường phải được sự chấp thuận của gia đình thân nhân và có phép của giám mục địa phương. Từ tk VII-VIII trở đi lại thường phải đối phó với quân Sarrazins (Hồi giáo) sách nhiễu, đòi nạp tiền mải lộ, gây ra đụng độ chết chóc. Đây là một trong những lý do dẫn đến các cuộc ‘thánh chiến’ (Croisades) từ cuối tk XI. Người ‘thập tự quân’ (Croisés) tin rằng chết trên đường đi giải phóng Mồ Thánh Đức Giêsu là cử chỉ cao quý nhất của người Kitô…
Thứ đến nữa là yếu tố kinh tế và vai trò của những Dòng tu. Đầu tk XII chứng kiến hiện tượng đô thị hoá song song với sự tăng cường ngành thuơng mại. Một giai cấp thượng lưu bắt đầu thành hình, người có của sẵn sàng đóng góp hậu hĩ vào công trình xây cất nhà thờ. Ngọn lửa đức tin bùng lên với những công trường xây dựng tầm cỡ do các nhà vua, lãnh chúa và bề trên các Dòng tu khởi xướng. Họ huy động các nghệ nhân tài năng và khi cần làm mạnh thường quân thu hút những kiến trúc sư từ nước ngoài. Nổi bật là vai trò của các Dòng tu lớn, trên hết là Dòng Cluny (theo lề luật thánh Benoit tk VI, cũng ở vùng nam Bourgogne không xa đây). Suốt ba thế kỷ liền (X-XII) Cluny được xây lên như một kỳ công vĩ đại và hoành tráng nhất trong ‘thế giới Kitô’ (Chrétienté) đương thời. Kiến trúc roman phát xuất từ đây. Với 181 m dài, 32 m cao, 5 gian theo chiều dọc, 2 ‘transepts’, 7 tháp chuông, thánh đường Cluny lớn rộng hơn cả Đền Thánh Phêrô ở Rôma (đến thời Phục Hưng tk XVI mới xây). Các Bề trên (Abbés) Cluny tự bầu người lãnh đạo và đối thoại ngang hàng với giáo hoàng, vua chúa, hoàng đế. Đời sống tu hành Cluny tập trung vào năm cột trụ là khổ tu, lao động, cầu nguyện, rao giảng Lời Chúa và truyền bá văn hoá. Trong gần ba thế kỷ Cluny là cái lò nung nấu trí tuệ về mọi mặt, từ văn chương, thi thơ, âm nhạc đến kiến trúc, điêu khắc… Ánh sáng và ảnh hưởng của ‘Dòng mẹ’ Cluny toả ra từ Pháp đến nhiều ‘Dòng con’ ở khắp Âu châu : Ý, Anh, Đức, Thụy Sĩ, Tây ban nha… Paray-le-Monial chịu ảnh hưởng trực tiếp của tinh thần Cluny đó (cụ thể cái mốc đá đề ‘Sites clunisiens’ do sở du lịch thành phố cắm trước sân nhà thờ).
Tóm
lại, thế kỷ XI-XII chứng kiến một cuộc đổi mới to lớn, có thể nói một sự hồi
sinh trong đời sống tâm linh và vật chất Âu châu. Từ các phong trào xây nhà thờ,
hành hương, phá rừng khai hoang đến việc cải tổ Giáo hội từ bên trong với những
dòng tu tầm cỡ, đặc biệt Dòng Cluny, tất cả vẽ lên một nước Pháp ‘ngoan đạo’ và
do đó từng được các Giáo hoàng ‘cưng’. Từ đó một thành ngữ được lưu hành trong
dân gian : ‘Sung sướng như Đức Chúa Trời
bên Pháp’ (‘Heureux comme Dieu en
France’). Và trong nhiều thế kỷ liên tiếp nước Pháp được phong là ‘trưởng nữ của Giáo hội’ (‘France fille aînée de l’Eglise’)…
Nhưng
đó là quá khứ xa vời, thực tại 1000 năm sau đã khác hẳn. Kể từ Cách mạng 1789
và nhất là từ đạo luật Tách rời Tôn giáo và Nhà nước (Loi de séparation de l’Eglise et de l’Etat, 1905), vai trò và ảnh hưởng
của Giáo hội công giáo trong xã hội trần thế đã giảm đi rất nhiều. Đó là cái giá
chính đáng phải trả cho việc xây dựng một xã hội dưới ánh sáng của lý trí, đa
nguyên và dân chủ. Tiến trình của trào lưu ‘trần thế hoá’ (‘sécularisation’) trong thế kỷ qua có thể
làm một số tín hữu Kitô thất vọng trước một nước Pháp ngày càng xa lìa đạo (‘déchristianisation’) – khiến cố GH Jean-Paul
II có lúc phải thống thiết thốt lên : «France,
qu’as-tu fait des promesses de ton baptême !» («Hỡi
nước Pháp, lời mi đã hứa trong bí tích Thánh Tẩy, nay để ở đâu !»
Thiển
nghĩ, vẫn còn đó vô vàn cội rễ Kitô (‘racines
chrétiennes’) đã bén sâu vào tâm hồn con người, vào xã hội và các chính thể
của Tây phương. Những huấn chỉ của các Giáo hoàng ngày nay kêu gọi ngừng chiến
tranh (‘Không bao giờ nữa !’) đều
nối tiếp thói tục ‘Paix de Dieu’ và ‘Trêve de Dieu’ mà các giám mục thời
Trung cổ xướng ra hầu kềm hãm bản năng tham vọng và khát máu giữa các lãnh chúa
phong kiến. Cấm chém giết nhau trong những ngày lễ nhất định như mùa Chay,
Giáng Sinh, Phục Sinh v.v…, vi phạm là tội trọng, bị rút phép thông công là một
hình phạt kinh hoàng. Đạo luật hủy bỏ án tử hình bên Pháp (do một chính phủ ‘tả’
vốn không thân Giáo hội ban hành năm 1981) chẳng qua cũng chỉ là tiếng vọng xa của
điều răn thứ năm ‘Không giết người’… Không kể vô số những công trình từ thiện như
những ‘Hôtel Dieu’, nhà thương thí, trường ốc… toàn mang tên các thánh Kitô và muôn
vàn hiệp hội cứu nhân độ thế khác. Dù muốn dù không, cái thực tại không thể chối
cãi là vẫn tồn tại sau 2000 năm những nỗ lực của nhà đạo hầu ‘nhân đạo hoá’ phần
nào xã hội loài người. Thử hỏi già sử không hề có, thậm chí không còn nữa, cái
di sản 2000 năm đó thì bộ mặt của thế gian này sẽ ra sao…
Nguyễn Hữu Tấn Đức
Antony 20.7.2016
* La Chrétienté : một danh từ rất đẹp và ý nghĩa khi ám chỉ một thế giới thuần nhất như Âu châu thời Trung cổ, trong đó đại đa số công dân là kitô hữu. Ngày nay cả từ lẫn nghĩa này không còn dùng nữa, trừ một vài trường hợp rất đặc biệt khi nói về một thiểu số bị cô lập giữa một cộng đồng quốc gia thiếu liên đới hoặc không thân thiện với đạo Kitô. Nhân cuộc ‘di cư vĩ đại’ năm 1954, báo chí công giáo Pháp hồi đó còn kêu gọi với nhiều thiện cảm «… Il faut sauver la Chrétienté vietnamienne». Gần hơn với chúng ta ngày hôm nay là một công đồng khác vừa là nạn nhân của chiến tranh vừa bị kỳ thị, đang tản mát trước nguy cơ tan biến : đó là cộng đồng kitô ở Syrie và Irak, được gọi là ‘les Chrétiens d’Orient’ hoặc ‘la Chrétienté d’Orient’, trong đó có một cộng đồng đáng được chúng ta trân trọng đặc biệt : họ nói tiếng Araméen, ngôn ngữ của Giêsu…
Bài viết khác
Vidéo : TĨNH TÂM MÙA VỌNG ngày 08/12/2024 tại Giáo Xứ VN Paris, với Cha Giuse NGUYỄN QUANG HUY
Bánh Chưng và Tết Xuân Ất Tỵ - Mời Mời Mời - GXVNParis
Hình : Giáo Xứ Mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Lịch Trình Khoá Giáo Lý Hôn Nhân tại Giáo Xứ
Tiếng vọng … từ Thư viện Giáo xứ - Lê Quang Đại
Thư mời Ngày Tĩnh Tâm 07-09-2024 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Hình : Rước Kiệu và Thánh Lễ Mừng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Hai Ngày Gặp Gỡ của Nhóm Gia Đình Louis-Zélie 6-7/07/2024
Hình : Hai ngày Kermesse 19-20/05/2024 của Giáo Xứ
Kết Quả xổ số Tombola ngày Thân Hữu Giáo xứ 19/05/2024
Hình : Những đóa hoa dâng Mẹ trong tháng Năm - Giáo Xứ VN Paris
Vidéo : Những đóa hoa dâng Mẹ trong tháng Năm - Giáo Xứ VN Paris
Vidéo : Diễn Nguyện 14 Đàng Thánh Giá Và Thánh Lễ Lá - Chúa Nhật 24/03/2024 - Huy Quyên
Hình : Thánh Lễ Lá tại Giáo Xứ - Chúa nhật 24/03/2024 - Ngọc Huy
Vidéo : Hai bài Chia Sẻ Tĩnh Tâm Mùa Chay 2024 với Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải - Chúa nhật 10/03/2024
Hình : Ngày Giáo Xứ Tĩnh Tâm Mùa Chay 2024 - Chúa nhật 10/03/2024
Tết Cao Niên Cảm Tạ - Một Người Tham Dự
Vidéo & Hình : Tiệc Tết Cao Niên Giáp Thìn - Giáo Xứ Việt Nam Paris - 03/03/2024