EM-MA-NU-EN
‘Thiên Chúa ở cùng
chúng ta’
E |
m-ma-nu-en, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta ! Lời hứa về Đấng
Em-ma-nu-en được nhắc đến 2 lần trong Cựu Ước (Is 7,14 ; 8,8). Trong Tân Ước
chỉ nhắc đến một lần duy nhất trong Tin Mừng Mát-thêu qua lời sứ thần Chúa đến
báo mộng cho Giuse : « Này
đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ
là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta » (Mt 1,23). Đây
là danh xưng mà cái tên biểu thị ý nghĩa là ‘Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta’, nói đúng hơn là cách người ta nhìn nhận
về Ngài « người ta sẽ gọi tên con trẻ »,
ca tụng Ngài theo kiểu chú thích của Thánh Kinh. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu về
danh xưng và lý do mà Đấng « Em-ma-nu-en » đến với nhân loại qua một
vài điểm sau đây :
1.
Hài Nhi Giê-su là Em-ma-nu-en,
Thiên Chúa ở cùng chúng ta : Trong
các tên và tước hiệu của Chúa Giê-su như : Giê-su nghĩa là ‘Thiên Chúa cứu’ ;
Đức Chúa, Con Thiên Chúa ; Ngôi Lời ; Đức Ki-tô hay Đấng Messia, Chiên
Thiên Chúa… thì danh hiệu « Em-ma-nu-en » là danh xưng đặc biệt mà chúng
ta thường nghe trong Mùa Giáng Sinh dù chỉ được nhắc tới một lần duy nhất trong
Tân Ước. Từ Em-ma-nu-en xuất phát từ tiếng
Do Thái là « immānū-’ēl : Thiên Chúa ở cùng chúng ta », trong từ
có phần đuôi « ēl », là danh xưng cổ nhất chỉ Thiên Chúa, thần linh. Lời
sứ thần loan tin về một Hài Nhi được sinh ra mang tên « Em-ma-nu-en »
vì « Ngài là Thiên Chúa ở cùng chúng ta », đó là tin vui cho thế giới,
liên quan tới cuộc đời mỗi một người đang sống trên trái đất này. Trong Kinh
Thánh, tên luôn có một ý nghĩa hoặc đi đôi với một sứ điệp mà Thiên Chúa muốn
nhắm tới, ví dụ : Sa-mu-en : Thiên Chúa đã lắng nghe ; Abraham : cha của
muôn người ; Mi-ca-en : ai bằng Thiên Chúa ; Phê-rô : tảng
đá. Việc « Thiên Chúa ở cùng chúng ta » là thông điệp của tình thương
và ơn cứu độ cho thế giới. Cựu Ước cho chúng ta thấy mỗi lần có sự hiện diện của
Thiên Chúa giữa dân Người thì dân sẽ đánh thắng quân thù. « Em-ma-nu-en »
nhập thể để ở cùng chúng ta cũng giúp ta tiêu diệt tội lỗi và sự chết, đó là
quân thù số một của con người.
2. Em-ma-nu-en, quà tặng
vô giá của Thiên Chúa cho con người : Hài
Nhi Giê-su chính là quà tặng của Thiên Chúa cho trần gian, cho chúng ta. Vì tình
yêu, Thiên Chúa đã ban tặng Con Một duy nhất của Người ; vì tình yêu, Thiên
Chúa Em-ma-nu-en đến sống cùng với chúng ta ; vì tình yêu, Thiên Chúa đã
có sáng kiến tuyệt vời là đem Lời toàn năng trở nên xác phàm, trở nên một trẻ
thơ yếu hèn và lệ thuộc trong không gian và thời gian nhất định. Mầu Nhiệm Nhập
Thể là tột đỉnh của công trình sáng tạo, là mối lương duyên của Thiên Chúa và
con người. Trong tình yêu đời thường, những người yêu nhau thường tìm đủ mọi
cách để tặng quà cho người mình yêu, tìm mọi sáng kiến để trao ban, để gần gũi và
nên một với người đó. Thiên Chúa cũng diễn tả tình yêu theo cách rất con người,
đó là ở cùng con người, đồng thân phận với con người, ngoại trừ tội lỗi. Thiên
Chúa yêu con người vô điều kiện, tặng quà độc đáo và luôn giữ lời hứa.
3.
Lý do thực tiễn của việc Thiên Chúa ở cùng chúng ta : Lý do lớn nhất là vì tình yêu, tuy nhiên tình yêu đi
đôi với hành động thực tiễn đó là Thiên Chúa trở thành « con người »
qua mầu nhiệm Nhập Thể. Công đồng Nicê
năm 325 tuyên tín : « vì loài
người chúng ta, và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế ». Sách
Giáo Lý Công Giáo cũng nêu lên 4 lý do của việc Ngôi Lời Nhập Thể :
1° Để cứu
vớt chúng ta bằng cách hòa giải chúng ta với Thiên Chúa : Chúa Giê-su
chính là hy lễ đền tội cho chúng ta. Thiên Chúa không thể chuộc
tội cho chúng ta bằng quyền năng của Người, vì như thế làm mất đi sự tự do mà
Thiên Chúa đã ban cho chúng ta từ thưở ban đầu ; và con người cũng không đủ
khả năng để chuộc tội cho con người. Vậy, chỉ có một Đấng duy nhất vừa mang bản
tính Thiên Chúa, vừa mang bản tính con người mới giải thoát con người khổi tội
lỗi và sự chết : người đó chính là Đức Giêsu-Kitô.
2° Để chúng ta biết tình yêu của Thiên Chúa : vì Thiên
Chúa yêu thương đến nỗi ban Con Một của Ngài, để chúng ta tin và được sống (Ga
3,16).
3° Để trở
thành khuôn mẫu sự thánh thiện của chúng ta : Chúa Giêu-su mời goi chúng
ta : hãy học với Thầy (Mt 11,29),
hãy yêu như Thầy đã yêu thương anh em
(Ga 15,12).
4° Để
chúng ta được thông phần vào bản tính thần linh : « Thiên Chúa đã ban tặng
chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được
thông phần bản tính Thiên Chúa » (2 Pr 1,4). Nhờ hiệp thông với Ngôi Lời,
chúng ta nhận được tư cách làm con Thiên Chúa, con người trở thành con của
Thiên Chúa. Thánh Irénée nói về lý do của Ngôi Lời xuống thế như sau : « Con Thiên Chúa làm người, để con người
trở thành con của Thiên Chúa »[1]. Câu nói
này được thánh Athanase lấy lại với những từ ngữ mạnh mẽ
hơn và cũng gây nhiều tranh luận: « Con
Thiên Chúa làm người để chúng ta làm Thiên Chúa »[2],
dịch từ Tiếng pháp: « Dieu s’est
fait homme pour que l’homme devienne Dieu »[3]
hoặc là « Dieu s’est fait homme pour que l’homme
se fasse Dieu»[4].
Chúng ta có thể hiểu theo lối giải thích của Thánh Thomas d’Aquin: « Con Thiên Chúa muốn chúng ta thông phần
vào thần tính của Ngài, nên đã mặc lấy bản tính của chúng ta, để làm người rồi,
Ngài sẽ làm cho những con người chúng ta thành các thần linh »[5].
Thiên Chúa nâng chúng ta lên một tầm cao mới nhờ vào việc Chúa Giê-su xuống thế
làm người. Cũng theo lối giải thích ấy, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta : « Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh
em trên trời là Đấng hoàn thiện » (Mt 5,48). Chúng ta không bao
giờ có thể hoàn thiện như ‘Cha trên trời’ nhưng sự thánh thiện của Thiên Chúa
là mục đích chúng ta nhắm tới và chúng ta ‘trở nên’ hoàn thiện con người thụ tạo
của chúng ta nhờ vào Ngôi Lời đã làm người, Ngài mang Thiên tính vào con người
đến trần gian. Kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su Ki-tô là kết hiệp với cả Nhân
tính và Thiên tính của Ngài, vì thế thánh Thomas d’Aquin mới nói rằng
« chúng ta thành các thần linh ».
Mầu Nhiệp Nhập Thể
vượt quá sức hiểu biết của con người. Chúng ta chỉ có thể tin rằng vì tình yêu
và để cứu độ loài người mà Thiên Chúa đã chọn một phương cách để đến ở cùng
chúng ta. Khi chiêm ngắm Chúa Giê-su Hài Nhi trong máng cỏ, có lẽ ít nhất một lần
chúng ta đã từng thắc mắc tại sao Chúa lại chọn cách cơ bần đến thế ? Xin lấy lại
ý tưởng của Đức Thánh Cha Bê-nê-dic-tô XVI khi nói về Mầu Nhiệm Nhập Thể, Ngài diễn
tả rất thuyết phục rằng : « Thiên
Chúa quá cao cả đến nỗi Người có thể trở nên bé nhỏ, quá toàn năng đến nỗi có
thể trở nên yếu kém và để gặp gỡ ta như một đứa trẻ không có bảo vệ để ta có thể
yêu mến Người ». Thiên Chúa đi đến tận cùng nỗi cơ hàn của con người,
mạo hiểm và bất lực đến tột cùng để đồng cảm với chúng ta trong cuộc sống trần
gian này. Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng
chúng ta !
Thụy Thiên-Nga
_____________________________
[1] St. Irénée, Haer.3,19,1.
[2]
St. Athanase, Inc.54,3.
[3]
St Athanase, Sur l’Incarnation 54,3 : PG 25,192B
[4]
Vladimir Lossky, À l’image et à la ressemblance de Dieu,
Paris, éd. Aubier-Montaigne, coll. « Le Buisson Ardent », 1967, p.
97.
[5] St. Thomas d’Aquin. Opusc.57 in
festo Corp. Chr.1.
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang