Giáo hội Lào
1.
Một
chút lịch sử :
Ai Lao là xứ nằm sâu trong nội địa, không
có lấy một tấc bờ biển, bao bọc bởi Việt Nam, Cao mên và Thái Lan, nên việc
giao thiệp với các thương gia Âu châu, mà nhờ những tàu bè buôn bán của họ, các
nhà truyền giáo đầu tiên mới có cơ may đặt chân đến, phải là muộn màng hơn các
xứ cạnh bờ biển, hoặc có những sông ngòi tiện lợi cho sự lưu thông.
Công việc việc phúc âm hóa cho dân tộc Lào
bắt đầu từ thế kỷ 17 nhưng không có kết quả ; Năm 1641, phái đoàn Hòa Lan đến yết
kiến vua Suriya Vongsa tại kinh đô Vientiane.
Tháng 4 năm 1642, cha Jean Marie de Leria
cùng với 1 người bạn từ Cao Mên lên Vientiane và ở lại đó trong 5 năm. Khoảng
năm 1650, một vài vị truyền giáo do Đức cha Pallu, giám mục đại diện tông tòa địa
phận Đàng Ngoài (Việt Nam) sai đi vào đất Lào.
Năm 1683, Đức Cha Laneau đã sai cha Grosse
thuộc Hội Thừa Sai Ba Lê và cha Angelo, dòng Phanxicô đi lo việc truyền giáo ở
Lào. Song trên đường đi, hai ngài nhuốm bệnh mà chết trước khi đến nơi.
Năm 1794, cha Lepavec đã theo sông Hồng lên
truyền giáo ở Vân Nam. Lúc trở về, ngài tiến sâu vào nội địa Lào, gặp được một
vài tín hữu Việt Nam tị nạn. Dân chúng địa phương, theo ngài nhận xét, cũng rất
sẵn sàng để tiếp nhận Tin Mừng.
Năm 1878, Đức cha Puginier, một trong những
người kế vị Đức cha Reydellet, quyết định sai người đi truyền giáo ở Lào. Cha
Fiot tình nguyện đi nên được Đức cha đặt làm trưởng nhóm. Ngày 3 tháng 11 năm
1878, cha Fiot, cha Nghi, chủng sinh Tất và 12 người khác, vừa thầy giảng và kẻ
giúp việc, rời Thanh Hóa đi Lục Canh. Đến tháng 6 năm sau, họ tới Naham thuộc
lãnh thổ Ai Lao, trong tỉnh Sầm Nứa.
Ngày 14 tháng 2 năm 1958, Tòa Thánh đã
tách tỉnh Sầm Nứa ra khỏi địa phận Thanh Hóa, để sát nhập vào tòa Giám Mục Đại
Diện Tông Tòa Vientiane do các cha dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (OMI) điều
khiển.
Don Dône, nền móng Giáo Hội Lào : Được cha
Prodhomme giao việc coi sóc cộng đoàn Khamkoem, vào đầu năm 1886, cha xavier
Guégo đã đem một số tân tòng trong cộng đoàn này đến định cư ở Don Dône, một đảo
nhỏ nằm giữa sông Mékong thuộc lãnh thổ Ai Lao.
Don Dône đã trở thành địa điểm truyền giáo đầu tiên của giáo hội Lào.
Nơi đây về sau (1891) được xây chủng viện và linh mục tiên khởi là cha Theng,
đã chịu chức vào năm 1932. Theo truyền thống, địa điểm truyền giáo Don Dône,
công lao của cha Xavier Guégo, vẫn được coi là nền móng đầu tiên của giáo hội
Ai Lao. Chính từ Don Dône mà nhiều làng công giáo như Bak Bang Hieng, Pong Kiu,
Ban Bung Hua Na, Dong Mak Ba, Sieng Vang được thành lập quanh vùng Thakhek.
Keng Sadok và Paksane : Trong thời gian
cha Xavier Guégo hướng công việc truyền giáo về phía tả ngạn sông Mékong, hăng
say đem Lời Chúa rao giảng cho dân tộc Lào trong vùng Thakhet, thì cha Rondel,
kẻ thay ngài làm chánh xứ Khamkoem, năm 1888, đã cùng với hai giáo lý viên lên
lập cộng đoàn Keng Sadok, cách Vientiane khoảng 200 cây số ở phía đông, bên tả
ngạn sông Mékong thuộc đất Lào.
Năm 1895, trụ sở công giáo ở Bassac do cha
Louis Couasnon, mà ít năm sau đã mọc lên ngôi nhà thờ xinh đẹp tồn tại cho đến
ngày nay.
Sieng Vang : Sieng Vang nằm dọc theo tả ngạn sông Mékong, cách Thakhet
30 cây số về phía Nam. Cộng đoàn gồm người Việt và người Lào do cha Xavier
Guégo thành lập vào năm 1897. Sieng Vang đã cung cấp cho giáo hội Lào vào buổi
sơ khai một linh mục bản xứ và nhiều linh mục Việt. Tại đây, vào năm 1919, dòng
Mến Thánh Giá đã được thành lập (theo cha Sion dòng OMI, chính là dòng Mến
Thánh Giá ở Nong Seng dời qua) do chị Maria Man (cố vấn dòng Mến Thánh Giá
Ubon) mà người ta thường gọi là Mẹ Michèle làm bề trên. Hai chân phúc tử đạo
Agnès Phila và Lucie Khambang đã xuất thân từ dòng này.
Giáo Phận Tông Tòa đầu tiên : một kỷ
nguyên mới mở ra cho Giáo Hội Lào : ngày 24/5/1899, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII ký
sắc chỉ thiết lập Giáo Hội Tông Tòa Ai Lao, gồm vùng Đông Bắc Thái Lan (15 tỉnh)
và cả nước Lào (trừ Sầm Nứa và Attopeu), đặt Đức cha Joseph Marie Cuaz làm đại
diện Tông Tòa. Ngài được tấn phong tại Vọng Các do Đức cha Vey, và tháng 11 năm
ấy, đến Nong Seng nhận chức đúng vào dịp các cha toàn vùng hội họp cấm phòng
hàng năm.
Giáo phận Ai Lao (Đông Bắc Thái Lan và
Lào) lúc ấy đã có ba dòng Mến Thánh Giá bản xứ : Ubon, Sieng Vang và Tharè,
nhưng không một dòng nào có hiến pháp. Chính tại Ubon, nơi có 4 nữ tu Saint
Paul de Chartres ở Sài Gòn qua huấn luyện, cũng chỉ có một cuốn tập viết tay,
trong ghi các giờ giấc kinh nguyện và bổn phận hằng ngày. Đức cha Gouin đã dựa
vào luật dòng Mến Thánh Giá Việt Nam soạn ra lề luật cho ba dòng nữ địa phận
này, và ban hành vào năm 1928.
Để thực hiện, ngài kêu gọi sự hợp tác của
các nữ tu dòng Bác Ái Thánh Jeane Antide Thouret ở Besançon, Pháp. Bốn chị đầu
tiên là Marie Céleste, Marie Genevière, Annonciade và Anastasie từ nhà tỉnh La
Roche sur Foron (Pháp) đã được gởi tới Thakhek chiều ngay13/1/1933, nhằm áp lễ
phong thánh cho chân phước Jeane Antide Thouret, vị sáng lập dòng của họ.
Thời gian sau, nhiều chị khác được dòng tiếp
tục gởi sang, nhiều thiếu nữ Việt Nam và Lào xin vào tu luyện chẳng bao lâu,
nhà dòng đã có mặt hầu khắp nước Lào : Thakhek, Vientiane, Paksé, Xiengkhouang,
Savannakhet và Luang Pra Bang. Họ còn bành trướng tới Việt Nam, mở trường dạy học
tại Thạch Hãn, Quảng Trị.
Cái ưu tư lớn nhất của Đức cha Gouin là mảnh
đất trách nhiệm của ngài quá rộng. Ngài cố gắng đi tìm một Hội dòng Thừa Sai để
giao phó một phần. Nhờ trung gian Đức Khâm Sứ Dreyer, ngài đã liên lạc được với
dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI). Họ thuận nhận lãnh trách nhiệm miền Bắc Ai Lao.
Ba cha dòng đầu tiên, ngày 9/1/1935, đã đến
Thakhek. Hai vị ở lại tại đó, người thì học tiếng Việt, kẻ thì học tiếng Lào,
còn cha Mazoyer là trưởng nhóm thì đi thẳng lên thủ đô Vientiane. Đến nơi, nhờ
cha Excoffon, người trước đây đã phụ trách việc truyền giáo ở vùng này hướng dẫn,
mặc dù tuổi tác đã trên ngũ tuần, cha Mazoyer lúc đi thuyền, khi đi lừa, nhiều
đoạn đường hiểm trở phải lội bộ, rảo khắp vùng Đức cha Gouin muốn giao phó : một
khu vực có nhiều bộ lạc và ngôn ngữ khác nhau (ít nhất cũng trên 28 sắc tộc với
28 thổ âm khác nhau), phong tục tập quán không bộ lạc nào giống bộ lạc nào.
Ngày
18/6/1938, theo như phúc trình và lời thỉnh cầu của Đức cha Gouin, Thánh Bộ
Truyền Giáo đã ban sắc chỉ thiết lập Phủ Doãn Tông Tòa Vientiane và Luang Pra
Bang, bổ nhiệm Đức cha Mazoyer làm Phủ Doãn. Trụ sở của ngài đặt tại Vientiane.
Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm được tự lập trong sứ mệnh loan truyền Lời Chúa cho miền Bắc
Ai Lao.
Phủ Doãn Tông Tòa này, ngày 13/5/1952, đã
trở thành giáo phận Tông Tòa Vientiane với Đức cha Etienne Loosdregt như là vị
Giám mục đầu tiên. Thấy số việt kiều trong vùng trách nhiệm kha đông đảo, linh
mục người việt của dòng lúc ấy, chỉ độc nhất cha Joseph Võ Quang Linh, Đức cha
Loosdregt nhận thấy cần thêm thợ gặt người Việt. Nhân cuộc họp các Đức cha tại
Đà Lạt, ngài đã ngõ lời với Đức cha Phêrô Ngô Đình Thục, Tổng Giám Mục giáo phận
Huế. Kết qủa là hai chị Dòng Mến Thánh Giá Huế : Lucie Kinh và Madeleine Tiên,
vào tháng 8 năm 1962, đã đặt chân lên đất « Triệu con voi » của vua Pha Ngum.
Ngày 1/3/1963, Thánh Bộ Truyền Giáo lại
công bố sắc lệnh thành lập Giáo phận Tông Tòa Luang Pra Bang (gồm Luang Pra
Bang, Phong Saly, Hua Khong và Saya Buri), tách khỏi Giáo phận Tông Tòa
Vientiane, đặt Đức cha Berti coi sóc. Giáo phận mới này vẫn ủy thác cho Dòng Đức
Mẹ Vô Nhiễm quán xuyến như trước. Giáo phận Tông Tòa Lào đầu tiên bây giờ còn lại
Trung và Hạ Lào với 15 tỉnh của Thái Lan, vẫn do Hội Thừa Sai Ba Lê đảm nhận.
Ngày 26/1/1963, Savannakhet được thành lập
và đến năm 1967 Giáo phận Tông Tòa Paksé lại được thành hình. Lào hoàn tòan
tách khỏi Giáo phận Tharè Nong Seng.
2. Thành quả truyền giáo :
Việc
truyền giáo cho dân tộc Lào, như đã trình bày trên, bắt đầu từ thế kỷ 17. Vị được
sử sách ghi lại trong thời kỳ này là cha Jean Marie de Leria thuộc dòng Tên
(SJ), đã giảng đạo tại Vientiane trong vòng 5 năm, rồi sau đó, các nhà truyền
giáo Thừa Sai Ba Lê. Tuy nhiên, theo
truyền thống, « năm và nơi sinh » của Giáo Hội Lào vẫn được coi là năm 1886 tại
đảo Don Dône. Người giúp cho nó ra chào đời là cha Xavier Guégo thuộc Hội Dòng
Thừa Sai Ba Lê (MEP).
Hiện nay, Ai Lao có bốn Giáo phận Tông Tòa
: Luang PraBang, Vientiane, Savannakhet và Paksé với ba giám mục bản xứ, được
phong chức vào năm 1975.
Ngày
11/12/2016 đánh dấu một bước lịch sử của Giáo hội Công giáo tại Lào. Tại nhà thờ
chánh tòa tại thủ đô Viên chăn đã diễn ra Thánh lễ trọng thể tôn phong chân phước
cho 17 vị chân phước tử đạo, bao gồm các thừa sai người ngoại quốc và giáo dân
Lào.
17
vị chân phước bị giết trong thời gian từ 1954-1970 bởi các chiến binh cộng sản
Pathet Lào. 5 vị thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP), những thừa sai đầu tiên mang
Tin mừng đến Lào vào năm 1885. 6 vị thuộc dòng Hiến sĩ Đức Maria vô nhiễm,
trong số đó có vị thừa sai trẻ người Ý là Mario Borzaga, bị giết vào năm 1960
khi mới 27 tuổi, cùng với Paolo Thoj Xyooj, một giáo lý viên người Lào. Trong số
các vị tử đạo Lào có cha Joseph Thao Tien, Linh mục đầu tiên gốc Lào, bị giết
năm 1954 cùng với 4 giáo lý viên thổ dân.
Ngày
21/5/2017 Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đề cử thêm năm tân hồng y, trong đó có Đức
cha Louis Marie Ling Mangkhanekhoun (Lào) và bốn vị khác từ Mali, Tây Ban Nha,
Thụy Điển và Al Salvador. Công nghị hồng y sẽ diễn ra ngày 28-6 tới, trước lễ
Thánh Phêrô và Phaolô. Đức Cha Louis Marie Ling là Hồng Y tiên khởi của Giáo Hội
tại Lào. Ngài cũng được bổ nhiêm làm Đại diện Tông Tòa thủ đô Vientiane của
Lào, kế nhiệm Đức Cha Jean Khamsé Vithavong O.M.I, 75 tuổi, về hưu…
Lm Lê Phú Hải, omi
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang