ĐỨNG DẬY! TA ĐI NÀO!
(TỰ THUẬT CỦA ĐGH GIOAN PHAOLÔ II)
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Hương Vĩnh chuyển ngữ
CHƯƠNG II: HOẠT ĐỘNG GIÁM MỤC
“
1.- Những phần vụ giám mục
Trở về
Cracovie sau chuyến hành hương đầu tiên của tôi như là giám mục ở Jasna Góra,
tôi bắt đầu định cư ở tòa giám mục. Lập tức tôi được bổ nhiệm làm phó giám mục.
Tôi có thể nói một cách rất chân tình là tôi đã kết thân với tất cả những nhân
viên của tòa giám mục Cracovie. Đó là cha Stefan Marszowski, cha Mieczyslaw
Satora, cha Mikotaj Kuczkowski, Đức Ông Bobdan Niemczewski.
Chính
Đức Ông, trong tư cách niên trưởng, là người về sau nầy đã ủng hộ cách mạnh mẽ
việc bổ nhiệm tôi làm tổng giám mục, cho dù gặp trở ngại về truyền thống quý
tộc. Thật thế, ở Cracovie, các đức tổng giám mục thông thường được chọn lựa
giữa những người quý tộc. Thật là một điều ngạc nhiên, sau khi nhiều vị quý tộc
được lựa chọn, chính tôi là một ‘người vô sản’ lại được bổ nhiệm. Nhưng điều đó
đã xảy đến về sau nầy, vào năm 1964. Tôi sẽ trở lại vấn đề đó.
Tôi cảm
thấy thoải mái ở tòa giám mục và tôi hồi tưởng những năm đã qua ở Cracovie với
một mối cảm tình và một sự biết ơn lớn lao. Các linh mục bắt đầu tìm đến tôi,
thổ lộ những vấn đề khác nhau. Tôi đã bắt đầu làm việc một cách hăng say. Vào
mùa thu là khởi đầu những cuộc thăm viếng mục vụ.
Tôi dần
dần đi vào vai trò mới của tôi trong giới giáo sĩ. Với ơn gọi giám mục và lễ
tấn phong, tôi đã chấp nhận những công việc mới. Điều đó được diễn tả như là
một sự tổng hợp thiết yếu trong nghi lễ tấn phong giám mục.
Như đã
nói trên kia, vào thời điểm tôi được tấn phong giám mục năm 1958, lễ nghi tấn
phong đã có nhiều sự thay đổi, mặc dù nội dung vẫn giữ nguyên như cũ. Tập tục
cũ được thiết lập bởi các Giáo Phụ bắt buộc phải hỏi vị giám mục tương lai,
trước sự hiện diện của dân chúng, là ngài có cam kết duy trì sự nguyên vẹn của
đức tin và chu toàn mục vụ được giao phó không. Hiện nay những câu hỏi được đặt
ra như sau:
Thưa Anh Em thân mến,
Anh Em có chấp nhận trọng trách mà các tông đồ đã ủy
thác và chúng tôi sẽ trao ban cho Anh Em qua việc đặt tay không?
Anh Em có muốn loan truyền Phúc Âm của Chúa Kitô một
cách trung tín và không ngừng nghỉ không?
Anh Em có muốn giữ gìn một cách tinh tuyền và nguyên
vẹn di sản đức tin theo như truyền thống luôn luôn nhận được từ các thánh tông
đồ và giữ gìn khắp nơi trong Giáo Hội không?
Anh Em có muốn hoạt động để kiến tạo chi thể Chúa Kitô
là Giáo Hội, và sống trong sự hiệp nhất với Giáo Hội và với toàn thể các giám
mục dưới quyền bính của người kế vị Thánh Phê-rô không?
Anh Em có muốn, cùng với các linh mục và phó tế, chăm
sóc dân thánh Chúa như một người cha, và hướng dẫn họ trên hành trình cứu rỗi
không?
Anh Em có muốn, với một con tim nhân hậu và từ bi,
nhân danh Chúa Kitô, đón tiếp những người nghèo khó, những người xa lạ và những
ai túng thiếu không?
Anh Em có muốn, trong vai trò mục tử nhân hậu, ra đi
tìm kiếm những con chiên lạc để tập họp lại trong đàn chiên của Chúa
không?
Anh Em có muốn cầu nguyện Chúa không ngừng cho dân
thánh Chúa và chu toàn công việc của mục tử và đại tư tế một cách không bị chê
trách không?
(Sách Lễ Roma, Tấn Phong Giám Mục).
Những lời vừa được trích dẫn chắc chắn ghi sâu vào tâm
khảm hết mọi giám mục. Trong những lời đó vang vọng những câu hỏi mà Chúa Giêsu
đã hỏi Thánh Phê-rô bên bờ hồ Galilée: “Này anh Si-mon, con ông Gioan, anh
có mến Thầy hơn các anh em nầy không?...Chúa Giêsu nói với ông: Hãy chăm sóc
chiên con của Thầy. Ngài lại hỏi: Này anh Si-mon, con ông Gioan, anh có mến
Thầy không?...Ngài nói: Hãy chăn dắt chiên con của Thầy. Ngài hỏi lần thứ ba:
Nầy anh Si-mon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không? Ông Phê-rô buồn vì
Ngài hỏi tới ba lần: Anh có yêu mến Thầy không? Ông đáp: Thưa Thầy, Thầy biết
rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy. Chúa Giêsu bảo: Hãy chăm sóc chiên của
Thầy.” (Gio 21, 15-17).
Không phải chiên của anh, chiên của các anh, mà là
chiên của Thầy! Quả thật chính Ngài đã tạo dựng con người. Chính Ngài đã chuộc
lại con ngươì. Chính Ngài đã chuộc lại tất cả chúng ta, cho đến người rốt hết,
bằng giá máu của Ngài!
2.- Mục tử
Truyền thống Kitô giáo đã thu thập ba hình ảnh Phúc Âm
về người mục tử: đó là hình ảnh người mang con chiên lạc trên vai, người dẫn
dắt đoàn chiên trên những đồng cỏ xanh tươi, người cầm gậy trong tay tập họp
đàn chiên và bảo vệ chúng khỏi mọi hiểm nguy.
Trong ba hình ảnh đó, cũng một sứ điệp được nhắc lại:
“Ngưởi chăn chiên vì đàn chiên và không phải đàn chiên vì người chăn chiên.”
Người chăn chiên đã liên kết với bầy chiên cho đến nỗi, nếu người đó là một
mục tử chân chính thì sẵn sàng “hy sinh mạng sống cho đàn chiên.” (Gio
10, 11). Hằng năm trong những tuần lễ thường niên thứ XXIV Và XXV, trong Phụng
Vụ Các Giờ Kinh, được trình bày một bài giảng dài về các mục tử của
Thánh Augustinô.
Khi nhắc đến Sách tiên
tri Ezéchiel, giám mục giáo phận Hippone đã mạnh mẽ quở trách các mục tử
xấu, nghĩa là những mục tử không chăm sóc đàn chiên mà chăm sóc chính mình mà
thôi:
“Hãy xem những
gì Lời Chúa đã nói với những mục tử tìm kiếm lương thực của mình và không phải
lương thực của đàn chiên: Các ngươi đã uống sữa của chúng, các ngươi đã dùng
lông của chúng làm áo mặc, các ngươi đã cắt tiết những con chiên béo tốt, các
ngươi không phải là những người chăn dắt đàn chiên của ta.
Các ngươi đã không
tăng sức lực cho con chiên ốm o gầy còm, không chữa trị con chiên đau yếu,
không săn sóc con chiên bị thương tích. Các ngươi không đem con chiên lạc trở
về chuồng, không tìm kiếm con chiên bị thất lạc. Con chiên nào mạnh khỏe thì
các ngươi bắt nạt. Những con chiên của ta đã tản mát bởi vì không có người chăn
dắt.”
(Phụng Vụ Các Giờ Kinh, tuần lễ XXIV, ngày thứ
hai).
Cho dù thế, Thánh Augustinô đã kết luận với một sự quả
quyết đầy lạc quan: “Những mục tử tốt
không thiếu và người ta tìm thấy họ là một…Người ta tìm thấy tất cả những mục
tử tốt là một; họ chỉ làm thành một. Họ chăn nuôi đàn chiên và chính Chúa Kitô
chăn nuôi chúng…chính tiếng nói của Ngài vang lên nơi họ, chính đức ái của Ngài
ở nơi họ.” (Phụng Vụ Các Giờ
Kinh, tuần lễ XXV, thứ sáu).
Về phương diện đó, những suy tư mà Thánh Grégoire Cả để lại thật đầy xúc
cảm:
“Thế giới đầy
dẫy những linh mục, nhưng hiếm khi người ta gặp được một người thợ trong mùa
gặt của Chúa. Chúng ta lãnh nhận tác vụ linh mục một cách đứng đắn, nhưng chúng
ta không chu toàn công việc của tác vụ đó…
Chúng ta bỏ phế mục
vụ rao giảng và theo tôi tưởng, chính để trừng phạt chúng ta mà người đời gọi
chúng ta là giám mục, bởi vì chúng ta mang tước vị đó, nhưng chúng ta không có
phẩm giá. Thật vậy, những ai được giao phó cho chúng ta đều rời bỏ Thiên Chúa
và chúng ta im hơi lặng tiếng.”
(Phụng Vụ Các Giờ Kinh, tuần lễ XXVII, mùa
thường niên, ngày thứ bảy).
Đó là điều mà phụng vụ nhắc nhở lương tâm chúng ta mỗi
năm bằng cách khuyến khích chúng ta theo đúng tinh thần trách nhiệm đối với
Giáo Hội.
3.- “Tôi biết chiên của tôi” (Gio
10, 14)
Người mục tử nhân hậu biết chiên của mình và chiên của
người đó biết người đó (Xem Gio 10, 14). Chắc hẳn nhiệm vụ của giám mục
là phải thận trọng làm thế nào để rất nhiều người làm nên Giáo Hội tại địa
phương có thể biết ngài một cách trực tiếp. Về phần ngài, ngài sẽ tìm cách gần
gũi họ, để tìm hiểu điều kiện sinh sống của họ, tìm hiểu điều gì làm cho con
tim họ vui lên hay bị rối loạn.
Nền tảng của sự hiểu biết hỗ tương đó không phải do
những cuộc hội ngộ ngẫu nhiên cho bằng sự quan tâm đích thực những gì xảy đến
trong quả tim con người, không kể đến tuổi tác, điều kiện xã hội hay quốc tịch
mỗi người. Đó là một sự quan tâm nối kết những người gần cũng như kẻ ở xa. (Xem
Sắc Lệnh về trách nhiệm giám mục “Christus Dominus”, số 16).
Khó mà đưa ra một công thức về một lý thuyết có hệ
thống đối với cách thức giao tiếp với người khác được. Tuy nhiên, đối với tôi,
tôi đã được giúp đỡ nhiều bởi “chủ nghĩa nhân cách” mà tôi đã nghiền ngẫm trong
những năm theo đuổi môn triết học. Mỗi người là một cá nhân duy nhất và do đó
không ai có thể lập chương trình trước về một thứ giao thiệp khả dĩ thích ứng
cho hết mọi người. Nói đúng hơn, phải học cách giao thiệp trong mọi hoàn cảnh
khởi đầu từ số không.
Đó là điều được diễn tả một cách hiệu nghiệm trong bài
thơ của Jerzy Liebert:
“Hởi người, tôi đang chỉ dạy cho ngươi,
Tôi chỉ dạy
ngươi từ từ.
Con tim vừa khổ
đau vừa thích thú
Về bài học khó
khăn đó.”
(Poezje, Varsovie 1983, tr. 144).
Đối với một giám mục, thật là quan trọng để có một
cuộc tiếp xúc tốt với những người khác và đạt được khả năng giao tiếp với họ
một cách thích ứng. Riêng tôi, rõ ràng tôi không bao giờ có cảm tưởng là có quá
nhiều cuộc gặp gỡ.
Dù sao đi nữa, nỗi ưu tư thường xuyên của tôi là trong
mỗi một trường hợp nên duy trì tính cách cá nhân của mỗi cuộc giao tiếp. Mỗi
cuộc giao tiếp chính là một chương sách. Tôi luôn luôn hành động theo niềm tin
đó. Nhưng tôi chân nhận rằng hấp lực đó không thể do học hỏi mà có. Đó là điều người
ta sở đắc hoàn toàn tự nhiên, bỏi vì điều đó đến từ bên trong.
Sự quan tâm đến kẻ khác khởi đầu bằng lời cầu nguyện,
trong cuộc trò chuyện với Chúa Kitô là Đấng đã phó thác “những người thuộc
về Ngài”. Lời cầu nguyện đã chuẩn bị giám mục cho những cuộc gặp gỡ đó. Vừa
khi tâm trí mở ra, những cuộc gặp gỡ đó cho phép họ biết nhau và hiểu nhau, cho
dẫu khi người ta không có nhiều thời giờ.
Đối với tôi, tôi thường cầu nguyện cho tất cả mọi
người, ngày nầy qua ngày khác. Khi tôi gặp một người nào, tôi đã cầu nguyện cho
người đó rồi và điều nầy luôn luôn làm cho sự giao tiếp trở nên dễ
dàng.
Thật khó cho tôi để nói ra người ta nhận thức điều đó
như thế nào. Nên hỏi ngay họ. Tuy nhiên tôi có nguyên tắc là đón tiếp ai như
thể người đó được Chúa gởi tới cho tôi và cũng một trật Chúa phó thác họ cho
tôi.
Tôi không thích từ ngữ “quần chúng” vì mang tính cách
vô danh. Tôi thích từ ngữ “số đông” hơn. (Xem Mc 3, 7; Lc 6, 17; Cv
2, 6; 14, 1…). Chúa Kitô đi trên những con đường xứ Palestine và thường khi rất
“đông” người đi theo Ngài. Đối với các tông đồ cũng thế.
Đương nhiên trách nhiệm mà tôi thi hành khiến tôi gặp
gỡ nhiều người, đôi khi là những số đông thực sự. Chẳng hạn ở Manille đã có
từng triệu người trẻ. Nhưng trong trường hợp đó, một cách chính đáng không nên
nói đó là khối quần chúng vô danh. Đó là một cộng đồng được thúc đẩy bởi một lý
tưởng chung. Vì vậy thật dễ dàng để tạo lập một sự giao tiếp. Và đó là điều xảy
ra gần như mọi nơi.
Ở Manille, tôi có trước mắt toàn thể lục địa Á châu.
Có biết bao Kitô hữu và biết bao triệu triệu người trên lục địa đó còn chưa
biết Chúa Kitô! Tôi đặt hy vọng rất nhiều nơi Giáo Hội sống động ở Phi-luật-tân
và Đại-hàn. Á châu: đó là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta ở đệ tam thiên
niên kỷ nầy!
4.- Sự ban hành các bí tích
Các bí tích làm thành kho tàng lớn lao nhất, sự phong
phú dồi dào nhất đối với giám mục. Các linh mục do ngài tấn phong đã giúp đỡ
ngài trong việc ban hành các bí tích. Kho tàng đó đã được Chúa Kitô trao lại
cho các tông đồ và những người kế vị các ngài bằng chính “di chúc” của
Ngài.
Nên hiểu từ ngữ “di chúc” theo nghĩa thần học sâu sắc
nhất cũng như sự chấp nhận thuần túy nhân bản. Chúa Kitô “biết giờ của Ngài
đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha” (Gio 13, 1), “bằng của ăn cho mười hai tông đồ, Ngài tự
trao mình do chính đôi tay của Ngài” (xem Thánh ca Pange lingua), đã
khuyên bảo họ làm lại lễ nghi bữa tiệc ly “để
nhớ đến Ngài”: bẻ bánh và trao tặng chén rượu, dấu ấn nhiệm tích của xác
thân Ngài “bị nộp” và của máu Ngài “bị đổ ra”.
Kế tiếp, sau khi Ngài chết và phục sinh, Ngài đã trao
phó cho họ thừa tác vụ tha tội và sự ban hành các bí tích khác nữa, khởi đầu là
bí tích thánh tẩy. Các tông đồ đã chuyển giao kho tàng đó lại cho các người kế
vị.
Ngoài việc rao giảng Lời Chúa, việc ban hành các bí
tích là nhiệm vụ đầu tiên của các giám mục mà từ đó các trách vụ khác đều phụ
thuộc vào. Trong cuộc sống cũng như trong hành động của giám mục, tất cả phải
nhắm tới mục đích đó.
Như đã biết, để đạt được điều đó, chúng ta cần sự giúp
đỡ: “Lạy Chúa, ngày hôm nay đây, xin đến
giúp đỡ cho sự yếu đuối của con và ban cho chúng con những cộng sự viên mà
chúng con cần đến để thi hành chức tư tế tông đồ” (Sách Lễ Roma, Phong
chức linh mục).
Đó là lý do chúng ta chọn lựa cùng chuẩn bị những ứng
viên xứng hợp và chúng ta phong chức cho họ làm phó tế cùng linh mục. Cùng với
chúng ta, họ có bổn phận rao giảng Lời Chúa và cử hành bí tích.
Đó là triển vọng phải soi sáng và sắp đặt những công
việc hằng ngày, những cam kết choán đầy sổ nhật ký chúng ta. Rõ ràng không chỉ
cử hành Thánh Thể hay ban phép thêm sức trong khi chúng ta ở trung tâm điểm
cộng đoàn giáo sĩ, mà còn cử hành bí tích thánh tẩy cho trẻ con và nhất là
người lớn, được chuẩn bị bởi cộng đoàn Giáo Hội địa phương để trở nên môn đệ
Chúa Kitô.
Cũng không nên đánh giá thấp việc giải tội cá nhân hay
thăm viếng cùng xức dầu bệnh nhân, một nhiệm tích đã được thiết lập đặc biệt
cho họ. Giữa những trách vụ giám mục, còn phải làm nổi bật sự ân cần mời gọi
nên thánh trong bậc hôn nhân. Điều đó được thể hiện qua trung gian các cha xứ
đã đành, nhưng trên phương diện cá nhân, giám mục cũng phải chủ tọa, khi có thể
được, các lễ cưới và chúc lành cho họ.
Dĩ nhiên, với tư cách cộng sự viên của giám mục, các
linh mục đảm nhận phần lớn những sứ vụ đó. Tuy nhiên, sự cam kết có tính cách
cá nhân của vị mục tử giáo phận trong việc cử hành các bí tích sẽ nêu gương tốt
cho cộng đoàn dân Chúa mà ngài được phó thác, đối với giáo dân cũng như linh
mục. Đối với tất cả mọi người, đó là biểu hiệu rõ rệt nhất của sự liên kết giữa
ngài với Chúa Kitô đang hiện diện và tác động qua tất cả những nghi lễ nhiệm
tích.
Chính Chúa Kitô muốn chúng ta trở nên những khí cụ của
công trình cứu chuộc mà Ngài thực hiện qua các bí tích của Giáo Hội. Rõ ràng
trong những dấu ấn hữu hiệu của ân sủng, với đôi mắt của tâm hồn, người ta nhìn
ra bộ mặt của Chúa Kitô, Chúa Cứu Thế từ bi và Mục Tử Nhân Hậu. Một giám mục
khi đích thân cử hành các nhiệm tích hiển nhiên xuất hiện trước mọi người như
là biểu tượng của Chúa Kitô luôn sống động và hoạt động trong Giáo Hội
Ngài.
5.- Những cuộc thăm viếng mục vụ
Như tôi đã nhắc lại trên đây, tôi đến tòa giám mục
thường xuyên để làm việc, nhưng một cách đặc biệt, tôi ưa thính những cuộc thăm
viếng mục vụ hơn. Điều đó làm cho tôi hài lòng nhiều lắm bởi vì khiến tôi có
thể giao tiếp thẳng với các cá nhân. Lúc đó tôi có cảm tưởng một cách mạnh mẽ
hơn là tôi đã “đào luyện” họ.
Những linh mục và giáo dân tìm gặp tôi, những gia
đình, những người già trẻ, những kẻ khỏe mạnh cũng như đau yếu, những cha mẹ và
con cái cùng với những khó khăn của họ: tất cả đã đến với mọi lý do. Đời sống
là như vậy đó.
Tôi nhớ rất rõ cuộc thăm viếng mục vụ đầu tiên của tôi
ở Mucharz, gần Wadovice. Ở đó có một cha xứ già nua, một linh mục rất
được kính trọng, một giáo sĩ cao cấp. Tên ngài là Józef Motyka. Ngài
biết đó là cuộc thăm viếng mục vụ đầu tiên của tôi và ngài tỏ ra xúc động. Ngài
nói: đối với ngài, có lẽ đó là lần cuối cùng.
Ngài cho biết ngài có thể làm hướng dẫn viên cho tôi.
Cuộc thăm viếng suốt cả địa hạt đó kéo dài hai tháng – tháng năm và tháng sáu.
Sau những tháng hè, tôi thăm viếng địa hạt nguyên khởi, đó là địa hạt
Wadowice.
Những cuộc thăm viếng mục vụ xảy ra vào mùa xuân và
mùa thu. Tôi không có thời giờ thăm viếng hết trên ba trăm giáo xứ (mặc dù tôi
lưu lại đó trong hai mươi năm trên cương vị giám mục mà cũng không có thời giờ
thăm viếng hết).
Tôi nhớ lại giáo xứ cuối cùng của Tổng Giáo Phận
Cracovie mà tôi thăm viếng là giáo xứ Thánh Giuse ở Zlote Lany, trong
một khu gia cư ở Bielsko-Biala. Trong thành phố đó, cha Jósef Sanak là
cha sở giáo xứ Chúa Quan Phòng mà tôi đã nghỉ qua đêm.
Sau cuộc thăm viếng đó trở về, tôi đã dâng Thánh Lễ
cầu hồn cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I vừa mới qua đời và sau đó tôi đến
Varsovie tham gia những công việc của hội đồng giám mục rồi đi Roma…mà không
mảy may có chút ý nghĩ là tôi phải ở lại đó mãi mãi.
Những cuộc thăm viếng mục vụ của tôi kéo dài khá lâu:
có lẽ vì thế mà tôi không có thời giờ thăm viếng hết các giáo xứ.
Quả thật có một mô hình cổ truyền theo đó tôi đã khởi
đầu ở Mucharz, như tôi đã nhắc nhở trên đây. Vị giáo sĩ già nua mà tôi gặp gỡ
đã trở nên hướng dẫn viên quí báu cho tôi trong lãnh vực đó.
Nhưng về sau, do những kinh nghiệm thu thập dần dần,
tôi nhận thấy cần đem vào những sự đổi mới. Tính cách nặng nề về pháp lý mà
trưóc kia người ta đưa vào trong cuộc thăm viếng không làm tôi thích thú mấy.
Tôi muốn đem nội dung mục vụ vào càng nhiều càng tốt.
Vì vậy tôi thiết lập một sơ đồ. Cuộc thăm viếng luôn
luôn bắt đầu bằng một nghi thức chào mừng mà nhiều người và nhiều nhóm khác
nhau tham dự: người lớn, giới trẻ và con nít. Kế đó, tôi được đón vào nhà thờ
để đọc một diễn văn với chủ tâm thiết lập một nhịp cầu giao tiếp đầu tiên với
mọi người. Ngày kế tiếp, trước tiên tôi ngồi tòa giải tội một hai tiếng đồng
hồ, tùy theo hoàn cảnh, để đón tiếp những hối nhân.
Tiếp đến là Thánh Lễ và những cuộc thăm viếng các tư
gia, trước hết là những nhà có người đau yếu, nhưng không loại trừ những người
khác. Rủi thay những người Cộng Sản không cho phép tôi vào các bệnh viện thăm
viếng. Các bệnh nhân được mang tới nhà thờ để tôi gặp gỡ họ. Nhân vật trong
giáo phận đảm trách việc đưa các bệnh nhân thăm viếng như thế là nữ tì của Chúa
Hanna Chrzanowska.
Tôi luôn có một ý thức rõ rệt về sự đóng góp chủ yếu
mà các người đau khổ mang đến trong đời sống Giáo Hội. Tôi nhớ lại, trong những
cuộc gặp gỡ đầu tiên, các bệnh nhân đã làm cho tôi rụt rè e sợ. Phải có một mức
độ can đảm khá cao mới có thể đứng trước những người chịu đớn đau và theo một ý
nghĩa nào đó, đi vào trong sự đau khổ thể xác lẫn tâm thần của họ, mà không để
cho mình bị ảnh hưởng bởi sự kiện đó, bằng cách chứng tỏ ít nhất là một chút
lòng trắc ẩn trìu mến.
Về sau nầy tôi đã khám phá ra ý nghĩa thâm sâu của
huyền nhiệm về sự khổ đau nhân loại. Trong sự yếu kém của các bệnh nhân, tôi
luôn nhận thấy xuất hiện rõ ràng hơn sức mạnh của lòng trắc ẩn. Theo một ý
nghĩa nào đó, bệnh nhân “khơi động” lòng trắc ẩn. Qua lời cầu nguyện và bằng sự
dâng hiến, không những họ nhận được sự trắc ẩn, mà họ còn tạo ra “không gian
của lòng trắc ẩn”, hay đúng hơn họ “mở ra những không gian” cho lòng trắc ẩn.
Thật thế, qua bệnh hoạn và sự khổ đau, họ khơi dậy những hành vi trắc ẩn và
mang lại một sự thực hiện có thể có được.
Trong những cuộc thăm viếng mục vụ, tôi cũng cử hành
những bí tích: tôi ban phép thêm sức cho người lớn và làm phép cưới cho những
đôi tân hôn.
Và rồi tôi đã gặp gỡ riêng rẽ những nhóm người khác
nhau, chẳng hạn giới trẻ, những giáo viên, những nhân viên làm việc cho các
giáo xứ. Cũng có một cuộc gặp gỡ đặc biệt ở trong nhà thờ với tất cả các đôi
hôn phối: bắt đầu bằng Thánh Lễ và kết thúc bằng một phép lành đặc biệt, ban
cho từng đôi riêng biệt.
Trong những cuộc gặp gỡ như thế, hiển nhiên có một bài
giảng dành riêng cho các đôi hôn phối. Tôi luôn cảm thấy một sự xúc động đặc
biệt khi gặp gỡ các gia đình đông con, cũng như những bà mẹ đang trông chờ ngày
sinh đẻ. Tôi muốn tỏ bày sự quí mến của tôi đối với tình mẫu tử cũng như tình
phụ tử.
Từ khi bắt đầu làm linh mục, tôi đã vun đắp một sự cam
kết mục vụ đối với những đôi hôn phối và các gia đình. Trong tư cách tuyên úy
đại học, tôi có thói quen tổ chức những khóa dự bị hôn nhân và sau nầy, khi làm
giám mục, tôi đã cổ võ mục vụ các gia đình.
Chính những kinh nghiệm đó, những cuộc gặp gỡ đó với
các vị hôn phu và vị hôn thê, với các đôi vợ chồng và với các gia đình mà tôi
đã cho ra đời những bi kịch có tính chất thơ như “La Boutique de l’orfèvre” (“Cửa
tiệm của người thợ kim hoàn”) hay quyển sách “Amour et responsabilité”
(“Tình yêu và trách nhiệm”) và gần đây là “La Lettre aux familles”
(“Tâm thư gởi các gia đình”).
Cũng có những cuộc gặp gỡ riêng tư với các linh mục.
Tôi muốn dành cho mỗi linh mục cơ hội để họ thổ lộ tâm tình, chia sẻ niềm vui
cũng như những ưu tư trong đời sống mục vụ của họ. Đối với tôi, những cuộc gặp
gỡ đó tự biểu lộ những cơ hội quí báu để đón nhận từ nơi các linh mục những kho
tàng khôn ngoan tích lũy qua những năm dài vất vả do hoạt động tông đồ.
Diễn tiến của cuộc thăm viếng mục vụ tùy thuộc những
đặc điểm của từng giáo xứ. Thật thế có những cảnh ngộ rất khác nhau. Cuộc thăm
viếng cộng đồng giáo xứ nhà thờ chính tòa Đức Bà Mông Triệu Thăng Thiên ở
Cracovie chẳng hạn kéo dài hai tháng, bởi vì ở đó có nhiều nhà thờ và nhà
nguyện.
Trường hợp Nowa Huta hoàn toàn khác hẳn: ở đó,
không có nhà thờ, mặc dù có nhiều ngàn cư dân: chỉ có một nhà nguyện nho nhỏ,
phụ thuộc một ngôi trường cũ. Phải lưu ý đến sự kiện nầy là chúng ta đang ở vào
thời kỳ hậu Staline và đang diễn ra cuộc đấu tranh chống tôn giáo. Trong một
“thành phố xã hội” như Nowa Huta, chính phủ không cho phép xây cất những nhà
thờ mới.
(Nowa Huta theo nguyên ngữ là “Công Nghiệp
Luyện Thép Mới”, theo thói quen dịch là ‘Thành Phố Mới”, được xây dựng năm
1950, được xem như “thành phố Cộng Sản lý tưởng”. Năm 1960, một cánh tay sắt đã
giao đấu ở giữa chính quyền và những tín đồ mong ước xây lên một nhà thờ ở đó.
Đức Tổng Giám Mục Karol Wojtyla hỗ trợ cuộc đấu tranh đó của các giáo dân và
năm 1969 đích thân ngài đến đặt viên đá đầu tiên để xây ngôi thánh đường
Bienczyce, trước sự hiện diện của năm mươi ngàn người.)
6.- Cuộc đấu tranh xây cất nhà thờ
Đúng thế, ở Cracovie-Nowa Huta đã diễn ra một trận
chiến trong việc xây cất nhà thờ. Trong khu vực đó cư ngụ hằng ngàn người dân,
phần lớn là những nhân công đến từ cả nước Ba-lan, làm việc cho đại kỹ nghệ luyện
kim. Theo dự án của chính quyền, Nowa Huta phải là một khu “xã hội” kiểu mẫu,
nghĩa là cắt đứt mọi liên hệ với Giáo Hội. Tuy nhiên không thể làm như thể
những người đó đến kiếm việc làm, có thể từ bỏ gốc rễ Công giáo của mình
được.
Trận chiến bắt đầu trong một khu gia cư rộng lớn ở Bienczyce.
Khởi đầu, sau những áp lực đầu tiên, chính quyền Cộng Sản nhượng bộ cho phép
xây nhà thờ và ngay cả cấp đất nữa. Dân chúng đã dựng lên ở đó một cây thánh
giá. Nhưng rồi giấy phép chấp thuận vào thời Đức Tổng Giám Mục Baziak đã bị rút
lại và chính quyền quyết định gỡ cây thánh giá đi. Dân chúng đã phản đối dữ
dội.
Và kết quả là một trận chiến thật sự với cảnh sát: đã
có những nạn nhân, những người bị thương. Thị trưởng đã yêu cầu “làm cho dân
chúng dịu xuống”. Đó là một trong những hành động đầu tiên của một trận chiến
lâu dài cho tự do và nhân phẩm của dân chúng đó mà số phận đã được đặt để trong
khu vực tân lập ở Cracovie.
Cuối cùng người ta đã thắng trận chiến nhưng phải trả
bằng giá của “trận giặc thần kinh” cạn kiệt. Tôi điều hành những cuộc mặc cả
với chính quyền, nhất là với ông thủ trưởng Ban Tôn Giáo tỉnh. Đó là một người
có tư cách đứng đắn trong những cuộc thảo luận nhưng đặc biệt cứng rắn và không
nhượng bộ trong những quyết định tiếp theo sau đó, và để lộ một tinh thần đầy
ác cảm.
Cha xứ là Józef Gorzelany đảm trách việc xây
nhà thờ và ngài đã thi hành sứ vụ đó cách tốt đẹp. Ngài đạt lời mời giáo dân
mỗi người mang một viên đá để xây nền móng và dựng tường là một sáng kiến mục
vụ khôn ngoan. Như thế mỗi người cảm thấy cá nhân mình dính dấp đến
việc xây đắp nền móng thánh đường mới.
Chúng tôi đã trải qua một hoàn cảnh tương tự ở trung
tâm mục vụ Mistrzejowice. Người chủ chốt của biến cố đó là linh mục quả
cảm Józef Kurzeja đã tới gặp tôi và tự nguyện đi đến khu vực đó thi hành
mục vụ. Ở đó có một ngôi nhà nhỏ mà trong đó ngài đề nghị bắt đầu dạy giáo lý
với hy vọng có thể dần dần tạo nên giáo xứ mới.
Điều đó đã xảy ra, nhưng cha Józef đã phải trả giá
bằng chính mạng sống mình cho những cuộc đấu tranh xây nhà thờ ở Mistrzejowice.
Đương đầu với những sự phiền nhiễu do chính quyền Cộng Sản gây ra, ngài đã bị
cơn biến động mạch máu não và từ trần lúc ba mươi chín tuổi đời.
Trong trận chiến xây nhà thờ Mistrzejowice, ngài được
cha Mikolaj Kuczkowski giúp đỡ. Cha nầy cũng gốc Wadowice như tôi. Tôi
nhớ lại khi còn là một luật sư, ngài đã đính hôn với Nastka, một cô gái trẻ
đẹp, chủ tịch Công Giáo Tiến Hành giới trẻ. Khi chị nầy qua đời, cha đã quyết
định làm linh mục. Năm 1039, cha vào chủng viện và bắt đầu học triết thần. Cha
học xong năm 1945.
Tôi đã có những giao tiếp rất thân thiết với cha và
cha cũng rất thương yêu tôi. Cha đã có ý “làm cho tôi nên một con người nào đó”
như người ta thường nói. Sau khi tôi được tấn phong giám mục, đích thân ngài lo
việc dọn nhà cho tôi đến ở tòa giám mục Cracovie, số 3 đường
Franciszkanska.
Tôi thường có dịp quan sát ngài đã thương yêu cha
Józef Kurzeja, cha xứ đầu tiên của Mistrzejowice, như thế nào. Về chính cha
Józef, tôi có thể nói ngài là một người đơn giản và tốt lành. (Một trong những
chị em của ngài là Nữ Tu Dòng Thánh Tâm).
Như tôi đã nói, cha Kuczkowski đã giúp đỡ cha Józef
rất nhiều trong sinh hoạt cá nhân. Và khi cha Józef qua đời, ngài đã từ chức
chưởng ấn của tòa giám mục để kế vị cha lo cho giáo xứ Mistrzejowice. Cả hai vị
đã được an táng trong hầm mộ ở dưới nhà thờ do chính họ xây cất.
Tôi có thể kể ra đây rất nhiều điều về họ. Đối với
tôi, họ nêu gương quả cảm về lòng bác ái giữa các linh mục mà, trong tư cách
giám mục, tôi đã chứng kiến và được khích lệ với nhiều ngưỡng mộ: “Người bạn
trung thành là một nơi nương tựa vững chắc, ai gặp được người bạn như thế là
gặp được kho tàng quí giá” (Hc 6, 15). Tình bạn chân
chính bắt nguồn từ Chúa Kitô: “Thầy gọi anh em là bạn hữu…” (Gio
15, 15).
Chính Đức Cha Ignacy Tokarczuk, giám mục giáo
phận kế cận là Przemysl, đã cổ động một cách hữu hiệu việc xây cất những ngôi
thánh đường trong nước Cộng Hòa Nhân Dân Ba-lan. Ngài đã xây cất các nhà thờ
bất chấp luật lệ, với giá của nhiều hy sinh và nhiều sự nhiễu nhương về phía
chính quyền Cộng Sản địa phương.
Tuy nhiên trong trường hợp của ngài, tình thế có phần
nào thuận lợi hơn, bởi vì những cộng đoàn trong giáo phận của ngài phần lớn
được làm thành bởi những làng xã và đó là môi trường ít khó khăn hơn. Thật thế,
dân chúng ở thôn quê, ngoài sự kiện họ nhạy cảm hơn đối với vấn đề tôn giáo, họ
còn ít bị công an kiểm soát chặt chẽ.
Tôi tưởng tới những cha xứ đã xây dựng những ngôi
thánh đường trong thời gian đó với lòng ngưỡng mộ và biết ơn. Lòng ngưỡng mộ
của tôi cũng lan rộng tới hết những người xây dựng thánh đường trên tất cả mọi
phần đất thế giới. Tôi luôn cố gắng hỗ trợ họ.
Những Thánh Lễ đêm Giáng Sinh cử hành lộ thiên ở Nowa
Huta, mặc dù trời lạnh đông đá, là một sự biểu lộ việc hỗ trợ đó. Trước kia tôi
cũng đã cử hành Thánh lễ như thế ở Bienczyce và cả sau đó ở Mistrzejowice cũng
như trên những ngọn đồi Krzeslawice.
Trong những cuộc mặc cả với chính quyền, điều đó đã
làm nên một luận cứ có tính cách yêu sách hơn về quyền của tín hữu được có
những điều kiện nhân bản trong các cuộc công khai biểu lộ đức tin.
Tôi đã nhắc lại điều đó bởi vì kinh nghiệm của chúng
tôi lúc bấy giờ chứng tỏ những trách vụ của một giám mục có thể đa dạng đến mức
nào. Trong những cuộc thăng trầm đó, luôn luôn vang động lại điều mà một mục tử
sống tiếp cận với đàn chiên đã được giao phó.
Tôi có thể đích thân nhận ra điều mà trong Phúc Âm đã
nói về những con chiên đi theo chủ chăn: “Chúng không theo người lạ vì chúng
nhận biết tiếng của chủ chăn. Nhưng người đó biết còn có những con chiên khác
không ở trong đàn chiên. Những con chiên đó nữa, cũng phải dẫn đưa chúng về.”
(Gio 10, 4-5, 16).
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang