Giang Minh Đức
Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh
Một đời Tận Hiến
Ơn Gọi từ trong gia đình … (1935-1947)
Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh sinh ngày 15 tháng 12 năm 1935 tại xứ Thượng Chiểu, hạt Ba Làng, giáo phận Thanh Hóa. Ngài xuất thân trong một gia đình nông dân công giáo bình dân, đạo đức, thanh bần và chất phác gồm bố mẹ với 6 anh em, 3 trai và 3 gái.
Mẹ ngài hành nghề buôn bán nuôi sống gia đình. Khác với chồng, cụ bà tuy là người Kitô giáo chính gốc bén rễ thực thụ nhưng lại không muốn cho con cái đi tu vì bà có quan niệm : "Đi tu là ăn cơm nhà Đức Chúa Trời.
Nếu tu không thành, ắt phải mắc nợ nhà Đức Chúa Trời, làm sao đền trả ?..."
Bố ngài làm nghề
nông, tuy không biết chữ nghĩa nhiều nhưng rất thanh liêm, bộc trực và thương
người. Cụ ông thường hay giúp kẻ đói khổ, được người dân trong làng kính trọng
và tín nhiệm làm "Trùm" trong suốt mấy chục năm trời. Có những gia
đình nông dân nghèo làm ruộng cực nhọc, vất vả lại không có bò để cày, cụ biết
chuyện, mang bò đến cày bừa giúp đỡ cách tận tình và nhưng không. Mỗi khi cần
viết lách thư từ hay lo giấy tờ thủ tục hành chánh thì cụ nhờ người bà con hàng
xóm viết giùm. Trong gia đình, cụ thường khuyến khích và dạy bảo con cái luôn
ăn ở ngay thẳng, sống đạo mẫu mực và vâng theo Thánh Ý Chúa.
Người anh cả của ngài rất tốt bụng, thích năng nổ hoạt động xã hội và hết lòng thương yêu các em. Lớn lên, ông từng là một thanh niên công giáo luôn phấn đấu và hăng say làm việc tông đồ, nhất là trong phạm vi họ đạo. Ông mới vừa mất vào mùa hè năm 2014, thọ 92 tuổi.
Sau anh cả là người chị kế rất ngoan hiền và đạo dức, từ nhỏ đã có ý hướng đi tu. Có lần chị xin vào tu viện dòng Mến Thánh Giá nhưng ít ngày sau lại bị mẹ đến kéo về.
Tiếp theo chị ba là
hai anh em sinh đôi, cậu Vinh và cậu
Hinh. Tuy sinh đôi nhưng hai người lại có một điểm chõi ngược nhau: cậu
Vinh hiếu học, còn cậu Hinh chỉ thích làm công việc đồng áng. Nhưng không vì
thế mà hai anh em không biết lo lắng và đùm bọc lẫn nhau. Ngoài giờ học, hai
cậu mục đồng còn chăm lo việc ruộng nương phụ giúp bố mẹ. Để phân định vai vế trong
gia đình và nhất là đối với người ngoài, thì trong một cuộc "đọ sức",
cậu Vinh ‘thắng trận’ và từ đó giữ vai anh còn cậu Hinh chịu vai em.
Áp út và út là hai người em gái luôn được đùm bọc và sống êm đềm trong vòng nôi yêu thương gia đình của bố mẹ và anh chị.
Có thể nói Ơn Gọi
của cha Vinh bắt nguồn ngay từ trong gia đình : trước tiên bởi bố, sau đó bởi
chị ba. Qua
bố, ngài đã hấp thụ được gương sống đạo hạnh mến Chúa yêu người ngay trong gia
đình và cả ngoài xã hội của người. Từ khi biết con mình muốn vào chủng viện,
ông cụ rất vui và thường nhắc nhở : " Con phải ráng học và tu cho đến nơi
đến chốn để đáp lại sự mong chờ của Giáo Hội...". Lời khuyên răn tuy mộc
mạc nhưng bao hàm nhiều ý nghĩa này, đã ghim vào ký ức của ngài, và đã là động
lực giúp ngài vượt mọi gian nan, thử thách trong suốt chặng đường theo chân
Chúa.
Qua chị ba, ngài được dìu dắt bằng tình thương đơn sơ, đức vâng lời và tính nhẫn nại. Lúc còn nhỏ, nhận biết em mình muốn đi tu, chị vui mừng khích lệ, chỉ dạy và thường dẫn ngài đi thăm các cha với mong ước em mình sẽ được một cha nhận đỡ đầu cho vào chủng viện. Mỗi lần như thế, chị chuẩn bị hai chai lạc rang và đưa cho em để làm quà tặng các cha. Cuối cùng, qua trung gian thầy Phaolô Nguyễn Thái Bá, bấy giờ mới chịu chức Năm, ngài được cha Phêrô Nguyễn Văn Phong, cũng là bố của cha Nguyễn Thái Bá, nhận đỡ đầu và giới thiệu vào tiểu chủng viện Ba Làng lúc 12 tuổi. Hai năm sau, cha Phong tạ thế và Cha Bá, mới chịu chức Linh mục, nhận làm ‘cha đỡ đầu’ của chú Vinh.
Hành trình Chủng Viện…(1947-1965)
Đời tu của Đức Ông
Mai Đức Vinh là một cuộc hành trình "ba chìm bảy nổi". Chú Vinh vào
tiểu chủng viện Ba Làng lúc 12 tuổi (1947). Hai năm sau, vì tình trạng chiến
tranh, chủng viện Ba Làng bị đóng cửa. Một năm sau, gia đình lo liệu cho chú
Vinh trốn xuống một thuyền người bà con buôn nước mắm, chạy ra Phát Diệm, bấy
giờ gọi là vùng Tề, tức là vùng ‘quân đội Pháp và quân đội quốc gia chiếm
đóng’. Ở đây, chú Vinh có một ông chú là linh mục Phêrô Mai Đức Thạc, đang làm
Sở xứ Hóa Lộc, thuộc giáo phận Phát Diệm, nâng đỡ và xin cho vào học tại chủng
viện Phát Diệm. Hai năm sau, chủng viện Ba Làng được mở lại ngay thị xã Thanh
Hóa, sát gần Tòa Giám Mục. Vâng lời Bề Trên, chú Vinh lại trở về tiếp tục học
tại chủng viện Thanh Hóa. Nhưng chưa đầy hai năm, chính quyền lại yêu cầu Đức
Cha Louis Cooman Hành, giám mục giáo phận Thanh Hóa, giải tán chủng viện. Một lần nữa, chú Vinh cùng hai bạn đồng lớp
là chú Lai và chú Liễn, trốn ra ‘vùng tề’ và được ông chú Mai Đức Thạc đón
nhận, đồng thời xin cho học đệ tứ ở chủng viện Thượng Kiệm của Phát Diệm. Học
vừa được một năm thì xẩy ra biến cố ‘di cư vào Nam năm 1954’.
Mùa hè năm 1954,
chú Vinh theo ông chú Mai Đức Thạc và đoàn di cư đông đảo lên tàu của quân đội
Pháp chạy ra Hải Phòng. Ở đây hai tuần lễ, lại được tàu Pháp chở vào Sài Gòn.
Tại Sài gòn chú Vinh nhập vào đoàn các linh mục và các chủng sinh di cư của
giáo phận Thanh Hóa. Tất cả được các gia đình xứ Thị Nghè tiếp đón. Ba tháng
sau, ba chú Lai, Liễn, Vinh được lệnh đi theo cha Huynh lên Đà Lạt chuẩn bị chỗ
cho các linh mục và các chủng sinh Thanh Hóa lên sau. Các linh mục tạm trú
trong một ngôi nhà dòng Biển Đức cho mượn, có độ khoãng 40 chủng sinh. Lúc khác
thì ở trong một ngôi nhà bỏ trống của trại cà phê gần suối Camly. Trong thời
gian này, cha Nguyễn Ngọc Giá làm Bề Trên coi các chú. Chính cha Giá lại sai ba
chú Lai, Liễn, Vinh đi theo cha Huynh và cha Do xuống vùng Blao chuẩn bị cho
các chú phát rừng và ‘dựng’ chủng viện Tân Thanh của Thanh Hóa di cư… Mọi sự
tuy vất vả nhưng rất vui… Khi chủng viện đã thành hình, chú Vinh được tiếp tục
học lớp đệ tam.
Cuối niên khóa, chú được gửi đi Sài Gòn thi lấy bằng trung học. Năm sau, 1956, cả lớp của chú Vinh được gửi học tại chủng viện thánh Phanxicô thuộc giáo phận Bùi Chu, sát nhà thờ Chợ Đũi, Sài Gòn; sang năm kế tiếp lại được gửi qua chủng Viện Hà Nội, đường Nguyễn Tri Phương, khu Chợ Lớn. Hết chương trình tú tài, năm 1958, chú Vinh được về học tại đại chủng viện Xuân Bích ở Thị Nghè, Sài Gòn.. "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn": Nhờ được chuyển đi đó đây và hoạt động ở nhiều nơi mà chú Vinh đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm, quen biết nhiều bạn bè chủng sinh cũng như linh mục… Tất cả đều có ích lợi cho đời sống linh mục và công việc mục vụ hôm nay…
Học xong ba năm Triết Lý (trong đó có một năm dự bị tiếng Pháp) tại đại chủng viện Xuân Bích, Thị Nghè, thầy Vinh được bài sai đi ‘giúp xứ’ : làm giám thị và dạy học ở trường Lê Bảo Tịnh, đường Trương Minh Giảng, Sài Gòn, vào năm 1960-1961. Trường có khoảng 400 học sinh bậc tiểu học, từ đệ thất đến đệ tứ. Thầy Vinh phải ‘giúp xứ’ hai năm thay vì một năm như thường lệ, bởi phải đợi người thay thế.
Năm 1962, thầy Vinh trở về đại chủng
viện Xuân Bích, Thị Nghè, để học Thần
Học. Cuối năm thì được chịu chức ‘nhập hàng giáo sĩ’ (bấy giờ gọi là chức Cắt
Tóc), rồi cùng với cả đại chủng viện di cư ra Huế. Trước khi
chịu chức ‘Cắt Tóc’, theo quyết định của Tòa Thánh, các đại chủng sinh
từ Bắc di cư vào Nam phải gia nhập vào một giáo phận. Vì thế, thầy Vinh xin gia
nhập vào giáo phận Nha Trang của Đức Cha Marcel Piquet.
Học ở Huế chưa được bao lâu thì nhiều biến cố chính trị và chiến tranh liên tiếp xẩy ra, nên năm 1965, năm học cuối cùng, lớp của thầy Vinh phải chuyển vào đại chủng viện Vĩnh Long. Chính tại đây mà thầy Vinh được chịu chức linh mục cùng với 9 thầy khác, tại nhà thờ chính tòa, do Đức Cha Nguyễn Văn Thiện thụ phong vào ngày 17 tháng 04 năm 1965.
Những năm du học ở Rôma và dạy học tại Huế ... (1966-1977)
Vì chương trình tu học thường bị gián đoạn bởi thời thế nên cha Vinh phải mất thêm hai năm trước khi chịu chức. Thông thường, khi một lớp trẻ được nhận vào chủng viện, từ năm đầu cho đến khi chịu chức linh mục, số người được chọn cuối cùng chỉ còn lại khoảng 10 %. Lớp của cha có 60 người trẻ lúc đầu, cuối cùng chỉ còn lại có 6 người.
Trước khi được thụ
phong linh mục, cha Vinh, qua việc gợi ý của cha linh hướng Adrien Villard, xin
gia nhập hội Xuân Bích. Đức Cha Piquet
nhận lời xin của cha Vinh, nhưng Đức Cha muốn ngài về chủng viện Nha Trang giúp
dạy một năm để có kinh nghiệm đã rồi mới quyết định. Vâng lời Bề Trên, ngài về
tiểu chủng viện Sao Biển ở Nha Trang dạy học (Latinh và tiếng pháp cho hai lớp
nhỏ). Nhưng chưa tròn một năm thì Đức Cha
ban thư cho ngài gia nhập hội Xuân Bích.
Cuối tháng 09 năm
1966, cha Vinh được Bề Trên Xuân Bích gửi sang Rôma học về Giáo Luật tại Đại
Học Giáo Hoàng Thánh Tôma Aquinô. Sau
khi thi đậu cử nhân Thần Học năm 1967, cha Vinh học thêm hai năm để lấy cử nhân Giáo Luật vào
năm 1969. Chương trình học chưa xong và
trong khi còn đang chuẩn bị luận án, thì
Cha Bề Trên Cả dòng Xuân Bích lại gọi ngài trở về Việt Nam vì bên nhà đang cần
người.
Kể từ tháng 09 năm
1969, cha Vinh bắt đầu sứ vụ dạy học tại đại chủng viện Xuân Bích ở Huế trong
vòng năm năm về các môn: Luân lý chuyên biệt (morale spécifique), Giáo luật, Latinh
và Tu đức (spiritualité). Ngoài việc dạy học, cha Vinh được Bề Trên giao thêm
việc ‘tổ chức cho các thầy làm công tác xã hội’. Trước tiên là phân phối các
thầy đi thăm các bệnh viện, nhà dưỡng lão và các viện trẻ mồ côi. Đồng thời, vì
ở Huế có nhiều vụ lụt mỗi năm, nên mỗi tháng các thầy đi ủy lạo một lần :
thăm viếng, giúp dọn dẹp nhà cửa sau vụ bão lụt, phát thuốc, cắt tóc, phân phát
đồ ăn và các đồ thực dụng (xoong chảo, quần áo , cuốc xẻng…). Năm 1971, vì
hoàn cảnh chiến tranh, hàng ngàn gia đình dân vùng Quảng Trị di cư vào Huế, tập
trung tại hai trung tâm Văn Thánh và Long Thọ. Ban Xã Hội của đại chủng viện đã
lập hai trường tiểu học: Văn Thánh khoảng 800 em học sinh, và Long thọ chừng
500 em … Cùng chung sức hoạt động xã hội còn có các nữ tu dòng Mến Thánh Giá,
dòng Vô Nhiễm và dòng Thánh Phaolô.
Khi còn đang dạy học (khoảng đầu tháng 03 năm 1974) thì Cha Bề Trên Cả đến báo tin sẽ gửi cha Vinh qua lại Rôma học tiếp hai năm nữa. Ngài vội vàng thu xếp mọi việc về Sài Gòn để kịp chuẩn bị giấy tờ và sau đó lên đường sang Ý, đến Rôma vào ngày thứ bảy tuần thánh của tháng 04, tái trọ tại đại học xá của học viện Thánh Tôma Aquinô. Nhưng chưa đầy một năm sau, vào độ tháng 02 năm 1975, cha Vinh lại được thư gọi về Việt Nam trước tháng 08 để kịp dạy vào niên khóa đầu tháng 09. Vì thế ngài xin với Đại Học Tòa Thánh cho một đặc ân : trình luận án Tiến Sĩ Giáo Luật "Ngăn trở dị giáo trước và sau Công Đồng Vatican II" (L'empêchement de disparité de cultes avant et après le Concile Vatican II) trước khi về nước. Theo luật, một luận án tiến sĩ chỉ được bảo vệ sau hai năm, tính từ ngày bắt đầu ghi danh. Vì biết tình hình biến chuyển ở Việt Nam, nên Đại Học đã đồng ý cho ngài trình vào tháng 06 năm 1975. Thế nhưng, vào ngày 30 tháng 4, Sài Gòn đã thất thủ. Tiếp theo là tình hình chính trị biến động trong cũng như ngoài nước, nên cha Vinh bị cầm chân tại Ý. Trong lúc chờ đợi thời cơ để có thể trở về nước, cha Vinh đã lợi dụng thời gian, hoàn thành thêm một luận án mới về Tiến Sĩ Thần Học Mục Vụ (Théologie pastorale) : "Sự tham gia của quý chức họ đạo Việt Nam vào thừa tác vụ của linh mục" (La participation des notables de chrétientés vietnamiennes aux ministères des prêtres), được trình vào hai năm sau, tháng 06 năm 1977.
Làm việc mục vụ tại Giáo Xứ Việt Nam Paris… (từ 1977 cho đến nay)
Mùa hè năm 1977,
ngài được giới thiệu sang Pháp làm việc tại Giáo Xứ Việt Nam, trong đội ngũ của
Cha Trương Đình Hoè, Giám Đốc Giáo Xứ Việt Nam Paris thời bấy giờ, chính thức
kể từ tháng 10 năm 1977.
Ngày 29 tháng 11 năm 1980, ngài được Tòa Tổng Giám Mục Paris bổ nhiệm làm Giám Đốc Giáo Xứ Việt Nam Paris, thay Cha Lương Tấn Hoằng, xin nghỉ vì vấn đề sức khoẻ. Mười tám năm sau, ngày 12 tháng 11 năm 1998, Tòa Thánh ân thưởng tước vị "Đức Ông" cho ngài như để nhìn nhận những công trạng mục vụ ngài đã đóng góp trong việc phát triển cộng đồng công giáo Việt Nam tại Pháp nói chung và cho Giáo Xứ Việt Nam Paris nói riêng.
Nói về Đức Ông Mai Đức Vinh, chúng ta không thể tóm gọn qua vài trang chữ, nhưng ít nhiều cũng có thể nêu ra vài nét chính yếu sau đây:
1) Tính tình: Nhận xét về khía cạnh nhân bản, tuy là một người học cao hiểu rộng nhưng ngài vốn dĩ là một linh mục bình dân, đôn hậu và khiêm tốn, không thích được đề cao. Với giáo dân, ngài luôn có thái độ hòa nhã, vui tươi và rất hoạt bát với tất cả mọi người.
Vì bản tính siêng năng, thích hoạt động, có óc sáng tạo minh mẫn và tinh thần trách nhiệm cao nên ngài luôn tận dụng thời gian để làm cho được nhiều việc: từ việc trí óc, ngài chuyển sang việc chân tay; hết việc chân tay, ngài lại bước sang việc tâm linh..v.v...cách tự nhiên và dễ dàng.
2) Phương cách và chủ trương làm việc: Dựa vào sự cộng tác chung của nhiều người theo nghĩa "hợp quần gây sức mạnh" và trong tinh thần hiệp nhất:
Với các bạn đồng tu: Từ khi còn học ở đại chủng viện, ngài và ba người bạn đã thành lập nhóm Hương Việt và cho ra đời bộ "Hạnh các thánh" (viết trong ba năm từ 1959 đến 1962) gồm 12 cuốn. Về sách dịch thì có cuốn "Tự thuật của Têrêxa" viết vào năm 1964 và làm việc chung với thầy Nguyễn Hữu Văn; cuốn "Sứ điệp Têrêxa" dịch chung với ba thầy Mai Nghị Luận, Vũ Ngọc Báu và Vũ Ngọc Đăng.Với các thành phần giáo dân và tu sĩ: Ngài khuyến khích và hỗ trợ giáo dân đóng vai trò chủ động, phát huy việc đào tạo các nhân sự giáo sĩ, gầy dựng và mở mang các cơ cấu tổ chức cũng như những sinh hoạt mục vụ tông tồ giáo dân liên quan đến nhiều lãnh vực quan trọng về văn hóa, đức tin, xã hội, gia đình, khoa học... như Ban thần học giáo dân (1981), Hội đồng mục vụ (1983), Ban báo giáo xứ Việt Nam (1984), Hội liên tu sĩ (1985), Phong trào thiếu nhi Thánh Thể (1986), Phó tế vĩnh viễn (1987 - Thầy Xavier Girard, Ptvv Việt Nam đầu tiên tại Pháp [Báo GXVN số 304]), Hội yểm trợ ơn gọi tận hiến (1989), Thư viện giáo xứ (1990), Nhóm tìm hiểu ơn gọi (1992), Phong trào Cursillo (1993), Ban mục vụ gia đình (1995), Ban tu thư (1997), Phong trào liên đới nghề nghiệp (2000), Mạng lưới Internet (2002)...v.v...Đó là chưa kể đến các tài liệu và sách vở đã được thực hiện chung (xem tủ sách Giáo Xứ).
3) Kim chỉ nam:
· Thực hiện đức vâng lời
· Tận tâm phục vụ vì danh Chúa
· Tạo niềm vui cho mọi người và cho chính mình
· Xây dựng tình liên đới và duy trì sự hiệp nhất
4) Nhìn về tương lai: Những việc quan trọng cần tiến hành:
· Mục vụ giới trẻ
· Ơn gọi Tận Hiến
· Sự phát triển của cộng đoàn và dự án xây dựng cơ sở mới
Với tuổi đời chồng chất 80 năm được thể hiện trên mái tóc bạc phơ và vài nếp nhăn nơi khoé mắt, thời gian vẫn không cất đi được sự trẻ trung trên gương mặt nhân hậu và trong tâm hồn ngài.
Nhân dịp mừng lễ
Kim Khánh 50 năm linh mục và 80 năm thượng thọ của Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh,
xin tạ ơn Thiên Chúa đã đưa ngài trên con thuyền định mệnh đến với Giáo Xứ Việt
Nam Paris chúng con. Nguyện xin Chúa tiếp tục ban nhiều ơn hồn xác và gìn giữ
ngài trong suốt quảng đời phục vụ còn lại của người mục tử luôn trung thành với
sứ mạng và cũng là vị chủ chăn khả ái của cộng đoàn Giáo Xứ Việt Nam Paris.
Paris, 22.03.2015
Lễ Thánh Giuse, Quan Thầy Giáo Xứ Việt Nam Paris
Lễ kim khánh 50 năm Legio Mariae
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang