ĐỨC MARIA VÀ HÀNH TRÌNH
ĐỨC TIN
K |
hi viết về Mẹ Maria, có biết bao
nhiêu từ hoa mỹ trên thế gian để nói về Mẹ, đặc biệt ngôn ngữ của tiếng việt
thường ví von : Mẹ Maria : như vầng trăng, như ánh dương, như ngôi
sao sáng, như dạ lý mùa xuân, như đóa hoa, như tháp ngà, là đền thờ Thiên Chúa
; hoặc là với những tính từ, Mẹ - kiều diễm, dịu hiền, trinh trong, khiêm nhường…
và rất nhiều từ ngữ khác diễn tả vẻ đẹp bên ngoài và bên trong của Mẹ Maria. Tuy
vậy, các từ ngữ không đủ để có thể diễn tả hết vẻ đẹp của Mẹ, một thụ tạo hoàn
mỹ mà Thiên Chúa đã tác tạo nên. Giáo Hội muôn đời luôn ca tụng Mẹ và ban tặng
Mẹ các tước hiệu qua các tín điều : Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa (431) ; Đức
Maria, Trọn Đời Đồng Trinh (649) ; Đức Maria, Vô Nhiễm Nguyên Tội (1854) ;
Đức Maria, Hồn Xác Lên Trời (1950). Trong giới hạn của bài viết này, tôi chỉ
xin đề cập đến đức tin tín thác, sâu sắc và sáng ngời của Mẹ Maria trong ba biến
cố đặc biệt của cuộc đời Mẹ qua cảm nghiệm riêng của mình.
Đức tin là một ân ban của Thiên Chúa,
một điều không thể thấy bằng mắt, nhưng chúng ta có thể cảm nhận qua cách sống
và cuộc đời của một người nào đó. Theo cách suy tư này, tôi mời các độc giả
cùng cảm nhận về Mẹ Maria qua biến cố Truyền Tin, Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa
Giê-su và biến cố Hiện Xuống.
1. Mẹ
Maria qua biến cố Truyền Tin
Mẹ Maria, con người lịch sử xuất hiện
rõ ràng trong Tân Ước mà chúng ta biết đến bắt đầu qua biến cố Truyền Tin (Lc
1, 26-38). Theo mô tả thì Maria chỉ là cô thiếu nữ, tức là chưa đến tuổi trưởng
thành, mà truyền thống Do-thái thì việc đính hôn và kết hôn dưới 18 tuổi là
bình thường chứ không như chúng ta hiện nay. Cô thiếu nữ Do-thái cũng như bao
nhiêu người khác đang trông chờ Đấng Messia, Đấng Cứu Tinh của nhân loại. Bỗng
nhiên một ngày, Thiên Thần Chúa hiện đến báo tin rằng : cô là “Đấng đầy ân sủng”,
được Thiên Chúa tuyển chọn để cưu mang “Con Thiên Chúa tối cao” mà không qua việc
thụ thai bình thường nhưng bởi “quyền năng của Chúa Thánh Thần”. Sau một lúc đối
thoại với Sứ Thần cùng việc dẫn chứng về điều kỳ dịệu mà Thiên Chúa đã làm cho
người chị họ-Êlisabet, Maria đã “xin vâng” và để Thiên Chúa thực hiện qua con
người của mình như Thiên Chúa muốn. Qua tiếng “xin vâng” này, Thiên Chúa Ngôi
Hai đã nhập thể trong cung lòng Mẹ Maria và nhập thế vào trần gian với mầm sống
hiện hữu. Tôi gọi đức tin của Mẹ Maria ở giai đoạn này là “Đức tin phó thác”,
phó thác vào kế hoạch của Thiên Chúa và khiêm tốn đón nhận những gì Thiên Chúa
gởi đến, chúng ta có thể cảm nhận được qua bài ca Magnificat của Mẹ. Đến đây
tôi mạn phép để gọi Mẹ Maria là người Ki-tô hữu đầu tiên, theo nghĩa là người
tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, vì Mẹ là người đầu tiên tin vào sự xuất hiện của
Ngôi Hai, Đấng Messia đến trên trần gian.
Đức tin phó thác của Mẹ Maria chắc chắn
được tôi luyện, trở nên sâu sắc và xác tín qua các biến cố lớn nhỏ khi sống
cùng với Chúa Giê-su, khi thất lạc con trong Đền Thánh, khi nghe những câu nói
xem ra phủ phàng của Chúa Giê-su, tại tiệc cưới Ca-na, và khi nghe hoặc chứng
kiến các phép lạ mà Chúa Giê-su đã làm trong 3 năm cuối của Ngài.
2. Mẹ
Maria trong Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giê-su
Tôi đã dành cả một buổi sáng thứ sáu
tuần thánh để đọc bài thương khó của Chúa Giê-su trong Tin Mừng Thánh Gioan, và
tự nhiên tôi nhớ đến Mẹ và tìm kiếm các chi tiết nói về Mẹ Maria. Dù Tin Mừng
không nói về Mẹ trong cuộc hành trình bị nộp và xử án của Chúa Giê-su, có thể
do Chúa Giê-su bị bắt trong đêm và Tin Mừng tập trung vào Cuộc Thương Khó của
Chúa hơn là những chi tiết khác, nhưng trong đêm mà các môn đệ trốn chạy, chắc
chắn Đức Mẹ cũng sẽ biết tin tức về con của mình. Tôi tin rằng Mẹ cũng đồng
hành với con của mình cách thầm lặng bên cạnh các phụ nữ đạo đức và giữa những
người đang la hét muốn đóng đinh Chúa Giê-su. Trong các chặng đàng thánh giá[1],
có chặng thứ tư: “Chúa Giê-su gặp Mẹ Maria”, tuy không có Tin Mừng nào nhắc đến
chi tiết này, nhưng không ai phản đối việc Mẹ có thể đã gặp con của mình trên
con đường khổ nạn ấy, vì thế người ta thêm vào trong chặng đàng thánh giá cũng
là hợp lý.
Theo Tin Mừng Gioan, Mẹ xuất hiện cuối
cùng của cuộc thương khó: “Đứng gần thập
giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a, vợ ông
Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la” (Ga 19, 26). Cuộc gặp gỡ dưới cây
thập giá với lời trao phó của Chúa Giê-su: “thưa
Bà, đây là con của Bà”, “đây là mẹ của
anh” (Ga, 19, 26b, 27a). Với lời trao phó này, Mẹ trở nên Mẹ của chúng ta,
của Hội Thánh, điều này cũng cho chúng ta thấy rằng, sự hiện diện của Mẹ rất
quan trọng trong đời sống Giáo Hội và của cá nhân mỗi người chúng ta. Giờ phút
nhìn con của mình trút hơi thở trên thập giá, ngoài nỗi đau tận cùng được giấu
kín, Mẹ như hiên ngang để tiếp nhận Gioan qua lời trao phó của Chúa Giê-su.
Thánh sử không mô tả Mẹ khóc lóc thảm thiết hay gục ngã, nhưng là “đứng dưới
chân thập giá”. Tư thế đứng ấy nói lên sự kiên cường và niềm tin của Mẹ, và Mẹ
tin rằng “giờ của Chúa Giê-su đã đến”. Trong tiệc cưới Ca-na những năm trước
đó, khi Mẹ nói với Chúa Giê-su: “họ hết
rượu rồi”, thì Chúa dửng dưng nói với Mẹ: “giờ tôi chưa đến, việc gì đến bà”. Nhưng lúc này đây, Mẹ không cần
hỏi, Chúa Giê-su cũng không cần giải thích, Chúa Giê-su và Mẹ Maria đều hiểu rằng
“giờ đã đến”, giờ tôn vinh Thiên Chúa Cha và giờ cứu rỗi con người đã đến, giờ
giao hòa trời và đất, giờ của sự thứ tha đã đến.
Từ ngày Truyền Tin đến cuộc thương
khó là 33 năm, đức tin của Mẹ cũng đã được lớn dần khi sống cùng với Chúa
Giê-su, khi nghe lời Chúa giảng dạy, nhìn thấy các phép lạ Chúa làm, Mẹ đã thấu
hiểu và suy niệm trong lòng. Thật khó để diễn tả đức tin của Mẹ qua nỗi đau mất
con này, nhưng tôi tin chắc rằng Mẹ đầy ân sủng của Chúa, có thể thấu hiểu mầu
nhiệm thập giá này qua những năm tháng sống cùng với Chúa Giê-su, nghe lời Chúa
giảng dạy và suy niệm trong lòng. Mẹ đứng đó, cùng với con mình, thông chia sự
đau đớn. Cuộc thương khó của Chúa Giê-su cũng chính là cuộc thương khó của Mẹ,
vì thế Mẹ đứng dưới chân thập giá và đón nhận lời trăn trối của Chúa Giê-su cho
một sự tiếp nối, chứ không phải một sự chấm hết qua cái chết.
Vì thế, trong biến cố phục sinh, Tin
Mừng không nói đến việc Chúa Giê-su hiện ra với Mẹ Maria, trong khi đó Chúa
Giê-su Phục Sinh hiện ra với bà Ma-ri-a Mác-da-la, với hai môn đệ trên đường
Em-mau, với tất cả các tông đồ. Các cuộc hiện ra của Chúa Giê-su không đều
không nhắc gì đến Mẹ. Chính điều này làm cho chúng ta thêm xác tín hơn rằng, niềm
tin của Mẹ thật vững chắc, niềm hy vọng vững vàng. Mẹ không nghi ngờ, không mất
niềm tin, không đặt nghi vấn như những người đi theo Chúa, Mẹ không thấy cái chết
thì thất vọng. Vì thế, việc hiện ra sau phục sinh của Chúa Giê-su có lẽ không cần
thiết với Mẹ, nhưng lại cần thiết để củng cố đức tin cho các môn đệ và những
người Ngài cần đến cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Về phần Mẹ, Mẹ tin vào lời giảng
dạy của Chúa Giê-su khi còn sống, và tin vào chính Người Con của mình.
3. Mẹ
Maria qua biến cố Hiện Xuống
Chúng ta lại được gặp Mẹ lần nữa
trong Nhà Tiệc Ly sau biến cố phục sinh, đây là lần xuất hiện cuối cùng của Mẹ
trong Tân Ước với tư cách con người thật. Mẹ đang cầu nguyện trong căn phòng
đóng kín cùng với các tông đồ và một số người khác : “Tất cả các ông đều đồng tam nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy
người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của của Ngài …
Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra
một tiếng động như tiếng gió mạnh vào đầy cả căn nhà nơi họ đang tụ họp. Rồi họ
thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lửa tản ra đậu xuống từng người một.
Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác,
tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho”. (Cv 1,14 ; 2,1-4).
Qua đoạn Lời Chúa đặc biệt trên, một lần
nữa cho thấy sự hiện diện của Mẹ Maria rất quan trọng đối với Giáo Hội và mỗi
người chúng ta trong đời sống đức tin và sứ vụ loan báo Tin Mừng. Hình ảnh các
tông đồ họp nhau cầu nguyện cùng với Mẹ Maria và hình ảnh “lưỡi lửa” của Thánh
Thần đến trên từng người, cho chúng ta thấy chiều kích cầu nguyện trong đời sống
Giáo Hội. Đức tin, lời cầu nguyện và ơn Thánh Thần luôn liên kết chặt chẽ và
không tách rời, cả ba tạo ra hiệu quả của các hoặt động. Ở đây, Mẹ Maria là hậu
phương vững chắc, lời cầu nguyện của Mẹ cùng với ơn Thánh Thần giúp sức cho các
Tông Đồ mạnh mẽ bước ra khỏi phòng Tiệc ly để đem Tin Vui đến khắp mọi nơi. Mẹ
Maria là Mẹ Hội Thánh khi đứng dưới cây thánh giá, và Mẹ là người đỡ đầu của
Giáo Hội trong ngày lễ Ngũ Tuần và mãi về sau. Nhiều người xem Mẹ là vị ẩn tu đầu
tiên của Giáo Hội. Vì sau biến cố này, Mẹ ẩn khuất trong thinh lặng, đi vào
trong sự kiết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su và hiệp thông với Chúa Thánh Thần
trong đời sống cầu nguyện.
Như vậy, Mẹ Maria đã hiện diện vào ba
thời điểm chủ chốt của Mầu Nhiệm Ki-tô giáo và của Giáo Hội : Mầu nhiệm Nhập Thể,
Mầu nhiệm Vượt Qua và lễ Ngũ Tuần. Mẹ Maria và Chúa Thánh Thần có một sự liên kết
rõ ràng, mật thiết đó chính là Chúa Giê-su, vì cả hai cùng sinh ra con người lịch
sử là Chúa Giê-su. Điều này được khẳng định trong kinh Tin Kính : “Ðức Giêsu đã nhập
thể trong lòng Ðức Trinh Nữ Maria
bởi phép Chúa Thánh Thần”. Cưu mang
Chúa Giê-su trong lòng, sống với Chúa trong 30 năm, nghe lời Ngài giảng dạy suốt
3 năm của sứ vụ công khai, ắt hẳn Mẹ Maria đã chiêm nghiệm những gì Thiên Chúa
đã làm trong cuộc đời Mẹ và tin một cách sâu sắc vào Người Con của mình là Đấng
Thiên Sai, Đấng Cứu Độ thế gian.
Đức
tin của của người Ki-tô hữu vào Chúa Giê-su Ki-tô nhưng luôn gắn kết với Mẹ
Maria, Mẹ là người dẫn đưa chúng ta đến với Chúa cách dễ dàng và hiệu quả nhất.
Chắc chắn Chúa Giê-su luôn cần đến Mẹ để tiếp tục nâng đỡ và hướng dẫn con cái
đi trong thánh ý của Thiên Chúa, vì chính Ngài đã trao Mẹ cho chúng ta dưới
chân thập giá, cũng như đã trao Thần Khí cho Mẹ để Mẹ nâng đỡ chúng ta trên cuộc
sống dương thế này. Học nơi Mẹ Maria, đức tin của chúng ta vào Chúa Giê-su
Ki-tô cũng phải được lớn lên mỗi ngày qua cầu nguyện và qua lòng tin tưởng phó
thác vào Thiên Chúa.
Để
kết thúc, xin mượn những câu từ của một bài hát về Mẹ mà tôi không tìm thấy tên
tác giả: “Hôm nay con muốn sống, một ngày
như Mẹ đã sống. Hôm nay con muốn đi, con đường Mẹ đã đi qua. Mẹ sống là phục vụ,
Mẹ đi để trao Giê-su. Xin cho con noi gương Mẹ, biết dấn thân phục vụ tha nhân,
yêu thương chân thành. Xin cho con noi gương Mẹ, biết xin vâng, vâng theo ý
Cha, luôn sống vị tha”.
Lạy Đức Mẹ
La-Vang, xin cầu cho chúng con!
Thụy Thiên Nga
[1] Chặng
Đàng Thánh giá là cách diễn tả lại cuộc thương khó của Chúa Giê-su theo lòng đạo
đức bình dân, giúp các tín hữu sống Mùa Chay, Tuần Thánh, hay ngày thứ sáu một
cách sốt sắng hơn. Tuy nhiên, có nhiều chặng được ngầm hiểu và thêm vào Đàng
Thánh giá mà các sự kiện ấy Tin Mừng không nhắc đến.
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang