Thứ Bảy 21/12/2019 ở Sảnh Đường Clementine
"Và Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta"
(Gioan 1:14)
Đối với Neumann thì thay đổi là hoán cải, nói cách khác, là biến đổi nội tâm [7]. Đời sống Kitô hữu là một cuộc hành trình, một cuộc hành hương. Lịch sử Thánh Kinh là một cuộc hành trình, liên tục được đánh dấu bằng những khởi điểm mới. Tổ Phụ Abraham cũng thế. Cả những người Galiêa cũng vậy, thành phần 2 ngàn năm trước đã bắt đầu theo Chúa Giêsu: "Khi họ đưa thuyền vào bờ, họ đã bỏ mọi sự mà theo Người" (Luca 5:11). Từ lúc ấy trở đi, lịch sử của dân Chúa - lịch sử của Giáo Hội - luôn được đánh dấu bằng những khởi điểm mới, những chuyển dịch và những đổi thay. Cuộc hành trình này, dĩ nhiên, không phải chỉ về lãnh vực địa dư, mà trên hết mang ý nghĩa biểu hiệu, ở chỗ, nó là một lời hiệu triệu hãy khám phá ra hướng động của tâm can, một hướng động có tính cách mâu thuẫn đó là tác động cần phải lên đường để tồn tại, cần phải thay đổi để trung thành [8].
Tất cả những điều này đặc biệt quan trọng đối với thời đại của chúng ta, vì những gì chúng ta đang trải qua không phải chỉ là một kỷ nguyên của đổi thay mà là một thay đổi kỷ nguyên. Chúng ta đang sống vào thời điểm mà thay đổi không còn tính cách dọc theo hàng thẳng nữa mà là tính cách kỷ nguyên. Nó bao gồm những chiều kích nhanh chóng biển đổi các cách thức sống động của chúng ta, những cách thức liên hệ với nhau, những cách thức truyền đạt và suy nghĩ, những cách thức ra sao nơi mối liên hệ của các thế hệ, cũng như cách thức chúng ta hiểu biết và cảm nghiệm đức tin và khoa học ra sao. Chúng ta thường tiến đến việc thay đổi như thể nó là vấn đề chỉ như việc mặc quần áo mới, nhưng chúng ta vẫn còn nguyên như trước đó. Tôi nghĩ đến một lời phát biểu khó hiểu ở trong một cuốn tiểu thuyết của Ý nổi tiếng đó là "nếu chúng ta muốn mọi sự vẫn cứ giống như thế thì hết mọi sự cần phải đổi thay" (The Leopard by Giuseppe Tomasi di Lampedusa).
Phương thức lành mạnh hơn đó là hãy đối diện với những vấn đề của thời đại và tiến đến với chúng bằng các nhân đức nhận thức, parrhesía and hypomoné. Theo chiều hướng này thì vấn đề thay đổi có một khía cạnh rất khác biệt, đó là từ một cái gì đó bên lề, ngẫu nhiên hay thuần bề ngoài, trở nên một cái gì đó nhân bản hơn và Kitô giáo hơn. Vấn đề thay đổi vẫn đang xẩy ra, thế nhưng được bắt đầu ở nơi con người ta là tâm điểm của nó: một việc hoán cải có tính cách nhân loại học [9]
Chúng ta cần khởi động những tiến trình chứ không phải chỉ chiếm cứ lấy các nơi chốn: Thiên Chúa tỏ mình ra nơi mạc khải có tính cách lịch sử, trong giòng lịch sử. Thời gian là những gì khởi động các tiến trình còn nơi chốn lại làm cho các tiến trình này kết đặc lại. Thiên Chúa ở trong lịch sử, ở trong tiến trình. Chúng ta không được tập trung vào việc chiếm lấy các nơi chốn liên quan đến việc thực thi quyền lực, mà là vào việc bắt đầu các tiến trình lịch sử dài hạn. Chúng ta cần phải khởi động các tiến trình hơn là chiếm cứ các nơi chốn. Thiên Chúa đang tỏ mình ra trong thời gian và đang hiện diện trong các tiến trình của lịch sử. Tiến trình này đặt ưu tiên cho những hoạt động phát sinh ra những gì là năng động mới về lịch sử. Nó đòi phải nhẫn nại, đợi chờ [10]. Theo đó, chúng ta được thôi thúc lưu ý tới những dấu chỉ thời đại bằng con mắt đức tin, nhờ đó hướng đi của việc thay đổi này cần phải "gợi lên những vấn đề cũ mới mà chúng ta cần phải đối diện" [11].
Trong việc bàn luận về một sự đổi thay chính yếu được đặt nền tảng trên lòng trung thành với kho tàng đức tin và Truyền Thống, hôm nay tôi muốn nói một lần nữa về việc áp dụng vấn đề canh tân của Giáo Triều Roma và tái khẳng định là việc canh tân này không bao giờ tác hành như thể chưa từng có gì trước đó. Trái lại, vẫn nỗ lực thăng hoa các yếu tố tốt đẹp xuất phát từ lịch sử phức tạp của Giáo Triều Roma. Cần phải tôn trọng lịch sử để xây dựng một tương lai có được những gốc rễ vững chắc, nhờ đó có thể thấy được hoa trái của nó. Việc dựa vào ký ức không phải đồng nghĩa với việc cắm neo khư khư nắm giữ bản thân mình, mà trái lại làm khơi động sự sống và tính chất sống động của một tiến trình liên tục. Ký ức không phải là những gì bất động mà là năng động. Chính bản chất của mình, nó bao gồm cả việc chuyển động nữa. Truyền thống không phải là những gì bất động; nó cũng năng động nữa, như vĩ nhân [Gustav Mahler] thường nói: truyền thống là một thứ bảo toàn cho tương lai chứ không phải là một thứ hộp đựng tro tàn.
Anh chị em thân mến,
Trong các cuộc họp Giáng Sinh trước đây, tôi đã nói về các tiêu chuẩn tác động đến công việc canh tân này... Năm 2017, tôi đã nhấn mạnh đến một số yếu tố mới trong việc tổ chức Giáo Triều Roma...
Trong cuộc gặp gỡ hôm nay, tôi muốn chia sẻ về các Phân Bộ khác, bắt đầu từ tâm điểm của việc canh tân, đó là việc truyền bá phúc âm hóa, bởi đó là công việc tiên khởi và quan trọng nhất của Giáo Hội. Như Thánh Phaolô VI đã nói: "Việc truyền bá phúc âm hóa thực sự là ân sủng và là ơn gọi xứng hợp với Giáo Hội, với căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu là để truyền bá phúc âm hóa" [13] Cả cho đến hôm nay, Tông Huấn Evengelii Nuntiandi vẫn tiếp tục là văn kiện mục vụ quan trọng nhất cho thời hậu công đồng. Thật vậy, đích nhắm của việc canh tân hiện nay đó là "những tập tục của Giáo Hội, những đường lối hành sự, các thời điểm và các chương trình, ngôn từ và các cấu trúc cần phải làm sao để có thể chuyên chở việc truyền bá phúc âm hóa cho thế giới ngày nay, hơn là cho việc Giáo Hội tự bảo tồn lấy mình. Việc canh tân các cấu trúc cần đến việc cải thiện về mục vụ chỉ có thể hiểu được theo ý nghĩa ấy: nó như là yếu tố của một nỗ lực làm cho chúng theo chiều hướng truyền giáo hơn nữa" (Evangelii Gaudium, 27). Bởi thế, được tác động bởi huấn quyền của các Vị Thừa Kế Thánh Phêrô từ thời Công Đồng Chung Vaticanô II cho đến nay, danh xưng Praedicate Evangelium - Rao Giảng Phúc Âm đã được chọn cho Tông Hiến mới đang được soạn dọn về việc canh tân Giáo Triều Roma. Một viễn ảnh truyền giáo.
Thế nên, hôm nay tôi muốn nói tới một số Phân bộ của Giáo Triều Roma mang danh xưng hiển nhiên cho thấy vấn đề canh tân này, đó là Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin và Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc. Tôi cũng nghĩ đến Phân bộ Truyền Thông và Phân Bộ Cổ Võ Phát Triển Con Người Toàn Diện.
Hai Thánh Bộ được đề cập đến đầu tiên đã được thiết lập trong một thời đại khi còn dễ dàng phân biệt hai thực tại được phân định rõ ràng này: một thế giới Kitô giáo và một thế giới chưa được truyền bá phúc âm hóa. Tình trạng này ngày nay không còn nữa. Thành phần chưa lãnh nhận sứ điệp Phúc Âm không chỉ sống ở những châu lục ngoài Tây phương; họ sống ở khắp nơi, nhất là tập trung ở những thành thị rộng lớn cần đến một cuộc dấn thân đặc biệt về mục vụ. Ở những thành phố lớn, chúng ta cần "những tấm bản đồ" khác, đến những kiểu mẫu khác, có thể giúp chúng ta tái định vị cách thức suy nghĩ của chúng ta cùng với các thái độ của chúng ta. Thưa anh chị em, Thế giới Kitô giáo không còn nữa - Christendom no longer exists! Ngày nay chúng ta không còn là những kẻ duy nhất tạo nên văn hóa nữa, và cũng chẳng còn là thành phần tiên phong hay những người được lắng nghe nhất nữa [14]. Chúng ta cần thay đổi cái não trạng mục vụ của chúng ta, một thứ não trạng không có ý tiến đến một thứ chăm sóc mục vụ tương đối. Chúng ta không còn sống trong một thế giới Kitô giáo nữa, vì đức tin - đặc biệt là ở Âu Châu, nhưng cũng ở cả một phần lớn ở Tây phương - không còn là một giả định của đời sống xã hội nữa; thật vậy, đức tin thường bị loại trừ, chế nhạo, gạt bỏ và chê cười.
Điều này đã được Dức Biển Đức XVI làm sáng tỏ khi ngài tuyên bố năm 2012 là Năm Đức Tin: "Trong quá khứ có thể nhận thấy một thứ liên kết về văn hóa một cách chặt chẽ, mối liên kết được rộng rãi chấp nhận nơi lời kêu gọi của nó đối với nội dung của đức tin cũng như đối với các thứ giá trị theo chiều hướng đức tin, tuy nhiên ngày nay điều ấy không còn nữa nơi đại đa số xã hội, vì một cuộc khủng hoảng đức tin sâu xa đã ảnh hưởng đến nhiều người" [15] Điều ấy cũng dẫn tới việc thiết lập vào năm 2010 Hội Đồng Cổ Võ Tân Truyền Bá Phúc Âm Hóa để phát động "một cuộc truyền bá phúc âm hóa mới lại ở nơi những xứ sở đầu tiên được loan truyền đức tin đã từng vang bóng và ở những nơi các Giáo Hội có nền tảng cổ kính hiện hữu, thế nhưng lại đang trải qua một cuộc tục hóa xã hội càng gia tăng và một thứ 'nhật thực cảm thức về Thiên Chúa', một tình trạng trở thành một thách đố cho việc tìm kiếm phương tiện thích đáng để nêu lên một cách mới mẻ sự thật nguyên tuyền của Phúc Âm Chúa Kitô" [16].... Đó là thế giới của chúng ta ngày nay.
Việc hiện thực hóa sự thay đổi kỷ nguyên đang khơi lên những vấn đề hệ trọng về căn tính đức tin của chúng ta, đã không đùng một cái xuất hiện đâu [17]. Nó khơi lên từ ngữ "tân truyền bá phúc âm hóa", một từ ngữ bấy giờ được sử dụng bởi Thánh Gioan Phaolô II, vị đã viết trong Thông Điệp Redemptoris Missio - Sứ Vụ của Đấng Cứu Chuộc ": "Ngày nay Giáo Hội cần phải đối diện với những thách đố khác, và xông pha tới những biên cương bờ cõi mới, cả ở việc truyền giáo ban đầu cho muôn dân, lẫn ở việc truyền bá phúc âm hóa mới cho những thành phần đã nghe rao giảng về Chúa Kitô" (Khoản 30). Điều cần ở đây đó là một việc truyền bá phúc âm hóa mới hay là một việc tái phúc âm hóa (xem khoản 33).
Tất cả những điều ấy cần bao gồm những thay đổi và việc chuyển hướng những gì cần phải tập trung, cả ở bên trong những Phân Bộ được đề cập đến trên đây cũng như ở bên trong Giáo Triều Roma nói chung [18].
Tôi cũng muốn nói thêm về Phân Bộ Truyền Thông mới được thiết lập.... Phân Bộ Truyền Thông được trao cho trách vụ liên hợp thành một cơ cấu mới 9 bộ phận trước đây đã từng liên quan đến vấn đề truyền thông một cách khác nhau và bằng những việc làm khác nhau. Những bộ phận này là Hội Đồng Truyền Thông Xã Hội, Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Nhà In Vatican, Nhà Phát Hành Vatican, tờ L’Osservatore Romano, Đài Phát Thanh Vatican, Trung Tâm Truyền Hình Vatican, Dịch Vụ Điện Toán Toàn Cầu Vatican và Dịch Vụ Hình Ảnh. Như tôi đã nói, việc thống nhất này không chỉ để cho việc phối hợp được tốt đẹp hơn, mà còn cho có được một tái dạng thức về những bộ phận khác nhau, hầu có thể cống hiến được một sản phẩm tốt đẹp hơn, cùng giữ cho việc thu thập và phổ biến được nhất trí.
Nhiều điều về những gì tôi đang nói đây cũng có thể áp dụng vào Phân bộ Cổ Võ Việc Phát Triển Con Người Toàn Diện. Phân bộ này cũng mới được thiết lập để đáp ứng những thay đổi đã xẩy ra ở cấp toàn cầu, và hợp nhất 4 Hội Đồng Tòa Thánh trước đó là những Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình, Hội Đồng Cor Unum, và Hội Đồng chăm sóc mục vụ cho những Người Di Dân và các Nhân Viên Chăm Sóc Sức Khỏe... Tôi muốn nhắc lại vấn đề phát triển cần phải toàn vẹn quan trọng biết bao. Thánh Phaolô VI đã nhận định rằng "để trở nên chân thực, thì việc phát triển cần phải có tính chất toàn diện; nó cần phải phát động việc phát triển hết mọi con người và toàn thể con người" (Populorum Progressio, 14).
Đến đây, cần phải thận trọng về khuynh hướng nghiêm ngặt. Tính chất nghiêm ngặt xuất phát từ nỗi sợ thay đổi, một nỗi sợ cuối cùng tiến đến chỗ dựng lên các hàng rào và chướng vật về lãnh vực công ích, biến nó thành một bãi mìn của những gì là bất khả thông và hận thù ghen ghét. Chúng ta hãy luôn nhớ rằng ở đằng sau hết mọi hình thức nghiêm ngặt đều chất chứa một thứ bất cân bằng. Tính chất nghiêm ngặt và mất cân bằng quyện vào nhau một cách tệ hại. Ngày nay khuynh hướng nghiêm ngặt này đã trở nên rất thực hữu.
Anh chị em thân mến,
Giáo Triều Roma không phải là một cơ cấu tách biệt khỏi thực tại, cho dù cái nguy cơ này bao giờ cũng có đó. Trái lại, Giáo Triều Roma cần phải được nghĩ đến và cảm nghiệm theo khung cảnh của cuộc hành trình với con người nam nữ ngày nay và trước bối cảnh của chiều hướng thay đổi kỷ nguyên này. Giáo Triều Roma không phải là một dinh thự hay một tủ áo đầy những thứ y phục để thay mặc. Giáo Triều Roma là một cơ cấu sống động, và càng phải là như thế đến độ Giáo Triều Roma sống Phúc Âm một cách toàn vẹn.
Đức Hồng Y Martini, trong cuộc phỏng vấn cuối cùng của mình, mấy ngày trước khi ngài qua đời, đã nói một điều khiến chúng ta phải suy nghĩ: "Giáo Hội ở sau thời gian cả 200 năm. Tại sao Giáo Hội không bừng tỉnh chứ? Có phải vì sợ hãi? Sợ hãi thay vì can trường? Tuy nhiên đức tin là nền tảng của Giáo Hội. Đức tin, cậy trông, can trường... Chỉ có tình yêu mới thắng được những gì là mệt mỏi" [20].
Giáng Sinh là lễ về tình Chúa yêu thương chúng ta. Tình yêu thần linh này là những gì tác động, hướng dẫn và điều chỉnh sự đổi thay, và thắng vượt nỗi sợ hãi của loài người trong việc bỏ lại sau lưng "cái an toàn" để một lần nữa gắn bó với "mầu nhiệm" này.
Chúc tất cả mọi người một Giáng Sinh hạnh phúc!
* * * * *
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu