ĐỨC GIÁO HOÀNG DANH DỰ BÊNÊĐICTÔ XVI
T |
òa Thánh Vatican thông báo Đức Giáo Hoàng Danh Dự BÊNÊĐICTÔ XVI đã từ trần hôm nay Thứ Bảy 31 tháng 12 năm 2022 lúc 9g34, hưởng dương 95 tuổi.
Ngài đắc cử Giáo Hoàng năm
2005. Sau 8 năm phục vụ cho Giáo Hội Chúa Kitô, ngày 28 tháng 02 năm 2013, Ngài
xin từ nhiệm vì vấn đề sức khỏe.
Thánh lễ an táng do Đức Thánh
Cha Phanxicô chủ tế tại Vatican ngày thứ năm 05 tháng 01 năm 2023.
Xin được
tóm tắt tiểu sử của Ngài như sau :
Đ |
ức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, tên khai sinh là Joseph Aloisius
Ratzinger sinh ngày 16 tháng 4 năm 1927 là Giáo hoàng thứ 265, từ năm 2005 đến
năm 2013. Ngài được bầu làm giáo hoàng ở tuổi 78, là người Đức thứ chín làm
giáo hoàng, trong Mật nghị Hồng y vào ngày 19 tháng 4 năm 2005.
Thánh lễ đăng quang,
có tên chính thức là Thánh lễ Khai mạc Sứ vụ Mục Tử Toàn thể Hội Thánh, được tổ
chức ngày 24 tháng 4, và nhận ngai tòa giám mục Roma tại Vương cung thánh đường
Thánh Gioan Latêranô ngày 7 tháng 5 năm 2005.
Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, sinh tại Marktl am Inn, thuộc giáo
phận Passau (Đức) ngày 16 tháng 4 năm 1927 (Thứ Bảy Tuần Thánh) và đã được rửa
tội cùng ngày. Cha của Ngài là một sĩ quan hiến binh, xuất thân từ một gia đình
nông dân lâu đời ở miền nam Bavaria, với điều kiện kinh tế rất khiêm tốn. Mẹ
của Ngài là con gái một thợ thủ công ở Rimsting.
Tuổi thơ và tuổi
thiếu niên của Ngài trôi qua êm ả ở một thị trấn nhỏ Traunstein, gần biên giới Áo, cách
Salzburg ba mươi cây số, bên bờ hồ Chiem nổi tiếng. Trong bối cảnh thanh bình
này, Ngài lớn lên với dòng âm nhạc của Mozart với ngón đàn dương cầm rất điêu
luyện, và cũng chính nơi đây, ngài nhận
được nền giáo dục căn bản về nhân bản, văn hóa và đức tin Kitô giáo.
Quãng thời gian tuổi
trẻ lại rơi vào một giai đoạn khó khăn của xã hội. Đức tin và sự giáo dục nhận
được từ gia đình đã cho Ngài một kinh nghiệm khi phải đối mặt với thời kỳ mà chế độ Quốc xã duy trì bầu không khí thù địch
mạnh mẽ chống lại Giáo hội Công giáo. Chàng trai trẻ Joseph
đã có
lần phải chứng kiến cảnh lính
Đức quốc xã đánh đập linh mục
giáo xứ của mình ngay trước khi cử hành Thánh lễ.
Chính trong hoàn cảnh
phức tạp này, Ngài đã khám phá ra vẻ đẹp và chân lý nơi Chúa Kitô; gia đình là
nền tảng và là tấm gương sáng chói về lòng tốt và hy vọng, ý thức về việc gắn
bó với Giáo hội trong mọi hoàn cảnh..
Trong những tháng
cuối cùng của Chiến tranh thế giới thứ hai, Ngài bị gọi nhập ngũ phục vụ với tư
cách quân nhân dự bị trong lực lượng phòng không Đức quốc xã
(Luftwaffenhelfer). Tuy nhiên sau đó ngài đào ngũ trở về gia đình khi chiến
tranh gần kết thúc, song đã bị quân
Đồng Minh bắt giữ làm tù binh chiến tranh trong một thời gian rất ngắn trong
năm 1945.
Sau khi hồi hương,
hai anh em Ngài đã gia nhập
Chủng viện Thánh Micae ở Traunstein, sau đó theo học tại Đại học Ludwig-Maximilian
ở Munich.
Từ năm 1946 đến năm
1951, Ngài học triết học và thần học tại Viện Cao học Freising và tại Đại học
München.
Ngài thụ phong linh
mục cùng
với anh trai mình ngày 29 tháng 6
năm 1951 bởi Đức Hồng y Michael von
Faulhaber Munich.
Năm sau, Ngài bắt đầu
giảng dạy tại Viện Cao học Freising.
Năm 1953, Ngài lấy
bằng tiến sĩ thần học với luận án mang tên : “Dân Chúa và Nhà Chúa trong
tư tưởng của Thánh Augustinô về Giáo hội”.
Bốn năm sau, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Thần học Cơ bản nổi tiếng Gottlieb Söhngen, linh mục Joseph Ratzinger lấy được “chứng chỉ giảng dạy” (habilitation à l'enseignement) với luận án về “Thần học Lịch sử theo Thánh Bonaventura”.
Trong lúc giảng dạy
với chức vụ giáo sư thần học tín lý và cơ bản tại Viện Triết học và Thần học
cấp cao ở Freising, Ngài cũng giảng dạy tại Bonn, từ năm 1959 đến năm 1963 ở
Münster, và ở Tübingen, từ năm 1966 đến năm 1969. Vào cuối năm 1969, Ngài nhận
ghế giáo sư về Tín lý-Tín điều và lịch sử
Tín điều tại Đại học Regensburg, nơi Ngài cũng từng là phó hiệu trưởng của
trường.
Từ năm 1962 đến năm
1965, Ngài đã có những đóng góp đáng kể cho Công đồng Vatican II với tư cách là
một chuyên gia và hỗ trợ Đức Hồng Y Joseph Frings, Tổng Giám mục Cologne, với
tư cách là Cố vấn Thần học.
Những Hoạt động khoa học và
trí thức khiến Ngài phải đảm nhận thêm những trách nhiệm quan trọng trong Hội đồng
Giám mục Đức và Ủy ban Thần học Quốc tế.
Năm 1972, cùng với
Hans Urs von Balthasar, Henri de Lubac và các nhà thần học vĩ đại khác, Ngài
cho ra mắt tạp chí thần học “Communio”.
Ngày 25 tháng 3 năm
1977, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục München và
Freising. Ngài thụ phong giám mục ngày 28 tháng 5. Ngài là linh mục giáo phận
đầu tiên đảm nhận trách nhiệm mục vụ của giáo phận Bavaria vĩ đại này trong 60
năm. Phương châm giám mục của ngài là : “Cộng tác viên của
sự thật”. Nhân dịp này, chính Ngài đã giải thích: “Đối với tôi, dường như điều
đó nhấn mạnh mối liên hệ giữa công việc giảng dạy của tôi và sứ mệnh mới của
tôi. Nếu các hoạt động khác nhau, thì thực tế vẫn là điều đang bị đe dọa là
luôn tuân theo sự thật và phục vụ sự thật. Mặt khác, tôi chọn phương châm này
bởi vì, trong thế giới ngày nay, chúng ta gần như hoàn toàn quên mất chủ đề về
sự thật, nó dường như quá cao cả đối với con người, tuy nhiên, nếu sự thật cạn
kiệt, mọi thứ sẽ sụp đổ”.
Đức Phaolô VI đã tấn
phong ngài làm Hồng y tại Công nghị
viện vào ngày 27 tháng 6 năm 1977 với tước hiệu “Santa Maria Consolatrice al
Tiburtino”.
Năm 1978, Ngài tham
gia Mật nghị được tổ chức từ ngày 25 đến 26 tháng 8 và đã bầu Đức Gioan Phaolô
I. Sau đó Ngài được chính Đức Gioan Phaolô I bổ nhiệm làm Đặc sứ tại Đại hội
Thánh Mẫu học Quốc tế lần thứ III tổ chức tại Guayaquil (Ecuador) từ ngày 16 đến
24 tháng 9.
Vào tháng 10 cùng
năm, Ngài lại tham gia Mật nghị bầu chọn Đức Gioan Phaolô II.
Ngài là báo cáo viên
cho Đại hội đồng Thường kỳ lần thứ V của Thượng Hội đồng Giám mục, được tổ chức
vào năm 1980, với chủ đề: “Sứ vụ của gia đình Kitô hữu trong thế giới đương
đại”. Ngài là Chủ tịch đại biểu của Đại hội đồng thường kỳ lần thứ 6, được tổ
chức vào năm 1983, về “Hòa giải và sám hối trong sứ mệnh của Giáo hội”.
Đức Gioan Phaolô II
bổ nhiệm Ngài làm Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin và Chủ Tịch Ủy Ban Giáo
Hoàng về Thánh Kinh cũng như Ủy Ban Thần Học Quốc Tế vào ngày 25 tháng 11
năm 1981. Ngày 15-2-1982, ngài từ giã Tổng giáo phận München và Freising để về
làm việc tại Rôma.
Ngày 5 tháng 4 năm
1993, Đức Gioan Phaolô II đã nâng ngài lên hàng Hồng y-Giám mục trông coi vùng
ngoại ô Velletri-Segni.
Ngài là Chủ tịch của
ủy ban chuẩn bị Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo và sau sáu năm làm việc
(1986-1992), Ngài đã hoàn thành và trình bày “Sách Giáo lý của Giáo hội
Công giáo” mới cho Đức Thánh Cha.
Ngày 6 tháng 11 năm
1998, Đức Thánh Cha đã phê chuẩn việc bầu chọn Đức Hồng Y Ratzinger làm Phó
Niên Trưởng Hồng Y Đoàn,
một cuộc bầu cử do các Hồng Y-Giám Mục thực hiện. Ngày 30 tháng 11 năm 2002,
Ngài được bầu làm Niên Trưởng Hồng Y Đoàn. Với trách nhiệm
mới này, Ngài được trao tước hiệu Hồng Y
Ostia, một trong 7 vùng chỉ dành cho các vị hồng y giữ chức vụ niên
trưởng Hồng y Đoàn
Năm 1999, ngài là đặc
phái viên của Đức Thánh Cha tham dự các lễ kỷ niệm vào ngày 3 tháng 1, đánh dấu
120 năm thành lập giáo phận Paderborn, Đức.
Ngày 13 tháng 11 năm
2000, Ngài trở thành Viện sĩ danh dự của Giáo hoàng Hàn lâm Khoa học.
Trong Giáo triều
Rôma, Ngài là thành viên của Hội đồng Hồng y và Giám mục của Phủ Quốc vụ khanh,
đặc trách Quan hệ với các Quốc gia trên thế giới; thành viên của các Thánh bộ
sau: Thánh bộ Giáo hội Đông phương, Thánh bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Thánh
bộ Giám mục, Thánh bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, Thánh bộ Giáo dục Công
giáo, Thánh bộ Giáo sĩ và Thánh bộ Phong Thánh. Ngài cũng là thành viên của Hội
đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô giáo và là thành viên của Hội đồng Giáo
hoàng về Văn hóa; thành viên của Toà án Tông đồ; và cả Ủy ban Giáo hoàng về
Châu Mỹ Latinh, “Ecclesia Dei”, về Giải thích Xác thực Bộ Giáo luật, và Sửa đổi
Bộ Giáo luật của các Giáo hội Đông phương.
Trong số nhiều ấn
phẩm của Ngài : cuốn "Dẫn đến Kitô giáo" chiếm một vị trí đặc biệt,
tổng hợp những bài thuyết trình của ngài trong các khóa học đại học xuất bản
năm 1968 về việc tuyên xưng đức tin tông đồ; cuốn “Tín điều và Giảng thuyết” là
một tuyển tập các bài tiểu luận, bài giảng và suy tư về chăm sóc mục vụ.
Bài phát biểu của
Ngài trước Học viện Công giáo Bavaria, với chủ đề “Tại sao tôi tiếp tục sống
bất chấp mọi thứ trong Giáo hội ?”, đã nhận được một tiếng vang rộng rãi. Ngài
khẳng định ở đó với sự rõ ràng thường thấy của mình rằng “chỉ trong Giáo hội,
người ta mới có thể là Kitô hữu chứ không phải ở bên cạnh Giáo hội”.
Trong những năm qua, các
ấn phẩm phong phú của Ngài đã tiếp tục
cung cấp cho những ai muốn đào sâu thần học, một nơi để tham chiếu và
tham khảo chắc chắn. Năm 1985, Ngài xuất bản cuốn sách được thực hiện dưới
dạng phỏng vấn “Báo cáo về Đức tin” và năm 1996, “Muối cho Đời” đã thu hút sự
quan tâm của độc giả trên toàn thế giới. Nhân dịp sinh nhật lần thứ bảy mươi,
cuốn sách “Trong trường học của chân lý” đã thu thập những suy tư của nhiều tác
giả, những người đã nêu bật những khía cạnh khác nhau trong tính cách và tác
phẩm của Ngài.
Ngài đã nhận được
nhiều bằng tiến sĩ danh dự : từ Đại học Saint-Thomas, Saint-Paul (Minnesota, Hoa
Kỳ) năm 1984; từ Đại học Công giáo Eichstätt (Đức), năm 1987; từ Đại học Công
giáo Lima (Peru), năm 1986; từ Đại học Công giáo Lublin (Ba Lan), năm 1988; từ
Đại học Navarre (Pamplona, Tây Ban Nha), năm 1998; từ Đại học Tự do
Santissima Maria Assunta (LUMSA, Rome), năm 1999; từ Khoa Thần học của Đại học
Wroclaw (Ba Lan), năm 2000.
Mặc dù
đã nhiều lần cố gắng xin được chuyển giao quyền và rút lui vào hậu
trường để chỉ lo chuyên sâu về học thuật, nhưng Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô
đệ nhị lúc bấy giờ đã từ chối và yêu cầu Đức Hồng Y Joseph Ratzinger ở lại và
giữ nguyên vị trí, giữ chức Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đến lúc Thánh
Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị qua đời.
Với tư cách là niên trưởng Hồng Y đoàn,
Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã chủ trì mọi nghi thức tẩm liệm và an táng cho
Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị
Mật nghị bầu giáo hoàng sau đó chỉ kéo dài hai ngày, và vào ngày 19 tháng 4 năm 2005, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã trở thành giáo hoàng thứ 265. Ngài chọn danh hiệu là Bênêđictô XVI, để tiếp nối tôn chỉ của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV là mang thông điệp Chúa Kitô đến trong một thế giới đầy hỗn loạn (về Đức Tin Công Giáo) và sống theo linh đạo của Thánh Bênêđictô vùng Nursie, đấng sáng lập dòng Biển Đức nổi tiếng của châu Âu.
Sau gần 8 năm làm giáo hoàng, ngày 11
tháng 2 năm 2013, Đức Bênêđictô XVI tuyên bố rằng ngài sẽ từ chức với lý do là
: ‘‘Sức khoẻ, tuổi già của tôi không còn
phù hợp với những gánh nặng cuả sứ vụ giáo hoàng’’.
Kể từ ngày chính thức từ bỏ sứ vụ giáo
hoàng, ngày 28 tháng 2 năm 2013, ngài mang tước hiệu "Đức Bênêđictô XVI,
Giáo hoàng Danh dự".
Lời cuối cùng của Đức Bênêđictô XVI : Lạy
Chúa, con yêu mến Ngài !
Những lời cuối cùng của Đức Bênêđictô
XVI đã
được vị thư ký của Ngài là Đức TGM Georg Gänswein kể lại trong niềm xúc động
dạt dào :
‘‘Đức Thánh Cha Benedict nói thì thầm, nhưng theo một cách dễ nhận biết và rõ
ràng, Ngài nói bằng tiếng Ý: “Signore, Ti amo!” (Lạy Chúa, con yêu mến Ngài!)’’.
Đó là khoảng 3 giờ sáng ngày 31 tháng
12, vài giờ trước khi Ngài qua đời.
Vâng, Lạy Chúa, con yêu mến Ngài !
Những lời ấy như một bản tóm tắt toàn bộ
cuộc sống của Đức Bênêđictô XVI, vì chính Ngài đã dành cả cuộc đời để chuẩn bị cho
chính mình giây phút cuối cùng này : cuộc gặp gỡ mặt giáp
mặt với
Đấng Tạo Hóa Tối Cao.
Và ngày thứ 5 mùng 5 tháng 1 năm 2023,
lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo, một giáo hoàng đương nhiệm sẽ cử
hành nghi thức và thánh lễ an táng cho vị tiền nhiệm của mình.
Công Bình
__________________________________________
Tài liệu tham khảo:
- https://eglise.catholique.fr/
- https://www.vaticannews.va/
Bài viết khác
ĐỨC TÂN GIÁM MỤC ĐA MINH NGUYỄN TUẤN ANH - Lê Đình Thông
Con Số Linh Mục được truyền chức tại Pháp năm 2024 và 4 Linh Mục Việt Nam - Công Bình
Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski làm Đại diện Toà Thánh Vatican thường trú tại Việt Nam - HĐGMVN
Thánh Đa Minh và 11 Thánh Tử Đạo Đa Minh Tây Ban Nha tại Việt Nam - Công Bình
Thánh Lễ Khai Mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục - Lê Đình Thông
Một số Tín Hữu Người Việt Từ Paris tham dự Gặp Gỡ Địa Trung Hải - Lê Đình Thông
23/09/2023 : ĐTC Phanxicô Kết Lễ Tại Vélodrome Marseille - Lê Đình Thông
Mater Coeli ĐTC Phanxicô cử hành Thánh Lễ tại Steppe Arena (Oulan-Bator) - Lê Đình Thông
Hình Đại Hội Hành Hương Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Lộ Đức 2023 - Ban Nhiếp ảnh
Vidéo : Đại Hội Hành Hương Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Lộ Đức 2023 - Huy Quyên
Nữ Vương Tử Đạo Regina Martyrum - Lê Đinh Thông
ĐTC PHANXICÔ LẦN CHUỖI TẠI FATIMA - Lê Đinh Thông
Chúc Mừng Hai Tân Linh Mục Antôn Nguyễn Đại Lợi và Phêrô Hoàng Mạc Văn - Công Bình
Thánh Lễ Truyền chức của Tân Linh Mục Giuse Lê Quang Vinh SJ thứ bảy 06/05/2023 - Công Bình
Bổ Nhiệm Linh Mục Giuse Huỳnh Văn Sỹ làm Giám Mục Chính Toà Giáo Phận Nha Trang
Biên Bản Hội nghị thường niên kỳ I năm 2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam
Bổ Nhiệm Giám Mục Chính Toà Giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám Mục Phó Giáo Phận Cần Thơ - HĐGMVN
Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ : 90 Năm hiện diện tại Việt Nam - Lê Đình Thông