Năm Thánh Hiến.
Cha Gioan Ollo Kansie, 34 tuổi, thân hình mảnh mai, với nụ cười tươi luôn nở trên đôi môi và khóe mắt. Cha điều hành ‘ngôi nhà huynh đệ’, dành cho trẻ em nghèo mà cha đã đem về từ các vỉa phố của thành phố nghèo Boliakê thuộc nước Côte d’Ivoire. Hầu hết các em bị cha mẹ bỏ rơi vì quá nghèo khổ, không đủ khả năng nuôi con. Các em từ 9 tuổi đã sống bơ vơ trên đường phố, ngồi ăn xin qua ngày trước các cửa tiệm ăn, áo quần nhem nhuốc, không được đến trường học ...
Cha Gioan đón các em về sống chung dưới mái nhà lá, nhưng tạm đủ các tiện nghi : ăn uống, tắm rửa, quần áo mặc sạch sẽ, có giờ học và làm việc theo khả năng và tuổi tác, cũng như có giờ đọc kinh, cầu nguyện, học hỏi giáo lý. Cha quan tâm huấn luyện cho các em đời sống tương trợ, thương yêu và nâng đỡ nhau. Một nhóm 10 em lớn đảm nhiệm công tác mỗi ngày đem đồ ăn đến cho các em ‘rìa phố’ khác mà vì hoàn cảnh, không gia nhập căn nhà huynh đệ được.
Khi được hỏi nguyên nhân nào cha dấn thân phục vụ các em nghèo. Cha trả lời : ‘Cách đây 25 năm, tôi ống như các em. Tôi bán nước mía, tôi ngồi xin ăn trước các cửa tiệm, tôi ngủ vùi trên vỉa phố, tại góc chợ hay dưới gầm cầu… thành phố Bouakê’.
Cha còn cho biết đôi nét về đời sống thiếu thời và đặc biệt về ơn gọi. Cha khiêm tốn kể : ‘Gia đình tôi nghèo, ba mẹ tôi làm việc vất vả mà chỉ tạm nuôi sống qua ngày một gia đình bốn người, ba mẹ và hai con, tôi và chị tôi. Thế rồi không may, cha tôi lâm bệnh nặng. Không có khả năng đi nhà thương, chỉ dùng thuốc ‘nội hóa’, nên ba tôi được Chúa gọi về sau bốn tháng chịu bệnh. Mẹ tôi cũng lâm bệnh, tôi chỉ còn một cách nuôi mẹ là đi bán nước mía chị tôi đã chuẩn bị sẵn… Ba năm sau, gia đình tôi buộc trở về Bukina Fasô, bản quán lâu đời. Về quê cũ, chẳng còn ai quen thuộc. Giữa lúc cùng quẫn, Chúa thương cho chị tôi kiếm được việc làm, lương đủ nuôi gia đình ba miệng ăn và có thể cho tôi đi học. Tôi cố gắng học để đền đáp công ơn của người cha đã chết, của người mẹ tật nguyền và của người chị thương em. Tôi đậu tú tài và xin học thần học để tiến tới chức linh mục… Tôi được làm linh mục là nhờ ơn Chúa. Và ơn Chúa đổ xuống trên tôi là nhờ lời cầu nguyện hằng ngày của mẹ tôi. Tuy tàng tật, mẹ tôi chống gậy đến nhà thờ dâng lễ mỗi ngày. Mẹ tôi thường hay nói với tôi và chị tôi rằng ‘Khi mẹ còn khoẻ và các on còn nhỏ, mẹ đi làm phụ ba nuôi các con, bây giờ Chúa gửi bệnh tật cho mẹ, mẹ chỉ biết cầu nguyện cho các con sống theo ơn Chúa mỗi ngày’. Còn chị tôi, chị không có đường đi nào tốt hơn là đi nấu ăn thuê, kiếm tiền nuôi mẹ già và cho em trai là tôi đi học và theo ơn gọi. Tôi gần chị tôi hơn là mẹ tôi, vì chị em chúng tôi hiểu nhau hơn. Những lúc tôi phân vân chán nản, chị khuyến khích và cầu nguyện cho tôi bền đỗ. Chị dạy tôi sống đơn sơ, chia sẻ và đừng bao gìờ nản chí. Tôi cám ơn Chúa đã cho chị tôi có một đức tin mạnh mẽ…’
Ngay sau khi chịu chức linh mục, cha Gioan đã xin phép Đức Giám Mục cho đi làm tông đồ ‘phục vụ trẻ em nghèo’. Hiểu lòng cha, Đức Giám Mục đã không từ chối, còn giúp cha có đủ phương tiện tối thiểu để bắt đầu công việc. Một trong những sinh hoạt của ‘nhà huynh đệ trẻ em’ là mỗi tuần các em thay nhau vào rừng kiếm củi, chặt nứa và tre đem về thành phố bán, hay vào rừng đốn gỗ đốt than cung cấp cho mấy lò bánh hay tiệm ăn. Các em cũng đi nhặt chai ve và giấy báo, đem về rửa sạch, đóng thành kiện đem bán cho các nhà máy ‘chuyên hồi phục các đồ phế thải’.
Đời sống cá nhân của cha Gioan cũng như sinh hoạt của ‘nhà huynh đệ trẻ em’ đã khiến nhiều người để ý theo dõi và nhờ đó, đánh động lòng bác ái của họ. Nhiều nhà hảo tâm tự nguyện nâng đỡ công việc bác ái của cha, nhiều người tình nguyện làm việc không công cho các em. Do đó trung tâm mỗi ngày đón nhận thêm các em, nhiều em đến tuổi trưởng thành đi ra đời với những hành trang vững chắc, tâm hồn lạc quan, không sợ ngày mai, vì có niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa từ nhân…
Riêng cha Gioan Ollo Kansie, ngài cảm thấy hạnh phúc sống giữa các em, làm tất cả những gì có thể cho các em. Mục đích là lo cho các em lớn lên với đủ hành trang tâm linh, nghề nghiệp, sức mạnh tinh thần và nhân bản, đi ra khỏi những mặc cảm của ‘đói khổ’, ‘ruồng bỏ’, và sống tự lập với ơn Chúa và ý chí vươn lên… Nhiều lần ngài đã thổ lộ : ‘Khi tôi nhìn những trẻ em này, mỗi khi biết được những khó khăn các em đã trải qua và cách thế các em vượt qua để tiến thân…, tôi thấy lại bản thân tôi nơi các em. Tự đáy lòng, tôi tin rằng tất cả những điều đó phản ảnh trung thực lịch sử của đời tôi’. (viết theo báo LA CROIX, 20.04.2015)
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang