ĐẾN NHÀ MÌNH
S |
ớm nay, trời ảm đạm và se lạnh. Mùa đông đã thực sự
đến và đang vẫy chào tạm biệt thu vàng. Những chiếc lá cuối cùng đang rơi vội, tô
xuống trên mặt đất một màu vàng úa của sự tàn phai. Đông đến, thời tiết lạnh
giá đi kèm theo cảm giác vội vàng muốn trở về nhà khi người ta hoàn tất công
việc của mình mỗi ngày. Mùa đông, cây cối dường như cũng muốn ngủ vùi giống như
con người. Cành khô trụi lá trơ trơ giữa băng tuyết, rồi chúng lặng im như không
có bất kỳ mảy may dấu hiệu của sự sống. Khi mùa đông đến, những ngày tháng cuối
năm này, cũng giống như mọi người, tôi chỉ muốn chui mình vào chăn ấm trong nhà
đóng kín cửa để xua đi băng giá lạnh lẽo của mùa cuối cùng trong thiên nhiên.
Thế nhưng, cũng vào đông, có một người cũng thực sự đã gõ cửa ngôi nhà của nhân
loại để xin ở lại và mong muốn đem bình an, ấm áp yêu thương đến cho thế giới.
Con người đó chính là Ngôi Hai Thiên Chúa mà cả thế giới sắp mừng Sinh Nhật của
Ngài trong mùa lạnh giá này.
Cứ vào mỗi sáng mùa đông, lúc mở mắt thức
dậy, tôi đã nghe vẳng tiếng nhạc của những bản thánh ca Giáng Sinh. Những bản
ấy như tên gọi của nó ‘bài thánh ca buồn’, quả thật luôn làm cho người ta nhớ
về một mùa đông của năm xưa, khi tình yêu sánh đôi nhau cùng đến thánh đường,
cùng mừng sinh nhật Chúa. Thế mà, tình yêu ấy chỉ vỏn vẹn diễn ra vào ngày hai
người yêu nhau quỳ bên hang đá thề hứa sắt son. Rồi mùa qua mùa, tình yêu cũng
tan bay như những bông hoa tuyết rất nhẹ mà không thể nắm bắt được trong bàn
tay. Tình yêu con người là thế, hữu hạn, tàn phai, và mau tan biến… Chẳng có gì
là lâu bền trong thế giới vật chất bởi chính do hậu quả của tội lỗi mà ngay từ
thuở đầu, con người đã đánh mất sự trọn vẹn khi xa lìa Thiên Chúa. Và khi Thiên
Chúa nhớ lại lời đã hứa sẽ ban Đấng Cứu Chuộc cho con người, Ngài đã đến với
con người một cách rất diệu kỳ. Sự diệu kỳ đó chính là việc Thiên Chúa trở nên
người giống như tôi và xem nhà của nhân loại là nhà mình.
Tôi vẫn có cảm giác rất hạnh phúc khi mùa
đông tới. Bởi vì tôi đã luôn muốn dành tặng món quà cho Chúa bằng việc tranh
thủ nhặt thật nhiều những cọng rơm hy sinh để dâng lên Hài Nhi Giêsu vào ngày
mừng sinh nhật Ngài. Thế nhưng, tôi cũng vẫn cảm thấy lòng mình chợt có một nỗi
niềm cảm thương với Giêsu. Tại sao Chúa không sinh ra nơi nào tốt hơn, trong
một gia đình khá giả chẳng hạn, hay nơi một lâu đài cung điện để Chúa bớt khổ?
Nhìn cánh thiệp mừng chúc Giáng Sinh với cảnh ngôi nhà phủ đầy tuyết, nhưng bên
trong đèn sáng và lò sưởi ấm áp gia đình đang quây quần mừng lễ, tôi thương
Chúa Ngôi Hai phải sinh ra lạnh lẽo ngoài trời trong hang lừa mà sự ấm áp chỉ
có từ hơi thở của đàn súc vật. Tại sao Chúa làm vậy? Con người là gì đâu mà
Chúa lại hạ mình đến tận cùng thế kia? Nhưng rồi, khi mùa đông qua đi, lúc rong
chơi và thả mình vui với những ngày xuân, hay khi bước vào hạ đầy những lời
chào mời, rồi đón thu sang với bao ký ức đan xen trong cả bốn mùa với những bức
bối khó chịu, những nản lòng muốn buông tay bỏ cuộc, những thất vọng ê chề vì
giới hạn bản thân và trái ngang của tình yêu thụ tạo, tôi mới hiểu hết được câu
trả lời của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã yêu tôi, đã chờ đợi và đã đến nhà tôi để
ở với tôi. Người trở nên giống như tôi, chia sẻ với tôi trong cái nghèo của
phận người, trong cái giới hạn của nhân loại để nói với tôi và thế giới: Ngài
yêu tôi, yêu đến độ đánh đổi ngai vàng thiên quốc vì tôi, vì con người.
Khi đông đến, tôi thích nghe những bản
nhạc thánh ca, thích nhận được những tấm thiệp với hình bông tuyết rơi xuống trên
bầu trời lấp lánh ánh sao, với tà áo dài trắng tung bay trên đường đến giáo
đường khi tiếng chuông đêm thánh ngân vang… Nhưng, khác những
ngày thơ bé, giờ tôi không còn muốn trang hoàng hang đá bằng đèn sao rực rỡ và
lộng lẫy nữa, mà chỉ là một hang đá đơn sơ, một túp lều nho nhỏ trải rơm rất
dung dị và nghèo nàn như chính cảnh thực mà Chúa Hài Nhi đã đón nhận khi xuống
ở với con người. Và cũng khi ấy, tôi lại thực sự cảm nhận ra một hồng ân lớn
lao có được từ biến cố Chúa Giáng Sinh, rằng: thân phận con người này của tôi dù
là mỏng manh đến đâu, bất xứng đến đâu, có ngần có hạn và tội lỗi đến mức nào,
thì vẫn là loài thụ tạo hạnh phúc nhất. Hạnh phúc không phải từ những gì đang
diễn ra bên ngoài của tiết trời hay những thay đổi trong sinh hoạt của mùa
phụng vụ, không phải được hưởng thụ tất cả những gì tiện nghi vật chất, cảm nếm
những mật ngọt mà đời kia đang trải ra… mà hạnh phúc đến từ cảm nhận rất riêng:
‘Con không đơn độc bao giờ, bởi vì Thiên Chúa đã trở nên người giống như con,
đã đến với con, đồng hành bên con và chờ đợi con cùng trở về ngôi nhà thật
Thiên Chúa dọn sẵn’. Với thế gian, mọi niềm vui nó đem lại chỉ chốc lát qua đi,
để rồi ngày qua tháng lại, mỗi khi trở về, con người như tôi lại cảm thấy trống
vắng nặng nề. Tìm niềm vui nào nơi trần đời này để có thể thỏa mãn được khát
vọng của loài người không? Không có câu trả lời cho dấu chấm hỏi của tôi cũng
như của nhân loại đang vùng vẫy khổ lụy ngoài kia khi tìm kiếm những niềm vui đó…
Mùa Vọng đã đến và mùa Giáng Sinh đang mở ra, ý nghĩa của mùa đã cho tôi và tất
cả những ai khát vọng tìm kiếm hạnh phúc, một câu trả lời viên mãn và một niềm
hạnh phúc sâu tận nơi tâm hồn: Tôi không còn lẻ loi một mình trên hành trình
cuộc đời nữa, bởi lẽ, Thiên Chúa đã đồng hành bên tôi trong bóng dáng là một
con người, như bạn thân thiết nhất, như người yêu tôi, như chính Ngài đang ở
trong tôi, bước đi với tôi, cảm thông với tôi, thấu hiểu chia sẻ mọi giới hạn
và những yếu đuối của tôi và Ngài nâng tôi lên, đặt tôi vào trái tim yêu thương
của Ngài để ở với Ngài mãi.
Nơi máng cỏ đơn sơ, tôi thắp lên một ngọn
nến nhỏ và ngồi đó ngắm nhìn Chúa Hài Nhi. Tôi thầm hỏi Chúa ‘Năm nay Chúa
thích món quà sinh nhật nào? Năm nay Chúa đến nhà ai trước?’. Rồi như chợt đến
trong tâm trí tôi là hình ảnh những con người đang co ro ngoài đường phố khi
trời đêm, họ là khách tha hương xa quê. Từ khi bệnh dịch Corona tràn lan trên
thế giới, thì có lẽ, đã có rất nhiều gia đình rơi vào cảnh chia ly tang tóc
giống như gia đình nhỏ của Chúa ngày xưa. Có những em bé đã bị dịch bệnh lấy đi
gia đình và trở thành mồ côi bơ vơ. Và tôi hình dung khung cảnh rất nhiều những
‘cô bé bán diêm’ giữa trời đông băng giá lạnh cóng co quắp không có người
thương yêu giúp đỡ. Chắc năm nay sinh nhật Chúa mọi người buồn lắm! Các tín hữu
rất nhiều nơi vẫn chưa được đến nhà thờ để cùng nhau thờ phượng Chúa và mừng lễ
Giáng Sinh. Và đây đó, nỗi lo lắng và sợ hãi về sự nguy hiểm lây lan do dịch
bệnh vẫn còn bao trùm, khiến mọi người hoang mang. Năm nay, có bao nhiêu gia
đình không còn được sum vầy bên nhau để mừng sinh nhật Chúa nữa… Năm nay, Chúa
đến nhà nhân loại, có lẽ ngôi nhà ấy giờ trông rất thê thảm bởi đang tan hoang
do dịch bệnh, do chiến tranh, hận thù. Năm nay, mừng sinh nhật Chúa, tiếng
chuông xứ đạo quạnh quẽ hơn, bước chân đến thánh đường vắng hơn, tiếng thánh ca
cũng dần im tiếng. Nghĩ đến rồi, lại ngắm nhìn
Hài Nhi bé thơ đang mở tay ra nằm trong máng cỏ và chợt nghĩ: phải chăng đây là
do bởi chính con người đã khước từ Thiên Chúa? Phải chăng bởi vì “Người đã đến
nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận?” (Ga1, 11)
Đưa tay mở cánh cửa sổ nhìn ra đất trời,
tôi cảm nhận được làn gió lạnh theo vào phòng làm cho ngọn nến nhỏ bên hang đá
càng leo lét hơn. Phố xá ngoài kia dù thế nào, con người vẫn cứ phải tiếp tục
cuộc sống của mình. Hành trình con người là cứ đi cho đến khi tới ga xuống của
mỗi người. Thiên Chúa cũng vậy, Ngài không vì sự thờ ơ của con người, sự lạnh
lùng vô tâm từ chối của nhân loại mà bỏ dở ý định của mình. Ngày hôm nay, những
người tín hữu cũng như tất cả mọi người trên thế giới vẫn được Chúa mời gọi tin
vào Ngài, đón nhận Ngài để được ‘Ngài cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa’ (Ga
1,12b). Và cũng chính vì thế, ngôi nhà nhân loại này dù tang thương đến đâu,
vẫn không bao giờ bị bỏ hoang, bởi mỗi ngày Thiên Chúa vẫn cắm lều ở với con
người. Ngài vẫn đến và ở với bạn, với tôi hôm nay. Bất kể thế nào, Thiên Chúa
vẫn mang theo trọn vẹn đủ đầy tình yêu như con người khi Ngài ‘mở lòng ra để
nhìn và ôm vào dạ để thương toàn thể nhân loại !
Lạy Chúa Giêsu Hài Nhi! Mùa đông thật lạnh lẽo. Dẫu vậy, mỗi lần chuẩn bị đón mừng sinh nhật Chúa, chúng con vẫn luôn được dẫn vào sự ấm áp thiêng liêng từ tình yêu Chúa ban cho khi chúng con nhận ra và xác tín rằng: Chúa đã đến ở với chúng con, ngay cả khi nhân loại này như đang cô đơn nhất, đang đau khổ nhất. Cảm tạ Chúa đã yêu chúng con bằng tình yêu của một con người khi Chúa khiêm hạ giáng sinh trong máng cỏ nghèo hèn. Xin giúp mỗi người chúng con luôn biết chuẩn bị tâm hồn và cõi lòng mình nên như máng cỏ ấm áp cho Chúa ngự đến. Xin cho chúng con luôn để dành chỗ cho Chúa ngự không phải với đèn sáng, nhà cao cửa rộng, nhưng bằng lòng mến Chúa thật chân thành và thật thà khi chúng con cũng biết vì Chúa mà mở lòng đón tiếp những anh chị em đang đau khổ và giúp đỡ họ. Lạy Chúa Hài Nhi bé thơ, xin thương đón nhận tấm lòng nhỏ bé của chúng con với những hy sinh rất âm thầm để chờ Chúa ngự đến và ở lại với chúng con luôn mãi. Maranatha! Lạy Chúa, xin hãy đến !
Thérèse Thu Thủy
Bài viết khác
Âm Nhạc Công Giáo trong Văn Hóa Việt Nam - Gs Lê Đình Thông
Vidéo : NGÀY VĂN HÓA THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS - Chúa Nhật 07/04/2024
Thư mời Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ VN Paris 07-04-2024
The Chosen : Đấng được chọn - Công Bình
Rogations, nghi thức Cầu Mùa đang được hồi sinh tại giáo xứ Moissac - Công Bình
Chúc Thọ & Chúc Thêm - Cung Chi
Vâng Phục Qua Giấc Mơ - Anê Thùy Dung
Nhìn và Ngắm - Nguyễn Đăng Quế
Mùa Chay 2023 : Mùa Cháy – Mùa Chạy – Mùa Chảy - Lm Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Đức Thánh Cha Phanxicô và chuyến công du đầu năm 2023 - Công Bình
Chuyện Yếu Đuối - Trầm Thiên Thu
Suối nước chữa lành - Sr. Maria Thúy Nga, FMA
Đôi lời tri ân độc giả Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris - Giang Minh Đức
Vè Tết Quý Mão - Anna Trương Thị Lâm Sang